Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang)

Vào những ngày Tết, giai điệu vui tươi cùng ca từ đậm chất xuân của bản ‘Ước nguyện đầu xuân’ lại rộn rã vang lên ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, không ít người yêu nhạc vẫn chưa biết bài này nhạc sỹ Hoàng Trang sáng tác vào những năm 1967 – 1968, khi Miền Nam Việt Nam vẫn còn vào hồi chinh chiến.

Bản này được ca sỹ Giao Linh thu âm lần đầu tiên vào đĩa nhựa ‘Hái lộc đầu xuân’ do hãng đĩa Continental phát hành. Ngày ấy, Giao Linh hát chậm, vừa, da diết, đúng với tâm trạng của tác giả muốn gởi gắm.

Nếu để ý kỹ một chút, chúng ta sẽ nhận ra xuyên suốt nhạc phẩm là lời tâm sự của một cô thiếu nữ còn khá trẻ, ước chừng mười tám đôi mươi. Và cũng như bao thân phận khác thời binh đao khói lửa, nàng cũng hướng lòng về người yêu, một quân nhân đang đồn trú ở một tiền đồn xa xôi nào đó. Dưới đây là phần lời ca gốc mà Giao Linh đã chuyển tải trong bản thâu âm trước 1975:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này mười sáu tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng yêu thương người
Người miền chinh chiến chưa nguôi
Đón xuân gió lộng rừng xuôi
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Người tôi mến yêu đầy vơi

Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích nghe pháo nổ đây đó

Đêm xuân thiêng xin khấn
Cho đất nước em bình thường
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh thạnh chung hướng

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tròn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Cho dù minh biết hoài công
Thế nhưng vẫn mộng tương lai
Làm tin sống cho ngày mai

Vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết các ca sỹ thời nay khi hát ‘Ước nguyện đầu xuân’ đều sửa lời làm mất đi tính “người lính, chiến tranh, chia cách” và hát nhanh hơn, rộn rã hơn, vui tươi hơn để theo kịp thời đại.

Đây là phần lời mà ngày nay người yêu nhạc hay nghe:

Một rừng hoa mai nở
Một bầy chim én đưa tin
Chúa xuân giáng trần thật xinh
Năm rồi em trăng gầy
Năm này em mới tròn trăng
Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
Vì em biết yêu rồi chăng?

Thật lòng em yêu người
Một đời nhân nghĩa cưu mang
Ý anh ý đẹp trời ban
Hương trầm đêm giao thừa
Hoa lộc khoe sắc mọi nơi
Đơm nụ xuân hồng đôi môi
Tình xuân ngất ngây trần gian.

[ĐK:]
Tuy năm nay em lớn
Nhưng vẫn thích bao lì xì
Thích khoe áo đẹp mẹ cho
Thích đi hái lộc đây đó

Đêm xuân khuya em khấn
Cho đất nước ta mạnh giàu
Ước mơ giấc mộng uyên ương
Có đôi cánh đẹp tình thương.

Dù người sang hay nghèo
Đều mừng xuân ngát hương say
Ý mong phước lộc tràn tay
Ôm nàng xuân trong lòng
Môi hồng âu yếm nụ hôn
Đón xuân ước nguyện đêm nay
Đời ta có nhau ngày mai.

Và đây là tờ nhạc do nhóm “Trăm Hoa Miền Nam” phát hành đầu năm 1968.

Ước Nguyện Đầu Xuân (Hoàng Trang). Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

Trong những ngày giáp Tết, Dòng Nhạc Xưa mời quý vị yêu nhạc xa gần hãy nghe lại cả hai phiên bản “Ước nguyện đầu xuân” của cố nhạc sỹ Hoàng Trang để có những phút giây vui tươi hoặc lắng đọng, để chuẩn bị đón một mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đầm ấm.

Sầu Lẻ Bóng (Anh Bằng): Vài Điều Thú Vị

Trong những ngày xuân Quý Tỵ – 2013, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều chia sẻ qua trang web cũng như những hỏi thăm qua điện thoại. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả tấm thịnh tình của quý bằng hữu yêu nhạc xưa. Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu bản “Sầu Lẻ Bóng” của nhạc sỹ lão thành Anh Bằng cùng với một nhận xét tinh tế của bạn có nickname là “võ hương”

Trích nhận xét của “Võ Hương: ” … một trong những ca khúc được nhiều người ưa thích là bài Sầu Lẻ Bóng, trong đó có những câu bị nhiều ca sĩ sửa lời làm mất hết ý nghĩa, ví dụ như câu … Mùa thu thương nhớ bao lần đi về với tôi … = Đã nhiều năm (mùa thu) tôi sống một mình lẻ loi trong niềm thương nhớ người … bị sửa thành: Mùa thu thương nhớ bao lần đi về … “có đôi” … trở nên vô nghĩa, không kết nối với câu kế tiếp …mà người còn vắng bóng mãi! Câu tiếp theo “Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi” = câu hỏi: hay là mối tơ duyên mặn nồng ngày xưa ấy nay đã bị lãng quên? bị sửa thành : tơ duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi = câu khẳng định, mất hay!”

Bản nhạc in roneo mà chúng tôi sưu tầm được trên internet cũng có 2 chỗ chưa đúng: (1)  “tơ duyên nồng thắm” nên sửa lại thành “hay duyên nồng thắm” và (2) “thầm che đôi mắt” đáng lý nên là “buồn che đôi mắt”

Nghe “Sầu lẻ bóng” qua tiếng hát của “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh. Theo thiển ý của chúng tôi, đây là bản ghi âm này trung thành nhất với bản nhạc gốc của nhạc sỹ Anh Bằng.

Ca sỹ Lệ Quyên, một tiếng hát trẻ cũng đã có một lỗi nhỏ trong bản thu âm này (xem từ giây 2:16): “có đôi” thay vì “có tôi”

Chuyện những bản nhạc xưa hơn 30-40 năm có nhiều dị bản hay bị ca sỹ hát sai lời cũng là chuyện dễ hiểu. Chúng ta hãy cùng nhau góp ý trên tinh thần xây dựng để thế hệ mai sau có thông tin chính xác nhất về “dòng nhạc của một thời xa xưa”.

[footer]