Mùa Sao Sáng (Nguyễn Văn Đông)

Trong không khí Giáng Sinh vẫn còn đây đó, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mùa Sao Sáng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông, cũng chính là tác giả Phượng Linh của “Bóng nhỏ giáo đường” nổi tiếng mà chúng tôi đã có lần đề cập.

Mùa sao sáng (Nguyễn Văn Đông). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Mùa sao sáng (Nguyễn Văn Đông). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

mua-sao-sang--1--nguyen-van-dong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mua-sao-sang--2--nguyen-van-dong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mua-sao-sang--3--nguyen-van-dong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

MÙA GIÁNG SINH TRONG TÂN NHẠC VÀ TÂN CỔ GIAO DUYÊN CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG
(Nguồn: tác giả Phan Anh Dũng sưu tầm và đăng trên CoThomMagazine.com)

Mùa sao sáng (phiên bản tân cổ giao duyên). Ảnh: CoThomMagazine.com
Mùa sao sáng (phiên bản tân cổ giao duyên). Ảnh: CoThomMagazine.com

mua-sao-sang--tan-co--1--dong-phuong-tu--cothommagazine.com--dongnhacxua.com

“ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao.
                     Mùa sao sáng năm xưa lại về đêm sinh nhật Chúa,
                     Sao người năm xưa quên lời hứa chưa về (hò 1).
                    Chạnh nhớ ngày xưa đôi bóng giao kề (hò 2). “

      Nghệ sĩ Mộng Tuyền xuống câu hò 1 vọng cổ trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân vang, cô chắp tay ngước nhìn về hang đá có tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng nằm trên máng cỏ, rồi cô ém hơi bỏ nhỏ hát tiếp câu hò 2 trong tiếng đàn ghi-ta-phím-lõm hào hoa của Văn Vĩ, hòa với đàn kìm của Năm Cơ, và tiếng vĩ cầm của Hai Thơm cùng “quyện” với nhau trong bài ca Tân Cổ giao duyên “Mùa Sao Sáng”. Sân khấu rạp hát Quốc Thanh, Sài Gòn trước 1975 như bùng nổ trong tiếng vỗ tay tán thưởng, nhưng tim mọi người thì chùng xuống như lịm đi, khi cô đào đẹp nhứt nhì sân khấu cải lương có nghệ danh là Mộng Tuyền, huy chương vàng giải Thanh Tâm 1963, quỳ trước tượng đài Đức Mẹ, nước mắt cô ràn rụa chảy dài trên đôi má trong ánh sáng lung linh của hai hàng bạch lạp trên ngôi cao Thánh mẫu. Trong tiếng nhạc dập dìu trầm bổng của 6 câu vọng cổ, nàng kể chuyện thời chinh chiến, có hai người yêu nhau cùng trao lời hẹn ước trong đêm Giáng Sinh. Bên hang đá Bê Lem, nụ hôn vội vã chia tay người yêu trong thời binh lửa, chàng trai trẻ khoác chiến y ra đi biền biệt từ đêm Giáng Sinh năm xưa, đã mấy mùa sao rồi chưa quay trở lại! Mùa Giáng Sinh năm nay, nàng vẫn đứng chờ bên gác chuông xưa nghe điểm hồi chuông nửa đêm, mỏi mòn trông đợi người yêu qua mấy lần sinh nhật Chúa. Tiếng đàn cò Năm Cơ cầm chịch dẫn dắt Ban cổ nhạc khi nhặt khi khoan, quăng bắt đẩy đưa nhau từ câu 1 sang qua câu 2 vọng cổ, tiếng vĩ cầm Hai Thơm lộng lẫy, khi hơi Nam khi hơi Oán, trên nền nhạc ngũ cung. Lúc danh cầm ghi-ta Văn Vĩ nhấn nhá chuyển sang cung thương thì Năm Cơ chân đạp “song lang”, tiếng mõ vang lanh lảnh báo tin sắp chuyển giao cho Ban tân nhạc Lê văn Thiện sẵn sàng bắt nhịp khi ca sĩ xuống “xề”. Khi đó, ca nữ Mộng Tuyền tiến sát lại gần hang Bê Lem, đèn sân khấu quét ngang người, nàng nức nở hát từ dây Đào cổ nhạc hò 5 chuyển sang qua ca tân nhạc với Ban Lê văn Thiện:
                                     Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại.
                                        Chênh chếch mùa sao lạc loài. 
                                        Ôi! Những mùa sao lẻ đôi.
                                        Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào,
                                        Thương những mùa sao hồng đào.
                                        Ôi! Những mùa sao cách xa.”

       Sân khấu bềnh bồng như trôi dạt trong ánh sáng nhiệm mầu đêm Thánh lễ, khán giả đắm chìm trong tiếng đàn Tam tấu cổ nhạc Văn Vĩ, Năm Cơ và Hai Thơm là những đệ nhất danh cầm cổ nhạc cải lương miền Nam thời đó, cùng quăng bắt nhau, tung hứng cho nhau thật điệu nghệ, trong khi Ban tân nhạc Lê văn Thiện chờ lúc cao trào, chụp bắt, rượt đuổi Ban cổ nhạc, khi trao qua khi nhận lại, hình thành một cấu trúc nghệ thuật mới của thời đại 1960-1970, định danh là Tân cổ giao duyên. Theo mạch nhạc hết câu 5 rồi chuyền sang qua câu 6 vọng cổ, ca sĩ và hai ban Tân và Cổ nhạc như quyện vào nhau, mắt không rời nhau, khi vào Tân khi ra Cổ, nghệ sĩ Mộng Tuyền lúc thì song hành, khi thì bứt phá, rồi đợi khi Ban cổ nhạc xuống xề 24, và Ban tân nhạc “chầu” thêm nhịp 25, ca sĩ vào nhịp 26 với lời thơ áo não trong đêm Giáng Sinh thời chinh chiến:
                                      “ Người đi từ Giáng sinh xưa
                                        Mong về tương ngộ giữa mùa hội sao.
                                        Niềm tin xóa hết thương đau,
                                        Mùa sao đất Việt, mùa sao thanh bình.”

       Bài Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng của soạn giả Đông Phương Tử đã ra đời trong thời binh lửa như thế, khi khắp miền Nam đã có mất mát, tang thương. Thuở đó, không khí chiến tranh lan tràn đến từng nhà, gia đình nào cũng có người thân vào quân đội. Những buổi chia tay, những giờ hò hẹn ngắn ngủi trên sân ga, trên bến tàu đưa tiễn người vào quân trường hay đi ra mặt trận, đã thấm đẩm vào thơ ca và âm nhạc. Bản Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng nhanh chóng lan truyền từ sân khấu đến các Đài Phát Thanh và Truyền Hình rồi thâu vào băng và đĩa nhạc 45 tours. Miền Nam thời đó, nhứt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh Cần Thơ – Bạc Liêu vốn là cái nôi của bài ca Vọng cổ hoài lang của Cao văn Lầu, các ban đờn ca tài tử miền sông nước này bị mê hoặc cuốn hút trước một làn điệu canh tân mới mẻ, đã chung tay tiếp sức cho bài Tân cổ giao duyên bay xa. Mộng Tuyền, nghệ sĩ cải lương sân khấu vừa là minh tinh màn bạc, nổi tiếng tài sắc trong vở tuồng cải lương Dương Quí Phi và An Lộc Sơn, bạn diễn với Thanh Nga, Ngọc Giàu của đoàn Thanh Minh, đặc biệt với vai diễn để đời là sơn nữ Klai trong vở tuồng Mưa Rừng, Mộng Tuyền đã mang lại cho khán giả niềm say mê qua các bài tân cổ giao duyên Thầm Kín, Ngày Xưa Anh Nói, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Mùa Sao Sáng v v của soạn giả Đông Phương Tử, một bút danh của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Rất tiếc, chất lượng âm thanh của đĩa 45 tours sau thời gian 45 năm không còn được như xưa (tuy nhiên, một số bản nhạc sẽ được đăng trong trang này để làm tài liệu).

[footer]