Tiếng hát Trúc Mai

Trong bài viết giới thiệu bản “Chuyện trình Lan và Điệp 3”, Dòng Nhạc Xưa có giới thiệu bản ghi âm trước 1975 do ca sỹ Trúc Mai thể hiện. Theo thiển ý của chúng tôi, cô là người đầu tiên đem nhạc phẩm đến công chúng và cũng là người hát đạt nhất cho đến lúc này. Để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin về bà, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng đăng bài viết của ký giả Hồ Trường An trong tập sách “Theo chân những tiếng hát”.

Ca sỹ Trúc Mai. Ảnh: ThoangHuongXua

Trúc Mai – Tiếng hát trang châu mơ hóa bướm

(Nguồn: bài viết của tác giả Hồ Trường An trong tập “Theo chân những tiếng hát”, sự tầm trên HopAmPro.com)

Ca sỹ Trúc Mai. Ảnh: hopampro.com

Vào ba năm chót của thập niên 50, phòng trà Hòa Bình gần Bùng Binh Sài Gòn có những ca sĩ nồng cốt là Bạch Yến, Bích Chiêu, Thùy Nhiên và Thái Xuân, Yến Hương, Trúc Mai. Sau khi Yến Hương và Thái Xuân lần lượt rời khỏi phòng trà này thì đã có Ngân Hà và Bạch Quyên thay thế. Hát nổi đình nổi đám nhất là Bạch Yến và Bích Chiêu. Có giọng kim quyến rũ nhất là Thùy Nhiên và hiền lành nhất là Bạch Quyên. Mảnh mai kiều nhược nhất là Ngân Hà. Nhưng còn đẹp nhất phải nói là Trúc Mai.
Đối với tôi, thuở đó Trúc Mai là một giọng hát mới ra nghề, vì tôi chưa hề nghe cô hát trên làn sóng điện lẫn trong đĩa nhựa và chưa được nghe báo chí nhắc tới cô. Giờ đây, trên 40 năm qua, nhắc tới Trúc Mai trong một cuộc điện đàm, nữ ca sĩ Quỳnh Giao có cho tôi biết: “ Theo Quỳnh Giao, Trúc Mai hát khá hơn một cô ca sĩ sinh viên đã từng nổi tiếng từ 1962 trở về sau. Chị ấy hát trước sau bằng giọng thật, không bẻ qua giọng mái. Giọng Trúc Mai ấm áp. Ngặt một nỗi chị ấy cứ hát các ca khúc theo thể điệu bolero hoài nên khán thính giả sành điệu không biết được cái đẹp của giọng hát chị ấy ”.

Truyện tình Lan và Điệp 3

Dòng Nhạc Xưa giới thiệu tiếp phần 3 và cũng là phần cuối trong chuỗi ca khúc “Truyện tình Lan và Điệp” mà nhóm Lê Minh Bằng đã cảm tác từ tác phẩm văn học “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Truyện tình Lan và Điệp, phần 3. Ảnh: VietStamp.net

Đôi nét về tác phẩm “Tắt lửa lòng”

(Nguồn: wikipedia)

Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và rất nhiều người chuyển thể thành vở kịch, bản nhạc khác nhau.

Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương “Lan và Điệp” năm 1936. Và cái tên “Lan và Điệp” trở thành huyền thoại từ đó, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn cả tên tác phẩm Tắt lửa lòng.