“Còn chút gì để nhớ” được phổ nhạc và hát lần đầu tiên tại Pleiku như thế nào?

Tiếp nối bài viết về nhạc phẩm bất hủ “Còn chút gì để nhớ“, hôm nay  [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu một bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ – ghi theo lời kể của ông N.H – đăng trên báo Gia Lai Online, số Xuân Quý Tỵ 2013

Pleiku. Mùa mưa. Khoảng năm 1970. Trước một chút, tôi bị bắt quân dịch, rồi làm lính kiểng. Lo lót để được ở lại thị xã, công việc chủ yếu của tôi là… chơi nhạc. Pleiku hồi ấy được mệnh danh là thị xã của lính, thị xã của binh khí, xe pháo. Lính tráng có lúc nhiều gấp ba lần dân Pleiku.

Nhưng công bằng mà nói, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều quán xá, câu lạc bộ gắn liền với âm nhạc. Tôi còn nhớ, hồi đó một số quán cà phê ở Pleiku vẫn thường tổ chức những đêm thơ, nhạc một cách khá bài bản, ví như quán Văn, Tay Trái,… Pleiku ngày ấy cũng còn là nơi lui tới khá thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, một số người trong đó, còn sống và sáng tác cho đến tận bây giờ.

con-chut-gi-de-nho--nguyen-quang-tue--dongnhacxua.com
Còn một chút gì để nhớ (Vũ Hữu Định). Nguyễn Quang Tuệ thiết kế.

Ngoài hai mươi tuổi, tôi cùng vài ba anh em thân quen đồng trang lứa khác chơi nhạc cho khá nhiều nơi trong thị xã. Thu nhập kể ra cũng không đến nỗi nào nhưng quan trọng là vào thời điểm ấy, tính mạng mình được an toàn hơn là phải ra mặt trận. Một hôm, khoảng hơn 20 giờ, sau khi chơi nhạc, chúng tôi đang sửa soạn rời câu lạc bộ Đại Hàn (Korea Club)-nằm trên đường Hùng Vương (đường Hoàng Diệu cũ, chỗ sát tường rào Nhà Văn hóa Lao động, gần đối diện với cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ) để trở về nhà thì có một tốp người đi vào. Sở dĩ hàng đêm chúng tôi phải về sớm là vì, hồi đó, chừng 22 giờ hoặc trước 22 giờ một chút, Pleiku đã phát lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà.

Tôi nhìn thấy trong nhóm đang đi vào ấy có mấy người tôi biết mặt, biết tên từ trước, số còn lại thì sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết họ. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Kim Tuấn (tức Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (1938-2003), quê Hà Tĩnh, hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, tác giả các lời thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân, đồng thời là thầy dạy tiếng Anh của anh em tôi ở Pleiku), đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển (nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả của tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2009).

Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.
Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.

Cùng đi với những văn nghệ sĩ ấy còn có một vài người khác nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được một người đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh trong buổi tối hôm ấy. Người ấy trẻ, trạc tuổi tôi, mặc một tấm áo màu xám, sau lưng có dòng chữ LCĐB in đậm.

Thấy chúng tôi đứng dậy toan về, nhạc sĩ Phạm Duy nói: Ở nguyên đó đi, có việc cần đấy. Chúng tôi miễn cưỡng chờ, dù trong lòng ai chắc cũng đã nóng như lửa đốt, vì giờ giới nghiêm đã tới rồi. Dường như biết sự lo lắng của mấy anh em nhạc công, ông Phạm Duy lại bảo: Lát có xe đưa về. Cứ yên tâm. Đến nước này thì chúng tôi cũng đành yên tâm vậy, vả lại có ông sĩ quan quân cảnh ở đây, chắc chúng tôi sẽ không bị làm phiền vì về nhà lúc đã quá giờ quy định.

Nhạc sĩ Phạm Duy kéo ghế ngồi xuống, mấy người đi cùng lặng lẽ tản ra xung quanh. Ông lấy trong túi cái áo màu đen đang mặc ra một tờ giấy và một cây bút rồi bắt đầu kẻ các dòng nhạc rất nhanh. Một lát sau, thấy chúng tôi đã đứng, ngồi sẵn sàng bên các nhạc cụ quen thuộc của mình, ông hất hàm bảo: Đô trưởng, boston nhé. Và thế là ông cầm tờ giấy hát trước, mấy anh em tôi đệm theo sau. Ngoài trời lúc ấy có mưa nhưng không nặng hạt lắm.

Giọng Phạm Duy lúc bổng khi trầm khá cuốn hút. Ông dứt lời, mọi người vỗ tay chúc mừng. Tôi nhớ, hình như Phạm Duy hát xong có đặt tờ giấy xuống bàn, gạch sửa chút ít gì đó, hát lại một vài câu rồi mới gấp nó lại bỏ vào túi áo thì phải. Riêng người đặc biệt của tôi đêm ấy thì không nói gì, anh lặng lẽ ngồi đó cho đến khi chúng tôi được một chiếc xe Jeep đưa về tận nhà, mà không bị ai xét hỏi dọc đường. Lúc ấy, tôi đã biết: Anh là Vũ Hữu Định, một người lính phản đối chiến tranh nên bị đày lên mặt trận cao nguyên nguy hiểm trong màu áo LCĐB (lao công đào binh).

Nhiều chục năm đã trôi qua, bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định sau khi được Phạm Duy chắp cánh, có thể nói đã trở nên bất tử, suốt từ sau những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay. Tôi rất thích khi có người viết rằng Vũ Hữu Định (và cả Phạm Duy nữa) đã đội vương miện cho thành phố này-Phố núi Pleiku. Tôi biết Vũ Hữu Định từ dạo ấy. Nhưng cũng phải nói thật, ban đầu, tức cái đêm hôm đó, tôi quý anh không phải vì thơ, mà chính là vì thấy… lạ quá, nể phục trong lòng quá.

Trong đầu tôi bao năm vẫn cứ mãi loanh quanh một câu hỏi: Tại sao những văn nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại cất công đi tìm anh, chơi với anh, coi anh như bạn bè thân thiết, trong khi anh đang là lao công đào binh, một người đã phải đứng trước tòa án binh lãnh án, bị đày ra phục dịch tại mặt trận, nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Sau này tôi mới hiểu, đằng sau thân hình thấp nhỏ kia, bên trong tấm áo xám ấy là cả một tâm hồn lớn của một tài năng. Và, những người lớn đã vì tài năng mà quý nhau, đến với nhau, bất kể thân phận cụ thể…

Rất nhiều năm sau, khi tập thơ của Vũ Hữu Định được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, internet đã phổ biến rộng rãi và nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam định cư, thường tổ chức các đêm diễn lớn, tôi đã đọc thêm được ở đâu đó những thông tin về bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Rằng nó đã được viết hồi năm 1970, từng được đăng trên tạp chí Khởi hành… Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần lên Pleiku tìm cảm hứng sáng tác, đã gặp Vũ Hữu Định và như ông từng viết thì: Vũ Hữu Định chính là một thi sĩ đích thực. Giống nhiều người khác, khi phổ thơ, vẫn thường thêm vào hay bớt đi một vài câu chữ của nguyên bản, nhưng riêng với Còn một chút gì để nhớ thì Phạm Duy “kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm”-như ông thừa nhận.

Có thể, sau cái lần tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên cho tác phẩm của mình tại Pleiku ấy, nhạc sĩ Phạm Duy còn chỉnh sửa thêm nữa trước khi công bố để bài hát trở nên nổi tiếng. Nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, dù vào thời điểm ấy, tôi chưa hoàn toàn ý thức được vấn đề, vì bài hát chưa được ai biết, ngoài tác giả, vài bạn bè của ông, trong đó có Vũ Hữu Định và chúng tôi-những người chơi nhạc tình cờ được Phạm Duy nhờ vả chút ít trước giờ giới nghiêm, thời mà Pleiku còn như là… trại lính.

Pleiku từ một thị xã bé nhỏ, nay đã được mở rộng, khác xưa rất nhiều. Tôi đã ở đây suốt từ thời ấu thơ, cho đến lúc về già, chứng kiến biết bao thay đổi. May mắn thay, dù cuộc sống có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là chơi nhạc và dạy nhạc. Trong cơ man âm thanh vang lên mỗi ngày ấy, tôi và rất nhiều những bạn trẻ yêu nhạc, vẫn dành những tình cảm trìu mến cho thành phố này. Chúng tôi đã yêu quý, gắn bó với Phố núi Pleiku, một phần vì âm nhạc, trong đó có tác phẩm của Phạm Duy-Vũ Hữu Định-Còn một chút gì để nhớ.

Vũ Khanh: trở về sau 30 năm

   Saigon, February 23, 2012 – DongNhacXua.com  | Vũ Khanh   
Chúng tôi đã mến mộ giọng hát của ca sỹ Vũ Khang hơn 20 năm qua. Anh không có kỹ thuật điêu luyện như đàn anh Tuấn Ngọc, không có làn hơn khỏe như Elvis Phương hay sự lả lướt của Duy Quang. Thế nhưng Vũ Khanh có một chất giọng trầm ấm và cách xử lý rất riêng mà một khi đã nghe và thích anh hát thì khó mà dứt ra được. Hôm nay nhân dịp lần đầu tiên anh trở về Việt Nam sau 30 năm xa cách, chúng tôi xin thay mặt cho bạn yêu nhạc chúc anh nhiều sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho chúng ta nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa.

Nghe ‘Cô láng giềng’ của Hoàng Quý qua tiếng hát Vũ Khanh 

BÀI PHỎNG VẤN CỦA VNEXPRESS VỚI VŨ KHANH NHÂN DỊP ANH GÓP TIẾNG HÁT TẠI QUÊ HƯƠNG

– Lần đầu tiên về Việt Nam sau hơn 30 năm xa cách, cảm giác của anh thế nào?

Khi máy bay bắt đầu đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi có những cảm xúc khó diễn đạt khi nhìn thấy quê hương. Máy bay càng gần mặt đất, tôi lại thấy càng gần gũi với những con người, những khán giả chưa gặp lần nào. Cảm xúc đó cho đến giờ tôi vẫn chưa diễn đạt được.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lại vào Nam sinh sống từ khi chưa biết gì. Lớn lên tôi cũng chưa bao giờ được thấy Hà Nội. Khi trở về, ước mong của tôi là được thấy nơi mình sinh như thế nào. Có lẽ vì điều ấy mà tôi hay hát những ca khúc về Hà Nội. Thủ đô của Việt Nam có một cái gì đó rất lôi cuốn, đặc biệt như ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn. Nó khiến tôi cảm thấy bay bổng hơn khi cất tiếng ca.

Vũ Khanh là ca sĩ
Vũ Khanh là ca sĩ ăn khách tại hải ngoại cùng thế hệ với Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà… Ảnh: V.K.

– Khán giả trong nước biết anh nhiều qua các cuộn băng thu chung với Ý Lan. Mối duyên nào đã gắn kết giọng hát của anh chị?

– Đây là một tình cờ rất đẹp. Trung tâm Diễm Xưa ở hải ngoại gắn kết chúng tôi và cũng không ngờ, chúng tôi dính liền với nhau 20 năm nay.

Tôi với Ý Lan gặp nhau là một định mệnh. Đôi lúc tôi cũng muốn kết hợp với giọng hát mới cho lạ, nhưng rồi cũng không thể rời xa được Ý Lan trong các bản song ca. Chúng tôi thường đùa với nhau là mình đứng trên sân khấu phải tựa vai nhau để thành công, để thăng hoa. Đứng cạnh Lan, tôi thấy mình hát hay hơn, thoải mái và an bình hơn.

Anh dành tình cảm nào đặc biệt cho Ý Lan?

Ý Lan là người đã có gia đình và đang rất hạnh phúc. Để có được hạnh phúc, cô ấy cũng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời lắm.

Tôi rất phục Ý Lan. Lan có niềm đam mê âm nhạc khác biệt lắm. Thậm chí, cô ấy có thể chết vì nghề. Có những lúc gặp nhau trên máy bay, tôi thấy cô nằm gục trên ghế ngủ nhưng khi bước xuống trình diễn thì lại rạng rỡ như một đóa hoa. Tôi thường nhìn vào Lan để học cách làm việc. Chúng tôi cùng nâng đỡ nhau và Lan là một người bạn tốt. Cô ấy khích lệ tôi trở về Việt Nam và hiện giờ tôi có mặt ở quê hương chính là một phần công sức của Lan.

– Quý Ý Lan như thế, sao anh không nghĩ sẽ phát triển tình bạn này thêm một bước?

– Sự sát cánh của cô ấy trên sân khấu là một nguồn động viên cho tôi rồi. Chúng tôi chỉ có duyên trên sâu khấu, chứ sau khi hát xong thì mỗi người đều có việc riêng. Nhà tôi cách nơi Ý Lan ở 15 ngã tư đường thôi, nhưng chưa có khi nào gặp nhau cả, trừ khi đi hát. Khi tôi hát ở tiểu bang này thì Lan hát ở tiểu bang khác. Nhưng đã có duyên thì cái gì cũng duyên. Như bây giờ chẳng hạn, sau gần 20 năm trời, chúng tôi lại hát cùng nhau tại quê nhà khiến tôi rất vui.

Ý Lan là nữ ca sĩ gắn bó với Vũ Khanh trong suốt 20 năm ca hát tại hải ngoại. Ảnh: V.K.
Ý Lan là nữ ca sĩ gắn bó với Vũ Khanh trong suốt 20 năm ca hát tại hải ngoại. Ảnh: V.K.

Anh bắt đầu sự nghiệp ca hát như thế nào?

Đó cũng là một sự tình cờ. Gia đình tôi có tất cả 11 anh em, chỉ mình tôi theo con đường ca hát. Sự gặp nhau trong âm nhạc giữa những người Việt ở hải ngoại khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi bắt đầu tập tành hát. Bỗng chốc, tôi trở thành ca sĩ bất đắc dĩ, mọi người chấp nhận tiếng hát của tôi. Đơn giản chỉ có vậy thôi.

Anh và Tuấn Ngọc là hai giọng ca nam “ăn khách” tại hải ngoại. Tuy nhiên, có vẻ như anh kín tiếng hơn nam ca sĩ “Riêng một góc trời” về sự nghiệp lẫn đời sống tình cảm. Vì sao thế?

– Tôi không thích sự ồn ào, mà trân trọng đời sống giản dị. Sau khi đi hát thì tôi trở về thực tế. Tôi hiểu rằng cái gì cũng có giá của nó và người nghệ sĩ hay có sự bạc bẽo nào đó đi kèm. Nên tôi phải chuẩn bị cho mình một tư thế khỏi bị hụt hẫng, Sự hụt hẫng rất nguy hiểm. Người nghệ sĩ ở ngoại quốc hay Việt Nam cũng vậy. Cái bất hạnh của nghệ sĩ là khi không còn được khán giả yêu mến nữa sẽ quỵ ngã một cách thê thảm lắm.

Khi thành danh và được vinh dự gọi là “danh ca”, tôi lo lắm. Tôi lo lúc nào đó những tiếng vỗ tay không còn. Và dù muốn hay không, khi bước lên sân khấu tôi luôn có một cảm nghĩ là mang nợ những tràng pháo tay đó.

– Cuộc sống đời thường của anh thế nào?

– Tôi không gặp được may mắn và hoàn toàn thất bại trong hôn nhân. Đến giờ, tôi cũng chưa tìm được lối thoát cho hạnh phúc.

Nghệ sĩ không sinh hoạt giống như người làm hành chính hay kỹ thuật. Họ luôn đi đây đi đó. Công việc khiến họ rất khó khăn để giữ được hạnh phúc gia đình. Thử hỏi cuối tuần, người chồng vác vali ra phi trường đi 3 ngày trời mới về thì ra sao? Có lẽ đổ vỡ hạnh phúc là phần lỗi của tôi. Nhưng tôi chấp nhận vì ông tổ nghề không bao giờ cho người nghệ sĩ hết.

– Con cái của anh thì sao?

– Tôi có hai đứa con đều đã lớn. Tôi không muốn con đi vào con đường nghệ thuật, bởi lúc nào tôi cũng có mặc cảm không làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha. Mặc cảm đó đến giờ vẫn còn.

Anh là người khá kín tiếng trong đời sống âm nhạc lẫn gia đình. Ảnh: V.K.
Anh là người khá kín tiếng trong đời sống âm nhạc lẫn gia đình. Ảnh: V.K.

Sao anh không có ý định xây dựng một hạnh phúc khác?

– Tình yêu là thứ không phải đi tìm. Tình yêu chợt đến, chợt đi như cơn gió, nhân loại cứ đuổi theo nó hoài mà không thể biết đích đến. Nếu bản thân không cố gắng, đóng góp xây dựng tình yêu thì sớm muộn gì cũng đổ vỡ. Nên tôi có hạnh phúc ở đâu thì sẽ tận hưởng ở đó, chứ không biết ngày mai sẽ thế nào.

Lần trở về này, anh chờ đợi điều gì?

– Tôi muốn hát hết cả 30 năm cuộc đời ca hát đã qua, chỉ sợ mình không đủ sức. Tôi đang tập lại những bản nhạc Cô hàng nước, Cô láng giềng, Cô hàng cà phê… được nhiều người yêu thích.

Tiếng vỗ tay của khán giả kỳ diệu lắm. Lúc tôi thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần nhất thì chính những tiếng vỗ tay làm cho tôi sống lại. Nên tôi nghĩ, cho dù hát xong một bản nhạc để rồi nằm xuống, đi luôn thì chắc người nghệ sĩ đó cũng sẽ làm.

Kỷ niệm nào ấn tượng nhất trong cuộc đời đi hát của anh?

Hình ảnh một bà cụ già 80 tuổi ngồi ngoài trời mưa để chờ đến lượt nghe tôi hát khiến tôi không bao giờ quên. Bà cụ chờ quá lâu nên người con phải vào nói với tôi rằng: “Anh Vũ Khanh ơi, bao giờ anh hát vì mẹ em lạnh quá rồi”. Tôi đã xin ban tổ chức bất cứ giá nào cũng cho tôi ra hát ngay để bà cụ được về.

Tôi nghĩ, tôi nên cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một phần đời may mắn khi có được những khán giả ủng hộ mình nhiều như thế.

 DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.