Lê Hoàng Long: cả đời vẫn mãi ‘gợi giấc mơ xưa’

Nhạc sỹ Lê Hoàng Long.

Có nhiều nhạc sỹ cả đời chỉ để lại cho hậu thế vài bản nhạc, thậm chí có khi chỉ một tác phẩm, nhưng đó lại là những sáng tác để đời. Nhạc sỹ Lê Hoàng Long của chúng ta là một trong số đó.

TIỂU SỬ (có trích dẫn từ wikipedia)
Lê Hoàng Long sinh năm 1930 tại Sơn Tây.

Ông từng học violon với thầy Lã Hữu Quỳnh rồi với thầy Lương Ngọc Châu và cũng học hòa âm với giáo sư Tạ Phước.

Từ năm 1950, Lê Hoàng Long học tại Trường âm nhạc Việt Bắc ở Tuyên Quang do nhạc sĩ Văn Cao làm hiệu trưởng, nhạc sĩ Tô Vũ là giáo sư hòa âm.

Năm 1954 Lê Hoàng Long vào định cư tại Sài Gòn, sau đó chuyển về Huế. Ở Huế được hai năm ông lại quay lại tiếp tục sống ở Sài Gòn.

Nhạc phẩm Gợi giấc mơ xưa được ông viết tại Sài Gòn năm 1955 khi người yêu của ông đi lấy chồng. Gia đình cô không đồng ý với tình yêu của hai người vì ông chỉ là một nhạc công violon.

“Ngày mai lênh đênh trên sông Hương
Theo gió mơ hồ hồn về đâu
Sóng sầu dâng theo bao năm tháng
Ngóng về đường lối cũ tìm em…

Anh ơi, đời đã lỡ hẹn thề thì đâu có ngày về
Xa anh đời em tắt nụ cười héo hắt đôi làn môi
Đêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình
Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh. “

Gợi giấc mơ xưa trở thành một nhạc phẩm nổi tiếng và được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày. Lê Hoàng Long cũng là người có nhiều bài viết, tiểu sử về các nhạc sĩ Việt Nam.

ĐÔI ĐIỀU VỀ HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA ‘GỢI GIẤC MƠ XƯA’
(Nguồn: vnExpress.net)

“Gợi giấc mơ xưa” là bài hát có hương vị thất tình. Ông có thể hé mở đôi chút về mối tình này?

– Tôi bây giờ đã già, con cái đã trưởng thành rồi, còn người ấy cũng đã cùng con cái cháu chắt ở tận phương trời nào. Thành thử tôi chẳng ngại gì mà giấu diếm. Khi còn ở Sài Gòn năm 1954, tôi có quen và yêu một người con gái tên là Lê Thu Hiền. Tình yêu đang đẹp thì bỗng có người đến xin cưới nàng. Ngay lập tức, nàng dẫn tôi đến gặp bố mình. Gặp ông, tôi chính thức xin được làm rể, nhưng ông bảo: “Để hỏi ý kiến xem em nó thế nào đã”. Không ngờ khi tôi ra về, ông quát mắng con gái: “Nếu bằng lòng lấy anh giám đốc trường dạy lái xe Auto Ecole Mayer thì còn gia đình. Còn nếu lấy anh chàng chỉ biết chơi violon tối ngày thì không còn cha con, dòng họ gì hết”. Và thế là thủ tục cưới của họ cứ tuần tự diễn ra. Hôm đó là một ngày chủ nhật cận tết Ất Mùi năm 1955, tôi đau đớn chứng kiến người yêu lên xe hoa. Ngồi chờ đoàn xe đưa cô dâu về nhà chồng trong một quán cà phê ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu), tôi thấy nàng ôm bó hoa màu trắng trong lễ phục cô dâu cùng chú rể bước lên xe. Đoàn xe chậm rãi đi qua chỗ tôi ngồi, bánh xe lăn trên đường như nghiến nát hồn tôi. Ngay lúc đó, tâm trí tôi đã hiện lên ý nhạc. Khi đoàn xe đi khuất, tôi trở về căn gác nhỏ ở đường Lý Thái Tổ và hoàn tất bài Gợi giấc mơ xưa, cả phần nhạc lẫn phần lời trong chưa đầy 10 phút.

Câu chuyện xảy ra ở Sài Gòn, tại sao bài hát lại bắt đầu bằng câu “Ngày mai lênh đênh trên sông Hương…” ?

– Đang làm ở Sài Gòn nhưng tôi quyết tâm xin ra Huế, xa những con đường, góc phố để quên đi. Tuy vậy, sau hai năm sống với sông Hương, núi Ngự, tôi vẫn không sao quên được hình bóng cũ. Giã từ Huế trở lại Sài Gòn, chiều chiều tôi lại lang thang trên lối cũ như một kẻ bị tâm thần giữa Sài Gòn hoa lệ.

Rồi ông có gặp lại cố nhân không?

– Có, nhưng chỉ vô tình gặp giữa đường phố. Hai người chỉ trao đổi ít lời ngắn ngủi về cuộc sống rồi chia tay. Biết nàng đã tay bế tay bồng nên tôi không muốn gặp thêm lần nào nữa để khỏi khuấy động hạnh phúc của nàng. Tôi lập gia đình sau đó và có 6 người con. Vợ tôi mất đột ngột vào năm 1975. Đến năm 1981, tôi tục huyền và có thêm một cháu gái. Chỉ có cô con út này là có máu văn nghệ như bố, cháu hát khá hay và đã đoạt giải nhất cuộc thi hát với organ năm 1999.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *