Văn Cao với ca khúc ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ (Văn Thao)

[dongnhacxua.com] đã có một bài viết về hai bản nhạc xuân đặc sắc có cùng tên ‘Mùa Xuân Đầu Tiên’ của Tuấn Khanh và Văn Cao, hai nhà nhạc sỹ ở hai bên chiến tuyến, sáng tác ở hai thời điểm khác nhau.  Hôm nay, nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc xưa thêm vài chi tiết thú vị về nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao qua bài viết của Văn Thao, con trai của chính nhạc sỹ Văn Cao.

Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao). Ảnh: http://baicadicungnamthang.net
Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao). Ảnh: baicadicungnamthang.net

VĂN CAO VỚI CA KHÚC ‘MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN’
(Nguồn: tùy bút của Văn Thao đăng trên tapchisonghuong.com.vn ngày 03/07/2009)

VĂN THAO… Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà số 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu vans. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.

Nhạc sỹ Văn Cao.
Nhạc sỹ Văn Cao.

Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào, âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa óng vàng chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chậm chậm tan vào không gian, mênh mang. Đôi bàn tay gầy khẽ dâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau, Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn. Khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.

– Bố! Một chút ngơ ngác rồi sau đó ông mới nhận ra tôi.

– Thao đấy hả! Con về từ bao giờ đấy?

– Từ trên trung tâm chỉnh hình Ba Vì con đến thẳng đây.

– Vết thương của con thế nào? Đi chân giả có đau lắm không?

Tôi đứng dậy kéo ống quần lên cho ông nhìn thấy chiếc chân gỗ, rồi bình thản đi quanh phòng. Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khoé mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.

– Tốt! Tốt quá rồi!… Thôi ngồi xuống đi con.

Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được nên lời:

– Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à?

– Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng Mùa xuân đầu trên đất nước mình thống nhất.

– Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?

Ông nhìn tôi giây lát. Hình như ông đã hiểu tôi định nói gì.

– Đúng thế.
Sau khi bài TIẾN VỀ HÀ NỘI ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…

Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.

… Bố vừa sáng tác xong nhạc cho phim “Chị Dậu” do bác Khoa đạo diễn. Cả bản nhạc giao hưởng thính phòng cho phim “anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim quân đội.

Dư luận rất tốt. Bố phải cảm ơn con. Chính nghị lực của con đã giúp bố vượt qua được nỗi đau lúc con gặp nạn. Bố đã tưởng mất con.

Tôi thấy cay cay khoé mắt. Cổ họng tắc nghẹn.

– Thôi mà bố. Chuyện đã qua rồi.

– Bố biết! Mọi chuyện đã qua. Nhìn thấy con hôm nay bố mới thật sự yên lòng. Bố phải cố hoàn thành bài hát trong một vài ngày tới…

Văn Cao là một người cộng sản chân chính. Mơ ước và khát vọng của ông rõ ràng, cao đẹp: “Ta mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới”… (BÀI CA BIÊN GIỚI). Ông tin sẽ có ngày xã hội “cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai…” (CÔNG NHÂN VIỆT NAM). Chính vì vậy mà bao khó khăn gian khổ, bao thăng trầm đổ xuống cuộc đời vẫn không làm ông nao núng. Ông tin những việc ông làm, con đường ông đã chọn. Và ông đã đúng! Cái thời khắc “giải phóng tiến tới thống nhất” đã đến…

Ngày 30 – 4 – 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh.

Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh… Và một cánh én. Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.

Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.

Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.

Sau tết. Tôi lên, ông đã đưa cho tôi xem bài MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN. Tôi vừa xướng âm, vừa lẩm nhẩm hát một cách say sưa:

“Rồi đặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn… Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên… Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người…

Lời ca thật dung dị với những hình ảnh gần gũi thân quen thấm đậm chất nhân văn. Giai điệu của bài hát đẹp, mượt mà và sâu lắng đã cuốn hút tôi. Càng hát tâm hồn ta càng thánh thiện hơn lên.

Cuối năm 1976 MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN được in trên báo sài Gòn giải phóng. Nhưng rồi số phận của nó cũng lại bị “người ta lãng quên”. Vào thời điểm đó, những bài hát mang tính Tụng ca ồn ào đang chiếm lĩnh diễn đàn.

Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”

Mãi hai mươi năm sau, MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN mới được các “Nhà Đài nước ta” dàn dựng và phát sóng. Từ đó đến nay MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích.
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN của Văn Cao đã khẳng định được giá trị đích thực của nó.

V.T
(179-180/01&02-04)

[footer]

Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương)

 Ngày 20/02/2015:
Hôm nay là mùng 2 tết Ất Mùi. Chúng tôi vừa nhận vài phản hồi của người yêu nhạc về bản “Ly Rượu Mừng” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Bài viết “Bình phẩm về ca khúc Ly Rượu Mừng” bên dưới là thể hiện ý kiến riêng của tác giả. [dongnhacxua.com] xin trích đăng để người yêu nhạc có thêm “món ăn tinh thần” nhân dịp xuân về.

Ngày 01/01/2014:
Chúng ta vừa bước qua những thời khắc đầu tiên của năm mới 2014. Chắc hẳn giai điệu quen thuộc của bản ‘Happy New Year’ của ban ABBA vẫn còn văng vẳng đâu đó. Một sự thật mà chắc quý vị nào cũng sẽ đồng ý với chúng tôi là ‘Happy New Year’ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể nào thiếu được trong dịp năm mới.

Thế nhưng để chọn một bài nhạc xuân đặc trưng nhất cho người Việt chúng ta thì [dongnhacxua.com] không ngần ngại chọn bản ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương.

Theo nhiều tài liệu trên internet thì ‘Ly rượu mừng’ được viết vào năm 1955 nhưng theo tờ nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì bản này được quán nhạc Minh Phát cho in vào năm 1966.  Cho dù viết vào năm nào thì chắc chắc nhạc phẩm này cũng ra đời trong thời đất nước bị chia cắt và người dân còn sống trong cảnh binh đao khói lửa. Đó cũng là lý do mà nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã ưu ái dành nhiều đoạn cho ‘người binh sỹ’ và thiết tha mong một ngày đất nước thanh bình.

Với thể điệu valse dìu dặt, cùng nét nhạc tài tình và ca từ đặc sắc, ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương xứng đáng được xưng tụng là bản nhạc xuân tuyệt vời nhất của dòng nhạc Việt.

Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương). Ảnh: sachxua.net
Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương). Ảnh: sachxua.net

ly-ruou-mung--1--pham-dinh-chuong--sachxua.net--dongnhacxua.com

ly-ruou-mung--2--pham-dinh-chuong--sachxua.net--dongnhacxua.com 

BÌNH PHẨM VỀ CA KHÚC “LY RƯỢU MỪNG”
(Nguồn: trích đăng bài viết của tác giả Cao Đắc Tuấn)

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là bài hát thịnh hành trong dịp Tết. Bài hát mời mọi người cùng uống rượu mừng Xuân và nói những lời chúc Tết đến toàn dân và đất nước. Tuy bài hát không mô tả những cảnh tượng và sinh hoạt Tết như pháo nổ, hoa tươi sặc sỡ, bánh kẹo, bài hát tiêu biểu cho Tết Việt Nam vì chúc Tết là một tục lệ quan trọng trong Tết Việt Nam. Cộng với điệu nhạc vui tươi, giai điệu tiết tấu sống động, và lối diễn tả bình dị với vài điểm đặc sắc, “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ trong dịp Xuân về.

Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của “Ly Rượu Mừng.” Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc, nhưng sẽ có phần nói về các khía cạnh âm nhạc của bài hát. Tôi dùng “khán giả” để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.

“Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho nhạc Xuân vì bài hát chú trọng vào lời chúc Tết và có điệu nhạc vui tươi sống động

 “Ly Rượu Mừng” có nội dung đơn giản, là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do. Bài hát không có những mô tả hình ảnh hoặc sinh hoạt trong những ngày quanh dịp Tết (thí dụ, pháo nổ, màu hoa sặc sỡ, kẹo bánh) nhưng rất tiêu biểu cho ngày Tết Việt Nam. Đó là vì bài hát chú trọng vào điểm quan trọng nhất trong dịp Tết: chúc Tết. Ngoài ra, bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu vả tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.

“Ly Rượu Mừng” gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do:

 Bài hát mở đầu với lời mời nâng chén rượu để chúc mọi người ở khắp nơi (“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi“), từ anh nông phu được mùa lúa thơm, người buôn bán có lợi tức, cho tới công nhân lao động thoát được cảnh nghèo khó (“Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó.”) Với các chữ “nông (phu),” “thương (gia),” và “công (nhân),” ta không thể không liên tưởng đến “sĩ nông công thương,” được coi là bốn giai cấp xã hội Việt Nam thời xưa. Không rõ tại sao Phạm Đình Chương bỏ “sĩ” (người học hành). Trong đoạn sau, ông có nhắc đến “sĩ,” nhưng đó là “nghệ sĩ” là những người sinh sống qua nghệ thuật, chứ không phải là những người sinh sống qua học hành hoặc hành nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Có thể lúc bấy giờ, số người “sĩ” không nhiều trong xã hội bằng ba giới “nông, công, thương.”

 Với “nâng chén,” tác giả mở đầu bằng hành động giơ cao ly rượu khi chúc mừng. Tác gỉả dùng “chén” và “ly” như nhau trong toàn bài hát. Ta nên nói thêm về “chén” và “ly” trong tiếng Việt.

 Chữ “chén” có nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Nghĩa thông thường của “chén” là vật dùng để uống nước, rượu, trà, thường bằng sành hay sứ. Một chữ có nghĩa tương tự là “tách” (do tiếng Pháp “tasse”) nhưng “tách” thường có tay cầm trong khi “chén” thường không có tay cầm. Nghĩa thứ hai là vật dùng để ăn, như chén cơm, chén cháo. Trong nghĩa này, người miền Nam dùng “chén” thay cho “bát” hoặc “tô” mà người miển Bắc thường dùng. “Chén” còn có thể dùng với nghĩa bóng, hàm ý chứa đựng ý tưởng, tâm tình (như “chén tình” trong bài hát).

Ngoài ra, tiếng Việt ta dùng “nâng chén” và “nhấc ly” chứ không dùng “nâng ly” hoặc “nhấc chén.” Đó là vì “nâng” là hành động trịnh trọng, hàm ý dùng sức (thực sự hay bề ngoài). Trong lúc uống rượu bằng chén thời xưa, người ta thường dùng hai tay để “nâng” chén rượu mời với ngụ ý trịnh trọng hoặc bày tỏ sự kính trọng. “Nâng” trong “nâng khăn sửa túi” hoặc tiếng lóng “nâng bi” có ý nghĩa kính cẩn trịnh trọng tương tự. Ngoài ra, vì chén thường không có tay cầm, dùng hai tay để “nâng” chén giữ cho chén thăng bằng, không đổ hoặc rớt. Ngược lại, “ly” thường có hình thể thon dài, có bầu sâu chứa rượu và chân ly dài, và nhẹ, nên cầm ly dễ dàng và không dùng sức nhiều. Do đó, khi đưa ly rượu lên cao, người ta thường dùng một tay để “nhấc” thay vì “nâng.” 

 Trở về với “Ly Rượu Mừng,” mọi người cùng nhấp chén rượu đầy vơi, chúc vui mọi người (“Á A A A Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui.”) Trong dịp Xuân về, ai cũng nao nao với những mối duyên nợ cuộc đời (“Á A A A Muôn lòng xao xuyến duyên đời.”) Với quãng “Á A A A,” bài hát khuyến khích mọi người cùng ca. Có lẽ đó là lý do “Ly Rượu Mừng” thích hợp cho hợp ca và trong cuộc họp mặt đông người khi mọi người cùng nâng ly rượu chúc lẫn nhau.

 Ly rượu được rót tràn đầy để chúc người binh sĩ lên đường ra nơi trận mạc xa xôi được thành công, làm tươi sáng cuộc đời dân lành (“Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành, sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình.”) Ta hiểu “quan san” là quan ải và núi non, thường để chỉ những nơi xa xôi, hoặc ở biên giới, đồn trú cho binh lính. Lời chúc cũng được gửi tới những bà mẹ già nơi xa xôi, nhớ thương con cháu mong mỏi được gặp lại người con đi xa, sẽ có dịp gặp lại con trở về hội ngộ chan hòa niềm yêu thương (“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/ Chúc bà một sớm quê hương/ Bước con về hòa nỗi yêu thương.”) Mọi người cùng hát bài hát vui vẻ làm tươi thắm đời người chiến sĩ, và để cho người mẹ già không còn lo âu buồn bã vì con nữa (“Á A A A Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính/ Á A A A Chúc mẹ hiền dứt u tình.”)

 Ly rượu mừng cũng gởi đến những cặp tình nhân hoặc vợ chồng đang xây tổ ấm cùng nhau (“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương/ Xây tổ ấm trên cành yêu đương.”) Điều đó không có nghĩa là chúc mừng những cặp vợ chồng mới cưới. Ta biế̉t ít ai làm đám cưới trong mùa Xuân vào dịp Tết. “Đôi uyên ương” chỉ có nghĩa cặp tình nhân, hoặc cặp vợ chồng trẻ đang tạo dựng gia đình nhỏ. Với người nghệ sĩ, chúc mừng họ đem lời ca, tiếng nhạc, câu thơ văn, và nét họa tô điểm cuộc đời thêm mới mẻ tốt đẹp (“Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ/ Tiếng thi ca nét chấm phá tô nên đời mới.”) Như trình bày ở trên, “nghệ sĩ” đây không phải là giai cấp “sĩ” trong “sĩ nông công thương” mà là những người theo ngành nghệ thuật như nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, ̣điêu khắc gia, v.v.

Nhưng lời chúc thiêng liêng nhất là lời chúc cho đất nước hòa bình, không còn chiến tranh, thịt rơi máu đổ. Đó là ngày quê hương được yên vui và những người lính trở về với chén rượu ấm chứa chan đầy tình thương yêu (“Bạn hỡi, vang lên/ Lời ước thiêng liêng/ Chúc non sông hòa bình, hòa bình/ Ngày máu xương thôi tuôn rơi/ Ngày ấy quê hương yên vui/ đợi anh về trong chén tình đầy vơi.”) Có thể đây là lý do ca khúc “Ly Rượu Mừng” không còn được thịnh hành tại Việt Nam hiện nay nữa, vì lời chúc hòa bình có vẻ mất ý nghĩa. 

Mọi người hãy cùng nhấc cao ly rượu, chúc cho tương lai sáng sủa tràn đầy tự do, đất nước thanh bình, và mọi người được hạnh phúc tràn trề (“Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời Tự Do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa.”) Trước hết, ta để ý tác giả dùng “nâng chén” và “nhấc cao ly rượu” (thay vì “nâng ly” hoặc “nhấc chén”) như đã đề cập ở trên. Thứ nhì, trong phiên khúc này, tác giả chúc đất nước tự do và thanh bình. Ta phải hiểu Phạm Đình Chương ngụ ý cầu mong nước non thanh bình và sáng trời tự do cho toàn thể đất nước Việt Nam từ Nam ra Bắc. Phạm Đình Chương lúc nào cũng tưởng nhớ đến miền Bắc. Tên hát của ông là Hoài Bắc, nói lên tâm tư này. 

 Tổng kết, mọi người mơ ước hạnh phúc ở khắp mọi nơi và hương thơm thanh bình đang dâng cao (“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi/ Hương thanh bình dâng phơi phới.”) “Phơi phới” hàm ý một khí thế đang lên. Lời chúc “thanh bình” gồm cả “hòa bình” lẫn yên tĩnh, và do đó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn “hòa bình.”

 “Ly Rượu Mừng” là một ca khúc đơn giản, gồm những lời chúc Tết cho mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc và đất nước hưởng thanh bình tự do. Bài hát có nhiều khía cạnh khác biệt với những bài hát khác về Xuân.

Tuy không mô tả cảnh tượng hoặc không khí Xuân, “Ly Rượu Mừng” tiêu biểu cho ngày Tết vì chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất trong Tết Việt Nam:

 Ca khúc “Ly Rượu Mừng” thuần túy là những lời chúc Xuân cho mọi người và đất nước. Bài hát hoàn toàn không có mô tả cảnh tượng đón Xuân, hoặc các trang lễ, chuẩn bị, và không khí của những ngày Tết theo truyền thống Việt Nam. Phạm Đình Chương cố tình gạt bỏ những hình ảnh về Xuân, mà chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất là chúc Tết. Cả toàn bài hát không hề có các cảnh tượng thiên nhiên mùa Xuân như màu sắc hoa (mai, đào), mùi hương thơm hoa, nắng vàng, gíó ngàn, tiếng chim hót; hình ảnh đón Tết và trang hoàng trong nhà như bếp hồng, bánh dầy, bánh chưng, kẹo mức, hạt dưa, trái cây, cây nêu; cảnh tượng đường phố như trẻ em khoe quần áo mới, người đi nườm nượp, phố phường đông đúc; các hình ảnh và âm thanh Tết như pháo nổ đì đùng, trống đập múa Lân, phong bì đỏ lì xì, tiếng nhạc ca hát mừng Xuân, v.v.

 Những bài hát khác về Xuân luôn luôn có, không nhiều thì it, những hình ảnh hoặc gợi ý cho cảnh Xuân và không khí đón Tết. Thí dụ như: “Rừng hoa mai đua nở” (“Tâm Sự Nàng Xuân” của Hoài Linh); “Ngắm vườn bên thấy mai đào nở,” (“Nghĩ Chuyện Ngày Xuân” của Song Ngọc); “Hoa lá nở thắm,” “hoa đào hồng thắm,” (“Cánh Thiệp Đầu Xuân” của Minh Kỳ & Lê Dinh); “Hoa đào hoa mai,” “trẻ thơ khoe áo xinh xinh,” “mứt vàng hạt dưa,” “bánh dầy bánh chưng,” “phong bì thắm tươi” (“Ngày Tết Việt Nam” của Hoài An); “chim hót mừng,” “Lập lòe tà áo xanh xanh,” “đàn chim non xinh xinh tung bay,” “tiếng pháo đì đùng,” “Ngàn hoa hé môi cười vui” (“Xuân Đã Về” của Mink Kỳ); “cánh hồng tươi thắm,” “Muôn sắc khoe tươi,” “Nồng ngát hương thơm” (“Gió Mùa Xuân Tới” của Hoàng Trọng); “nụ hoa vàng mới nở,” “lộc non vừa trẩy lá,” “bầy chim lùa vạt nắng,” “rung nắng vàng ban mai,” (“Anh Cho Em Mùa Xuân” của Nguyễn Hiền, thơ Kim Tuấn); “mai đào nở vàng bên nương,” “pháo giao thừa rộn ràng,” “trông bánh chưng ngồi chờ sáng,” “cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe phố phường” (“Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân); “nắng vàng,” “nâng phím đàn cùng hát ca,” (“Xuân Họp Mặt” của Văn Phụng).

 Thực ra, cả toàn bài “Ly Rượu Mừng,” chỉ có một chữ “Xuân” duy nhất trong câu đầu. Nếu bỏ chữ “Xuân” này và thay bằng một chữ khác như “vui,” cả toàn bài chỉ hoàn toàn nói về chúc tụng mọi người và đất nước, và không có một chút xíu gì về Xuân hoặc Tết cả. Nhưng có thật là vậy không?

 Tại sao “Ly Rượu Mừng” luôn luôn được coi là bài hát tượng trưng cho dịp Xuân về, Tết đến?

 Câu trả lời thật đơn giản nhưng cũng có thể gây ngạc nhiên: Chính lời chúc tụng là đặc tính độc đáo của Tết Việt Nam.

 Tết Việt Nam có thể không có cảnh tượng thiên nhiên như chim hót, nắng vàng, gió mát, hoặc những hoạt động nhân tạo như pháo nổ, múa rồng, múa lân, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, kẹo mứt, quần áo mới, tiếng hát Xuân, phong bì đỏ lì xì.

 Nhưng Tết Việt Nam không thể nào không có lời chúc Tết.

 Chúc tụng hoặc chúc mừng nhau gần như là căn bản sinh hoạt ở xã hội Việt Nam. Người Việt hình như bị ám ảnh với chúc tụng. Người ta chúc nhau trong bất kỳ dịp nào: sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, sinh đẻ, thi cử (trước và sau khi thi), thăng quan tiến chức, mua sắm đồ dùng, mua nhà, mua xe, cưới hỏi, du lịch, nghỉ hè, đau ốm, ra vào bệnh viện, ra mắt tác phẩm, mở cửa hàng, nhận chức vụ mới, thuyên chuyển, trình diễn, trúng thầu, ký khế ước. Trong một buổi họp mặt, cho dù bất cứ có dịp gì, luôn luôn có người đứng lên ngỏ lời chúc mọi người. Trong một bữa tiệc, sẽ có người nói, “Chúc quý vị một bữa tiệc vui vẻ.” Trên đài phát thanh hoặc truyền hình hàng ngày, các xướng ngôn viên luôn luôn có lời chúc khán thính giả, lúc thì một ngày vui vẻ, một ngày nghỉ an toàn, hoặc một buổi tối ấm cúng với gia đình. Trong một lá thư hay một e-mail, người viết thường mở đầu hoặc kết luận bằng một lời chúc. Ngay cả trong lúc gặp nhau hàng ngày cũng có lời chúc vui vẻ hoặc mạnh khỏe. Những lời chúc nhiều khi biến thành những lời chào hỏi hàng ngày, thí dụ như “Chúc bạn một ngày vui,” tương tự như những câu nói sáo rỗng “Have a nice day!” ở Hoa Kỳ.

 Người Việt có lẽ tin tưởng vào các lời chúc tụng sẽ quả thật đem lại may mắn, sức khỏe, tiền bạc, thành công, tình yêu. Trong các dịp lễ long trọng như ngày Tết, lời chúc còn có ý nghĩa “thiêng liêng” hơn các dịp khác vì có sự tin tưởng vào thần thánh, tổ tiên ông bà hoặc những người đã khuất trong gia đình, hội họp trong dịp Tết và sẽ giúp những lời cầu chúc thành sự thật. Phong tục cổ truyền Việt Nam trong dịp Tết có nhiều tục lệ như cúng kiến, xông đất, xuất hành, chúc Tết, hái lộc, biếu quà, kiêng cữ, v.v. nhưng có lẽ chúc Tết là tục lệ quan trọng nhất. Trong những ngày đầu năm, câu đầu tiên người ta nói với nhau khi gặp nhau là lởi chúc Tết. Ngay cả ngày nào đi chúc Tết ai cũng được quy định rõ rệt: “Mồng một chúc Tết mẹ cha/ Mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy.”

 Do đó, tuy không có những mô tả thiên nhiên, cảnh tượng, nhà cửa, đường phố, thiên hạ, và các hoạt động Tết, ca khúc “Ly Rượu Mừng” biểu hiện một đặc tính quan trọng nhất trong Tết Việt Nam. Đó là những lời chúc Tết trong các ngày đầu năm. Tết Việt Nam sẽ mất ý nghĩa nếu không có những lời chúc Tết và do đó “Ly Rượu Mừng” luôn luôn là một ca khúc được hát trong dịp Tết hàng năm.

 Giai điệu, tiết tấu, và điệu nhạc valse thích hợp cho lời chúc mừng Xuân với nét vui tươi và sống động:

 Bài hát được viết với nhịp 3/4, dưới điệu nhạc Valse có tốc độ/ hành độ (tempo) nhanh và do đó đem lại nét sống động và vui tươi, thích hợp cho dịp vui ăn mừng ngày Tết. Nhạc sĩ thường chọn lựa điệu nhạc (tiết điệu) khi soạn nhạc. Tiết điệu là chu kỳ của các phách mạnh và yếu theo một nhịp điệu nào đó. Tiết điệu cho thấy sự liên kết nhịp nhàng trong chuyển động. Thí dụ: valse, rhumba, fox, slow, tango (Phạm Đức Huyến, 37). Ta nên biết có hai điệu nhạc Valse, hoặc Waltz theo tiếng Mỹ: Waltz chậm (slow Waltz) và Viennese Waltz. Cả hai đều có cùng nhịp điệu căn bản nhưng Viennese Waltz có tốc độ nhanh hơn Waltz chậm, có thể nhanh gấp ba bốn lần. Waltz chậm còn được gọi là Boston, do tên thành phố Boston tại Hoa Kỳ khi điệu Waltz được phát triển và du nhập qua Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 (Xem, thí dụ như, OSLH). Nhạc Việt thường dùng Boston cho Waltz chậm và Valse cho Viennese Waltz. Trong bài “Ly Rượu Mừng,” nhạc sĩ Phạm Đình Chương ghi rõ điệu Valse trên tờ nhạc, và bài hát nên được trình bày với tiết điệu nhanh và sống động của điệu Viennese Waltz.

 Giai điệu và tiết tấu của bài hát thích hợp cho hợp ca, như trong buổi họp mặt. Bài hát có những khúc trầm bổng, ngắn gọn và kéo dài tùy vào nội dung của câu hát, tạo nên nét linh hoạt và sống động. Thí dụ câu “Bạn hỡi/vang lên/ Lời chúc/ thiêng liêng” có bốn ngắt quãng với dấu nghỉ, và ở nốt cao, diễn tả lời kêu gọi mọi người cùng vang lên lời chúc. Lời kêu gọi đó được nhấn mạnh qua bốn ngắt quãng và nốt cao tạo nên khí thế thúc giục mạnh mẽ. Tương phản với câu kêu gọi thúc giục đó, câu “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già” có cùng trường độ, nhưng không có dấu nghỉ và lời ca được kéo dài liên tục; do đó tạo ra âm hưởng êm ái nhẹ nhàng, thích hợp cho hình ảnh bà mẹ già mong chờ con.

 Bài hát gồm có những lời chúc mọi người và toàn dân đất nước. Do đó, âm hưởng bài hát sẽ có khí thế mạnh mẽ và ý nghĩa khi bài hát trình bày qua hợp ca. Tuy bài hát có thể do một ca sĩ hát, âm điệu sẽ được hay hơn nếu có nhiều ca sĩ cùng hát một lúc. Những quãng Á A A A trong bài hát là dành cho khúc hợp ca, có nhiều người đồng xướng. Bài hát cũng sẽ được trình bày linh động nếu có những khúc hát hợp ca xen kẽ những khúc hát đơn ca, hoặc hợp ca giọng nam xen kẽ hợp ca giọng nữ. Ban Hợp ca Thăng Long phối hợp kỹ thuật hợp ca và đơn ca, và hợp ca giọng nam cùng giọng nữ rất tinh vi, đem nét linh động, vui tươi, và nhiều sắc thái cho bài hát (Xem, thí dụ như, Doppelpass01 2010).

 Trong “Ly Rượu Mừng,” Phạm Đình Chương không có lối dùng chữ hoặc kỹ thuật trình bày gì đặc biệt. Bài hát có ít mỹ từ. Các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, không cầu kỳ bóng bẩy. Đó chính là điểm hay của bài hát. Bài hát gồm những lời chúc Tết cho mọi người; do đó, ngôn từ cần phải đơn giản thích hợp với bản chất bình dị và chất phác của đa số dân Việt thời bấy giờ. Không ai muốn nói những lời chúc khó hiểu hoặc bóng bẩy làm mất đi ý nghĩa chân thành của lời chúc đầu năm. Ngoài ra, vì bài hát là những lời chúc Tết và không phải là một câu chuyện hoặc tâm trạng của một người nên không có nhiều những khía cạnh kỹ thuật viết như lối trình bày, “cho thấy, đừng kể,” chú trọng vào chi tiết rõ rệt, v.v…

 Tác giả dùng những lời chúc chính xác, ̣đánh đúng vào nguyện vọng của mọi người. Với người nông phu, còn gì sung sướng hơn là ruộng lúa được mùa; thương gia buôn bán có lời nhiều; người lao động không còn nghèo khó; người chiến sĩ thành công nhiệm vụ, giúp dân lành; bà mẹ già gặp lại con trở về, hết cơn u buồn; cặp tình nhân xây tổ ấm; người nghệ sĩ tô điểm đời thêm tươi đẹp; non sông hòa bình và đất nước hưởng thanh bình tự do. Ta không thấy những lời chúc mơ hồ, sáo rỗng, máy móc, như “sức khỏe sung túc,” “sống lâu trăm tuổi,” “tài lộc dồi dào,” “con hiền dâu thảo,” “thăng quan tiến chức,” v.v…

 Tuy bài hát có lối diễn tả bình dị và đơn giản, cũng có vài điểm đặc sắc đáng ghi. Trước hết, Phạm Đình Chương trình bày cuộc uống rượu mừng là một chuỗi tác động rót rượu, nâng chén hoặc nhấc cao ly, nhấp nháp rượu, uống cạn ly, và rót thêm rượu (“nâng chén ta chúc nơi nơi / Nhấp chén đầy vơi/ Rót thêm tràn đầy chén/ Nào cạn ly/ chén tình đầy vơi/ Nhấc cao ly này“). Mỗi tác động kèm theo lời chúc mọi người. Cách mô tả đó tạo ra cảnh tượng linh hoạt sống động của một bữa tiệc khi mọi người cùng giơ cao ly rượu và chúc lẫn nhau. Thứ nhì, bài hát có vài chỗ dùng “cho thấy, đừng kể,” chi tiết rõ rệt, và ẩn dụ nhẹ nhàng. Thí dụ như “mắt vương lệ nhòa,” “máu xương thôi tuôn rơi,” “chén tình,” “thoát ly đời gian lao.” Cộng với điệu nhạc vui tươi và giai điệu tiết tấu sống động, các diễn tả này đem lại những nét chấm phá rải rác trên khắp bài hát, giúp khán giả có tâm trạng lâng lâng sảng khoái.

Kết Luận:

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” là một bài hát bất hủ cho Tết. Bài hát không có những mô tả thông thường về Tết như pháo nổ, hoa mai hoa đào nở, bánh kẹo trái cây, nhưng đánh đúng vào sắc thái quan trọng trong dịp Tết là chúc Tết. Ngoài ra, với điệu nhạc Valse vui tươi, giai điệu trầm bổng, tiết tấu sống động, và lời ca đơn giản, bài hát thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.

 [footer]

Ngày Tết Quê Em (Từ Huy)

Trong số không nhiều những ca khúc xuân đi sâu vào lòng người sau năm 1975, [dongnhacxua.com] xin được trân trọng đặt “Ngày Tết quê em” của nhạc sỹ Từ Huy vào vị trí đầu bảng mà không sợ bị cho là quá thiên vị. Ca khúc Ngày Tết quê em do cố nhạc sĩ Từ Huy sáng tác vào năm 1994 và Tam ca áo trắng là nhóm nhạc đầu tiên thể hiện. Ca khúc bắt nguồn từ một câu hỏi nhạc sỹ Từ Huy tự vấn mình: “Tại sao ta không viết một ca khúc nói thẳng vào cái ngày thiêng liêng nhất đó của dân tộc?”. Đó là một bài hát phản ánh ngợi ca không khí vui vẻ, phấn chấn trên khắp nẻo đường đất nước.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ TỪ HUY
(Nguồn: wikipedia.org)

Nhạc sỹ Từ Huy. Ảnh: wikipedia.org
Nhạc sỹ Từ Huy. Ảnh: wikipedia.org

Từ Huy, tên khai sinh là Tạ Từ Huy (15 tháng 10 năm 1948[1]10 tháng 9 năm 2006), quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, là một nhạc sĩ Việt Nam.

Từ Huy vốn học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông đã từng có những bài thơ yêu nước in trên các tạp chí Đối diện, Văn…. Sau năm 1975, Từ Huy đi vào sáng tác ca khúc. Ông là lớp nhạc sĩ đầu tiên trưởng thành sau 1975 [2].

Ngay từ những tác phẩm đầu tiên mang chất nhạc trẻ như Những lời em hát, Mùa xuân tình yêu… đã được giới thanh niên đón nhận. Những năm sau đó, ca khúc Từ Huy xuất hiện nhiều trên các sàn diễn như Chiều thứ bảy, Lời yêu thương, Một thoáng quê hương, Mong đợi ngậm ngùi, Ngày em đến

Là một trong bảy nhạc sĩ thuộc nhóm Những người bạn, Từ Huy vừa sáng tác vừa tổ chức Câu lạc bộ Nhạc sĩ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trẻ và giới thiệu các ca sĩ trẻ.

Từ Huy đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, ca khúc và album tác giả. Ông từng là hoạ sĩ báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và là thư ký toà soạn tờ Thế giới Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau một thời gian lâm bệnh [2].

[footer]

Cánh Bướm Vườn Xuân

Tiếp nối dòng nhạc xuân, một điều thú vị mà [dongnhacxua.com] sưu tầm được trên mạng là bản nhạc xuân rộn rã “Cánh bướm vườn xuân” mà chúng ta quen thuộc là do nhạc sỹ Từ Vũ đặt lời Việt. Nhạc sỹ Từ Vũ cũng chính là tác giả bản “Gái Xuân” bất hủ mà chúng tôi đã giới thiệu trong hai bài trước. Hiện trên mạng chúng ta vẫn thấy nhiều thông tin cho rằng nhạc sỹ Phạm Duy là người chuyển lời Việt ngữ cho bản “Cánh bướm vườn xuân” nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì trong bài viết đáng tin cậy dưới đây, chính nhạc sỹ Từ Vũ đã xác nhận ông chính là người đã đặt lời Việt.

Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, [dongnhacxua.com] chúc nhạc sỹ Từ Vũ dồi dào sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho đời nhiều giai điệu đẹp!

Cánh bướm vườn xuân (Lời Việt: Từ Vũ). Ảnh: PhoMuaBan.vn
Cánh bướm vườn xuân (Lời Việt: Từ Vũ). Ảnh: PhoMuaBan.vn

canh-buom-vuon-xuan--1--phomuaban.vn--dongnhacxua.com

MỘT GIỜ VỚI NHẠC SỸ CA KHÚC “GÁI XUÂN”
(Nguồn: bài viết của tác giả Hoàng Hữu Quyết đăng trên http://hoanghuuquyet.vnweblogs.com ngày 29/01/2014)

Cứ mỗi độ xuân về, mọi nhà ai cũng chuẩn bị ngoài thức ăn, uống … Trong nhà luôn có một vài chậu hoa ,nhất là hoa Mai, Đào, Cúc…Và không bao giờ thiêú một vài CD. VCD nhạc xuân( thay pháo), để lòng mình thấy hân hoan khi gió xuân về, những phút giao mùa đến.

Tuy nhiên, nhạc xuân từ sau năm 1975 rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ viết về xuân. Nhưng lại rất ít bài khi nghe mà lòng mình thấy nôn nao xuân về, mặc dù trong ca từ nhắc đến từ xuân rất nhiều, nhưng vẫn không thấy xuân …Đó là điều đáng buồn…

Và ngược lại hầu hết những ca khúc xuân đi vào lòng người yêu nhạc lại nằm ở thời điểm sáng tác trước năm 1975 rất bất hủ, mỗi khi nghe, lòng người thấy rộn ràng, tươi trẻ…mọi điều phiền muộn đều được cởi bỏ ra khỏi tâm hồn mình và có cảm giác như mùa xuân đang đến bên lưng….

canh-buom-vuon-xuan

Đó là những giai điệu quen thuộc của ca khúc Gái Xuân lại vang lên: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần…”. Ai cũng biết đó là một ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Bính, nhưng tên người phổ nhạc thì rất ít người biết đến. Trong một chuyến công tác tại Sài Gòn chúng tôi đã gặp một vài nhạc sĩ “cổ lai hy” để tìm hiểu nhưng chính họ cũng hụt trí nhớ. Cũng chính vì thế mà chúng tôi quyết tâm đi tìm tác giả ca khúc ” Gái Xuân” và cuối cùng đã xác định được tác giả ca khúc này là nhạc sĩ Từ Vũ, hiện ở số 19/14 Nguyễn Cửu Đàm (Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Sau đây là cuộc trao đổi nhanh với người nhạc sĩ tài hoa của ca khúc “Gái Xuân”.

Nhạc Sĩ Từ Vũ có vẻ bất ngờ và miễn cưỡng khi tiếp nhà báo. Nhưng ông cũng cho chúng tôi xem một chồng bản nhạc cũ, trong đó có vài tác phẩm của ông (kể cả bản gốc bài Gái Xuân). Ông kể: “Xuân Quý Tỵ (1953), tôi đang học lớp điện tử trong khuôn viên trường Petrus Ký. Lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Buồn, chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu giường có tập thơ Mây Tần của nhà thơ Nguyễn Bính. Tôi đọc thấy bài Gái Xuân, một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ) nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông). Hà Đông là quê lụa nên câu “Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân ” như đưa tôi về trong hoài niệm… Rồi những câu “Lòng Xuân lơ đãng, ý xuân nồng. Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng. Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không? “. Tài tình và nét thơ Nguyễn Bính diễn tả tâm trạng cô gái mới lớn. Tôi cũng là thằng thanh niên mới 21 tuổi. Thấm nhau lắm anh ạ. Tôi đọc bài thơ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch”. Chúng tôi hỏi: Với cây đàn guitar? Ông lắc đầu và nói: Ồ không, giấy bút và solfé cho đến lúc bản nhạc hoàn tất, sau đó mới dùng guitar để thẩm âm lại.

– Theo tôi được biết lúc đầu ca khúc Gái xuân ra đời với điệu Tango rất quý phái nhưng sau này…có nhiều điệu?

– Đúng vậy! đầu tiên ca khúc Gái Xuân ra đời với điệu Tango, nhưng dàn dà với lối hoà âm mới ở hải ngoại rồi chuyển qua Rumba, cha cha….Và tôi thấy cũng hay , rộn ràng, trẻ trung…Thể hiện đúng tình cảm của ca khúc .’

Khi chúng tôi nói: “Thưa nhạc sĩ, chúng ta trở về với bài Gái Xuân”, thì ông nói ngay: ” Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mê. Số là năm 1950 tôi theo gia đình vào Sài Gòn, một lần ghé vô tiệm nhạc trên đường Catinat tôi mua được cuốn L’art de Composition Musicale. Cuốn sách đã cho tôi những căn bản về sáng tác. Tôi viết Gái Xuân trong giai đoạn này.”

– Khi viết ca khúc Gái Xuân ông có gặp khó khăn gì về ca từ không?

Viết, nhưng bài thơ quá ngắn, tôi đành mạn phép tác giả (đến nay tôi vẫn chưa từng gặp nhà thơ Nguyễn Bính lần nào),và đã thêm vô hai câu của tôi:”Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân. Cô gái trông Xuân biết bao lần” để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát sẽ được phổ biến và đã đi vào trong tâm cảm người yêu nhạc. “

– Khi thêm hai câu của nhạc sĩ vào , ông có nghĩ thi sĩ Nguyễn Bính sẽ buồn không… ? Vì không còn nguyên thuỷ Gái Xuân ?

– Thực ra mà nói, khi đó trong lòng tôi trào dâng và cứ muốn viết sao cho đúng ý mình là tôi tự thêm để hoàn thành ca khúc mà thôi , không nghĩ đến điều đó.

Nhạc sĩ Từ Vũ kể tiếp: Dạo đó, tôi quen với ca sĩ Linh Sơn bèn nhờ cô ấy hát nhưng do cô ấy quá bận rộn, chúng tôi không có dịp trao đổi nên ngày ra mắt Gái Xuân, thú thật tôi vẫn chưa ưng ý lắm. Sau đó, tình cờ tôi gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn ở Đài phát thanh Sài Gòn, Tâm Vấn trách: “Sao anh không tặng tôi bài hát của anh”. Tôi đã chép tặng Tâm Vấn trên một tờ giấy. Sau đó tôi phải theo bố ra Phan Thiết nên cũng chẳng biết Tâm Vấn “xử lý”như thế nào với bài hát của tôi, chỉ thấy bạn bè viết thư ra cho biết Tâm Vấn hát ca khúc Gái Xuân rất hay và hát thường xuyên ở Đài phát thanh Sài Gòn.

Vào những thập niên năm 1953 ở Phan Thiết, trong một đêm lang thang ngoài phố, tình cờ tôi nghe qua sóng của Đài Phát thanh Huế phát ca khúc này qua tiếng hát của cô Diệu Hương. Tôi không biết Diệu Hương là ai nhưng tiếng hát ấy đã làm tôi đứng tựa cột đèn, ngây ngất, đến bây giờ cảm giác ấy vẫn còn.

-Sau khi ca khúc Gái Xuân chào đời và được người yêu tân nhạc thời bấy giờ đón nhận một cách nhiệt tình. Vậy ông còn viết ca khúc Xuân nào nữa không?

– Viết ca khúc nói chung, Xuân nói riêng phải tuỳ vào thần hứng anh ạ! Nhiều lúc muốn viết mà viết không ra câu nào? anh cũng thấy rồi như nhạc sĩ La Hối chỉ viết một bài ” Xuân và tuổi trẻ”,Nhạc sĩ Ngọc Bích viết bài ” Mộng chiều Xuân”, nhạc sĩ Phạm Duy cũng chỉ hai bài” Hoa Xuân” và ” xuân ca”, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu chỉ viết bài “Em Tôi”, Nhị Hà chỉ viết bài “Trở về thôn cũ”…Sau đó có viết nữa đâu và những bài ấy vẫn đi vào lòng người yêu nhạc và ca khúc ấy vẫn vượt thời đó sao?

– Ngoài Gái Xuân( nhạc xuân) ông còn viết nhạc tình không?

-Ngoài Gái xuân, tôi viết khoảng 20 ca khúc nữa và những ca khúc này đều do tôi tự thể hiện. Ngoài ra, tôi thích đặt lời Việt cho một số ca khúc nước ngoài, trong đó có những ca khúc đã trở nên phổ biến tại Việt Nam từ năm 1957 như : Cánh bướm vườn xuân (Le Carisier et le pomier), Cánh buồm xa xưa (La Paloma…). Con gái tôi vừa đầu tư thực hiện đĩa CD Gái xuân gồm 10 ca khúc trong đó có các bài Mưa cao nguyên (thơ Hoàng Hương Sơn), Mưa tháng 6 (thơ Thường Đoan) và Mưa đời lãng du (thơ Trần Hữu Ngự).

Hy vọng CD mang chủ đề ” Gái Xuân” sẽ được bạn yêu nhạc đón nhận một cách nhiệt tình – Chúc ông một năm mới an khang- và hạnh phúc.

HHQ

[footer]

‘Kẻ ngoại đạo’ Từ Vũ & Gái Xuân

Trong không khí rộn ràng cùa đất trời đang vào xuân, [dongnhacxua.com] xin gởi thêm tư liệu về bản ‘Gái xuân’ của nhạc sỹ Từ Vũ để người yêu nhạc có thêm thông tin.

‘KẺ NGOẠI ĐẠO’ TỪ VŨ & CA KHÚC ‘GÁI XUÂN’
(Nguồn: tác giả Đoàn Thạch Hãn đăng trên cand.com.vn ngày 19/11/2012)

Có những nhạc sĩ đã lưu lại được tên tuổi với đời chỉ bằng một tác phẩm duy nhất. Đó là trường hợp Lê Trạch Lựu với “Em tôi”, La Hối với “Xuân và tuổi trẻ”, Nhị Hà với “Trở về thôn cũ” và Lê Hoàng Long với “Gợi giấc mơ xưa”… Từ Vũ có đến 20 ca khúc, và một số bài hát ngoại quốc do ông đặt lời Việt. Tuy nhiên, nhắc đến ông, người ta chỉ nghĩ đến “Gái xuân” (phổ thơ Nguyễn Bính). Ca khúc này đã đưa ông lên hàng “chiếu trên” của làng âm nhạc Việt Nam, dù ông luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là “kẻ ngoại đạo”.

Chỉ còn một năm nữa thôi là “Gái xuân” tròn 60 tuổi. Nhưng dường như ca khúc này vẫn trẻ mãi không già, cho dù tác giả bài thơ đã hóa thành người thiên cổ từ lâu, và người phổ nhạc giờ đây đã bước sang tuổi 80. Có thể nói, trong danh mục bài hát Việt, nói về mùa xuân, ngày càng dài thêm, thì “Gái xuân” vẫn là một trong những nhạc phẩm đặc sắc nhất. Hát thì cứ hát, nghe thì cứ nghe, nhưng có mấy người biết “Gái xuân” đã ra đời như thế nào? Phần lớn, người ta chỉ biết “Gái xuân” là một trong những bài thơ hay của thi sĩ Nguyễn Bính, được phổ nhạc một cách xuất thần. Nhưng ít ai biết, người đã thổi âm điệu cho hồn thơ đó bay cao chính là Từ Vũ.

Tên khai sinh của Từ Vũ là Trần Đỗ Lộc. Ông sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Khác với nhiều nhạc sĩ đã làm quen với nốt nhạc từ thuở thiếu thời. Từ Vũ thì lại khác. Dù rất yêu thích bộ môn này, nhưng đến khi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi, ông vẫn chưa biết vị trí của 7 nốt nhạc nằm ở vị trí nào trên khung, và một nốt đen khác với một nốt trắng ra làm sao! Năm 1950, ông theo gia đình vào Nam sinh sống. Một buổi chiều, lang thang trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), ông ghé vào một tiệm sách ở khu vực E – Den, và tình cờ nhìn thấy nơi đây bày bán cuốn “L’ Art de Compositon Musiccale” (Nghệ thuật sáng tác âm nhạc). Thế là ông vội mua ngay, đem về nhà tự học một cách say mê, để từ đó nắm vững căn bản sáng tác ca khúc. Chính cuốn sách này là người thầy đầu tiên dẫn dắt Từ Vũ đi vào con đường âm nhạc.

Mùa xuân năm 1953, chàng trai Từ Vũ tròn 21 tuổi, sống kiếp tha phương giữa đất Sài Gòn hoa lệ, không có gia đình, người thân, bạn bè bên cạnh. Ông nằm trên gác trọ tìm quên nỗi buồn bằng sách báo cho vơi nỗi nhớ nhà. Bất chợt ông tìm thấy trong đống sách báo lộn xộn đó tập thơ “Mây Tần” của thi sĩ Nguyễn Bính. Khi đọc đến bài “Gái xuân”, một bài thơ thất ngôn rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 2 khổ, 8 câu, ông đã rung động tận đáy lòng. Nhạc sĩ Từ Vũ nói: “Tôi không thể nén được cảm xúc khi đọc câu “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Đích thị đây phải là một cô gái Hà Đông, quê tôi. Bởi lẽ, không chỉ lụa Hà Đông đã nổi tiếng từ ngàn xưa trên đất Bắc, mà gái Hà Đông cũng nổi tiếng đẹp đẽ, ngoan hiền, dịu dàng như lụa. Chẳng kém cạnh gì những cô gái quan họ Bắc Ninh. Rồi thì “…Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”. Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả tâm trạng cô gái quá tài tình. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ dăm ba lần là “ngấm” ngay vào máu, vào tim. Trong giây phút xuất thần, tôi viết ngay một mạch, không chỉnh sửa gì cả. Thế là thành nhạc phẩm “Gái xuân”.

Từ Vũ tiết lộ: “Có một điều, nguyên tác “Gái xuân” của Nguyễn Bính ngắn quá. Khi phổ nhạc, chẳng lẽ cứ lặp đi, lặp lại bấy nhiêu lời. Thành thử tôi mạn phép tác giả, thêm 3 câu trong khổ thơ này:

Xuân đi. Xuân đến hãy còn xuân
Cô gái trông xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mai hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”

Sau khi hoàn thành “Gái xuân” cho đến khi bài hát được thịnh hành rồi đi vào lòng công chúng, mãi mãi tôi không một lần được gặp Nguyễn Bính để nói với ông một vài lời. Lòng tôi áy náy lắm! Không biết thi sĩ có gì trách móc hay không?

Không ai có thể nói thay Nguyễn Bính. Nhưng đứng trên phương diện nghệ thuật, chắc không ít người đồng tình rằng, nếu Từ Vũ không nói ra thì cũng chẳng mấy ai biết chuyện trên. Bởi vì, 3 câu mà ông thêm vào nghe cũng rất…Nguyễn Bính, và cũng chẳng kém phần tài hoa, đã nhập với toàn bộ bài thơ một cách hài hòa. Do đó, chắc Nguyễn Bính cũng vui lòng, bởi sự thêm thắt không làm mất đi giá trị và tứ thơ của nguyên bản. Nhưng sự áy náy của Từ Vũ chính là lòng tự trọng của một tài năng.

Theo lời kể của nhạc sĩ Từ Vũ thì ngày đó, ông có quen biết nữ ca sĩ Linh Sơn. Khi ra mắt “Gái xuân”, ông đã nhờ bà hát đầu tiên, nhưng không mấy thành công và Từ Vũ cũng không lấy làm hài lòng cho lắm. Một hôm, tình cờ gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn tại Đài Phát thanh Sài Gòn, bà Tâm Vấn trách ông sao không tặng bà bài “Gái xuân”? Ông đã viết vội ca khúc này lên một mảnh giấy và trao cho Tâm Vấn. Sau đó, Từ Vũ theo gia đình ra Phan Thiết và chưa được nghe Tâm Vấn hát một lần nào cả. Nhưng theo lời bạn bè viết trong những lá thư gởi cho ông thì Đài Phát thanh Sài Gòn đã thường xuyên phát đi, phát lại ca khúc “Gái xuân” với tiếng hát Tâm Vấn, rất được công chúng ưa thích. Đọc những lời đó, Từ Vũ rất vui. Nhưng ông không biết làm cách nào để chính tai mình có thể nghe được. Lúc bấy giờ phương tiện nghe nhìn như băng, đĩa còn quá nghèo nàn, khan hiếm. Ông lại ở xa, biết liên hệ với ai ở Đài Phát thanh Sài Gòn để biết trước họ sẽ phát lại “Gái xuân” vào thời điểm nào mà đón nghe. Thành ra mù tịt!

Một buổi tối cuối năm 1953. Từ Vũ rảo bước lang thang trên dường phố Phan Thiết trong cái se lạnh của buổi tàn đông ở vùng đất cực Nam Trung bộ. Bỗng dưng từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết, tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu nhạc Tango của bài “Gái xuân” qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Từ Vũ đã xúc động đến trào nước mắt. Đôi chân như bay bổng khỏi mặt đất, ông đứng dựa vào cột đèn, lắng nghe từng tiếng hát gõ nhịp trong tim. Đó là lần đầu tiên Từ Vũ gặp lại đứa con tinh thần của mình kể từ khi ông cho nó ra đời. Bài hát chấm dứt. Dù ông không biết Diệu Hương là ai, và đó là lần đầu ông mới nghe tên, thế mà cứ thẫn thờ, tiếc nuối! Biết bao giờ mới được nghe lại thêm lần nữa. Tối hôm đó, Từ Vũ không chợp mắt được. Ông nằm thương nhớ “Gái xuân” vang vọng mãi trong hồn giọng hát từ xứ Huế xa xôi. Đến bây giờ ca khúc này đã được nhiều ca sĩ trình bày thành công, và ông cũng có gần như đầy đủ băng đĩa lưu giữ, nhưng mỗi lần nhớ lại cái đêm hôm ấy đã trôi qua 60 năm trời, Từ Vũ vẫn còn đủ cảm xúc, ngất ngây như mới hôm qua.

Sau Linh Sơn, Tâm Vấn, Diệu Hương, đến lượt Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Lan Ngọc, Hương Lan, Băng Tâm, Ý Lan, Ánh Tuyết… và nhiều ca sĩ danh tiếng của thế hệ kế tiếp như: Trang Nhung, Quang Linh, Cẩm Ly, Hiền Thục, Hồng Ngọc, ban tam ca Áo Trắng, ban tam ca 3A…cũng hát “Gái xuân”. Nhất là vào dịp tết, cùng với “Ly rượu mừng”, “Xuân và tuổi trẻ”, “Gái xuân” là 3 ca khúc kinh điển, luôn vang lên trong từng mái ấm gia đình Việt Nam ở trong nước cũng như nhiều nơi trên khắp thế giới. Khi nghe ban tam ca Áo Trắng tập bài “Gái xuân”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Hồi mới lớn, “moa” đã rất thích bài này. Có thể nói, tết mà thiếu “Ly rượu mừng”, “Xuân và tuổi trẻ”, “Gái xuân” là đã mất đi một nửa mùa xuân”.

Một ca khúc được nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp hát, mỗi người một chất giọng, một phong cách khác nhau, nhưng hầu hết họ đều thể hiện thành công. Đó chính là điểm đặc sắc của Từ Vũ. Nói như giọng hát vượt thời gian Thái Thanh: “Bởi vì tự thân “Gái xuân” quá hay, khó mà hát dở cho được”. Khởi thủy, Từ Vũ viết “Gái xuân” bằng điệu tango dồn dập, lôi cuốn một cách sang trọng. Nhưng về sau, nhiều ca sĩ lại chuyển sang điệu Rumba, rồi Chachacha, với tiết tấu trẻ trung, phần phối âm, phối khí hiện đại, đã khoác cho ca khúc này một chiếc áo mới. Từ Vũ nhận xét: “Sự chuyển thể này tôi nghe cũng thấy hay, rộn ràng và tươi trẻ hơn. Vấn đề là vẫn giữ được cái hồn và tình cảm của ca khúc”.

Mặc dù chỉ với một “Gái xuân” thôi đã đủ để tên tuổi Từ Vũ vang danh với đời, nhưng ông luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là “kẻ ngoại đạo”, rong chơi vào khu vườn âm nhạc mà thôi. Ông quả quyết: “Mọi lãnh vực sáng tác, kể cả âm nhạc đều tùy vào “thần hứng”. Không phải lúc nào cái giây phút thăng hoa, khiến tâm hồn mình bay bổng cũng đến. Một đời, đôi khi “thần hứng” chỉ đến một đôi lần, nếu không kịp ghi lại cảm xúc tuyệt vời đó là coi như chẳng có được gì”.

Đĩa nhạc mới nhất của nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: cand.com.vn
Đĩa nhạc mới nhất của nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: cand.com.vn

Cho dù Từ Vũ muốn hay không muốn, cuộc đời vẫn gọi ông là nhạc sĩ bằng tất cả sự trân trọng. Tròn tuổi 80, ông đang sống tại số nhà 19/14, đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Bình, Tp HCM một cách thanh thản. Vừa rồi, được sự tài trợ của con gái, như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành cho cha trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, Từ Vũ đã thực hiện CD “Gái xuân” với 10 ca khúc, trong đó có những ca khúc phổ thơ do ông sáng tác sau này như “Mưa Cao nguyên” (thơ Hoàng Hương Sơn), “Mưa tháng 6” (thơ Thường Đoan), “Mưa đời lãng du” (thơ Trần Hữu Ngự). Có lẽ, đây là đĩa nhạc đầu tiên và cũng là duy nhất của ông. Theo nhạc sĩ Từ Vũ, làm để chơi, như một kỷ niệm lưu lại ở đời này.

Một ngày nào đó, Từ Vũ cũng sẽ từ bỏ cõi tạm này ra đi. Nhưng chắc chắn “Gái xuân” vẫn còn ở lại và trẻ mãi không già như lời hát mà ông đã thêm thắt. Phải chăng đó cũng là một lời tiên tri: “Xuân đi xuân đến hãy còn xuân”

Đoàn Thạch Hãn

[footer]

Gái Xuân (Từ Vũ – Nguyễn Bính)

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Việt Nam. Trong không khí rộn rã của xuân Ất Mùi 2015, [dongnhacxua.com] xin gởi đến người yêu nhạc xưa bản “Gái Xuân” của nhạc sỹ Từ Vũ, phổ theo lời thơ của thi sỹ Nguyễn Bính.

Gái xuân (Từ Vũ - Nguyễn Bính). Ảnh: phomuaban.vn
Gái xuân (Từ Vũ – Nguyễn Bính). Ảnh: phomuaban.vn

gai-xuan--1--tu-vu--nguyen-binh--phomuaban.vn

NHẠC SỸ TỪ VŨ: ĐÃ TÌM THẤY MỘT MÙA XUÂN TUẦN HOÀN
(Nguồn: tác giả Kiến Lâm đăng trên HaNoiMoi.com.vn ngày 3012/2012)

Nhạc sĩ Từ Vũ (tên thật là Trần Đỗ Lộc), sinh năm 1932 tại Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông là tác giả của những giai điệu quen thuộc: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần”. Hơn nửa đời người từ bỏ bảy nốt nhạc, nay ông lại “hồi xuân” để viết tiếp những khúc ngợi ca tình yêu, mùa xuân.

Nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: HaNoiMoi.com.vn
Nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: HaNoiMoi.com.vn

Năm 1954 NXB Tinh Hoa cho ấn hành cuốn sách nhạc trong đó có tác phẩm “Gái xuân” của nhạc sĩ Từ Vũ. Điều đặc biệt “Gái xuân” là nhạc phẩm mang âm hưởng miền Bắc đã trở thành món ăn tinh thần được yêu quý ở miền Nam. Từ ca sĩ đến người dân miền Nam chưa một lần đặt chân đến đất Bắc nhưng vẫn hào hứng hát: “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/Gái xuân rũ lụa bên sông Vân”. Chính ca khúc này đưa nhạc sĩ Từ Vũ ngang hàng với các nhạc sĩ nổi tiếng ở thế hệ trước. 60 năm sau, ca khúc “Gái xuân” vẫn sống khỏe qua các thế hệ ca sĩ và trở thành một nhạc phẩm thân thuộc không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về từ Nam ra Bắc. 

Trong căn nhà nhỏ đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Từ Vũ kể với chúng tôi về những nốt nhạc “định mệnh” đời mình: “Khi đọc đến “Gái xuân” của Nguyễn Bính, tự nhiên nỗi nhớ quê hương, nhớ thương người con gái đang ở một phương trời xa ập tới, nghẹn lại, tôi phổ nhạc cho bài thơ chỉ trong một giờ đồng hồ là xong. Viết xong, tức tốc đạp xe đến nhà ca sĩ Linh Sơn nhờ thể hiện để làm món quà tặng người bạn gái du học. Không ngờ ca khúc lại trở nên nổi tiếng”. Ông bảo, hãnh diện nhất là ca sĩ miền Nam, người miền Nam đã hát “Gái xuân”. Sở dĩ như vậy bởi năm 1950 nhạc sĩ Từ Vũ theo gia đình vào miền Nam sinh sống và thường bị bạn bè chê cười gọi là “cá gỗ”, “rau muống”. Mối tình đầu của nhạc sĩ Từ Vũ với một cô gái miền Nam tan vỡ vì bị gia đình cô gái cấm cản. Rồi mối tình thứ hai cũng chẳng thể an bài, người yêu lần này là cô bạn gái cùng lớp tên là Thanh Vân, hai người thương nhau suốt một kỳ học nhưng phải chia tay nhau vì Thanh Vân ra nước ngoài du học. Trong buổi chiều cô quạnh, chàng trai trẻ thương nhớ người yêu, thương nhớ mùa xuân đất Bắc tìm được tập thơ Nguyễn Bính và đọc đến bài thơ “Gái xuân” thì cảm xúc dâng trào..

Góa vợ từ năm 39 tuổi, một mình ở vậy nuôi 4 con trưởng thành, cuộc đời nhạc sĩ Từ Vũ gắn với sự cô độc và khó khăn. “Xa Hà Nội, xa mùa thu, xa buổi sáng đầu đông và xa nụ cười hoa đào chớm xuân, tôi mất cảm xúc không thể nào viết được, do đó không còn sáng tác được ca khúc xuân. Năm 1993, có dịp trở về thăm Hà Nội, không khí trong lành của ngày đầu chớm xuân, tôi chợt nghe lời hát “Gái xuân” và tự nhiên bồi hồi, xúc cảm!”. Nhạc sĩ Từ Vũ quyết định thay đổi. Ông dành thời gian để chăm sóc vườn hoa trên sân thượng, cùng bạn bè đi viếng mộ các thi nhân lớn của Việt Nam như Hàn Mặc Tử, nhà thơ Tương Phố. Ngoài ra, ông tiếp tục phổ nhạc bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn” của TTKH và bài “Giọt lệ thu” của nữ sĩ Tương Phố . Ông bắt mạch cảm xúc tìm về sáng tác các ca khúc xuân ở tuổi 80. Ông khoe với chúng tôi ca khúc “Ta tìm thấy nhau” bằng ánh mắt hân hoan về một mùa xuân tuần hoàn của cuộc đời. 

[footer]

Quốc Dũng, Một Vùng Mây Trắng Tìm Nhau

Sinh năm 1951, trưởng thành từ phong trào nhạc trẻ của Sài Gòn năm xưa, nhạc sỹ Quốc Dũng đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho nền nhạc Việt. Hôm nay [dongnhacxua.com] hân hạnh giới thiệu một bài viết về nhà nhạc sỹ đa tài.

Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

diep-khuc-mua-xuan--1--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com diep-khuc-mua-xuan--2--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com diep-khuc-mua-xuan--3--quoc-dung--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

QUỐC DŨNG, MỘT VÙNG MÂY TRẮNG TÌM NHAU (Nguồn: tùy bút của tác giả Vĩnh Phúc đăng trên GiaiDieuXanh.vn ngày 31/08/2011)

(GĐX)Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …

Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau Chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…

Quốc Dũng đã bước ra từ đây, từ một …vùng mây trắng, những đám mây lạc tìm nhau và người nhạc sĩ 17 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe: những ám ảnh ám thị về mất mát chia biệt, về một ban mai rụng xuống hoàng hôn, về những rối bời rã rượi của một xác quỳnh đêm qua vừa nở, cỏ chưa hết xanh đã vội vàng …“Em đã thấy mùa xuân chưa” như là bước khởi đầu cũng là khởi động vùng tâm thức đầy hoặc nghi của người nhạc sĩ mà anh hoa phát tiết ra ngoài …hơi sớm: 11 tuổi đã viết nhạc, 15 tuổi trình diễn mandolin trên truyền hình, 16 tuổi là thủ khoa trường Quốc gia âm nhạc (môn nhạc pháp Tây phương). Tài không đợi tuổi. Ngoài ”Em còn nhớ mùa xuân”, những ca khúc “Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly…” đã thực sự đánh dấu sự xuất hiện một phong cách, một khuôn mặt âm nhạc. Anh còn tài hoa hơn vì bao quát nhiều lãnh vực : từ ca sĩ (cặp đôi với Thanh Mai những năm 70 của thế kỷ trước), rồi nhạc công chơi đủ loại nhạc cụ, người tổ chức phối khí thu âm đầu tiên ở Sài Gòn …

Nhạc sỹ Quốc Dũng thời trẻ. Ảnh: GiaiDieuXanh.net
Nhạc sỹ Quốc Dũng thời trẻ. Ảnh: GiaiDieuXanh.net

1- Quốc Dũng, nhạc sĩ của mùa xuân

“Xuân thanh bình, Mùa xuân đầu tiên, Xuân dịu êm, Bài ca tết cho em, Hẹn ước mùa xuân, Xuân trên đất khách, Xuân xa vắng  …”…Quốc Dũng có hơn 20 ca khúc viết về xuân, lấy chữ xuân làm tựa đề. Cảm hứng xuân rõ ràng là đầy tràn nhưng cảm thức về xuân ở Quốc Dũng là một dị biệt. Với anh, xuân không hề là biểu tượng của sức sống tươi nguyên, của niềm hy vọng, của rộn ràng nên xuân không có bướm trắng mai vàng, câu đối đỏ, nụ cười hồng thắm …Ngay cả “Điệp khúc mùa xuân” như một tưng bừng xuân ca có hoa vàng, nắng say, bướm bay vang lên trong một giai điệu tiết tấu rộn vui, bài hát vẫn chỉ là một gọi mời của tình yêu: Tình yêu ơi xin dệt nối yêu thương/ từ bao nhiêu năm tình sầu muôn hướng. Đến “Bài ca Tết cho em” dù là riêng tặng người yêu dấu cũng chỉ rung lên chầm chậm trong một khúc điệu Bossa Nova, tuyệt không có én trắng vườn đào chỉ có môi em cười như chứa cả mùa xuân. Do đó, những bài hát của QD không thể là xuân ca mà chỉ là những khúc xuân tình. Xuân với anh là cõi tâm xuân, là ý xuân, tình xuân… Xuân không về/ chưa về đơn giản là Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi…”Hẹn ước mùa xuân” lắng lại một thì thầm và kết thúc trong một hợp âm trưởng đinh ninh: Mùa xuân tới ta hẹn ngày đẹp đôi. Chào mừng năm 2000, QD viết “ Mùa xuân đầu tiên” như một lời tỏ tình với những quãng hai dìu dặt mềm mại buông lơi: Từ khi có em yêu trong tay/ Ta nghe mùa xuân bắt đầu…”Hà Nội em và mùa xuân” là một ví dụ khác cho một ngỏ tình của Quốc Dũng. Bài hát viết ở cung trưởng, tiết tấu khá nhanh nhưng những quãng 2 rồi cũng níu giữ cái không khí êm đềm mộng ảo của tình được và mất. Mở ra là “ Từ ngày ta xa cách nhau/ Thời gian lắng im trong u sầu” và để kết thúc “ Hà Nội mùa xuân có em/ đầy hạnh phúc hơn bao giờ”…Rồi “ Xuân thương nhớ, xuân trên đất khách…”, âm nhạc QD trải ra nỗi niềm day dứt của một mất mát, một thất lạc, một chơ vơ, cả một hoặc nghi …tình …Không, là xuân không thực, cõi xuân của QD chính là nỗi tình được/ mất để buồn vui vì thực chất, anh là người viết tình khúc cho muôn đời …

2- Quốc Dũng, kẻ du ca với gánh tình trên vai

Ngay từ buổi đầu xuất hiện, QD đã để lại ấn tượng đậm nét về những khúc tình ướt rượt với mộng tàn, sương khói, những rụng rời chia biệt: “Thoát Ly (1968), Bên nhau ngày vui ( 1972), Cơn Gió thoảng( 1972), Lối thu xưa ( 1972), Em đã thấy mùa xuân chưa, Biển mộng…Trong tâm thức của người nhạc sĩ trẻ sinh năm 1951 đã mọc dậy nỗi buồn, đã thắp nến những chiêm bao và tình, treo lên ám ảnh.

Thôi mình đi, còn trông chờ chi /Kỷ niệm chỉ thêm xót xa mà thôi /Mộng … đã tàn rồi ! “Thoát ly”, rồi nhịp cuốn đi nhưng còn đó là nước mắt với ê chề thất vọng. Câu kếtKhi tinh cầu đã thu hẹp rồi mở ra một bến vực ngờ lo âu …Bên cạnh, “Cơn gió thoảng” vút vút lên những nốt nhạc chao đảo nỗi bấp bênh phận người, những lay lắt tình yêu: buồn theo cơn gió những cánh lá rơi cuốn trôi về đâu. Đến “Lối thu xưa” thì giai điệu đã lìm chìm da diết diết da trong giọng đô thứ ngậm đủ mùi vị của một thất lạc trăm năm : Anh vẫn tìm em giữa mây ngàn …

Rồi, đi qua phận người với áo cơm mưa nắng những dập vùi, người nghệ sĩ tưởng chừng sẽ tỉnh ra, thức ngộ nhưng không, QD vẫn nặng trên vai một gánh tình. “Hoang vắng, Đường xưa, Ru tôi giấc mộng, Mãi cùng em ngày xanh, Cõi buồn ….”. Và những tình khúc dù khác nhau trong giai điệu, tiết tấu nhưng quen thuộc một màu Quốc Dũng với sương rơi, trăng tà, nước mắt, môi hôn, những xanh niềm đau, những phai tàn nhanh , những thoáng hương bay…Và anh run lên, thổn thức với những melody tuyệt đẹp của yêu thương.

 “Ru tôi giấc mộng” là bài hát tâm đắc của nhạc sĩ, âm ỉ một kiếm tìm mê mỏi trong phiên khúc: Hãy cho tôi tìm gặp trong giấc mơ để rồi nung nấu cháy bùng nỗi nhớ trong điệp khúc: Nhớ dạt dào…Nhớ thẹn thùng … Không, là không thê thiết với bi lụy, không kêu gào để rơi xuống vực lầy không đáy. Âm điệu của QD dẫn ta về một chốn lung linh của mắt ngọc xanh ngời, môi hôn đỏ ối, những vân vê cuống quít thẹn thùa, những hẹn hò trăng mơ. Không, Quốc Dũng không làm ta buồn đến não nề mà cầm tay ta bay vào không gian cao và sâu của chữ tình muôn sắc điệu. Có chăng ở đây là một thoáng hoang mang nghi ngại! Và phải chăng, đó chính là thông điệp Quốc Dũng muốn nhắn gửi đến những tình nhân? Phải chăng QD đã làm người nghe bị mê hoặc vì một nỗi tình thiết tha gắn bó và chân thật…?

Nhạc sỹ Quốc Dũng. Ảnh: GiaiDieuXanh.vn
Nhạc sỹ Quốc Dũng. Ảnh: GiaiDieuXanh.vn 

3- Quốc Dũng,  nhạc sĩ đa phong cách …

Đa phần, mỗi nhạc sĩ, bằng tâm thức của mình, chỉ có thể viết được một phong cách nhất định. Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…rồi chỉ yên bề với một thể loại. Quốc Dũng là một biệt lệ khi âm nhạc trải ra từ trữ tình, nhạc trẻ, đến nhạc quê hương …”Em có thấy mùa xuân chưa – Bên nhau ngày vui- Lối Thu xưa”, ba sáng tác buổi đầu tiên đã cho thấy nội lực của QD trên các phong cách khác biệt… Nhờ “ đa phong cách”, Quốc Dũng đã thành công lớn trong việc hội nhập với thị trường và xu hướng của thời đại, tiếp cận được với nhiều tầng lớp người nghe ( thính phòng, dân gian, trẻ trung sôi động…). Đa phong cách, trong một chừng mực là ưu điểm, một cách thế hòa nhập nhưng đôi khi là một hạn chế  vì phải chăng mỗi người chỉ nên nói …một giọng nói. Người ta nhớ Lê Hựu Hà với dòng nhạc trẻ, nhớ Trịnh, Ngô Thụy Miên với chất trữ tình, nhớ Cung Tiến với dòng semi-classic …Vâng, là thuần nhất làm nên một hồn riêng không lạ lẫm…

Quốc Dũng đang mỉm cười với chúng tôi. Sáu mươi, tóc chỉ lơ phơ bạc, vẫn rất ”đàn ông” …Hỏi chuyện phong cách âm nhạc, anh có vẻ trầm ngâm: Tôi thuộc trường phái bình dị, thích dòng nhạc quê hương và viết ra lại sẵn có một đồng điệu là giọng ca Bảo Yến, và cả những nhà thơ đồng điệu như Nguyễn Đức Cường, Phạm Ngọc…giúp cho phần lời…À, mà cuộc đời lạ thật. Những bài hát tôi thích lại không trùng với sở thích mọi người…Tôi nhìn anh, nheo nheo mắt. Chính tôi, tôi cũng nhớ đến QD với những ca khúc trữ tình phong vị cổ điển (Em đã thấy mùa xuân chưa) hay hiện đại (Hoang vắng….) mà không đậm đà lắm với dòng nhạc quê hương của anh trong  “Lối thu xưa, Chuyện ba người, Chuyện hợp tan”…Vâng, người sáng tác có quyền chọn lựa cho mình một khuynh hướng và người nghe, dĩ nhiên, có chọn lựa của riêng mình.   * Quốc Dũng còn đó với chúng tôi, đàn trong tay trên ghế ngồi cà phê Phong Nguyệt và còn đó với tất cả chúng ta trên hành trình âm nhạc… Âm nhạc như một tiếng gọi, một đường bay, một thử thách gian lao và người nhạc sĩ 17 tuổi ngày nào hình như vẫn đang bước đi với một chút phân vân, một ít dọ dẫm kiếm tìm, cả nghi hoặc chính mình…Vâng, tôi tin QD đã thành công và sẽ còn thành công hơn nữa khi vượt lên chính mình, vượt lên vệt chân cũ của mình …

Vĩnh Phúc Tùy bút 31/8/2011 (Bài viết riêng cho Giai Điệu Xanh)

[footer]

Dòng nhạc Xuân theo năm tháng (Chàm Phương)

Trong nỗ lực để cung cấp thông tin phong phú và đa chiều cho người yêu nhạc xưa, chúng tôi hân hạnh đăng bài viết của tác giả Chàm Phương gởi riêng cho [dongnhacxua.com].

DÒNG NHẠC XUÂN THEO NĂM THÁNG

(Nguồn: tác giả Chàm Phương ở email locin…@yahoo.com gởi riêng cho [dongnhacxua.com])

Tình cờ tìm thấy tấm hình của bốn cựu thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng ngày xưa khiến tôi nghĩ đến những mùa Xuân đằm thắm của quá khứ: tươi tắn và thanh nhã. Do đó tôi xin lấy bốn giọng ca này (Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao) làm nguồn cảm hứng cho vài dòng sau đây về dòng nhạc Xuân mà lẽ ra người ta chỉ viết khi Tết sắp đến.

Ban Tiếng Thời Gian với Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao. Ảnh: casihathanh.wordpress.com
Ban Tiếng Thời Gian với Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao. Ảnh: casihathanh.wordpress.com

Không rõ dòng nhạc Xuân mà người ta thường hay hát vào dịp Tết chính thức ra đời khi nào, nhưng bài tân nhạc về Xuân xưa nhất mà tôi biết được là “Xuân Nghệ sĩ Hành khúc” của Lê Yên và kế đến là “Xuân và Tuổi Trẻ” của La Hối sáng tác năm 1944. Thập niên 30 và 40 cũng chính là giai đoạn phôi thai của tân nhạc Việt Nam mà, theo nhạc sĩ Phạm Duy, “được sinh sôi nẩy nở trong một bối cảnh lịch sử rất sinh động cho nên nó cũng mang ngay vết tích của thời đại……tại Việt Nam, giữa lúc tân nhạc đang được thành lập, sự phản ứng của thanh niên đối với thái độ của nhà cầm quyền Pháp là đưa ra những bài hát không phải để xưng tụng ‘mẫu quốc’ đang thất trận, mà là để nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của tuổi trẻ…” Không chính thức vỗ tay reo mừng sự tàn lụi của thực dân, nhạc sĩ Lê Yên đã viết: 
 
“Xuân tươi xuân vui 
Xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca 
đẹp trong sắc muôn ngàn hoạ Xuân về 
Ta chào xuân khắp nơi 
chào xuân thắm tươi 
chào xuân với bao ngày vui”

(Xuân Nghệ sĩ Hành khúc – Lê Yên)


 
Sau đó 7 năm, trong hoàn cảnh quân đội Nhật đang lấn lướt các thế lực theo Pháp tại Việt Nam, nhạc sĩ gốc Hoa trẻ tuổi La Hối đã sáng tác một giai điệu đầy sức sống theo điệu Valse mà về sau nhà văn Thế Lữ đã đặt lời Việt và cho nó cái tựa đề “Xuân và Tuổi Trẻ”. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, “một loại Tân Nhạc khác đã ra đời trong mấy năm 40-44 được hát trong các giới hướng đạo và sinh viên học sinh, với chủ đề là Niềm vui sống và Tình yêu nước”. Thật vậy, bài “Xuân và Tuổi Trẻ” đã kêu gọi giới trẻ: 
 
“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời, 
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo 
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm 
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân tươi “
 
Qua đến đầu thập niên 50, đất nước tương đối yên bình và đó cũng là lúc thính giả Việt Nam được nghe những bài nhạc Tết trong sáng với mục đích thuần túy là chào đón sự vươn mình của mùa Xuân và cũng là những lời chúc Tết hiền hòa, dịu dàng nhất qua âm nhạc. Điển hình là “Gió Mùa Xuân Tới” của Hoàng Trọng đã quay lại với sự lãng mạn của tình yêu cá nhân: 
 
“Nồng ngát hương thơm trời xuân mang niềm nhớ
Cho những kiếp người sống cô đơn
ước mong mùa xuân rắc reo khắp nơi trần thế”
 
hoặc “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương năm 1952 đã được sử dụng như một lời tri ân cho đất nước và dân tộc:
 
“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi….
Hương thanh bình dâng phơi phới”
 
Hay “Hoa Xuân” năm 1953 của Phạm Duy đã rũ sạch mối ám ảnh của chiến tranh:
 
“Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về
……
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức reo hoa nở lúc Xuân đầu
……
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già”
 
Sau khi đất nước bị chia cắt, Phạm Đình Chương, tác giả của Ly Rượu Mừng đã cho ra đời một ca khúc Xuân thật hay và thật buồn để nói lên tâm trạng của những người miền Bắc di cư vào Nam. Bài nhạc Xuân đẹp và u uất này đã không được biểu diễn thường xuyên như những bài hát Tết khác vì lý do dễ hiểu:
 
“Xuân tới, muôn cánh hoa đào bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương”.
 
(Xuân Tha Hương-Phạm Đình Chương )

Thập niên 60 và 70, cuộc chiến ngày càng leo thang. Từ đó nảy sinh ra một nhánh nhạc Xuân để phản ảnh hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước,. Đó là những ca khúc nói về những cái Tết xa nhà của người lính hoặc tâm trạng của những gia đình không được đoàn tụ vào dịp Tết vì hoàn cảnh chiến tranh. Tiêu biểu là “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân hoặc “Đồn Vắng Chiều Xuân” của Trần Thiện Thanh. Ngoài cái bối cảnh dễ gây xúc động, những bài hát này còn đáng chú ý ở cái chất nhân văn vì trọng tâm của chúng vẫn là những cảm xúc của lòng người trước vẻ đẹp của mùa Xuân và những tình cảm thiêng liêng người lính dành cho ngày Tết. Cái đẹp và tình người đã chiến thắng lòng căm thù và sợ hãi:

 “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con 
khi thấy mai đào nở vàng bên nương 
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về 
nay én bay đầy trước ngõ 
mà tin con vẫn xa ngàn xa “
 
(Xuân này con không về-  Trịnh Lâm Ngân)
 
hoặc
 
“Đồn anh đóng ven rừng mai 
Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa 

Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai 
Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi 
Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang”
 
(Đồn vắng chiều Xuân- Trần Thiện Thanh)

Hình ảnh người chiến sĩ bế súng, vây quanh là hoa vàng rực rỡ, và trong tim không chút hận thù thật là cao thượng! Đó là một bức tranh Xuân với một độ sâu khác thường, chẳng khác nào một thiền sĩ, mặc cho những ràng buộc của thế gian đang vây quanh, đã đủ sự tỉnh táo để vượt qua những cuộc tranh chấp của người đời. Trong bài Phiên Gác Đêm Xuân, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đã viết:
 
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”


 
Ông tâm sự: “Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
….. Mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. ….. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân”
 
Bước qua đầu thế kỷ 21, dòng nhạc Xuân trong nước đã chuyển mình với những ca khúc Xuân mang màu sắc và sự năng động của những thế hệ lớn lên trong hòa bình và khát khao hòa nhập với thế giới bên ngoài. Những bài hát này chẳng những trong sáng và khỏe mạnh (“Hoa Cỏ Mùa Xuân” của Bảo Chấn, “Lắng Nghe Mùa Xuân Về” của Dương Thụ, “Thì thầm mùa Xuân” của Ngọc Châu v.v.) mà còn được trình bày với phong cách hiện đại và kỹ thuật thanh nhạc rất chuyên nghiệp. Tôi cho đó là một sự phát triển tự nhiên và nhất là đáng mừng vì trong sự trẻ trung ta thấy vẫn phảng phất những giai điệu của dân ca. 
 
Xem như nhạc Xuân của Việt Nam đã đi giáp cái chu kỳ của gần một thế kỷ tân nhạc và lúc nào cũng “khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Hy vọng khi Tết đến, ta sẽ nghe nhiều bài nhạc Xuân của nhiều thế hệ khác nhau và cảm nhận những mất mát lẫn may mắn của quê hương được gìn giữ trong dòng nhạc rất đặc biệt này.

[footer]

Xuân họp mặt (Văn Phụng)

Trên đường từ quê Ngoại ở Bến Tre quay trở lại Sài Gòn sau tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có hỏi cô con gái nhỏ (mới 7 tuổi, đang học lớp một) về “điều gì làm con thích nhất mỗi khi về quê ăn tết?” Thật bất ngờ khi câu trả lời là “con được họp mặt và chơi với các anh chị”. (Xin mở ngoặc nói thêm ‘các anh chị’ ở đây là các anh chị họ, bé vẫn chưa có anh chị em ruột) Thật trùng hợp, trong thâm tâm của Dòng Nhạc Xưa chúng tôi, những người không còn trẻ, ngày xuân ngày tết cũng chính là những ngày của sự “họp mặt”: với ông bà, cha mẹ, các bạn thời niên thiếu, bà con chòm xóm và cả cô láng giềng. Cũng nhờ tinh thần “họp mặt” này mà dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng và đáng trân trọng như thế!

Mong sao truyền thống “xuân họp mặt” sẽ mãi trường tồn cùng quê hương Việt Nam của chúng ta, như một bản nhạc xuân nổi tiếng viết năm 1973 của cố nhạc sỹ Văn Phụng.

Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
xuan-hop-mat--1--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--2--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--3--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÔNG CÒN TẾT

(Nguồn: tạp văn của Lê Minh Nhật đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Sáng mùng bốn, mẹ bưng cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên xuống, mấy đứa cháu tròn mắt: Hết tết rồi hả ngoại? Ờ, người lớn thì hết nhưng con nít vẫn còn đến ra giêng.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Chưa chắc, con thấy người lớn thường ăn tết lâu hơn con nít. Đứa cháu nổi tiếng có năng khiếu lý sự lại “trở chứng vặn vẹo” đầu năm.

Những đứa con của mẹ, trễ nhất là chiều mùng hai chúng đã tề tựu đông đủ dưới mái nhà mà cách nay mấy chục năm trước chúng lần lượt được sinh ra. Chỉ năm đứa ban đầu, sau đó nhân lên gấp đôi khi dựng vợ gả chồng; cứ mỗi năm, trong số đó ít nhất lại “đóng góp” cho việc tăng dân số trên toàn cầu một cá thể. Tính đến cái tết này thì đã tăng gấp bốn lần so với nguyên trạng.

Chiếc bàn tròn giữa nhà không còn đủ chỗ ngồi cho tất cả nên mâm cơm sum họp phải dọn trên bộ ván gõ. Bộ ván mà khi còn sống cha đã mua với sự tiên đoán tài tình rằng: Con cháu của mình sau này ngồi xếp bằng trên đó là vừa đủ!

May là nhà nước giới hạn chỉ tiêu chứ cứ thả cửa như hồi trước thì chắc cả nhà mình phải ngồi bẹp ngoài sân mới đủ chỗ. Người anh cả thay chỗ cha ngồi so đũa xưa kia, sau khi “duyệt quân số” của đại gia đình, buông câu pha trò rồi phớt lờ câu hỏi của đứa cháu ưa lý sự: Thả cửa là sao hở cậu?

Sau mâm cơm sum họp, những đứa con của mẹ lại tản ra khắp xóm để thắp nhang cho những người vắng mặt: những ông chú, ông bác, bà cô… những nhà mà cách đây vài mươi năm chúng từng để lại đó ít nhiều kỷ niệm; hễ nhắc đến con của bà Hai là người ta nhắc ngay đến cái câu: con trai con gái gì cũng phá như quỷ sứ!

Những bạn cấy, những bạn chăn trâu, phát cỏ ngày xưa, không ít đứa đến cái tết này lại “bể kế hoạch”. Thằng nuôi vợ đẻ từ lúc giao thừa chắc cho đến hết mùng, đứa bụng đội lùm lùm thẹn thùng ra cửa đón khách với ba bốn đứa con loi nhoi lít nhít chạy theo í ới. Gì thì gì, mỗi nhà cũng phải “vào ba ra bảy” mới thấm thía hết cái tình quê sau cả năm dài phờ mặt ở quê người.

Thấm thía đến nỗi cứ mỗi lượt ghé vào một nhà là thể nào cũng phải “dằn cọc” lại một người trong cánh đàn ông. Giáp vòng xóm, lúc quay về chỉ còn những “mẹ sắp nhỏ” với một bầy con nít mặt mày phờ phạc, cố ghi lại trong đầu thứ bậc của những người mà mình khoanh tay thưa gởi suốt từ sáng sớm đến chạng vạng.

Cánh đàn ông “rơi rớt” đâu đó dọc đường, chỉ còn cánh phụ nữ nhưng cũng vẫn phải ghé vào một nhà cuối cùng, thoi loi trên ngọn kinh trước khi băng tắt ngả ruộng về. Nhà của bà mụ vườn duy nhất trong xóm. Tụi con bà Hai chính một tay tui đỡ chớ ai vô đây!

Bà mụ vườn không còn để nhắc đi nhắc lại cái câu ấy mỗi khi chống gậy ra ngoài cửa, đón những đứa trẻ không còn trẻ đến thăm mình vào mỗi dịp tết. Bà đã đi theo những người cùng thời với mình vào những tháng ngày cuối cùng lạnh giá chưa từng thấy của năm cũ.

Mới năm ngoái thôi, bà còn lụm cụm soạn bộ đồ nghề của mình khi ngoài ngõ vang tiếng gọi: Em dâu con chuyển dạ rồi bà ơi! Đau gần cả tiếng đồng hồ rồi, con đậu xuồng dưới bến đợi nè, nhanh nhanh lên. Rồi tiếng cười phá lên rộn ràng làm bà sực nhớ ra: mình đã giải nghệ kể từ khi có cái trạm y tế, trước cả lúc bà tay run chân yếu mắt mờ.

Đứa con gái xưa kia nổi tiếng quậy phá hơn con trai, rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm của mình với bà mụ vườn.

Tết mà toàn nhắc chuyện xưa, tụi con không hiểu gì hết!

Trẻ nhỏ cằn nhằn.

Trong mắt chúng, người lớn thật lạ lùng. Họ cứ chờ đến tết để đi tìm những thứ được gọi là kỷ niệm và nhắc nhớ nó một cách nâng niu trân trọng, mặc dù chúng vô hình và quên bẵng: suốt một thời gian dài họ đã bỏ lăn lóc chúng ở nơi nào đó.

Trẻ nhỏ không hay chính chúng cũng đang bắt đầu tích cóp và bắt đầu bỏ quên. Nhiều đứa trong số chúng cất kỹ đến nỗi có lẽ trong tương lai gần sẽ không tài nào tìm ra cho được.

Lưỡi dao vừa xắn vào trái dưa hấu là đã phát ra tiếng bụp nho nhỏ. Cả một màu đỏ tươi hiện ra như một điềm báo, một lời chúc tốt lành. Mẹ phân phát hết cho con cháu, dâu rể, mỗi đứa một miếng là vừa đủ; chỉ riêng mình mẹ ngồi ngắm đàn con hối hả ăn sợ trễ chuyến xe đò cuối ngày. Sau món quà tết này, chúng lại cồn cả ra đi như chính lúc sửa soạn quay về.

Ra khỏi ngõ quê mình, những đứa con ấy đã không còn tết nữa!

LÊ MINH NHẬT

[footer]

Gửi người em gái miền nam (Đoàn Chuẩn – Từ Linh)

Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)từ hơn 50 năm qua đã được giới yêu nhạc xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Với những ‘Thu quyến rũ’, ‘Gởi gió cho mây ngàn bây’ hay ‘Tà áo xanh’, v.v. danh xưng này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng trong số trên dưới 20 đứa con tinh thần, nhà nhạc sỹ đã cho ra đời ‘đứa con út’ như là một ‘sáng tác cho mùa Xuân’. Hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản ‘Gửi người em gái miền Nam’, sáng tác vào mùa xuân 1956.

Xung quanh bản nhạc này có nhiều điều đáng để nói….

Đầu tiên là tựa của bài hát là ‘Gửi người em gái miền Nam’ chứ không phải là ‘Gửi người em gái’ như rất nhiều ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc vẫn nhầm lẫn.

Điều thứ hai là ca từ của bài hát gốc đã bị làm sai lệch rất nhiều, đến độ đã làm sai hoàn toàn ý tứ ban đầu mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gởi gắm. Nguyên nhân chính có lẽ là do ngày đó bản này đã bị chính quyền miền Bắc khi đó không cho lưu hành rộng rãi và bằng một cách nào đó, bản này lại được phổ biến ở miền Nam. Và một điều tất yếu là do yếu tố khách quan lẩn chủ quan, ca từ của ‘Gửi người em gái miền Nam’ đã bị biến dạng khá nhiều.

Điều thứ ba là chính bản này khi đó được xem như đi ngược lại ‘định hướng’ sáng tác của chính quyền miền Bắc nên đã gây không ít khó khăn cho bản thân người sáng tác là nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng như những người đã hát. 

Trước thềm năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén nhang sưởi ấm linh hồn nhạc sỹ Đoàn Chuẩn miền cực lạc và chúc quý vị xa gần một mùa Xuân đầm ấm.

CA KHÚC ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’ CỦA ĐOÀN CHUẨN – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ
(Nguồn: tác giả Vu Le Nguyen đăng trên YouTube.com)

SỰ NHẦM LẪN LỜI CA ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’
(Nguồn: tác giả Đỗ Văn Thiện đăng trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

ĐỖ VĂN THIỆN: “Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết. 

Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com
Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com

Một trong những người đầu tiên hát bài “Gửi người em gái miền Nam” là tài tử Ngọc Bảo. Ông đã bỏ ra hàng tháng luyện tập bài hát này, đến nỗi chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. Chính vì thế nên có thể tin rằng phần lời bài hát mà tài tử Ngọc Bảo thể hiện là do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết từ đầu.

Và đây là nội dung của ca từ:

1. Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.

Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều
Cả … tình yêu!

Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời ta hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!

Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

Đặc biệt là phần 2 của bài hát.

Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.

Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân”mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.

Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương
Mắt huyền rộn ý yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Ôi, tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng
Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ
Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi trên hai vai
Nhìn xác pháo bên thềm
Gợi lòng tôi nhớ tới người em …

Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.

Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.

Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?

[footer]