Nguyễn Đình Toàn viết về Đặng Thế Phong

[dongnhacxua.com] xin tiếp tục dòng nhạc Đặng Thế Phong qua trích đoạn một bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn để quý vị xa gần có thêm tư liệu về một thời nhạc xưa.

Đêm thu (Đặng Thế Phong). Ảnh: TaiNhacCho.vn
Đêm thu (Đặng Thế Phong). Ảnh: TaiNhacCho.vn

ĐẶNG THẾ PHONG 
(Nguồn: trích bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn đăng trên ThanhThuy.me)

Đặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tiền phong của chúng ta. Ông mất rất sớm, mới ngoài hai mươi tuổi. Ông chỉ để lại có ba bản nhạc.

Cũng có người cho rằng ông có tới bốn hay năm bài. Nhưng thực tế, không ai biết cái bài thứ tư, thứ năm đó. Vậy chỉ nên coi những bài mọi người đều đã biết: Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không BếnĐêm Thu, chính thức là những tác phẩm của ông.

Những người đồng thời với Đặng Thế Phong kể lại rằng ông muốn trở thành họa sĩ chứ không phải nhạc sĩ. Cũng như Nhất Linh, Đặng Thế Phong đã thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở ý định theo đuổi hội họa. Và cái việc Đặng Thế Phong thi vào trường Mỹ Thuật ấy, đã để lại một huyền thoại. Nghe nói ông đã vẽ một thân cây cụt (không có ngọn), rất đẹp. Vị giáo sư người Pháp chấm bài, khen ngợi, nhưng nói rằng: “E Đặng Thế Phong không sống lâu được.”

Nhớ, xa hơn nữa, các cụ ta cũng truyền lại rằng, một học giả Trung Hoa, sau khi đọc xong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đã nói: “Người này nhiều lắm 5 năm nữa sẽ chết, vì tinh hoa trút hết ra cả đây rồi”.

Cả hai sự tiên liệu đều đúng.

Như thế, cả Tây lẫn Tàu đều trông vật mà biết bệnh? Hay đó chỉ là điều giản dị như Shakespeare đã nói “trái nào chín trước nhất thì rụng trước hết?”

Ba ca khúc của Đặng Thế Phong được viết vào những ngày nền tân nhạc của chúng ta khởi đầu, và đều là những tình khúc.
Và tình khúc Đặng Thế Phong, ngay từ những ngày xa xôi ấy, đã có một tầm vóc khác:

Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Dứt bao tình thương
Thuyền mơ buông trôi theo dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong

Trong ngần ấy lời ca chữ nào nói đến tình yêu, chữ nào không? Hình như không phải chỉ là con thuyền buông trôi theo dòng mà có cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong”, chúng ta chẳng thể nào tới được nơi mong ước cũng không biết đã ra đi từ đâu:

Thu xưa xa xăm ngoài chân mây
Thu nay bơ vơ thuyền trôi đây
Phải chăng thuyền nhớ nơi non bồng
Nơi đã bao phen chùng tơ lòng…

Con sông nào chẳng có hai bờ, nhưng bờ có phải là bến không?

Nghe nhạc Đặng Thế Phong là nghe lấy những tiếng ở giữa chừng đời sống ấy, tiếng va chạm của cái chốn xa xăm ngoài chân mây với cái cõi bơ vơ thuyền trôi đây.

Người ta không hiểu sao ở ngưỡng cửa của tuổi hai mươi Đặng Thế Phong đã nghe ra cái tiếng nhân thế bao la sầu như ông viết trong Giọt Mưa Thu:

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Phòng vắng bốn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu…

Nghe nói khi mới viết xong ca khúc này Đặng Thế Phong đã đặt tên là ‘Vạn Cổ Sầu’ rồi sau đó mới đổi thành ‘Giọt Mưa Thu’.

Cả ba ca khúc Đặng Thế Phong để lại cho đời đều là những bản thu ca. Điều này nữa có phải cũng là một báo hiệu cái mùa đông sửa đang đón đợi ông?

Lấy những cái đã xẩy ra rồi để giải thích sự việc, người ta thường tìm cách ráp sao cho ăn khớp, điều ấy dễ thôi. Nhưng quả thật nghe lại nhạc Đặng Thế Phong, chúng ta sẽ thấy, chỉ cái mùa vạn vật dường như đắm một nữa trong mộng ấy, mới thích hợp với tâm hồn ông.

Tất cả các lời ca của Đặng Thế Phong đều long lanh sáng. Nhưng chúng không sáng cái ánh sáng của mặt trời, mà sáng cái sáng của lân tinh, của ánh trăng. Cái buồn trong nhạc của Đặng Thế Phong còn có thêm một cái buồn lây của đóa hoa đứng im như mắc buồn, nỗi buồn đọng lại hay mùa đông buồn trong ánh sao, cả ba cách dùng đều có nghĩa.

Nguyễn Đình Toàn

Quận Cam, California.
(Trích Khởi Hành)

[footer]

Đặng Thế Phong: ‘Dương thế bao la sầu …’

Tiếp nối dòng nhạc Đặng Thế Phong, mà cũng là dòng nhạc về mùa thu, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên tờ Thanh Niên về nhà nhạc sỹ tài hoa của những ngày đầu hình thành nền tân nhạc.

Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

cong-thuyen-khong-ben--1--dang-the-phong--amnhacmiennam.bblogspot.com--dongnhacxua.com cong-thuyen-khong-ben--2--dang-the-phong--amnhacmiennam.bblogspot.com--dongnhacxua.com

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: ĐẶNG THẾ PHONG – ‘DƯƠNG THẾ BAO LA SẦU …’
(Nguồn: Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 09.11.2011)

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc còn phôi thai, chết rất trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.

Người viết có may mắn được gặp gỡ hai người biết khá rõ về cuộc đời Đặng Thế Phong. Đó là nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa (hiện sống tại TP.HCM) và nhà văn Phạm Cao Củng (gặp cách đây khoảng 10 năm, khi ông từ Mỹ về thăm quê hương, qua sự giới thiệu của họa sĩ Mạc Chánh Hòa). Theo nhà văn Phạm Cao Củng thì Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp, đàn hay hát giỏi, thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Anh diễn rất đạt nên ai cũng yêu thích, nhất là phái nữ.

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì khẳng định người yêu của Đặng Thế Phong tên Tuyết. Tuyết không đẹp nhưng có duyên. Cô là con gái một chủ tiệm buôn bán “gối màn chăn drap” ở chợ Sắt (Nam Định). Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối cùng, anh vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi… nhét vội vào tay nàng một lá thư. Chẳng biết nội dung bức thư đầu tiên này mùi mẫn như thế nào mà sau đó cô Tuyết đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định, khi anh này dạm hỏi.

Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

Trước khi quen và yêu Tuyết, Đặng Thế Phong đã sáng tác ca khúc đầu tay Đêm thu trong một đêm cắm trại của Hướng đạo sinh (1940). Ca từ của bản nhạc rất trong trẻo, lạc quan… Còn bản Con thuyền không bến thì được sáng tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) khi tình yêu giữa nhạc sĩ và cô Tuyết đang độ chín mùi.

Nhạc sỹ Đặng Thế Phong. Ảnh: CafeVanNghe
Nhạc sỹ Đặng Thế Phong. Ảnh: CafeVanNghe

Một hôm, ông cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương. Cùng lúc đó, chàng nhận được tin Tuyết ngã bệnh nơi quê nhà. Lòng dạ bồn chồn, xót xa, Đặng Thế Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp tàn thì bản nhạc hoàn tất với những lời ai oán não nùng gửi về… chân mây: “Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây… như nhớ thương ai chùng tơ lòng…”, rồi “… Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng…”.

Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong tức tốc trở về Hà Nội, người đầu tiên được nghe chính tác giả hát ca khúc này là người yêu của ông. Cô Tuyết hết sức cảm động. Chưa hết, chỉ ít lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”. Hạnh phúc còn nhân đôi bởi chỉ khoảng một tuần sau, tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội), cô Tuyết còn được chứng kiến người mình yêu tự đệm đàn, tự hát ca khúc này mà ánh mắt luôn trìu mến hướng về chỗ cô ngồi, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của khán giả.

Trời thu gieo buồn lây

Sau khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh. Thời đó, bệnh lao là một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ở tỉnh không đủ điều kiện chữa trị, Đặng Thế Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ Nguyễn Trường Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Tuy vậy, tình trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt ngã… Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở thành Nam nên vài hôm mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả quay về.

Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Đặng Thế Phong nhớ Tuyết quay quắt… Nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và viết nên khúc nhạc buồn da diết: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ… Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu…”. Bản nhạc được chàng đặt tên là Vạn cổ sầu. Bạn bè góp ý nhạc thì hay nhưng cái tựa bi thảm quá. Cuối cùng, tên bản nhạc được đổi thành Giọt mưa thu.

Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của Tuyết.

Tang lễ của chàng nhạc sĩ 24 tuổi ấy được rất nhiều thanh niên nam nữ của thành Nam tham dự. Ngoài việc đưa tiễn một người con tài hoa nổi tiếng của quê hương, họ còn muốn chia sẻ và tỏ lòng trân trọng đến với cô thiếu nữ mặc áo đại tang đi sau linh cữu của chàng (việc này được phép của cả hai gia đình).

Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại TP.Nam Định. Cha là Đặng Hiển Thế – thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ Đặng Thế Phong mất sớm, hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ dở việc học (đang học năm thứ hai bậc thành chung – tương đương lớp 7 bây giờ) để lên Hà Nội tìm kế sinh nhai.

Với chất nghệ sĩ thiên phú và tư chất cực kỳ thông minh, Đặng Thế Phong đã “len” vào được Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (học dự thính). Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong vừa học vẽ vừa thực hành để nuôi thân. Ông chuyên vẽ minh họa cho tờ báo Học sinh do nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng làm chủ nhiệm.

Hà Đình Nguyên

[footer]

Đặng Thế Phong (1918 – 1942): Tài Hoa Bạc Mệnh

Xin giã biệt những ngày hè với chút buồn man mác của tuổi học trò, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc xưa bước vào dòng nhạc về mùa thu.
Có thể nói không ngoa rằng chính nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong (1918 – 1942) là người đã khai sinh mở lối cho những sáng tác về mùa thu của tân nhạc Việt Nam.

Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong). Ành: VietStamp.net
Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong). Ành: VietStamp.net

giot-mua-thu--2--dang-the-phong--bui-cong-ky--vietstamp.net--dongnhacxua.com giot-mua-thu--3--dang-the-phong--bui-cong-ky--vietstamp.net--dongnhacxua.com

ĐẶNG THẾ PHONG – TÀI HOA BẠC MỆNH (1918-1942)
(Nguồn: trích bài viết của nhạc sỹ Lê Hoàng Long đăng trên Vietnet)

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
(Nguyễn Du)

Suy từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, người tài hoa là người bạc mệnh, kẻ hồng nhan thường đa truân. Nhìn vào làng nhạc nước ta, nhạc sĩ Đặng Thế Phong là điển hình rõ nét nhất.

Nhạc sỹ Đặng Thế Phong (1918-1942). Ảnh: wikipedia.com
Nhạc sỹ Đặng Thế Phong (1918-1942). Ảnh: wikipedia.com

Ðặng Thế Phong sinh năm 1918 tại thành phố Nam Định. Ông là con trai Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ ông chẳng may mất sớm, gia đình túng thiếu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure, nay là lớp bảy cấp hai phổ thông cơ sở). Vướng vào cái nghiệp văn nghệ từ thủa còn nhỏ nên ông đã lên Hà Nội theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole supérieure de Beanx Arts) với tư cách bàng thính viên (auditeur libre). Đặng Thế Phong đã thực sự lấy nghề nuôi nghiệp: thời gian theo học này, ông đã phải vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ báo là nhà văn Phạm Cao Củng) để có tiền ăn học. Trong một kỳ thi, ông đã vẽ một bức tranh cây cụt, không có một cành nào. Lúc nạp bài, giáo sư Tardieu, thầy dạy ông đã nói rằng có lẽ Đặng Thế Phong không thọ!

Ông đã phiêu du vào Sài Gòn rồi sang Nam Vang vào đầu năm 1941 và mở một lớp dạy nhạc tại kinh đô xứ Chùa Tháp cho đến mùa thu 1941 ông lại trở về Hà Nội.

Cũng giống như Mozart lúc sinh thời, Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo, nên cuộc sống của ông chật vật. Ngoài tài làm nhạc, vẽ tranh, ông còn có giọng hát khá hay, tuy chưa được là Ténor nhưng cũng được khán giả hâm mộ. Lần đầu tiên ông lên sân khấu, hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da – Hà Nội) vào năm 1940, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đặng Thế Phong là một thiên tài, nhưng vẫn không có được cuộc sống sung túc giữa cố đô Thăng Long lúc bấy giờ vì nhạc và tranh dù có hay, có đẹp đến mấy chăng nữa cũng chẳng có mấy ai mua. Thời ấy, chính quyền bảo hộ Pháp có mở một phòng triến lãm tranh tại hội Khai Trí Tiến đức, khu Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Sau lễ khai mạc được ông Đốc Lý thành phố Hà Nội đến cắt băng, người ta thấy những người đến xem tranh phần rất lớn toàn là ông Tây, bà Đầm, còn người Việt thì đúng là lơ thơ tơ liễu buông mành, nhìn kỹ thấy toàn là các quan ta, những công chức cao cấp, giới trí thức, thượng lưu chứ chẳng thấy một dân thường nào! Ngoài ra, thời bấy giờ chính quyền Pháp có tổ chức mở phòng triển lãm là bảo trợ cho các hoạ sĩ Pháp trưng bày tranh của mình còn hoạ sĩ Việt Nam thì số người lọt được vào, ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến nhạc thì nếu có in, mỗi lần xuất bản cũng chỉ in nhiều nhất là 500 bản, dân chúng chưa yêu chuộng nhạc cải cách (tân nhạc) nên dù có thực tài thì cũng không thể có được một cuộc sống sung túc nếu nhờ vào sức lao động nghệ thuật!

Đặng Thế Phong phải chịu một cuộc sống khó khăn, chật vật trong “kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” cho đến đầu năm 1942, ông từ giã cõi đời tại căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng Nam Định vì bệnh lao màng (tuberculose péritonique), hưởng dương 24 tuổi, tuổi son trẻ, đầy thơ mộng, sắp bước vào thời xây dựng sự nghiệp (tam thập nhi lập).

Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Nhờ thế mà tuy sáng tác chỉ có ba bài: Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu nhưng bài nào cũng trở thành vĩnh cửu, qua hơn nửa thế kỷ vẫn là những bài hay nhất của làng nhạc Việt Nam. Nhạc hứng chân thành đều phát xuất từ con tim, vì thế mà sáng tác của ông có hồn, đi vào lòng người và sống mãi! Qua Ðặng Thế Phong, ta chứng minh được văn nghệ tính phẩm chứ không tính lượng (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Con người làm văn nghệ viết được một câu để đời đã là khó, được một tác phẩm để đời là đáng mãn nguyện lắm rồi. Với âm nhạc, người chuyên sử dụng một nhạc cụ cho thật điêu luyện được tôn kính hơn là người biết sử dụng nhiều thứ đàn, chẳng thế nào có được một thứ thật tuyệt hảo. Về sáng tác cũng vậy, làm cho nhiều, cố nặn cho lắm, thể điệu nào cũng có bài thì dù viết cả ngàn bài chưa chắc đă có lấy một bài có giá trị nghệ thuật và vĩnh cửu! Chỉ sáng tác có ba bài thôi, Đặng Thế Phong đã sống mãi trong lòng mọi người, chắc chắn là hơn người có cả ba trăm bài mà chẳng có một bài nào để người ta nhớ! Nói đến điều này, điển hình trong làng nhạc nước nhà, chúng ta nhìn vào ông nhạc sĩ tiền bối Th.O, ông này là một trong số ít người đi tiên phong trong việc sáng tác tân nhạc. Từ đó cho đến sau này, suốt hơn 40 năm, ông có một tập sáng tác khá đồ sộ, trên dưới 500 bài nhưng cho đến ngày hôm nay không có lấy một bài nhạc nào đi vào lòng người nếu ta không muốn nói là sáng tác của ông đã hoàn toàn bị chìm trong quên lãng! Với nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, muốn thành công là phải có tài năng thiên phú chứ không thể nhờ vào thời gian, kiên nhẫn, sách vở, trường lớp hay bằng cấp mà đạt được! Vì thế chúng tôi dám tôn vinh Đặng Thế Phong là một thiên tài của làng nhạc Việt, thật không ngoa.

Cuộc đời Đặng Thế Phong đã có được một mối tình thật chung thủy tuyệt đẹp:

Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đã đem lòng yêu một thiếu nữ buôn bán ở Chợ Sắt, chợ duy nhất và lớn nhất của thành phố. Cô này không đẹp nhưng lại rất có đuyên. Sau nhiều ngày đi chơi chợ, Đặng Thế Phong đã lọt vào mắt mỹ nhân. Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng! Điều đáng ca ngợi là chàng nhạc sĩ tài hoa họ Đặng không bao giờ đụng chạm đến đồng tiền của người yêu, dù cho người đẹp, tên Tuyết, nhiều lần khôn khéo bày tỏ lòng mình muốn giúp chàng. Những buổi chiều trời quang, mây tạnh hay gió mát, trăng thanh, hai người đều dìu nhau trên những con đường ngoại ô để tâm tình. Thời bấy giờ, nhiều thanh niên rất ngưỡng mộ Đặng Thế Phong, khi biết mối tình của cặp Phong – Tuyết, đều mến trọng và tôn kính là một cuộc tình lý tưởng!

Đặc biệt nhất là mấy cô gái phố Hàng Đồng, gia đình rất khá giả tỏ lòng yêu mến Đặng Thế Phong, nhưng ông vẫn một lòng yêu cô Tuyết, dù cô không đẹp bằng mấy cô kia. Có một hôm, mấy cô kia đang đứng nói chuyện với nhau thấy Đặng Thế Phong đi qua, với lối đi có vẻ vội vã. Thấy bóng ông, mấy cô ngưng bặt, rồi chẳng cô ai bảo cô nào, tất cả ánh mắt đều hướng về ông như dán chặt vào người ông vậy. Khi Đặng Thế Phong vừa bước tới ngang chỗ các cô thì một giọng nói đầy hờn dỗi pha thêm mai mỉa, được nói lớn lên, cố ý cho Đặng Thế Phong nghe thấy:

– Mấy chị đứng dịch ra, người ta đi vội kẻo trễ hẹn !

Đặng Thế Phong nghe rõ nhưng coi như điếc, cứ rảo bước như không có gì xảy ra. Đến nơi hẹn, gặp cô Tuyết đã đứng chờ, Đặng Thế Phong kể cho cô nghe vụ vừa bị chọc ghẹo. Cô Tuyết không nói gì mà chỉ tủm tỉm cười với ánh mắt nhìn người yêu, thật là trìu mến. Về nhà, Đặng Thế Phong không nói ra với anh chị em mà thầm thì kể cho ông chú họ, cùng lứa tuổi, là ông Nguyễn Trường Thọ biết thôi . Ngoài ra, ông còn kể cho ông Thọ nghe chuyện cô Tuyết có một chàng thông phán trẻ, đẹp trai, có tiền, có địa vị, làm ở Tòa Đốc Lý thành phố theo đuổi, còn nhờ cả hai người mai mối nhưng cô nhất quyết khước từ , bất chấp cả lời dị nghị của mọi người, nhất là gia đình cố ý gán ghép.

Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt ! Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con Thuyền Không Bến buồn não ruột:

Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng…
.. Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến?
Thuyền ơi thuyền trôi nơi nao
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu?…

Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng rạt rào tình cảm như rót vào tai cô bài Con Thuyền Không Bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô . Khi hát xong, Đặng Thế Phong phải lấy khăn tay ra nhẹ nhàng lau hai giòng lệ đang từ từ chảy xuống má cô với lòng xúc động không kém! Lúc ra về, Đặng Thế Phong nói: “Làm được một bài nhạc nhờ em, nay về được hát cho em là người đầu tiên nghe, thế là anh sung sướng lắm rồi!”
Cô Tuyết cũng đáp lại lòng tri kỷ : “Là một người đàn bà tầm thường như em mà đã làm cho anh có được một bài hát thì với em đó là một vinh dự, một hạnh phúc thật cao sang, không phải ai ở trên đời cũng có được! Tình anh trao cho em thật trọn vẹn, thật bất diệt, chắc chắn không bao giờ hình ảnh anh bị phai mờ trong tim trong óc em được, bây giờ và mãi mãi..” Đến lúc ấy chị Hằng mới ló mặt ra dịu dàng nhìn xuống trần thế và chứng giám hai người yêu nhau đang đứng sát bên nhau sau khi đã uống cạn lời nói của nhau. Sau hôm ấy, Đặng Thế Phong mới cho phổ biến rất hạn chế trong đám thanh niên tỉnh nhà bài Con Thuyền Không Bến, được mọi người yêu chuộng nên rất nhiều người biết đến.

Chính vì thế mà có một ngườl ở Hà Nội mới mời Đặng Thế Phong lên Hà Nội để hát tại rạp chiếu bóng Olympia bài hát của mình. Trong buổi ấy, Đặng Thế Phong ra sân khấu hát Con Thuyền Không Bến đầy xúc động vì ngay ở hàng ghế đầu, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội nghe người yêu hát bài làm vì mình và cho mình ! Riêng với Đặng Thế Phong, ông xúc động là phải vì với số khán giả đông đảo không đáng ngại mà là trong lòng ông thầm nghĩ hát hôm nay rất cần và chỉ cần để một người nghe là đủ nên phải mang hết tài trí ra biểu diễn sao cho thành công !
Hát xong, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Sau một thời gian ở Bắc Giang, ông nhuốm bệnh. Vì lúc đó bệnh lao là nan y nên ông dấu mọi người, ai biết đều sợ bị lây nhiễm, không hiểu sao cô Tuyết biết được. Cô Tuyết rất tế nhị và khôn khéo hỏi Đặng Thế Phong :

– Sao dạo này em thấy anh gầy và xanh lắm? Anh có bệnh gì không mà em thấy sút lắm? Anh đi nhà thương khám và thuốc men , cho khoẻ để mình còn tính đến tương lai !

Ông ậm ừ cho qua. Từ đó cô Tuyết âm thầm tìm mọi cách để giúp người yêu trong lúc nhà nghèo bệnh trọng. Đặng Thế Phong cũng đến nhà thương để khám bệnh. Sau khi dò hỏi, biết bệnh của ông, cô Tuyết nhân quen với một số y sĩ (médecin indochinois) làm ở nhà thương, mua thuốc rồi nhờ ông ta nhận là thuốc của nhà thương ông lấy cho Đặng Thế Phong. Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém, mà còn thường xuyên gặp Phong để săn sóc một cách kín đáo, kể cả không sợ bị lây. Về phần Đặng Thế Phong thì ông không hề biết thuốc là của cô Tuyết mua cho mình. Trong các cuộc ao đẹp của văn nghệ sĩ nước nhà, có hai nữ lưu đáng để người đời ca tụng : cô Tuyết biết người yêu bị bệnh nan y, rất dễ lây, Mộng Cầm biết Hàn Mặc Tử bị bệnh phong cùi, vừa ghê sợ vừa dễ lây thế mà hai ngườí đã có tình yêu chân thật, chung thủy, không những không sợ mà còn hết lòng chăm sóc,thuốc men cho đến ngày tử biệt! Thật hiếm hoi và cao quý vô cùng !

Mùa xuân năm 1941, cô Tuyết cùng Phong từ Nam Định lên Hà Nội để tiễn chân và tạm biệt Đặng Thế Phong vào Sài Gòn (rồi đi Nam Vang). Ở kinh đô xứ Chùa Tháp, ở Hòn Ngọc Viễn đông một thời gian thấy cuộc sống cũng không được thoải mái như ý mong muốn, Đặng Thế Phong trở về Hà Nội. Về lần này, Đặng Thế Phong không về Nam Định mà thuê một căn gác hẹp tường cây, mái lá ở làng trồng hoa Ngọc Hà, vùng ngoại ô thành phố Hà Nội. Đặng Thế Phong ở chung với chú là ông Nguyễn Trường Thọ. Bệnh tình Đặng Thế Phong tái phát ngày một nặng vì người bị bệnh này phải mua thuốc men đầy đủ, phải nghỉ ngơi và ăn uống tẩm bổ tối đa mà những điều phải ắt có và đầy đủ này, với Đặng Thế Phong không thể có được. Chính vì thế mà không tuần nào là cô Tuyết không lên thăm và lo chữa bệnh cho Đặng Thế Phong.

Tháng Bảy mưa ngâu tầm tã, rả rích suốt ngày này sang ngày nọ, tháng này qua tháng khác, gió lạnh kéo về, nhà thì tường cây, mái lá, lạnh buốt lọt xương, cuộc sống kham khổ khiến bệnh tình Đặng Thế Phong ngày càng trầm trọng. Từng cơn ho làm rũ người, tiếp đến những cơn thổ huyết làm cho Đặng Thế Phong ngày một sút hẳn đi. Một mình trên giường bệnh, Đặng Thế Phong nhớ gia đình thì ít mà nhớ người yêu thì nhiều. Thân xác thì bệnh tật khó qua, tâm trí thì luôn luôn phải vật lộn với trăm ngàn ý nghĩ và hình ảnh cuộc tình tươi đẹp nên bệnh mỗi lúc một tăng.
Còn đâu những cuộc hẹn hò thơ mộng, quên làm sao được những lời thủ thỉ ân tình và hy vọng gì ở những ước vọng được thành đôi chim nhạn tung trời mà bay, tất cả đã được Đặng Thế Phong ngày đêm day dứt, tiếc thương, muốn níu kéo lại thì cũng chẳng còn gì để bám víu!

Đặng Thế Phong đã mang lấy nghiệp vào thân thì đời con tằm đến thác cũng còn vương tơ, tránh sao thoát khỏi cái lưới trời thưa mà khó lọt ấy ? Chính vì lẽ ấy mà Đặng Thế Phong đã thực sự thể hiện được câu các cụ đã dạy cọp chết để da, người ta chết để tiếng, dù cuộc đời ông ngắn ngủi với 24 mùa lá rụng, một cuộc đời ngắn đến nổi đo chửa đầy gang!

Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt Mưa Thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là giòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng ? Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về.

Về nhà, lần này cô Tuyết đích thân đến hàng ngày để chăm sóc, thuốc men cho Đặng Thế Phong, không ngại mệt mỏi và không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Những người quen biết đến thăm, thấy cảnh ấy đều mũi lòng và khâm phục lẫn mến thương cuộc tình cao quý, chung thủy của cặp Phong -Tuyết.

Không biết có phải là tại thần giao cách cảm hay không mà một hôm, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đột nhiên từ Hà Nội về Nam Định thăm Đặng Thế Phong lại vừa đúng lúc Đặng Thế Phong sắp lìa đời. Trên giường bệnh, phút lâm chung, không nói gì được với nhau, Bùi Công Kỳ ôm đàn hát cho Đặng Thế Phong nghe một lần chót bài Giọt Mưa Thu. Giọng hát Bùi Công Kỳ vừa dứt thì mọi người nhìn thấy Đặng Thế Phong mở cặp mắt nhìn như ngỏ lời chào vĩnh biệt rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.

Một vì sao Bắc Đẩu của làng nhạc Việt Nam, vừa ló dạng trên bầu trời đã vụt tắt gây niềm xúc động mãnh liệt và niềm thương tiếc vô bờ trong lòng mọi người ! Trong tang lễ, nam nữ thanh niên của thành Nam đã lũ lượt kéo nhau đi , chật cả phố phường để tiễn đưa Đặng nhạc sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng với rất nhiều cặp mắt rưng rưng lệ ! Cô Tuyết xin phép và được cả hai gia đình cho, mặc đại tang, đúng như một người vợ trong tang lễ chồng, thật là cảm động.

Năm 1960, tại Phú Nhuận, tôi được tiếp một thiếu phụ chưa hề quen biết. Sau lời chào hỏi, bà tự giới thiệu tên là Tuyết, người Nam Định, di cư vào Nam hiện ở Ban Mê Thuộc. Nhân lần vô tình đọc trên báo Tự Do, thấy quảng cáo trước cuốn Nhạc Sĩ Danh Tiếng Hiện Đại (tập II) của tôi sắp xuất bản, viết về năm nhạc sĩ trong đó có Đặng Thế Phong, nên bà về gặp tôi để xin tôi cho bà mượn hình của cố nhạc sĩ, chụp lại để về thờ. Trước kia, bà đã có nhưng lúc sắp di cư tấm ảnh đó bị thất lạc, kiếm mãi không sao thấy. Tôi vội lấy ảnh đưa ngay. Cậu cháu đi theo bà mang ngay ra tiệm hình ở đầu hẻm chụp gấp lấy ngay, xong trở vào gửi trả lại tôi. Trong lúc cậu cháu đi chụp hình, tôi có hỏi bà về chuyện tình tươi đẹp như bài thơ, trong sáng như trăng mười sáu thì bà Tuyết xác nhận những điều tôi biết là đúng và còn bổ sung cho tôi thêm ít nhiều chi tiết. Bà cũng không quên nói lên điều thắc mắc là tại sao tôi biết rõ thế ? Tôi nói thật ngay là được ông chú Nguyễn Trường Thọ cho tôi mượn ảnh, kể rành rẽ cuộc đời ái tình của Đặng Thế Phong cho tôi nghe. Bà cười và nói:

– Chú Thọ tuy là chú nhưng cùng tuổi với anh Phong, nên hai người vừa là chú cháu vừa có tính bạn bè, nên trong gia đình chỉ có chú Thọ là được anh Phong tâm sự mà thôi. Thảo nào ông biết quá rõ, quá đúng và quá đủ !

Sau lời cám ơn và trước khi ra về, bà Tuyết còn nói với tôi câu cuối cùng, đến nay đã 35 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ :

– Cho đến ngày hôm nay, và mãi mãi về sau, tôi tôn thờ anh Phong và đời tôi luôn luôn thương nhớ anh ấy với tất cả cái gì trân trọng nhất.

Viết ra những giòng trên đây, tôi xin được phép coi là nén hương lòng, suy tôn một bậc đàn anh khả kính và khả ái. Tuy anh đã ra người thiên cổ hơn nửa thế kỷ rồi nhưng những Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu vẫn là những vì sao tinh tú sáng rực trên bầu trời ca nhạc. Thể xác anh có thể trở về hư không nhưng tinh anh vẫn còn lại muôn đời với giang sơn gấm vóc này. Cuộc đời con người ta, sinh ký, tử quy đó là luật muôn đời của tạo hoá. Nhưng khi sống cho ra sống, lúc về được qua Khải Hoàn Môn, khi cất ba tiếng khóc chào đời, mọi người hân hoan cười mừng đón ta, khi nhoẻn miệng cười để lìa đời, mọi người thương tiếc khóc ta, thế mới thật là sống, mới đáng sống ! Anh đã vĩnh viễn ra đi nhưng tất cả những thế hệ hậu sinh, dù chưa được biết anh, khi hát những bài hát bất hủ của anh để lại, đều tưởng nhớ đến anh, một thiên tài mà ta có thể nói anh là một MOZART của Việt Nam, với tất cả tấm lòng kính mến trang trọng nhất !

Tôi cả tin rằng, dưới suối vàng. anh cũng có thể mỉm cười mãn nguyện. Hiển linh, anh về chứng giám và nhận cho nén tâm nhang này.

Lê Hoàng Long

[footer]

Đoàn Quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu)

Sau sáng tác đầu tay ‘Trầu cau’, bản nhạc kế tiếp gây tiếng vang của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu là ‘Đoàn quân Việt Nam’. [dongnhacxua.com] xin lấy đúng tên gốc là ‘Đoàn quân Việt Nam’ do nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) đã phát hành mà chúng tôi sưu tầm được. Trong một bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên mà chúng tôi mạn phép trích đăng thì tên ban đầu là ‘Đoàn vệ quốc quân’ rồi theo nhiều biến động của thời cuộc, bản này giờ đây được đổi thành ‘Đoàn giải phóng quân’.

Dù với tên gọi nào, dù với vài thay đổi trong ca từ cho phù hợp với “thời cuộc, chế độ”, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], đây là một trong những sáng tác có giá trị nhất của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, thể hiện tinh thần dân tộc cao độ của một người con mang dòng máu Lạc Hồng, cùng sự dấn thân hy sinh vì tổ quốc Việt Nam.

Qua bài viết này, chúng tôi xin được phép nghiêng mình và thắp một nén nhang cho những linh hồn đã khuất vì đất Mẹ thân yêu!

Đoàn quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Đoàn quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

doan-quan-viet-nam--1--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com doan-quan-viet-nam--2--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com doan-quan-viet-nam--3--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

PHAN HUỲNH ĐIỂU – COM ‘CHIM VÀNG’ CỦA TÂN NHẠC: ĐOÀN VỆ QUỐC QUÂN VÀ SỐ TIỀN TÁC QUYỀN KỶ LỤC
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên trên ThanhNien.com.vn)

Nhiều người gọi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “con chim vàng của tân nhạc Việt”. Ông cũng tỏ ra thú vị với biệt danh này, bởi theo cách giải thích của ông, “huỳnh” không phải là một cái họ, mà là biến âm của chữ “hoàng” (nghĩa là màu vàng), còn “điểu” là con chim. “Ừ thì mình sáng tác nhạc nên người ta gọi như thế cũng… oách, mà lại không sai nghĩa!”.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu – Ảnh: Độc Lập

Chiều 30.6, tại Nhà tang lễ TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM cùng đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ đã đến viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bà Phạm Thị Vân, vợ ông không có mặt vì bị tai biến. Con trưởng ông là nhạc sĩ Phan Hồng Minh đang ở Đức chưa về kịp.
Mọi người vẫn còn nhớ, mới đầu tháng 6 này, “đại gia đình” Hội Âm nhạc TP.HCM còn chứng kiến lão nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngồi an nhiên trên băng ghế “chủ tọa đoàn” trong Đại hội Hội Âm nhạc TP.HCM nhiệm kỳ 7 (2015 – 2020) tại Nhà hát Thành phố. Ở đại hội này, ông tham dự với tư cách cố vấn. Là nhạc sĩ cao tuổi nhất nhưng ông không hề tỏ ra mệt mỏi khi tham dự các buổi đọc tham luận và tranh luận. Ông lúc nào cũng tươi cười. Khi các đại biểu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, ông chụp hình lia lịa những khuôn mặt em út, học trò thân quen… Anh chị em trong Hội Âm nhạc TP.HCM chắc sẽ khó quên được những kỷ niệm với bác Bảy (tên gọi thân mật của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), nhất là những mẩu chuyện tiếu lâm mà bác Bảy kể bằng giọng xứ Quảng rất duyên trên những chuyến xe, chuyến tàu đi thực tế sáng tác hoặc đi dự hội nghị, khiến mọi người cười rần rần suốt buổi…

Những nhạc phẩm đầu tay

Phan Huỳnh Điểu thuộc lớp nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc cải cách (thường gọi là “tân nhạc”, để phân biệt với cổ nhạc dân tộc). Nên nhớ, nếu như nhạc phẩm Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) ra đời năm 1938 và được coi là bản tân nhạc đầu tiên của VN (dù trước đó, đã có nhiều bản nhạc và nhóm nhạc theo nhạc lý Tây phương), thì chỉ 2 năm sau, chàng thiếu niên 16 tuổi Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát Trầu cau (1940), dù lúc đó trình độ nhạc lý của chàng chỉ “a-bê-xê” nhưng vẫn… liều sáng tác. Bản nhạc đầu tay ấy, đến mãi 75 năm sau (lúc tác giả qua đời, 2015) nhiều người vẫn còn nhắc và chắc chắn chừng nào còn nói đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sẽ còn phải nhắc đến Trầu cau.

Một giai thoại gắn liền với ca khúc thứ hai của Phan Huỳnh Điểu là bài Đoàn Vệ quốc quân (sáng tác cuối năm 1945, sau sửa lại là Đoàn Giải phóng quân). Ca khúc được sáng tác khi VN vừa giành được độc lập và đang hừng hực khí thế trước âm mưu quân Pháp tái chiếm, nhất là ở miền Nam. Lúc đó, Phan Huỳnh Điểu mới 21 tuổi. Hằng ngày, khi các đoàn tàu chở các chiến sĩ trên đường Nam tiến dừng chân ở ga Đà Nẵng, thì Đội Tuyên truyền Việt Minh (trong đó có Phan Huỳnh Điểu) đến từng toa tàu, hát vang ca khúc này, động viên tinh thần chiến sĩ… Lúc đó ở Huế có ông Tăng Duyệt (cha người Hoa, mẹ Việt) mở nhà in Tân Hoa ở đường Gia Long (sau đó chuyển thành NXB Tinh Hoa ở số 121 Trần Hưng Đạo, Huế). Ông Duyệt rất thích ca khúc này nên đã ký hợp đồng xuất bản, tiền tác quyền là… 800 đồng. Phan Huỳnh Điểu hết hồn, vì số tiền quá lớn. Sau này, ông vẫn kể: “Đấy là số tiền tác quyền kỷ lục mà tôi được trả cho một ca khúc”. Với số tiền ấy, ông hoan hỉ mua được cây đàn guitar “đã qua sử dụng” của… vua Bảo Đại từ một người quen (ông này được một chính khách ngoại quốc nhượng lại) hết 80 đồng. Còn lại 720 đồng đủ cho ông “ăn cơm bụi” suốt 5 năm!

Nhưng nói vậy thôi, chứ ông đâu thể “ăn cơm bụi” suốt 5 năm vào cái thời chiến tranh loạn lạc ấy. Ông dành 700 đồng về trao cho mẹ và nói rõ: “Đây là tiền ông Tăng Duyệt ngoài Huế mua bài hát Đoàn Vệ quốc quân của con”. Mẹ ông cũng bất ngờ, cứ hỏi đi hỏi lại: “Có đúng như vậy không? Hay là con phỉnh má?”… Đến 30 năm sau (1975), đất nước thống nhất, sau một giai đoạn dài lửa khói đạn bom, ông mới có dịp gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ hỏi: “Biết là con đi theo cách mạng, nhưng con làm nghề gì?”. “Thì con vẫn làm… bài hát mà má!”. Số tiền nhuận bút của ông Tăng Duyệt ngày nào làm ấm lại buổi hàn huyên… Ngày mẹ ông mất (năm 1982, thọ 95 tuổi), ông rất xúc động, bảo rằng: “Tôi rất biết ơn giọng hát ru con ngọt ngào của mẹ (nhà ông có đến 11 anh em). Giọng hát ru ấy đã thấm đẫm vào tâm hồn non nớt của thằng bé mới 6 – 7 tuổi là tôi. Mẹ tôi xứng đáng là nghệ sĩ nhân dân vô danh”.

Hà Đình Nguyên

[footer]

‘Hà Nội niềm tin và hy vọng’ và câu chuyện Phan Nhân trước lễ cưới Triều Dâng

[dongnhacxua.com] xin mạn phép giới  thiệu một bài viết của nhà báo Nguyên Minh để người yêu nhạc xưa hiểu rõ thêm về nhạc sỹ Phan Nhân và “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”

‘HÀ NỘI, NIỀM TIN VÀ HY VỌNG’ VÀ CÂU CHUYỆN PHAN NHÂN TRƯỚC LỄ CƯỚI TRIỀU DÂNG 
(Nguồn: nhà báo Nguyên Minh đăng trên TheThaoVanHoa.vn)

(Thethaovanhoa.vn) – Nhạc sĩ Phan Nhân đến với âm nhạc từ năm 19 tuổi với nhiều sáng tác về cách mạng nhưng phải đến năm 1967, khi 36 tuổi, như lời tự bạch, “mới được chính thức thừa nhận là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp”, khi 2 tác phẩm của ông, Chú ếch con và Chú cừu Mộc Châu đoạt giải A cuộc thi sáng tác thiếu nhi trung ương. Và 5 năm sau, sự nghiệp của ông đã đạt mốc son chói lọi khi ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ra đời.

Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và người sáng tác ra nó đã không sợ hãi, chấp nhận hy sinh để có thể tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.

Sáng đi hỏi vợ, tối rền tiếng bom

Còn đúng một tuần lễ nữa là đến Noel 1972, Giáng sinh thời chiến. Hà Nội rét ngọt và ngọt ngào hương hoa sữa. Hôm đó, ngày 18/12, nhạc sĩ Phan Nhân đi hỏi vợ. Lúc ấy ông đã 41 tuổi và ai trong cuộc cũng quá biết, ông đã cưới bà Phi Điểu từ năm 1957. Hóa ra không phải, sáng hôm ấy ông đi hỏi vợ cho ông bạn nhạc sĩ thương binh, Triều Dâng. Họ nhà trai ủy quyền và phía nhà gái vui vẻ chấp nhận, đám cưới được định sẽ diễn vào đầu năm sau.

Như mọi bữa, cơm chiều xong xuôi, thành phố cũng vừa lên đèn, nhạc sĩ Phan Nhân ung dung đạp xe 4 cây số từ nhà ở khu lao động Mai Hương, chợ Mơ lên chơi với anh bạn Triều Dâng cư ngụ ngay trong khuôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ. Một lát sau, thể nào nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng sẽ từ tập thể Đại La, Bạch Mai lọc cọc đạp xe đến, như mọi khi.

Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Nơi ở của ông bạn Triều Dâng cũng có thể xem là một câu lạc bộ âm nhạc mini. Chỉ có mấy mét vuông được ngăn ra bằng phên tre liếp nứa từ căn phòng làm việc của Ban biên tập đài, vừa đủ chỗ cho một chiếc giường, một cái bàn và một cây đàn.

Nhạc sĩ Phan Nhân nhớ lại: “Ở đấy tha hồ mà đàn hát, chuyện trò, bàn luận về âm nhạc, cho nhau nghe tác phẩm mới sáng tác hoặc ý đồ về dàn dựng các tiết mục thu thanh đã lên chương trình. Ngoài ra có thể nghe được cả nhạc băng, đĩa cổ điển phương Tây, nhạc nhảy, nhạc nhẹ đủ các thứ trên đời… Chỉ bằng ấy thôi cũng đã đủ hết rồi”.

Mỗi lần họp nhau như vậy là dậy xóm làng, rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát, om sòm tiếng nói tiếng cười. Tối hôm ấy chú rể tương lai Triều Dâng nổi hứng kể chuyện tiếu lâm Nam Bộ, còn nhạc sĩ Phan Nhân hát một bài ca dao hơi tục vừa được phổ nhạc và như mọi khi, cả nhóm lại cười lăn lóc, la hét ầm ĩ. Căn buồng chật ních tiếng đàn, tiếng hét, tiếng giậm chân rầm rầm muốn sụm cả giường. Nhưng hôm ấy, đúng lúc ấy, những ánh chớp chói lòa cả vùng trời Hà Nội.

Nhạc sĩ Phan Nhân ghi lại khoảnh khắc khó quên đó: “Rền rền ầm vang những tiếng nổ liên hồi. Rực hồng như đám cháy xăng dầu. Còi hụ. Đèn vụt tắt. Tiếng hát, tiếng đàn cũng đột nhiên im bặt. Có tiếng máy bay rền rĩ nặng nề. Hàng bầy máy bay Mỹ. Các cỗ pháo đan chéo như thoi đưa trên nền trời Hà Nội. Chớp lóe ùng oàng. Mịt mùng lửa khói. Hàng loạt tiếng bom rền dậy đất. Đích thị là B.52. Hà Nội đang kiên cường giáng trả. Tôi nhìn đồng hồ: 19h10. Lần đầu tiên đụng độ với B.52 quả cũng ớn”.

Nhưng bấy nhiêu chỉ càng làm tăng tinh thần cho ông. Ông muốn chứng kiến tận mắt sự khốc liệt của chiến tranh.

Hà Nội mến yêu của ta

Bất chấp sự ngăn cản của tự vệ cơ quan, nhạc sĩ Phan Nhân chụp vội lên đầu chiếc mũ sắt vẫn mang theo bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng lầu 4, lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng.

Ông ghi lại: “Hà Nội đỏ trời bom đạn. Miểng đạn đan vèo vèo. Bất chấp! Tôi phải tận mắt nhìn Hà Nội chiến đấu từ trên cao. Hầm trú ẩn thì an toàn nhưng quá ngột ngạt đối với tôi. Tôi thích có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Từ trước tới nay tôi vẫn thế, bao phen suýt “hy sinh” nhưng tôi cóc sợ.

Tôi là người trong cuộc, tôi phải tận mắt nghe nhìn để viết. Không phải để coi chơi. Hà Nội mến yêu của tôi!

Những mảnh B.52 cháy rực, lả tả rơi như mời như gọi tôi. Tôi muốn tụt ngay xuống đất cũng nhanh nhẹn như lúc lên và băng ra đường. Nhưng rồi lại tiếc, sợ xuống rồi không nhìn được rộng, được xa cuộc chiến đêm nay. Cơ hội nghìn năm có một. Và rồi một cảnh hùng tráng hiện lên: cột anten truyền hình cao 50m hiện rõ trên nền một máy bay Mỹ đang cháy rồi rơi giữa trời Hà Nội”.

Tiếp tục bám trên cao để “quay phim” bằng mắt, ghi âm bằng tai và bất giác nhạc sĩ Phan Nhân nghĩ về mặt nước Hồ Gươm ban chiều vẫn còn lung linh, yên ả. Ông nhủ thầm trong lòng, nếu còn nguyên vẹn đến sáng mai nhất định sẽ đạp xe một vòng quanh hồ”.

Và đêm hôm ấy những giai điệu đầu tiên bật ra, nhạc trước lời sau, điệp khúc trước, đoạn đầu sau. “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ…”.

Cứ thế, suốt 12 đêm liên tiếp, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn leo lên tầng 4 trong tiếng bom đạn gào rú. Ông chỉ chui xuống hầm trú ẩn chỉ khi nào sáng tác và nghỉ ngơi.

Và khi những tiếng bom ngừng rơi, Hà Nội vào ngày mới, ông viết đoạn mở đầu: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…”. Để có được câu: “Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau” ông đã phải tìm chữ rất kỹ. “Không” hay là “chưa” cũng phải trằn trọc suốt đêm.

Sau 12 ngày đêm, Hà nội niềm tin và hy vọng ra đời, thực sự “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền”. Chất trữ tình quyện với chất hùng ca tạo nên cho cả bài hát một không gian truyền cảm sâu lắng, như thể tác giả đã rút toàn bộ ruột gan để viết nên những giai điệu và ca từ đi thẳng vào lòng công chúng.

Cuối năm 1972, Hà Nội niềm tin và hy vọng đã lần đầu xuất hiện trước công chúng qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng hát vàng Trần Khánh. Năm 1973, bài hát này cũng đã đoạt giải A cuộc thi sáng tác về Hà Nội chiến đấu chống B.52.

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh ngày 25/5/1930 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Ông nổi tiếng với các ca khúc: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Thành phố của tôi, Chú ếch con… Ông vừa qua đời hôm 29/6/2015 tại TP.HCM do bệnh tật và tuổi cao sức yếu.

Nguyên Minh

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Nhân (1930-2015)

Người yêu nhạc chưa khỏi ngậm ngùi về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Khê thì lại đón nhận thêm tin buồn khi phải vĩnh biệt hai nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân ngay trong ngày 29.06.2015. Chúng tôi đã có bài vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong một bài viết trước. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin được phép gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhạc sỹ Phan Nhân và cầu mong linh hồn ông mau an nghĩ chốn cực lạc.

Nói đến nhạc sỹ Phan Nhân, chắc hẳn người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến bản “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, một trong những sáng tác bất hủ về Hà Nội. 

Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 - 2015). Ảnh: wikipedia.com
Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 – 2015). Ảnh: wikipedia.com

Theo wikipedia.com, nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là LiêuNguyễn Phan Nhân. Ông sinh ngày 15.05.1930 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An  Giang. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc và tham gia sinh hoạt âm nhạc ở miền Bắc. Như vậy khác với “một Hà Nội trong hoài niệm” của rất nhiều nhạc sỹ gốc Bắc di cư vào miền Nam như Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Vũ Thành, Anh Bằng, v.v., nhạc sỹ Phan Nhân viết  về “một Hà Nội thực tại” đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, mất mác của chiến tranh.

Dù không có nhiều cơ hội trực tiếp nói chuyện với nhạc sỹ Phan Nhân nhưng qua vài dịp tham gia sinh hoạt tại Sài Gòn, [dongnhacxua.com] dễ nhận ra nét mộc mạc, dung dị vốn có của một người miền sông nước An Giang nơi nhà nhạc sỹ.

Theo thiển ý của chúng tôi, một trong những yếu tố góp phần làm cho “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” sống mãi trong lòng công chúng là tính chân thực. Theo chúng tôi tìm hiểu, nhạc sỹ Phan Nhân viết bản này cuối năm 1972, sau khi tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc mà đỉnh điểm là “Hà Nội 12 ngày đêm”. Khác với nhiều sáng tác ra đời ở miền Bắc vào thời kỳ này, “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” không lên gân về chủ trương, chính sách hay ca ngợi chế độ một cách quá đáng mà chỉ diễn tả chân thực một Hà Nội vừa phải oằn mình chống chọi với bom đạn, vừa phải tìm ra “niềm tin và hy vọng” để vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh, để mong một ngày quê hương Việt Nam hòa bình và tự do đúng nghĩa!

[footer]

Vĩnh biệt Phan Huỳnh Điểu (1924 – 2015)

Sáng nay, 29.06.2015, làng nhạc Việt lại đón nhận một tin buồn: nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnnh Điểu vừa ra đi mãi mãi. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến và mong linh hồn ông sẽ mau chóng về an nghỉ miền cực lạc.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản “Trầu cau”, nhạc phẩm đầu tay của chàng trai Phan Huỳnh Điểu viết năm 1945-1946, thuở mới chập chững bước vào con đường âm nhạc, cái thưở mà nhà  bao đau thương của thời cuộc chưa ảnh hưởng đến những sáng tác của ông.

Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: HopAmViet.com
Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: HopAmViet.com

trau-cau--2--phan-huynh-dieu--hopamviet.com--dongnhacxua.com

CA KHÚC “TRẦU CAU” 
(Nguồn: bài viết trên DacTrung.com, [dongnhacxua.com] chưa kiểm chứng có phải của Phan Huỳnh Điểu)

Nhân dịp tôi được đi xem nhạc kịch Tụy Lụy; nhạc của Lưu Hữu Phước, thơ của Châu Vinh và Thế Lữ biểu diễn tại thành phố Ðà Nẵng lúc bấy giờ… tôi thấy hay. Từ xưa đến giờ mình chưa được xem một cái kịch có hát, mà tôi rất là mê âm nhạc, cho nên tôi về nghiên cứu…

Nghĩ mình học nhạc chưa đến đâu, nhưng mà mình mê cái nhạc kịch Tụy Lụy, thấy các cảnh trong Tụy Lụy đóng rất hay, ước là làm thế nào mình kể một câu chuyện cổ tích, nó cũng có những cái tình tiết, tình cảm như Tụy Lụy.

Lấy chuyện cổ tích ra đọc, thì tôi thích nhất là chuyện Trầu Cau. Nó là cái truyện tình giữa hai anh em ruột và một cô gái hàng xóm. Trong đó nói cái tình vợ chồng chung thủy và cái tình gắn bó yêu thương của hai anh em…

Tôi mượn cái mandoline về, vội vào trong buồng, giấu không cho ai biết, vì mình không là nhạc sĩ, nên cũng hơi xấu hổ, mình mà nói nhạc sĩ, thì người ta cười cho vì mình đã học trường lớp nào đâu mà nói nhạc sĩ. Cho nên cố mày mò viết, viết thử thử. Lúc bấy giờ tôi viết theo cái lối những bài hát hướng đạo. Tức là một điệp khúc mà có 3 lời khác nhau. Lời người em, lời người anh, lời người vợ….Ba lời, tức là ba người cùng hát một giai điệu nhưng chỉ khác nội dung thôi.

Lúc bây giờ tôi viết xong, thực tế chỉ cho đoàn Sói Con (Lúc bây giờ chúng tôi có tổ chức Sói Con) hát, để diễn kịch trong những đêm lửa trại… Nói chung anh em hướng đạo chúng tôi rất thích cái loại nhạc như vậy. Những bài hát kể chuyện có tình, có nhạc. Thật ra, cái bài “Trầu Cau”, tôi viết, không nghĩ để cho người lớn hát, mà cho trẻ em hát, các cháu Sói Con hát. Và cũng không ngờ cái bài hát đó đi vào lòng quần chúng. Khi được đưa lên sân khấu có rất nhiều người thích. Cho đến nỗi có một kỷ niệm rất vui.

Năm 1991, khi tôi được những người Việt kiều bên Pháp mời sang. Trong cái đêm ca nhạc của tôi, tôi không để cái bài Trầu Cau, bởi vì tôi cho bài hát đó lâu quá rồi, cũ quá rồi, mình không nên đưa vào chương trình. Khi đêm diễn xong, có mấy cụ già 60, 70 gặp tôi hỏi:
– Nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu đây là nhạc sĩ từ năm 45 đến giờ, hay là nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu mới đây ?
Tôi nói: tôi là… tôi, từ trước đến nay Việt Nam chỉ có một Phan Huỳnh Ðiểu, chứ làm gì có hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu. Mấy ông bà ấy bảo:
– Trời ơi, có một nhạc sĩ… tại sao cái đêm nhạc này không có cái bài Trầu Cau ? Tôi bảo:
– Dạ cái bài đó lâu quá.
– Khi chúng tôi qua Pháp, chúng tôi hát cái bài Trầu Cau rất say sưa, và bây giờ khi nhắc đến Phan Huỳnh Ðiểu, chúng tôi vẫn nhớ đến Trầu Cau. Mà đêm nay, không có “Trầu Cau” tức là một thiếu sót rất lớn của nhạc sĩ.

Ðêm sau, tôi bổ sung ngay bài “Trầu Cau” vào và nhờ các anh chị em ở bên Pháp, nhất là các bác sĩ, kỹ sư đóng vai Tân Sinh, Lang Sinh và cô vợ. Sau cái đêm thứ hai, các bạn đến xem, vỗ vai tôi nói:
– Ðã có Phan Huỳnh Ðiểu là phải có “Trầu Cau” không có “Trầu Cau” là không phải Phan Huỳnh Ðiểu..
Ðối với tôi, rất là vui và tôi nghĩ cũng là một vinh dự đối với một nhạc sĩ.

Từ cái bài “Trầu Cau” khai sinh ra cái tên Phan Huỳnh Ðiểu cho đến bây giờ, điều đó tôi rất mừng.

Phan Huỳnh Ðiểu

[footer]

Đi Chùa Hương (Trần Văn Khê)

Hầu hết chúng ta biết đến nhạc sỹ Trần Văn Khê qua âm nhạc dân tộc. Trong bài viết này, để người yêu nhạc xưa có cái nhìn đa diện hơn về nhà nhạc sỹ tài hoa , [dongnhacxua.com] xin giới thiệu một trong những bản tân nhạc hiếm hoi (có lẽ là sáng tác đầu tay) của nhà nhạc sỹ tài hoa: bản “Em đi chùa Hương” theo ý thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn
Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn

‘ĐI CHÙA HƯƠNG’ CỦA TRẦN VĂN KHÊ
(Nguồn: website của nhạc sỹ Trần Quqng Hải, con trai của nhạc sỹ Trần Văn Khê)

Nhật Hoa Khanh phỏng vấn, Úc Châu, trang Thơ Nhạc đầu tháng 1-3-2011

(17/2/2011)
Suốt gần 60 năm nay, bài thơ Chùa Hương (tác giả Nguyễn Nhược Pháp) sau khi được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài, ngày càng nổi lên trên văn đàn và trên sân khấu. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài và lấy tên là Đi Chùa Hương.

** Thưa GS nhạc sĩ, ông đã từng gặp nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lần nào chưa?

– Tôi chưa bao giờ gặp nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp mà chỉ đọc những bài thơ của ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân mà thôi.

** Vì sao ông lại phổ nhạc toàn bộ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp?

– Đó là năm 1946, khi đang lánh nạn ở Lộc Ninh, ban đầu tôi chưa hề có ý định, nhưng vì rất thích nên tôi đã đọc bài thơ đó nhiều lần. Tôi thường hay ngâm thơ nên ban đầu có ý ngâm bài thơ, nhưng vì là thể thơ ngũ ngôn, có rất nhiều đoạn khó. Vì thế tôi thấy rằng làm như vậy không hấp dẫn bằng có nhiều đoạn mình ngâm “theo kiểu mới”. Một hôm, khi chuyển qua ngâm thơ theo điệu mới, một vài nét nhạc thoáng qua đầu, trong 10 ngày, tôi ghi lại những đoạn tâm đắc, lúc đó mới nghĩ đến việc ký âm lại cho dễ nhớ và từ đó bắt đầu phổ nhạc.

** Xin GS kể chi tiết một số đoạn xử lý với bài thơ độc đáo này?

– Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác, nhưng lúc đàn piano phụ họa theo tiếng ngâm của mình, tôi bắt đầu bằng gam Pha trưởng, rồi nhiều đoạn chuyển sang gam Rê thứ, chỉ có lúc cuối cùng, do tình cảm nhớ thương da diết nên tôi chuyển sang ngâm theo phong cách Sa mạc, nhưng cũng dựa theo gam Rê thứ. Lúc đó, tôi cũng định ghi nhạc để hát chơi cho các bạn nghe chớ không định phổ nhạc một bài thơ.

** Hành trình tiếp theo của cuộc đời bài hát, thưa GS?

– Người đầu tiên tôi đưa bài phổ nhạc là nhạc sĩ Lê Thương, bạn rất thích. Khi tôi chuẩn bị sang Pháp thì Lê Thương gởi thư nói rằng nến không giới thiệu với công chúng thì rất uổng. Lê Thương đã nhờ ca sĩ Mộc Lan học thuộc lời và giới thiệu trong một buổi hoà nhạc có nhiều bạn bè của ông, lúc đó tôi đang ở Pháp.

Sau đó, NXB Tinh Hoa, qua giới thiệu của Lê Thương, đã viết thư yêu cầu tôi cho phép xuất bản bài Đi Chùa Hương. Lúc đó tôi đang bịnh, đang nhập viện nên rất cần tiền. NXB bằng lòng trả tiền tác giả để in lần đầu khoảng 2000 bản và không lâu sau, báo tin đã bán hết và xin tái bản lần hai, đồng thời gửi đầy đủ tiền tác quyền sang Pháp cho tôi. Lúc đó, đồng VN bằng 17 franc cũ. Nhờ tiền tác quyền, tôi sống bình yên 4 tháng trời tại Paris! Lê Thương còn cho biết, Mộc Lan cũng trình bày bài đó trên Đài phát thanh Pháp á. Rồi bên nhà báo sang là Thái Thanh cũng hát. Nhưng tôi không nhận được bản ghi âm nào. Sau này, tôi biết bên Mỹ cũng có vài ca sĩ giới thiệu bài Đi Chùa Hương, trong đó có ý Lan – con gái Thái Thanh – đã thu được nhiều kết quả. Khi về nước làm việc, tôi được Thanh Lan tặng một cuốn băng video ghi lại bản nhạc Đi Chùa Hương rất đầy đủ. Trong các nghệ sĩ hát bài này, có Hồng Vân là thuộc hết bản nhưng chỉ thường giới thiệu trích đoạn chứ không hát cả bài.

** Những năm 50, 60 ở VN, những năm 90 ở hải ngoại, nhiều nữ danh ca đã thể hiện Đi Chùa Hương với những giọng truyền cảm sâu sắc. GS thích nhất giọng nào?

– Tiếc rằng tôi không được diễm phúc nghe tận tai tất cả các ca sĩ hát bài này. Đến nay tôi chỉ còn nhớ giọng của ý Lan mà tôi được một người bạn bên Mỹ cho nghe qua điện thoại. Giọng của Thanh Lan, tôi cũng còn nhớ rõ vì có cuộn băng. Hồng Vân thì đã rất nhiều lần hát tặng tôi ở những buổi họp mà tôi có mặt…

* Nhạc sĩ Lê Thương, tại TpHCM, đã nói với tôi: Chùa Hương là bai thơ dài thấm đẫm hồn dân tộc trong thể thơ và nội dung, trong lời thơ. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc thành công bài thơ dài và độc đáo đó. GS suy nghĩ thế nào về nhận định này?

– Bạn tôi vì quá ưu ái mà có lời khen tặng như vậy. Về mặt nhạc học, lẽ tất nhiên là Lê Thương rất sành sỏi nên lời nhận xét đó không xa với thực tế. Nhưng tôi vẫn không dám nhận tất cả những lời khen của bạn, vì tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên môn để có được những quan điểm sâu sắc về cách phổ nhạc.

** GS có nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội và lần đầu tiên thăm chùa Hương?

– Tôi đi chùa Hương lần đầu lúc đang học trường Y tại Hà Nội năm 1942. Về sau được đọc bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp thì bao nhiêu cảnh đẹp chùa Hương mà tôi đã được thấy, như hiện rõ trong câu thơ và nhờ đó mà bản phổ nhạc được nhiều bạn yêu thích

Năm 1976, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức cho tôi đi viếng chùa Hương cùng GS Nguyễn Hoán và phu nhân, Võ Thị Tri Túc, và con trai của hai bạn là cháu Cảnh. Tôi thật bồi hồi! Không gian cũ hiện lên, cùng với những cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong lòng, tất cả như còn tươi mới!

** Chân thành cảm ơn GS nhạc sĩ Trần Văn Khê

[footer]

Vĩnh biệt Giáo sư – Nhạc sỹ Trần Văn Khê

Rạng sáng hôm nay, ngày 24.06.2015, nền tân nhạc Việt Nam chứng kiến một mất mác to lớn khi vĩnh biệt Giáo sư – Nhạc sỹ Trần Văn Khê, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để tri ân những đóng góp to lớn, những nỗ lực không mệt mỏi cho âm nhạc dân tộc và cầu chúc linh hồn ông mau an nghỉ chốn vĩnh hằng.

GS.TS. Trần Văn Khê diện Âu phục, sử dụng đàn cò - Ảnh chụp năm 1952 mà Trần Văn Khê rất trân quý vì là kỷ niệm của ông với người bạn tại Viện dưỡng lao sinh viên Aire sur l'Adour tại Pháp. Ảnh: PhuNuOnline.com.vn
GS.TS. Trần Văn Khê diện Âu phục, sử dụng đàn cò – Ảnh chụp năm 1952 mà Trần Văn Khê
rất trân quý vì là kỷ niệm của ông với người bạn tại Viện dưỡng lao sinh viên Aire sur l’Adour tại Pháp. Ảnh: PhuNuOnline.com.vn

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ QUA ĐỜI 
(Nguồn: Thanh Niên ngày 24.06.2015)

(TNO) Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 2 giờ 55 phút hôm nay 24.6. Ông thọ 94 tuổi.

GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 - Ảnh: Độc Lập
GS-TS Trần Văn Khê xuất hiện tại một triển lãm ảnh năm 2013 – Ảnh: Độc Lập

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời vào rạng sáng nay. Trước đó, ông nhập viện điều trị tại đây từ ngày 27.5.

Chia sẻ với Thanh Niên Online, bác sĩ Hồ Văn Hân – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viên Nhân dân Gia Định cho biết GS-TS Trần Văn Khê tuổi cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh nội khoa phối hợp về tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi. Trước đây, ông từng nhiều lần ra vào bệnh viện để điều trị nhưng đây là lần nặng nhất.

Trong những ngày nằm viện, giáo sư nằm tại khoa Hồi sức đặc biệt, điều trị cách ly. Người trực tiếp chỉ đạo điều trị cho GS-TS Trần Văn Khê là PGS-TS Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, những ngày trước, GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận biết được khi con cháu vào thăm. Thậm chí, ông chảy nước mắt xúc động khi có một người cháu nắm tay và hôn lên trán ông.

Túc trực tại bệnh viện để chăm sóc giáo sư là người giúp việc Nguyễn Thị Na, người đã tận tình chăm sóc ông suốt 10 năm nay. Bên cạnh đó, các con của ông (hiện sống ở nước ngoài) cũng đã về VN để gần gũi, chăm sóc ông những ngày qua.

GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Độc Lập
GS-TS Trần Văn Khê – Ảnh: Độc Lập

Người thân cho biết trước khi ra đi, ông đã sắp đặt mọi chuyện hậu sự của chính mình. Theo bản di nguyện của giáo sư (được người nhà cung cấp cho Thanh Niên), chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông, GS-TS Trần Quang Hải. Bên cạnh đó còn có một tiểu ban tang lễ gồm: nhà văn – nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy và bà Lý Thị Lý.

Dù không theo một tôn giáo nào nhưng Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng phụ trách. Ngoài ra còn có một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của GS-TS Trần Văn Khê, sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.

Cũng theo ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, linh cữu của ông sẽ được quàn tại tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong thời gian từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày để các con, các cháu, bạn bè thân thuộc ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.

Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Thủ bút của GS-TS Trần Quang Hải cho phép PV Thanh Niên sử dụng Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê làm tư liệu cho bài viết. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Chi phí tang lễ sẽ được sử dụng từ tiền mặt của giáo sư và trích từ sổ tiết kiệm của ông tại VN. Ngoài ra, ông mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN.

Bên cạnh đó, ngôi nhà mà ông ở khi còn sống tại VN sẽ được sử dụng để làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Trong bản di nguyện, ông bày tỏ mong muốn những thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu.

Ngoài ra, ông cũng không quên người đã tận tình giúp việc cho ông trên 10 năm là bà Nguyễn Thị Na. Theo ông, bà Na đã tự tay chăm sóc ngôi nhà này và biết rất rõ những sinh hoạt của ông trong căn nhà này. Vì thế, ông mong muốn bà Na sẽ được tiếp tục ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.

Những di nguyện đầy tính nhân văn, thấm đẵm nghĩa tình với những người xung quanh của GS-TS Trần Văn Khê đã khiến nhiều người không khỏi xúc động…

GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.

Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc – UNESCO.

Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.

Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25.5, trước khi giáo sư ngã bệnh.

Theo chia sẻ từ một số người thân thiết, mặc dù ở tuổi 94, mắt kém nhưng ông vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.

Giáo sư cũng là người sống nghĩa tình. Ông sống gần gũi với những người chăm sóc ông suốt nhiều năm qua. Ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Khi ông ngã bệnh, nhìn cách săn sóc hết lòng của những người thân thiết, sự lo lắng của các người học trò cũ hay những cuộc hỏi thăm liên tục về bệnh tình giáo sư cũng nói lên được phần nào tình cảm của mọi người dành cho cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc.

[footer]

Xóa Tên Người Tình (Vinh Sử)

Lang thang trên mạng, [dongnhacxua.com] gặp được một bộ ảnh đẹp về nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngôi giáo đường với tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Xuôi theo dòng nhạc xưa, chúng tôi tìm được bản nhạc lấy bối cảnh một Vương cung thánh đường mà theo thiển ý của chúng tôi là nhà thờ Đức Bà, một biểu tượng của Sài Gòn ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’. [dongnhacxua.com] xin hân hạnh giới thiệu bản “Xóa Tên Người Tình” của nhạc sỹ Vinh Sử, một chuyện tình buồn của chàng trai ngoại đạo với một người con gái có đạo.   

LỜI NHẠC ‘XÓA TÊN NGƯỜI TÌNH’ (VINH SỬ)

Em còn nhớ không em Chúa nhật của hôm nào
Ngang nhà Thánh Vương Cung vô tình biết quen nhau
Em ngày đó thơ ngây hay mặc áo hoa hòe
Đi dự lễ Misa trong buổi sáng tinh sương.

Anh ngày mới yêu em tuy đời sống không đạo
Nhưng thường thích theo em đi nhà thánh xem kinh.
Trong buổi lễ Misa anh nào biết kinh cầu
Anh chỉ biết theo em khi làm dấu Amen.

        Ân tình mới hôm qua bây giờ bỗng chia xa
        Em tự muốn phong ba cho tình anh gục chết
        Khăn hồng với thư xanh bây giờ xóa tên anh
        Em làm sóng vây quanh xô lầu cát tim anh.

Đông về sáng hôm nay chúa nhật phố mưa buồn
Anh từng bước lang thang qua nhà thánh vương cung.
Vô tình biết tin vui em làm lễ tơ hồng
Anh hàng ghế sau lưng nghe mặn ướt trên môi.

Đưa người bước sang sông nghe ngập sóng trong lòng
Con nguyện Chúa thương con cho họ sống trăm năm.
Con tự thú ngôi cao yêu nàng mới tin đạo
Nay nàng đã quên con, con còn thiết tha chi.

BỐN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM 
(Nguồn: vnExpress.net)

Trong khoảng 6.000 nhà thờ trên cả nước, Việt Nam vinh dự sở hữu 4 vương cung tháng đường thuộc 4 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị và TP HCM.

Nhà thờ Thiên chúa giáo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với bất kỳ ai. Bởi vậy mà không ít tour du lịch, nhà thờ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình khám phá điểm đến. Trong đó phải kể đến các vương cung thánh đường, danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.

1. Nhà thờ Kẻ Sở

Vương cung thánh đường Sở Kiện hay nhà thờ Kẻ Sở tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù là một tiểu vương cung thánh đường mới được sắc phong năm 2010, nhưng nhà thờ Kẻ Sở thật sự là điểm đến thú vị với kiến trúc đồ sộ và phong cách Đông – Tây hội tụ.

Ảnh: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Ảnh: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc vòm cao vút cổ điển phương Tây từ trần đến cửa. Trên tường có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Do xây dựng trên một cái đầm nên toàn bộ nền cũng được lót gỗ lim chống sụt lún.

Nhiều du khách đến đây tỏ ra thích thú với ngọn tháp cao treo 4 quả chuông mang các sắc âm đố – mi – son – đồ. Quả nặng nhất gần 2,5 tấn được người dân ở đây gọi là chuông “Bồng”. Vào ngày lễ, nơi đây phải huy động đến cả chục thanh niên trai tráng đến kéo chuông. Tiếng chuông vang lên như một bản đàn vang vọng từng thôn làng, ngõ xóm nơi đây.

2. Nhà thờ Phú Nhai

Nhà thờ Phú Nhai là vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Phú Nhai thuộc Giáo phận Bùi Chu, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, Nam Định.

Đây được mệnh danh là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Ảnh: chudu
Đây được mệnh danh là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Ảnh: chudu

Khi mới xây dựng nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha. Đến nay nhà thờ được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic Pháp. Điều đặc biệt là nhà thờ Phú Nhai có hai tháp chuông. Bốn quả chuông đặt ở đây đều được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng từ 100 kg đến 2 tấn. Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá.

Sau khi tham quan nhà thờ được mệnh danh lớn nhất Đông Dương, du khách chiêm ngưỡng được toàn cảnh của huyện Xuân Trường khi đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai.

3. Nhà thờ La Vang

Nhà thờ La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1961, nhà thờ được tôn phong là vương cung thánh đường. Ban đầu đây là một ngôi nhà thờ bằng ngói, được thiết kế theo kiến trúc cổ Việt Nam nhưng mặt tiền vẫn mang hơi thở châu Âu hiện đại với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng nổi bật lên giữa cảnh đồi.

Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ La Vang. Ảnh: wiki
Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ La Vang. Ảnh: wiki

Nhà thờ La Vang đã được nhiều lần trùng tu và xây mới, nhưng khi đến đây du khách vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của phong cách kiến trúc Việt qua hình dáng những mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt. Thêm vào đó, du khách cũng sẽ bị lôi cuốn bởi quần thể tượng gồm 15 pho tượng diễn tả 15 điều màu nhiệm.

4. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn

Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn đã không còn xa lạ với mỗi người dân TP HCM và khách du lịch trên cả nước. Nhưng ít ai biết rằng, đây là một trong 4 vương cung thánh đường của cả nước.

Nhà thờ Đức Bà là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn
Nhà thờ Đức Bà là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn

Điểm nhấn của nhà thờ là bức tường được xây bằng gạch xuất xứ từ Marseille (Pháp) từ cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn giữ nguyên màu sắc hồng tươi, không bám bụi rêu. Bởi vậy dù không hiểu hết ý nghĩa văn hóa và lịch sử của nhà thờ Đức Bà nhưng khi đến Sài Gòn, ai cũng muốn có một bức hình với công trình độc đáo ấy.

Ngay trước mái vòm nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Trải qua hơn 130 năm nhưng chiếc đồng hồ vẫn hoạt động khá chính xác và được lên giây mỗi tuần. Trong 6 quả chuông mang âm đô – rê – mi – son – la – si, chuông Son nặng gần 8,8 tấn là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới. Nằm giữa trung tâm thành phố năng động nhất cả nước, nhà thờ Đức Bà mang đến một nốt trầm xao xuyến níu chân du khách bốn phương.

Kim Anh

DẤU ẤN 138 NĂM NHÀ THỜ ĐỨC BÀ VỚI SÀI GÒN 
(Nguồn: vnExpress.net)

Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, người dân còn gọi là Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng vào ngày 7/10/1877. Giám mục Isodore Comlombert là người đặt viên gạch đầu tiên xây nhà thờ tại khu đất cao nhất của Sài Gòn khi ấy. Phương án thiết kế của KTS Bourard, chuyên gia về công trình tôn giáo, được chọn để thi công và hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Hầu hết nguyên vật liệu từ gạch, ngói, sắt, thép đến ốc vít, kính màu trang trí đều được chuyển từ Pháp sang nhằm đảm bảo mô phỏng đúng nguyên tác nhà thờ Notre Dame của Paris.  Đây là ảnh nhà thờ Đức Bà lúc mới hoàn thành, năm 1882 chưa có tháp chuông. Hai tháp chuông nhọn cao hơn 57 m được bổ sung vào năm 1895, trong một thời gian dài trở thành điểm cao nhất thành phố. Những du khách đến Sài Gòn bằng đường biển, từ xa đều trông thấy nóc nhà thờ trước tiên.
Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, người dân còn gọi là Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng vào ngày 7/10/1877. Giám mục Isodore Comlombert là người đặt viên gạch đầu tiên xây nhà thờ tại khu đất cao nhất của Sài Gòn khi ấy. Phương án thiết kế của KTS Bourard, chuyên gia về công trình tôn giáo, được chọn để thi công và hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Hầu hết nguyên vật liệu từ gạch, ngói, sắt, thép đến ốc vít, kính màu trang trí đều được chuyển từ Pháp sang nhằm đảm bảo mô phỏng đúng nguyên tác nhà thờ Notre Dame của Paris.
Đây là ảnh nhà thờ Đức Bà lúc mới hoàn thành, năm 1882 chưa có tháp chuông. Hai tháp chuông nhọn cao hơn 57 m được bổ sung vào năm 1895, trong một thời gian dài trở thành điểm cao nhất thành phố. Những du khách đến Sài Gòn bằng đường biển, từ xa đều trông thấy nóc nhà thờ trước tiên.
Nhà thờ dài 93 m, rộng 35 m và cao 75 m được xây dựng trên vùng đất rộng. Ludovic Crespin chụp mặt sau nhà thờ Đức Bà những năm 1920 với những phương tiện đặc trưng thời bấy giờ như xe ngựa kéo, xe kéo và ôtô của người Pháp có mặt ở Sài Gòn.
Nhà thờ dài 93 m, rộng 35 m và cao 75 m được xây dựng trên vùng đất rộng. Ludovic Crespin chụp mặt sau nhà thờ Đức Bà những năm 1920 với những phương tiện đặc trưng thời bấy giờ như xe ngựa kéo, xe kéo và ôtô của người Pháp có mặt ở Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà năm 1922, tọa lạc giữa quảng trường rộng lớn, rợp bóng cây, là nơi diễn ra những hoạt động lớn như diễu binh, mít tinh thời bấy giờ. Ảnh: L' Indochine Coloniale Sommaire.
Nhà thờ Đức Bà năm 1922, tọa lạc giữa quảng trường rộng lớn, rợp bóng cây, là nơi diễn ra những hoạt động lớn như diễu binh, mít tinh thời bấy giờ. Ảnh: L’ Indochine Coloniale Sommaire.
Bức ảnh nhà thờ nhìn từ đường Tự Do, nay là Đồng Khởi, năm 1956. Lúc này mặt đồng hồ nhà thờ còn mang số La Mã. Đến những năm 60 đồng hồ được thay mới, mấy con số là những nét gạch giống hiện tại. Năm 1959, trung tâm của công viên trước nhà thờ được xây dựng thêm bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình hay còn gọi là Nữ vương Hòa Bình do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện. Ảnh: Life.
Bức ảnh nhà thờ nhìn từ đường Tự Do, nay là Đồng Khởi, năm 1956. Lúc này mặt đồng hồ nhà thờ còn mang số La Mã. Đến những năm 60 đồng hồ được thay mới, mấy con số là những nét gạch giống hiện tại. Năm 1959, trung tâm của công viên trước nhà thờ được xây dựng thêm bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình hay còn gọi là Nữ vương Hòa Bình do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện. Ảnh: Life.
Nhà thờ Đức Bà bị sét đánh gãy một cây thánh giá vào mùa mưa năm 1964. Kích thước của cây thánh giá trên hai tháp chuông cao 3,5 m, chiều ngang 2 m, nặng 600 kg. Do đó việc gắn hai cây thánh giá lên tháp chuông là rất kỳ công. Tháp chuông bị sét đánh được sửa chữa vào năm 1965.
Nhà thờ Đức Bà bị sét đánh gãy một cây thánh giá vào mùa mưa năm 1964. Kích thước của cây thánh giá trên hai tháp chuông cao 3,5 m, chiều ngang 2 m, nặng 600 kg. Do đó việc gắn hai cây thánh giá lên tháp chuông là rất kỳ công. Tháp chuông bị sét đánh được sửa chữa vào năm 1965.
Sài Gòn năm 1967, góc đường Tự Do nay là Đồng Khởi rợp bóng cây xanh. Người Sài Gòn xưa luôn hoài niệm hình ảnh những tà áo dài tỏa xuống phố sau giờ đi lễ nhà thờ.
Sài Gòn năm 1967, góc đường Tự Do nay là Đồng Khởi rợp bóng cây xanh. Người Sài Gòn xưa luôn hoài niệm hình ảnh những tà áo dài tỏa xuống phố sau giờ đi lễ nhà thờ.
Wayne Trucke chụp cảnh taxi, ôtô đa dạng chủng loại, mẫu mã đậu san sát trước nhà thờ năm 1969. Thời điểm này Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông với hệ thống đường sá, nhà cao tầng, nơi vui chơi giải trí phong phú, mở rộng. Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc nhà thờ bên trên nên vẫn đứng vững chãi dù chịu áp lực lưu lượng xe cộ lưu thông nườm nượp xung quanh.
Wayne Trucke chụp cảnh taxi, ôtô đa dạng chủng loại, mẫu mã đậu san sát trước nhà thờ năm 1969. Thời điểm này Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông với hệ thống đường sá, nhà cao tầng, nơi vui chơi giải trí phong phú, mở rộng. Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc nhà thờ bên trên nên vẫn đứng vững chãi dù chịu áp lực lưu lượng xe cộ lưu thông nườm nượp xung quanh.
Những người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ hình ảnh nhà thờ gắn với bức tượng Trương Vĩnh Ký, tức Petrus Ký, học giả người Việt thời Pháp thuộc. Ông có nhiều công lao trong việc phát triển chữ quốc ngữ trên sách báo vào giai đoạn chữ quốc ngữ mới thịnh hành. Bức tượng nằm ở góc phải phía sau Nhà thờ Đức Bà, được chụp năm 1969.
Những người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ hình ảnh nhà thờ gắn với bức tượng Trương Vĩnh Ký, tức Petrus Ký, học giả người Việt thời Pháp thuộc. Ông có nhiều công lao trong việc phát triển chữ quốc ngữ trên sách báo vào giai đoạn chữ quốc ngữ mới thịnh hành. Bức tượng nằm ở góc phải phía sau Nhà thờ Đức Bà, được chụp năm 1969.
Công trình nhìn từ xa, hài hòa với không gian cây xanh xung quanh và đẹp từ mọi góc nhìn. Nhà thờ là một công trình đặc biệt về quy hoạch ở trung tâm thành phố, không có hàng rào hay khuôn viên bao quanh, tạo một không gian mở nên dễ dàng cho mọi người dân tiếp cận. Từ xa, màu gạch sáng của nhà thờ nổi bật giữa nền trời. Màu sắc ấy đến từ loại gạch đặc biệt được đặt riêng, chuyển từ Pháp sang, có màu sắc hồng tươi để trần, không tô trát, không bám bụi rêu theo thời gian.
Công trình nhìn từ xa, hài hòa với không gian cây xanh xung quanh và đẹp từ mọi góc nhìn. Nhà thờ là một công trình đặc biệt về quy hoạch ở trung tâm thành phố, không có hàng rào hay khuôn viên bao quanh, tạo một không gian mở nên dễ dàng cho mọi người dân tiếp cận. Từ xa, màu gạch sáng của nhà thờ nổi bật giữa nền trời. Màu sắc ấy đến từ loại gạch đặc biệt được đặt riêng, chuyển từ Pháp sang, có màu sắc hồng tươi để trần, không tô trát, không bám bụi rêu theo thời gian.
Sài Gòn năm 1971 được chụp bởi Richard E. Wood. Công trình kiến trúc tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố ở số 1 Quảng trường Công xã Paris, đứng sừng sững qua bão táp lịch sử, chính trị hơn một thế kỷ qua.
Sài Gòn năm 1971 được chụp bởi Richard E. Wood. Công trình kiến trúc tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố ở số 1 Quảng trường Công xã Paris, đứng sừng sững qua bão táp lịch sử, chính trị hơn một thế kỷ qua.
Hai anh bộ đội những ngày đầu thống nhất đất nước, trước Nhà thờ Đức Bà tháng 5/1975.
Hai anh bộ đội những ngày đầu thống nhất đất nước, trước Nhà thờ Đức Bà tháng 5/1975.
Hơn 40 năm sau ngày thống nhất, nhà thờ trở thành công trình biểu tượng, điểm đến ưa thích của khách du lịch và người dân, những cặp đôi chụp ảnh cưới. Sau gần 140 năm tồn tại cùng những biến động lịch sử, chính trị, nhà thờ vẫn chứng tỏ vị trí là một tuyệt tác không thể thay thế trong kiến trúc đô thị Sài Gòn. Sắp tới công trình sẽ được trùng tu một số hạng mục như 2 ngọn tháp, kính, cột và xóa sạch vết bẩn ở các bức tường bị viết lên bằng bút xóa. Ảnh: Diego Delso.
Hơn 40 năm sau ngày thống nhất, nhà thờ trở thành công trình biểu tượng, điểm đến ưa thích của khách du lịch và người dân, những cặp đôi chụp ảnh cưới. Sau gần 140 năm tồn tại cùng những biến động lịch sử, chính trị, nhà thờ vẫn chứng tỏ vị trí là một tuyệt tác không thể thay thế trong kiến trúc đô thị Sài Gòn. Sắp tới công trình sẽ được trùng tu một số hạng mục như 2 ngọn tháp, kính, cột và xóa sạch vết bẩn ở các bức tường bị viết lên bằng bút xóa. Ảnh: Diego Delso.

[footer]