Màu Tím Hoa Sim do nhạc sỹ Song Ngọc phổ nhạc

Tiếp nối mạch cảm xúc của những bài hát lấy cảm hứng từ bài thơ bất hủ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản “Màu tím hoa sim” do nhạc sỹ Song Ngọc phổ thơ. Ảnh bìa: hcmutrans.edu.vn

[footer]

Bâng khuâng chiều nội trú: 30 năm từ thơ đến nhạc

Mặc dù đã hơn 15 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác lần đầu tiên được nghe bản “Bâng khuâng chiều nội trú” trong một chiều mưa buồn ở ký túc xá Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức cuối năm 1995. Qua màn mưa, trong nỗi nhớ nhà và trong nỗi nhớ cô bạn sinh viên cũng ở ký túc xá, tiếng hát truyền cảm của Tuấn Ngọc càng làm nhạc phẩm này da diết hơn.

Mãi sau này chúng tôi mới biết được nhạc phẩm này là của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang sáng tác vào năm 1981, lấy cảm hứng từ hai bài thơ của một nữ sinh viên trường Tư Pháp TPHCM (Đại học Luật sau này). Nhạc phẩm này phổ biến ở hải ngoại rồi sau đó mới trở lại Việt Nam và nổi tiếng hơn 30 năm qua.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG
Trong khi chúng ta biết khá rõ về nhạc sỹ Lê Hựu Hà thì chúng ta lại có rất thông tin về tiểu sử của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang, người bạn thân và cũng là người đã cùng Lê Hựu Hà lập ra ban nhạc trẻ Phượng Hoàng nổi tiếng một thời trước năm 1975. Có thể nói không ngoa rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel, nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang đã có công khai sáng phong trào nhạc trẻ Việt Nam.

Về năm sinh và năm mất của ông, chúng tôi chưa có một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Theo những gì chúng tôi được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, hưởng dương chưa đầy 40 năm! Xung quanh cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại. Tuy nhiên có một điều chắc chắn đúng là ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật như lời chính mẹ ruột của ông nghẹn ngào tâm sự trong một chương trình video của trung tâm Asia.

ĐÔI NÉT VỀ HAI BÀI THƠ ĐÃ LÀM NIỀM CẢM HỨNG CHO NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG
(Theo một bài báo của tác giả Nguyễn Minh trên báo Tuổi Trẻ)

Tác giả hai bài thơ, chị Hoài Mỹ (ảnh chụp năm 1981)

Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” ấy dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng khuâng chiều nội trú. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

Người đã viết ra hai bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú (được NS Nguyễn Trung Cang lấy làm cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát này) và Mưa (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A-B của bài Bâng khuâng chiều nội trú) là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời và chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy thì đến một ngày, khi ấy Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ nhạc hai bài thơ này và Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.

Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)

Bâng khuâng chiều nội trú

Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên

Mưa

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tường chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh

Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa

Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh… thơ. Bài thơ ra đời như thế. Còn bài Mưa là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tư pháp ngày nào, tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa. Mỗi lần nghe lại bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy.

Lời bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú

Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm

Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM

[footer]

Thà Như Giọt Mưa & ‘người tên Duyên’: từ thơ đến nhạc

Hầu hết những người yêu nhạc như chúng ta biết nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của nhạc sỹ Phạm Duy là phổ từ thơ ‘Khúc Tình Buồn’ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thế nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ.
Ví dụ: trong bài hát chúng ta nghe ‘Người từ trăm năm về ngang trường Luật’ hay’Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu’. Những ý này hoàn toàn không có trong bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’.
Một ví dụ khác là trong đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên thế nhưng trong bài thơ hoàn toàn không có chi tiết này.

Mang những thắc mắc đó, DongNhacXua.com đã tìm hiểu và phát hiện ra vài điều thú vị về ‘người tên Duyên’ và chuyện nhạc sỹ Phạm Duy có lẽ đã lấy cảm hứng không chỉ từ ‘Khúc tình buồn’ mà còn cả từ bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là ‘Duyên tình con gái Bắc’

Tờ nhạc 'Thà như giọt mưa' xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com
Tờ nhạc ‘Thà như giọt mưa’ xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com

NGƯỜI CON GÁI TÊN DUYÊN
Theo một thông tin trên mạng mà chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng thì Duyên là một cô gái gốc Bắc, học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (tham khảo http://mt9011.multiply.com/journal/item/23/23):

Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.

Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:

“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”

Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.

“Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi, nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi.Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm.”

BÀI THƠ ‘KHÚC TÌNH BUỒN’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/khuc-tinh-buồn/)

(1)
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

(2)
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
(1970)

BÀI THƠ ‘DUYÊN TÌNH CON GÁI BẮC’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/duyen-tinh-con-gai-bắc/)

Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
Thương lại bóng hình người năm năm trước…

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!

Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể

Chim lớn thôi đành cam rớt lệ
Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
Tay tre khô mối mọt ăn luồn
Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

Em chẳng bao giờ rung động cũ
Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
Nên trở về như một con sâu
Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
Lá xanh em chưa dấu lở loang nào
Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu
Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!

Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

[footer]

Đôi mắt người Sơn Tây: từ thơ đến nhạc

Nhạc phẩm ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ với giai điệu chậm buồn đầy bi tráng và ca từ đầy chất thơ có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người yêu nhạc xưa. Thế nhưng Sơn Tây ở đâu và nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ Phạm Đình Chương cho ra đời nhạc  phẩm bất hủ này là điều mà có khi chúng ta ít được biết.

VỀ ĐỊA DANH SƠN TÂY (Tham khảo wikipedia)

Địa danh Sơn Tây ngày nay không còn nữa. Thế nhưng, theo những gì mà wikipedia cung cấp thì có thể tạm hiểu Sơn Tây ngày xưa là một phần của Hà Nội ngày nay.

Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).

Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (1929-1991) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ ở Hà Nội. Những năm cuối đệ nhị thế chiến, để tránh khói lửa chiến tranh nhiều học sinh đã theo gia đình rời Hà Nội về sống tại các vùng quê. Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sỹ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương.

Pleiku: còn chút gì để nhớ!

Trong ký ức của Dòng Nhạc Xưa, những người sinh sau 1975, qua lời kể của ba mẹ kể về những năm tháng sống ở Pleiku thì Pleiku là thành phố của chiến tranh với căn cứ quân sự, khu gia binh và đủ mọi thành phần lính tráng. Rồi khi chúng tôi lớn lên, các anh chị hát cho nghe giai điệu và ca từ bất hủ của bản ‘Còn chút gì để nhớ’ của nhạc sỹ Phạm Duy để mãi sau này mới biết là  phổ thơ Vũ Hữu Định.

con-chut-gi-de-nho--1-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

con-chut-gi-de-nho--2-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
(Nguồn Wikipedia)

Vũ Hữu Định.

Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970.

Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại.

Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng.

Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

BÀI VIẾT CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VỀ NGUYỄN HỮU ĐỊNH VÀ BÀI THƠ ‘CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ’
(Nguồn: XuQuang.com)

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy. Nghe rồi mới đọc.
Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.

Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.

Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.

Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.

Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?

Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.

Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?

Thắc mắc nữa mà chi ?

Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.

Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?

Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau :

“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định

chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận… Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời

một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say

Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.

Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần

Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?

Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.

Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.

Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.

Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.

Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.

Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.

Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng

Vũ Thành An và những bài không tên

Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Thành An, có lẽ tất cả những ai yêu nhạc đều nhớ đến khoảng 40 bài ‘không tên’. Tuy nhiên nếu có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ, chúng ta mới khám phá nhiều điều thú vị về một trong những nhạc sỹ có khuynh hướng sáng tác rất riêng nổi tiếng vào cuối những năm 1960 ở miền nam Việt Nam (cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, v.v.)

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH AN
(Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Thành_An)

Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định.

Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam.

Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, có theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy.

Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ nhị.

Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền học Đại học.

Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết nhiều Bài không tên khác.

Năm 1967, Vũ Thành An nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan dự bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông bị tù cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc.

Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao học Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon.

Năm 2000, Vũ Thành An được đào tạo làm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. V

ũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

“TÌNH KHÚC THỨ NHẤT” VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI NHÀ THƠ – NHẠC SỸ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Nhạc sỹ Vũ Thành An viết nhạc từ rất sớm: ngay từ khi học lớp đệ tứ, tức lớp 9 ngày nay. Sáng tác đầu tay đã bị người thầy là nhạc sỹ Chung Quân (tác giả bản nhạc bất hủ “Làng tôi” – Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh …) chê, nói chính xác là chê phần lời. Thế là nhà nhạc sỹ của chúng ta chỉ sáng tác phần nhạc và để đó.

Mãi đến khi vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và có dịp gặp gỡ rồi làm quen với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn và được sự giúp đỡ và động viên của nhà thơ thì Vũ Thành An của chúng ta mới tự tin hơn và dần dần tự đặt lời cho những ca khúc của mình. Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An vụt nổi tiếng với “Tình khúc thứ nhất”, phần nhạc Vũ Thành An và phần lời của Nguyễn Đình Toàn. Đây có thể nói là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến.

“BÀI KHÔNG TÊN CUỐI CÙNG” NHƯNG LẠI LÀ BÀI ĐẦU TIÊN TRONG LOẠT NHỮNG “BÀI KHÔNG TÊN”

Cũng trong năm 1965, mối tình đầu của nhà nhạc sỹ tan vỡ. Tâm sự ấy đã được Vũ Thành An gởi gắm vào “Bài không tên cuối cùng”. Chữ “cuối cùng” ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà nhà nhạc sỹ đã thầm yêu.

Theo lời tự sự của chính nhà nhạc sỹ, tác phẩm này vô tình đã gây nhiều đau khổ cho “người con gái” trong cuộc sống. Vì thế cho nên năm 1991, ngay khi đặt chân đến trại tỵ nạn, Vũ Thành An viết ngay “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” nhưng là một phần để xoa dịu nỗi đau ngày xưa:

“Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi …”

[footer]