Em ơi, Hà Nội Phố (Phú Quang – Phan Vũ)

Những ngày đầu tháng 12, trời Hà Nội trở lạnh. Chúng tôi có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội. Những cảm xúc về một “Em ơi, Hà Nội phố” như ùa về. [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ, cũng như bản phổ tuyệt vời của nhạc sỹ Phú Quang.

TÔI VIẾT BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ”
(Nguồn: nhà thơ Phan Vũ viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 04/10/2010)

TTCT – Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố – sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.

Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.

Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.

***

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em, ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em… còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương… cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn
Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

***

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng…

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!

Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hoàng Điệp
Nhạc sĩ Phú Quang – Ảnh: Hoàng Điệp

“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.

Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” CỦA PHAN VŨ

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…

Ta còn em chấm lửa
Xập xòe
Kỷ niệm…
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa…
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai,
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ…

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ
Mỗi góc phố một trang tình sử.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở…
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghita bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em vầng trăng nửa
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ…
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ…

Ta còn em cây dương cầm
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ…
Cô gái áo đỏ Venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin,
Tập đàn
Trên phản gỗ…

Ta còn em, một đêm lộng lẫy,
Những tràng pháo tay vang dậy
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió
Vườn Ngọc Hà
Mất một mùa hoa.
Đường Quan Thánh
Bản giao hưởng ”Lặng Câm”
Trong một ngôi nhà…

Ta còn em một đam mê,
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…

Ta còn em một tên thật cũ
Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa.
Chiếc lá rụng
Khỏi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai.
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Ướt bậc thềm
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái vội sang đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội
Hôm qua…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa xuôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
“Mùa này trăng vỡ trên sông”…

Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Đôi mắt nhòe với hạt sương tan
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”… (1)
Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy.

Ta còn em ngày đi
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo…
Ngày về ra rả tiếng ve
Võng trưa hè kẽo kẹt
“À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa…”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ơi à…
Gợi lại mảnh đời quên.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi…
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!

[footer]

Biệt Ly (Dzoãn Mẫn)

Có rất nhiều tác phẩm của nền nhạc xưa diễn tả về sự chia ly. Thế nhưng, theo thiển ý của Dòng Nhạc Xưa, có thể nói không ngoa rằng “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về sự ly biệt trong nền tân nhạc Việt.

CỐ NHẠC SỸ DZOÃN MẪN: “BIỆT LY” – MỘT KHÚC TÌNH SI
(Nguồn: tác giả Đỗ Đình Hoạt viết trên cand.com.vn ngày 03/04/2012)

“Biệt ly/ Nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay…” – hơn bảy mươi năm nay, những ca từ đẹp như thơ và giai điệu mượt như nhung ấy đã chiếm lĩnh tâm hồn bao thế hệ. Khi viết “Biệt ly”, tác giả còn rất trẻ, chưa tới hai mươi tuổi, vậy nhưng nỗi nhớ thương, sầu tủi ẩn chứa trong lời ca thì vô cùng thấm thía. Chính “Biệt ly” chứ không phải tác phẩm nào khác sẽ đưa tên tuổi của tác giả – nhạc sĩ Doãn Mẫn – mãi mãi neo lại với thế gian.

Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn (1919-2007). Ảnh: cand.com.vn
Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn (1919-2007). Ảnh: cand.com.vn

Cùng với các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…; Doãn Mẫn còn được ghi nhận là một trong những người “khai sơn phá thạch” mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam…

Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh năm 1919 tại làng Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là một viên chức làm việc ở ga Hàng Cỏ. Mặc dù không theo nghề nhạc song cụ rất đam mê nhạc dân tộc, đặc biệt là “món” đàn bầu. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi một số nhạc cụ truyền thống. Song ông không lấy đó làm ngón nghề mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, Doãn Mẫn vào làm một chân thư ký tại Bệnh viện Bạch Mai.

Không được học hành bài bản về âm nhạc nhưng với niềm khao khát bản năng, Doãn Mẫn tự mày mò trang bị kiến thức nhạc lý cho mình qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo Pháp. Khi “vốn liếng” đã hòm hòm, ông chuyển sang việc đàn hát – thoạt đầu với tư cách một nhạc công, tiếp đó, ông bắt chước soạn lời (ta) cho các điệu nhạc Tây.

Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã hồi cố lại cái thuở chập chững đến với âm nhạc của mình: “Vào khoảng năm 1936 -1937, khi phong trào âm nhạc cải cách phát triển, những ca khúc do người Việt Nam sáng tác xuất hiện thì tôi gặp lại Lê Yên, cũng không nhớ rõ trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi rất vui được gặp lại nhau, cùng chung chí hướng trên con đường nghệ thuật mới mẻ… Yên và tôi thường bổ sung cho nhau về kiến thức âm nhạc và kinh nghiệm sáng tác, trao đổi tác phẩm, vì lúc đó chúng tôi đều là những người tự học, hoàn toàn sáng tác theo bản năng.…Cũng trong thời gian này (1936-1939), chúng tôi có thêm một người bạn chí cốt: Văn Chung. Là công nhân một nhà in tư nhân phố Hàng Điếu, cạnh rạp chiếu phim Olympia (rạp Hồng Hà ngày nay), Văn Chung là một con người tháo vát, có nhiều sáng kiến trong tổ chức biểu diễn và xuất bản, in ấn”.

Cũng theo hồi ức của Doãn Mẫn thì năm 1938, sau khi xuất hiện bản nhạc in đầu tiên được bán trên thị trường là bài “Hồ xưa” của Thẩm Oánh, nhạc sĩ Văn Chung đã chủ trương in các bài hát của mấy anh em (gồm Văn Chung, Lê Lôi và Doãn Mẫn) đứng tên nhà xuất bản Tricea (từ đó, giới âm nhạc thường gọi nhóm ba nhạc sĩ này là nhóm Tricea). Số lượng các bản nhạc được in ra mỗi lần vào khoảng 1.500 đến 2.000 bản, bán hết veo, vốn thu hồi nhanh.

Đến nay, có thể xem “Tiếng hát đêm thu” là ca khúc đầu tay của Doãn Mẫn. Nó ra đời năm 1937, với sự hỗ trợ phần lời của nhạc sĩ Văn Chung. Cùng năm đó, Doãn Mẫn còn có “Gió thu”. Tới năm 1939, người nhạc sĩ trẻ đã nhanh chóng bứt lên, trở thành một trong những tên tuổi sáng giá trong làng tân nhạc Việt Nam với ca khúc “Biệt ly” hiện vẫn là “bài ca đi cùng năm tháng”.

Cũng giống như nhà thơ Tế Hanh, kỷ niệm từ những lần thơ thẩn dạo chơi ngoài sân ga, chứng kiến bao sự biệt ly của những người vì nhiều lý do phải dứt áo chia tay nhau, đã viết nên những vần thơ đầy chua xót (bài “Ga”), Doãn Mẫn do có người cha làm ở Ga Hàng Cỏ, là nơi chứng kiến nhiều cuộc chia ly đầy bi lụy của bao gia đình, bao cặp tình nhân, đã xúc động viết nên ca khúc “Biệt ly”, nhạc phẩm để đời của ông.

Ga Hàng Cỏ xưa. Ảnh: tranthanhnhan1963c.blogspot.com/
Ga Hàng Cỏ xưa. Ảnh: tranthanhnhan1963c.blogspot.com

Đây là nguyên văn ca từ của bài hát:

Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay

Biệt ly sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi

Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương

Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui

Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa

Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

Với một số nghệ sĩ, sau khi tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi, trở thành một thứ “huyền thoại” trong lòng công chúng, họ thường hay thêm thắt ít nhiều, như vẽ ra mối tình này mối tình nọ nhằm tô điểm thêm cho sự lãng mạn của đời mình. Doãn Mẫn không vậy. Khi được hỏi về các hình mẫu phụ nữ trong một số nhạc phẩm tiêu biểu của mình, ông thật thà: “Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện…bịa”. Nhân vật “em” trong “Biệt ly” cũng là trường hợp như vậy. Doãn Mẫn từng kể: “Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại đề tài này”.

Nếu như nhiều ca khúc mới của nhóm Tricea thường được “thâm nhập cuộc sống” bằng cách, hoặc được tổ chức hát tại các gia đình, hoặc trong các dịp diễn kết hợp với các buổi chiếu phim lấy tiền giúp các hội từ thiện thì quá trình phổ biến của “biệt ly” cũng tương tự vậy. Theo như nhạc sĩ Doãn Mẫn thổ lộ thì lần đầu tiên ca khúc “Biệt ly” được công bố là vào năm 1940 ở Hà Nội. Người đầu tiên hát bài này là một giọng ca được yêu mến lúc bấy giờ, có tên là Phụng (tác giả không nhớ nghệ danh), nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng nhờ những buổi biểu diễn ở các rạp chiếu phim, phần nữa “do anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên Biệt ly mới được phổ biến”.

Khi được hỏi, đến nay, ai là người thể hiện ca khúc “Biệt ly” hay nhất, nhạc sĩ Doãn Mẫn tỏ ra khá thận trọng. Ông cho biết, có một thời gian dài, “Biệt ly” không được lên sân khấu. Nó chỉ được công diễn trở lại kể từ năm 1988. Và trong số các ca sĩ thể hiện bài hát mà ông trực tiếp “thẩm định” thì “có lẽ Lan Ngọc ở trong Nam và Thùy Dung ở ngoài Bắc là thể hiện được cái ý tình mà tôi muốn gửi gắm” (theo một bài viết in trên Báo Thanh niên). Doãn Mẫn cũng than phiền là nhiều người rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến như một thứ “mốt”, song không mấy quan tâm tới việc hát thế nào cho đúng nhạc. Và ông than thở: “Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi”.

Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Mẫn từng có tới 20 năm giữ chức Trưởng phòng Giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Đó là thời gian ông “phải đi lo cả việc học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao”. Nói chung, đó là quãng thời gian ông chỉ thuần túy với công việc hành chính, sự vụ chứ không sáng tác được gì. Và người từng được xem là một trong những nhạc sĩ có công khai mở nền tân nhạc Việt Nam chỉ sáng tác trở lại khi đã ở tuổi ngoại bảy mươi.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Doãn Mẫn chỉ sáng tác chừng 50 bài, trong đó, những ca khúc như “Biệt ly”, “Hương cố nhân” được xem là những nhạc phẩm xuất sắc nhất.

Nhạc sĩ Doãn Mẫn qua đời ngày 13 tháng 4 năm 2007. Rất nhiều người hay tin đã xếp hàng dài đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này vừa là thể hiện sự mến mộ của người đời đối với những nhạc phẩm bất hủ của ông, vừa là thể hiện sự trân trọng của họ với một con người có nhiều phẩm chất đáng yêu, đáng mến. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hoàng Giác (tác giả “Mơ hoa”) đã có lần phải thốt lên: “Người mà tôi quý nhất là anh Doãn Mẫn”

Đỗ Đình Hoạt

Đôi điều về “Nỗi Lòng Người Đi”

02/11/2014: [dongnhacxua.com] xin được phép cập nhật ý kiến của một người yêu nhạc xưa ở địa chỉ kant…@gmail.com gởi cho chúng tôi xung quanh bản “Nỗi lòng người đi” (xem bên dưới)

04/10/2014: [dongnhacxua.com] cũng như hầu hết người yêu nhạc xưa đều nghĩa rằng ca khúc bất hủ “Nỗi lòng người đi” là sáng tác đầu tay được phổ biến của nhạc sỹ lão thành Anh Bắng. Thế nhưng gần đây chúng tôi nhận được một luồng ý kiến trái chiều về tác giả thật của bản nhạc này. Để rộng đường dư luận, [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết đầu tiên của nhạc sỹ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha và bài sau là phản biện về bài viết trước. Chúng tôi xin đứng trung lập trong cuộc tranh luận này, chỉ lược bỏ vài chi tiết rất nhỏ mang yếu tố chính trị và mong nhiều ý kiến đóng góp chân thành từ bạn yêu nhạc!

Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net
Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net

noi-long-nguoi-di--1--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--2--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--3--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

GẶP TÁC GIẢ THẬT CA KHÚC “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
(Nguồn: bài viết của Nguyễn Thụy Kha đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 804)

Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi – Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân.

Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành lập. Các anh em của ông là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi tiếng từ lâu. Ông Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang – Hải Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá tại đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Nỗi lòng người đi mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là Tôi xa Hà Nội.
 
Khúc Ngọc Chân sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch – Hà Nội. Ở Hà Nội, khi ông Chân vào thanh xuân cũng là khi cuộc chiến đấu chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường. Để thoát khỏi cảnh cưỡng ép này, gia đình đã nhờ người thân xin cho ông vào làm nghề sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Làm ở đây, vừa không bị bắt đi lính, lại chỉ phải làm có nửa ngày, nửa ngày tự do có thể làm gì tùy thích. Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn cũng đều đến học thầy Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa. Họ đã có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể quên những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.
 
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève. Ông Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ nhung người yêu khiến cho ông cảm xúc bâng khuâng.
Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng để sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:
 
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa
 
Chàng tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi. Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó đã khiến cho Hoàng Dương viết ra Hướng về Hà Nội nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân cũng viết Tôi xa Hà Nội nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại cái cảm xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento – Espressivo):
 
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…
 
Không biết trong những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi nhau, nàng cứ vào trước, chàng hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn. Nàng hãy gắng chờ đợi giữa đô hội phồn hoa:
 
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
 
Ông Chân kể rằng khi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Đến khi ông viết Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời cũng là tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ thần Tự do. Ông viết trong một thầm ước mong manh cho ngày gặp lại không biết đến khi nào. Viết vì thương nàng cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ:
 
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
 
Ca khúc được viết xong, Khúc Ngọc Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy đã là cuối tháng 11.1954.
Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào biển cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu đượm buồn kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ nàng thì cứ thắp sáng trong những đêm trường cô đơn. Nỗi nhớ buộc chàng phải thốt lên thành thơ, khi nhớ lại cảnh tiễn đưa nàng:
 
Đưa tiễn em đi mưa bụi bay
Tâm tư dằng xé lệ dâng đầy
Em đi gói ghém niềm chua chát
Anh ở ôm ghì nỗi đắng cay
Chiến họa trường kỳ đến thảm khốc
Tình đau vô hạn khó phôi pha
Một thời bức xúc triệu đôi lứa
Vật đổi sao dời nhớ khó khuây.
 
Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận khác khi được nhạc sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc Ngọc Chân đâu ngờ gia đình ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với nàng đành lỡ dở theo thời gian.
 
Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân vào học đàn cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi lập”. Theo người thân của người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp hương, thầm khóc cho cuộc tình chia phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông sửa thành nhịp 4/4 theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn. Ông Chân nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà lại ghi tên ông là tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao hưởng cho đến khi về hưu. Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng, nên những ca từ rất thực của ông diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen mang đậm nỗi ấm ức của bao người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng đổi tên ca khúc thành Nỗi lòng người đi nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất nước bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay Nỗi lòng người đi (vốn là Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.
 
Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston.
 
Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc Tôi xa Hà Nội do một thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ mà lại không biết xuất xứ. Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được giai điệu này. Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa phải xa Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm trạng của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc của ca khúc Tôi xa Hà Nội thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow. Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này. Trong ca từ, Anh Bằng có sửa vài chỗ. Chỗ thì cho lãng mạn hơn theo ý của ông. Đấy là câu “Khua nước chơi như ngày xưa” thành “Khua nước trong như ngày xưa”. Hồ Gươm đã được gọi là Hồ Lục Thủy, tức là hồ nước xanh tự ngàn xưa, nên chữ “trong” không đúng với hiện thực mà là tưởng tượng ra thôi. Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết: “Mộng với tay cao hơn trời – Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “tôi hái hoa tiên cho đời” thì đúng là ca ngợi cuộc sống Sài Gòn lúc đó, để cho người miền Nam thấy đang hưởng một cuộc sống “phồn hoa” tuy “giả tạo”. Cuối cùng, Anh Bằng đã đổi tên ca khúc Tôi xa Hà Nội thành Nỗi lòng người đi, rất phù hợp với tâm trạng những người xa Hà Nội khi ấy ở Sài Gòn. Và nhờ Nỗi lòng người đi, Anh Bằng đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “Lê – Minh – Bằng” tức là trung tâm do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng khởi xướng, chuyên làm đĩa nhạc và dạy âm nhạc ở Sài Gòn từ 1966 đến 1975.
 
Ông Chân kể lại câu chuyện này với tôi không hề có ý đòi hỏi gì về bản quyền và tranh chấp với Anh Bằng. Ông chỉ muốn kể ra một sự thực của một ca khúc do ông viết ra. Sau ngày thống nhất, sau khi đã đến thắp hương cho bà Hằng, và xót xa cảnh ngộ của bà khi vào Sài Gòn phải làm “gái bar”, rồi phải giữ mình để mất đi cô đơn trong bạo bệnh, cũng phải sau 20 năm nữa, không quên được mối tình đầu đẹp đẽ và lãng mạn, ông Chân lại viết ra những vần thơ thương nhớ người yêu, cũng như sau Tôi xa Hà Nội, ông còn viết Biển và em, Thu Hà Nội vẫn với “air nhạc” như Tôi xa Hà Nội để nhớ bà. Ông đã rơm rớm khi đọc bài tưởng nhớ bà mang tên “Tình thoảng gió”:
 
Tình thoảng gió như tình đời trong bụi
Đời mà nhơ thì bụi vẫn còn nhơ
Ai yêu đương thoang thoảng vào giấc mơ
Còn giữ lại trong đời khi thoảng gió
 
Chỉ giây phút rồi liền sau đó
Tình bay đi và gió cũng bay đi
Bao nâng niu âu yếm hỏi làm gì
Người còn đó để tình bay theo gió
 
Có những phút nhìn đời không màu đỏ
Bởi thiên tình mà ai có biết không
Lụi tàn ngọn lửa đêm đông
Ngẫm tình thoảng giá nhìn không thấy đời
 
Sống chơi vơi mà chết cũng chơi vơi
Tuổi xuân ngày ấy buồn ơi là buồn
 
Có lẽ nước mắt trong bài thơ này cũng đủ để nói hết nỗi lòng của chàng và nàng chia ly thuở đó. Bà Nguyễn Thu Hằng thì đã ra đi ôm theo mối tình đầu trong tâm trạng cô đơn. Ông Chân vì không có bà Hằng cũng đành phải lập gia đình khác, nhưng đâu có hạnh phúc trọn vẹn. Người vợ đầu của ông bây giờ đã cùng cô con gái sang Phần Lan. Năm 1974, ông Chân mới “đi bước nữa” cùng một bác sĩ là giáo sư Đại học Y khoa. Bà tuy không làm nghệ thuật nhưng rất yêu nghệ thuật. Nghe câu chuyện mối tình đầu của ông Chân, bà đồng ý để ông Chân kể ra câu chuyện sáng tác ca khúc Tôi xa Hà Nội với cuộc đời. Người thay ông Chân nhận làm tác giả ca khúc và đổi tên là Nỗi lòng người đi, là nhạc sĩ Anh Bằng thì đã nhờ những giai điệu này mà nổi tiếng, có cuộc sống tốt từ đó đến nay. Việc nhận thay vô thức này đã tặng cho ông Chân một cuộc sống bình an trên đất Bắc từ 1954 đến nay. Cũng chả cần gì phải nói thêm về sự chia sẻ, tranh chấp hồ đồ. Chỉ có một điều muôn thuở là “cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar”. Bài viết này tuy đã muộn nhưng vẫn còn chưa muộn vì nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn có thể có một lời nào đó với nhân gian về câu chuyện này. Và hơn nữa, vì lý do cấp phép ca khúc được lưu hành sẽ lĩnh hội và cho phép Tôi xa Hà Nội của Khúc Ngọc Chân được lưu hành như một ca khúc hay về Hà Nội thời kỳ đó.
 
Nguyễn Thụy Kha (KTNN số 804)

 

CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT VỀ “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
(Nguồn: bài viết của Cao Minh Hưng đăng trên caulacbotinhnghesi.net)

Nhạc sỹ Anh Bằng. Ảnh: sbtn.tv

Từ khi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ được thành lập, chúng tôi (Ngọc Bích và tôi) có may mắn được gặp gỡ thường xuyên với Nhạc sĩ Anh Bằng vì ngoài vai trò là người đồng sáng lập, ông là một trong các vị Cố vấn luôn quan tâm và góp ý kiến cho chúng tôi, từ những việc nhỏ như vấn đề may áo đồng phục cho Ban Hợp Ca, đến những việc khác như khuyến khích các ca nhạc sĩ trong nhóm tiếp tục sáng tác những bản nhạc đấu tranh cho dân chủ quê hương đất nước, v.v. Chúng tôi rất cảm phục trước tấm lòng nhiệt tình đấu tranh không mệt mỏi cho quê hương đất nước sớm có ngày được tự do, dân chủ dù với tuổi đời đã cao và sức khoẻ không được tốt của ông.

Gần đây, khi trên các trang mạng tung ra bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha với ý đồ vu khống và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng qua bài viết “Tôi Xa Hà Nội” mà ông Nguyễn Thụy Kha cho biết viết theo lời kể của “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân”. Đọc qua bài viết này của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi nghĩ đa số mọi người đều thấy ngay nhiều điểm kịch tính, gán ghép, mâu thuẫn trong bài viết với mục đích là cố tình bôi xấu và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng.

Chúng tôi đã liên lạc với Nhạc sĩ Anh Bằng vì e rằng bài viết vu khống có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui khi được biết rằng tinh thần của ông vẫn cao và không hề nao núng trước sự đánh phá, xuyên tạc qua bài viết này. Ông cho biết cá nhân ông không muốn trả lời cho những người tự cho là mình là những người văn nghệ sĩ, nhưng thật ra họ đã mất đi nhân tính khi cố tình viết lên những điều trái với sự thật như vậy.

Mặc dầu Nhạc sĩ Anh Bằng không muốn lên tiếng về việc này, nhưng qua những điều tìm hiểu được sau khi đọc bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về một vài chi tiết ngoài những điều mà chúng ta đã đọc của nhiều tác giả viết những bài phản bác lại bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha trong những ngày vừa qua.

Điểm đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là chi tiết khi ông Nguyễn Thụy Kha viết rằng ông Khúc Ngọc Chân và người yêu “đã cùng xuống một con thuyền con ở bến Bính để đi ra tàu đậu ngoài của biển”. Chỉ một chi tiết này thôi, chúng ta cũng thấy sự thêu dệt của cả 2 ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân khi họ cố tình bóp méo những chi tiết có tính cách lịch sử với nhiều nhân chứng và hình ảnh còn ghi lại. Những người di cư vào Nam vào thời điểm năm 1954 chắc ai cũng biết là những chiếc tàu lớn (tàu há mồm) chở người dân miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do không hề “đậu ngoài cửa biển”, mà đậu ngay ở bến tàu để những xe nhỏ hay đồng bào di cư đi lên thẳng trên tàu (xin xem theo những hình ảnh lịch sử đính kèm). Cá nhân chúng tôi chưa ra đời vào những năm tháng đó, tuy nhiên những chi tiết lịch sử này chúng tôi được biết qua một số lời kể và những hình ảnh lịch sử được ghi lại. Với những chứng cứ này, chúng ta có thấy ngay là hình ảnh “thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát ‘Tôi Xa Hà Nội’ cho nàng nghe” được dựng lên hoàn toàn không thực và được đưa vào bài viết một cách hết sức gượng ép. Tác giả của bài viết đã xem thường những chi tiết thật của lịch sử.

Lên tàu há mồm ở cảng Hải Phòng. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Lên tàu há mồm ở cảng Hải Phòng. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Cảng Hải Phòng 1954. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Cảng Hải Phòng 1954. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net

Một chi tiết khác mà chúng tôi được biết là Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài “Nỗi Lòng Người Đi” từ năm 1954 và phải hơn 10 năm sau, sau những lần sửa đổi cho bài hát được hoàn chỉnh, ông mới mang ra giới thiệu với công chúng. Một tác phẩm mất khoảng thời gian 10 năm để cho ra đời, nhưng theo bài viết thì “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân chỉ viết trong một thời gian ngắn giữa cảnh di tản hỗn loạn của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Nếu như thế thì đúng là “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân” quả là một thiên tài nhưng “thiên tài” này từ ngày đó đến nay, cũng như nhiều người đã nhận xét và tra cứu trên các trang mạng, ông Khúc Ngọc Chân không có một nhạc phẩm nào được biết đến trong kho tàng âm nhạc Việt Nam so với hàng trăm bản nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng mà trong số đó, không ít những bản nhạc đã trở thành bất tử.

Nói thêm về sự thêu dệt và bịa đặt trong bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, theo như ông Khúc Ngọc Chân cho biết, ông đã không biết tin gì về người yêu của mình, tức bà Nguyễn Thu Hằng cho đến khi ông Chân vào Nam vào năm 1975 và cất công đi tìm và biết rằng người yêu đã qua đời vào năm 1969. Trong khi đó thì ông Nguyễn Thụy Kha lại biết rõ về bà Thu Hằng qua đoạn viết: “Còn nàng, khi vào Sài Gòn với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar.Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ.” Trí tưởng tượng của tác giả Nguyễn Thụy Kha quả thật là phi thường!

Môt chi tiết khác khi ông Nguyễn Thụy Kha viết là Nhạc sĩ Anh Bằng đã sửa lời của bài hát, ví dụ như ở câu: “Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết “Mộng với tay cao hơn trời/Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “Tôi hái hoa tiên cho đời…”. Có nhiều người đã nêu ra điểm buồn cười và ngây ngô của đoạn này khi ông Khúc Ngọc Chân cho là mình đã dùng hình ảnh “với tay cao hơn trời” để “tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ Thần Tự Do”, một điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm đó, vì có mấy ai nghĩ đến Hoa Kỳ, có chăng là chỉ nghĩ đến nước Pháp và những hình ảnh về nước Pháp vào thời điểm đó mà thôi! Có lẽ hai ông này không biết một chi tiết là Nhạc sĩ Anh Bằng khi sáng tác bài hát này, ông đã dùng hình ảnh “Tôi hái hoa tiên” dựa theo truyền thuyết là có một bông hoa thần ở trên trời và nếu người nào hái được hoa ấy để tặng cho người mình yêu, sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Một hình ảnh đẹp như vậy trong bài hát mà lại bị hai ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân gán ghép sửa đổi để càng lộ thêm sự thiếu kiến thức về lịch sử và văn chương của họ.

Nói đến khía cạnh văn thơ trong lời ca, ngay như trong câu “Khua nước trong như ngày xưa” của nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” mà theo như ông Nguyễn Thụy Kha viết, ông Khúc Ngọc Chân đã từng viết câu “Khua nước chơi như ngày xưa”. Nếu một thi sĩ khi ngâm câu này hay một ca sĩ khi hát chữ “chơi” thay cho chữ “trong”, sẽ thấy ngay sự trái tai trong cách dùng từ ở chỗ này. Khi ông Khúc Ngọc Chân và ông Nguyễn Thụy Kha đưa ra chi tiết này, họ không ngờ rằng chỉ gây thêm sự phản tác dụng và bộc lộ kiến thức kém cõi về thi văn và âm nhạc của họ.

Còn nhiều chi tiết khác trong một bài viết đầy dụng ý vu khống và bôi nhọ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng như về việc gán ghép bản nhạc được phổ từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Bính, hay nêu ra những chi tiết không đúng với sự thật về nơi sinh quán cũng như nơi cư ngụ của Nhạc sĩ Anh Bằng khi đến định cư tại Hoa Kỳ, hay ngay cả cái tựa đề “Tôi Xa Hà Nội” cũng không thích hợp với hoàn cảnh của câu chuyện kể của ông Khúc Ngọc Chân mà một vài tác giả đã có nhắc tới nên chúng tôi không nhắc lại và bàn thêm nơi đây, nhưng đó cũng là những chi tiết cho thấy sư coi thường độc giả của ông Nguyễn Thụy Kha và càng làm cho mọi người thấy ngay giá trị của bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha ra sao!

Những lời thăm hỏi và khuyến khích của Nhạc sĩ Anh Bằng thường tiếp cho chúng tôi thêm nhiệt huyết để dấn thân trên bước đường đấu tranh cho quê hương đất nước để không phụ lòng tin yêu của những người đi trước như Nhạc sĩ Anh Bằng, người nhạc sĩ tài hoa và luôn thiết tha yêu quê hương đất nước. 

Cao Minh Hưng

[footer]

Mơ Hoa (Hoàng Giác)

Nói đến Hoàng Giác, người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến hai bản nổi tiếng: “Mơ hoa” và “Ngày về”. Trong bài viết này [dongnhacxua.com] xin mời quý vị thưởng thức sáng tác đầu tay của nhà nhạc sỹ tiền bối.

Mơ hoa (Hoàng Giác). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Mơ hoa (Hoàng Giác). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

mo-hoa--1--hoang-giac--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

Theo nhà báo Hà Đình Nguyên trong bài viết về hai nhạc phẩm “Mơ hoa” và “Ngày về” đăng trên báo Thanh Niên ngày 17.02.2012:

Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả. 

Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ) được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.

Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Làng Chèm có nghề làm chả giò truyền thống trong câu thành ngữ “giò Chèm, nem Vẽ”. Cha của ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi – một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)… Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này.  

Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho… người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

[footer]

Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương)

Người yêu nhạc xưa hẳn không xa lạ gì với bản “Đêm đông” bất hủ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Bài viết này xin gởi thêm đôi chút chuyện bên lề để quý vị gần xa hiểu thêm về nhà nhạc sỹ lão thành và hoàn cảnh ra đời của “Đêm đông”. Những đợt gió lạnh đầu đông cũng đã tràn về, [dongnhacxua.com] xin thay mặt người yêu nhạc thắp một nén hương lòng để sưởi ấm linh hồn nhà nhạc sỹ của chúng ta nơi chín suối.

Đêm đông (Nguyễn Văn Thương - Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Đêm đông (Nguyễn Văn Thương – Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

dem-dong--1--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com dem-dong--2--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

CÓ MỘT “ĐÊM ĐÔNG” ẤM LÒNG BAO THẾ HỆ
(Nguồn: tác giả Vũ Tiến viết trên cand.com.vn ngày 04/01/2011)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác "Đêm đông".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác “Đêm đông”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Cố Giáo sư – nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002) là một nhà văn hóa lớn, một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ tân nhạc đầu tiên của ViệtNam. Thành tựu của ông được ghi nhận ở nhiều thể loại (ca khúc, nhạc múa, nhạc phim…) và trên nhiều lĩnh vực (sáng tác, biểu diễn, đào tạo). Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng đảm trách các vị trí: Trưởng đoàn Ca múa nhạc Việt Nam, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội…; từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… Tuy nhiên, điều hạnh phúc nhất đối với ông có lẽ vẫn là: Với đông đảo công chúng, thay vì mọi sự giới thiệu dài dòng, chỉ cần giới thiệu Nguyễn Văn Thương – tác giả của nhạc phẩm “Đêm đông” thì hết thảy mọi người đều biết, và chắc chắn tất cả đều dành cho ông sự yêu thương, cảm mến, đặc biệt là với những phận người lang thang cơ nhỡ. Bởi “Đêm đông” thực sự là một kiệt tác, và chắc chắn là một trong những ca khúc viết về mùa đông hay nhất, thấm thía nhất ở Việt Nam từ trước tới nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong những ca khúc được Nguyễn Văn Thương sáng tác thời kỳ trước Cách mạng vẫn là “Đêm đông”. Về xuất xứ của ca khúc này, nhạc sĩ từng tiết lộ: Vào dịp Tết năm 1939 (thời gian này ông đang theo học tại Trường Thăng Long – Hà Nội), do kẹt tiền nên ông không thể về quê ăn Tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, chàng trai trẻ rất buồn. Năm ấy, Hà Nội rét dữ. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông “nhồi” tất vào người, rồi như một thói quen bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía Ga Hàng Cỏ, để rồi bần thần nhớ ra là mình… không có vé tàu.

“Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào. Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không?

Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Tôi đi qua nhà đầu tiên. Cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vừa đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc. Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó – cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ. Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến tôi không tài nào ngủ được. Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà.

Tôi đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế đã đập vào mắt tôi lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”. Còn “Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư” hoặc “Cô lữ đêm đông không nhà” là hình ảnh của bản thân mình – còn chinh phu, chinh phụ là những hình ảnh mượn từ trong Tiểu thuyết Thứ Bảy của Tự Lực Văn Đoàn rất thịnh hành lúc bấy giờ, chứ ta có đi chinh phục ai đâu mà có chinh phu để nói!” (theo ghi chép của Tôn Nữ Hỷ Khương).

Để bạn đọc tiện theo dõi mạch cảm xúc của người nhạc sĩ, xin trích ra đây phần lời 1 của bài hát: “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông/ Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/ Cùng mây xám về ngang lưng trời/ Thời gian như ngừng trong tê tái/ Cây trút lá cuốn theo chiều mây/ Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều/ Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu/… Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng/ Gió nghiêng chiều say/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên/ Đêm đông, ôi ta nhớ nhung/ Đường về xa xa/ Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương/ Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương/ Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…”.

Một khán giả, sau khi nghe bài hát đã có những nhận xét rất tinh tế: “Nếu nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng nhiều gió, nhưng trong “Đêm đông” có rất nhiều gió và chính gió đã làm nhạc phẩm “Đêm đông” bất hủ với thời gian”. Về việc từ cảm thức nào tác giả lại đưa nhiều hình tượng gió vào trong tác phẩm đến vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương giải thích: Gác trọ tôi ở chỉ có một cửa sổ làm bằng gỗ. Mùa đông hanh khô, nên có nhiều kẽ hở, gió luồn qua đó, tạo những âm thanh y như tiếng sáo, lúc như tiếng rít não ruột, da diết. Vì vậy mà ở đoạn giữa điệp khúc, có sáu câu tả về gió: “Gió nghiêng chiều sang/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên”.

Đấy là nói về gió, còn về tiếng chuông? Trước đây, căn cứ vào giai điệu của bài hát, cũng như vào câu “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông” mà có ý kiến cho rằng, bài hát được sáng tác theo chiều hướng phục vụ… nhà thờ Công giáo. Không phải vậy. Đây là trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trích từ lá thư viết ngày 4/11/1997 của ông: “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Tiếng chuông buông lững lờ, chỉ có thể là tiếng chuông chùa. Nhưng không cứ gì tôi phải đi ngang qua một ngôi chùa, mà chỉ cần nghe tiếng chuông; thường những người tu tại gia, khi niệm kinh buổi chiều, vẫn thỉnh thoảng gõ chuông từ một gác thờ nào đó. Vì tôi đi từ nhà ra ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên rồi đi lang thang khắp các nẻo đường trước khi trở về gác trọ thì có thể nghe được nhiều lần tiếng chuông ấy lững lờ buông. Còn nếu tiếng chuông nhà thờ thì phải dùng chữ chuông đổ, chứ không thể dùng buông lững lờ được”.

Mặc dù cảm hứng đến một cách “xuất thần” như vậy, song đêm hôm ấy, bài hát mới chỉ chốt lại ở việc: Khổ nào cũng bắt đầu bằng điệp khúc “Đêm đông”, trừ câu kết thì đổi thành “Có ai…”. Sau một thời gian, Nguyễn Văn Thương và một học trò theo học guitar với ông tên là Kim Minh (đã mất năm 1946) cùng trau chuốt lại lời ca, bài hát kể như mới chính thức hoàn thành (có một thời, bài hát được đề tác giả phần ca từ là Nguyễn Văn Thương và Kim Minh).

Nhân đây, cũng cần nói thêm là, ngày ấy, Nguyễn Văn Thương rất mong có được cây đàn guitar Hawaii được bày bán ở hiệu đàn Đông Phát, phố Cầu Gỗ. Cây đàn có giá một đồng rưỡi. Một hôm, Nguyễn Văn Thương quyết định đặt trước 5 hào cùng tấm thẻ căn cước để lấy cây đàn, hẹn ít tháng nữa sẽ thanh toán nốt. Phải ba tháng sau ông mới gom đủ tiền để lấy thẻ căn cước về. Tuy nhiên, đủ tiền đàn thì lại không đủ tiền tàu xe để về quê ăn Tết. Đó là lý do để ông có một cái Tết lang thang ngoài Hà Nội, để rồi bất ngờ sáng tác nên một kiệt tác. Điều thật có ý nghĩa là chàng nhạc sĩ đã khai sinh ra một giai điệu bất hủ trên chính cây đàn trả góp ấy.

Ca sĩ Bạch Yến - người đầu tiên thể hiện ca khúc "đêm đông" theo điệu slow - rock. Ảnh: cand.com.vn
Ca sĩ Bạch Yến – người đầu tiên thể hiện ca khúc “đêm đông” theo điệu slow – rock. Ảnh: cand.com.vn

Ca khúc “Đêm đông” từng được rất nhiều thế hệ ca thể hiện, từ Ngọc Bảo, Quang Thọ, Lê Dung tới Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng… Nếu như tân nhạc những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước chỉ có các điệu tango, valse, boston… thì vào những năm đầu thập niên sáu mươi, nữ ca sĩ Bạch Yến chính là người đầu tiên hát “Đêm đông” theo điệu slow – rock (chứ không phải điệu tango như thuở bài hát ra đời). Từ đó, bài hát càng có cơ hội đi vào đời sống tâm tình của giới trẻ…

Vũ Tiến

[footer]

Hướng Về Hà Nội (Hoàng Dương)

Hà Nội luôn là đề tài muôn thưở trong thi ca và âm nhạc. Riêng với dòng nhạc xưa, có lẽ bản ‘Hướng Về Hà Nội’ của Hoàng Dương là một tác phẩm tiêu biểu nhất cho tâm trạng ngậm ngùi của những ai phải xa rời mảnh đất đã có quá nhiều kỷ niệm. [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu ca khúc bất hủ này đến người yêu nhạc.

Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

huong-ve-ha-noi--1--hoang-duong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

HOÀNG DƯƠNG VỚI CA KHÚC “HƯỚNG VỀ HÀ NỘI”
(Nguồn: tác giả Trương Văn Khoa Bài viết trên Tạp Chí Non Nước – Liên Hiệp các Hội Văn Học & Nghệ Thuật Thành phố Đà Nẵng phát hành tháng 11/2012)

Hơn 50 năm trước, vào một đêm bom đạn tơi bời của người Pháp dội về Hà Nội , từ bên kia thành phố, nhạc sĩ Hoàng Dương đã xúc cảm viết nên ca khúc “Hướng về Hà Nội” trong nỗi nhớ vô bờ của một thời ly hương, loạn lạc…

Nhạc sỹ Hoàng Dương. Ảnh: internet.
Nhạc sỹ Hoàng Dương. Ảnh: internet.

Hoàng Dương, tên đầy đủ là Ngô Hoàng Dương, con trai của Nhà văn – Nhà báo Trúc Khê Ngô Văn Triện (danh nhân văn hóa Hà Nội).  Hoàng Dương là một nghệ sĩ đàn cello, người có công đầu xây dựng bộ môn cello, khoa đàn dây tại Nhạc viện Hà Nội. Với nhiều đóng góp lớn trong nền âm nhạc nước nhà, PGS Hoàng Dương được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 trong lĩnh vực sáng tác. Hoàng Dương viết nhiều tác phẩm khí nhạc như: Hát ru, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc)…Đối với ca khúc, ông viết không nhiều với các nhạc phẩm: Hướng về Hà Nội, Chiều cuối năm, Tiếc thu, Ôi giấc mơ xưa. Trong đó, 2 ca khúc nổi tiếng được mọi người biết đến là “Hướng về Hà Nội” với điệu slow và “Tiếc thu” điệu tango, cả hai đều có âm hưởng buồn, giọng “mineur”.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hoàng Dương chịu ảnh hưởng từ tính cách và lãng mạn của cha mình. Ngày ấy, Trúc Khê làm báo ở Hà Nội, cuối tuần, ông lại về Từ Liêm với vợ và các con. Nhà nghèo nhưng cha của Hoàng Dương vẫn thiết kế một ngọn núi và con sông nhỏ uốn luợn trong vườn để cùng những người bạn như Tản Đà, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư… ngắm trăng uống rượu rồi làm thơ. Những sinh hoạt của các thi sĩ cùng với kho sách trong nhà với những tác giả như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Verlaine, Lamarrtine, Baudelaire… đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn, sự nghiệp sáng tác của Hoàng Dương sau này. Lúc tản cư lên chiến khu, qua nhóm hát Thái Thanh, Thái Hằng, ông bắt đầu nhập môn âm nhạc, tiếp xúc với các nhạc cụ phương Tây và học guitar từ đó. Thế nhưng, “duyên nợ” violon cell cứ đeo đuổi ông cho đến ngày Thủ đô được giải phóng. Năm 1954, ông bắt tay vào học violon cell và truyền lại cho người con trai đầu của mình niềm đam mê ấy, đó chính là nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Người con trai thứ của nhạc sĩ, tiến sĩ violon, đang giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội.

Hoàng Dương tâm sự, vào những năm (1953 – 1954), khi ông đang hoạt động cách mạng tại đội tuyên truyền văn nghệ Thành bộ Hà Nội, chiến tranh nổ ra hết sức quyết liệt, đội của ông phải thường xuyên chạy trốn trước sự truy đuổi của quân thù. Lúc bấy giờ, Hoàng Dương có yêu một người em gái ở nội thành, tình yêu thời chiến chinh lãng mạn và đẹp vô cùng. Một đêm khuya, khi đang túc trực tại nhà của một người dân ở ngoại thành, trong tiếng pháo dội về thành phố, anh bồi hồi nhớ đến người yêu. Không nén được cảm xúc, ông liền ngồi vào bàn, viết lên những dòng nhạc đầu tiên cho bài hát “Hướng về Hà Nội”.

Cảm xúc đến tự nhiên, dạt dào khiến Hoàng Dương viết rất rất nhanh và hoàn tất ca khúc ngay trong đêm hôm đó:

“Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”

Ca khúc đã vượt qua ranh giới cảm xúc cá nhân và chạm vào nỗi niềm chung của những người đã từng sống ở Hà Nội. Nhà thơ Ý Nhi có lần nói: “Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương là một người tình”, là những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân, tuổi cống hiến cho đất nước. “Hướng về Hà Nội” là sự kết tinh tâm trạng của hai lần nhạc sĩ xa Hà Nội. Lần thứ nhất, lúc 14 tuổi (năm 1947), Hoàng Dương cùng với đoàn người nội thành tản cư đến vùng Chợ Đại, Cống Thần. Ngày ấy, hàng đêm nhìn những quầng sáng hắt lên từ Thủ đô, lòng ông lại bồn chồn, nhớ Hà Nội khủng khiếp, mong chờ ngày giải phóng. Lần thứ 2 (1953), Hoàng Dương trở lại hoạt động cách mạng ở nội thành, lúc đó anh yêu một người con gái Hà Nội,  địch phát hiện truy đuổi, Hoàng Dương  bỏ trốn ra ngoại thành….

Hồ Gươm. Ảnh: baogialai.com.vn
Hồ Gươm. Ảnh: baogialai.com.vn

Thính giả thời bấy giờ còn nhớ, khi mới ra đời, cùng với “nỗi buồn tiểu tư sản”, ca khúc “Hướng về Hà Nội” không được biểu diễn công khai trong một thời gian dài. Thậm chí, ca sĩ Ngọc Bảo lại hát “Hướng về Hà Nội” trên đài phát thanh để nhắn gửi bạn bè trong Nam nên càng bị… cấm. Rất may, những ca từ mượt mà và giai điệu ngọt ngào ấy vẫn âm ỉ chảy trong lòng những những người con của Hà Nội. Năm 1954, bài hát được phổ biến rộng rãi và nổi tiếng qua giọng hát của Kim Tước. Ca khúc chất chứa trong lòng một nỗi niềm day dứt khôn nguôi, giai điệu mang đầy tính tự sự cùng với ca từ đẹp, giàu chất thơ khiến người nghe nhớ Hà Nội đến nao lòng:

“…Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về…”

“Hướng về Hà Nội” man mác nỗi buồn thời chinh chiến nhưng không hề bi lụy. Điểm nhân văn của bài hát là đem đến niềm tin cho công chúng, tin vào ngày mai chiến thắng, ngày trở lại Thủ đô…. Và đó cũng chính là sự đồng điệu của những chàng trai Hà Nội lãng mạn và hào hoa trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Cuộc chiến tranh đầy gian khổ và hy sinh nhưng họ vẫn vẫn thầm mơ về Hà Nội như những gì Quang Dũng đã viết trong bài thơ “Tây Tiến”:

“…Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”

Một lần, nhà thơ Quang Dũng đến chơi với tài tử Ngọc Bảo. Sau khi được nghe Ngọc Bảo hát bài hát của Hoàng Dương, Quang Dũng đã nhờ Ngọc Bảo nhắn với Hoàng Dương rằng, ông rất muốn nhạc sĩ đến chơi nhà của ông. Mấy ngày sau Hoàng Dương tìm đến, nhà thơ Quang Dũng đã ôm chầm lấy và bảo: “Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó”. Cuộc hội ngộ cảm động đó được Hoàng Dương xem như là một kỷ niệm đẹp, sâu sắc nhất trong cuộc đời âm nhạc của ông. 

Năm 1954, ca khúc “Hướng về Hà Nội” được Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, ngoài bìa có hình vẽ một thiếu nữ chít khăn “mỏ quạ” màu nâu nhạt do hoạ sĩ Duy Liêm trình bày. Bên trong bài hát, phía trên cùng có câu: “Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu, gửi đây niềm thương nhớ một mùa chia phôi…”. Nhiều người lúc bấy giờ không biết Hoàng Trọng là ai ? Họ hồ nghi, liệu đó có phải là một “bóng hồng” nào khác ? Thật ra, Hoàng Trọng và Hoàng Dương là bạn văn nghệ với nhau, bản nhạc “Nhạc sầu tương tư” nổi tiếng khi xưa của Hoàng Trọng là do Hoàng Dương viết lời. Ông nói: “Hoàng Trọng là người bạn vong niên đáng kính của tôi. Tôi đã cộng tác với anh trong nhiều bài hát với phần ca từ được anh rất thích”. Sau này, Hoàng Trọng đã giới thiệu những ca khúc của Hoàng Dương cho Kim Tước. Hai ca khúc “Tiếc thu” và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương đã được nữ danh ca này trình bày lần đầu tiên, được công chúng nồng nhiệt đón nhận qua làn sóng radio Hà Nội.

Kể từ ngày ấy, ca khúc được lan truyền rộng rãi trong và ngoài nước, nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế tái bản nhiều lần mới đáp ứng được sự hâm mộ của độc giả. Những ca sĩ nổi tiếng một thời như Mai Hương, Duy Trác,… đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của “Hướng về Hà Nội”. Tuy nhiên, để ru hết phần hồn của bản nhạc, chúng ta phải nói đến giọng ca điêu luyện, mê hoặc lòng người của nữ danh ca Lệ Thu sau này. Nhà thơ Ý Nhi, sau khi nghe họ hát, đã cho rằng: “Giọng ca của họ không lôi cuốn tôi ngay lập tức, nhưng rồi một vẻ đẹp thực sự, những giọng ca đó đã chinh phục tôi. Giọng người này, với sự tha thiết trong trẻo, giọng người kia với sự sâu lắng thấm nhuần, cho đến lúc tôi đinh ninh rằng họ là một trong số rất ít các ca sĩ có khả năng trình bày tốt nhất những ca khúc trữ tình nổi tiếng của Việt Nam”.

40 năm sau, những năm cuối cùng của thế kỷ 20, bài hát mới được “minh oan” và đón nhận nhiều sự chia sẻ của khán giả. Năm 1994, trong chương trình “Nữa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn, ca khúc “Hướng về Hà Nội” đã được chọn trong danh mục biểu diễn. Ca sĩ Thu Hà đã giúp nhạc sĩ Hoàng Dương đưa ca khúc trở lại với công chúng, xóa đi lớp bụi thời gian của mấy chục năm về trước. Các nhà phê bình âm nhạc đã không tiếc lời nhận định, “Hướng về Hà Nội” là sự kết tinh tài hoa, lắng đọng trong không gian thời gian và linh thiêng của sông núi:

“…Một ngày, mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy,
mịt mờ bên trời bay…
Một ngày, tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa …
luyến thương hình bóng qua…”

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Hà Nội ơi!

Trong ký ức của cả một thế hệ những người rời xa miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, có lẽ giai điệu và ca từ của bản “Nỗi lòng người đi” luôn mãi là một cái gì đó không thể phai mờ,; đó vừa là một sự ray rức khi phải chia tay với mảnh đất có quá nhiều kỷ niện, vừa là một sự vỗ về an ủi trong những tháng ngày tha phương ở miền Nam. Trong nỗ lực để lưu lại những khoảng khắc khó quên của lịch dân tộc, [dongnhacxua.com] xin gởi đến quý vị nhạc phẩm “Nỗi lòng người đi” của nhạc sỹ Anh Bằng và một bài viết chân thực của tác giả Hà Tường Cát.

 

Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net
Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net

noi-long-nguoi-di--1--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--2--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--3--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NGÀY TÔI RỜI HÀ NỘI 60 NĂM TRƯỚC – KỶ NIỆM 60 NĂM DI CƯ
(Nguồn: tác giả Hà Tường Cát đăng trên nguoi-viet.com)

Hà Nội những ngày Tháng Tám, 1954 là khoảng thời gian mọi người đều bối rối, tất bật, và hoang mang với những gì sắp xảy đến. Còn tôi, người viết bài này, khi ấy còn là một chú bé mới lớn, đủ để biết được nhiều chuyện nhưng chưa thể cảm nhận và suy nghĩ về nhiều việc khác.

Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Tôi nhớ rằng hiệp định đình chiến ký kết ngày 20 Tháng Bảy ở Geneva không được đón mừng như sự khởi đầu của một giai đoạn hòa bình. Từ nhiều năm, tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã là chuyện bình thường không làm mấy ai quan tâm lo lắng. Hệ thống đồn bót do quân đội Liên Hiệp Pháp thành lập làm vòng đai bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, có thông lệ bắn yểm trợ lẫn cho nhau bằng ít phát trọng pháo vu vơ ngay cả khi không bị tấn công, mà chỉ nhằm mục đích răn đe đối phương hay tạo sự an tâm cho đơn vị bạn.

Giữa đất nước chiến tranh, Hà Nội là một hậu phương hoàn toàn thanh bình. Thời kỳ ấy hiếm có những cuộc đột kích vào thành phố hay nổ bom khủng bố. Chiến tranh chỉ xuất hiện gián tiếp bằng những đơn vị quân đội trở về hậu cứ nghỉ ngơi sau một chiến dịch dài. Lúc đó cái làm cho người dân e ngại là những chú “Tây say,” lính Lê Dương uống rượu đi lang thang phá phách trên đường phố. Tuy nhiên chuyện ấy chỉ xảy ra ở một số khu vực gần các doanh trại và tình trạng gây rối loạn ít khi lên tới mức độ trầm trọng.

Ðối với đám học sinh nhỏ chúng tôi thì chiến tranh là những hình ảnh lạ mắt, có thể là hấp dẫn như phim chiếu bóng. Buổi nào có giờ nghỉ học tình cờ, chúng tôi thường kéo nhau ra chơi ngoài bờ sông và từ trên đê cao thỉnh thoảng nhìn thấy máy bay thả lính nhảy dù xuống bãi tập ở phía xa bên kia sông Hồng.

Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)
Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)

Trong mấy tháng đầu năm 1954, tôi theo dõi được trận Ðiện Biên Phủ qua những chiếc máy bay. Những máy bay vận tải DC-3 Dakota của quân đội Pháp, sau này gọi là C-47, lên xuống phi trường quân sự Bạch Mai đều đặn hàng ngày lượn vòng trên phía Nam thành phố và bay qua nhà tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi cũng quen để phân biệt được ngay cả các máy bay chiến đấu F6F Hellcat của hải quân và F8F Bearcat của Không Quân, thoạt nhìn rất giống nhau. 

Bay cao hơn ngang qua không phận Hà Nội là những chiếc máy bay oanh tạc B-26 của Không Quân Pháp và sau đó một vài chiếc PB4Y-2 Privateer của Hải Quân Mỹ cất cánh từ phi trường Cát Bi, Hải Phòng. 

Cũng là lần đầu tiên những chiếc “máy bay hai mình” Flying Box Car của Mỹ (C-119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa sau này) chở hàng thả dù xuống Ðiên Biên Phủ tiếp tế cho quân đội Pháp, thường xuyên bay ngang bầu trời Hà Nội mỗi ngày. Ngoài ra đám bạn học chúng tôi cũng thường rủ nhau đến bãi đất trống trước bệnh viện quân sự Ðồn Thủy để nhìn thấy tận mắt những chiếc trực thăng tải thương từ Ðiện Biên Phủ trở về khi cứ điểm này chưa bị siết chặt vòng vây. 

Bằng sự tò mò ham thích về các loại máy bay như thế, việc di cư vào miền Nam bằng đường bay được coi như một cơ hội vô cùng thú vị, chứ ở tuổi thiếu niên tôi chưa thể hiểu hay có quan tâm thắc mắc gì về tương lai. Có điều tôi không khỏi có nhiều lưu luyến với những nơi chốn, với nếp sinh hoạt đã quen và một số bạn bè thân ở lại miền Bắc. Thứ tình cảm ấy là do tuy còn bé, tôi đã có nhiều kỷ niệm về Hà Nội hơn những người cùng lứa tuổi. Là con một trong gia đình nên ông bố tôi đi đâu cũng dắt theo, chỉ dẫn tỉ mỉ về thành phố Hà Nội và làng mạc phụ cận, từ Nghĩa Ðô trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cho tới làng Vòng nổi tiếng về làm cốm, Trại hàng hoa Ngọc Hà hay làng Nhật Tân chuyên trồng cành đào bán ngày Tết…

Thời gian ấy nhiều người vẫn tin rằng di cư vào Nam chỉ là một cuộc ra đi tạm thời, hai năm sau có tổng tuyển cử sẽ có thể trở về bình thường. Nhưng bố tôi bảo rằng sẽ còn lâu lắm hay không bao giờ trở về nữa. 
Tôi chẳng thắc mắc vì sao ông tin như vậy, và bây giờ chắc chắn hiểu rằng ông không thể nào mường tượng rằng tôi sẽ còn phiêu bạt xa hơn rất nhiều nữa.

Những ngày trước khi rời Hà Nội, tôi thường xách chiếc Kodak 6×9, kiểu máy chụp hình kéo ra như chiếc đàn phong cầm, đi chơi khắp thành phố để cố ghi lại những kỷ niệm. Ðó là những hình ảnh qua cặp mắt của một thiếu niên, nghĩa là rất trẻ con, không có trình độ diễn tả được những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của một thành phố đang biến chuyển. 

Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Thành phố đông đúc hơn do dân chúng từ các tỉnh đồng bằng đổ về tìm đường di cư, nhưng sinh hoạt ở những khu phố buôn bán thì sút giảm không còn vẻ rộn rã thường ngày. Nơi tập trung nhộn nhịp nhất là khu vực gần hồ Thiền Quang phía Nam thành phố, một khu nhà dân, không có những cửa hàng thương mại nhưng có hè phố rộng. Nơi đây trở thành Chợ Trời (dân Bắc gọi là Chợ Giời) có lẽ là đầu tiên ở Hà Nội. 

Khác với chợ trời năm 1975 ở Sài Gòn, dân Hà Nội 1954 không có nhiều thứ đồ gia dụng nên hầu hết những món đem ra bán là đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ và cả bàn thờ.

Tôi rời bỏ miền Bắc ngày 30 Tháng Tám, 1954, 40 ngày sau Hiệp Ðịnh Geneve và hãy còn thời gian hai tháng để ai muốn ra đi hay ở lại được quyền tự do chọn lựa. Bố tôi nói là đừng nên đi trễ quá, có thể gặp khó khăn và không giải thích gì thêm. Hầu hết những gia đình định di cư vào Nam đều giữ kín ý định cho đến ngày ra đi. Trái lại gia đình tôi thì không làm được điều ấy. Trong khoảng một tháng trước ngày đi, nhà tôi trở thành chỗ tạm trú của nhiều người quen từ Nam Ðịnh, Ninh Bình, Phát Diệm lên Hà Nội tìm đường ra đi. 

Ðến lúc ấy tôi mới dần dần hiểu ra rằng bố tôi là người có nhiều liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chẳng biết là đảng viên hay thế nào, vì ông không bao giờ cho biết. Ông nói với con đủ mọi chuyện nhưng trước sau không bao giờ nói chuyện gì liên quan đến chính trị. Sau này khi tôi trưởng thành và ông đã già yếu cũng không khi nào ông tỏ ra thắc mắc với sinh hoạt của tôi và luôn luôn đồng ý về tất các việc gì tôi làm. Ðó là điều khiến tôi rất thân và quý mến ông bố mình.

Buổi tối trước ngày đi, gia đình tôi thuê một chiếc xe “ba gác,” kiểu như xe bò bánh gỗ nhưng do người kéo, chất đầy hành lý, đi đến nơi tập trung ở một trường tư thục nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi nhớ đã làm một việc dại dột là khi mọi người còn đang bận rộn thu dọn nơi tạm trú qua đêm thì lén ra ngoài và đi bộ chừng hơn một cây số trở về để nhìn lại căn nhà cũ.

Bà mẹ tôi chửi mắng nặng nề khi thấy tôi về sau khoảng một giờ vắng mặt đâu mất khiến mọi người đều sợ tôi “bị người ta bắt thì sao.” Như thường lệ, ông bố tôi bình thản can thiệp, nói rằng việc qua rồi không có gì lo lắng nữa. Nhưng nghĩ lại tôi mới cảm thấy hơi sợ, không phải vì cho rằng có ai muốn bắt mình, nhưng nhớ lại cảnh đường phố vắng lặng dù mới là chập tối, các nhà đều đóng cửa sớm, sinh hoạt khác hẳn bình thường trước kia.

Chúng tôi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm và bay ngang thành phố thân thiết một lần chót cho tới gần 40 năm sau mới có lần thấy lại. Ðó là một máy bay vận tải C-46 hai động cơ cánh quạt chở được trên 50 người, nghĩa là gần gấp đôi loại C-47 quen biết hơn với mọi người. Thân máy bay ghi tên hiệu CAT (Civil Air Transport) có vẻ như một máy bay hàng không dân dụng, thật ra hầu hết sứ mạng của nó là những hoạt động bí mật. Ðây là kiểu máy bay gắn bó với chiến tranh Việt Nam sau này, thường không sơn chữ số và dấu hiệu gì trên thân, thi hành những phi vụ thả dù biệt kích, đồ tiếp liệu hoặc chuyên chở hàng hóa và nhân viên cho các cơ quan dân sự hay tình báo Hoa Kỳ.

Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Qua khung cửa sổ máy bay là hình ảnh của những nơi sẽ trở thành rất thân thuộc với tôi trong hơn 30 năm kế tiếp, từ bờ biển, sông ngòi, núi rừng Trường Sơn cho đến các chiếc tàu biển trên dòng sông uốn cong bên thành phố Sài Gòn có những nhà mái ngói đỏ.

Tuy nhiên khác nhạc sĩ Vũ Thành và nhiều người ở thế hệ ông chỉ có “Giấc Mơ Hồi Hương,” sau này tôi có thể trở lại nơi cũ dù trong những hoàn cảnh và điều kiện khác với mong ước. Ðiều tình cờ chua chát là tôi trở về gần quê cũ, 23 năm sau cũng đúng vào ngày 30 Tháng Tám, trên đoàn xe chở “tù cải tạo” xuất phát từ trại T-20 đi ngược quốc lộ 1 về hướng Bắc. 

Lần thứ nhất tôi thực sự trở lại Hà Nội là năm 1989 khi làm việc trong văn phòng của một nhóm tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, và được cử đi thương lượng cho một hãng Pháp có dự án mua lại các xe điện cũ ở Hà Nội để thay thế bằng xe bus. Năm ấy thành phố chưa thay đổi nhiều ngoại trừ một số cư xá mới xây cất cho cán bộ công nhân và những “chuồng cọp” trên các tầng lầu. Trong thời chiến tranh, dân Hà Nội ở những căn hộ do chính quyền phân phối cấp phát, tìm cách tăng diện tích bằng cách lấn ra ngoài các bao lơn được quây xung quanh bằng lưới sắt và họ đặt cho cái tên là “chuồng cọp.” Chưa phát triển theo đường lối kinh tế tư bản nên thành phố năm ấy còn sạch sẽ vì chẳng có nhiều hàng hóa tiêu dùng và rác.

Nhưng tới năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm “1000 năm Thăng Long” thì nhiều cảnh vật đã hoàn toàn khác. Ðường phố đầy người và xe cộ, nhất là xe máy hai bánh, hàng quán mọc lên vô trật tự khắp nơi và những nét cổ xưa chỉ còn rải rác len lỏi ở một đôi chỗ. Giống như Sài Gòn, Hà Nội có rất nhiều quán cà phê từ hạng sang trọng và đẹp cho đến những quán nằm trong các ngõ phố hay trên tầng lầu hiểm hóc. Ðó là nơi hấp dẫn du khách tò mò và người như tôi, muốn trao đổi tìm hiểu những khía cạnh sinh hoạt của người mới và người cũ.

Một buổi tối vào Cà Phê Giảng, tên quen thuộc của dân Hà Nội ngày xưa, bây giờ không còn là căn nhà nhỏ bé ở phố Cầu Gỗ mà là cửa hàng ba tầng lầu gần hồ Hoàn Kiếm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một nhóm sinh viên vừa mãn giờ học về. Họ không còn cắn hạt hướng dương bỏ rác đầy sàn mà phần lớn đều bận bịu với máy điện thoại di động trong tay. Tình cờ một cô bé nhận xét: “Bác nói tiếng Hà Nội chuẩn lắm.” Tôi bật cười hỏi lại theo em thế nào là chuẩn? Ðúng là có một thời gian người dân miền Nam, trong đó có tôi, cảm thấy thứ tiếng của dân “Bắc Kỳ 75” rất khó nghe. Nhưng rồi tôi thành thật giải thích với họ: “Chẳng có thứ tiếng Hà Nội nào là chuẩn. Thời vua Lý Thái Tổ 1000 năm xưa khác, thời Tây trước 1954 khác và sau này khác. Không có người Hà Nội truyền thống đâu, hầu hết họ là người từ những nơi khác đến thành phố làm việc ở mỗi thời kỳ của lịch sử. Như thế tôi coi giọng Hà Nội ngày nay không giống tôi mới là Hà Nội chuẩn.”

Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với tôi về suy nghĩ ấy. Nhưng thời gian đem đến mọi thay đổi và muốn hay không muốn, phải chấp nhận thực tế là nói chuyện 60 năm cũ thì được, chứ người ta không thể trở lại với sinh hoạt của 60 năm hay 1000 năm trước.

[footer]

Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) và niềm đam mê nhạc vàng nơi đất Bắc

Trong bài viết về nhạc phẩm có số phận long đong ‘Gửi người em gái miền Nam’, [dongnhacxua.com] có nhắc đến anh Nguyễn Văn Lộc, mà bạn bè hay gọi là Lộc ‘vàng’ vì anh là người đã khai trương quán Lộc Vàng, một trong những phòng trà trình diễn nhạc vàng đầu tiên trên đất Bắc. Cũng vì tình yêu nhạc vàng bất tận mà bản thân anh đã vướng vòng lao lý trong một vụ án chấn động miề Bắc ngày đó. 

YÊU NHẠC VÀNG: MÁU VÀ NƯỚC MẮT
(Nguồn: tác giả Nguyễn Tuấn Ngọc đăng trên Facebook)

Với nhiều người Hà Nội, vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước, họ vẫn chưa quên được. Người đàn ông Nguyễn Văn Lộc năm xưa trong vụ án này bây giờ là chủ quán Lộc vàng tại ven đường Hồ Tây.

Anh Lộc châm thuốc cho anh Toán "xổm" trước khi anh Toán mất. ảnh Nguyễn Đình Toán
Anh Lộc châm thuốc cho anh Toán “xổm” trước khi anh Toán mất. ảnh Nguyễn Đình Toán

Hồi đó anh Lộc và những người bạn vì quá mê nhạc tiền chiến nên đã thành lập nhóm nhạc để tụ tập hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – từ Linh, Đặng Thế Phong…và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô thụy Miên, từ Công Phụng…Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh bị bắt và tạm giam ở Hỏa lò 3 năm. Vào các ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên toàn xét xử gồm 7 thành viên. Tòa tuyên án Toán “xổm” 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù… Sau khi hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù . Năm 1976 anh ra tù.

Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc
Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc

Anh thương nhất là anh Toán “xổm” ra tù, mất hết tất cả, không nơi nương tựa, sống nhờ cậy bàn bè và sau đó anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.

Anh Lộc tại quán Lộc vàng. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Lộc.
Anh Lộc tại quán Lộc vàng. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc.

Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm: gửi người em gái của Đoàn chuẩn- từ linh hay bằng anh. Một giọng hát quá trữ tình và sâu lắng. Anh đã hát đúng bản gốc của tác phẩm này, vì anh cho biết nhạc phẩm đang được thu âm và hát lại bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát.

Hàng ngày, người đàn ông này vẫn hát lại những ca khúc củ của một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao trầm luận. Nó cũng giống như số phận của anh Lộc khi trót mang kiếp cầm ca.

[footer]

Có phải em, mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc – Tô Như Châu)

Đầu những năm 1990, [dongnhacxua.com] đã nghe qua ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ qua giọng hát Thu Phương và Hồng Nhung. Ngày đó, cùng với ‘Hà Nội, đêm trở gió’  hay ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’ … đã làm nên một làn sóng mới thật trẻ trung và đậm chất nghệ thuật về dòng nhạc trẻ nói chung và dòng nhạc về Hà Nội nói riêng. Thế nhưng xung quanh bản ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ có nhiều điều thú vị mà hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị.

MỘT CHÚT CÓP NHẶT VỀ ‘CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI’
(Nguồn: tác giả Hoan Do đăng trên hoandesign.blogspot.com)

co-phai-em-mua-thu-ha-noi--dongnhacxua.com

Những điều tôi viết dưới đây thực ra cũng chẳng phải là những điều tôi thực sự viết. Hay nói cách khác, nó là một dạng đạo lại những bài viết tôi vừa tìm đọc được và bạn có thể tìm thấy chúng ở những đường dẫn ở cuối cái cập nhật trạng thái dài lê thê này.

Đầu tháng tám, thấy nhiều người nhắc lại câu hát này. Tôi cũng định vậy nhưng lại thôi vì không muốn bỗng dưng trở thành kẻ bắt chước.

“Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?”

Nghe ‘Có phải em mùa thu Hà Nội’ qua giọng của Hồng Nhung hay nhiều ca sĩ khác, tôi vẫn nhầm lẫn một từ rất quan trọng trong câu hát, “khởi vàng” thành “rơi vàng”. Nhà thơ Tô Như Châu khi viết bài thơ này đầu năm 1970, cũng chính vào những ngày tháng tám. Hè vừa qua, thu mới chớm. Sự thay đổi của tiết trời lúc ấy chỉ đủ khiến những chiếc lá trên những tán cây đổ sang màu vàng óng. Vì lẽ ấy, ông mới dùng chữ “khởi” – bắt đầu, chứ không phải “rơi”.

Trong bài thơ còn có câu: “Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm”. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên Tô Như Châu đưa tiếng đàn piano vào một ca khúc trữ tình mà rất đỗi hào hùng như vậy. Có giai thoại kể rằng giữa lúc bom đạn chiến tranh, thi sĩ khi ấy ở Đà Nẵng tình cờ gặp được một thiếu nữ Hà Nội xóa tóc thề bên chiếc đàn dương cầm. Rồi chính vẻ đẹp của cô gái, của tiếng đàn thánh thót đã khơi dậy những trang sử hào hùng của “hồn Trưng Vương sông Hát” hay “Quang Trung vó ngựa biên thùy”. Tôi thì vẫn ngờ ngợ về tính xác thực của giai thoại này. Nhưng cũng có thể tại tâm hồn thô kệch của tôi chẳng bao giờ nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc đến thế, và vậy nên khó mà đặt mình vào tâm hồn của một thi sĩ.

Một câu chuyện khác cũng khá đặc biệt về bài thơ sau khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc cho nó vào năm 1972. Bài hát đã có mặt trong một băng nhạc miền Nam nhưng phải đến đầu những năm 90 mới bắt đầu trở nên phổ biến qua giọng hát của Hồng Nhung, Thu Phương. Cũng khi ấy, Tô Như Châu bắt đầu công việc phát báo trên chiếc xe đạp cũ kĩ của mình. Bài hát được phổ thơ ông giờ được phát đi phát lại trên phố, tạo niềm cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Đi bỏ báo nghe thơ phổ nhạc” với những câu thơ rất thú vị:

“Có phải em Mùa thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”

Nhưng niềm vui sướng của Tô Như Châu bỗng quay ngoắt 180 độ khi ông phát hiện ra ca khúc được Trần Quang Lộc phổ nhạc gần như không hề có thông tin tên tác giả bài thơ gốc. Trần Quang Lộc ban đầu lấp liếm, giả vờ như không biết Tô Như Châu là ai. Nhưng rồi với những bằng chứng xác đáng, cuối cùng cái tên Tô Như Châu cũng được ở vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên thật buồn vì ông không được nhận nhuận bút bản quyền như đã hứa cho tới tận lúc qua đời vì bạo bệnh năm 2002.

Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là điều bất ngờ nhất. Tô Như Châu lẫn Trần Quang Lộc, hai con người sinh ra tại mảnh đất miền Trung Đà Nẵng và Quảng Trị, lại chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội khi tạo ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cho tới tận bây giờ.

http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2691
http://www.anninhthudo.vn/Loi-song/La-khoi-vang-chua-nhi/412623.antd
http://quannhac.net/tan-man/thang-tam-mua-thu
Posted 7th August 2012 by Hoan Do

THÁNG TÁM MÙA THU, LÁ KHỞI VÀNG CHƯA NHỈ?
(Nguồn: nhạc sỹ Phạm Anh Dũng)

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác nhiều. Trong số đó, nổi tiếng là Về Đây Nghe Em và Có Phải Em Là Mùa Thu Hà Nội. 
Trước 1975, Trần Quang Lộc nổi tiếng với nhạc phẩm Về Đây Nghe Em bài nhạc phổ thơ Anh Khuê: 

Về đây nghe em 
Về đây nghe em 
Về đây mặc áo the đi guốc mộc 
Kể chuyện tình bằng lời ca dao 
Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai 
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới 
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu… 

CD Đêm Màu Hồng của danh ca Thái Thanh do Diễm Xưa phát hành có bản Về Đây Nghe Em do Thái Thanh, Ý Lan và Quỳnh Dao (tức là Quỳnh Hương về sau này) hợp ca. CD hay, bài hát hay nhưng bìa CD có một sơ suất nhỏ, đề sai tên tác giả thành ra là Lê Quang Lộc. Và không thấy có ghi tên thi sĩ. 

Nhạc phẩm Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc) thấy lưu hành sau 1975. Bài này có Hồng Nhung đã hát trong CD Chiều Phủ Tây Hồ, do trung tâm nhạc Mưa Hồng phát hành. Bìa CD có tên Trần Quang Lộc là tác giả nhưng cũng không thấy nhắc đến tên thi sĩ Tô Như Châu. 

Đoạn đầu của Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội, nhạc nằm trong âm giai Trưởng, nhạc và lời rất quyến rũ: 

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ 
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm 
Có phải em mùa thu xưa 

Đoạn 2, nhạc cũng gần giống hệt như đoạn đầu, ngoại trừ mấy chữ cuối: 

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn 
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Ngày sang thu anh lót lá em nằm 
Bên trời xa sương tóc bay 

Câu “Ngày sang thu anh lót lá em nằm” nghe thật là giản dị nhưng đầm thắm. 

Sang đoạn thứ 3 là đoạn điệp khúc, hai câu đầu, vẫn ở hợp âm trưởng: 

Thôi thì có em đời ta hy vọng 
Thôi thì có em sương khói môi mềm 
Và sau đó, nhạc chuyển sang âm giai Thứ, buồn hơn: 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh 
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát 

Có một điểm nhiều người cho hơi lạ là ở khi bản nhạc lên đến cực điểm cao vút: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Họ không hiểu ở đây tác giả muốn nói gì vì Hai Bà Trưng tự vẫn ở sông Hát thuộc tỉnh Sơn Tây thì có liên hệ gì đến mùa Thu Hà Nội! 

Lý do có lẽ như sau: 
Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát tự vận, tại tỉnh Sơn Tây. Sông Hát là giòng nước thượng lưu của sông Hồng (sông Nhị). Hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây tại Hà Nội ngày xưa đều có nguồn từ Hồng Hà. 

Đoạn thứ 4 là đoạn kết nhạc lại trở về âm giai trưởng giống như đoạn 1 và 2: 

Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi 
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm 
Có phải em là mùa Thu Hà Nội 
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về 
Ôi mùa Thu của ước mơ 

Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội phải nói là một bài nhạc haỵ 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. CD Đêm Màu Hồng, Thái Thanh Hải Ngoại 3, Diểm Xưa 16 (714)540-7537 ở Hoa Kỳ. 
2. CD Chiều Phủ Tây Hồ, Mưa Hồng 342 (714)531-7692 ở Hoa Kỳ, Kim Nga 01-45-829045 ở Pháp. 

Phạm Anh Dũng 
Santa Maria, California USA

BÀI THƠ ‘CÓ PHẢI EM, MÙA THU HÀ NỘI’ CỦA TÔ NHƯ CHÂU?
(Nguồn: ThiVien.net)

Tháng 11-2000 Tô Như Châu từ Đà Nẵng có gửi tặng NK tập thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” nxb Đà Nẵng – 1998 gồm 36 bài. Tô Như Châu (Đặng Hữu Có) sinh 1934, quê An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng – cư trú ở 136 Trần Phú-TP Đà Nẵng, dt.3897798; Hội Viên Hội VHNT Đà Nẵng. Nhà anh ở bên kia Sông Hàn. Năm 2000,tuy đã tren 60 xuân Thi sĩ vẫn cưỡi chiếc Honda 67 màu Bordeaux đã cũ vù vù đi “bỏ báo” kiếm cơm”: anh con ngựa già chưa mỏi vó / vẫn thênh thang bược nhẹ quanh đời / đi tung bờm tóc gió / quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời / em cầu vồng bao nhiêu sắc / tháng giêng hồng rất mỏng rất mênh mông”. 

Bài thơ”Có phải em mùa thu Hà Nội” anh viết vào tháng 8-1970,lúc Đà nẵng còn bời bời bom lửa chiến tranh,tình cờ anh gặp một cô gái Hà Nội chính gốc. Qua vài lần tiếp xúc & thưởng thức tiếng dương cầm thánh thót từ bàn tay trắng trẻo nuột nà mềm mại như thiên thần, lời nói dịu dàng như gió thoàng của Nàng, bỗng dưng đánh thức dậy trong lòng thi sĩ cả lịch sử hào khí của ông cha , của hồn Trưng Vương sông Hát Giang. Và thế là bài thơ ra đời…Bài thơ được Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972, sau này được các Ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương hát trở nên nổi tiếng. Nhạc Sĩ đươc giải thưởng, nhưng tên người sáng tác “lời”(thơ)thì bị “quên” một cách hữu ý ? Công luận (báo chí & dư luạn xã hội) đã nói về sự bội bạc của người bạn một thời bên xóm chài nhỏ ven bờ sông Hàn cùng anh ! 
 
Bài thơ nguyên tác như sau : 
 
      CÓ PHẢI EM 
      MÙA THU HÀ NỘI 
Tháng tám mùa thu 
Lá khởi vàng em nhỉ 
Từ độ người đi 
thương nhớ âm thầm 

Chiều vào thu nghe lời ru gió 
Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên 
Mắt nai đen mùa thu Hà Nội 
Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương 

May mà có em cho đường phố vui 
May còn chút em trang sức sông Hồng 
Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm 
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng 

thôi thì có em đời ta hy vọng 
Thôi thì có em sương khói môi mềm 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh 
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát 
Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Nghìn năm sau níu bóng quay về 

Phải nơi đây miền Thanh Nghệ Tĩnh 
Phải nơi đây Hồng Lĩnh-Ba vì 
Phải nơi đây núi Nùng sông Nhị 
Lớn đậy con người đất Tổ Hùng Vương 
Anh sẽ đi 
Cả nước Việt Nam yêu dấu 
Đẹp quê hương gặp lại tình người 
Bước nhỏ long lanh hồn nghệ sĩ 
Mơ Quang Trung vó ngựa biên thuỳ 
Ngày anh đi 
Nhất định phải có em 
đường cỏ thơm giong ruổi 
Sẽ ghé lại Thăng Long 
thăm Hoàng Thành- Văn Miếu 
chắc rêu phong đã in dấu bao ngày 

Đã nghe 
bập bùng trống trận 
Ngày chiến thắng Điện Biên 
Sáng hồn lửa thiêng 
Xuôi quân về giữ quê hương 
Hôm nay mùa thu 
Gió về là lạ 
Bỗng xôn xao con tim lời lá 
Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi 
Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Ngày sang thu lót lá em nằm 
Bên trời xa sương tóc bay 
Hà Nội ơi em có hay 
Quê hương thần thoại hiển linh hồn sông núi 
Nắng thu muôn màu rực rỡ trong hồn anh. 
 
       Đà Nẵng,tháng 8-1970.Tô Như Châu 

[footer]