Đôi mắt người Sơn Tây: từ thơ đến nhạc

Nhạc phẩm ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ với giai điệu chậm buồn đầy bi tráng và ca từ đầy chất thơ có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người yêu nhạc xưa. Thế nhưng Sơn Tây ở đâu và nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ Phạm Đình Chương cho ra đời nhạc  phẩm bất hủ này là điều mà có khi chúng ta ít được biết.

VỀ ĐỊA DANH SƠN TÂY (Tham khảo wikipedia)

Địa danh Sơn Tây ngày nay không còn nữa. Thế nhưng, theo những gì mà wikipedia cung cấp thì có thể tạm hiểu Sơn Tây ngày xưa là một phần của Hà Nội ngày nay.

Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).

Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (1929-1991) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ ở Hà Nội. Những năm cuối đệ nhị thế chiến, để tránh khói lửa chiến tranh nhiều học sinh đã theo gia đình rời Hà Nội về sống tại các vùng quê. Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sỹ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương.