Diva nhạc Việt

Giữa thập niên 1990, chương trình Làn Sóng Xanh của Đài Tiếng Nói TPHCM đã thu hút một lượng đông đảo thính giả và đã góp một phần không nhỏ vào việc phục hưng dòng nhạc Việt. [dongnhacxua.com] chúng tôi còn nhớ khi đó, mỗi buổi sáng chủ nhật, giới sinh viên chờ đợi để nghe tiếng hát của Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Tân và sau này là Mỹ Linh, Lam Trường, Đan Trường, v.v. Để giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về những giọng ca nữ mà thời đó được xưng tụng là “diva”, chúng tôi xin phép giới thiệu bài phỏng vấn nhạc sỹ Dương Thụ do nhà báo Danh Anh thực hiện trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

AI CHẠM VÀO KÝ ỨC, NGƯỜI ĐÓ ĐƯỢC NHỚ ĐẾN
(Nguồn: bài phỏng vấn của nhà báo Danh Anh với nhạc sỹ Dương Thụ trên báo Tuổi trẻ Cuối Tuần ngày 2016-08-12)

Chương trình Gặp gỡ mùa thu (diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào ngày 13-8) là lần thứ ba trong vòng một năm, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà cùng chung sân khấu. “Tài năng thật sự thì ít thôi, bốn người cũng là nhiều đấy” – nhạc sĩ Dương Thụ trò chuyện với TTCT về câu chuyện “diva” và nhạc Việt hiện nay.

Từ trái sang: Mỹ Linh, Hà Trần, Thanh Lam, Hồng Nhung trong đêm nhạc Ngày xanh vào tháng 1-2016. Ảnh: HẢI BÁ
Từ trái sang: Mỹ Linh, Hà Trần, Thanh Lam, Hồng Nhung trong đêm nhạc Ngày xanh vào tháng 1-2016. Ảnh: HẢI BÁ

Nhiều năm trôi qua, vẫn chưa có ca sĩ nào khác được công chúng thừa nhận là “diva” như cách gọi bốn ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Là người gắn bó và thấu hiểu họ, ông nghĩ gì về điều này?

– Thanh Lam, Hồng Nhung nổi tiếng cách đây gần ba thập kỷ; Mỹ Linh, Trần Thu Hà muộn hơn cũng đã hơn hai thập kỷ. Những người cùng thời, nhiều cô nổi tiếng lắm, nhưng thời gian sàng lọc nay chỉ còn bốn người kể trên mà giới truyền thông phong là “diva”.

Người hát thời nào cũng có rất nhiều, nhưng tài năng thật sự thì ít thôi, bốn người cũng là nhiều đấy. Tôi không gọi các cô ấy là diva mà là “danh ca của một thời”. Những người như thế còn hát được lâu lắm, có khi đến sáu, bảy mươi tuổi như danh ca Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly…

Giờ họ biểu diễn tuy không còn như xưa nhưng vẫn có thể thu hút được người nghe. Âm nhạc là ký ức của một thời chúng ta sống. Ai chạm được vào nó, người ấy sẽ được nhớ đến, được nghe, ngay cả khi họ không còn nữa.

Ông thấy giọng hát và phong độ hiện nay của họ có gì thay đổi so với thời nhạc nhẹ Việt Nam nổi lên với Làn sóng xanh? Ông thích họ nhất ở giai đoạn nào?

– Thanh Lam, Hồng Nhung và Mỹ Linh vẫn là họ. Giọng hát, phong cách về căn bản vẫn vậy. Nhưng tuổi tác thay đổi, cái căn bản ấy cũng phải thay đổi theo chút ít. Cô Hồng Nhung, Mỹ Linh ở tuổi 17, 18, giọng hát hồn nhiên hơn, giờ sau hơn 20 năm thì già dặn hơn.

Chỉ có Thanh Lam có vẻ như thời gian không làm thay đổi mấy. Thay đổi và không thay đổi mấy đều có những cái hay của nó, chính điều đó làm nên diện mạo riêng cho mỗi ca sĩ. Ai cũng yêu cái thời một đi không trở lại.

Tôi thỉnh thoảng vẫn nghe lại Thanh Lam hát Bay vào ngày xanh trong album Nghe mưa, cảm động vô cùng. Một cái gì trong sáng thoáng rộng, một cái gì như là giấc mơ. Tôi thích Thanh Lam thời làm album Mây trắng bay về, Hồng Nhung thời Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, còn Mỹ Linh thời album Tóc ngắn và Chát với Mozart. Cả ba, lúc ấy đến độ chín.

Cả bốn nữ ca sĩ vẫn đều đặn trình diễn, tham gia các chương trình ca nhạc, nhưng gần như họ không có sản phẩm âm nhạc mới dày dặn nào được công bố, ngoại trừ Hà Trần có dự án Bản nguyên. Vậy có thể nói “diva nhạc Việt” đã giậm chân tại chỗ quá lâu hay chính là nhạc Việt đang giậm chân tại chỗ, thưa ông?

– Dừng lại ở đỉnh không phải là giậm chân tại chỗ. Tuổi hát và sự định hình về phong cách như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh mà đòi hỏi họ phải thay đổi như các ca sĩ trẻ chưa trưởng thành là một điều không đúng.

Không ai yêu cầu danh ca Thái Thanh, Lệ Thu hay Khánh Ly phải hát những cái gì mới. Công chúng âm nhạc thật sự luôn yêu những gì gắn với tên tuổi họ, thời họ sống. Đối với Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh cũng phải vậy chứ. Riêng Trần Thu Hà, tôi nghĩ ca sĩ này đa phong cách, luôn tìm cho mình những thử thách mới, người như thế đến già vẫn có thể đưa ra một cái gì khác.

Cả bốn “diva” nay đều kết bạn với truyền hình thực tế. Hồng Nhung làm huấn luyện viên của cuộc thi The Voice – Giọng hát Việt, Mỹ Linh ngồi ghế giám khảo của Gương mặt thân quen, Thanh Lam gây ồn ào ở cuộc thi X-factor – Nhân tố bí ẩn và tới đây Hà Trần cũng làm giám khảo một cuộc thi ca hát mới. Như vậy, có phải tính giải trí trong âm nhạc và xu hướng phổ thông hóa đang thắng thế? Cái được và mất của câu chuyện “diva” cũng tranh đua với các cuộc thi của truyền hình thực tế là gì, thưa ông?

– Tôi thấy chuyện này không liên quan đến “tính giải trí trong âm nhạc và xu hướng phổ thông hóa đang thắng thế” như anh nêu. Đây chỉ là hoạt động nghề của một ca sĩ. Hành nghề để làm nghệ thuật nhưng cũng phải hành nghề để kiếm tiền chứ.

Tham gia các game show cũng giống như đi chạy show thôi, tên tuổi được nhắc đến và cũng có kha khá tiền. Chỉ có điều chạy show nhiều quá có khi tiền khá nhưng thanh danh nếu không biết giữ gìn sẽ bị tổn thương. Nhưng “được – mất” thế nào còn tùy thuộc bản lĩnh và đẳng cấp của nghệ sĩ. Có người “được”, cũng có người “mất” và cũng có thể tiêu tùng sự nghiệp. Đó là lẽ thường.

Những đĩa nhạc thuộc hàng hay nhất của “bộ tứ diva nhạc Việt”. Ảnh: CHU MINH VŨ
Những đĩa nhạc thuộc hàng hay nhất của “bộ tứ diva nhạc Việt”. Ảnh: CHU MINH VŨ

Trong “bộ tứ” này, ông đánh giá cao nhất đường hướng hoạt động âm nhạc và cách phát triển sự nghiệp của ca sĩ nào?

– Thật khó trả lời. Thanh Lam, Hồng Nhung đã ổn định. Mỹ Linh phát triển và có nhiều “đột phá” từ hát dân gian hiện đại sang R&B rồi sang semi classic nhưng vẫn ổn định được giọng hát, giờ chắc chỉ “thâm canh” thôi. Trần Thu Hà thì không đoán được cô sẽ còn “đột phá” những gì.

Những người ưa cách tân luôn tiến lên phía trước và có thể có nhiều hướng rất khác nhau. Quả thực, tôi chẳng hề trông đợi sự “đột phá” của họ. Họ đã phát triển tốt và đã trở thành chính họ, chẳng có lý do gì để phá đi làm cái khác. Trừ phi họ là thiên tài.

Với ý kiến cho rằng cả bốn đã đạt tới ngưỡng của sự nghiệp, như vậy họ đã hoàn thành vai trò ca hát của mình, ông có đồng tình? Câu “thầy già con hát trẻ” có đúng trong trường hợp này?

– Người ta chỉ hoàn thành vai trò của mình khi không còn hát nữa. Tôi không hiểu câu “thầy già con hát trẻ” ở đây hàm ý gì. Nếu có ý chê thì tôi không đồng tình, nhưng nếu nói về quan hệ giữa kinh nghiệm và sự non trẻ thì được như vậy là tốt.

Các cô ấy hướng dẫn các bạn trẻ với tất cả sự ưu ái và nhiệt tình trong việc truyền nghề, đấy chính là đạo đức của một nghệ sĩ lớn tuổi. Các bạn trẻ cần hàm ơn về điều đó.

Ông nhìn nhận gì về môi trường ca nhạc và biểu diễn âm nhạc hiện tại?

– Một thời đại âm nhạc khác, người viết khác, ca sĩ khác và công chúng khác với những công cụ, phương tiện hiện đại chẳng thua kém gì các nước trong khu vực. Âm nhạc như các bạn hiểu là ca khúc thì đã “pop hóa” và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Nó đã trở thành thứ nhạc giải trí và được thương mại hóa triệt để. Tôi không còn chú ý đến nó nữa.

Vậy có khía cạnh nào của nhạc Việt đương đại mà ông quan tâm? Có gương mặt ca sĩ, nhạc sĩ nào mà ông đánh giá cao?

– Lĩnh vực âm nhạc mà tôi quan tâm là nhạc cổ điển đương đại và các khuynh hướng nhạc thể nghiệm. Khu vực này cho tôi một cái nhìn lạc quan về sự phát triển âm nhạc với tính chất là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, lạc quan về các tài năng âm nhạc thế hệ 8X, 9X. Họ đang lộ diện. Họ là tương lai của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Trong khu vực âm nhạc cổ điển đương đại là nhà soạn nhạc trẻ Trần Mạnh Hùng, trẻ hơn nữa là Trần Lưu Hoàng. Giọng ca sau lớp đàn chị là Nguyên Thảo, giọng ca mới mà tôi để ý đến là Minh Đức, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Uyên Linh và Hà Linh. Đó là những người hoàn toàn có thể khẳng định tài năng.

Còn một vài người nữa nhưng họ chưa bộc lộ hết nên chưa thể nói được. Cuộc sống rộng lớn lắm. Tôi chỉ biết có một góc nhỏ đó thôi.

Cảm ơn ông.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *