Hoa trong nhạc: tầm xuân

Dòng Nhạc Xưa giới thiệu hoa tầm xuân dân dã để tiếp nối chủ đề ‘hoa trong nhạc‘.

Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Đôi nét về hoa tầm xuân

(Nguồn: wikipedia)

Lá và cuống. Ảnh wikipedia
Hoa tầm xuân. Ảnh: wikipedia

Tầm xuân, danh pháp khoa học Rosa canina L., là một loài hoa hồng leo có nguồn gốc châu Âu, Tây Bắc Phi và Tây Á.

Miêu tả

Tầm xuân là loài cây bụi sớm rụng lá có chiều cao từ 1–5 m, mặc dù đôi khi chúng cũng có thể leo cao hơn tới ngọn của các loài cây khác. Thân tầm xuân có nhiều gai sắc, nhọn, có móc giúp chúng leo dễ dàng. Lá kép lông chim, với 5-7 lá chét. Hoa thường có màu hồng nhạt, biến đổi từ hồng đậm tới trắng, với đường kính 4–6 cm và có nhiều cánh, lúc chính thành quả màu cam đỏ cỡ 1.5–2 cm.

Công dụng

Tầm xuân có hoa đẹp nên được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh. Tầm xuân có một số hoạt chất chống ôxi hóa. Quả tầm xuân có lượng vitamin C cao và dùng để làm xi rô, trà…

Trong Ðông y, tầm xuân là một vị thuốc. Người ta thường thu hái hoa, quả, cành và rễ để làm thuốc. Theo quan niệm của Đông y, tầm xuân có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, giảm đau, thường dùng để chữa các bệnh như hoàng đản, thủy thũng, lỵ, tiêu khát, ỉa chảy, đái dầm ở trẻ em…

Bài ca dao “Nụ tầm xuân”

(Nguồn: thivien.net)

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
– Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng, biết thuở nào ra?

Nguồn:
1. Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
2. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1971

Đi tìm hoa tầm xuân trong ca dao

(Nguồn: bài viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đăng trên tuoitre.vn)

TTCT – Trong kho tàng ca dao VN có một bài vào hàng tuyệt tác: Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…

Hoa tầm xuân trong sách của GS-TS Đỗ Tất Lợi

Mấy câu thơ trên là những lời tỏ tình muộn màng nhưng vẫn nồng nàn, tha thiết. Khi tình yêu và hôn nhân không đồng hành với hạnh phúc, những đôi lứa yêu nhau trên đời dường như đều mang nỗi niềm hối tiếc về một hình bóng và kỷ niệm nào đó thấp thoáng trong màu xanh biêng biếc của loài hoa tầm xuân này. Hoa tầm xuân đã trở thành một văn ảnh xinh đẹp trong thơ ca và trong đời sống tình cảm của nhân dân ta.

Có điều hoa tầm xuân là hoa gì, ra sao, ở đâu… thì hỏi mười người – nhất là các bạn trẻ – có đến bảy tám đều không biết. Những người nói là biết thì mỗi người biết một thứ cây tầm xuân khác nhau. Truy cập vào Google cho đến hơn 20 trang hoa đủ thứ, kể cả hoa mai, hoa đào, hoa hồng… cũng đều chú thích bên dưới là hoa tầm xuân!

Wikipedia tiếng Việt thì dựa vào những tài liệu về hoa ở Đức, Áo, Thụy Sĩ mà giải thích rằng “… tầm xuân có hoa đẹp nên được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh…”. Báo Sức Khỏe Và Đời Sống ngày 4-12-2008 có bài viết: Hoa tầm xuân tên khoa học là Rosa multiflora thumb, hoa năm cánh, có nhiều màu… Trong dân gian còn gọi là thích hoa, bạch tàn hoa, thích mi, tường vi, dã tường vi, thất tỉ muội, thập tỉ muội… Các trang web quảng cáo có giới thiệu một vài sản phẩm như: nước hoa hồng, sữa rửa mặt chiết xuất từ hoa tầm xuân.

Trang web Rau hoa quả VN ngày 6-12-2008 cho biết từ tháng 1-2007 hoa tầm xuân từ Trung Quốc được nhập khẩu vào VN với số lượng 1,3 tỉ cành, trị giá 38.700 usd, bán ra thị trường 2.500-3.000 đồng/cành. Những thông tin nói trên dường như chỉ càng gây nhiễu cho những người muốn đi tìm hình ảnh đích thực của loài hoa tầm xuân trong ca dao. Đến nỗi một bạn nào đó đã đưa lên trang web dalatrose một lời cầu cứu: ai có ảnh của hoa tầm xuân đưa lên mạng cho biết với.

 

Đáp lại lời thỉnh cầu này, trên trang web của nhà thơ nữ Phương Phương nổ ra một cuộc tranh cãi bằng hình. Các thành viên của trang web đưa lên một số loài hoa mà họ ưa thích, bảo rằng đó là tầm xuân. Riêng tấm ảnh mà nhà thơ Phương Phương cho rằng đó là hoa tầm xuân thì nhiều người gọi là hoa đậu biếc.

Lại có một thành viên khác bình luận dí dỏm: Nụ tầm xuân nở ra vàng rực. Em đi lấy chồng anh bực lắm thay… Nụ tầm xuân nở ra thơm phức. Em có chồng rồi anh tức lắm thay… Cứ như giọng điệu ấy thì hình như tác giả không tin rằng hoa tầm xuân trong ca dao là có thật.

Rất có thể, cũng tương tự như hoa vông vang trong tiểu thuyết của Đỗ Tốn thời Tự lực Văn Đoàn hoặc như lá diêu bông trong bài thơ của Hoàng Cầm – những hoa ấy, lá ấy đều chỉ là sản phẩm trong thế giới ảo của thơ ca lãng mạn. Phải chăng đây cũng chính là điều mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết: Hoa tìm mùa xuân suốt đời không gặp. Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân…

Có lần tôi đem thắc mắc này hỏi một nghệ nhân chơi hoa cao tuổi người miền Bắc. Ông cụ trả lời: “Cái hoa ấy thì vẫn có thật đấy chứ. Nhưng bây giờ đi khắp đầu non cuối biển chưa chắc đã tìm thấy. E rằng đã tuyệt chủng rồi. Cũng may còn mấy câu ca dao chưa đến nỗi thất truyền”. Mặc dầu ông cụ nói vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ nuôi chút hi vọng. Miễn là hoa có thực, biết đâu rồi cũng có khi may mắn tìm thấy được. Quả nhiên điều may mắn ấy đã đến.

Một hôm khi tra cứu một thuật ngữ y dược, tôi tình cờ bắt gặp tấm hình chụp hoa tầm xuân ở trang 977 trong quyển sách Cây thuốc và vị thuốc VN của giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi (NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật, Hà Nội, 1995). Cây thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), hoa năm cánh sắc màu xanh.

Giáo sư Đỗ Tất Lợi là nhà khoa học, rất coi trọng sự chính xác nên tôi tin rằng hoa tầm xuân trong sách của ông chính là hoa tầm xuân trong ca dao. Vậy nay tôi xin gửi cả bài viết lẫn hình ảnh đến quý bạn đọc gọi là chút quà mang ít nhiều hương sắc mùa xuân.

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *