Một Người Đi (Mai Châu)

Sân ga và con tàu từ rất lâu đã đi vào dòng nhạc xưa như là những hình ảnh mang tính biểu trưng cho sự chia ly. Trong số những nhạc phẩm ấy, cá nhân [dongnhacxua.com] đặc biệt yêu thích bản “Một người đi”. Sau này khi có thời gian tìm hiểu thêm, chúng tôi mới đó là sáng tác của nhạc sỹ Mai Châu, cũng chính là phu quân của ca sỹ Hoàng Oanh nổi tiếng. Nhân dịp này xin gởi lời chúc sức khỏe và an lành đến gia đình cô Hoàng Oanh – nhạc sỹ Mai Châu và gởi đến người yêu nhạc bài hát này.

Một người đi (Mai Châu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Một người đi (Mai Châu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

mot-nguoi-di--1--mai-chau--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mot-nguoi-di--2--mai-chau--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mot-nguoi-di--3--mai-chau--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

DÒNG NHẠC MAI CHÂU
(Nguồn: Facebook của ca sỹ Hoàng Oanh)

Ca sỹ Hoàng Oanh và phu quân, tức nhạc sỹ Mai Châu. Ảnh: https://www.facebook.com/danhcahoangoanh
Ca sỹ Hoàng Oanh và phu quân, tức nhạc sỹ Mai Châu. Ảnh: https://www.facebook.com/danhcahoangoanh

Một người nhạc sĩ quen thuộc với nhiều nhạc phẩm viết về thời chiến trước năm 1975 là nhạc sĩ Mai Châu. Ông định cư tại miền Nam California từ năm 1990 cùng với gia đình. Mai Châu sống một cuộc đời lặng lẽ, khiêm nhường bên cạnh người bạn đời nổi tiếng là nữ ca sĩ Hoàng Oanh.

Nhạc sĩ Mai Châu rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay trên báo chí. Nhiều thập niên qua, chúng ta chỉ biết đến ông qua các tác phẩm âm nhạc. Chỉ một hai lần hiếm hoi, Mai Châu hiện diện trước khán giả hay trên màn ảnh nhỏ (trong các chương trình của Thúy Nga và Đài Vietface TV).

Nhạc sĩ Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh. Ông sinh ngày 17 tháng 7 năm 1945, quê quán tại Bạc Liêu. Mai Châu học nhạc với nhạc sĩ Hoàng Lang, và viết nhạc với hai bút hiệu: Mai Châu (cho nhạc lính) và Chiêu Anh (ký tên trong một số bản nhạc tình).

Những tác phẩm nổi tiếng của Mai Châu có thể kể đến như:
– Một Người Đi
– Tiếng Hát Chinh Nhân
– Phiên Gác Đầu Tiên
– Còn Đêm Nay Nữa
– Công Chúa Ngày Xưa
– Cánh Nhạn Đầu Xuân
– Ve Gọi Tiếng Hè
– Một Ngày Tôi Đi Qua
– Tiễn Em Qua Cầu…

“Tôi đứng trông theo đoàn tàu đi xa xa thành phố
Tôi thấy dáng anh buồn, đôi mắt nhớ xa xăm
Vì ngàn yêu thương, anh xếp bút mực xanh
Băng mình vào sương gió
Sống trọn kiếp trai hùng…”
(Một Người Đi – Mai Châu)

Nhạc của Mai Châu là những nỗi buồn tiễn đưa và xa cách, là nỗi nhớ của một người em gái hậu phương “bé nhỏ hứa thương anh trọn đời” nói với một người trai thời loạn phải “xếp bút nghiên” để theo việc đao binh. Lời ca của Mai Châu là những ý tình xa vắng của tuổi học trò, của những người trẻ tuổi vừa mới lớn lên “đã chót buồn trong mắt”, có bao nhiêu nụ cười cũng không đủ xóa ưu tư (như ý thơ Nguyên Sa). Và hầu hết các tác phẩm này đều được gửi đến lần đầu bằng một giọng ca duy nhất là Hoàng Oanh, một trong những tiếng hát học trò lừng danh nhất của miền Nam.

Thế nên khi nghe những ca khúc ấy qua tiếng hát Oanh Vàng, chúng ta thấy những nỗi buồn thế kỷ cũng trở thành kỷ niệm đáng yêu, những nỗi sầu thế hệ cũng trở nên đáng mến, chân thành. Có một sự tương kính, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau giữa người hát và người tác giả, giữa người nghệ sĩ và khán – thính giả, trong một dòng nhạc mà chúng ta nên gọi chung là “Mai Châu – Hoàng Oanh”.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Mai Châu vẫn tiếp tục sáng tác nhưng ông không cố tình lăng xê những ca khúc của mình, dù rằng Mai Châu có một trung tâm băng nhạc, ông sống ngay tại Cali – là thủ đô tỵ nạn và cũng là thủ phủ của ngành âm nhạc Hải Ngoại, và chưa kể là bên cạnh Mai Châu còn có một giọng hát hàng đầu của dòng nhạc quê hương. Thế nhưng cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa thấy ông xuất bản một tuyển tập nhạc hay một CD nào riêng về dòng nhạc Mai Châu, chưa tổ chức một đêm nhạc nào để kỷ niệm chặng đường dài sáng tác đã lâu. Mặc dù, hầu hết các sáng tác của ông – khi được phổ biến – đều được thính giả đón nhận nồng nhiệt và được nhắc nhở mãi cho đến sau này, dù trong đó có rất ít bài được thâu âm lại. Gần 50 năm sau, người ta vẫn nhớ đến, vẫn yêu mến các nhạc phẩm của Mai Châu như: Mưa Cao Nguyên, Một Ngày Tôi Đi Qua, Tiễn Em Qua Cầu và đặc biệt là ca khúc Một Người Đi, một bản nhạc đã rót mưa Saigon vào lòng biết bao thế hệ người Việt.

Năm 2017 tới là kỷ niệm 50 năm ngày ca khúc Một Người Đi được trình bày lần đầu tiên trên làn sóng điện, và tiếp đó được thu dĩa lần đầu cho Hãng dĩa Việt Nam của cô Sáu Liên qua tiếng hát của “một người quen”, thế nên ước mong tác giả sẽ thực hiện một album “Dòng nhạc Mai Châu” trong dịp này, để thỏa lòng mến mộ của những thính giả đã say mê nhạc ông từ bấy lâu nay. Chắc rằng nửa thế kỷ đã đủ dài với những người “còn đó” vẫn đang chờ đợi, vẫn nhớ, vẫn yêu và vẫn hát nhạc Mai Châu:
“Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm!”

BT, October 2015
Duy An

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ MAI CHÂU
(Nguồn: wikipedia)

Mai Châu tên thật là Mã Gia Minh, nguyên quán ông ở Sóc Trăng. Ông học Dược khoa và ra trường năm 1971. Hiện nay đang sống ở Nam California, Hoa Kỳ cùng với vợ là nữ ca sĩ Hoàng Oanh.

Về sáng tác nổi tiếng “Một người đi”:

Mai Châu sáng tác bài này trong 1 kỷ niệm rất buồn: ông có 1 người bạn chí thân từ thuở nhỏ ở Sóc trăng đi lính thuộc Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân là Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lân đă hy sinh tại chiến trường Bình Long. Mẹ bạn ở xa lại lớn tuổi. Anh phải thay mặt đi nhận xác bạn, lo chôn cất và lập cả mộ bia cho bạn. Lúc đi sau xe tang tiển bạn về nơi an nghỉ sau cùng, trời mưa lất phất, Minh cảm xúc ghi lại như sau: ” Tôi tiễn anh lên đường, chiều hôm nay mưa buồn lắm, mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim…”. Mai Châu viết rất ít tác phẩm, trong đó có bài Một ngày tôi đi qua có lẽ cũng bị nhiều ảnh hưởng của kỷ niệm này với những câu: “…Hỏi ra mới biết anh là… lính trẻ xa nhà, chết trận hôm qua, hỏi ra anh có mẹ già ở tận phương xa… mẹ chẳng kịp về đưa tiển anh đi, tôi thấy tôi buồn…”. Mai Châu đă có lần tâm sự rằng: chắc nhờ người bạn linh thiêng phù hộ mà Mai Châu được nổi tiếng nhờ bài Một người đi.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *