Năm Cụm Núi Quê Hương (Minh Kỳ – Tường Linh)

Tiếp tục dòng nhạc về các vùng miền quê hương, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hình ảnh năm cụm núi Ngũ Hành Sơn ở xứ Quảng Nam – Đà Nẵng qua bản nhạc “Năm cụm núi quê hương” của Minh Kỳ, theo ý thơ của nhà thơ Tường Linh.

Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: wikipedia
Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: wikipedia

“LƯỚT QUA” THƠ TƯỜNG LINH
(Nguồn: BaoQuangNam.com.vn)

Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về thơ Tường Linh, tôi thường nhớ bài thơ “Nhớ hai miền Huế – Quảng” trong mấy câu thơ: Quê hương tôi bên ni đèo Hải/ Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại/ Già nua nếp phố Hội An…/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô. Và. lại nhớ. Khổ thơ cuối của bài “Ngọn đèn”: Còn nguyên vẹn những đêm dài thao thức/ tựa bao lơn, anh ngắm chấm đèn xưa/ đóm sáng nhỏ hay mắt sầu rưng rức/ không gian buồn như có rắc tơ mưa. Cả hai bài thơ đều được viết vào năm 1958, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.

Bằng hữu tổ chức mừng thọ 85 tuổi cho nhà thơ Tường Linh (áo trắng, người thứ 2, từ bên trái). Ảnh: BaoQuangNam.com.vn
Bằng hữu tổ chức mừng thọ 85 tuổi cho nhà thơ Tường Linh (áo trắng, người thứ 2, từ bên trái). Ảnh: BaoQuangNam.com.vn

Đây chưa phải là những bài thơ tiêu biểu của Tường Linh: thật khó chọn một vài bài cho cả một đời thơ của những nhà thơ đã định hình danh phận với giọng điệu riêng và cả ngàn bài. Riêng với tôi, cái cảm nhận rất chủ quan vừa nói, lạ thay, lại trở thành “bằng chứng” khi muốn đưa ra một nhận xét khái quát về thơ của anh. Đó là hai nét chung nhất về thơ Tường Linh: nỗi sầu cố quận và chất trữ tình êm đềm. Cảm nhận mơ hồ này từ những ngày niên thiếu, về sau, lại tình cờ tìm thấy nơi nhận định của các nhà chuyên nghiệp: “… Tiếng thơ ông đã tỏa ngát niềm trong sáng của ca dao và nỗi buồn mênh mang trên xứ sở cùng sự cơ hàn của thân phận… (Văn học hiện đại, tr.180-183)

Tóm tắt một chút về… lý lịch, nhà thơ Tường Linh có tên khai sinh Nguyễn Linh, sinh ngày 12.12.1931 tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn). Anh xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Tường Linh thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ “Chị Điện Hòa” (1950) và “Năm cụm núi quê hương” (1954) của anh được nhiều người thuộc lòng, mãi cho đến nay. Đó là loại thơ-kể-chuyện, rất phù hợp với điều kiện lịch sử – xã hội vào thời điểm ấy: Anh thương binh trở về nguyên quán/ Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường/ Anh trở lại với bàn tay còn lại/ Vẫy vẫy chào Non Nước quê hương…

Dễ dàng thống nhất rằng, đặc điểm nổi trội trong thơ Tường Linh là tình yêu quê hương, quê hương Việt Nam và quê nhà xứ Quảng. Đó là hình ảnh về những con người -những cuộc đời cùng những phong tục và sinh hoạt truyền thống ở chốn làng quê Việt. Rồi xa quê, đi về phương Nam mà lòng không nguôi thương nhớ chốn quê nghèo. Từ ký ức ấy, không gian trong thơ Tường Linh được làm nên bởi mối sầu “cố quận”: Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm/ Nhiều hoa gạo đỏ nở bên sông/ Tháng giêng có tiếng chim tu hú/ Khung biếc trời mai én lượn vòng. Rồi, như quy luật vận động nội tại trong sáng tạo thơ, tình cảm riêng tây biến thành không gian văn hóa của chốn làng quê Việt qua hình ảnh những “cổng làng buồn” (Cổng làng), “bờ lau nắng sáng” (Lý qua cầu); và những lũy tre, ngọn đèn xóm vạn, những ao nước, những vườn cải hoa vàng, những chuyến đò…

tho-tuong-linh--baoquangnam.com.vn--dongnhacxua.com

Nhưng quê hương của Tường Linh không chỉ khu trú từ đèo Hải Vân đến Dốc Sỏi. Những năm tháng lưu lạc được ghi lại trong phần II của tập Thơ tuyển dưới tiêu đề chung: Chim bay bể Bắc qua các nhan đề mang địa danh như Qua cầu Thạch Hãn, Nhắn hoàng thành có người Tôn nữ, Mai giã từ Đà Lạt, Phượng Huế… Rồi suốt mấy mươi năm sống dưới bầu trời phương Nam, quê hương trong anh đã trở thành nỗi thao thức không nguôi, với những Chiều gió Tân Qui, Qua phà sông Hậu, Đêm Văn Thánh bắc…

Thơ Tường Linh hiếm khi đề cập chuyện chính trị. Nếu phải bày tỏ, thì thái độ của anh là nụ cười kín đáo: Lão trượng ngồi nghiêm ngoài chiếu rượu/ Nghe người giành kể chuyện “Nguyên Phong”/ Đài thiêng đâu vắng hồn chinh khách/ Men bốc, lời đưa nét sử cong! (Lão trượng). Phải chăng, đây là một trong những lý do khiến cho nhiều người đến với thơ anh? Và khi đã không màng đến thị phi, thì hẳn nhiên, vận động của dòng tâm thức dễ hướng đến những suy niệm tâm linh: Giữa bao mắt đời nghiệt ngã nhìn ta/ Ta mừng gặp còn nhiều đôi mắt Phật/ Như đôi mắt của những người chân đất/ Gặt lúa đồng mỗi hạt sánh kim cương (Tạ ơn những đôi mắt).

Nếu phải nói thêm điều gì, về thơ, chỉ xin trích bài thơ cuối trong tập tuyển gồm 396 bài thơ của anh: Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn/ Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình/ Đi tay trắng thì trở về tay trắng/ Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

Đó là một hạnh phúc khác. Của thi sĩ: hiểu-ngộ sự thật của Dòng Sống.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

BÀI THƠ “NĂM CỤM NÚI QUÊ HƯƠNG”
(Nguồn: thivien.net)

Anh thương binh về thăm nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Anh trở lại với bàn tay còn lại
Vẫn vẫy chào Non Nước quê hương

Quê hương anh
Mây giăng đèo Ải
Chiều ấu thơ êm ả câu hò
Nước mấy nguồn sông hẹn về Cửa Đại
Ngũ Hành Sơn năm cụm núi xanh lơ.

Anh lớn lên giữa bài ca châu thổ
Những mùa thu ngọt trái nam trân
Biển xa lộng gió
Thuyền lưới đầy khoang cá trắng ngần

Mẹ thường kể anh nghe
Chuyện mẹ cùng cha
Ngày xưa đôi lứa
Trai lành, gái đảm thương nhau
Bến nước sông sâu
Nhịp cầu, giếng xóm
Cô gái mười lăm hái hoa bắt bướm
Nắng sớm thêm vàng màu áo lụa Duy Xuyên
Cậu trai xóm dưới ngoan hiền
Đêm khuya khoắt học bài bên bếp lửa

Mẹ già thương hai đứa
Mẹ già cho lấy nhau

Vài buồng cau, mấy liễn trầu
Đám cưới đi ngang bờ sông hoa gạo đỏ
Biển rộng buồm xa ăm ắp gió
Ngũ Hành năm cụm xanh xanh
Cha mẹ chỉ tay thề với núi:
– Mỗi ngón tay là một cụm Ngũ Hành
Năm cụm núi không thể nào thiếu một
Năm ngón tay không thể chia lìa

Lời mẹ đều đều. Sương rụng vườn khuya.

Anh ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa
Rừng xa, xa rồi những lứa nam trân
Mẹ đã già và cha không còn nữa
Mây giăng nhiều trên đỉnh Ải Vân.

Chiều hôm nay anh trở về nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường

Mẹ già đón anh
mừng vui
bỡ ngỡ
Mẹ khóc
mẹ cười
mái tóc rung hoa sương

Không theo anh về bàn tay năm ngón
Nhưng về theo anh nghìn chiến công
Về theo anh sông đầy mấy ngọn
Mùa vui chim ca, cá trắng, cam hồng
Anh nhìn núi Ngũ Hành năm cụm
Màu núi thêm xanh
Mất bàn tay, còn quê hương thắm thiết
Mỗi ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành.

Niềm vui hiện tại
Bếp ấm ân tình
Anh viết thư cho người yêu bằng tay trái
Đời vẫn xanh và núi vẫn xanh.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn: Nghìn khuya, NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1965

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ MINH KỲ
(Nguồn: wikipedia)

Nhạc sỹ Minh Kỳ. Ảnh: wikipedia
Nhạc sỹ Minh Kỳ. Ảnh: wikipedia

Minh Kỳ (1930-1975) tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc Huế, sinh tại Nha Trang-Khánh Hòa. Theo gia phả hoàng tộc triều Nguyễn, Minh Kỳ là cháu 5 đời của Vua Minh Mạng.

Ông học nhạc từ năm 14 tuổi ở trường “Gagelin” (Quy Nhơn), sau đó du học ở trường “École Universelle” (Pháp). Tác phẩm đầu tay của ông là bài Chị Hằng viết năm 1949.

Năm 1957 ông vào định cư tại Sài Gòn. Năm 1959, ông cùng với Anh Bằng, Lê Dinh lập nên nhóm Lê Minh Bằng. Chức vụ cuối cùng trước 30/4/1975 là đại uý cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà.

Sau 30 tháng 4, 1975, ông bị bắt đi học tập cải tạo và bị chết oan vì lựu đạn vào khuya ngày 31 tháng 8, 1975 trong trại An Dưỡng, Biên Hòa.

Phần tro cốt thi hài ông hiện được lưu giữ tại nhà hài cốt thuộc Giáo xứ Tân Định, Thành phố Hồ Chí Minh.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *