Phố Huyện Chiều Em Nhớ (Hình Phước Liên)

[dongnhacxua.com] có đề cập đến nhạc sỹ Hình Phước Liên trong một bài viết tri ân nhạc sỹ Thanh Tùng khi nhắc đến sáng tác chung giữa hai nhà nhạc sỹ (bản “Cây đàn guitar của Lorca”). Riêng với cá nhân chúng tôi, nhạc sỹ Hình Phước Liên là một người anh đáng quý khi cùng tham gia vài hoạt động văn nghệ của tỉnh Phú Khánh ngày ấy (từ năm 1989 tách ra thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Hình Phước Liên cũng chính là em trai của nhạc sỹ Hình Phước Long, tác giả của “Gần lắm Trường Sa ơi” mà chúng tôi đã có lần giới thiệu.

 Nhạc sỹ Hình Phước Liên. Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

Nhạc sỹ Hình Phước Liên. Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

[dongnhacxua.com] còn nhớ vào thập niên 1990, bản “Phố huyện chiều em nhớ” của Hình Phước Liên từ vùng quê Ninh Hòa, bay sang tận Mỹ rồi trở về lại Việt Nam qua tiếng hát của ca sỹ Lâm Thúy Vân trong một đĩa CD của Trung tâm Asia.

 

Để người yêu nhạc có thêm tư liệu về nhạc sỹ Hình Phước Liên, về huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) và con sông Dinh, chúng tôi xin mạn phép trích đăng bài viết của tác giả Dương Tấn Long.

SÔNG DINH QUA THI CA
(Nguồn: tác giả Dương Tấn Long đăng trên ninh-hoa.com)

Một buổi tối, hai gia đình: tôi và em tôi là Tấn Sơn rũ nhau đến quán ca nhạc loại “hát với nhau nghe” nằm trên con đường tập trung nhiều hàng quán ăn chơi có tiếng ở trung tâm Sài Gòn. Thỉnh thoảng vẫn thế, vì Sơn thích ca hát và giọng tốt nên thường sưu tầm những địa chỉ “ tầm cở” để thử tài, và cứ mỗi lần Sơn rũ là tôi không từ chối. Với máu nghề nghiệp và thích nghe nhạc, đi chơi như vậy tôi được thưởng thức nhiều mặt. Được biết đây là một quán mới mở, dành cho giới trẻ nên cách trang trí rất ấn tượng, hình khối, đường nét mặt tiền mạnh mẽ, với hệ thống đèn nhiều màu rực rỡ. Bước vào cửa đã nghe tiếng nhạc disco với âm lượng quá cở, tiếng cười nói của từng nhóm bạn trẻ tạo một thứ tiếng ồn vượt mức chịu đựng ở cái tuổi trung niên như tôi.

Gian phòng chữ nhật không đủ rộng, chính giữa một bar rượu hình oval đã đầy các thanh niên nam nữ ăn mặc rất thời thượng đang ngồi trên các ghế cao, hướng vào giữa. Hai bên, sát tường là các bàn nước đặt dọc ở trên nền cao gần cả mét và đầu kia là một sân khấu nhỏ. Các hình thức, chi tiết nội thất thể hiện như trong một chiếc tàu biển: – những mỏ neo treo lủng lẳng, sợi dây thừng giăng đong đưa, chiếc vô lăng như bánh xe luân hồi to đùng gắn cuối phòng, các ô cửa tròn và các nữ tiếp viên xinh đẹp, phơi phới với trang phục như lính hải quân váy cực ngắn, đang rộn ràng trò chuyện với khách. Mật độ trang bị nội thất và con người nơi đây khá cao. Vì đi với gia đình nên chúng tôi tìm một nơi yên ổn, kín đáo ở góc cuối phòng và nhờ vậy tôi có thể quan sát được rộng và đầy đủ.

Giờ hát với nhau đã đến, tiếng nhạc phát ra từ máy chợt tắt, tiếng cười nói giảm đi, một số lớn khách đã đổi tư thế ngồi, quay về hướng sân khấu, không khí tỉnh lại. Một MC nam đẹp trai, tuổi trên 35 bước ra sân khấu, rất tự tin và tươi cười chào khán phòng, cùng lúc ban nhạc với vài nhạc công cũng tiến đến nhạc cụ. Sau phần giới thiệu vào đầu chương trình ca nhạc hằng đêm của quán, một khúc nhạc intro trổi lên như là thứ nhạc thiều riêng, với âm lượng vừa phải và giai điệu rumba khoan thai quen thuộc, tôi cảm thấy thật dễ chịu. MC vào đề rất tự nhiên, hàng loạt từ hoa mỹ được tung ra để giới thiệu một ca khúc với tốc độ chóng mặt, tôi há hốc theo dõi với chút kính nể khả năng phát thanh trôi chảy như thuộc bài của chàng MC này. Mặc dù đã nói rất dài nhưng tôi vẫn chưa đoán được bài hát tên gì, chỉ biết rằng đó là một chuyện tình lâm ly bi đát. Quay lại Sơn tôi hỏi :

– Chàng này ở đâu ra vậy ?

– Tên là HT, em có quen, làm ở nhà văn hóa quận X. chuyên hướng dẫn các chương trình, ảnh mời em đến đây.- Sơn trả lời.

…. Và có dài thì cũng phải có đoạn kết, đó là bài “hoa sứ nhà nàng”… một chàng tướng to, khỏe cở anh Vọi trong “trống mái” của Khái Hưng, mặc chiếc áo rất hoa lá cành, ôm sát người, phơi lồ lộ những cơ bắp! rời bar rượu từ từ tiến lên sân khấu với dáng vẻ hiên ngang như đi chiến đấu, khán giả vỗ tay nồng nhiệt, một tín hiệu sinh động, lạc quan khởi đầu, mấy đứa nhỏ con tôi và con Sơn thích chí vỗ tay hưởng ứng theo. Tôi thấy lùng bùng hai tai. Có lẽ chàng này đi rất sớm và đã kiếm ngay xuất đầu tiên.

Câu vô đề -“đêm đêm ngưởi mùi h… mùi hương của nhà nàng” thấy lạnh cả người, một chất giọng eo ẻo, pha cải lương đúng chất với bài hát nhưng không tương ứng với tướng mạo của chàng lực sĩ tí nào, chàng say sưa, rên rĩ diễn tả nỗi đau khổ, có thể xếp vào bậc thầy của sến …không khí khán phòng tỏ ra nhẫn nại, chia xẻ, chờ phút cáo chung của khúc bi ca, thế nhưng kết cục lại có hậu với tràng pháo tay như pháo tết và vài tiếng huýt sáo inh tai, anh “Vọi” một lần nữa hiên ngang trở về bar rượu. MC lại xuất hiện, rất hào hứng và chợt xuống giọng ra vẻ triết lý cao siêu đầy kịch tính, nói về thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc này…Một lần nữa tôi được chứng kiến tài nghệ của MC – đúng là một cao thủ, chữ nghĩa có thừa, – à, thì ra là một bài hát của Trịnh Công Sơn, bài “phúc âm buồn”. Một cô gái khoảng hai mươi lăm, mặt đầy đặn, mắt đeo cặp kính cận nặng, bước lên sân khấu..” người nằm co, như loài thú, khi mùa đông về…người nằm yên không kêu than chết trên căn phần…người còn đứng như tượng đá…” khán phòng trầm lắng, một chút chùng lòng vì lời hát thấm sâu, chất giọng alto khoẻ khoắn, đầy dẫn dụ ngọt ngào, bài hát được kết thúc với sự ngưỡng mộ trân trọng. Và không khí như nóng lên khi MC giới thiệu một tay chơi gầy gò, mặc bộ Jean rách rưới bạc phết màu, điệu twist được trổi lên với bài “60 năm cuộc đời”, tôi chợt nhớ đến giai điệu kích động được phổ biến, ngự trị trong các vũ trường và các phòng trà Sài gòn trong thập niên 60 với chiếc quần ống túm là biểu tượng. “…ới..ới đời sống là thế không là bao, em ơi có bao nhiêu 60 năm…” Chàng trai vừa hát vừa lắc theo twist rất điệu nghệ, thỉnh thoảng chàng ứ…ứ nghe rất bốc (không thua gì Hùng Cường). Các nhạc công được dịp cũng xã hết công suất.

Những bạn trẻ bị cuốn hút với những thân hình cựa quậy và tay chân quờ quạng theo, với hậu quả là tiếng pháo tay, la hét dậy trời của đám cuồng nhiệt. Sau trận bị trấn áp ngạt thở bằng âm thanh ấy tôi nghe ê ẩm cả người, đến nhân vật thứ tư tôi không còn đủ sinh lực chăm chú theo dõi mà quay về nói chuyện với gia đình, nhưng lần nữa lại phải quay về hướng sân khấu vì có một chàng trông rất lãng tử không hát mà đang nói điều gì, khán phòng bớt ồn. Nhìn cách ăn mặc có chút lè phè và cách diễn đạt lại lè nhè, tôi cảm nhận chàng là một bợm nhậu hơn là ca sĩ, thử lắng nghe ??!,- thì ra chàng muốn đọc thơ, môt bài thơ tự biên, tự diễn nói về một nghịch lý trong tình yêu mà chàng đã trãi qua. Tôi phải quay người lại để nghe, một cảm giác vừa khó chịu nhưng thích thú; khó chịu vì nơi này đâu phải là chỗ của thơ thẩn, và thích vì đụng đến lãnh vực hảo của mình. Chiến hữu này xem chừng bị lạc lõng nhưng vẫn tự tin, mắt lim dim đầy tâm trạng, chậm rãi và một chút xuất thần, hai câu cuối chàng lại ngẫu hứng ngâm lên nghe thống thiết, bài thơ dài vừa phải, đôi chỗ cảm thấy “phê” vì những ý tứ độc đáo, có thể xếp vào loại khá. Thật ái ngại cho chàng,vì giữa chốn “đạn bom khói lửa” thế này mà dám bay bổng như vậy, nhưng khán giả tỏ ra lịch sự và cho một tràng pháo tay không kém phần nhiệt liệt, một nửa để khích lệ tiết mục lạ, một nửa để tống tiễn cho nhanh?!.

Tưởng bở, chàng thừa thắng xông lên, quyết tâm không chịu rời micro và tiếp tục giới thiệu cho khán giả thưởng thức thêm một tiết mục nữa, lần này chàng hát chứ không phải đọc thơ. Chàng thật can đảm trước một lực lượng “ca sĩ” hùng hậu nộp đơn xin hát đang hăm hở, chờ đợi đến lượt mình, bài thơ vừa rồi đã làm nhụt chí và ngao ngán nhiều tay chơi nhưng chàng nào có hay biết, vẫn ung dung tự tại, bình thản tiếp tục. Bài hát được giới thiệu với tựa đề “ con sông quê hương”- nói về một con sông ở Bình Định của nhạc sĩ Xuân An, thoáng qua tựa bài hát nghe không quen và tác giả càng không biết, có chăng một nhận xét là chàng này thích hàng lạ, chỉ trình diễn những cái người khác chưa biết. Vẫn hào hứng và tự tin, sau khi dặn dò, chỉ vẽ các nhạc công, tiếng nhạc trổi lên, chàng cất tiếng ca: – “ bình thường, bình thường thôi bạn ơi…” rất hồn nhiên và lạc quan.-“ vẫn núi giăng mây, vẫn lúa xanh đôi bờ…”. Đến đây thì tôi thấy ngờ ngợ, bài hát hình như đã nghe đâu đó, giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, tha thiết, ca từ đơn giản, gần gủi, một air nhạc xưa cũ ?! bài viết theo nhịp 2/4, không trang trọng, tươi vui, thướt tha cho những dòng sông theo kiểu valse như “blue Danube”, “Danube waves” hoặc “dòng An Giang” cũng không hào hùng như “Bạch Đằng Giang” hay “Sông Lô”.

Tôi cố suy nghĩ để tìm những yếu tố quen thuộc của bài hát, nhưng sinh hoạt ồn ào kiểu này thật khó mà moi lại ký ức, đang miên man tôi chợt nghe Sơn lẩm bẩm – Uả, bài này của anh Phước Liên viết về con sông Dinh đây mà. Vừa lúc ấy tôi chớt nhớ ra tựa bài hát “Ơi con sông Dinh” và Sơn cũng gật đầu. Chàng ca sĩ rất thiết tha và tôi rời khỏi thực tại “…ơi con sông Dinh yêu thương và tháng ngày em thơ ấu, sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu, con sông quê hương chảy từ buồng tim của mẹ, ôm con chờ chồng rồi hoá đá vọng phu….” Nhớ lại bài hát này lần đầu tiên tôi biết được là nó xuất hiện trong tập bài hát mà Phước Liên in chung với nhạc sĩ Đổ Trí Dũng của hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa xuất bản, Liên đã gởi tặng tôi trong những năm tháng khi tôi còn mãi mê với những công trình xây dựng ở Đồng Tháp. Sở dĩ tôi nhớ và có ấn tượng với bài này vì lần đầu trong đời tôi thấy được một bài hát viết về con sông Dinh quê mình và tác giả lại là người bạn thân. Khi ấy tôi đã phải viết thư tới Liên với nhiều lời lẽ ca ngợi và cám ơn. Sau đó tôi cứ áy náy hoài về một ý sửa lưng bạn, vì trong bài hát có câu“…Sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu…” tôi nói đùa rằng – đứng trên cầu Dinh chỉ thấy ghe thôi chứ làm gì có xuồng mà ngắm”, ý tôi muốn nói rằng phương tiện đi trên sông Dinh đoạn ấy người quê mình chỉ gọi bằng ghe. Tôi mạnh dạn nói lên điều này vì Liên là bạn cùng xóm Rượu với mình, không xa lạ với con sông Dinh, có đi đâu cũng phải theo con đường Nguyễn Trường Tộ mà về, có nghĩa là từ thơ ấu đến lúc vào đời, dân xóm Rượu cứ phải đi, về dọc theo sông Dinh nên hình ảnh gì của sông Dinh cũng đều được chứng kiến và khắc sâu vào tâm trí mỗi người. Sau này khi quay về Sài Gòn công tác và Tấn Sơn vào Sài gòn học, anh em ở chung nhà, thỉnh thoảng tôi có nghe Sơn hát và được biết rằng bài hát này khá phổ biến ở Ninh Hòa.

Cứ mãi suy nghĩ về chuyện cũ mà quên thực tại Saigon by night tạp lục, tôi với Sơn còn miên man với chuyện bài hát thì may mắn quá, chàng lãng tử đã nhường sân khấu lại cho MC và người khách được mời lên kế tiếp chính là Tấn Sơn, tôi vội nói với Sơn là sẵn dịp này khéo léo đính chính lại tên và tác giả bài hát mà vị khách vừa rồi nhầm lẫn. Sơn không vội vàng rời chỗ ngồi và như đang do dự điều gì, bình thản một chút, Sơn từ từ bước về sân khấu với phong thái chửng chạc và trịnh trọng tìm một vài lý lẻ hay đẹp giới thiệu bài hát của mình. Bài hát “Xin còn gọi tên nhau” của Trường Sa là bài hát tôi rất thích, cùng những bài hát quí hiếm khác của cùng tác giả như “Mùa thu trong mưa”. Bài này tiết tấu sôi nổi nhưng thiết tha; lúc dồn nén, lúc dàn trãi, tạo một hiệu ứng mạnh mẽ, phải récitatif và nhấn nhá như Lệ Thu mới lột tả hết độ tuyệt cuả nó, nhất là những đoạn cao trào. Khánh Ly tuy mượt mà và ngọt ngào ở bài này nhưng diễn đạt đều quá. Sơn trình bày cũng khá. Tôi đã được nghe Sơn hát nhiều lần nhưng không nhàm chán, có lẽ là một trong những bài ruột của sơn và hình như hôm nay Sơn ưu ái tặng tôi món đặc sản này !? – Nhạc đã hay, lời và nội dung cũng không kém. “ Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, chiều đông đưa những bước chân đau mòn …còn ai giữa mênh mông đời mình, nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ ….. rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…..tình trong cơn ngủ mê, rồi phai trong hàng mi.….” Một nỗi đau tình nhẹ nhàng, một đối xử thật vị tha và bao dung với người yêu dù cuộc tình đã vỡ, lúc nào cũng lo toan cho một cánh chim bay xa ….Khán giả vỗ tay rất nhiều khi Sơn hát xong, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó đang vướng víu, cả nhà vỗ tay rất dài để ủng hộ gà nhà nhưng tôi lại lơ đễnh cho đến khi Sơn có vài lời đính chính :

– Thành thật cám ơn bạn vừa rồi đã trình bày rất hay bài hát ngợi ca con sông quê hương chúng tôi, chúng tôi rất xúc động vì lâu lắm rồi mới được nghe lại. Tác giả bài hát là người anh cùng xóm với chúng tôi tên là Hình Phước Liên hiện đang sống tại Nha Trang, con sông mà bạn vừa hát tên là sông Dinh chảy qua thị trấn Ninh Hòa một huyện của tỉnh Khánh Hòa, bài hát ấy tên là ”ơi con sông Dinh…”

Sau những lời nhẹ nhàng phủ nhận toàn bộ cái “trật lất” của bạn một cách tinh vi, Sơn đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tâm trạng phức tạp, khó chịu trong tôi mới được giải tỏa, tôi nghĩ rằng – nhiều người, nhất là các bạn trẻ nơi chốn ăn chơi, náo nhiệt như thế này có mấy ai để ý đến bài hát xa lạ, bình thường hơn những gì bình thường ấy. Lẽ ra cũng chẳng cần đính chính nhưng sao lúc ấy tôi vẫn muốn Sơn làm như vậy. Trên đường trở lại chỗ ngồi Sơn ghé nơi vị khách hát nhầm nói điều gì rất lâu ra bộ vui vẻ, đồng cảm. Tôi thấy mọi việc như vậy là ổn, đã không xãy ra phiền lụy gì. Sơn về chỗ ngồi, cười mỉm và được vợ con khen nức nở pha chút khôi hài, con gái tôi rút cành hoa hồng duy nhất đang cắm trên chiếc bình trang trí đặt trên bàn đưa cho bé Khiêm tặng bố. Tôi định hỏi Sơn về cuộc kỳ ngộ vừa rồi thì lại thấy một người đi về hướng bàn của mình, nhìn kỹ tôi biết là chiến hữu ấy đang tìm đến.

– Chào các anh chị, em tên Định, các anh chị đều ở Nha Trang phải không ?

– Đúng rồi. Tôi cười trả lời và đưa tay, chàng ra vẻ kính cẩn đưa cả hai tay nắm chặt

– Vừa rồi em giới thiệu tầm bậy quá, cũng may các anh nói cho em biết, chứ hồi giờ em cứ nghĩ bài hát như vậy.

Nghe Định phân trần trong hơi men, tôi vội đỡ lời :

– Vui vẻ như vậy là sướng rồi, có gì quan trọng lắm đâu, ai biết đúng sai ra sao, Định hát hay đấy chứ, ờ mà sao em biết bài hát ấy.

Chàng bắt đầu kể –… hồi em học Đại Học Thủy Sản Nha Trang có thằng bạn ở chung phòng ký túc xá, nó hát bài ấy rất hay và em thích quá nên nhờ nó chỉ em, nó nói xuất xứ bài hát như em giới thiệu trên sân khấu vừa rồi, mình cũng ham vui, hay đi ca hát và bài này là bài ruột của em đấy, anh thấy em hát bài này được không? .

– Tuyệt vời rồi còn gì, nếu chọn là bài ruột thì ráng mà nhớ tên tác giả, tên bài hát, và thuộc lời đầy đủ nhé, lần sau mà còn trật nữa là kêu cảnh sát phạt đấy.

– Định cười huề, xoa xoa vai tôi – tha cho em, như vậy là thuộc nhiều lắm rồi !

– Định hát có hồn lắm, anh nghe mà nhớ nhà, nhớ quê hương Ninh Hòa, hồi học ở ngoài đó Định có ra Ninh Hòa lần nào chưa?

– Em có nghe nói chứ chưa ra ấy bao giờ, tiếc quá !, nghe nói Ninh Hòa đẹp lắm phải không anh? Hình như thằng bạn dạy em bài hát quê đâu ngòai đấy.

Tôi chẳng biết phải trả lời sao với câu hỏi ít vô tư và khá tế nhị này! Định một thoáng nghĩ ngợi bồi thêm một câu rất tâm lý:

– Cảnh vật thiên nhiên và con người Khánh Hòa em thấy đều đẹp cả, các anh chị đúng là người Khánh Hòa, em rất cảm mến…bữa nào em mời mấy anh đi lai rai nói chuyện cho vui, em có mấy chỗ hay lắm.!

Qua tiếp xúc, tôi ghi nhận Định là một con người chân tình, có tâm hồn nhưng ẩn chứa một chút hoang đàng. Rất biết ơn Định vì Định đã quay ngược được dòng suy nghĩ của chúng tôi đến 180 độ trong một khung cảnh khó mà những cảm xúc loại ấy xen vào. Buổi tối hôm ấy trên đường về tôi cứ miên man vô cớ, vùng ký ức đang bị khuấy động, một cảm giác bâng khuâng xen lẫn những hân hoan. Về đến nhà tôi đã phải điện thọai ngay ra NhaTrang để chia xẻ một nỗi niềm rất thực nhưng cũng rất mơ hồ với Hình Phước Liên dù đã gần 11 giờ đêm, đây cũng là cái cớ để tôi liên lạc với Liên và nói một số chuyện vì vài tháng rồi không tin tức về nhau, tôi nghỉ rằng dù có phải bị đánh thức lúc này chắc Liên không trách cứ gì tôi . Và rồi Liên có mặt bên kia đầu dây. Sau những lời chào hỏi như mọi khi, tôi báo cho Liên biết – rất mừng vì đã tìm được hai đĩa cd nhạc hải ngọai mà Liên giới thiệu là album “Dòng sông Kỷ niệm” do Asia phát hành và Lâm Thúy Vân hát, trong đó có bài “phố huyện chiều em nhớ” của Liên và album “Con gái” do Hạ Vy thực hiện, trong đó có 2 bài của Liên là “Hồn nhiên như lá” và “Mưa xanh”, nhận xét chung về những bài hát trên là những cảm xúc nhẹ nhàng, gợi tả thật sinh động về vùng đất kỷ niệm, với nhiều chất Ninh Hòa, rất tiếc bài “Phố huyện chiều em nhớ” giọng Lâm Thúy Vân yếu quá nên nghe không rõ, nhất là ở những nốt xuống thấp, Liên nói – chất giọng như Lâm Thúy Vân rất thích hợp với tính cách bài hát nhưng nếu được Ngọc Lan hát thì hay hơn, giọng Ngọc Lan tuy mong manh nhưng vẫn rõ ràng, có khả năng len lỏi đến tận cùng. Tôi có nói vui với Liên là – bạn chắc đã biết câu danh ngôn “chỉ vì một cái má lúm đồng tiền mà phải cưới nguyên một cô gái “ và ở đây “ chỉ vì một hai bài hát của bạn mà tôi phải mua đến 2 đĩa nhạc đấy nhé…” tôi đã phải nghe tới, nghe lui để thắm thía, để mong tìm kiếm những gì sâu kín, cho đáng đồng tiền bát gạo! (những năm tháng ấy đĩa nhạc CD xuất hiện ở VN chỉ có con đường mang từ nước ngoài về và rất đắt cũng như rất khó kiếm, nhất là những album nhạc không phải nằm trong thị hiếu của của đông đảo người nghe, không phải được copy tại chổ nhiều và rẽ như hiện nay, ngay cả lúc ấy Liên cũng không có những đĩa nhạc trên).

Liên kể lại việc ca sĩ Hạ Vy nhân chuyến về thăm quê, muốn tìm một số nhạc phẩm viết về quê hương Khánh Hòa để ra album riêng, sau khi Liên cho nghe một số bài hát, Vy thấy thích nên mang đi và những bài hát ấy xuất hiện ở hải ngọai là do vậy (quê Hạ Vy ở xã Ninh Diêm, Ninh Hòa. Trước khi sang Mỹ, Vy là ca sĩ của đoàn Hải Đăng- Khánh Hòa) . Cuối cùng tôi nói về sự kiện đi ca hát tối nay, Liên lắng nghe tỏ vẻ thích thú, Liên nói rằng bài hát “ơi con Sông Dinh” ra đời khoảng năm 1981. Ðó là một nội dung mà Liên ấp ủ rất lâu, với tâm nguyện rằng mình là người Ninh Hòa, đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi nhiều thứ nhưng chưa viết gì về Ninh Hòa, về sông Dinh là không ổn, khi ấy Liên công tác ở Ninh Hòa và vợ Liên thì đang làm việc ở Nha Trang nên nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ phải vào Nha Trang để ổn định cuộc sống gia đình và ngày đó phải giã từ vùng đất thân yêu, lìa xa con sông Dinh yêu dấu và ý tưởng ấy đã thôi thúc Liên viết nên bài hát. Bài này được trình diễn nhiều lần, nhiều nơi trong các chương trình văn nghệ ở Ninh Hòa và được nhiều người Ninh Hòa trong giai đoạn ấy biết đến.

Liên nói thêm rằng anh Hình Phước Long có viết ca khúc “nhớ sông Dinh” cũng rất hay. Chớp được thông tin đó tôi hỏi dồn – Liên có nhớ lời và hát được không ? Liên với giọng khàn khàn đặc biệt, tuy hát không hay nhưng thường các nhạc sĩ nắm bắt được ý tứ bài hát, có khả năng diễn đạt tinh tế nên khi hát dễ tạo cảm xúc tốt “… có đi là đi trăm nẻo, có vượt là vượt nghìn đèo,vẫn nhớ tới quê hương mình có dòng sông Dinh nho nhỏ, vẫn nhớ bóng tre êm đềm, nghiêng mình soi bóng sông…” , nghe Liên hát tôi cứ ngỡ những lời nhắc nhở của con sông quê. Cũng như Liên, nhạc sĩ Hình Phước Long cũng gởi gấm tâm tư, nỗi lòng của mình, một lúc nào đó sẽ phải ly hương, mang tâm trạng tha phương, tự nhủ lòng luôn nhớ về quê nhà, điều ấy bắt gặp ở câu tâm đắc và chủ đạo nhất của bài hát “ơi con sông Dinh” của Liên, như là thông điệp gửi đến tất cả những người con Ninh Hòa xa xứ. Định vừa rồi đã hát thiếu hoặc sai chỗ nào đó nghe là lạ. Tôi đang ngập ngừng chưa nhớ rõ hết thì Liên tiếp lời bài hát“… nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ, như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô…” thật đúng và ý vị cho sự so sánh này, vì không gì buồn và thất vọng khi thấy dòng sông xinh đẹp ngày nào chỉ còn trơ lên một vùng rong rêu, bùn cát giữa mùa khô hạn, những dáng vẻ thơ mộng, những huyền hoặc vô hình chỉ tồn tại như là sự sống, như là phần hồn khi dòng nước còn hiện diện, còn êm đềm trôi giữa tháng ngày. Ta thử nghĩ một lúc nào đó, những hình ảnh quê nhà sẽ không còn nằm trong dòng chảy của nỗi nhớ thì liệu một cuộc sống đích thực của quãng đời ly hương có tồn tại, thân xác ta như bãi cát của lòng sông phơi trơ, như con sông đã mất đi sự sinh động….Liên im lặng một lúc, rồi nói vu vơ vài ý không ăn nhập gì vào những điều tôi mới gợi lên, có lẽ Liên muốn dấu cảm xúc sâu kín của mình, phải chăng là một thứ hạnh phúc của người trồng hoa, dù chỉ là một thỏang hương nhưng lại rất ngào ngạt tận sâu thẳm tâm hồn, nhất là thứ hương đồng nội đã dễ gợi lên một vùng trời đầy hình ảnh của quê hương và kỷ niệm.

Nói về những ca khúc viết về sông Dinh, tôi còn nhớ buổi ra mắt tập thơ “Bóng lá” của Phạm Dạ Thủy ở quán cà phê Phong Lan Ninh Hòa. Cái đêm hôm ấy trời mưa từ buổi chiều nhưng khách mời ở xa vẫn đến đông đủ: – từ Huế, Hà Nội, Nha Trang và tôi về từ Sài Gòn. Với những bài nhận xét tinh tế, bình phẩm thơ rất xúc tích, khá bài bản với nhiều ngợi khen, cổ vũ của những nhà thơ đi trước, có tên tuổi trong giới văn học Khánh Hòa và Việt Nam. Hôm ấy cũng có nhiều giọng ngâm điêu luyện của câu lạc bộ thơ nữ Khánh Hòa làm cho những bài thơ được bay bổng và ngào ngạt hơn. Chắc chắn Phạm Dạ Thủy rất sung sướng và hạnh phúc, vì buổi ra mắt tập thơ như vậy là thành công. Riêng tôi một cảm xúc mạnh mẽ được ghi nhận khi Phạm Dạ Thủy giới thiệu bài thơ “Nhớ quê “ không nằm trong tập thơ vì chị mới viết riêng tặng các bạn trong hội thân hữu Ninh Hòa tại Sài Gòn mà tôi có mặt hôm đó. Baì thơ được nhạc sĩ Hình Phước Liên phổ nhạc rất xuất sắc cũng để riêng tặng tôi cùng vài bạn. Bài hát được ca sĩ Kim Khánh, một ca sĩ có giọng ca “dĩ vãng” như Ánh Tuyết, là ca sĩ nổi tiếng cuả thành phố Nha Trang trình bày. Nôị dung bài hát vẫn trung thành với lời thơ :

“…………………………………

Thoắt đó tóc em giờ chớm bạc

Thơ ngây gởi lại cuối trời xưa

Nhớ quê mấy độ buồn em hát

Lời trôi lênh đênh trên sông mưa

……………………….

Tháng ngày tơ tưởng dòng sông cũ

Vạt cỏ mềm xanh mướt tuổi thơ

Cánh bướm thắm, con chuồn chuồn đỏ

Bay chập chờn trong những giấc mơ.

……………………………………………“

Vẫn là dòng sông Dinh lãng đãng trong thơ được âm nhạc chấp cánh bay cao đã tạo một sức truyền cảm gấp nhiều lần. Bài hát thiết tha, đầm ấm, tuy đượm chút buồn của hoài niệm nhưng vẫn là niềm tin yêu, hứa hẹn một ngày mai sáng tươi. Nhạc của Phước Liên thường nghe rất gần gủi nhưng lại rất khó diễn đạt, cách chuyển cung và những luyến láy thật khó chịu cho những ai mớI đụng vào bài hát, phải chuẩn bị và xử lý kỷ bài hát mới mong không lạc và khô cứng. Bài “nhớ quê” cũng vậy, Kim khánh ca không chê vào đâu được nhưng khi tôi đề nghị Tấn Sơn hát bài này trong dịp họp cuối năm 2002 của hội thân hữu Ninh Hòa thì Sơn lại không truyền cảm hơn vì thiếu chuẩn bị, giọng Sơn thì khoẻ mạnh, đầy kỹ thuật nhưng thiếu chất mượt mà, cứ “vô tư” mà hát thì không thể lột tả hết cái tình của bài ca. Chịu khó vuốt ve một tí, đôi chổ sên sến mới đã ! vì âm giai những bài hát của Liên có nhiều chất dân ca. Có thể nói Dạ Thủy đã chọn đúng nhạc sĩ để trao việc phổ nhạc bài thơ ấy và Phước Liên đã chọn đúng ca sĩ để trình bày ca khúc cuả mình. Ngoài Phước Liên, hôm ấy còn có thêm 3 bài thơ được phổ nhạc với 3 nhạc sĩ khác cũng có mặt là Đỗ Trí Dũng – Nha Trang, Huỳnh Liên – Ninh Hòa và một người nữa là anh Tân chủ quán Thiên Thanh ở Lương Sơn nhưng không gây nhiều ấn tượng trong tôi và những bài ấy không dính líu gì với sông Dinh . Trong bữa tiệc văn nghệ “bóng lá” linh đình hôm ấy, món nào cũng ngon lành, nhưng món “nhớ quê” đã thực sự làm tôi khóai khẩu và xúc động, vì món ấy được Dạ Thủy xào nấu bằng nhiều nguyên liệu và gia vị quê nhà, trong đó mặc dù không nói rõ nhưng “nước” của sông Dinh rất tràn đầy, ngọt ngào và thấm đậm.

Điểm lại số người sáng tác nhạc cuả Ninh Hòa chỉ cần dùng một bàn tay đã đếm đủ vì đó là lãnh vực không phải ai muốn cũng làm được. Nó đòi hỏi người viết phải có một khả năng, một trình độ nhất định về cảm xúc, về thẩm âm, sự hiểu biết văn học và điều tiên quyết là phải biết nhạc thuật. Chúng ta có thể điểm danh không khó lắm những nhạc sĩ của Ninh Hòa như: Hình Phước Liên, Hình Phước Long, Bảo Anh, Huỳnh Liên và một vài anh em không chuyên khác. Như vậy số bài hát viết về Ninh Hòa cũng không thể nhiều hơn, và ca khúc viết về sông Dinh càng hiếm, chẳng khác nào đãi cát tìm vàng.

Để kết thúc phần này, một lần nữa chúng ta lại cám ơn những người nhạc sĩ đã góp lời ca tiếng hát vào khu vườn văn nghệ của quê hương Ninh Hòa, dù những sáng tác ấy đã có nhưng âm vang bay xa, được nhiều người biết đến hoặc lặng thầm như một lời nguyện cầu thì chúng ta cũng rất trân trọng dành cả tấm lòng theo những cảm xúc của người nghệ sĩ, người con Ninh Hòa viết và ngợi ca về quê nhà.

[footer]