Mai Tôi Đi (Anh Bằng – Nguyên Sa)

Như một lời chia tay nhạc sỹ Anh Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, hôm nay một người yêu nhạc đã gởi cho chúng tôi bản “Mai tôi đi” mà Anh Bằng lấy ý từ bài “Paris” của thi sỹ Nguyên Sa. Mạn phép thay mặt nhiều  thế hệ yêu nhạc, [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông sớm về nghỉ ngơi chốn hạnh phúc đời đời.
Cũng xin nói thêm, hm nay cũng là đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát ở Paris, chúng tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn hơn 100 nạn nhân cũng mau vui hưởng hạnh phúc ở nới “tràn đầy ánh sáng” và mong “Kinh Đô Ánh Sáng” Paris sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại trở về với hình ảnh thơ mộng thuở nào!

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net
Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net

Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, v.v

Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.

Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.

Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Các tập thơ:
Thơ Nguyên Sa tập 1
Thơ Nguyên Sa tập 2
Thơ Nguyên Sa tập 3
Thơ Nguyên Sa tập 4
Thơ Nguyên Sa toàn tập

BÀI THƠ “PARIS” CỦA NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy

Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn
và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?

Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu

Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng

Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc

Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…

Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi

Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời

Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn

Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt dầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái…

[footer]

Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa)

Sài Gòn đúng là chỉ có hai mùa mưa – nắng. Thế nhưng với những tâm hồn lãng mạn, Sài Gòn vẫn có mùa thu, dù không có lá vàng rơi, không có những làn gió mát lạnh làm xao động mặt hồ. Thu Sài Gòn có thể chỉ là một cơn gió heo mây hay là một buổi sớm mai trời còn hơi sương và cũng có thể là một tà áo dài thướt tra trong một chiều lộng gió. Trong niềm cảm ấy, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Áo lụa Hà Đông” của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, lấy ý thơ từ bài thơ của thi sỹ Nguyên Sa.

Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên - Nguyên Sa). Ảnh: vietstamp.net
Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa). Ảnh: vietstamp.net

ao-lua-ha-dong--1--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com ao-lua-ha-dong--2--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com ao-lua-ha-dong--3--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com

SỰ TÍCH ‘ÁO LỤA HÀ ĐÔNG’  (Nguồn: bài viết đăng trên vtv.vn ngày 10.11.2013)

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo lụa Hà Đông làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc bao thập kỉ nay nhưng ít ai biết về hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của nó.

Ảnh: vtv.vn
Ảnh: vtv.vn

Chuyện kể rằng, vào năm 1930, xứ Bắc kỳ tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Hà Nội mà không giới hạn đối tượng tham dự, chỉ có duy nhất một điều kiện khi đi thi phải mặc áo lụa Hà Đông. Điều bất ngờ của cuộc thi, người đăng quang là Lý Lệ Hằng- một cô thôn nữ xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh phải trôi nổi lên Hà Nội kiếm sống và làm nghề hát cho các quán rượu. Sau khi đổi đời, cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao chàng công tử nhà giàu. Tuy nhiên người đẹp chân lấm, tay bùn Lý Lệ Hằng đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của quốc vương Bảo Đại và trở thành người tình của ông. Vậy, câu chuyện này có liên quan gì đến ca khúc Áo lụa Hà Đông?

Ảnh: thethao60s.com
Ảnh: thethao60s.com

Như bao chàng trai si mê cái đẹp, dù đã hơn 20 năm sau khi Lý Lệ Hằng đoạt vương miện hoa hậu, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của nàng. Ông đã viết bài thơ Áo lụa Hà Đông trong đó có bóng dáng yêu kiều của người đẹp mặc áo lụa. Đến năm 1969, câu chuyện về hoa hậu thuần nông phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, đã khiến Ngô Thụy Miên động lòng trắc ẩn viết nên ca khúc nổi tiếng Áo lụa Hà Đông khi mới 21 tuổi.

Trên thực tế, thi ca luôn được coi là mũi nhọn và mở đường cho những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ. Thi ca chính là điểm gặp gỡ, tạo thi hứng mạnh mẽ nhất cho âm nhạc phát khởi. Và từ những vần thơ tình nổi tiếng của cố thi sĩ Nguyên Sa, nhạc sỹ Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Thơ và nhạc đã cùng hòa quyện, thăng hoa để làm đắm say bao thế hệ yêu nghệ thuật.

Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: vtv.vn
Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: vtv.vn

Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã chia sẻ với báo chí là giữa ông và thi sĩ không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát.

Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng… … Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh…”

Hình ảnh thiếu nữ mặc áo lụa Hà Đông quá ư dịu dàng, như đem đến cả một trời thu Hà Nội làm xua đi cái nắng của phương Nam. Người thiếu nữ ấy đã gieo một nỗi buồn da diết: “Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại…”

Áo lụa Hà Đông từng được sử dụng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Bài hát cũng được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn thành công, nằm trong danh sách những bài hát được cho là thành công nhất của Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Duy Trác… Cũng vì sức lan tỏa của ca khúc này mà ít ai không biết tới làng lụa Vạn Phúc- Hà Đông !

[footer]

Tháng Sáu Trời Mưa (Hoàng Thanh Tâm)

Chiều nay trời Sài Gòn mưa. Mưa tháng sáu. [dongnhacxua.com] chợt nhớ đến ‘Tháng Sáu Trời Mưa’, một nhạc phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyên Sa đã đi vào lòng người hơn 20 năm qua. Thế nhưng giới yêu nhạc dường như vẫn còn đôi chút ngộ nhận về tác giả của ca khúc này: Ngô Thụy Miên hay Hoàng Thanh Tâm? Thật ra cả hai nhà nhạc sỹ đều phổ bài thơ này: sáng tác của Ngô Thụy Miên hoàn thành năm 1984, còn đứa con tinh thần của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987. Gần như tất cả những bản thâu âm ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ mà chúng ta nghe được cho đến ngày hôm nay là nhạc phẩm của Hoàng Thanh Tâm. Bắt đầu với tiếng hát của Thái Hiền, ái nữ của nhạc sỹ Phạm Duy, ngày nay có thể nói không ngoa là hầu hết các ca sỹ thành danh đều đã từng một lần góp tiếng vào giai điệu đẹp của ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ do Hoàng Thanh Tâm sáng tác vào một buổi chiều mưa tháng 06/1987 ở Canberra, Úc Châu.

Photo: Hoàng Thanh Tâm. http://profiles.google.com/116891841792309466525

Nghe ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ khác qua nét nhạc Ngô Thụy Miên với tiếng hát Hải Lý

TÂM SỰ CỦA HOÀNG THANH TÂM VỀ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’
(Nguồn: Hoàng Thanh Tâm Blog)

Đây là bản tình ca đã gắn liền với cuộc đời sáng tác của tôi. Và cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận nhất! Vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của bài hát này.
Năm 1987, khi vẫn còn sinh sống tại thủ đô Canberra ở Úc. Một buổi chiều cuối tuần tháng sáu êm ả, tôi lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library), và bất ngờ tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, quy tụ những bài thơ tình tôi và những bạn trung học Pétrus Ký đã chuyền tay nhau trong lớp để cùng đọc…
Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức tôi, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời áo trắng sân trường. Tôi đã photocopy bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa trong tập thơ và mang về nhà để nghiền ngẩm.
Trong niềm cảm xúc dâng trào của đêm mưa tháng sáu tại Canberra, từ trong căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân(Bedsitter) ở O’Connor, tôi đã trải lòng mình bằng những note nhạc chứa chan kỷ niệm của một thời niên thiếu, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa, để rồi từ đó, tình khúc “THÁNG SÁU TRỜI MƯA” đã ra đời…
Photo: Hoàng Thanh Tâm Blog.

Nhạc phẩm này nằm trong Album tình ca HOÀNG THANH TÂM 2, gồm 12 tình khúc mang chủ đề: “KHÚC NHẠC SẦU CHO EM”, phần hòa âm & phối khí của nhạc sư Lê Văn Thiện, do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1987.

Theo một thông lệ bất thành văn, những nhạc phẩm nổi tiếng thường thường phải được những ca sĩ hàng đầu và tên tuổi lừng lẩy như : Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc vv… thâu âm ĐẦU TIÊN.
Thật may mắn cho tôi, dù Thái Hiền không phải là một ca sĩ đang ăn khách lúc đó, nhưng cô đã giúp tôi chắp cánh cho bài hát bay thật xa, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, để trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
 

BÀI THƠ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’ CỦA NGUYÊN SA
(Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2442)

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

ĐÔI NÉT VỀ HOÀNG THANH TÂM
(Nguồn: Wikipedia)

Hoàng Thanh Tâm là tên thật của nhạc sĩ, ông tự học nhạc qua sách vở, và đã biết sử dụng đàn guitar thành thạo từ nhỏ. Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” của thi sĩ Nguyễn Bính, và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký[3], nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai và được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979.

Ông đã theo học ngành Tin học (L’informatique) 3 năm tại trường Đại học Tự do Bruxelles và một lần nữa ông lại di cư sang Úc Đại Lợi vào năm 1982, và định cư luôn tại Úc cho đến bây giờ…

Trong 3 năm ở Bruxelles, Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của ông, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người. Điển hình là những nhạc phẩm như : “Trả Lại Thoáng Mây Bay”, “Đêm Tha Hương”, “Dáng Xưa”, “Xuân Mơ”, “Đêm Hoàng Lan” (phổ thơ Trần Dạ Từ), “Lời Cho Người Tình Xa”, “Tìm Em” vv…

Nhạc phẩm đầu tay ông viết tại hải ngoại là nhạc phẩm “Trả Lại Thoáng Mây Bay” đã được ca sĩ Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc “Thu Hát Cho Người” do chính Lệ Thu thực hiện năm 1982.

Qua Úc năm 1982, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sống 6 năm đầu tại thủ đô Canberra. Trong thời gian này, ông có rất nhiều hứng khởi sáng tác, và đã tiếp tục viết rất nhiều tình khúc, cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời tiền chiến và cận đại như “Tháng Sáu Trời Mưa” & “Cần Thiết” của Nguyên Sa, “Áo Trắng” & “Buồn Đêm Mưa” và “Tự Tình” của Huy Cận, “Ngập Ngừng” (Em Cứ Hẹn) của Hồ Dzếnh, “Đây Thôn Vỹ Dạ” và “Giọt Lệ Tình” của Hàn Mặc Tử, “Một Mùa Đông” của Lưu Trọng Lư, “Đêm Trăng” của Xuân Diệu, “Một Tháng Giêng” (Đêm Hoàng Lan) và “Tình Tự Mưa” của Trần Dạ Từ, hoàn chỉnh thi phẩm “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính vv…

Sau khi qua Mỹ năm 1986 để thực hiện album đầu tay “Lời Tình Buồn” và album thứ hai “Khúc Nhạc Sầu Cho Em” năm 1987 do trung tâm Giáng Ngọc của Lê Bá Chư phát hành, ông trở về Úc và chuyển về sinh sống ở Sydney năm 1988.

Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện album thứ 3 “Tháng Sáu Trời Mưa” với trung tâm Diễm Xưa của chị Thái Xuân, Hoàng Thanh Tâm gặp lại nhà thơ Nguyên Sa và Du Tử Lê, và sau đó đã trở về Úc với thi sĩ Du Tử Lê để ra mắt đêm thơ & nhạc Du Tử Lê & Hoàng Thanh Tâm tại 2 thành phố SydneyMelbourne. Từ mối thâm giao đó, Hoàng Thanh Tâm đã cho ra đời 3 tình khúc phổ từ 3 thi phẩm của thi sĩ Du Tử Lê gồm :

  • Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi” (Hạnh Phúc Buồn)
  • Còn Thơm Tay Quý Phi” (Tay Ngọc)
  • Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di” (Kinh Tình Yêu)

Những nhạc phẩm này đều có mặt trong album thứ 4 và thứ 5 của Hoàng Thanh Tâm do trung tâm Giáng Ngọc và Làng Văn phát hành năm 1993.

Sau những hoạt động văn nghệ không ngừng nghỉ tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã mở một trung tâm băng nhạc tại Sydney lấy tên là Hoàng Thanh Tâm Enterprises, và làm đại diện cho trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng tại Úc Châu đến năm 2002 [4]. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm hiện đang định cư tại Sydney, Úc Châu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương, Hoàng Thanh Tâm luôn mang một nỗi ám ảnh về một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của ông như :

Tình Ca Người Xa Xứ” , “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc” vv….

Qua những quá trình đóng góp công sức tim óc của nhạc sĩ Hoàng thanh Tâm cho nền âm nhạc ở hải ngoại suốt hơn một phần tư thế kỷ, và đã để lại một số lượng không nhỏ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người Việt ở trong nước cũng như tại hải ngoại, thi sĩ Du Tử Lê đã ưu ái tặng cho người nhạc sĩ họ Hoàng danh hiệu “Con tiểu Phượng Hoàng của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại” [5].

[footer]