Giang hồ Sài Gòn đi vào nghệ thuật

Tiếp nối dòng văn nghệ về thế giới ngầm của Sài Gòn ngày trước, [dongnhacxua.com] xin đăng lại một bài viết trên VietnamNet.vn để úy vị có nhiều thông tin hữu ích.

CHUYỆN GIANG HỒ SÀI GÒN ĐI VÀO NGHỆ THUẬT
(Nguồn: VietnamNet.vn)

Thực ra, không phải bây giờ đất Sài Gòn, nay là TP.HCM, mới có nhiều tội phạm. Từ xa xưa, Sài Gòn được ví von là “Hòn ngọc viễn Đông” là lãnh địa làm ăn của giới tội phạm cả nước tập trung về đây.

Trước năm 1975, có thể xem là thời điểm “thịnh” nhất của tội phạm xã hội. Hồi ấy, người ta gọi chúng là “giang hồ”, “du đãng”…

Từ hảo hán thời loạn đến tội phạm

Thế giới giang hồ Sài Gòn, có thể tạm phân chia làm 3 giai đoạn lớn kéo dài gắn bó với những biến cố lịch sử của nước ta.

Thời Pháp thuộc, đã manh nha xuất hiện tầng lớp tội phạm cướp giật, quậy phá ở nhiều địa phương.

Sài Gòn lúc đó đang trong giai đoạn mới hình thành, là đô thị mới, kinh tế – thương mại phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất ở Đông Dương.

Đường phố Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: VietnamNet.vn
Đường phố Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: VietnamNet.vn

Bởi vậy, Sài Gòn không chỉ là “đất lành” cho những người có ý chí làm ăn, tìm cơ hội thay đổi cuộc đời mà cũng là ‘đất sống” cho giới tội phạm quy tụ về “làm ăn”, giành giật lãnh địa, thanh toán nhau. Nhiều nhân vật du đãng có tiếng tăm được chính quyền thời bấy giờ trọng dụng, như Bảy Viễn…

Tuy nhiên, phát triển mạnh mẽ, có tổ chức tinh vi, chặt chẽ là giai đoạn từ những năm 60 đến năm 1975. Bằng những trận thư hùng đẫm máu, thế giới giang hồ Sài Gòn đã định hình thế “tứ trụ” do 4 băng nhóm nổi tiếng thống lĩnh, sử sách gọi nhóm “tự trụ” này bằng cái tên mỹ miều du nhập từ Hong kong “Tứ đại thiên vương” là Lê Đại (Đại Cathay) – Huỳnh Tỳ – Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế.

4 “đại vương” này chia nhau cai quản thế giới ngầm Sài Gòn một thời gian dài. Trong đó, băng của Đại Cathay dù sinh sau đẻ muộn nhưng nổi đình nổi đám nhất, đến mức như huyền thoại.

Tương truyền, Đại Cathay đã dám tung quả đấm như trời giáng vào bụng của Trung tá Nguyễn Cao Kỳ – sau này là trung tướng, phó tổng thống, thủ tướng Việt Nam cộng hòa trong vũ trường – chúng tôi sẽ nói rõ ở những phần sau.

Chế độ Việt Nam cộng hòa thời kỳ bấy giờ phải đối phó vô cùng vất vả. Có những lúc giữa quân cảnh và giới giang hồ phải bắt tay nhau để “chung sống”.

Vì bản tính ngông nghênh, Đại Cathay đã bị tiêu diệt. 3 “đại vương” còn lại vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng miền Nam. Chúng đã bị chính quyền Cách mạng trừng phạt, dẹp triệt để, đem lại bình yêu cho nhân dân TP.HCM.

Lịch sử giang hồ Sài Gòn ngoài “tứ đại thiên vương” còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Bạch Hải Đường, Điềm Khắc Kim, Quý “tử hình” (anh ruột Lai anh và Lai em, 2 tên bị tử hình trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”), anh em võ sĩ Hồng Cương- Hồng Trực cai quản khu Cô Bắc – Cô Giang v.v…

Trương Văn Cam, tức Năm Cam đã có mặt trong thế giới giang hồ Sài Gòn vào những năm 1964 – 1965. Tuy nhiên, y chỉ là vô danh tiểu tốt, nương tựa vào ông anh rể là Bảy Si, lúc này đã có số má.

Lúc ấy không ai có thể biết trước rằng 30 năm sau Năm Cam sẽ trở thành ông trùm xã hội đen trên đất Sài Gòn.

Lúc ấy, Lâm chín ngón đã là tay chân thân tín của Đại Cathy, gặp Năm Cam không thèm ngó bằng nửa con mắt.

Có lẽ Năm Cam cũng không thể nghĩ có ngày hắn lại ngồi “chiếu trên” với bậc đàn anh cao vời vợi như Lâm chín ngón.

“Thành tích” lớn nhất của kẻ vô danh Năm Cam lúc bấy giờ là cứu Huỳnh Tỳ chạy thoát trong một cuộc đấu súng với lính dù…

Sau ngày giải phóng miền Nam, những chiến dịch của lực lượng Công an TP.HCM từ năm 1975 đến những năm 1980 đã xóa sổ cơ bản các thủ lĩnh khét tiếng và làm tan rã nhiều băng nhóm giang hồ còn sót lại. Những kẻ cầm đầu đều bị pháp luật trừng trị.

Tuy nhiên, như những loài cỏ độc, trên mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM luôn phải đối phó với nạn lưu manh, cướp giật lúc rộ lên, lúc lắng xuống.

Những băng nhóm quy mộ như thời trước 1975 không còn đất sống thì xuất hiện nhiều băng nhóm nhỏ lẻ luôn là thách thức với lực lượng công an TP.

Vụ Năm Cam là bài học không thể quên vì sự sơ hở, mất cảnh giác đã để sống dậy tổ chức tội phạm quy mô, mang đậm chất tội phạm mafia, không còn phảng phất chất “du đãng”, “giang hồ” như trước kia.

Giang hồ đi vào …nghệ thuật

Ông trùm mafia Ý ở đảo Sicin trở thành bất hủ khi thành nhân vật chính trong tác phẩm Bố già (The Godfather) nổi tiếng của nhà văn Mỹ gốc Ý tên Mario Puzo.

Đại Cathay, trùm giang hồ Sài Gòn một thời. Ảnh: VietnamNet.vn
Đại Cathay, trùm giang hồ Sài Gòn một thời. Ảnh: VietnamNet.vn

Tác phẩm sau đó được dựng thành phim cũng nổi tiếng không kém. Nhân vật chính Don Vito Corleone trong phim là hiện thân của ông trùm tên Don Vito Cascio Ferr di cư từ Ý qua Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, đã gây dựng nên tổ chức maphia đầu tiên trên xứ cờ hoa.

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng đã lấy nguyên mẫu một tội phạm ngoài đời đi vào tác phẩm “Bỉ vỏ”. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở nước ta viết về thế giới giang hồ ở đất Hải Phòng.

Thế nhưng, tội phạm trong thế giới giang hồ thông qua thế giới nghệ thuật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trẻ là hiện tượng có một không hai lại xảy ra ở Sài Gòn trước năm 1975.

Đó là băng giang hồ của Đại Cathay cũng các quân sư và người tình đều trở thành những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm nổi tiếng ở miền Nam thời bấy giờ.

Tác phẩm “Điệu ru nước mắt” của nhà văn Duyên Anh lấy nguyên mẫu trùm Đại Cathay làm nhân vật chính, được thi vị hóa thành kẻ giang hồ hào hoa, lãng tử.

Tương truyền, trong quá trình cuốn “Điệu ru nước mắt” được viết, Đại Cathay đã cung cấp thuốc phiện và khách sạn yên tĩnh cho nhà văn.

Tuy nhiên, sách ra đời, dù bán rất chạy nhưng Đại Cathay không hài lòng vì vài tình tiết không được như ý, nhà văn Duyên Anh phải trốn lên Đà Lạt sống một thời gian.

Đại Cathay ngoài đời tuy không được ăn học nhưng có đội ngũ quân sư là những trí thức, nghệ sĩ có tên tuổi giúp và băng nhóm của y bớt vẻ cục súc, độc ác như băng ba tàu Huỳnh Tỳ, Hoàng Cái Thế… Quân sư Hoàng là một nhạc sĩ ghi-ta cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vết thù trên lưng ngựa hoang”.

Tác phẩm này nổi tiếng đến mức được dựng thành phim. Nhạc sĩ tài ba Phạm Duy đã phổ nhạc bài hát cùng tên cho bộ phim này.

Lệ Hải, người tình của Đại Cathay là nhân vật xuất thân từ nhà giàu, theo tiếng gọi giang hồ đã chọn thế giới này làm lẽ sống. Cuộc tình ngắn ngủi giữa Đại Cathay và Lệ Hải được giới giang hồ đồn đại đẹp như bài thơ tình lãng mạn.

Sau đó, người đẹp Lệ Hải qua tay bao nhiêu đấng mày râu khác, có kẻ là trí thức giang hồ, có kẻ là anh hùng hảo hán và có cả …nhà thơ!

Bài hát “Loài yêu nữ mang tên em” do ca sĩ Elvis Phương trình diễn nổi tiếng một thời xuất thân từ bài thơ của nhà thơ Văn Mạc Thảo: “Ta gọi tên em là yêu nữ – Là loài yêu mị gái hồ ly” được nhạc sĩ Ngọc Chánh phổ nhạc.

Nữ văn sĩ nổi tiếng ăn khách Lệ Hằng cũng vào cuộc, từ nhân vật Lệ Hải đã viết nên tiểu thuyết “Bản tăng gô cuối cùng” xuất bản nhiều lần trước năm 1975!

Ngoài những người trong băng Đại Cathy lên sách, tiểu thuyết, thơ và phim thì các nhân vật khác như Điềm Khắc Kim, Bạch Hải Đường là những nhân vật trong các vở cải lương cùng tên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hùng Cường, Minh Vương đã vào vai tướng cướp Bạch Hải Đường.

Tuy nhiên, cần nói thêm, nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương và ngoài đời cách nhau rất xa!

Duy Chiến

[footer]

Vết thù trên lưng ngựa hoang

Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] giới thiệu một bản nhạc nổi tiếng có liên quan đến “ngựa”: nhạc phẩm ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’, một sáng tác chung của nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy.

Trước hết, xin mời quý vị thưởng thức ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’ qua tiếng hát của Elvis Phương. Theo sự nhân định chủ quan của chúng tôi là chưa có ai hát bản này đạt như anh.

Để hiểu rõ hơn về bản nhạc này, chúng ta hãy quay về nửa cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày ấy có một thành phần không nhỏ trong giới trẻ lớn lên theo cách tự phát, mất phương hướng và gần như đi bên lề của xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết về thế giới ngầm như ‘Loan mắt nhung’ của Nguyễn Thụy Long (viết năm 1967), ‘Điệu ru nước mắt’ của Duyên Anh (một bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long, xuất bản năm 1965) hay ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ (cũng của Duyên Anh, 1967).

‘Loan mắt nhung’ sau này được dựng thành phim rất ăn khách, trong đó bản nhạc nền ‘Loan mắt nhung’ do Huỳnh Anh sáng tác và Thái Châu ca cũng trở nên nổi tiếng. Trước đây [dongnhacxua.com] cũng đã có một bài viết giới thiệu ‘Loan mắt nhung’.

Còn trong ‘Điệu ru nước mắt’, Duyên Anh đã ‘thi vị hóa’ chuyện đời của đệ nhất giang hồ Sài Gòn – Đại ‘Cathay’ – để Đại trở nên phong trần hơn, lãng tử hơn. Có lẽ những ai theo dõi chuyện ‘bụi đời’ ngày trước sẽ không xa lạ với tứ đại giang hồ Đại-Tỳ- Cái -Thế: Đại ‘Cathay’, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Trong đó, băng nhóm do Đại cầm đầu được cho là băng đảng có tổ chức tốt nhất. Để có được điều này, Đại đã khôn ngoan thâu nạp dưới trướng nhiều đàn em thuộc đủ mọi thành phần, có thực tài, biết dùng cái đầu chứ không phải chỉ biết đâm chém. Một trong số đó là Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar.

Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang (Duyên Anh). Ảnh: http://sachxua.net/forum/index.php?topic=8287.45
Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang (Duyên Anh). Ảnh: SachXua.net

Sau sự thành công vang dội của ‘Điệu ru nước mắt’, từ tiểu thuyết cho đến phim cho đến nhạc (bản ‘Bao giờ biết tương tư’ cũng của Ngọc Chánh & Phạm Duy), đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng tiếp ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ năm 1971 với diễn viên Trần Quang vào vai chính Hoàng ‘guitar’.

Trần Quang và Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: ChutLuuLai.net
Trần Quang và Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: ChutLuuLai.net

Sau những năm lăn lộn giang hồ, Hoàng ‘guitar’ gác kiếm, mai danh ẩn tích. Thế nhưng để giải quyết một hoàn cảnh túng thiếu ngặt nghèo, Hoàng quay trở lại giới giang hồ và nhận lời làm một phi vụ. Số phận đầy oan nghiệt, Hoàng đã bị bắn gục bằng những vết đạn hằn trên lưng.

Góp phần vào thành công của bộ phim không thể không kể đến nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác.

vet-thu-tren-lung-ngua-hoang--0--pham-duy--ngoc-chanh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy - Ngọc Chánh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy – Ngọc Chánh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

[footer]

Loan mắt nhung

Huỳnh Anh | Nguyễn Thụy Long || 12/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong gia tài sáng tác không nhiều (trên dưới 20 bản) của nhạc sỹ Huỳnh Anh, có một nhạc phẩm gây chú ý cho [dongnhacxua.com] vì cái tựa rất khó hiểu: Loan mắt nhung. Sau này có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng như sự ra đời của cái tên “Loan mắt nhung”, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị để chia sẻ cùng quý vị yêu nhạc xưa: “Loan mắt nhung” là bản nhạc do nhạc sỹ Huỳnh Anh viết cho bộ phim cùng tên do đạo diễn Lê Dân thực hiện vào năm 1970, lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cũng cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm này xuất bản năm 1967, nói về cuộc đời của một thanh niên bình thường có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung, bị hoàn cảnh đưa đẩy trở thành một giang hồ và chịu nhiều bi kịch.

NGUYỄN THỤY LONG VÀ TIỂU THUYẾT “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Báo Công An TPHCM)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra đi vào sáng 3-9-2009, khi vừa bước qua ngưỡng cửa “thất thập”. Dĩ nhiên với ngần ấy năm sống giữa thế gian, anh đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, anh là một trong số những nhà văn hàng đầu ở miền Nam trước 1975 còn ở lại và suốt đời gắn bó với quê nhà. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 tiểu thuyết, trong đó có 20 tác phẩm hiện đang được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Anh lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim anh lại thuộc về một thế giới khác: thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ và văn học. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái và độ lượng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long: Chim trên ngọn khô, Vác ngà voi, Sầu đời, Vết thù… đặc biệt là Loan mắt nhung, tiểu thuyết được dàn dựng thành phim và đã đọng lại trong lòng người xem những cảm xúc lâu dài.

Ngoài viết văn ra, Nguyễn Thụy Long còn là một nhà báo, dưới thời cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, anh là một trong những cộng tác viên đặc biệt của Báo Công An thành phố. Vào những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Thụy Long được Huỳnh Bá Thành gởi gắm cho địa phương trông coi một ao cá nằm trong hẻm sâu trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Anh cùng với vợ con sống lây lất nhiều năm tháng trong căn chòi lợp tạm bên cạnh ao cá với đủ thứ vật liệu phế thải mà anh gọi đó là “căn chòi của tình người”. Nguyễn Thụy Long cũng có một kỷ niệm khó quên với nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn. Cách đây khoảng 18 năm, có lần nghe anh Huỳnh Bá Thành mô tả Nguyễn Thụy Long ở ao cá viết lách khó khăn, mắt anh rất yếu, lại chỉ quen viết trên máy đánh chữ, sẵn có chiếc máy đánh chữ xách tay mới mua được vài tuần lễ, Trần Tử Văn không nghĩ ngợi liền tặng cho người bạn văn. Nhận được chiếc máy đánh chữ, Nguyễn Thụy Long mừng lắm, nhưng chỉ sử dụng chừng hơn tháng lại thấy anh quay lại viết tay. Gặp nhau, Trần Tử Văn hỏi máy chữ đâu? Nguyễn Thụy Long ngập ngừng một lúc rồi nói: “Kẹt quá, đành phải mang đi bán lấy tiền mua sữa cho con rồi, mong ông đừng buồn”. Trần Tử Văn không nói năng gì, chỉ đứng lặng yên, siết bàn tay Nguyễn Thụy Long thật chặt. Văn không tiếc của mà anh có vẻ xót xa cho số phận của một người bạn cầm bút.

Kể ra thì giã từ cuộc đời ở tuổi 71 như Nguyễn Thụy Long cũng không quá sớm mà cũng không quá muộn và chưa hẳn người ra đi đã buồn bã bằng người ở lại khi bằng hữu ngày càng vơi dần theo từng tháng, từng ngày. Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang tưởng nhớ với lời cầu chúc giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ không bao giờ bị đánh thức và như thế anh đã trút hết mọi buồn vui, mọi âu lo, toan tính gởi lại hết cho đời. Vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long, vĩnh biệt Loan mắt nhung!

ĐẠO DIỄN LÊ DÂN KỂ VỀ BỘ PHIM “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Thanh Niên)

Sau phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ (1957-1958), vì những hoạt động chính trị, tôi ngưng làm phim một thời gian dài. Đến giữa năm 1969, bất ngờ tôi gặp lại Gilberte Lợi, người cùng quê Tây Ninh với tôi. Cô nhờ tôi chọn một cốt truyện để làm phim.

Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.

Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.

Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 7: Thanh Nga tài sắc vẹn toàn
Thanh Nga trong phim Loan mắt nhung – Ảnh: Tác giả cung cấp

Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.

Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ  tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.

Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.

Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.    

[footer]