Chiều nay gió đông về (Khánh Băng – Hà Đình Nguyên)

(Trong một bài viết trước về bản “Sầu đông” của nhạc sỹ Khánh Băng, [dongnhacxua.com]  có trích đăng bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên viết cho báo Thanh Niên đầu năm 2005 nhân sự ra đi của nhà nhạc sỹ. Trước đó 3 năm, anh Hà Đình Nguyên cũng đã có một buổi trò chuyện với nhạc sỹ Khánh Băng, khi đó đã 67 tuổi. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn trẻ yêu nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại bài viết này.)

Ban kích động nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban kích động nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe

CHIỀU NAY GIÓ ĐÔNG VỀ
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên năm 2002)

Trước mặt tôi là một ông già 67 tuổi. Dù chưa bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975. Giờ đây ông quẩn quanh trong nhà, với nỗi niềm “lực bất tòng tâm” như lời một bài hát của chính ông – nhạc sĩ khánh Băng: “Chiều nay gió đông về…”.

Sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu), ngay từ thời còn học tiểu học cậu bé Phạm Văn Minh đã khiến cho bạn bè “lác mắt” bởi ngón đàn mandolin. Cậu cũng luôn là người “đầu têu”, dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường. Cậu học trò Minh cũng bắt đầu sáng tác nhạc trong thời gian này. Bản nhạc nào tâm đắc, cậu gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Ðức Thu (anh ruột của người bạn thân tên Võ Ðức Thảo). Nhạc sĩ Thu xem, sửa chữa những chỗ sai sót bằng bút đỏ rồi gởi trả về Vũng Tàu như một kiểu học hàm thụ – nhờ thế mà khả năng, kiến thức về nhạc lý, sáng tác của Khánh Băng được củng cố và tiến bộ rất nhiều.

* Ðó là thời thơ ấu. Thực ra ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào ?

Tôi có được chút tiếng tâm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở Trường Huỳnh Khương Ninh – Ða kao (năm 1949). Ở khu vực Tân Ðịnh này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để chỉ… đi phục vụ đám cưới miễn phí. Vậy mà vui lắm! Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954 tôi thi đậu vào… làm nhạc công trong Ðài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông này cho tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của ông và giới thiệu tôi vào đàn ở Ðài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó…

* Với cây đàn mandolin ?

– Mới đầu là vậy nhưng một thời gian sau tôi thấy cây đàn mandolin khó có chỗ để dụng vô, tôi bèn quay sang cây đàn guitar. Tự học. Phải mất hơn 2 năm khổ luyện. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng cây guitar điện trên sân khấu.

* Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản nhạc nào?

Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì… quá ít, 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn… mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15.3.1955 Ðài phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh (1956). Bài hát này được Hội S.C.A.C.E.A.M (Hội Tác quyền quốc tế) có trụ sở tại Paris mời gia nhập hội với lời Pháp do nữ văn sĩ Francoise Sagan viết cộng với bài Sầu đông do tôi tự viết lời Pháp, tựa là Johnny Mon amour (1967).

* Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?

Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả! Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động (như nhạc trẻ bây giờ). Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể hóa này, như Lê Yên (Ngựa phi đường xa), Y Vân (Sài Gòn đẹp lắm)… Tuy nhiên những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi… do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu liên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như: Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài khá phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.

* Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng nổi tiếng trước đây không lẽ chỉ có… hai người?

Ồ không, đông chứ! Nhưng chỉ lấy tên hai người trụ cột là Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống). Ngoài ra còn có Nguyễn Thành (saxo ténor), Sầm Sơn (guitar bass), Thu Phước (trompette). Ban nhạc được thành lập đầu thập niên 60. Ðây cũng là ban nhạc đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Năm 1966 ban nhạc được HCV do khán giả bình chọn là Ban nhạc chơi hay nhất trong cuộc thi do Hội Ký giả Sài Gòn tổ chức. Anh Phùng Trọng hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh.

* Quả là một thời lừng lẫy. Chắc chuyện tình cảm của ông thời đó cũng… lẫy lững không kém. Ông có thể tiết lộ chút ít về cô Khanh và cô Băng mà ông đã “mượn” tên ?

Lẫy lừng gì, rối rắm thì có. Không phải là mình tham lam gì, chỉ vì… cầm lòng không đậu (cười). Còn hai cô Khanh và Băng, chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn… tí xíu! Cô Băng giờ cũng đang… dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà “mùa đông” đã về với chúng tôi rồi.

Chiều nay gió đông về. Dừng chân trên bến xưa…

Hà Đình Nguyên

[footer]

Những bước chân âm thầm (Y Vân – Kim Tuấn)

[dongnhacxua.com] thật ngạc nhiên khi vô tình biết thêm một chi tiết thú vị về phố núi Pleiku, nhạc sỹ Y Vân và nhà thơ Kim Tuấn: nhạc phẩm nổi tiếng “Những bước chân âm thầm” của Y Vân là phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của thi sỹ Kim Tuấn viết về thành phố Pleiku bụi mờ đầy kỷ niệm của những năm 1960.

Người hát nếu không để ý kỹ sẽ dễ hát sai thành “hoa bỗng dưng tuyết trắng“. Trong bài thơ thì Kim Tuấn viết “hoa vông rừng tuyết trắng“, còn trong bản nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì nhạc sỹ Y Vân viết “hoa vòng rừng tuyết trắng“. Theo chúng tôi thì “hoa vông rừng” là chính xác nhưng không biết có phải là Y Vân cố tình sửa thành “hoa vòng rừng” hay đó chỉ là lỗi xuất bản. Y Vân đã mất năm 1992, Kim Tuấn cũng đã vĩnh viễn giã từ “miền kỷ niệm” năm 2003. Thế là [dongnhacxua.com] và những người yêu dòng nhạc xưa vẫn  còn đó một câu hỏi thật dễ thương!

Hình minh họa cho cây gòn. Photo: WorldOfStock.com
Hình minh họa cho cây gòn. Photo: WorldOfStock.com

Qua bài viết này, [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn nhà thơ Kim Tuấn sẽ được thanh nhàn miền cực lạc!

 nhung-buoc-chan-am-tham--0--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--1--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--2--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--3--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’
(Nguồn: tác giả Xuân Trường  đăng trên  PleikuCafe.com)

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng… 

Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:

Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc

Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.

Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:

Từng bước từng bước thầm
Cuối đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ

Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.

Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.

Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:

Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc

Sương mù giăng mấy đồi
Tay đan đầy kỷ niệm
Mưa giữa mùa tháng năm
Dật dờ cơn gió thổi

Một tháng không trăng rằm
Mây núi ôm trời thấp
Giá rét về căm căm
Cao nguyên mù đất đỏ

[footer]

Tô Thanh Tùng và “thương hiệu bolero”

(Tô Thanh Tùng là một trong số ít các nhạc sỹ đã thành danh trước năm 1975, tiếp tục ở lại và sáng tác tại Việt Nam. Hiện ông cũng đã ở ngưỡng “thất thập cổ lai hy” và đang vui hưởng tuổi già ở Bình Dương. [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến bạn yêu nhạc xưa bài viết của nhà văn Đinh Thu Hiền đăng trên báo điện tử Giáo Dục).

Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua nét vẽ của họa sĩ Nhím. Photo: GiaoDuc.edu.vn
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua nét vẽ của họa sĩ Nhím. Photo: GiaoDuc.edu.vn

Bất kỳ ai gặp nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng Giã từ, Sao em nỡ đành quên, Giăng câu, Tình cây và đất, Hồng Ngự mang tên em, Tiễn biệt… cũng đều có cảm tình ngay lần đầu tiên. Vẻ mộc mạc, rất Nam Bộ của ông được “đóng dấu” vào trong từng ca khúc. Và cuộc đời thăng trầm của Tô Thanh Tùng cũng được trải nghiệm trong từng lời ca, giống như lời trong ca khúc Giã từ “Tuổi đời chân đơn côi/ gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…”.

Gắn với “thương hiệu bolero”
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm Giáp Thân (1944) tại huyện Hồng Ngự – tỉnh Đồng Tháp. Đam mê ca hát từ nhỏ và vì yêu cảnh sông nước quê mình nên ông đã tự mày mò sáng tác. Khởi đầu trong các sáng tác của ông là dòng nhạc trữ tình – bolero. Bản nhạc đầu tiên ký tên Tô Thanh Tùng là Hồng Ngự mang tên em (1963).
 
Những sáng tác của Tô Thanh Tùng là nhiều cuộc tình xâu chuỗi lại. Ông yêu nhiều và được nhiều cô gái hâm mộ. Dù hết lòng với tình yêu, nhưng cho đến tận bây giờ, đã ở cái tuổi 67, ông vẫn còn lang thang đi tìm một tình yêu đích thực cho mình.
 
Tác phẩm Sao em nỡ đành quên cũng là một trong những đứa con của tình yêu như vậy. Năm 1965, Tô Thanh Tùng rời quê nhà Đồng Tháp lên Sài Gòn học Trường Luật. Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất về Hồng Ngự, ông gặp lại cô gái chung xóm tên Tuyết. Trong buổi gặp ấy, Tuyết khi đó mới 17 tuổi đã thố lộ tình yêu với chàng sinh viên đa tài này. Nhưng vì đang còn đi học, chưa muốn ràng buộc gì nên Tô Thanh Tùng không dám nhận mối tình trong sáng ấy. Đêm về, trong sự day dứt, ông đã viết Sao em nỡ đành quêntặng cho Tuyết mà mở đầu là một lời trách móc rất con gái: “Sao em nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm/ Sao em nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ…”.
 
Ca khúc bolero Giã từ cũng thế. Ông kể: “Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn Khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao (quận 1) bởi quán này có một người con gái đẹp tên Diễm ngồi thu ngân. Tôi biết Diễm để mắt tới tôi bởi lúc ấy, tôi có sáng tác bài Mắt Diễm buồn cho ca sĩ Elvis Phương hát được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã từ…”. Năm 1971, Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân có giọng hát rất hay, anh liền mời cô này từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài Giã từ để gửi cho đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn) lại từ chối phát vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ được xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng. Trong khi đó Thu Vân chỉ là một ca sĩ dưới miệt vườn, không có tiếng tăm. Nhưng khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp. Không ngờ với phong cách bolero tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết của Thu Vân, Giã từ đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Nhiều người đã bật khóc khi nghe bản nhạc này trong đêm vắng. Cô ca sĩ miệt vườn này cũng nổi tiếng từ đó, hiện cô đang định cư ở nước ngoài.
 
Không “đóng khung” mình
Dù rất thành công với dòng nhạc bolero nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không muốn “đóng khung” mình ở một thể loại. Những năm 90, khi chương trình Mưa bụi làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc lúc bấy giờ thì Tô Thanh Tùng lại một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên khi trình làng ca khúc Giăng câu hết sức dân dã, khác với dòng nhạc bolero do Đình Văn và Tài Linh trình bày. Giăng câu mang âm hưởng rặt dân ca Nam Bộ, được giới bình dân đặc biệt yêu thích. Ca từ trong Giăng câu cũng hết sức dễ hiểu: “Em hỏi anh đêm nay đi dâu/ Anh nói rằng anh đi giăng câu/ Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu/ Anh có cây sào anh chống ào ào, chống ào ào…”. Ca sĩ Bảo Yến, một trong những ca sĩ rất yêu thích dòng nhạc bolero của Tô Thanh Tùng đã gọi ông là người phổ thơ tuyệt vời với các bài Người hàng xóm của thi sĩ Nguyễn Bính, Chùa Hương thiếu em của nhà thơ – nhà báo Dương Trọng Dật.
 
Tô Thanh Tùng sống rất giản dị và chất phác. Bốn năm qua, Tô Thanh Tùng về thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mua đất làm vườn, vui thú điền viên. Tính ông hiền lành, không màu mè, khách sáo, luôn cười sảng khoái đúng kiểu nông dân Nam Bộ. Có lần xuống thăm, trong buổi tiệc rượu lai rai, ông cầm đàn chơi vài bản. Ông hát Giăng câu réo rắt như mình đang ở vùng Đồng Tháp Mười chống sào đi câu cá; hát Sao em nỡ đành quên thì ngậm ngùi, man mác; Giã từthì da diết, ám ảnh. Và đến Tình cây và đất thì vô cùng trong sáng, thánh thiện. Trong các đám cưới, nhiều ca sĩ thường chọn Tình cây và đất để chúc phúc cho cô dâu chú rể vì “Trời se duyên nên khiến anh gặp em/ Cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh/ Rồi mai đây anh là đất em là cây/ Vĩnh phúc cho ai biết rằng, từ đó mùa xuân vĩnh hằng…”. Với giai điệu bolero, các bài hát của Tô Thanh Tùng thường đem lại cảm giác buồn và đôi chút mất mát, ngậm ngùi. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng câu kết trong các bài hát của ông đều rất có hậu. Tình yêu dù đã ra đi nhưng vẫn nên giữ lại những điều ngọt ngào về nhau. Ví như trong Giã từ, kết thúc là “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người”. Còn trong Tiễn biệt thì “Chúc em phương đó có nhiều tương lai, với bao mong ước đong đầy trong tay”. Mới đây, Tô Thanh Tùng còn trình làng một album Đại Nam huyền sử ca với gần 20 bài hát mới cũng như phổ thơ với ca từ và giai điệu hùng tráng gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc: Nhớ ngày giỗ Tổ, Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu CơĐại Nam huyền sử ca… Còn một “gia tài” khoảng 50 ca khúc nữa Tô Thanh Tùng vẫn chưa phát hành, ông cười bảo còn đang chờ những tình yêu mới trong quãng đời còn lại của mình.

[footer]

“Còn chút gì để nhớ” được phổ nhạc và hát lần đầu tiên tại Pleiku như thế nào?

Tiếp nối bài viết về nhạc phẩm bất hủ “Còn chút gì để nhớ“, hôm nay  [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu một bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ – ghi theo lời kể của ông N.H – đăng trên báo Gia Lai Online, số Xuân Quý Tỵ 2013

Pleiku. Mùa mưa. Khoảng năm 1970. Trước một chút, tôi bị bắt quân dịch, rồi làm lính kiểng. Lo lót để được ở lại thị xã, công việc chủ yếu của tôi là… chơi nhạc. Pleiku hồi ấy được mệnh danh là thị xã của lính, thị xã của binh khí, xe pháo. Lính tráng có lúc nhiều gấp ba lần dân Pleiku.

Nhưng công bằng mà nói, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều quán xá, câu lạc bộ gắn liền với âm nhạc. Tôi còn nhớ, hồi đó một số quán cà phê ở Pleiku vẫn thường tổ chức những đêm thơ, nhạc một cách khá bài bản, ví như quán Văn, Tay Trái,… Pleiku ngày ấy cũng còn là nơi lui tới khá thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, một số người trong đó, còn sống và sáng tác cho đến tận bây giờ.

con-chut-gi-de-nho--nguyen-quang-tue--dongnhacxua.com
Còn một chút gì để nhớ (Vũ Hữu Định). Nguyễn Quang Tuệ thiết kế.

Ngoài hai mươi tuổi, tôi cùng vài ba anh em thân quen đồng trang lứa khác chơi nhạc cho khá nhiều nơi trong thị xã. Thu nhập kể ra cũng không đến nỗi nào nhưng quan trọng là vào thời điểm ấy, tính mạng mình được an toàn hơn là phải ra mặt trận. Một hôm, khoảng hơn 20 giờ, sau khi chơi nhạc, chúng tôi đang sửa soạn rời câu lạc bộ Đại Hàn (Korea Club)-nằm trên đường Hùng Vương (đường Hoàng Diệu cũ, chỗ sát tường rào Nhà Văn hóa Lao động, gần đối diện với cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ) để trở về nhà thì có một tốp người đi vào. Sở dĩ hàng đêm chúng tôi phải về sớm là vì, hồi đó, chừng 22 giờ hoặc trước 22 giờ một chút, Pleiku đã phát lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà.

Tôi nhìn thấy trong nhóm đang đi vào ấy có mấy người tôi biết mặt, biết tên từ trước, số còn lại thì sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết họ. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Kim Tuấn (tức Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (1938-2003), quê Hà Tĩnh, hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, tác giả các lời thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân, đồng thời là thầy dạy tiếng Anh của anh em tôi ở Pleiku), đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển (nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả của tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2009).

Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.
Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.

Cùng đi với những văn nghệ sĩ ấy còn có một vài người khác nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được một người đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh trong buổi tối hôm ấy. Người ấy trẻ, trạc tuổi tôi, mặc một tấm áo màu xám, sau lưng có dòng chữ LCĐB in đậm.

Thấy chúng tôi đứng dậy toan về, nhạc sĩ Phạm Duy nói: Ở nguyên đó đi, có việc cần đấy. Chúng tôi miễn cưỡng chờ, dù trong lòng ai chắc cũng đã nóng như lửa đốt, vì giờ giới nghiêm đã tới rồi. Dường như biết sự lo lắng của mấy anh em nhạc công, ông Phạm Duy lại bảo: Lát có xe đưa về. Cứ yên tâm. Đến nước này thì chúng tôi cũng đành yên tâm vậy, vả lại có ông sĩ quan quân cảnh ở đây, chắc chúng tôi sẽ không bị làm phiền vì về nhà lúc đã quá giờ quy định.

Nhạc sĩ Phạm Duy kéo ghế ngồi xuống, mấy người đi cùng lặng lẽ tản ra xung quanh. Ông lấy trong túi cái áo màu đen đang mặc ra một tờ giấy và một cây bút rồi bắt đầu kẻ các dòng nhạc rất nhanh. Một lát sau, thấy chúng tôi đã đứng, ngồi sẵn sàng bên các nhạc cụ quen thuộc của mình, ông hất hàm bảo: Đô trưởng, boston nhé. Và thế là ông cầm tờ giấy hát trước, mấy anh em tôi đệm theo sau. Ngoài trời lúc ấy có mưa nhưng không nặng hạt lắm.

Giọng Phạm Duy lúc bổng khi trầm khá cuốn hút. Ông dứt lời, mọi người vỗ tay chúc mừng. Tôi nhớ, hình như Phạm Duy hát xong có đặt tờ giấy xuống bàn, gạch sửa chút ít gì đó, hát lại một vài câu rồi mới gấp nó lại bỏ vào túi áo thì phải. Riêng người đặc biệt của tôi đêm ấy thì không nói gì, anh lặng lẽ ngồi đó cho đến khi chúng tôi được một chiếc xe Jeep đưa về tận nhà, mà không bị ai xét hỏi dọc đường. Lúc ấy, tôi đã biết: Anh là Vũ Hữu Định, một người lính phản đối chiến tranh nên bị đày lên mặt trận cao nguyên nguy hiểm trong màu áo LCĐB (lao công đào binh).

Nhiều chục năm đã trôi qua, bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định sau khi được Phạm Duy chắp cánh, có thể nói đã trở nên bất tử, suốt từ sau những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay. Tôi rất thích khi có người viết rằng Vũ Hữu Định (và cả Phạm Duy nữa) đã đội vương miện cho thành phố này-Phố núi Pleiku. Tôi biết Vũ Hữu Định từ dạo ấy. Nhưng cũng phải nói thật, ban đầu, tức cái đêm hôm đó, tôi quý anh không phải vì thơ, mà chính là vì thấy… lạ quá, nể phục trong lòng quá.

Trong đầu tôi bao năm vẫn cứ mãi loanh quanh một câu hỏi: Tại sao những văn nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại cất công đi tìm anh, chơi với anh, coi anh như bạn bè thân thiết, trong khi anh đang là lao công đào binh, một người đã phải đứng trước tòa án binh lãnh án, bị đày ra phục dịch tại mặt trận, nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Sau này tôi mới hiểu, đằng sau thân hình thấp nhỏ kia, bên trong tấm áo xám ấy là cả một tâm hồn lớn của một tài năng. Và, những người lớn đã vì tài năng mà quý nhau, đến với nhau, bất kể thân phận cụ thể…

Rất nhiều năm sau, khi tập thơ của Vũ Hữu Định được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, internet đã phổ biến rộng rãi và nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam định cư, thường tổ chức các đêm diễn lớn, tôi đã đọc thêm được ở đâu đó những thông tin về bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Rằng nó đã được viết hồi năm 1970, từng được đăng trên tạp chí Khởi hành… Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần lên Pleiku tìm cảm hứng sáng tác, đã gặp Vũ Hữu Định và như ông từng viết thì: Vũ Hữu Định chính là một thi sĩ đích thực. Giống nhiều người khác, khi phổ thơ, vẫn thường thêm vào hay bớt đi một vài câu chữ của nguyên bản, nhưng riêng với Còn một chút gì để nhớ thì Phạm Duy “kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm”-như ông thừa nhận.

Có thể, sau cái lần tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên cho tác phẩm của mình tại Pleiku ấy, nhạc sĩ Phạm Duy còn chỉnh sửa thêm nữa trước khi công bố để bài hát trở nên nổi tiếng. Nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, dù vào thời điểm ấy, tôi chưa hoàn toàn ý thức được vấn đề, vì bài hát chưa được ai biết, ngoài tác giả, vài bạn bè của ông, trong đó có Vũ Hữu Định và chúng tôi-những người chơi nhạc tình cờ được Phạm Duy nhờ vả chút ít trước giờ giới nghiêm, thời mà Pleiku còn như là… trại lính.

Pleiku từ một thị xã bé nhỏ, nay đã được mở rộng, khác xưa rất nhiều. Tôi đã ở đây suốt từ thời ấu thơ, cho đến lúc về già, chứng kiến biết bao thay đổi. May mắn thay, dù cuộc sống có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là chơi nhạc và dạy nhạc. Trong cơ man âm thanh vang lên mỗi ngày ấy, tôi và rất nhiều những bạn trẻ yêu nhạc, vẫn dành những tình cảm trìu mến cho thành phố này. Chúng tôi đã yêu quý, gắn bó với Phố núi Pleiku, một phần vì âm nhạc, trong đó có tác phẩm của Phạm Duy-Vũ Hữu Định-Còn một chút gì để nhớ.

Chung quanh nhạc phẩm Buồn của Y Vân (Lê Dinh)

(Nhân nói về nhạc phẩm “Buồn“, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại một bài viết của nhạc sỹ Lê Dinh đăng trên tờ Nguyệt San Nghệ Thuật số 152/11-2006 do ông chủ biên)

Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com
Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com

Nhà thơ Lê Phụng Thiên có gửi đến Nghệ Thuật một lá thư cho biết nhạc phẩm «Buồn» của Y Vân là do Y Vân phổ bài thơ có tựa là «Buồn như» trong Tuyển tập thơ «Sầu ở lại» của nhà thơ Tạ Ký. Nhạc phẩm «Buồn» của cố nhạc sĩ Y Vân do tác giả viết năm 1980. (Xem thủ bút ca khúc Buồn của Y Vân kèm theo). Trong bản chép tay này, Y Vân không có ghi phổ từ bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký hay «Ýù thơ của Tạ Ký».

Trong phạm vi sáng tác ca khúc, nếu chúng ta lấy nguyên văn – hoặc gần như nguyên văn một bài thơ nào đó – chúng ta ghi «Phổ từ bài thơ nào của nhà thơ nào» hoặc nếu ta chỉ lấy ý thơ thôi mà không lấy nguyên văn bài thơ, thì chúng ta ghi «Ý thơ của…»

Trong suốt 32 trường canh của ca khúc «Buồn» với 86 chữ của phần lời, chúng ta thấy Y Vân có lấy nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu đầy» (Câu thứ 3 của bài thơ) để làm câu đầu của ca khúc «Buồn», và nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu cạn» và 5 chữ «Không còn rượu cho say» để làm lời ca cho từ trường canh thứ 5 đến trường canh thứ 8 (sửa chữ «cho» thành chữ «để» – «cho say» thành «để say»):

«Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu để say…»

Từ trường canh thứ 9 đến trường canh thứ 16, lời không giống bài thơ, chỉ có ý là có hơi hám của bài thơ:

«Buồn như trong một ngày
Hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt
Không còn chuyện để vui».

Riêng đoạn giữa, từ trường canh thứ 17 đến trường canh 24 với lời ca:

«Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Vì đời lên cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa được nhiều
Toàn là cay đắng giết thương yêu»

thì không hoàn toàn dính dáng gì đến bài «Buồn như».

Và 4 trường canh chót với lời ca:

«Tình đôi ta thật buồn
Như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
Buồn mỗi ngày buồn hơn»

thì cũng hoàn toàn khác hẳn với bài thơ.

Về ca khúc «Buồn» của nhạc sĩ quá cố Y Vân, nếu tác giả cẩn thận ghi thêm «Ý thơ của Tạ Ký» thì là một điều phải và đúng thì không có gì để nói. Theo tôi, có nhiều nhạc sĩ sáng tác, tình cờ đọc đâu đó một bài thơ có ý lạ, giữ trong đầu ý hay và lạ đó để rồi sáng tác một ca khúc dựa vào ý thơ đã thoáng qua trong đầu nhờ nội dung bài thơ đã đọc mà chắc chắn rằng họ không còn nhớ nguyên văn bài thơ, cùng tên bài thơ và cả tên tác giả. Ca khúc «Buồn» của Y Vân nằm trong trường hợp này và sự việc tương tự đã xảy ra không ít trong giới sáng tác ca khúc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rằng Y Vân là một nhạc sĩ có tài, sáng tác rất nhanh, bàn luận với anh tối hôm trước về một đề tài nào đó, sáng hôm sau Y Vân có ngay một sáng tác mới để trình làng và rất hay. Đó là trường hợp của những bài như «Anh về thủ đô», «Người bạn 10 năm qua». «Hát lên nào» v.v… Hoàn thành xong một ca khúc với cả phần nhạc và lời trong vài chục phút, ghi vội lên góc giấy tên tác giả để kịp đưa cho ca sĩ thu thanh, đó là Y Vân và bởi vậy chuyện «khiếm xác» thế nào cũng dễ dàng xảy ra.

Dưới đây là bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.

Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu-bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh-quẽ
Buồn như đóa hoa rơi. (Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)

[footer]

Buồn (Y Vân)

[dongnhacxua.com] không có điều kiện để tìm hiểu kỹ về cuộc sống của nhạc sỹ Y Vân sau năm 1975. Tuy nhiên, dựa vào những thông tin thu lượm được, chúng tôi có thể hình dung phần nào về cuộc sống khó khăn và tâm trạng chán chường của ông trong giai đoạn này: từ sự tự do để sáng tác, ông bắt buộc phải đi theo đường lối của chế độ mới nếu muốn còn được viết nhạc; từ vị thế một nhạc lừng danh có cuộc sống thoải mái, ông phải lao động cật lực với đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình vốn đông con, v.v.

Thế nên, trong tâm trạng như vậy, cảm tác từ bài thơ “Buồn như” của Tạ Ký, đầu những năm 1980, nhạc sỹ Y Vân đã cho ra đời một nhạc phẩm lạ với giai điệu đẹp và ca từ đặc sắc để diễn tả … nỗi buồn: nhạc phẩm “Buồn”, bản tình ca hiếm hoi mà Y Vân sáng tác sau 1975. Thời gian sau đó, những năm 1986-1992, Việt Nam bắt đầu mở cửa và với chính sách thoáng hơn, Y Vân đã bắt đầu có cảm hứng sáng tác trở lại nhưng hầu hết là ông làm nhạc phim và nhận soạn hòa âm cho các trung tâm băng nhạc ở Sài Gòn.

Có một chi tiết bên lề về nhạc phẩm “Buồn”: có người nói Y Vân đã thiếu sót khi quên ghi tên tác giả bài thơ vào bản nhạc. Theo thiển ý của [dongnhacxua.com], nhà nhạc sỹ của chúng ta hoàn toàn không cố ý, cũng có thể do điều kiện thông tin liên lạc thời đó còn thô sơ và chuyện xuất bản, in ấn  nhạc không được quy củ như thời trước 1975 nên mới có hiểu lầm này. Với tài năng đặt lời trau chuốt và khả năng dùng tiếng Việt đầy sức biểu cảm (như trong “Ngăn cách”, “Nhạt nắng”, …) Y Vân hoàn toàn viết nên những dòng tâm sự như trong “Buồn”.

[dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để phần nào “minh oan” cho nhạc sỹ Y Vân và cũng xin đóng góp một phần nhỏ bé để tri ân nhà nhạc sỹ đáng mến của chúng ta!

XEM THÊM VÀI BẢN NHẠC TRƯỚC 1975 MÀ Y VÂN CẨN THẬN GHI TÊN NHÀ THƠ
(Nguồn: http://amnhacmiennam.blogspot.com/)

nhung-buoc-chan-am-tham--1--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com thoi--1--y-van--nguyen-long--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

[footer]

Người em sầu mộng (Y Vân – Lưu Trọng Lư)

Trong một bài viết về nhạc sỹ Y Vân, tác giả Lê Thiếu Nhơn có nhắc đến ca khúc ‘Người em sầu mộng’ . Theo tác giả thì ca khúc này nhạc sỹ Y Vân sáng tác vào thập niên 1980. Thật ra nhạc phẩm này Y Vân phổ theo ý thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư và đã nổi tiếng qua tiếng hát Sỹ Phú từ trước 1975. Theo bản nhạc mà [dongnhacxua.com] sưu tầm được thì bản nhạc này đã được Diên Hồng phát hành năm 1963 tại Sài Gòn.

Theo hiểu biết của chúng tôi, những ngày còn ở Hà Nội (trước năm 1952), chàng trai trẻ Trần Tấn Hậu có đi dạy nhạc cho một người con gái có tên là Tường Vân, con của gia đình quyền thế thời Pháp thuộc. Không biết chuyện tình cảm giữa nhà nhạc sỹ và nàng Tường Vân sâu đậm đến mức nào mà sau này khi bước vào sự nghiệp sáng tác, ông lấy nghệ danh là Y Vân, tức “yêu Vân”. Nghe nói sau đó nàng Tường Vân qua Pháp và Y Vân cũng có vợ con đề huề nên  chuyện ngày xưa chắc chỉ còn là kỷ niệm.

Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

nguoi-em-sau-mong--2--y-van--luu-trong-lu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com nguoi-em-sau-mong--3--y-van--luu-trong-lu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

[footer]

Rừng chưa thay lá (Huỳnh Anh – Hoàng Ngọc Ẩn)

Như chúng ta đã biết, nhạc sỹ Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ trên dưới 20 bản. Sau năm 1975, khi ra định cư ở Mỹ, nhạc sỹ càng sáng tác ít hơn. Theo [dongnhacxua.com] được biết thì trong hơn 30 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phố biến rộng rãi hai sáng tác là “Rừng chưa thay lá” phổ bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn và “Thành phố sương mù”. Theo chúng tôi còn nhớ thì “Rừng chưa thay lá” được Huỳnh Anh sáng tác vào khoảng năm 1981 và sau hơn 30 năm thì giai điệu bolero ngọt ngào của ca khúc này vẫn còn ngân nga trong lòng người yêu nhạc.

Có một điều thú vị mà nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng đã có lần tâm sự là khi đọc qua bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn thì ngay lập tức giai điệu đã hình thành trong đầu ông và khi phổ nhạc ông đã giữ nguyên toàn bộ bài thơ.

Ảnh bìa nhạc: CungChoiNhac.com

BÀI THƠ “RỪNG LÁ THAY CHƯA” CỦA HOÀNG NGỌC ẨN
(Nguồn: DacTrung.net)

Anh đi rừng chưa thay lá 
Em về, rừng lá thay chưa? 
Phố cũ bây chừ xa lạ 
Hắt hiu đợi gió giao muà! 

Xuân xưa mình chung đôi bóng 
Xuân này mình ngóng trông nhau 
Hun hút phương trời vô vọng 
Nhớ thương bạc trắng mái đầu! 

Em có về qua phố cũ 
Phố phường chừ đã đổi thay 
Thương em nửa đời hoang phế 
Thương ta chịu kiếp lưu đày! 

Xuân nay mình em lẻ bóng 
Có còn tiếc nhớ xuân xưa 
Dài tay đếm từng nhung nhớ 
Em ơi! Chờ gió giao muà…. 

[footer]

Tháng Sáu Trời Mưa (Hoàng Thanh Tâm)

Chiều nay trời Sài Gòn mưa. Mưa tháng sáu. [dongnhacxua.com] chợt nhớ đến ‘Tháng Sáu Trời Mưa’, một nhạc phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyên Sa đã đi vào lòng người hơn 20 năm qua. Thế nhưng giới yêu nhạc dường như vẫn còn đôi chút ngộ nhận về tác giả của ca khúc này: Ngô Thụy Miên hay Hoàng Thanh Tâm? Thật ra cả hai nhà nhạc sỹ đều phổ bài thơ này: sáng tác của Ngô Thụy Miên hoàn thành năm 1984, còn đứa con tinh thần của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987. Gần như tất cả những bản thâu âm ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ mà chúng ta nghe được cho đến ngày hôm nay là nhạc phẩm của Hoàng Thanh Tâm. Bắt đầu với tiếng hát của Thái Hiền, ái nữ của nhạc sỹ Phạm Duy, ngày nay có thể nói không ngoa là hầu hết các ca sỹ thành danh đều đã từng một lần góp tiếng vào giai điệu đẹp của ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ do Hoàng Thanh Tâm sáng tác vào một buổi chiều mưa tháng 06/1987 ở Canberra, Úc Châu.

Photo: Hoàng Thanh Tâm. http://profiles.google.com/116891841792309466525

Nghe ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ khác qua nét nhạc Ngô Thụy Miên với tiếng hát Hải Lý

TÂM SỰ CỦA HOÀNG THANH TÂM VỀ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’
(Nguồn: Hoàng Thanh Tâm Blog)

Đây là bản tình ca đã gắn liền với cuộc đời sáng tác của tôi. Và cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận nhất! Vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của bài hát này.
Năm 1987, khi vẫn còn sinh sống tại thủ đô Canberra ở Úc. Một buổi chiều cuối tuần tháng sáu êm ả, tôi lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library), và bất ngờ tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, quy tụ những bài thơ tình tôi và những bạn trung học Pétrus Ký đã chuyền tay nhau trong lớp để cùng đọc…
Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức tôi, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời áo trắng sân trường. Tôi đã photocopy bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa trong tập thơ và mang về nhà để nghiền ngẩm.
Trong niềm cảm xúc dâng trào của đêm mưa tháng sáu tại Canberra, từ trong căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân(Bedsitter) ở O’Connor, tôi đã trải lòng mình bằng những note nhạc chứa chan kỷ niệm của một thời niên thiếu, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa, để rồi từ đó, tình khúc “THÁNG SÁU TRỜI MƯA” đã ra đời…
Photo: Hoàng Thanh Tâm Blog.

Nhạc phẩm này nằm trong Album tình ca HOÀNG THANH TÂM 2, gồm 12 tình khúc mang chủ đề: “KHÚC NHẠC SẦU CHO EM”, phần hòa âm & phối khí của nhạc sư Lê Văn Thiện, do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1987.

Theo một thông lệ bất thành văn, những nhạc phẩm nổi tiếng thường thường phải được những ca sĩ hàng đầu và tên tuổi lừng lẩy như : Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc vv… thâu âm ĐẦU TIÊN.
Thật may mắn cho tôi, dù Thái Hiền không phải là một ca sĩ đang ăn khách lúc đó, nhưng cô đã giúp tôi chắp cánh cho bài hát bay thật xa, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, để trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
 

BÀI THƠ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’ CỦA NGUYÊN SA
(Nguồn: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2442)

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn

Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận

Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu

ĐÔI NÉT VỀ HOÀNG THANH TÂM
(Nguồn: Wikipedia)

Hoàng Thanh Tâm là tên thật của nhạc sĩ, ông tự học nhạc qua sách vở, và đã biết sử dụng đàn guitar thành thạo từ nhỏ. Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” của thi sĩ Nguyễn Bính, và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký[3], nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai và được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979.

Ông đã theo học ngành Tin học (L’informatique) 3 năm tại trường Đại học Tự do Bruxelles và một lần nữa ông lại di cư sang Úc Đại Lợi vào năm 1982, và định cư luôn tại Úc cho đến bây giờ…

Trong 3 năm ở Bruxelles, Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của ông, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người. Điển hình là những nhạc phẩm như : “Trả Lại Thoáng Mây Bay”, “Đêm Tha Hương”, “Dáng Xưa”, “Xuân Mơ”, “Đêm Hoàng Lan” (phổ thơ Trần Dạ Từ), “Lời Cho Người Tình Xa”, “Tìm Em” vv…

Nhạc phẩm đầu tay ông viết tại hải ngoại là nhạc phẩm “Trả Lại Thoáng Mây Bay” đã được ca sĩ Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc “Thu Hát Cho Người” do chính Lệ Thu thực hiện năm 1982.

Qua Úc năm 1982, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sống 6 năm đầu tại thủ đô Canberra. Trong thời gian này, ông có rất nhiều hứng khởi sáng tác, và đã tiếp tục viết rất nhiều tình khúc, cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời tiền chiến và cận đại như “Tháng Sáu Trời Mưa” & “Cần Thiết” của Nguyên Sa, “Áo Trắng” & “Buồn Đêm Mưa” và “Tự Tình” của Huy Cận, “Ngập Ngừng” (Em Cứ Hẹn) của Hồ Dzếnh, “Đây Thôn Vỹ Dạ” và “Giọt Lệ Tình” của Hàn Mặc Tử, “Một Mùa Đông” của Lưu Trọng Lư, “Đêm Trăng” của Xuân Diệu, “Một Tháng Giêng” (Đêm Hoàng Lan) và “Tình Tự Mưa” của Trần Dạ Từ, hoàn chỉnh thi phẩm “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính vv…

Sau khi qua Mỹ năm 1986 để thực hiện album đầu tay “Lời Tình Buồn” và album thứ hai “Khúc Nhạc Sầu Cho Em” năm 1987 do trung tâm Giáng Ngọc của Lê Bá Chư phát hành, ông trở về Úc và chuyển về sinh sống ở Sydney năm 1988.

Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện album thứ 3 “Tháng Sáu Trời Mưa” với trung tâm Diễm Xưa của chị Thái Xuân, Hoàng Thanh Tâm gặp lại nhà thơ Nguyên Sa và Du Tử Lê, và sau đó đã trở về Úc với thi sĩ Du Tử Lê để ra mắt đêm thơ & nhạc Du Tử Lê & Hoàng Thanh Tâm tại 2 thành phố SydneyMelbourne. Từ mối thâm giao đó, Hoàng Thanh Tâm đã cho ra đời 3 tình khúc phổ từ 3 thi phẩm của thi sĩ Du Tử Lê gồm :

  • Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi” (Hạnh Phúc Buồn)
  • Còn Thơm Tay Quý Phi” (Tay Ngọc)
  • Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di” (Kinh Tình Yêu)

Những nhạc phẩm này đều có mặt trong album thứ 4 và thứ 5 của Hoàng Thanh Tâm do trung tâm Giáng Ngọc và Làng Văn phát hành năm 1993.

Sau những hoạt động văn nghệ không ngừng nghỉ tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã mở một trung tâm băng nhạc tại Sydney lấy tên là Hoàng Thanh Tâm Enterprises, và làm đại diện cho trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng tại Úc Châu đến năm 2002 [4]. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm hiện đang định cư tại Sydney, Úc Châu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương, Hoàng Thanh Tâm luôn mang một nỗi ám ảnh về một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của ông như :

Tình Ca Người Xa Xứ” , “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc” vv….

Qua những quá trình đóng góp công sức tim óc của nhạc sĩ Hoàng thanh Tâm cho nền âm nhạc ở hải ngoại suốt hơn một phần tư thế kỷ, và đã để lại một số lượng không nhỏ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người Việt ở trong nước cũng như tại hải ngoại, thi sĩ Du Tử Lê đã ưu ái tặng cho người nhạc sĩ họ Hoàng danh hiệu “Con tiểu Phượng Hoàng của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại” [5].

[footer]

Mộng dưới hoa (Phạm Đình Chương – Đinh Hùng)

Phạm Đình Chương | Đinh Hùng || 17/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (tức ca sỹ Hoài Bắc)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng tân nhạc Việt Nam – đây tôi không có tham vọng trình bày về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng v,v…, ông bèn âm ư nho nhỏ trong miệng, rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy.

Khi phần nhạc đã hoàn chỉnh thì chỉ có một số lời thơ được giữ nguyên văn, ngoài ra chính ông và thi sĩ Đinh Hùng đã gọt giũa lại rất nhiều. Đến phần điệp khúc, thì cấu trúc của bản nhạc lại thay đổi, không thể dùng 7 chữ được vì chỉ có 6 nốt, nên ông đã yêu cầu Đinh Hùng đặt lời mới cho đoạn đó. Dĩ nhiên công việc này không quá khó khăn với nhà thơ và cũng có phần đóng góp của chính Phạm Đình Chương. Từ đó hai đoạn điệp khúc 6 chữ đã được lồng vào giữa bài hát, một cách rất khéo léo, tự nhiên và nhất quán, nghĩa là vẫn giữ được không khí rất lãng mạn và cổ điển của bài thơ.

Nhớ lại hồi còn ở trong nước, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, vợ chồng tôi đều đến phòng trà Đêm Màu Hồng để nghe ban Thăng Long trình diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe chính tác giả bài hát này. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi.” Nói xong câu đao ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.

Có thể nói bài hát Mộng Dưới Hoa là một hòa hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc của hai người bạn và cũng là hai thiên tài về thi ca và âm nhạc của chúng ta. Đây cũng là một trong những bản tình ca tuyệt đẹp của nền tân nhạc Viêt Nam.

Nguyễn Đình Cường

(VĂN NGHỆ Magazine số 7-2001 – Nguồn: HocXa.com)

Nguyên bản bài thơ: Tự Tình Dưới Hoa

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng.
Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay,
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ,
Nửa như hoài vọng, nửa như say.
Em đến như mây, chẳng đợi kỳ,
Hương ngàn gió núi động hàng mi.
Tâm tư khép mở đôi tà áo,
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi.

Em muốn đôi ta mộng chốn nào?
Ước nguyện đã có gác trăng sao.
Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý,
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào.
Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ,
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Dành riêng em đấy. Khi tình tự,
Ta sẽ đi về những cảnh xưa.
Rồi buổi ưu sầu em với tôi,
Nhìn nhau cũng đũ lãng quên đi.
Vai kề một mái thơ phong nguyệt,
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.

Bìa nhạc: vianhem.com

 

[footer]