Tượng đài nào dành cho Thái Thanh? (Việt Lang)

[dongnhacxua.com] vừa nhận được bài viết của tác giả Việt Lang từ trang www.casithaithanh.wordpress.com. Trên tinh thần tôn trọng thông tin đa chiều, chúng tôi xin cảm ơn tác giả và đăng bài viết này.

TƯỢNG ĐÀI NÀO DÀNH CHO THÁI THANH
(Nguồn: tác giả Việt Lang gởi từ www.casithaithanh.wordpress.com)

Ca sỹ Thái Thanh. Ảnh: https://casithaithanh.wordpress.com/
Ca sỹ Thái Thanh. Ảnh: https://casithaithanh.wordpress.com/

Gần như đất nước nào cũng có một hình tượng nữ danh ca để đại diện cho dân tộc mình. Không dám chạm đến từ “diva” vì nó đã bị lạm dụng và có thể khiến mỗi người nghĩ đến một khía cạnh khác nhau: thành công về mặt thương mại, về mặt số lượng khán giả, v.v…. Xin chỉ chú tâm về những nữ ca sĩ được đất nước họ xem như di sản văn hóa. Nước Pháp có Edith Piaf, Bồ Đào Nha có Amalia Rodrigues, đảo quốc Cape Verde có Cesaria Evora, Mỹ có Billie Holiday. Chắc chắn trước và sau họ đã có những giọng ca nữ khác kiếm ra nhiều tiền hơn, có nhiều khán giả hơn, nhưng lại chẳng có được cái địa vị của một giọng ca đã đi vào lịch sử dân tộc như họ. Họ có những điểm gì chung?

Trước hết phải là khả năng ca hát xuất chúng, nhưng nổi bật nhất vẫn là bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, từ trong cách phát âm ngôn ngữ đến nhạc tính, nhất nhất đều rất tiêu biểu cho quê hương họ. Một yếu tố nữa, đó là cuộc đời và âm nhạc của họ đều trải qua và phản ảnh nhiều giai đoạn thăng trầm, đau đớn của đất nước,“khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Thái Thanh đã hội đủ cả ba điều kiện trên. Bà lớn lên trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều hát và đàn nhiều nhạc cụ dân tộc, như Phạm Duy đã viết trong hồi ký và cả chính Thái Thanh cũng đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê: “Mẹ tôi chơi đàn tỳ bà hay lắm, cho nên cái chất dân ca nó ngấm vào mình từ lúc còn nhỏ.” Bà diễn được cái hồn của những bài ca nhuộm màu dân ca như Đố Ai, Nụ Tầm Xuân, Hội Trùng Dương…. đã đành, mà khi tiếp xúc với những dòng nhạc mới hơn như Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Nghe những tàn phai…. bà đã “dân tộc hóa” chúng bằng cách nhấn nhá, luyến láy rất Việt Nam. Được nuôi dưỡng bằng những điệu dân ca của cha mẹ từ thời thơ ấu ở Hà Nội, bắt đầu ca hát trước khán giả trong chiến khu trong những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, trở thành giọng ca đắt giá nhất ở Sài Gòn hoa lệ thập niên 50, 60, 70, tắt hẳn trong suốt 10 năm(1975-1985), cuối cùng sống lưu vong ở Mỹ và ca hát trong niềm thương nhớ quê mẹ suốt hơn 10 năm trước khi giải nghệ khi mái tóc đã bạc trắng. Thái Thanh sống cuộc đời của nhiều triệu khán giả và hát lên nổi lòng của nhiều thế hệ.

Những Edith Piaf, Amalia Rodrigues, Cesaria Evora đã nghiễm nhiên đi vào lòng của đại đa số khán giả của đất nước họ. Thái độ của thế hệ trẻ của Pháp, Bồ Đào Nha, Cape Verde và Mỹ cho ta thấy họ đã và sẽ là một hình tượng được tôn thờ và bất tử. Riêng hoàn cảnh của Thái Thanh thì dường như vẫn còn có một cái gì đó bấp bênh, mơ hồ vì Thái Thanh không có được sự liên tục trong các thế hệ khán giả như các “diva” kia. Suốt thời kỳ chiến tranh 1954-1975, một nửa đất nước ở phía Bắc không hề được tiếp xúc với giọng ca Thái Thanh. Sau chiến tranh thì một số đông khán giả thượng lưu và trung lưu cũ của miền Nam đã di tản ra nước ngoài. Tại đây, con cháu họ trong thập niên 80, 90 chỉ làm quen với những ca sĩ với lối phát âm, có thể vô tình, có thể cố ý, lơ lớ hoăc điệu đàng đến độ họ tạo ra một tiêu chuẩn mới trong âm nhạc: phát âm hời hợt và ca xướng với mục đích tạo ra âm thanh êm dịu, không đòi hỏi sự suy tư hay tập trung tư tưởng. Trong nước thì nhạc vàng bị cấm một thời gian dài . Thái Thanh bặt tiếng và trở thành tàng hình trong suốt 10 năm sau 1975. Vậy là một thập niên của sự nghiệp của bà bị lãng phí. Đau đớn nhất là các tài liệu, băng đĩa, chương trình biểu diễn của bà trên truyền hình đều đã bị thiêu hủy.

Ta tự hỏi trong vài chục năm nữa, có thể lớp khán giả mới của Việt Nam, sau khi đã chán chê với những y phục gợi cảm, vũ đoàn hoành tráng, với những của giai điệu khi Hàn, khi Hoa, khi Mỹ, sẽ suy tư thế nào về di sản ca nhạc thế kỷ 20 của Việt Nam? Có ai sẽ nhận ra Thái Thanh là gương mặt tiêu biểu và đương nhiên ? Nhưng dẫu cho Thái Thanh, vì hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, chẳng bao giờ đạt được cái tượng đài đó trong lòng đại chúng, chắc chắn sẽ có người này, kẻ nọ, trong 20, 30 năm nữa, sẽ vô tình lật lại những ca khúc và trang sử của thế kỷ 20. Rồi họ sẽ thốt lên.: “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo” (1) để rồi lại chùng giọng “trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi” (2). Và có lẽ Thái Thanh cũng cần “Chỉ chừng đó thôi” (3).

(1) Ca khúc Mùa Thu Chết (Phạm Duy)
(2) Ca khúc Ngày đó chúng mình (Phạm Duy)
(3) Chỉ chừng đó thôi (Phạm Duy)

[footer]

Hà Thanh – Một cõi đi về

[dongnhacxua.com] rất hân hạnh nhận được một email khá thú vị của tác giả Việt Lang gởi từ website casihathanh.wordpress.com. Để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin về nữ ca sỹ Hà Thanh, chúng tôi xin mạn phép đăng bài viết này:

Từ khi ca sĩ Hà Thanh định cư tại Mỹ, và nhất là ngay sau khi cô qua đời, các chương trình văn nghệ và phương tiện truyền thông đều phổ biến rộng rãi những ca khúc phổ quen thuộc nhất của cô qua các đề tài về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông. Lý do thì rất dễ hiểu: dòng nhạc về Huế có sức thu hút rất mạnh đối với khán giả hải ngoại, và dòng nhạc Nguyễn Văn Đông cũng được hồi sinh do nó thường nhắc đến những người lính chiến VNCH qua lăng kính lãng mạn, thay vì thù hận hoặc chính trị. Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự thành công rất đặc biệt của ca sĩ Hà Thanh trong hai dòng nhạc ấy. Tuy vậy. chỉ dừng lại ở đó cũng sẽ khá thiệt thòi cho một nghệ sĩ đã từng được sự quan tâm đặc biệt suốt thập niên 60 và đầu thập niên 70 nhờ vào tài năng đa dạng, vượt qua cả những ranh giới địa lý và xã hội.

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com

Thật vậy, nếu ta nhìn lại cả sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh khi còn ở trong nước, sẽ thấy ngay số lượng ca khúc về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông không phải là đa số, nếu không muốn nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một tiếng hát đã vượt qua không gian bé nhỏ của cố đô Huế để sánh vai với các giọng ca lừng lẫy khác của Sài Gòn, ắt hẳn phải là một tài năng thật sự. Ca sĩ Kim Tước đã ghi nhận điều này như sau: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”

Tôi chợt nghĩ đến số lượng rất lớn những tình ca thính phòng rất thành công của Hà Thanh đã khiến cô trở thành một cộng tác viên thường xuyên cho Ban nhạc hòa tấu Tiếng Tơ Đồng, hoặc các chương trình rất trí thức như Phạm Mạnh Cương hoặc Tiếng Nhạc Tâm Tình của ca sĩ Anh Ngọc và sau cùng là Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ca sĩ Hà Thanh đã biến nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Đoàn Chuẩn, Văn Cao thành những dấu ấn của riêng mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ như Nhất Tuấn, Hồng Vân đã đồng ý rằng Hà Thanh có lối hát nhẹ nhàng nhưng sáng tạo trong kín đáo . Điều này có thể được minh họa qua hai ca khúc

Tưởng Vọng (Y Vân) 

và Mưa Gió Đầu (Hoàng Trọng) mà Hà Thanh trình bày với ban nhạc hòa tấu vào thập niên 60. 

Qua chúng, ta nhận ra là trong vẻ đẹp thanh tao của tiếng hát mình, Hà Thanh không hề yếu đuối hoặc làm dáng một cách máy móc. Giọng ca của cô tuy rất nữ tính, nhưng vẫn tuôn ra những cảm xúc và sáng tạo, tự tin khi phải xướng âm với những dàn nhạc qui mô và lối hòa âm rất hàn lâm.

Trong những năm tháng về sau ở hải ngoại, khi tuổi đời đã cao, giọng ca Hà Thanh trầm hơn và dày hơn. Những cảm xúc trong giọng hát của cô cũng theo đó mà nức nở và thuyết phục hơn. Xin được dẫn chứng bằng một dòng nhạc mà ít ai nghĩ đến khi nhắc đến Hà Thanh, đó là những bài hát của Trịnh Công Sơn. Thật ra nếu theo dõi kỹ, dòng nhạc Trịnh không hẳn là xa lạ với giọng hát Hà Thanh. Cô đã từng thâu những ca khúc như Biển Nhớ, Hạ Trắng, Thương Một Người vào đĩa nhựa 45 vòng ở miền Nam. Hai ca khúc sau đây, tuy hòa âm sơ sài, nhưng may mắn đã được đền bù bởi chất giọng soprano và sự diễn tả nhiều màu sắc của Hà Thanh.

Cố ca, nhạc sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận định:“Vì thính giả chỉ thích những bài đậm sắc địa phương, tiếng hát Hà Thanh không có cơ hội bay xa hơn, vươn rộng hơn nữa… “. Sự đa dạng trong cảm xúc và lạ lẫm trong chất giọng đã tạo ra “một cõi đi về ” khá đặc biệt cho Hà Thanh trong lòng khán giả miền Nam trong nhiều chục năm qua. Hy vọng những người yêu nhạc sẽ cùng nhau ôn lại những thành công đa dạng trong âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh để thấy rằng cô không chỉ là một ca sĩ của xứ Huế mà là một ca sĩ của cả vòm trời âm nhạc Việt Nam.

[footer]