Đoàn Chuẩn – Lần Chuyển Bến Cuối Cùng

Tiếp nối dòng nhạc về mùa thu, sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, người được xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép giới thiệu bài viết của nhà báo – nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha để giới yêu nhạc có thêm thông tin về Đoàn Chuẩn.

Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn - Từ Linh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

la-do-muon-chieu--1--doan-chuan--tu-linh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com la-do-muon-chieu--2--doan-chuan--tu-linh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com la-do-muon-chieu--3--doan-chuan--tu-linh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

ĐOÀN CHUẨN – LẦN CHUYỂN BẾN CUỐI CÙNG 
(Nguồn: bài viết của nhà báo – nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đăng trên DacTrung.net)

Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: AmNhac.fm
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: AmNhac.fm

Nhìn ông nhỏ thó nằm trên chiếc giường có cảm giác như trên một con thuyền bồng bềnh trôi trên sóng nhạc của chính ông để lướt tới lần chuyển bến cuối cùng một đời người, một “tình nghệ sĩ” qua bao thăng trầm, buồn vui trên dương thế.

Không ít người nhầm tưởng những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn là “nhạc tiền chiến”. Nhưng thực sự đó là những tình khúc thời kháng chiến …
Hay nói cặn kẽ hơn, đó là những tình khúc kháng chiến nối mạch với nhạc tiền chiến.
Đoàn Chuẩn liền mạch về suy tưởng với nhạc tiền chiến nhưng lối đi giai điệu khác hơn, nhạc hơn, đỡ “hát thơ” hơn nhạc tiền chiến khá nhiều.
Lợi thế làm ra sự độc đáo ở giai điệu Đoàn Chuẩn là vì ông chính hiệu một nghệ sĩ biểu diễn guitar Hawaii “xịn”.

Chiếc đàn guitar Hawaii (thời ấy thường gọi là đàn Hạ – Uy – Di) với lối trình tấu vuốt, lướt thả sức trên những cung quãng rộng chính là một cánh cửa ân ái mở vào thế giới nhạc blue.

Nhiều ca sĩ hát nhạc jazz hiện nay chọn hát Đoàn Chuẩn không phải là vô căn cứ.

Đóng góp của Đoàn Chuẩn thật khiêm nhường nhưng vừa mộng mị, vừa chân thành. Vừa thân thuộc vừa lạ lẫm. Có lẽ nhờ cái riêng đó, cùng tính khiêm nhường, Đoàn Chuẩn có nhiều tri kỷ.

Ông nằm đấy mà khơi dậy bao kỷ niệm chia sẻ với Văn Cao. Khi thì là những chén “cuốc lủi” suông ở nhà Văn Cao 108 Yết Kiêu. Khi thì cùng đôi lát bít-tết nóng hôi hổi với vài mẩu bánh mì do bà Đoàn Chuẩn “sắp bữa” ở nhà ông số 9 Cao Bá Quát…

Đoàn Chuẩn rất giống Tô Hoài ở cái “đức” uống rượu. Chỉ ngửa cổ làm một hơi, một chai như không. Làm một hơi rượu “cuốc lủi” và hút thuốc lá Thăng Long không đầu lọc là cá tính riêng của Đoàn Chuẩn khi cơ hàn cũng như lúc xênh xang đều như vậy.

Ông nằm đấy mà chiều đầu đông ngoài kia “sao dâng nhanh màu tím”. Và mây nữa, cũng đang “bay theo nhau về bến”. Tay sào đã cắm tự cuối thu rồi !

Hình như thấp thoáng ở bờ bên kia, Văn Cao và Trịnh Công Sơn đang ngồi đối tửu chờ ông. Còn ở bờ bên này chiều nay, biết bao “cố nhân xa rồi” đang hát trong nước mắt những giai điệu của ông. Biết bao những Thanh Hằng, Khánh Ly, Cẩm Vân, ánh Tuyết… đang chín vàng trong thương tiếc khôn nguôi ngổn ngang những phương trời cách biệt.

Ông vẫn bồng bềnh “tìm hướng cho lòng tìm bến mơ”. Hình như có tiếng hát Lê Dung vọng từ bờ bên kia đẩy đưa lần “chuyển bến” cuối cùng này tới đích nhanh hơn. Và đầu đông đã se lạnh. Và “lá úa phải chăng là nước mắt người đi”?

Xin vĩnh biệt ông – người đồng hương Hải Phòng yêu mến !

Nguyễn Thụy Kha

[footer]

Gửi người em gái miền nam (Đoàn Chuẩn – Từ Linh)

Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)từ hơn 50 năm qua đã được giới yêu nhạc xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Với những ‘Thu quyến rũ’, ‘Gởi gió cho mây ngàn bây’ hay ‘Tà áo xanh’, v.v. danh xưng này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng trong số trên dưới 20 đứa con tinh thần, nhà nhạc sỹ đã cho ra đời ‘đứa con út’ như là một ‘sáng tác cho mùa Xuân’. Hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản ‘Gửi người em gái miền Nam’, sáng tác vào mùa xuân 1956.

Xung quanh bản nhạc này có nhiều điều đáng để nói….

Đầu tiên là tựa của bài hát là ‘Gửi người em gái miền Nam’ chứ không phải là ‘Gửi người em gái’ như rất nhiều ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc vẫn nhầm lẫn.

Điều thứ hai là ca từ của bài hát gốc đã bị làm sai lệch rất nhiều, đến độ đã làm sai hoàn toàn ý tứ ban đầu mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gởi gắm. Nguyên nhân chính có lẽ là do ngày đó bản này đã bị chính quyền miền Bắc khi đó không cho lưu hành rộng rãi và bằng một cách nào đó, bản này lại được phổ biến ở miền Nam. Và một điều tất yếu là do yếu tố khách quan lẩn chủ quan, ca từ của ‘Gửi người em gái miền Nam’ đã bị biến dạng khá nhiều.

Điều thứ ba là chính bản này khi đó được xem như đi ngược lại ‘định hướng’ sáng tác của chính quyền miền Bắc nên đã gây không ít khó khăn cho bản thân người sáng tác là nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng như những người đã hát. 

Trước thềm năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén nhang sưởi ấm linh hồn nhạc sỹ Đoàn Chuẩn miền cực lạc và chúc quý vị xa gần một mùa Xuân đầm ấm.

CA KHÚC ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’ CỦA ĐOÀN CHUẨN – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ
(Nguồn: tác giả Vu Le Nguyen đăng trên YouTube.com)

SỰ NHẦM LẪN LỜI CA ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’
(Nguồn: tác giả Đỗ Văn Thiện đăng trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo)

ĐỖ VĂN THIỆN: “Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết. 

Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com
Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com

Một trong những người đầu tiên hát bài “Gửi người em gái miền Nam” là tài tử Ngọc Bảo. Ông đã bỏ ra hàng tháng luyện tập bài hát này, đến nỗi chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. Chính vì thế nên có thể tin rằng phần lời bài hát mà tài tử Ngọc Bảo thể hiện là do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết từ đầu.

Và đây là nội dung của ca từ:

1. Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.

Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều
Cả … tình yêu!

Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời ta hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!

Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

Đặc biệt là phần 2 của bài hát.

Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.

Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân”mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.

Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương
Mắt huyền rộn ý yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Ôi, tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng
Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ
Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi trên hai vai
Nhìn xác pháo bên thềm
Gợi lòng tôi nhớ tới người em …

Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.

Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.

Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?

[footer]

Đoàn Chuẩn – nhạc sỹ của mùa thu

Đoàn Chuẩn | Từ Linh || 20/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

([dongnhacxua.com]) Dù sáng tác không nhiều (khoảng 20 bản hoặc ít hơn) nhưng Đoàn Chuẩn (viết riêng hay viết chung với Từ Linh để thành Đoàn Chuẩn – Từ Linh) được xưng tụng là “nhạc sỹ của mùa thu trong tân nhạc Việt Nam”. Điều này thể hiện qua hai yếu tố: hầu hết sáng tác của Đoàn Chuẩn – Từ Linh là về mùa thu hoặc có liên quan đến mùa thu và nhất là những nét nhạc ấy quá xuất sắc đã vẽ nên một nét “thu quyến rũ” rất đặc trưng Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin trích đăng lại một bài của tác giả Lê Hữu trên trang HocXa.com

Tôi thực tình không rõ là “mầu xanh ái ân” trong câu hát “Có mầu nào không phai như mầu xanh ái ân…” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh (ĐC-TL) có đúng là không hề phôi phai cùng năm tháng; thế nhưng, tôi biết chắc một điều là hình ảnh tà áo màu xanh thắm cùng những nét nhạc trữ tình ấy thật khó mà phai mờ trong tâm tưởng của rất nhiều người. Tôi cũng không rõ là cảnh trí mùa thu đất Bắc đã quyến rũ ĐC-TL đến đâu để viết nên câu hát “Mùa thu quyến rũ anh rồi”; thế nhưng, tôi biết một điều khá rõ ràng là những bản tình ca mùa thu thật êm dịu của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy đã thực sự quyến rũ biết chừng nào những người yêu nhạc của hơn một thế hệ.

Tuổi trẻ tôi ngày ấy, cho dù chỉ ở vào lứa tuổi mới biết yêu thôi, cũng đã từng có những phút giây để lòng mình lắng xuống, thả hồn vào thế giới âm nhạc lãng đãng của những sáng “mong chờ mùa thu”, của những “phong thư ngào ngạt hương”, của những “xác pháo bên thềm tản mác bay” và những mối tình dở dang hẹn “chờ nhau đến kiếp nào…”

HAI CHÀNG NGHỆ SĨ, MỘT MỐI TÌNH THU

Đoàn Chuẩn (trái) và Từ Linh thời trẻ. Photo: chungta.com

Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai là người thực sự đã viết nên những khúc nhạc tình làm rung động trái tim người nghe ấy? Hai người cùng viết chung hay chỉ một người viết (người kia chỉ đứng tên cho vui vậy)? Bài nào viết chung, bài nào viết riêng? Bài nào của người này mà không phải của người kia? Tại sao cũng bài nhạc ấy, khi thì ghi tên người này, khi lại ghi tên người khác? Người này viết nhạc, người kia viết lời, có phải vậy?… Những câu hỏi không có lời giải đáp hoặc có những lời giải đáp không giống nhau (của những người tự nhận quen biết tác giả hoặc am hiểu chuyện ấy).

Trong số những nhạc phẩm của ĐC-TL được các nhà phát hành nhạc Tinh Hoa và An Phú in lại ở miền Nam trước năm 1975, hai cái tên này có khi được tách riêng, chẳng hạn “Tà áo xanh”, “Lá thư”, “Lá đổ muôn chiều” được ghi là của Từ Linh, “Chuyển bến” được ghi là của Đoàn Chuẩn. Không rõ các nhà phát hành ấy đã dựa trên những căn cứ nào để đánh rơi một trong hai cái tên, và chứng cứ ấy liệu có xác thực(?).

 Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên một tờ báo ở trong nước (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 10/1995), nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết là ông đã ký tên ĐC-TL cho bài nhạc đầu tiên của ông. (Từ Linh là em một người bạn khá thân của ông Đoàn Chuẩn. Ông rất quý mến cậu em này và xem như bạn vậy). Bài nhạc ấy và cái tên ấy được nhiều người yêu thích, và thế là từ đấy về sau ông cứ ký tên chung như vậy cho những bài nhạc tiếp theo.

Tôi cũng được trông thấy ông Đoàn Chuẩn trong một băng ghi hình (năm 1997), và người ta cũng hỏi ông những câu hỏi nhiều người muốn biết. Tiếc rằng ông không thể trả lời được. Giọng nói của ông khi ấy chỉ còn là những lời thều thào một cách khó khăn, và chân trái ông bị liệt vì chứng áp huyết cao (bà Đoàn Chuẩn cho biết như vậy). Người trả lời thay cho ông là bà vợ yêu quý, có khuôn mặt và dáng vẻ phúc hậu, cho biết là “Tất cả những bài nhạc ông Chuẩn làm, thường là ông và chú Từ Linh vẫn có trao đổi với nhau”, mà không giải thích rõ “trao đổi” nghĩa là sao (bàn soạn, đặt lời, góp ý, nhận xét phê bình, khen chê hay dở, đề nghị thêm bớt, sửa đổi…?). Chữ nghĩa của người miền Bắc đôi lúc không dễ hiểu. Về “nhân vật” Từ Linh (ngoài vài tấm ảnh đen trắng mờ mờ chụp chung với Đoàn Chuẩn thuở cả hai còn phong độ, đến nay vẫn cứ là dấu hỏi lớn), bà Đoàn Chuẩn cũng không cung cấp thêm được tin tức mới mẻ nào, ngoài việc cho biết hai chàng nghệ sĩ này là đôi bạn tri kỷ, vẫn thường hàn huyên tâm sự rất là tương đắc, có khi hàng giờ không biết mệt, và “Ngày chú Từ Linh mất, ông Chuẩn có ở cạnh giường cho đến lúc chú ấy đi…”

Có vẻ bà Đoàn Chuẩn cũng không biết gì nhiều lắm về sự nghiệp sáng tác của ông chồng mình nên chỉ tiết lộ qua loa một vài điều (mà nhiều người cũng đã biết), chẳng hạn ông Đoàn Chuẩn rất là say mê âm nhạc, lúc nào cũng kè kè cây đàn bên cạnh, và “Tình nghệ sĩ” là sáng tác đầu tay từ thuở ông còn cắp sách đến trường. Bà cũng thổ lộ rằng “Không để ý lắm đến những bài nhạc ông Chuẩn làm”, và mãi đến năm 1987, khi nhạc Đoàn Chuẩn được cho phổ biến lại ở trong nước, bà mới có cơ hội được… thưởng thức đầy đủ những bài nhạc ấy.

Vậy thì Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, biết ai là ai đây? Cứ theo như lời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được ghi lại trong bài phỏng vấn ấy (nếu được ghi lại trung thực) và các câu trả lời của bà Đoàn Chuẩn (không được rõ ràng, đầy đủ lắm) thì có vẻ như là Đoàn Chuẩn (tên đầu trong cái tên ghép chung ấy), chứ không phải Từ Linh, nhiều phần là tác giả chính, là nhân vật chính đã viết nên những tình khúc nổi tiếng được nhiều người yêu nhạc biết đến dưới cái tên “Đoàn Chuẩn-Từ Linh”. Ông Từ Linh là người có “trao đổi”, có “tham gia” đôi chút vào việc biên soạn những tình khúc ấy… Từ Linh lại qua đời trước Đoàn Chuẩn (năm 1987, nghe đâu vì bệnh ung thư cổ). Người chết thì chịu không thể lên tiếng gì được, nên mãi đến nay người ta vẫn chẳng biết gì nhiều về ông, ngay cả chuyện ông có phải là nhạc sĩ, có biết soạn nhạc hay không, hoặc chỉ biết thưởng thức và bình phẩm về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của ông bạn Đoàn Chuẩn, nghĩa là chỉ khiêm tốn đóng vai Chung Tử Kỳ mà thôi. Thực hư thế nào, chẳng ai biết được!…

 Buồn thay và cũng trớ trêu thay, năm ông mất cũng là năm những nhạc phẩm của ĐC-TL được ký giấy phép cho phổ biến lại ở trong nước, vì thế không chắc là ông có đã dịp nào để nghe được những bài nhạc mà nếu ông không dự phần vào việc sáng tác thì cũng ít nhiều liên hệ. Ít ra thì Đoàn Chuẩn cũng may mắn hơn ông chút đỉnh (dù khá muộn màng) là “thân bại” nhưng “danh chưa liệt”, vào những năm tháng cuối đời còn được người đời đến gõ cửa xin phỏng vấn ít câu. Còn Từ Linh, vì ít có ai biết rõ về ông, cũng chẳng ai kịp phỏng vấn, hỏi han gì đến ông như là Đoàn Chuẩn nên ông không có được cơ hội nào để bộc lộ. Ông chỉ như chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh Đoàn Chuẩn.

Ngay đến những tin tức về năm tháng ông Từ Linh từ biệt cõi đời này cũng khá mơ hồ và không được đồng nhất, tin thì nói ông mất năm 1987, tin khác lại nói ông mất năm… 1992 (chênh lệch đến năm năm chứ ít sao!). Thành thử, ông Từ Linh này đến với cuộc đời thật âm thầm, mà ra khỏi cuộc đời cũng thật lặng lẽ, không ai biết chẳng ai hay!… Về những tin khác, chẳng hạn Từ Linh di cư vào Nam năm 1954 cũng chỉ là “nghe vậy thì biết vậy”, và nếu đúng như thế thì chắc phải có lý do gì đó mới khiến ông im hơi lặng tiếng kỹ như vậy, không muốn cho người đời biết mặt biết tên. Ông quả là con người nghệ sĩ có lai lịch rất mù mờ và đạt thành tích khá cao về mai danh ẩn tích.

Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai tài hoa hơn ai? Nếu chỉ căn cứ vào những tấm ảnh hai chàng chụp chung với nhau thời còn trai trẻ thì Đoàn công tử có nhiều phần đẹp trai hơn, nhưng chàng nào trông cũng có vẻ “nghệ sĩ đa tình” cả. Phong lưu hơn, chắc phải là Đoàn Chuẩn, vì chàng là công tử con nhà giàu. Thân mẫu chàng, góa phụ từ thời còn xuân sắc, một tay gây dựng cơ đồ, tạo được sản nghiệp lớn là hãng nước mắm “Vạn Vân” nức tiếng thời ấy (nghe chẳng có chút gì… văn nghệ và lãng mạn cả), vẫn được truyền tụng trong câu “Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Một trong những bài nhạc đầu tay của Đoàn Chuẩn, “Ánh trăng mùa thu” (nghe được qua giọng hát Thái Thanh), đã dành nguyên trang bìa sau của bản nhạc (1953) để quảng cáo hãng nước mắm Vạn Vân.

Chàng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn được nuông chiều hết mực và ăn xài rộng rãi, thả giàn. Một trong những cái thú chơi của chàng thời đó là sưu tập… xe hơi, một mình chàng có đến sáu bẩy chiếc ô-tô mới toanh. Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, “đã vài lần được trông thấy công tử họ Đoàn lái chiếc xe Ford mui trần kiểu Frégatte mầu trắng đi học đàn…” Cả Bắc kỳ thuở ấy chỉ có được hai chiếc bóng loáng thì chàng và ngài thủ hiến chia nhau mỗi người một chiếc, và chàng cũng lấy làm tự hào về điều đó lắm. (Chắc là chàng cũng ít nhiều tiếc nhớ thời vàng son ấy nên trong “Đường về Việt Bắc” mới có câu “Tiếc đời gấm hoa ta đành quên”). Chàng được nuôi cho ăn học đàng hoàng, không rõ có học tới nơi tới chốn, chỉ biết là môn học mà chàng say mê nhất là âm nhạc, và chàng cũng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm và hạ uy cầm. (Một trong những người thầy có uy tín của chàng là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả “Giáo đường im bóng”). Vừa đẹp trai, vừa con nhà giàu, lại vừa tài hoa lẫn phong lưu rất mực như vậy, chắc hẳn cánh “bướm đa tình” là chàng đã phải mặc sức mà “đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh” của Hà Thành hay thành phố Cảng, chứ đâu có lý nào chàng lại than thở “thuyền tình không bến đỗ người ơi” và thở than “đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”, nghe mà thảm sầu!…

Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ĐC-TL cũng khá khiêm tốn, được đâu khoảng chục bài nhạc, từ năm 1948 đến 1956, kể từ bài đầu tiên được trình làng là “Tình nghệ sĩ”, nhưng cũng đủ để lại những dấu ấn đậm nét và được người đời mãi nhắc tên. Có người còn kể thêm ra một danh sách cũng đến gần chục bài nữa, gọi là những sáng tác của Đoàn Chuẩn chưa hề được phổ biến, không rõ có đúng vậy và cũng chẳng biết đâu mà kiểm chứng. Thực ra ai cũng biết, điều đáng nói đâu có phải là ở số lượng, một chục hay mấy chục bài được viết ra, mà là những bài nhạc nào đã đến được và ở lại được trong lòng người yêu nhạc.

Tất nhiên, như hầu hết các nhạc sĩ sáng tác khác, không phải tất cả những bài nhạc ĐC-TL viết ra đều hay, đều là “tuyệt phẩm” như nhiều người vẫn gọi… Những bài như “Cánh hoa duyên kiếp”, “Gửi người em gái” (hay “Gửi người em gái miền Nam”)… tuy có hay nhưng nhạc điệu và lời hát cũng không sánh được với những bài trước đó. Điều rõ ràng là, sau ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời, người ta vẫn hay làm công việc giới thiệu lại những tình khúc gọi là “tiêu biểu” của hai ông, được hiểu là những bài hay nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất, những bài kể trên ít được nhắc đến… Ngoài những bài nhạc được phổ biến từ trước, những bài khác nữa nếu có, cũng ít người biết đến, ít được giới yêu nhạc chú tâm và tán thưởng.

Tôi có được nghe qua ít bài nhạc được giới thiệu là sáng tác của Đoàn Chuẩn những năm về sau này, qua giọng hát của vài ca sĩ tên tuổi, nhưng vẫn không nghe ra được cái xao xuyến, không bắt gặp được cái rung động “đoàn chuẩn-từ linh” như mỗi lần nghe lại những bài quen thuộc trước đó. Trong số những “tuyệt phẩm” ấy, có bài cả nhạc lẫn lời nghe qua thấy tầm thường, không thấy “Đoàn Chuẩn” đâu cũng chẳng thấy “Từ Linh” nào trong đó cả, tựa như những mặt hàng sản xuất được dán vào cái nhãn hiệu nhiều người ưa chuộng, nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy không đúng là mặt hàng mình yêu thích. Lại có những bài không rõ xuất xứ và người tìm ra nó có lẽ đã đánh rơi đâu mất cái tựa, nên phải gán cho nó cái tên khác, “Vĩnh biệt” hay “Xin vĩnh biệt” gì đó (ngụ ý đây là nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sĩ trước khi nhắm mắt xuôi tay). Sau đấy chắc thấy không ổn (bài hát được “phát hiện” là sáng tác năm 1953, còn quá sớm để… “vĩnh biệt”), bèn đổi ra cái tựa khác là “Bài ca bị xé” cho có vẻ… gay cấn, ly kỳ. Rồi sau đấy chắc nghe hơi… kỳ kỳ bèn đổi lần nữa là “Vàng phai mấy lá” cho có vẻ… Trịnh Công Sơn hơn (cũng từa tựa, gần gần với những “Vàng phai trước ngõ”, “Chiếc lá thu phai” của nhạc sĩ họ Trịnh), trong lúc ai cũng hiểu là thuở ấy làm gì có cái lối đặt tựa kiểu “Hoa vàng mấy độ”, “tóc xanh mấy mùa”… như thế. Nội dung bài hát vay mượn câu chuyện tình éo le ngang trái trong truyền thuyết xa xưa để giải bày nỗi niềm (vốn là sở trường của Phạm Duy, Văn Cao hơn là ĐC-TL)… Có vẻ như là các bài nhạc ra đời những năm về sau này chỉ với tên Đoàn Chuẩn không thôi (mà không có Từ Linh bên cạnh) không phải là những bài nhạc hay như những bài nổi tiếng từng được nhiều người yêu thích ngày trước.

Trở lại với cái tên ấy, Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, hai tên hay một tên, thiết nghĩ cũng đâu có gì phải hoài công tìm hiểu, vì chính người viết ra cái tên ấy cũng chẳng hề bận tâm, cũng chẳng xem chuyện gì là quan trọng. Cứ xem như một cái tên cũng được vậy, có sao đâu. Hai tên đã như một tên gọi đầy tình thương mến và ngưỡng mộ đối với người yêu nhạc. Người đời vẫn cứ nói “Bài hát ấy là của Đoàn Chuẩn-Từ Linh”, chứ không nói “… là của Đoàn Chuẩn và Từ Linh”. Tác giả của những bản tình ca đó đã muốn ghép chung hai cái tên ấy thành một, vậy thì ta cũng nên tôn trọng, cũng nên hiểu như vậy mà xếp hai cái tên ấy nằm kề bên nhau, gần lại với nhau. Hơn thế nữa, một khi đã xem “mối tình nghệ sĩ” chỉ “như giấc mơ” thôi và đã từng có những lúc quay lưng “lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi”, thì có sá gì một cái tên mà hai chàng chẳng “gửi gió cho mây ngàn bay”

(Những giai thoại về hai chàng nghệ sĩ này có khá nhiều, chẳng biết đâu là hư là thực, chẳng biết đâu mà kiểm chứng, và phạm vi bài này cũng không có ý định tìm hiểu tính cách xác thực của những giai thoại ấy. Sau cùng có lẽ nên nói như nhạc sĩ Phạm Duy, “Trừ phi chính Đoàn Chuẩn viết ra những lời phủ nhận, Từ Linh vẫn không phải là người được ghép tên vào ca khúc.”).

Từ Linh (trái) và Đoàn Chuẩn khi về già (1980 ?). Photo: phanquocuy.vnweblogs.com

Kể ra trong lịch sử âm nhạc và trong số những nhạc sĩ tên tuổi của chúng ta, thật hiếm thấy có đôi nhạc sĩ nào gắn bó với nhau thân thiết và tri kỷ đến như vậy. Khi cùng gắn bó với mùa thu, với những mối tình dang dở, hai chàng cũng đồng thời gắn bó với nhau; khi cùng yêu một mầu áo, cùng yêu một cung đàn, hai chàng cũng cùng chung một mối tình.

MÙA THU QUYẾN RŨ ANH RỒI

Cuốn video tape ca nhạc ấy cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, thế nhưng có một đoạn phim ngắn không tới một phút, giới thiệu một trong những tình khúc của ĐC-TL, cứ làm tôi nhớ mãi. Một người ngồi trong căn phòng mờ mờ tối, chậm chạp đứng dậy, chậm chạp bước những bước nặng nhọc về phía cửa, chậm chạp đặt nhẹ bàn tay lên nắm cửa. Cánh cửa từ từ mở ra, chút ánh sáng lùa vào. Một vòm trời, một chiếc lá rơi. Không gian ấy không rõ là buổi sáng hay buổi chiều. Người đàn ông đứng quay lưng, không nhìn rõ mặt. Người ấy là ông Đoàn Chuẩn. Bài hát được giới thiệu là “Gửi gió cho mây ngàn bay”.

Với bao tà áo xanh, đây mùa thu…

Câu nhạc đầu nghe như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát màu xanh, bát ngát mùa thu. Mùa thu của ĐC-TL.

Trước và sau ĐC-TL cũng đã có nhiều nhạc sĩ viết về mùa thu, và có nhiều ca khúc khá hay về mùa thu nữa, thế nhưng mùa thu trong nhạc ĐC-TL vẫn như có khí hậu riêng, không gian riêng, khiến người nghe nhận ra những khác biệt. Mùa thu ấy không chỉ thật đẹp, thật quyến rũ, mà còn là mùa thu của những chuyện tình “yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu”

Thực ra, đâu phải chỉ có mùa thu, trong nhạc ĐC-TL ta nghe cả bốn mùa. Qua những lời nhạc trữ tình, ta như nghe được những đổi thay của thời tiết, của khí hậu từng mùa. Những mùa màng của đất trời, hay mùa màng của tình yêu, hay mùa màng của đời người. Thế nhưng nhiều nhất vẫn cứ là mùa thu. Hầu như không có bài nhạc nào của hai chàng nghệ sĩ ấy lại không bàng bạc ít nhiều tình thu, ý thu, lại không phảng phất chút hương thu dịu nhẹ. Có khi là cụm mây lững lờ trôi về cuối trời, là cơn mưa làm rụng lá vàng, là cánh hoa tàn tạ trong đêm tối, hay nỗi tiếc nhớ những mùa thu không trở lại…

Có rất nhiều lá vàng trong mùa thu của ĐC-TL, và lá vàng rơi không làm sao đếm hết.

Lá vàng từng cánh rơi, từng cánh…

(“Gửi gió cho mây ngàn bay”)

Mưa rơi làm rụng lá vàng…

(“Thu quyến rũ”)

Thôi thế từ nay như lá vàng bay…

Lá thu còn lại đôi ba cánh…

(“Lá đổ muôn chiều”)

Lá thu lìa cành nhớ hoa ngàn xưa…

(“Tình nghệ sĩ”)

Những chiếc lá lìa cành mà hai chàng gọi là “những cánh đời mong manh” hay là “nước mắt người đi”. Trên những dòng nhạc ấy, chỉ thấy những hoa rơi, lá rơi, và những chuyện tình buồn vời vợi….

Mùa thu có đẹp nhưng sao nghe cứ man mác buồn! Thực ra đâu có riêng gì mùa thu, mùa nào trong nhạc ĐC-TL cũng có vẻ buồn cả. (Mùa xuân mà “lá vẫn bay…”, vẫn “hoa mai rơi từng cánh trên đường…” thì đâu có vui gì!).

Nhưng tại sao lại là mùa thu? Có phải vì mọi chuyện khởi đầu từ mùa thu…

Ta quen nhau mùa thu / ta thương nhau mùa đông

ta yêu nhau mùa xuân…

(“Tà áo xanh”)

Nhớ tới mùa thu năm xưa

gửi nhau phong thư ngào ngạt hương…

(“Lá thư”)

Và kết thúc cũng vào mùa thu…

Để mùa thu lá vàng khóc tình ta…

(“Vàng phai mấy lá”)

Nhưng một sớm mùa thu / khép giữa trời tím ngắt

nàng đi gót hài xanh…

(“Gửi người em gái”)

Chuyện tình mùa thu để lại nhiều hối tiếc.

Thu nay vì đâu tiếc nhiều

Thu nay vì đâu nhớ nhiều…

(“Thu quyến rũ”)

Mùa thu ĐC-TL đẹp như bài thơ. Có khi chỉ trong một bài nhạc, “Cánh hoa duyên kiếp” chẳng hạn, ta nhặt ra được những câu thơ viết về mùa thu thật là đẹp, tưởng như hai chàng nhạc sĩ bỗng nhiên nổi hứng, bỏ nhạc quay sang làm thơ vậy.

Yêu một sớm / nhớ nhau bao mùa thu…

Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối…

Trong hương thu màu tím buồn… (cũng tựa như “màu thời gian tím ngát” trong thơ Đoàn Phú Tứ).

Mùa thu ĐC-TL đẹp như tranh vẽ. Có khi chỉ là những nét chấm phá.

Hàng cây đứng hững hờ

Lá vàng từng cánh rơi từng cánh

(“Gửi gió cho mây ngàn bay”)

Có khi là cảnh trí đầy mầu sắc, bầu trời trong xanh, bướm hoa và chim chóc.

Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay… (như sợ làm “vỡ” mùa thu)

Trời đất kia ngả mầu xanh lơ

Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa

bên những bông hồng đẹp xinh

(“Thu quyến rũ”)

Làm sao có thể vẽ được bức tranh sinh động ấy, làm sao có thể bắt được những rung động của thiên nhiên ấy nếu không có một trái tim thật là nhạy cảm. Người nghe tưởng nghe được cả tiếng thở nhẹ của mùa thu, tưởng thấy được cả không gian lắng đọng của đất trời vào thu, tưởng chạm tay vào được cả vạt áo dài lướt thướt của mùa thu, và như ngất ngây trong khoảnh khắc “dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai” ấy.

Nàng thu của ĐC-TL mang vẻ đẹp tự nhiên, không trang hồng điểm phấn, không tô vẽ màu mè, như thể trời cho thế nào thì cứ bày ra như vậy. Nàng thu ĐC-TL mang vẻ đẹp đơn sơ, nhưng cũng thật mơ màng và tình tứ, quyến rũ và mời mọc.

Những chữ “thế nhân”, “trần gian”, “đường trần”, “tình trần”, hoặc “người đời”, “nhạc đời”… vẫn hay được ĐC-TL đưa vào trong lời nhạc như thể hiện ước muốn kéo lại gần hơn những giấc mơ xa vời và hoang tưởng của con người. “Mộng nữa cũng là không”…, câu ấy đâu phải hai chàng chỉ nói với chính mình mà còn muốn nhắn nhủ với “người đời”. Nhà phê bình Đặng Tiến đã có sự so sánh và đưa ra lời nhận định, “Đoàn Chuẩn-Từ Linh đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên.”

Tôi vẫn cho rằng “Thu quyến rũ” là một trong những bài hát hay nhất nói về mùa thu. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu hát “Mùa thu quyến rũ anh rồi” nghe như chiếc lá vàng lìa cành nhẹ rơi trong không gian tĩnh lặng của mùa thu.

Thu quyến rũ” phải được nghe bằng giọng nam chứ giọng nữ thì ít thấy… quyến rũ, nhất là khi lời nhạc bị đổi thành “Em mong chờ mùa thu” hoặc “Mùa thu quyến rũ em rồi” thì không thấy… mùa thu ĐC-TL ở đâu cả! Cũng chẳng có gì là sai quấy, chỉ có điều trước giờ người ta vẫn nghe ĐC-TL là nghe “Anh mong chờ mùa thu” hoặc “Mùa thu quyến rũ anh rồi”. Hơn thế nữa, “Tà áo xanh nào về với giấc mơ” ở đây nhất định không phải là tà áo xanh của… chàng về trong giấc mơ của nàng, vậy thì “Mầu áo xanh là mầu em trót yêu” nghe cũng hơi… sường sượng. (Dù sao vẫn còn khá hơn là “Khi nào anh đến với em, xin đừng quên chiếc áo xanh…”!)

Nghe nhạc ĐC-TL là nghe mùa thu kể chuyện tình, là nghe những lời tự tình ngọt ngào hay buồn bã của những người yêu nhau và xa nhau. Những chuyện tình như mang theo cả khí hậu của mùa thu ấy, đẹp và buồn.

Mùa thu trong nhạc ĐC-TL không có cái buồn ủ rũ, ảo não của “Mây hắt hiu ngừng trôi…/ mưa giăng mù lê thê…” như “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, cũng không có cái buồn se sắt, rã rượi của “Năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần…” như “Buồn tàn thu” của Văn Cao, cũng không có cái buồn tái tê, sướt mướt của “Nước mắt mùa thu khóc cho cuộc tình…” như “Nước mắt mùa thu”, hoặc “Mùa thu đã chết / đã chết rồi / em nhớ cho…” như “Mùa thu chết” của Phạm Duy… Mùa thu ĐC-TL có buồn nhưng chỉ là cái buồn phảng phất, nhẹ nhàng như chìm lắng trong mơ, như được bao phủ trong màn sương lãng đãng, đượm chút thi vị ngọt ngào trong từng cánh lá thu màu vàng úa và trong hương thu màu tím buồn. Mùa thu ấy có vẻ gần với cái buồn mênh mang trong “Thu vàng” của Cung Tiến hay “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư hơn.

Mùa thu ĐC-TL mang vẻ “cổ điển”, nhưng là cái vẻ cổ điển muôn đời muôn thuở của thiên nhiên, của đất trời, của hàng cây khô trụi lá, của cụm mây thu lờ lững, của bóng trăng thu mơ màng…, tất cả đều nhuốm một vẻ buồn man mác khi “mùa thu buông áo xuống phương này” (1).

Mùa thu ĐC-TL là mùa “thu trần gian”, là thu của bốn mùa, là thu của những chuyện tình, và chắc chắn không giống, không phải là mùa thu “cách mạng” như những chuyển hướng sáng tác của không ít những nhạc sĩ ở cùng thời để cố gắng bắt kịp những đổi thay hay đáp ứng những yêu cầu của tình thế. Tất cả những thứ đó không vào được trong mùa thu và trong dòng nhạc của ĐC-TL.

Mặc cho những biến động, những xoay vần của thời cuộc, mặc cho bao nhiêu là vật đổi sao dời, bao nhiêu là tang thương dâu bể, đất trời vẫn cứ bốn mùa, mùa thu của ĐC-TL vẫn cứ ở lại, và cũng chính vì thế, chính điều này đã khiến mọi người yêu thêm những dòng nhạc, yêu thêm những “mùa thu đoàn chuẩn-từ linh”.

[footer]

Duyên dáng Việt Nam 23 – Nhiều điểm sáng cho dòng nhạc xưa

Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.

Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:

” …
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhau
Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)

hay
“…
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu,
Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)

Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).

Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).

Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).

Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).

Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:

  • Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
  • Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
  • Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
  • Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
  • Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú

Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.

[footer]