Biệt Ly (Dzoãn Mẫn)

Có rất nhiều tác phẩm của nền nhạc xưa diễn tả về sự chia ly. Thế nhưng, theo thiển ý của Dòng Nhạc Xưa, có thể nói không ngoa rằng “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về sự ly biệt trong nền tân nhạc Việt.

CỐ NHẠC SỸ DZOÃN MẪN: “BIỆT LY” – MỘT KHÚC TÌNH SI
(Nguồn: tác giả Đỗ Đình Hoạt viết trên cand.com.vn ngày 03/04/2012)

“Biệt ly/ Nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay…” – hơn bảy mươi năm nay, những ca từ đẹp như thơ và giai điệu mượt như nhung ấy đã chiếm lĩnh tâm hồn bao thế hệ. Khi viết “Biệt ly”, tác giả còn rất trẻ, chưa tới hai mươi tuổi, vậy nhưng nỗi nhớ thương, sầu tủi ẩn chứa trong lời ca thì vô cùng thấm thía. Chính “Biệt ly” chứ không phải tác phẩm nào khác sẽ đưa tên tuổi của tác giả – nhạc sĩ Doãn Mẫn – mãi mãi neo lại với thế gian.

Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn (1919-2007). Ảnh: cand.com.vn
Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn (1919-2007). Ảnh: cand.com.vn

Cùng với các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…; Doãn Mẫn còn được ghi nhận là một trong những người “khai sơn phá thạch” mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam…

Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh năm 1919 tại làng Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là một viên chức làm việc ở ga Hàng Cỏ. Mặc dù không theo nghề nhạc song cụ rất đam mê nhạc dân tộc, đặc biệt là “món” đàn bầu. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi một số nhạc cụ truyền thống. Song ông không lấy đó làm ngón nghề mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, Doãn Mẫn vào làm một chân thư ký tại Bệnh viện Bạch Mai.

Không được học hành bài bản về âm nhạc nhưng với niềm khao khát bản năng, Doãn Mẫn tự mày mò trang bị kiến thức nhạc lý cho mình qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo Pháp. Khi “vốn liếng” đã hòm hòm, ông chuyển sang việc đàn hát – thoạt đầu với tư cách một nhạc công, tiếp đó, ông bắt chước soạn lời (ta) cho các điệu nhạc Tây.

Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã hồi cố lại cái thuở chập chững đến với âm nhạc của mình: “Vào khoảng năm 1936 -1937, khi phong trào âm nhạc cải cách phát triển, những ca khúc do người Việt Nam sáng tác xuất hiện thì tôi gặp lại Lê Yên, cũng không nhớ rõ trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi rất vui được gặp lại nhau, cùng chung chí hướng trên con đường nghệ thuật mới mẻ… Yên và tôi thường bổ sung cho nhau về kiến thức âm nhạc và kinh nghiệm sáng tác, trao đổi tác phẩm, vì lúc đó chúng tôi đều là những người tự học, hoàn toàn sáng tác theo bản năng.…Cũng trong thời gian này (1936-1939), chúng tôi có thêm một người bạn chí cốt: Văn Chung. Là công nhân một nhà in tư nhân phố Hàng Điếu, cạnh rạp chiếu phim Olympia (rạp Hồng Hà ngày nay), Văn Chung là một con người tháo vát, có nhiều sáng kiến trong tổ chức biểu diễn và xuất bản, in ấn”.

Cũng theo hồi ức của Doãn Mẫn thì năm 1938, sau khi xuất hiện bản nhạc in đầu tiên được bán trên thị trường là bài “Hồ xưa” của Thẩm Oánh, nhạc sĩ Văn Chung đã chủ trương in các bài hát của mấy anh em (gồm Văn Chung, Lê Lôi và Doãn Mẫn) đứng tên nhà xuất bản Tricea (từ đó, giới âm nhạc thường gọi nhóm ba nhạc sĩ này là nhóm Tricea). Số lượng các bản nhạc được in ra mỗi lần vào khoảng 1.500 đến 2.000 bản, bán hết veo, vốn thu hồi nhanh.

Đến nay, có thể xem “Tiếng hát đêm thu” là ca khúc đầu tay của Doãn Mẫn. Nó ra đời năm 1937, với sự hỗ trợ phần lời của nhạc sĩ Văn Chung. Cùng năm đó, Doãn Mẫn còn có “Gió thu”. Tới năm 1939, người nhạc sĩ trẻ đã nhanh chóng bứt lên, trở thành một trong những tên tuổi sáng giá trong làng tân nhạc Việt Nam với ca khúc “Biệt ly” hiện vẫn là “bài ca đi cùng năm tháng”.

Cũng giống như nhà thơ Tế Hanh, kỷ niệm từ những lần thơ thẩn dạo chơi ngoài sân ga, chứng kiến bao sự biệt ly của những người vì nhiều lý do phải dứt áo chia tay nhau, đã viết nên những vần thơ đầy chua xót (bài “Ga”), Doãn Mẫn do có người cha làm ở Ga Hàng Cỏ, là nơi chứng kiến nhiều cuộc chia ly đầy bi lụy của bao gia đình, bao cặp tình nhân, đã xúc động viết nên ca khúc “Biệt ly”, nhạc phẩm để đời của ông.

Ga Hàng Cỏ xưa. Ảnh: tranthanhnhan1963c.blogspot.com/
Ga Hàng Cỏ xưa. Ảnh: tranthanhnhan1963c.blogspot.com

Đây là nguyên văn ca từ của bài hát:

Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay

Biệt ly sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi

Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương

Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui

Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa

Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

Với một số nghệ sĩ, sau khi tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi, trở thành một thứ “huyền thoại” trong lòng công chúng, họ thường hay thêm thắt ít nhiều, như vẽ ra mối tình này mối tình nọ nhằm tô điểm thêm cho sự lãng mạn của đời mình. Doãn Mẫn không vậy. Khi được hỏi về các hình mẫu phụ nữ trong một số nhạc phẩm tiêu biểu của mình, ông thật thà: “Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện…bịa”. Nhân vật “em” trong “Biệt ly” cũng là trường hợp như vậy. Doãn Mẫn từng kể: “Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại đề tài này”.

Nếu như nhiều ca khúc mới của nhóm Tricea thường được “thâm nhập cuộc sống” bằng cách, hoặc được tổ chức hát tại các gia đình, hoặc trong các dịp diễn kết hợp với các buổi chiếu phim lấy tiền giúp các hội từ thiện thì quá trình phổ biến của “biệt ly” cũng tương tự vậy. Theo như nhạc sĩ Doãn Mẫn thổ lộ thì lần đầu tiên ca khúc “Biệt ly” được công bố là vào năm 1940 ở Hà Nội. Người đầu tiên hát bài này là một giọng ca được yêu mến lúc bấy giờ, có tên là Phụng (tác giả không nhớ nghệ danh), nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng nhờ những buổi biểu diễn ở các rạp chiếu phim, phần nữa “do anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên Biệt ly mới được phổ biến”.

Khi được hỏi, đến nay, ai là người thể hiện ca khúc “Biệt ly” hay nhất, nhạc sĩ Doãn Mẫn tỏ ra khá thận trọng. Ông cho biết, có một thời gian dài, “Biệt ly” không được lên sân khấu. Nó chỉ được công diễn trở lại kể từ năm 1988. Và trong số các ca sĩ thể hiện bài hát mà ông trực tiếp “thẩm định” thì “có lẽ Lan Ngọc ở trong Nam và Thùy Dung ở ngoài Bắc là thể hiện được cái ý tình mà tôi muốn gửi gắm” (theo một bài viết in trên Báo Thanh niên). Doãn Mẫn cũng than phiền là nhiều người rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến như một thứ “mốt”, song không mấy quan tâm tới việc hát thế nào cho đúng nhạc. Và ông than thở: “Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi”.

Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Mẫn từng có tới 20 năm giữ chức Trưởng phòng Giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Đó là thời gian ông “phải đi lo cả việc học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao”. Nói chung, đó là quãng thời gian ông chỉ thuần túy với công việc hành chính, sự vụ chứ không sáng tác được gì. Và người từng được xem là một trong những nhạc sĩ có công khai mở nền tân nhạc Việt Nam chỉ sáng tác trở lại khi đã ở tuổi ngoại bảy mươi.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Doãn Mẫn chỉ sáng tác chừng 50 bài, trong đó, những ca khúc như “Biệt ly”, “Hương cố nhân” được xem là những nhạc phẩm xuất sắc nhất.

Nhạc sĩ Doãn Mẫn qua đời ngày 13 tháng 4 năm 2007. Rất nhiều người hay tin đã xếp hàng dài đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này vừa là thể hiện sự mến mộ của người đời đối với những nhạc phẩm bất hủ của ông, vừa là thể hiện sự trân trọng của họ với một con người có nhiều phẩm chất đáng yêu, đáng mến. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hoàng Giác (tác giả “Mơ hoa”) đã có lần phải thốt lên: “Người mà tôi quý nhất là anh Doãn Mẫn”

Đỗ Đình Hoạt