Thơ Tình Cuối Mùa Thu (Phan Huỳnh Điểu – Xuân Quỳnh)

Mối lương duyên giữa thơ và nhạc đã cho ra đời nhiều nhạc phẩm bất hủ và ‘Thơ tình cuối mùa thu’ là một trong số đó. Trên ý thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh, nhạc sỹ Phan Huỳnh đã thổi một giai điệu rất đẹp để cho chúng ta một nhạc phẩm tuyệt vời về mùa thu.

BÀI THƠ ‘THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU’ CỦA XUÂN QUỲNH
(Nguồn: www.thivien.net/)

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may

Nguồn: Tự hát, Xuân Quỳnh, NXB Tác phẩm mới, 1984

THƠ TÌNH CUỐI MÙA THU 
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Đức Dương đăng trên BaoKhanhHoa.com.vn)

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều lần nói với công chúng yêu nhạc rằng: “Trong các nhà thơ, tôi thích nhất Xuân Quỳnh, bởi thơ của Quỳnh giản dị, dễ hiểu mà sâu lắng. Đó là lời của người phụ nữ có tình yêu da diết với người mình yêu, vì thế tôi thật may mắn làm cái việc của người viết nhạc, phổ thơ và nâng thêm cho bài thơ bay lên bầu trời… mùa thu”.

Cũng thật hiếm khi Thơ tình cuối mùa thu như chiếc lá vàng long lanh trên vòm cây của vườn thu mà ta có thể mở cả hai cánh cổng để chiêm ngưỡng: nhạc và thơ.

Nữ sỹ Xuân Quỳnh. Ảnh: BaoKhanhHoa.com.vn
Nữ sỹ Xuân Quỳnh. Ảnh: BaoKhanhHoa.com.vn

Xuân Quỳnh (sinh năm 1942) được mọi người gọi là nữ sĩ để tiếp nối cùng với Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Nữ thi sĩ mất năm 1988 trong một tai nạn thảm khốc nơi chân cầu Phú Lương (tỉnh Hải Dương) cùng với chồng – nhà thơ, nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ và con trai út Lưu Quỳnh Thơ.

Trong nhiều bản in không thấy Xuân Quỳnh ghi thời gian sáng tác bài Thơ tình cuối mùa thu cũng như Thuyền và biển, nhưng chắc chắn đó là giai đoạn cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Những ai đọc và biết về Xuân Quỳnh sẽ hiểu gần như các bài thơ giai đoạn này Xuân Quỳnh đều dành tặng cho người chồng tài hoa Lưu Quang Vũ. Khác hẳn giai đoạn trước, những bài thơ chị viết đều mang nét khái quát về chiến tranh, cuộc sống con người như các tập: Tơ tằm, Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất… Khi kết duyên với Lưu Quang Vũ, chị đổi phong cách và chủ đề với những tập thơ rất đằm thắm của người phụ nữ, người vợ, người mẹ với chồng con: Sân ga chiều em đi, Tự hát, Hoa cỏ may…

Có thể nói, Xuân Quỳnh đã dìu dắt tuổi thơ tôi lớn lên qua những tác phẩm thơ, tập truyện dành cho thiếu nhi  như: Bầu trời trong quả trứng, Mùa xuân trên cánh đồng, Bến tàu trong thành phố… với những nhân vật sẻ đồng, sếu, họa mi hay hoa huệ, dâm bụt, dạ lý hương… Sau này, tôi biết những sáng tác của Xuân Quỳnh đều bắt đầu từ những điều rất giản dị, như trong lúc bế con, nấu cơm… Nhớ đến các con là chị suy nghĩ và viết để tặng cho con. Nhìn vẻ bề ngoài, Xuân Quỳnh là người phụ nữ đẹp, mau mắn với đôi mắt tươi tắn, đầy duyên sắc nhưng tâm hồn chị lại rất đa cảm. Thế nên, chỉ cần phơi một tấm áo cho con, cho chồng dưới làn nắng thu, trong gió heo may cũng làm chị xao lòng và làm thơ, viết truyện.

Trở lại với bài thơ được phổ nhạc Thơ tình cuối mùa thu, đúng như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nói, Xuân Quỳnh không bóng gió, cao siêu gì cả, nội dung thật dễ hiểu: Đó là tâm trạng của đôi bạn tình mà ở đây là Quỳnh – Vũ trước cuộc đời, đó là “cuối mùa thu” thật xao xác, thật cảm động nhưng cũng thật long lanh yêu thương vì Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại. Thực ra, trong nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh, bài thơ này không nổi trội vì nó rất “cá nhân”, đó cũng là lý do nhiều nhà phê bình văn học ít trích dẫn so với những bài khác như Chồi biếc, Sóng, Bàn tay em, Tự hát… Vì dường như là linh cảm vô hình những năm cuối đời, Xuân Quỳnh dành hết những sáng tác của mình cho chồng và con, có những bài như đùa mà rớm nước mắt, có những bài đằm thắm, thủ thỉ yêu thương. Cũng như thế, Lưu Quang Vũ đã dốc sức viết tới hơn 40 vở kịch.

Ta có thể cảm tưởng rằng Thơ tình cuối mùa thu được người phụ nữ viết trong buổi chiều, trước thềm nhà đang tràn ngập gió heo may, bầu trời cuồn cuộn mây trắng. Người phụ nữ cảm nhận được thời gian cuộc đời đang trôi đi, trôi đi hơi xao buồn. Nhưng kết của bài thơ lại làm cho người đọc bừng tỉnh: Kìa bao người yêu mới/Đi qua cùng heo may. Chắc chắn viết tới dòng chữ này, Xuân Quỳnh đã rớm nước mắt long lanh của hạnh phúc tiếp nối.

Cũng như bài thơ, bản nhạc được phổ trong thời điểm của những khúc tráng ca nên bài hát Thơ tình cuối mùa thu không được phổ cập lắm. Chính người viết khi có mặt ở TP. Hồ Chí Minh năm 1987 cũng run lên sung sướng khi mua được tập sách nhạc có bài hát Thơ tình cuối mùa thu trên nền giấy trắng tinh, nhưng thỉnh thoảng lắm Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới phát bài hát này, còn các đài khác thì gần như không. Trong khi đó, bài Thuyền và biển lại được trình diễn rộng khắp, trở thành bài hát ưa thích cho các thí sinh thi thố. Chỉ đến khi ca sĩ Bảo Yến hát thì Thơ tình cuối mùa thu thực sự bùng nổ, trở thành một trong những bài hát hay nhất về mùa thu. Cùng với Bảo Yến, ca sĩ Quang Lý cũng thể hiện rất ấn tượng ca khúc này, sau này còn có giọng ca trẻ mang màu sắc dân ca như: Phương Thảo, Tân Nhàn, Minh Huyền nhưng nổi trội ngang tầm với Bảo Yến chỉ có Phương Thảo.

Bây giờ, cứ đến cuối thu, trời hanh hao se lạnh, ta lại nghe Thơ tình cuối mùa thu để thấy ấm lòng. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã Mùa thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mang/Mùa thu vào hoa cúc, nhưng với Thơ tình cuối mùa thu thì vẫn còn mãi mãi, vì đó là tình yêu.

LÊ ĐỨC DƯƠNG

[footer]

Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu – Trần Hoài Thu)

Trong làng nhạc Việt, tài năng phổ thơ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu xứng đáng được xếp vào một trong những vị trí cao nhất. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên để người yêu nhạc  xưa hiểu thêm về bản “Ở hai đầu nỗi nhớ”, một bản tình ca đẹp dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Trần Đình Chính.

BÁI THƠ ‘Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ’ 
(Nguồn: ThiVien.net)

Có một không gian nào
Đo chiều dài nỗi nhớ?
Có khoảng mênh mông nào
Sâu thẳm hơn tình thương?

Anh đang ở Pai-lin
Rừng khộp khô trong nắng
Thương em chiều mưa lạnh
Muốn gửi chút nắng hồng

Ở đầu này nỗi nhớ
Anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp
Cho ta gần nhau hơn

Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Đếm mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn

(Mùa hè 1980)
(Trần Hoài Thu)

Bài thơ này là mối tình đầu của tác giả với một cô sinh viên văn khoa Sài Gòn đi cùng đoàn của Sở Thương nghiệp sang Campuchia xây dựng mạng lưới bán hàng. Năm 1984, bài thơ lần đầu được đăng trên báo Nhân Dân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc năm 1987. Năm 2013, bản quyền của bài thơ được bán với giá 300 triệu đồng cho ông Nguyễn Xuân Hàn.

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ 
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên ThanhNien.com.vn ngày 16.09.2014)

Năm 2004, người viết có dịp gặp “nhạc sĩ của tình yêu” Phan Huỳnh Điểu, ông bảo, trong gia tài ca khúc phổ thơ của mình, một trong những bài ông tâm đắc nhất là Ở hai đầu nỗi nhớ (phổ từ thơ Trần Hoài Thu).

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Trong những đêm nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, mưa lướt trên mái nhà, mưa xuyên qua cành lá… mà bật máy, nghe Bảo Yến hát: “Đêm nghe tiếng mưa rơi, đếm mấy triệu hạt rồi, mà chưa vơi nỗi nhớ… Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn”, thì chắc là những kẻ đang yêu (chưa kể là phải cách xa) đều nghe tim mình thổn thức, nhớ nhung. Đặc biệt, có lẽ Bảo Yến là một trong những giọng ca chuyển tải được hết cái da diết, khắc khoải đầy tâm trạng của một người đang nhớ đến người yêu nơi xa xôi, diệu vợi giữa một đêm mưa thê thiết.

2 năm trước, có dịp ngồi chung xe với một số nhạc sĩ đi về Bến Tre (trong đó có nhạc sĩ Quốc Dũng – chồng của ca sĩ Bảo Yến), tôi nói với anh: “Bảo Yến hát Ở hai đầu nỗi nhớ rất tuyệt. Thích nhất là những đoạn intro, nhạc dẫn…”. Mắt Quốc Dũng sáng lên, cười bảo: “Mình phối đó!”. Vâng, quá hay, từ bài thơ đến người phổ nhạc, người phối.

Trai Hà Nội, gái Sài Gòn

Tác giả bài thơ là một nhà thơ nghiệp dư. Anh tên thật là Trần Đình Chính, sinh năm 1955 tại Hà Nội, học Trường cấp 3 Trần Phú và được lệnh nhập ngũ vào năm cuối cấp (lớp 10, năm 1973). Vào Nam chiến đấu, có lần Trần Đình Chính suýt hy sinh trong một cuộc giao tranh ở vùng tiếp giáp hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.

Cởi áo lính, Trần Đình Chính theo học Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Ra trường, được nhận vào Báo Nhân Dân, rồi anh được phân công vào đoàn cán bộ, chuyên gia sang Campuchia hỗ trợ bạn làm báo (dù lúc này Chính chỉ là phóng viên thực tập).

Cùng thời gian ấy cũng có một đoàn của Sở Thương nghiệp TP.HCM sang giúp bạn xây dựng mạng lưới bán hàng. Trong đoàn này có Mai Đào, từng là sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Tại thủ đô Phnom Penh nước bạn, định mệnh đã xui khiến Trần Đình Chính gặp và yêu Mai Đào. Ngày ấy, Chính 24 tuổi còn Mai Đào mới 20. Chàng dân Hà Nội, nàng người Sài Gòn. Tên của nàng góp cả hai loài hoa tượng trưng cho mùa xuân ở Sài Gòn và Hà Nội, và nàng cũng đẹp như hoa xuân. Phnom Penh lúc đó hoang vắng bởi bọn Pol Pot vừa tháo chạy khỏi thủ đô. Những lúc rảnh rỗi, Chính thường đưa Mai Đào đi thăm các đền chùa cổ kính. Đêm đến, đôi tình nhân sánh vai nhau ngồi ngắm sao, để sau này những giây phút ấy khắc sâu trong nỗi nhớ của Trần Đình Chính: “Ngôi sao như xuống thấp. Cho ta gần nhau hơn”.

Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc bên nhau khoảng một năm, bởi thời điểm mới giải phóng, còn nặng xét lại thành phần lý lịch “bên này, bên kia”. Rồi gia đình của Mai Đào phải rời Sài Gòn đi kinh tế mới ở Sông Bé, cô phải về nước phụ cha mẹ, còn Trần Đình Chính cũng được gọi về Hà Nội (tháng 4.1980) sau một năm rưỡi sống trên nước bạn.

Đêm nghe tiếng mưa rơi

Những đêm mưa ở Hà Nội luôn làm Chính vật vã, nhớ nhung đến khổ sở. Trong lòng cứ tự hỏi “Người ấy bây giờ ra sao rồi?”. Nằm ở Hà Nội mà nghĩ về một nơi nào đó ở Sông Bé – cả một không gian cách trở (dạo ấy, điều kiện giao thông còn rất hạn chế).

Nhà thơ Trần Đình Chính. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhà thơ Trần Đình Chính. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Và, vào một đêm mưa Hà Nội với nỗi nhớ cồn cào như thế, Trần Đình Chính đã ngồi bật dậy làm thơ: “Có một không gian nào/Đo chiều dài nỗi nhớ?/Có khoảng mênh mông nào/Sâu thẳm hơn tình thương?/Anh đang ở

Pha-lin(*)/Rừng khộp khô trong nắng/Thương em ngoài ấy lạnh/Muốn gởi chút nắng rừng/Chào Phnom Penh mến yêu… Ở đầu này nỗi nhớ/Anh mơ về bên em/Ngôi sao như xuống thấp/Cho ta gần nhau hơn/Ở đầu kia nỗi nhớ/Nằm đếm tiếng mưa rơi/Đếm mấy triệu hạt rồi/Mà chưa vơi nỗi nhớ/Ở hai đầu nỗi nhớ/Yêu và thương sâu hơn/Ở hai đầu nỗi nhớ/Nghĩa tình đằm thắm hơn” (Mùa hè 1980).

Bài thơ được làm trong 8 phút. Dưới bài thơ, anh ký tên Trần Hoài Thu (sau này anh lấy bút danh đặt tên cho con gái). Bốn năm sau (1984), bài thơ được đăng trên Báo Nhân Dân. Năm 1987, bài thơ “lọt vào mắt xanh” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và với khả năng phổ nhạc bậc thầy, “Nhạc sĩ của tình yêu” (danh hiệu này do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đặt cho) đã chắp cánh cho bài thơ phổ nhạc bay cao, bay xa…

Cho đến bây giờ, hơn 30 năm sau, không ai biết “người đẹp mang tên hai loài hoa xuân” đang ở đâu giữa dòng đời xuôi ngược. Riêng tác giả bài thơ thì lại có một cuộc đời đầy trắc trở, một hậu sự buồn: cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, sau đó anh tái hôn với một nữ đồng nghiệp còn khá trẻ. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh phát hiện bị chứng bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Anh lìa trần ngày 9.5.2014, thọ 60 tuổi.

Hà Đình Nguyên

[footer]

Đoàn Quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu)

Sau sáng tác đầu tay ‘Trầu cau’, bản nhạc kế tiếp gây tiếng vang của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu là ‘Đoàn quân Việt Nam’. [dongnhacxua.com] xin lấy đúng tên gốc là ‘Đoàn quân Việt Nam’ do nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) đã phát hành mà chúng tôi sưu tầm được. Trong một bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên mà chúng tôi mạn phép trích đăng thì tên ban đầu là ‘Đoàn vệ quốc quân’ rồi theo nhiều biến động của thời cuộc, bản này giờ đây được đổi thành ‘Đoàn giải phóng quân’.

Dù với tên gọi nào, dù với vài thay đổi trong ca từ cho phù hợp với “thời cuộc, chế độ”, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], đây là một trong những sáng tác có giá trị nhất của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, thể hiện tinh thần dân tộc cao độ của một người con mang dòng máu Lạc Hồng, cùng sự dấn thân hy sinh vì tổ quốc Việt Nam.

Qua bài viết này, chúng tôi xin được phép nghiêng mình và thắp một nén nhang cho những linh hồn đã khuất vì đất Mẹ thân yêu!

Đoàn quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Đoàn quân Việt Nam (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

doan-quan-viet-nam--1--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com doan-quan-viet-nam--2--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com doan-quan-viet-nam--3--phan-huynh-dieu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

PHAN HUỲNH ĐIỂU – COM ‘CHIM VÀNG’ CỦA TÂN NHẠC: ĐOÀN VỆ QUỐC QUÂN VÀ SỐ TIỀN TÁC QUYỀN KỶ LỤC
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên trên ThanhNien.com.vn)

Nhiều người gọi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “con chim vàng của tân nhạc Việt”. Ông cũng tỏ ra thú vị với biệt danh này, bởi theo cách giải thích của ông, “huỳnh” không phải là một cái họ, mà là biến âm của chữ “hoàng” (nghĩa là màu vàng), còn “điểu” là con chim. “Ừ thì mình sáng tác nhạc nên người ta gọi như thế cũng… oách, mà lại không sai nghĩa!”.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu – Ảnh: Độc Lập

Chiều 30.6, tại Nhà tang lễ TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM cùng đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ đã đến viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bà Phạm Thị Vân, vợ ông không có mặt vì bị tai biến. Con trưởng ông là nhạc sĩ Phan Hồng Minh đang ở Đức chưa về kịp.
Mọi người vẫn còn nhớ, mới đầu tháng 6 này, “đại gia đình” Hội Âm nhạc TP.HCM còn chứng kiến lão nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngồi an nhiên trên băng ghế “chủ tọa đoàn” trong Đại hội Hội Âm nhạc TP.HCM nhiệm kỳ 7 (2015 – 2020) tại Nhà hát Thành phố. Ở đại hội này, ông tham dự với tư cách cố vấn. Là nhạc sĩ cao tuổi nhất nhưng ông không hề tỏ ra mệt mỏi khi tham dự các buổi đọc tham luận và tranh luận. Ông lúc nào cũng tươi cười. Khi các đại biểu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, ông chụp hình lia lịa những khuôn mặt em út, học trò thân quen… Anh chị em trong Hội Âm nhạc TP.HCM chắc sẽ khó quên được những kỷ niệm với bác Bảy (tên gọi thân mật của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), nhất là những mẩu chuyện tiếu lâm mà bác Bảy kể bằng giọng xứ Quảng rất duyên trên những chuyến xe, chuyến tàu đi thực tế sáng tác hoặc đi dự hội nghị, khiến mọi người cười rần rần suốt buổi…

Những nhạc phẩm đầu tay

Phan Huỳnh Điểu thuộc lớp nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc cải cách (thường gọi là “tân nhạc”, để phân biệt với cổ nhạc dân tộc). Nên nhớ, nếu như nhạc phẩm Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) ra đời năm 1938 và được coi là bản tân nhạc đầu tiên của VN (dù trước đó, đã có nhiều bản nhạc và nhóm nhạc theo nhạc lý Tây phương), thì chỉ 2 năm sau, chàng thiếu niên 16 tuổi Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát Trầu cau (1940), dù lúc đó trình độ nhạc lý của chàng chỉ “a-bê-xê” nhưng vẫn… liều sáng tác. Bản nhạc đầu tay ấy, đến mãi 75 năm sau (lúc tác giả qua đời, 2015) nhiều người vẫn còn nhắc và chắc chắn chừng nào còn nói đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sẽ còn phải nhắc đến Trầu cau.

Một giai thoại gắn liền với ca khúc thứ hai của Phan Huỳnh Điểu là bài Đoàn Vệ quốc quân (sáng tác cuối năm 1945, sau sửa lại là Đoàn Giải phóng quân). Ca khúc được sáng tác khi VN vừa giành được độc lập và đang hừng hực khí thế trước âm mưu quân Pháp tái chiếm, nhất là ở miền Nam. Lúc đó, Phan Huỳnh Điểu mới 21 tuổi. Hằng ngày, khi các đoàn tàu chở các chiến sĩ trên đường Nam tiến dừng chân ở ga Đà Nẵng, thì Đội Tuyên truyền Việt Minh (trong đó có Phan Huỳnh Điểu) đến từng toa tàu, hát vang ca khúc này, động viên tinh thần chiến sĩ… Lúc đó ở Huế có ông Tăng Duyệt (cha người Hoa, mẹ Việt) mở nhà in Tân Hoa ở đường Gia Long (sau đó chuyển thành NXB Tinh Hoa ở số 121 Trần Hưng Đạo, Huế). Ông Duyệt rất thích ca khúc này nên đã ký hợp đồng xuất bản, tiền tác quyền là… 800 đồng. Phan Huỳnh Điểu hết hồn, vì số tiền quá lớn. Sau này, ông vẫn kể: “Đấy là số tiền tác quyền kỷ lục mà tôi được trả cho một ca khúc”. Với số tiền ấy, ông hoan hỉ mua được cây đàn guitar “đã qua sử dụng” của… vua Bảo Đại từ một người quen (ông này được một chính khách ngoại quốc nhượng lại) hết 80 đồng. Còn lại 720 đồng đủ cho ông “ăn cơm bụi” suốt 5 năm!

Nhưng nói vậy thôi, chứ ông đâu thể “ăn cơm bụi” suốt 5 năm vào cái thời chiến tranh loạn lạc ấy. Ông dành 700 đồng về trao cho mẹ và nói rõ: “Đây là tiền ông Tăng Duyệt ngoài Huế mua bài hát Đoàn Vệ quốc quân của con”. Mẹ ông cũng bất ngờ, cứ hỏi đi hỏi lại: “Có đúng như vậy không? Hay là con phỉnh má?”… Đến 30 năm sau (1975), đất nước thống nhất, sau một giai đoạn dài lửa khói đạn bom, ông mới có dịp gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ hỏi: “Biết là con đi theo cách mạng, nhưng con làm nghề gì?”. “Thì con vẫn làm… bài hát mà má!”. Số tiền nhuận bút của ông Tăng Duyệt ngày nào làm ấm lại buổi hàn huyên… Ngày mẹ ông mất (năm 1982, thọ 95 tuổi), ông rất xúc động, bảo rằng: “Tôi rất biết ơn giọng hát ru con ngọt ngào của mẹ (nhà ông có đến 11 anh em). Giọng hát ru ấy đã thấm đẫm vào tâm hồn non nớt của thằng bé mới 6 – 7 tuổi là tôi. Mẹ tôi xứng đáng là nghệ sĩ nhân dân vô danh”.

Hà Đình Nguyên

[footer]

Vĩnh biệt Phan Huỳnh Điểu (1924 – 2015)

Sáng nay, 29.06.2015, làng nhạc Việt lại đón nhận một tin buồn: nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnnh Điểu vừa ra đi mãi mãi. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến và mong linh hồn ông sẽ mau chóng về an nghỉ miền cực lạc.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bản “Trầu cau”, nhạc phẩm đầu tay của chàng trai Phan Huỳnh Điểu viết năm 1945-1946, thuở mới chập chững bước vào con đường âm nhạc, cái thưở mà nhà  bao đau thương của thời cuộc chưa ảnh hưởng đến những sáng tác của ông.

Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: HopAmViet.com
Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu). Ảnh: HopAmViet.com

trau-cau--2--phan-huynh-dieu--hopamviet.com--dongnhacxua.com

CA KHÚC “TRẦU CAU” 
(Nguồn: bài viết trên DacTrung.com, [dongnhacxua.com] chưa kiểm chứng có phải của Phan Huỳnh Điểu)

Nhân dịp tôi được đi xem nhạc kịch Tụy Lụy; nhạc của Lưu Hữu Phước, thơ của Châu Vinh và Thế Lữ biểu diễn tại thành phố Ðà Nẵng lúc bấy giờ… tôi thấy hay. Từ xưa đến giờ mình chưa được xem một cái kịch có hát, mà tôi rất là mê âm nhạc, cho nên tôi về nghiên cứu…

Nghĩ mình học nhạc chưa đến đâu, nhưng mà mình mê cái nhạc kịch Tụy Lụy, thấy các cảnh trong Tụy Lụy đóng rất hay, ước là làm thế nào mình kể một câu chuyện cổ tích, nó cũng có những cái tình tiết, tình cảm như Tụy Lụy.

Lấy chuyện cổ tích ra đọc, thì tôi thích nhất là chuyện Trầu Cau. Nó là cái truyện tình giữa hai anh em ruột và một cô gái hàng xóm. Trong đó nói cái tình vợ chồng chung thủy và cái tình gắn bó yêu thương của hai anh em…

Tôi mượn cái mandoline về, vội vào trong buồng, giấu không cho ai biết, vì mình không là nhạc sĩ, nên cũng hơi xấu hổ, mình mà nói nhạc sĩ, thì người ta cười cho vì mình đã học trường lớp nào đâu mà nói nhạc sĩ. Cho nên cố mày mò viết, viết thử thử. Lúc bấy giờ tôi viết theo cái lối những bài hát hướng đạo. Tức là một điệp khúc mà có 3 lời khác nhau. Lời người em, lời người anh, lời người vợ….Ba lời, tức là ba người cùng hát một giai điệu nhưng chỉ khác nội dung thôi.

Lúc bây giờ tôi viết xong, thực tế chỉ cho đoàn Sói Con (Lúc bây giờ chúng tôi có tổ chức Sói Con) hát, để diễn kịch trong những đêm lửa trại… Nói chung anh em hướng đạo chúng tôi rất thích cái loại nhạc như vậy. Những bài hát kể chuyện có tình, có nhạc. Thật ra, cái bài “Trầu Cau”, tôi viết, không nghĩ để cho người lớn hát, mà cho trẻ em hát, các cháu Sói Con hát. Và cũng không ngờ cái bài hát đó đi vào lòng quần chúng. Khi được đưa lên sân khấu có rất nhiều người thích. Cho đến nỗi có một kỷ niệm rất vui.

Năm 1991, khi tôi được những người Việt kiều bên Pháp mời sang. Trong cái đêm ca nhạc của tôi, tôi không để cái bài Trầu Cau, bởi vì tôi cho bài hát đó lâu quá rồi, cũ quá rồi, mình không nên đưa vào chương trình. Khi đêm diễn xong, có mấy cụ già 60, 70 gặp tôi hỏi:
– Nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu đây là nhạc sĩ từ năm 45 đến giờ, hay là nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu mới đây ?
Tôi nói: tôi là… tôi, từ trước đến nay Việt Nam chỉ có một Phan Huỳnh Ðiểu, chứ làm gì có hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu. Mấy ông bà ấy bảo:
– Trời ơi, có một nhạc sĩ… tại sao cái đêm nhạc này không có cái bài Trầu Cau ? Tôi bảo:
– Dạ cái bài đó lâu quá.
– Khi chúng tôi qua Pháp, chúng tôi hát cái bài Trầu Cau rất say sưa, và bây giờ khi nhắc đến Phan Huỳnh Ðiểu, chúng tôi vẫn nhớ đến Trầu Cau. Mà đêm nay, không có “Trầu Cau” tức là một thiếu sót rất lớn của nhạc sĩ.

Ðêm sau, tôi bổ sung ngay bài “Trầu Cau” vào và nhờ các anh chị em ở bên Pháp, nhất là các bác sĩ, kỹ sư đóng vai Tân Sinh, Lang Sinh và cô vợ. Sau cái đêm thứ hai, các bạn đến xem, vỗ vai tôi nói:
– Ðã có Phan Huỳnh Ðiểu là phải có “Trầu Cau” không có “Trầu Cau” là không phải Phan Huỳnh Ðiểu..
Ðối với tôi, rất là vui và tôi nghĩ cũng là một vinh dự đối với một nhạc sĩ.

Từ cái bài “Trầu Cau” khai sinh ra cái tên Phan Huỳnh Ðiểu cho đến bây giờ, điều đó tôi rất mừng.

Phan Huỳnh Ðiểu

[footer]