Phượng Buồn

Trong một bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến người yêu nhạc đôi nét về nhạc sỹ Tuấn Hải, tác giả bản ‘Phượng Buồn’ nổi tiếng. Xung quanh nhạc phẩm này, trước đây có một hiểu lầm đáng tiếc.

Băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản tháng 11/1974.

Số là sau khi ghi âm lần đầu tiên qua tiếng hát Hoàng Oanh trong băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản năm 1974 thì xảy ra biến cố 1975, Tuấn Hải ngưng sáng tác và sau đó đi Úc định cư năm 1990.

Trong một bài viết trên trang nhà của nhạc sỹ Tuấn Khanh (nguồn), hiện cũng đang định cư ở Úc Châu, sau nhiều năm im lặng, mãi đến năm 2015, nhạc sỹ Tuấn Hải mới viết một là thư ngỏ để làm rõ về vài hiểu lầm không đáng có.

Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc ‘Ngày Xanh’ tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…

Sau khi tặng Vinh Sử một CD ‘Phượng Buồn’ thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài ‘Phượng Buồn’ nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui… Thế là vấn đề thông qua.

Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc ”tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.

Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: ‘Nỗi buồn hoa phượng’, ‘Hạ buồn’ và ‘Hai cánh phượng buồn’ (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài ‘Phượng Buồn’ của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.

Như vậy là mọi việc đã rõ.

Tuy nhiên, Dòng Nhạc Xưa cũng cần nói thêm một điều: trước đó, tầm những năm 1967 – 1968, hai nhạc sỹ Thanh Sơn & Song Ngọc đã cho ra đời một bản nhạc cũng có tên là ‘Phượng Buồn’ với giai điệu và ca từ hoàn toàn khác.

Ảnh: https://amnhacmiennam.blogspot.com/2021/08/phuong-buon-song-ngoc-thanh-son.html
Dòng Nhạc Xưa

Song Ngọc: một nhạc sỹ đa tài

Nhạc sỹ Song Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc Thương) sinh năm 1943 tại Long Xuyên tỉnh An Giang. Ông viết nhạc từ rất sớm và vụt nổi tiếng với bản ‘Tiễn đưa’ phổ thơ Nguyên Sa. Với gia tài đồ sộ khoảng 300 ca khúc và thuộc đủ mọi thể loại, mà trong số đó có những bài cực kỳ nổi tiếng (như ‘Đàn bà’, ‘Xin gọi nhau là cố nhân’, …) có thể nói ông là một trong những nhạc sỹ đa tài nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu nhà nhạc sỹ đáng kính qua một bài viết của tác giả Cát Linh.

Song Ngọc và một đời sáng tác

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2017-08-05)

Nhạc sĩ Song Ngọc và những sáng tác được nhiều người yêu thích.

Để tạo ra một nét riêng, mỗi một người nghệ sĩ hay thường dành cho mình một nghệ danh. Thế nhưng, cũng có nhiều nhạc sĩ, với những lý do riêng, họ có rất nhiều bút danh/nghệ danh. Chính vì vậy, mà không ít người nghe đã ngạc nhiên khi biết tác giả của một tác phẩm nổi tiếng này cũng chính là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng khác, với hai bút danh khác nhau. Một trong những người đó, là nhạc sĩ Song Ngọc, hay được biết đến như nhạc sĩ Hàn Sinh của ‘Xin gọi nhau là cố nhân’, hay Hoàng Ngọc Ân của ‘Định mệnh’, cũng chính là Song Ngọc của ‘Tiễn đưa’, người đầu tiên phổ thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa.

Hoa trong nhạc: ti-gôn

Chỉ với một áng thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của thi sỹ bí ẩn T.T.KH, loài hoa mang hình dáng “tim vỡ” đã đi vào thơ nhạc Việt. Dòng Nhạc Xưa xin tiếp nối chủ đề hoa trong nhạc với ti-gôn.

Hai sắc hoa ti-gôn (T.T.KH – Trần Trịnh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Đôi nét về hoa ti-gôn

(Nguồn: wikipedia)

Hoa ti-gôn. Ảnh: wikipedia

Chi Ti-gôn hay còn gọi chi hiếu nữ, Ăng-ti-gôn (danh pháp khoa học: Antigonon) là tên gọi chung để chỉ chi thực vật thuộc họ Rau răm (Polygonaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ.

Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước (Song Ngọc)

Đối với những Kito hữu, hôm nay là một ngày Chủ Nhật đặc biệt vì đó là Chủ Nhật thứ V mùa Chay mà ngày xưa còn gọi là “Chủ Nhật Ném Đá”. Sở dĩ có tên gọi “Chủ Nhật Ném Đá” là vì thông điệp của Chủ Nhật V Mùa Chay là một thông điệp về tình yêu và lòng tha thứ, vượt lên trên sự trừng phạt bằng cách ném đá đến chết đối với tội ngoại tình theo lề luật Do Thái xưa. Đôi nét về tôn giáo như thế để quý vị yêu nhạc hiểu rõ hơn về một bản nhạc rất đặc biệt của nhạc sỹ Song Ngọc mà [dongnhacxua.com] hân hạnh giới thiệu hôm nay: “Chuyện người đàn bà 2000 năm trước”.

Ảnh: nguoichanbay.wordpress.com
Ảnh: nguoichanbay.wordpress.com

CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ 2000 NĂM TRƯỚC
(Nguồn: http://phatthanhhyvong.com/node/95)

Kính thưa quý thính giả,

Nhạc sĩ Song Ngọc có gởi tặng cho đời nhạc phẩm “Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước”. Nhạc phẩm này nói về một câu chuyện thật lạ lùng, xảy ra khoảng 2000 năm về trước tại xứ Do Thái, được ghi lại trong Kinh Thánh. Trong câu chuyện, một phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Theo luật lệ của xã hội Do Thái ngày đó, một phụ nữ phạm tội ngoại tình thì sẽ bị xử tử. Những người bắt quả tang phụ nữ này đang phạm tội là những bậc tu sĩ và những người có thẩm quyền trong xã hội trong thời đó. Các nhân vật này là những người thi hành luật pháp triệt để và do vậy, cái chết là định mệnh, là điều chắc chắn sẽ xảy đến cho người phụ nữ xấu số này. Nàng bị vực ra ngoài và công chúng đang vây quanh, chất đá lại, chuẩn bị thi hành cái bản án tử hình mà mặc nhiên ai ai cũng công nhận. Nếu quý vị và tôi đặt mình vào hoàn cảnh cùng đường của nàng, chúng ta sẽ thấy ra sao?

Trong tiết mục “Đời Sống Phước Hạnh” chiều hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị đi ngược lại dòng thời gian 2000 năm, trở lại với khung cảnh của câu chuyện này, dưới cái nhìn và cảm nghĩ của người phụ nữ trong câu chuyện.

“Những bước chân thật nặng nề ngoài sân báo cho nàng biết những người đi ruồng bắt sắp ập tới, trước cả khi nàng thấy họ xuất hiện tại ngưỡng cửa. Nàng biết mình đã bị bắt tại trận. Tại sao nàng không suy nghĩ về điều này trước, để khỏi bị bắt quả tang như thế này? Bây giờ chẳng còn chạy thoát vào đâu được nữa.

Ngay lập tức, nàng nhận ra ngay những người đang bước vào cửa. Họ là những người làm việc ở trong đền thờ, và nếu họ là những người sẽ xét xử nàng trong việc này, thì trước phiên tòa, sự việc không chỉ dừng lại ở những câu hạch hỏi mà thôi. Trong thâm tâm, nàng biết số phận nàng đã bị định đoạt rồi, trừ khi có phép lạ gì xảy ra mà thôi. Đã từ lâu, nàng chẳng biết thế nào là là tình yêu chân thật nữa và nàng đã thôi, không còn mộng mơ tìm kiếm một tình yêu chân thật trong đời. Nàng chỉ mong người ta mở lòng khoan dung nàng, nhưng những người bắt nàng đang trói nàng thật chặt. Chẳng hy vọng gì được tự do. Nàng biết thân phận của mình. Nàng biết mình tội lỗi và đã từ lâu có nhiều người trong thành phố xì xầm bàn tán về nàng. Thật ra thì nàng cũng nghĩ ngợi về những điều này. Nàng biết mình bị khinh dễ và bị chìm đắm trong tuyệt vọng từ lâu. Tội lỗi vây kín tâm hồn, đời sống nàng và tội lỗi cũng chẳng thương xót nàng. Cái chết đau đớn và nhục nhã đang gần kề, cho đến khi nàng bị người ta điệu đến trước một con người mang tên Giê-xu…”

Kính thưa quý thính giả,

Gioan là người tường thuật lại câu chuyện trên, kể lại rằng, buổi sáng hôm đó, Chúa Giê-xu đang ngồi trong đền thờ; dân chúng vây chặt chung quanh Ngài vì họ đang bị thu hút bởi những lời giảng dạy thật đơn giản nhưng tràn đầy tình thương và chân lý của Ngài. Thình lình, các giáo sư luật và các tu sĩ phái Pha-ra-si mang đến cho Ngài người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Cảnh tượng bỗng trở nên huyên náo, ồn ào, pha lẫn với những lời miệt thị, khinh dễ của đám đông trước người đàn bà tội lỗi này. Người đàn bà bị dẫn tới và ném nằm phủ phục dưới chân Chúa Giê-xu. Người tu sĩ dòng Pha-ra-si la lớn tiếng với Ngài: “Thưa thầy, chị nầy bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Theo luật Môi-se, người ngoại tình phải bị ném đá xử tử. Còn Thầy nghĩ sao?”

Quý thính giả thân mến,

Tội lỗi làm ngăn cách. Tội lỗi cản trở chúng ta đến gần với Thiên Chúa, mang lại cảm giác trống vắng và sợ hãi trong cuộc đời. Tội lỗi làm chúng ta mù lòa, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những tham vọng giả dối, sẽ là những niềm đau khổ cho cuộc sống của chúng ta. Đó chính là tình trạng của người đàn bà này. Không ai cảm thấy cô đơn, tủi nhục và sợ hãi như nàng lúc bấy giờ.

Sau khi tuyên bố về tội ngoại tình, lại bị bắt quả tang, của người đàn bà, người lãnh đạo đền thờ lùi lại một bước, mặc nhiên dồn Chúa Giê-xu vào vị thế của một người phán xử và chờ xem phản ứng của Ngài. Một số chi tiết cần biết khác của câu chuyện; đó là những tu sĩ dòng Pha-ra-si, cũng là những nhà làm luật, là những người có thẩm quyền to lớn trong đến thờ và chính quyền của Do thái lúc bấy giờ và họ rất ghét Chúa Giê-xu. Mặc dù Chúa Giê-xu đã thực thi bao phép lạ để chữa bịnh và cứu người, cũng như sự giảng dạy của Ngài tràn đầy chân lý và tình thương, nhưng sự kiêu ngạo đã làm cho các tu sĩ Do thái không nhận ra con người mang tên Giê-xu chính là Thiên Chúa, đã giáng trần để cứu vớt nhân loại ra khỏi vòng vây hãm của tội lỗi và đau khổ triền miên.

Hôm nay, nhân bắt được quả tang một phụ nữ phạm tội ngoại tình, họ muốn biến cơ hội này thành một cái bẫy đặt bắt bớ và có cớ hạch hỏi Ngài. Mặc dầu trong lòng rất ghét Ngài, nhưng bên ngoài, họ tâng bốc khi kêu Giê-xu là “Thầy” để mong Ngài dễ sập bẫy. Mặc dầu là giáo sư luật và hiểu rõ luật lệ hơn ai hết, nhưng họ đã vặn vẹo, tự ý thay đổi luật, khi tuyên bố rằng “người ngoại tình phải bị ném đá”, vì Môi-se ngày xưa chỉ cho phép ném đá khi một phụ nữ đang đính hôn, nhưng lại phạm tội ngoại tình trước ngày hôn lễ. Đó là chưa kể đến sự kiện tại sao họ chỉ đưa ra người đàn bà để phán xét, như vậy, người đàn ông cùng phạm tội ngoại tình với nàng ở đâu? Và tại sao họ không giam nàng một nơi, rồi tới hỏi ý kiến Chúa Giê-xu, thay vì áp dẫn nàng trước đám đông để làm nhục nàng và dồn Chúa Giê-xu ở vào một tình thế vô cùng khó xử?

Nếu Chúa Giê-xu đồng ý với luật Môi-se, tán thành việc xử tử người đàn bà ngoại tình, thì họ sẽ lên án là Ngài “bất nhất”, vì Ngài đã từng tuyên bố Ngài là Chúa Cứu Thế, là “Bánh Từ Trời” đến thế gian “không phải để kết tội nhưng cứu vớt loài người”. Nếu con người Giê-xu thực sự là Chúa Cứu Thế, thì Ngài phải luôn luôn nhu mì, giàu lòng thương xót chứ. Đó là chưa kể, nếu Ngài đồng ý xử tử nàng, Ngài sẽ bị họ kết án là dám tước quyền phân xử của chính quyền La Mã đang cai trị nước Do Thái thời bấy giờ.

Còn nếu Chúa Giê-xu không đồng ý xử tử nàng, nhưng tha nàng, thì Ngài sẽ bị lên án là kẻ “phá hoại luật pháp và lời tiên tri” được ghi trong Kinh Thánh, là kẻ đồng lõa với tội lỗi, không thể hiện sự mẫu mực của một đấng tiên tri hay sự thánh khiết trọn vẹn của Thiên Chúa.

Sứ đồ Gioan kể tiếp câu chuyện như sau: “Họ cố ý gài bẫy để tìm lý do tố cáo Ngài. Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết trên mặt đất. Vì họ cứ hỏi mãi, Chúa đứng dậy trả lời: “Trong các ông, người nào vô tội hãy ném đá chị ấy trước đi!” Chúa lại cúi xuống viết trên mặt đất. Nghe câu ấy, họ lần lượt bỏ đi, người lớn tuổi đi trước.”

Quý thính giả thân mến,

Thay vì vướng vào cái bẫy của các tu sĩ và luật gia, Chúa Giê-xu đã không đả động đến vấn đề luật pháp hay làm đau đớn thêm nỗi tủi nhục của người đàn bà ngoại tình, nhưng Ngài đã hỏi một câu đi thẳng vào tấm lòng của những con người kiêu ngạo và mù quáng. Chúa Giê-xu hỏi họ: “Trong các ông, người nào vô tội?”. Câu hỏi thật đơn sơ này của Chúa Giê-xu đã làm thức tỉnh những người có mặt hôm đó; đã biến tòa án xử tội người đàn bà ngoại tình trở thành tòa án phán xét của lương tâm trong lòng mỗi người. Chỉ trước đó vài phút, những tu sĩ và luật gia tự cho mình là đủ tư cách để phán quyết về hành vi của người khác, nhưng trước tòa án lương tâm, họ đã cả thẹn, yên lặng và lần lượt bỏ đi.

Câu hỏi của Chúa Giê-xu thật đơn sơ, nhưng khẳng định một chân lý quan trọng rằng “Mọi người đều đã phạm tội”. Có thể chúng ta không phạm pháp, hay không bị bắt quả tang như người đàn bà trong câu chuyện, nhưng không ai là vô tội trước mặt Thiên Chúa cả. Và trước mặt Ngài, mọi tội lỗi, dù nhỏ hay lớn, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều là tội, đều làm thương tổn đến Ngài. Một lời nhận xét cẩu thả, một suy nghĩ kiêu ngạo, một lời giận dữ thốt ra vội vã, một thái độ cay đắng dai dẳng, tất cả đều nguy hại như tội ngoại tình của người đàn bà 2000 năm về trước.

Lời nói của Chúa Giê-xu không những tràn đầy chân lý, những cũng chan chứa tình thương. Chiếu theo luật pháp, người đàn bà ngoại tình này đáng bị xử tội, nhưng trong đôi mắt nhân từ của Chúa Cứu Thế, nàng cũng như tất cả chúng ta, cần nhận sự thương xót, ân huệ và sự tha thứ từ Thiên Chúa. Sau khi mọi người bỏ đi, chỉ còn lại một mình Ngài với người đàn bà, Ngài không đã không lên án, nhưng đã tha thứ nàng, khi Ngài nói “Tôi cũng không xử tội chị đâu”.

Tình thương của Thiên Chúa không có nghĩa là Ngài dung thứ và chấp nhận tội lỗi của chúng ta, nhưng tình thương của Ngài sẽ biến đổi chúng ta, từ một tội nhân trở nên một người mới, tràn đầy tình thương và khao khát làm điều lành. Tình thương, sự nhân từ và lòng tha thứ của Chúa Giê-xu đã hoàn toàn chiếm hữu tâm hồn người đàn bà ngoại tình 2000 năm trước. Chúng ta có thể đoan chắc, nàng ra về và từ bỏ đời sống ngụp lặn trong bùn nhơ trước kia, vì khi Chúa Giê-xu hỏi: “Này chị, họ đi đâu hết cả? Không có ai lên án chị sao?”, thì nàng trả lời “Thưa Chúa, không ai cả”. Nàng đã gọi Giê-xu là Chúa và xưng nhận Ngài là Cứu Chúa của đời nàng.

Kính thưa quý thính giả,

Qua câu chuyện trên, quý vị và tôi thấy mình là ai trong câu chuyện này? Quý vị và tôi có đang khoác trên mình một chiếc áo tôn giáo hay một triết lý cao siêu, tự cho mình tốt đẹp, ít tội và có quyền phán xử người khác, hay quý vị và tôi đang khổ đau với những mặc cảm tội lỗi đêm ngày? Quý vị là người còn có thanh danh hay đã bị bắt quả tang? Nhưng dầu là ai đi nữa, tất cả chúng ta cần được Thiên Chúa thương xót và tha thứ, vì tất cả chúng ta không ai là trọn vẹn trước mặt Ngài và lương tâm chúng ta biết rõ điều này. Theo đúng luật công bình thì “Có tội thì phải đáng phải chết”, nhưng Chúa Giê-xu, chính là Thiên Chúa, vì thương nhân loại, đã hạ sanh làm người, và sau đó bằng lòng chết thế cho tội lỗi của quý vị và tôi trên cây thập tự, cách đây hơn 2000 năm về trước.

Kính thưa quý thính giả,

“Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước” bắt đầu với người đàn bà phạm tội ngoại tình, nhưng câu chuyện đem đến cho mỗi chúng ta niềm hy vọng chứa chan vào sự thương xót và lòng tha thứ bao la của Thiên Chúa, qua những lời lẽ thật đơn sơ nhưng tràn đầy chân lý và tình thương của người đàn ông mang tên Giê-xu. Theo thiển ý của tôi, nếu nhạc sĩ Song Ngọc thay đổi tựa đề bài hát thành “Chuyện Người Đàn Ông 2000 Năm Trước” thì nghe càng hữu lý hơn. Quý vị thì nghĩ sao?

Kính chúc quý thính giả sớm mở tấm lòng đón nhận Thiên Chúa nhân từ vào đời sống mình.

[footer]

Màu Tím Hoa Sim do nhạc sỹ Song Ngọc phổ nhạc

Tiếp nối mạch cảm xúc của những bài hát lấy cảm hứng từ bài thơ bất hủ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản “Màu tím hoa sim” do nhạc sỹ Song Ngọc phổ thơ. Ảnh bìa: hcmutrans.edu.vn

[footer]