Nhánh Lan Rừng (Thế Hiển)

[dongnhacxua.com] xin được tiếp nối dòng nhạc xuân bằng bản “Nhánh lan rừng” của nhạc sỹ Thế Hiển. Ra đời cách đây đúng 40 năm, ca khúc này như một nhành lan âm thầm góp chút hương sắc cho vườn nhạc Xuân nhiều màu sắc của tân nhạc Việt Nam.

Phong lan rừng. Ảnh: http://samtuoingoclinh.com
Phong lan rừng. Ảnh: http://samtuoingoclinh.com

“NHÁNH LAN RỪNG” MÃI NỞ
(Nguồn: bài viết của tác giả Minh Nga đăng trên nld.com.vn)

Ở tuổi ngoài 50, NSƯT Thế Hiển vẫn còn hăm hở mang lời ca, tiếng hát đi khắp nơi để xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, trở thành nhịp cầu kết nối những số phận không may.

Nhạc sỹ Thế Hiển.
Nhạc sỹ Thế Hiển.

Ra đời gần tròn 26 năm, ca khúc Nhánh lan rừng của nhạc sĩ Thế Hiển không chỉ là một hồi ức đẹp về một loài hoa, một bài hát sinh ra trong thời hoa lửa mà đã trở thành một thương hiệu của những hành trình từ thiện đầy ắp tình người. Ở tuổi ngoài 50, Thế Hiển vẫn còn hăm hở mang lời ca, tiếng hát đi khắp nơi để xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh.
 
Một hình tượng đẹp

Năm 1986, Thế Hiển cùng nhóm xung kích Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận 479 ở Campuchia. Tuy chỉ có 10 ngày cùng sống và hát biểu diễn với anh em chiến sĩ nhưng cũng chính tại đây, Thế Hiển nhận ra tinh thần lạc quan, yêu đời và những mơ ước đơn sơ, giản dị của người lính chiến đấu xa quê hương.
 
Thời ấy, ở rừng Siem Reap, hoa lan đua nhau nở, nhất là giữa những vách núi chênh vênh 2 bên bờ suối. Sau những giờ hành quân, chiến sĩ rủ nhau đi tìm nhánh lan rừng đẹp nhất về treo quanh lán trại. Anh vẫn nhớ như in có một chiến sĩ quê ở TPHCM khoe: “Anh Hiển ơi! Em sắp được về phép rồi. Lúc đó, em sẽ mang nhánh lan rừng về tặng cho người yêu. Em ước mơ và chờ mong được trở về TP vào mùa xuân này”.
 
Hình ảnh nhánh lan rừng vẫn sống, vẫn ra hoa giữa rừng cây chết cháy vì bom đạn và câu chuyện xúc động của người lính trẻ đó đã khiến Thế Hiển xúc động, những giai điệu của Nhánh lan rừng từ đó ùa về trong nguồn cảm hứng dạt dào: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người trên phố phường đông vui”.

Hình ảnh chiến sĩ mang ba lô cài nhánh lan rừng náo nức đi về TP giữa mùa xuân thật đẹp và ý nghĩa. Nó tượng trưng cho niềm tin yêu, sự lạc quan vào một ngày mai sum họp. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, có được bao người lính mang nhánh lan rừng về sum họp với gia đình, với người yêu? Có những người đã nằm xuống, mãi lỡ hẹn với mùa xuân, với mối tình đẹp như nhánh lan rừng. Song Thế Hiển không đưa hình ảnh này vào bài hát vì muốn giữ một tinh thần yêu đời, lạc quan để làm món quà động viên cho người lính: “Gửi muôn lời hát trong tâm tư người lính trẻ, vẫn hẹn ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ…”.

Những hành trình không mỏi

Người ta gọi Thế Hiển là nhạc sĩ của lính và hè phố khi có hàng loạt sáng tác về đời lính gian khổ cũng như những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Để có được những ca khúc đầy sức sống ấy, trái tim Thế Hiển đã bao lần trăn trở trước những phận đời mà mình bắt gặp trên mỗi chặng đường đi qua.
 
Năm 1991, Thế Hiển ra Hà Nội gặp những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ sống bằng nghề đánh giày, bán vé số, những em bé nằm co ro bên vỉa hè, góc phố giữa đêm mưa giá rét… và ca khúc Dấu chấm hỏi đã ra đời. Một lần đến thăm thương binh ở Quân y viện 175, bài hát Những giọt nước mắt từ đôi mắt không còn được viết dành tặng cho những người thương binh không còn đôi mắt lành lặn.
 
Không chỉ có những sáng tác đồng cảm với số phận con người, Thế Hiển còn ôm đàn hát với những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước. Còn nhớ live show xuyên Việt mang tên Nhánh lan rừng qua các tỉnh – thành của anh, diễn ra khoảng năm 2004 – 2005 đã giúp đỡ cho rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh, sinh viên, trẻ em nghèo khó…

Sau thành công của Nhánh lan rừng, hành trình xoa dịu nỗi đau của Thế Hiển được tiếp tục bằng chương trình Những khúc tâm ca đường phố. Chương trình không nằm ngoài mong muốn đóng góp vào quỹ từ thiện của các tỉnh – thành nơi chương trình đi qua.

Người ta gọi Thế Hiển là “Nhánh lan rừng nở mãi” bởi hôm nay đã bước qua tuổi 50 nhưng người nhạc sĩ – ca sĩ này vẫn còn sung sức, đầy đam mê, nhiệt huyết để tiếp tục những hành trình nhân văn của mình. Là ủy viên ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM từ năm 1998 đến nay, Thế Hiển đều đặn tham gia các chương trình từ thiện, đến các mái ấm, trường học, ôm đàn ngồi ca hát vô tư, hồn nhiên với mọi người. Những cuộc hành trình không mệt mỏi là vậy nhưng Thế Hiển vẫn khiêm tốn cho rằng âm nhạc của mình chỉ là một chiếc cầu nhỏ, nối nhịp giữa lòng hảo tâm và những số phận không may mắn cần được hỗ trợ và đáp đền trong xã hội.

Nói về hành trình từ thiện, Thế Hiển chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại lúc nào, không biết khi nào kết thúc. Bởi “Nhánh lan rừng” Thế Hiển vẫn còn khát khao cất vang lời ca, tiếng hát; bởi những tấm lòng nhân ái vẫn luôn đồng hành ủng hộ những việc làm của anh để mang đến cho đời những niềm vui. Vì thế, dấu chân người nhạc sĩ của những phận đời lam lũ sẽ còn in ở rất nhiều nơi anh đi qua.

Bài và ảnh: Minh Nga

[footer]

Nhong nhong nhong … Cha làm con ngựa (Thế Hiển)

Tiếp nối chủ đề “Ngựa trong âm nhạc Việt” [dongnhacxua.com] xin giới thiệu tiếp một sáng tác vui và nhiều ý nghĩa của nhạc sỹ Thế Hiển, bản “Nhong nhong nhong”. Hình ảnh người cha làm ngựa để vui đùa với con cái chắn hẳn là một kỷ niệm khó phai đối với tất cả chúng ta, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi khi nhớ về một thời tuổi thơ, để thấy yêu thương các bậc sinh thành nhiều hơn.

CHA LÀM CON NGỰA
(Nguồn: tác giả Thụy Bình đăng trên BaoPhuYen.com.vn)

“Nhông nhông nhông cha làm con ngựa, để cho con, con cưỡi con chơi…” để cho con, cho con thật nhiều, nhiều như lá, như cây, như thác nước đại ngàn, như núi Thái Sơn bao la hùng vĩ…

 cha-lam-con-ngua--baophuyen.com.vn--dongnhacxua.com

Bây giờ con đã lớn khôn nhưng tuổi thơ con mang nặng tình yêu thương của ba còn mãi vẹn nguyên, tình yêu thương của ba dành cho con, tiếp cho con sức mạnh cứ mãi tròn đầy… Thế sao bây giờ ba không còn đủ sức chỉ để tự trở mình, chỉ để hé mắt nhìn đứa con gái thân yêu nơi xa về khi nghe tin “ ba bệnh nặng”?

…Con tròn 5 tuổi, vì nhiều lý do ba phải nghỉ “ hưu non” để mẹ con “đương chức”. Tháng hai lần, mẹ gồng gánh lương thực, thực phẩm thời bao cấp từ cơ quan cách hàng chục cây số về với bốn cha con, cả gia đình có được ngày Chủ nhật sum vầy. Những ngày còn lại trong tuần, bốn cha con “ nhông nhông” với nhau, ngựa con, ngựa bố sớm tối vui vầy. Ba nóng tính như lửa rơm, chóng cháy chóng tàn, trực tính, tầm phào và tốt bụng. Ba gánh vác nắng mưa, gánh vác nỗi niềm cho con trẻ, cho con sức mạnh, cho con niềm tin vững chãi bước đi trong cuộc đời. Con dần lớn khôn, giống mẹ-con yếu mềm, con hay tủi thân, hay khóc, hay mủi lòng… Ba vực con dậy trong nhiều lần vấp ngã, non nớt nào đâu con biết, ba cho con sức mạnh nhưng ba lại quay lưng giấu đi gương mặt méo xệch vìø cảm xúc…

Con nhớ, khi lên lớp 5, ba cho con lên trường huyện theo học lớp bồi dưỡng văn dự thi cấp tỉnh. Con bé nhỏ trên chiếc xe đạp quá khổ tuổi lên mười, với con, ba mạnh mẽ đi kèm sát bên cạnh như một sự che chở khôn cùng… thế mà con vụng về yếu đuối để chiếc xe thồ va quệt suýt té. Không yên lòng, ba cố công dỗ dành để con đồng ý không theo học nữa. Nhưng con tiếc, con buồn, con khóc và thầm giận ba suốt tháng dài… Vẫn cương quyết vô cùng nhưng ba lại thao thức, trăn trở thương con hiếu học! Ngày con dự thi tốt nghiệp cấp II, rồi cấp III, ba bỏ công việc, lo lắng, bồi hồi ngồi chờ con suốt buổi trước cổng trường, nhen thêm cho con ngọn lửa của sức mạnh, của niềm tin cho đến ngày tên con có trên “ bảng vàng”, ánh mắt ba bừng sáng mừng vui… Ngày con vào đại học, ba đưa con ra bến xe, lần đầu tiên con cảm nhận nhiều lắm về cuộc đời vì lần đầu tiên con đi bên cạnh người cha đang khóc, nước mắt ba mềm nhũn lòng con suốt quãng đường đưa tiễn, để 4 năm dài chốn giảng đường và mãi sau này con luôn mang theo hình bóng của ba ngày đó, nhớ về những giọt nước mắt của ba để con có thêm sức mạnh, để con hiểu rằng: buồn vui, hờn giận cũng phải biết nén lòng…

… Con đủ lông, đủ cánh bay đi, con cứng cỏi lên nhiều cũng là lúc con không được cùng ba nữa trong tuổi xế, tuổi chiều…. Ba cho chúng con trong hành trang mang theo cuộc đời mình có sự mạnh mẽ, tính nóng như lửa rơm, chóng cháy chóng tàn, trực tính, tầm phào và tốt bụng, tình yêu thương khôn cùng như  núi Thái Sơn bao la hùng vĩ…

THỤY BÌNH

[footer]