Những giọng ca vàng: Lê Uyên & Phương

Trong số những cặp song ca thành công trong dòng nhạc Việt, Lê Uyên & Phương xứng đáng được xem như là một trong những đôi bạn diễn có nhiều ấn dấn khó phai mờ nhất. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về hai nghệ sỹ tài hoa này qua một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc. Qua đó cũng xin được một lần nữa chúc chị Lê Uyên nhiều sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho văn nghệ Việt Nam và chúc linh hồn nhạc sỹ Lê Uyên Phương vui hưởng hạnh phúc miền cực lạc!

Tình khúc cho em (Lê Uyên Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Kỷ niệm 16 năm ngày nhạc sĩ Lê Uyên Phương qua đời

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-06-29)

Theo lời kể của ca sĩ Lê Uyên lúc đó là Lâm Phúc Anh, tuổi 15, từ Sài Gòn lên Đà Lạt học trung học là mối lương duyên của họ khá thú vị. Cô gái ở trọ một căn nhà và đã thấy có một chàng trai ở đầu hẻm nhìn cô với đôi mắt trìu mến, ánh mắt đó cho cảm giác lạ.

Mấy ngày sau, vào buổi tối thứ sáu cô gái theo bạn đến một buổi văn nghệ sinh viên, khéo thay người kéo vĩ cầm trên sân khấu đúng là chàng trai đó. Chàng độc tấu bản Con Thuyền Không Bến (Đặng Thế Phong), âm thanh ngọt ngào làm trái tim cô gái rung động, cảm giác hãnh diện sung sướng.

Ngày hôm sau, chàng trai đến xin làm quen và tự xưng tên là Lộc, dĩ nhiên cô gái đồng ý và mối tình nẩy nở.

Quen nhau không lâu, cô gái trở về Sài Gòn thăm nhà một tuần. Trong mấy ngày xa cách, nỗi nhớ nhung trở thành cảm hứng để chàng nhạc sĩ viết một loạt những ca khúc để đời Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Một Ngày Vui Mùa Đông

Tên thật của chàng là Lê Minh Lập, vì đánh máy giấy khai sinh sai thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Tên của mẹ chàng là Công Tôn Nữ Phương Nhi, do đó chàng lấy chữ Phương làm nghệ danh của mình.

Chàng tập cho nàng hát, cả hai lấy nghệ danh là Lê Uyên và Phương, gọi chung là Lê Uyên Phương.

Lần đầu tiên trình diễn tại Viện Đại học Đà Lạt vào năm 1967, đôi song ca Lê Uyên và Phương với những tình khúc mới đã làm khán giả là giới sinh viên tán thưởng. Hôm đó âm thanh bị trục trặc cho nên hai người hát không cần micro, chàng ôm đàn ghi ta đệm cho nàng và thỉnh thoảng hát bè chung.

Bản Vũng Lầy Của Chúng Ta cất lên đã quyến rũ lòng người: “Theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say; theo em bước xuống cơn đau bên ngoài nắng đã lên mau; cho nhau hết những mơ say, cho nhau hết những mê say,cho nhau hết cả chua cay, cho nhau chắt hết thơ ngây,trên cánh môi say, trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn tình buồn…”

Những nốt nhạc đẹp, lời ca bay bướm, một tình yêu nồng nàn nhưng phảng phất nỗi sầu chia ly mơ hồ của đôi tình nhân và ca khúc này đã tạo nên tên tuổi nhạc sĩ Lê Uyên Phương.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét rằng chỉ một bản Vũng Lầy Của Chúng Ta đã trải thảm đỏ mời nhạc sĩ Lê Uyên Phương ngồi trong ngôi nhà của giới sáng tác ca khúc Việt Nam.

Đoạn cuối của bài hát mang chất triết lý: “Ta sống trong vũng lầy, một ngày vùi dần, còn vùi sâu, trong ngao ngán không dứt hết cơn ê chề..”

Có một nhạc sĩ nhận xét rằng đoạn cuối này có vẻ dư thừa về phương diện nhạc nhưng cũng có một nhạc sĩ khác cho rằng nó cần thiết để tác giả trải bày tâm tư cho đầy đủ mà hai đoạn trước chưa làm tròn.

Đôi song ca Lê Uyên và Phương còn trình bày Tình Khúc Cho Em: “Như hoa đem tin ngày buồn, như chim đau quên mùa Xuân, còn trong hôn mê buồn tênh, lê mãi những bước ê chề, xin cho thương em thật lòng, xin cho thương em thật lòng, còn có khi lòng thôi giá băng…”

Và bản Một Ngày Vui Mùa Đông: “Em lên ngày mai, đường gió trăng cài, mong em từng giây, rộn ràng như ngây, ô hay mùa đông mà xuân đã lâng lâng…”

Hình ảnh cô ca sĩ trong tà áo dài thướt tha sánh vai cùng chảng nhạc sĩ cũng mái tóc dài và bộ râu mép trông rất lãng tử là một cặp đôi tình nhân lý tưởng trong văn nghệ.

Giới sinh viên thuộc lòng những tình khúc của Lê Uyên Phương, họ hát cho nhau nghe trong những buổi họp mặt.

Sau những trắc trở vì gia đình ngăn cản nhưng cuối cùng họ lấy nhau và sinh đứa con đầu lòng.

Vào năm 1969, Lê Uyên và Phương từ Đà Lạt xuống Sài Gòn trình diễn lần đầu tại thủ đô, ở trường quốc gia âm nhạc. Hôm đó là buổi của nhạc sĩ Phạm Duy cho giới sinh viên nghe và ông đã ân cần giới thiệu Lê Uyên Phương với khán giả. Cũng vẫn ba bản Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em Một Ngày Vui Mùa Đông, đôi tình nhân nghệ thuật này đã chinh phục mọi người. Kế tiếp họ trình diễn ở đại học Y khoa, đại học Luật Khoa, đại học Vạn Hạnh… và được giới sinh viên hưởng ứng nồng nhiệt.

Từ đó tiếng tăm của Lê Uyên Phương lan khắp toàn quốc. Các phòng trà Sài Gòn mời họ cộng tác và các trung tâm mời thu băng các ca khúc của Lê Uyên Phương bằng chính giọng ca của đôi uyên ương này.

Người nhạc sĩ tài hoa tiếp tục viết thêm mấy chục tình khúc khác như Cho Lần Cuối, Lời Gọi Chân Mây, Dạ Khúc Cho Tình Nhân

Thời Sài Gòn, Lê Uyên Phương xuất bản 2 tập nhạc Khi Loài Thú Xa Nhau (1970); Yêu Nhau Khi Còn Thơ (1971). Sau khi Sài Gòn thất thủ, cặp Lê Uyên Phương sống âm thầm và vượt biển vào năm 1979 đến Hoa Kỳ.

Ở hải ngoại Lê Uyên Phương xuất bản tập nhạc Biển Kẻ Phán Xét Cuối Cùng (1980) với những bản nói về tâm trạng của anh khi vượt biển. Có một giai đoạn khoảng năm 1988-1989, chàng nhạc sĩ trình diễn chung với cô con gái là Lê Uyên Uyên trong những bài hát mới trong tập nhạc Trái Tim Kẻ Lạ.

Anh có viết một cuốn sách gồm những bài tùy bút và truyện mang tên Không Có Mây Trên Thành Phố Los Angeles (1990).

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương nằm xuống, đám tang của anh đông đảo giới văn nghệ đưa tiễn, một tài năng âm nhạc giã từ hơi sớm giới hâm mộ nghệ thuật.

Vẫn nhớ một buổi sáng ở đường Bolsa thuộc khu Little Sài Gòn thập niên 90, tình cờ gặp anh đang đi phân phát những cuốn niên giám điện thoại cho công ty Mỹ và có mấy phút trò chuyện văn nghệ. Lê Uyên Phương đã cảm hứng giải bày cái hay của bản Vũng Lầy Của Chúng Ta và anh hát những câu nhạc đắc ý. Mỗi người trong chúng ta đều có một vũng lầy, đó là lý do để bài hát này ra đời.

Nghe tựa đề thì có vẻ triết lý, nhưng nét nhạc mở đầu thật thắm thiết ngọt ngào – “Theo em xuống phố trưa nay, đang còn chất ngất cơn say” – kỷ niệm thời học sinh sinh viên yêu nhạc Lê Uyên Phương cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 ở Việt Nam trở về trong ký ức.

Cám ơn người nhạc sĩ đã viết những tình khúc lứa đôi nồng nàn, tình yêu nào mà không lo âu nỗi chia xa. Đó là nét đặc biệt của dòng nhạc Lê Uyên Phương. Xin tưởng nhớ ngày giỗ thứ 16 của anh: 29/6/1999 – 29/6/2015.

Trần Chí Phúc / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *