Tình lỡ (Thanh Bình): Hết rồi còn chi đâu em ơi!

Với những người yêu nhạc xưa thì giai điệu mượt mà và ca từ nhẹ nhàng, khắc khoải của bản ‘Tình lỡ’ đã trở nên quá quen thuộc hơn 50 năm nay: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi …” Tác giả của ca khúc bất hủ này là nhạc sỹ Thanh Bình. Chắc cũng như [dongnhacxua.com], bạn sẽ tự hỏi: Thanh Bình là ai? Hiện giờ nhạc sỹ thế nào? Thật may mắn, chúng tôi đọc được một bài viết của anh Hà Đình Nguyên mới đăng trên báo Thanh Niên ngay ngày hôm qua, 10/11/2013. Thế là mọi việc được sáng tỏ nhưng qua đó cũng hé mở một câu chuyện đau lòng về hoàn cảnh hiện tại của nhà nhạc sỹ!

 Tình lỡ (Thanh Bình). Ảnh: VietStamp.net

Tình lỡ (Thanh Bình). Ảnh: VietStamp.net

tinh-lo--1--thanh-binh--vietstamp.net--dongnhacxua.com tinh-lo--2--thanh-binh--vietstamp.net--dongnhacxua.com tinh-lo--3--thanh-binh--vietstamp.net--dongnhacxua.com

NGHE VÀNG MÙA THU SAU LƯNG TA …
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên, số ra ngày 10/11/2013)

Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng lại rất ít người biết thông tin về tác giả.

Nhạc sỹ Thanh Bình thời trẻ. Ảnh: Hà Đình Nguyên.
Nhạc sỹ Thanh Bình thời trẻ. Ảnh: Hà Đình Nguyên.

Người viết đã bỏ ra suốt 2 tuần để đi tìm nhạc sĩ Thanh Bình từ tin nhắn của một bạn đọc cho biết ông đang ở một căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM. Tới đúng địa chỉ này hỏi thì người ta lắc đầu, không biết nhạc sĩ Thanh Bình là ai. Hóa ra, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một đoạn ở phía bên kia vòng xoay Điện Biên Phủ (gần kênh Nhiêu Lộc).

Cho người con gái Hải Phòng

Tôi đến và bắt gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện tình nghệ sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? – Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…”. Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?”. Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, còn lại là những khoảng ký ức ít ỏi…

Nhạc sỹ Thanh Bình hiện nay. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Nhạc sỹ Thanh Bình hiện nay. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình học nhạc với một ông thầy ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946-1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm…

Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm ‘Tình lỡ’, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào.

Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.

Theo tìm hiểu của người viết thì ‘Tình lỡ’ là ca khúc chính được sử dụng trong phim ‘Nàng ‘ do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm… Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “… Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi… Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay…”.

Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi

Tôi đang cố khơi gợi lại trí nhớ của ông thì chị chủ nhà đi công chuyện về. Chị tên Phượng và là cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình bằng cậu ruột. Qua chị, tôi biết thêm một số điều. Quả thật câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta” khắc khoải như số phận đầy đau khổ của nhạc sĩ.

Sau 1954, nhạc sĩ Thanh Bình lấy vợ người Sài Gòn. Hai vợ chồng có một con gái và mở một tiệm cơm mà thực khách phần đông là những viên chức người Pháp. Rồi cô vợ bỏ chồng đi theo một người trong số họ về Pháp, bỏ lại đứa con gái cho ông. Vậy là “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm, cho đến lúc gả chồng cho con. Ông ở với vợ chồng người con gái trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Tuổi già, lại đeo thêm những chứng bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Thỉnh thoảng các nghệ sĩ ở nước ngoài (ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Giang Kim…) gửi biếu ông chút tiền chữa bệnh. Rồi người con gái phải lâm vào vòng lao lý, chị Phượng đưa người nhạc sĩ già này về nhà mình nuôi dưỡng… Hằng ngày ông bắc ghế, ngồi nhìn ra đường, giữ nhà cho con cháu đi làm ăn, học hành. Chắc ông chẳng còn nhớ, chẳng bận tâm rằng mình một thời từng sáng tác được những ca khúc khiến bao trái tim thổn thức. Và nếu như có ai nhắc lại, ông gật gù hỏi: “Bài ấy có hay không?”.

Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: ‘Còn nhớ hay quên?’, ‘Đừng đến rồi đi’ (1959), ‘Tiếc một người’ (1972)… Những cái tựa của các ca khúc kể trên khiến người ta tự hỏi: nhạc sĩ Thanh Bình viết cho ai đây, người yêu đầu đời hay người vợ tuyệt tình…?

Hà Đình Nguyên

[footer]

6 bình luận về “Tình lỡ (Thanh Bình): Hết rồi còn chi đâu em ơi!”

  1. Mình mới 25 tuổi nhưng rất thích bài hát này nói riêng và dòng nhạc 1954 – 1975 nói chung. Những giai điệu và ca từ này sẽ sống mãi với thời gian. Mình mong admin có thể share cho mình địa chỉ của nhạc sỹ Thanh Bình hoặc các nhạc sỹ khác như Nguyễn Vũ….để có dịp mình sẽ đến thăm và được nói chuyện với những con nguoi huyền thoại….

    1. Cám ơn,
      Tôi thật sự rất xúc động và buồn khi nghe tin cố nhạc sĩ Thanh Bình mất (23/5/2014). Những gì mà nhạc sĩ đã để lại âm nhạc,cho đời thật đáng ghi nhận. Cám ơn nhà báo Hà Đình Nguyên đã cho tôi và các độc giả biết thêm về nhạc sĩ Thanh Bình, anh đúng là một nhà báo chân chính. Cám ơn vợ chồng chị Phượng (cháu của nhạc sĩ) đã nêu cho xã hội một tấm gương về sự hiếu thảo. Hoàn cảnh của nghị sĩ càng cho ta thấy rõ hơn về ý nghĩa của vấn đề bản quyền, và càng nên thực hiện rõ về bản quyền theo ý nghĩa thực của nó để thể hiện sự công bang,tạo động lực cho những người làm công việc trí tuệ phát triển. Vĩnh biệt bác cố nhạc sĩ Thanh Bình, kính mong linh hồn bác siêu thoát nơi cực lạc.

  2. Lệ Quyên ơi em đang ở đâu…………….?
    Mr Đờm mày đang làm gì………………..?
    Đang bận bịu đánh bóng cho tên tuổi của mình…kiếm thêm tí tiền, tí của cho bản thân mình ư…? cuộc đời này không bao giờ đủ đâu mấy cưng……..
    Hình như ngày nay giới trẻ hâm mộ âm nhạc quá ngây ngô khi bị những thần tượng của mình đánh lừa bằng những hành động như tặng quà từ thiện, thăm trại trẻ mồ côi…đạo đức giả đấy!……Không hẳn tất cả là lừa dối, nhưng chúng ta hãy nghỉ sâu hơn một chút về đạo nghĩa “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” “Qua sông nhớ đò” ….Mấy ngày hôm này mình vẫn lặng lẽ theo dõi đám tang của Nhạc sỹ Thanh Bình …chẳng thấy đâu bóng dáng của những con mẹ, thằng cha hát thành công và thành danh bởi chính ca khúc “Tình lỡ” của ông.
    Cuộc sống đôi lúc quá bạc bẻo đối với một nhạc sỹ tài hoa như ông. Một đám tang quá hiu quạnh; thiếu vắng bóng dáng của người thân, thiếu vắng bóng dáng những ca sỹ thành danh bằng chính ca khúc “Tình lỡ” của ông. Ngoài ca sỹ Ánh Tuyết luôn luôn túc trực bên linh cửu của ông – Thật là ngậm ngùi …Vĩnh biệt ông.

  3. Thật đau khổ cho một nhạc sỹ. Bác ra đi để lại cho đời những tác phẩm sống mãi với thời gian . Vậy mà khi nhắm mắt xuôi tay, con gái duy nhất không ở bên, còn những ca sỹ đã thể hiện rất thành công và nổi tiếng nhờ những ca khúc của bác cũng không có mặt thăm viếng và đưa tiễn. Đám tang vỏn vẹn hơn 20 người. Đọc bài viết về bác mà tôi đã phải rơi nước mắt.

  4. Tui noi thiet long la tuj nghe bai nay trong mot bo phim cua dai loan, luc ay tuoi khoang 7 hay 8 tuoi gi do,tui thiet su kg nho ten phim la gi,nhung giai dieu bai tinh lo lam tui nho den bo phim dai loan,kg biet nhac si thanh binh co ban quyen kg?hay la nhu the nao? Du sao bai tinh lo, cua co nhac si thanh binh rat hay,ma tui kg biet sao nhung nam do tui coi phim dai loan kg nho ten phim gi,nhung doan cuoi cua phim ay la, nguoi cha say ruou, chay xe tong chet dua con cua minh,khi cau be chay qua voi me,ma nhac phim la ca khuc tinh lo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *