Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero

Trúc Phương (1933-1996) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ với ty Thông tin Tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn.

Nhạc sỹ Trúc Phương.

Nói đến Trúc Phương là phải nói đến những bản bolero bất hủ. Có thể nói mà không sợ quá lời là Trúc Phương xứng đáng với danh xưng ‘Ông hoàng bolero của tân nhạc Việt Nam’.

Một khía cạnh khác là cuộc đời ông đầy những chuyện buồn và nhất là cái chết trong cô quạnh vào năm 1995 (có tài liệu ghi 1996) với tài sản duy nhất là một đôi dép nhựa . Buồn như chính những nhạc phẩm của ông!

Tâm sự của chính nhạc sỹ Trúc Phương với Trung tâm Asia trong chương trình Asia 55

Gần đây trong chương trình “Paris By Night 103 – Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”, nhạc sỹ Thanh Sơn có nhắc đến kỷ niệm với nhạc sỹ Trúc Phương và cho biết nhạc sỹ Trúc Phương mất ngày 21/09/1996.

DongNhacXua.com xin mượn dòng mở đầu trong bản ‘Nửa đêm ngoài phố’ để kết thúc những dòng tri ân đối với người nhạc sỹ tài hoa nhưng ít được người đời nhắc đến:
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời …

Tác phẩm nổi tiếng : (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Trúc_Phương)

  • Ai Cho Tôi Tình Yêu
  • Bóng nhỏ đường chiều
  • Buồn trong kỷ niệm
  • Chiều cuối tuần
  • Chiều làng anh
  • Con đường mang tên em
  • Đò Chiều
  • Mưa Nửa Đêm
  • Nủa Đêm Ngoài Phố
  • Thói đời
  • Bông cỏ may
  • Chuyện Chúng Mình
  • Đêm Gác Trọ
  • Đêm Tâm Sự
  • Hai Chuyến Tàu Đêm
  • Hai Lối Mộng
  • Hai mùa mưa
  • Kẻ ở miền xa
  • Tàu Đêm Năm Cũ
  • Tình Thắm Duyên Quê

[footer]

14 bình luận về “Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero”

  1. một trong những ca khúc của Trúc Phương được nhiều người ưa thích là bài Sầu Lẻ Bóng, trong đó có những câu bị nhiều ca sĩ sửa lời làm mất hết ý nghĩa, ví dụ như câu … Mùa thu thương nhớ bao lần đi về với tôi … = Đã nhiều năm (mùa thu) tôi sống một mình lẻ loi trong niềm thương nhớ người … bị sửa thành: Mùa thu thương nhớ bao lần đi về … “có đôi” … trở nên vô nghĩa, không kết nối với câu kế tiếp …mà người còn vắng bóng mãi! Câu tiếp theo “Hay duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi” = câu hỏi: hay là mối tơ duyên mặn nồng ngày xưa ấy nay đã bị lãng quên? bị sửa thành : tơ duyên nồng thắm ngày ấy nay đã phai rồi = câu khẳng định, mất hay!

  2. Bài hát “Mưa nửa đêm” trước đây có một lời khác với tựa đề “Một người đi xa” đã từng rất nổi tiếng với tiếng hát Duy Khánh. Sau khi “Mưa nửa đêm” ra đời, không hiểu vì lý do gì, “Một người đi xa” gần như đã thực sự “đi xa”… rất ít được nghe. Thân mời các bạn “đọc” lại lời bài hát.
    Một người đi xa – Trúc Phương.
    Sau những lần gối mỏi tìm cuộc vui tàn từng đêm, những lần hồn ngủ mê dưới mắt giai nhân một đêm, nay đã trôi theo ngày quên từ khi biết sống trọn cho đời lính.
    Tôi lớn dần lớn dần bởi tình yêu và hờn căm, bởi lời buồn quê hương khóc trắng đêm hơn mười năm, nên trả vui cho người vui và trả mắt mắt dại đêm rã rời…
    Nặng vai ba lô khi chuyển quân qua lối xưa, lạnh này hơn một lần, gian nan giữa giờ, phố phường ngủ trọn mơ đêm dương gian, mình đi khi nước đau chẳng thở than…
    Tôi muốn gửi, những hình ảnh đời tôi và bọn tôi, những người trẻ hôm nay đến những thương yêu hậu phương, xin nhớ nhau như tình nhân, tình nhân nhớ lúc người xa chưa về…

    1. Tôi ko biết bạn ở đâu, nhưng người nhạc sỹ tài hoa nhưng bạc mệnh này thì tôi biết khi còn nhỏ tuổi. Tôi nhớ vào năm 1975, ông cụ nhà tôi lúc đó đang làm việc ở Hội nhạc sỹ, cụ vào Nam gặp người nhạc sỹ này để thuyết phục ông hợp tác với chính quyền cách mạng, nhưng bị từ chối. Để giảm bớt phần nào CUỘC SỐNG cực khổ của người nghệ sỹ, Cụ nhà tôi có nói với Anh em văn nghệ sỹ đồng bằng sống cửu long tìm cách giúp đỡ … Nhưng hình như Ông nhạc sỹ này GÀN LẮM, KHÔNG CHỊU SỐNG TRONG LỒNG SẮT và mỗi lần ông nhạc sỹ này vượt biên bị bắt lại, bố tôi đều biết ,… cho tới khi ông này chết , cụ nhà tôi im lặng không nói gì

  3. bài một người đi xa mà bạn võ hương đề cập tới , mình đã nghe trước năm 1975 rồi được thanh tuyền ghi âm vào dĩa nhựa việt nam , mình còn giữ dĩa hát đó và bài nhạc gốc mà .
    điều này chẳng có gì lạ đối với những ai thích nghe nhạc của trúc phương nhạc sỹ này như vậy đó . thỉnh thoảng có 1 bài nhạc viết hai lời .
    ví dụ như bài chuyện chúng mình , người nhập cuộc , lại có bài chuyện ngày xưa giống như bài trên bốn vùng chiến thuật.
    kể ra nhạc sỹ này cũng ngộ há bạn.

  4. bài hai mùa mưa là của tác giả : mạc phong linh – mai thiết lĩnh .
    được ca sỹ trang mỹ dung thu âm vào dĩa nhựa sóng nhạc asia trước 1975 và nhạc phẩm này đã gắn liền với tên tuổi của ca sỹ trang mỹ dung cho tới bây giờ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *