Nghệ sỹ guitar Trung Nghĩa: kỷ niệm học đàn khó quên

Ngoài nhạc sỹ sáng tác và ca sỹ trình diễn, góp phần quan trọng vào nền nhạc xưa là đóng góp của các nhạc công. Dòng Nhạc Xưa đã có bài giới thiệu ngón đàn tuyệt kỹ của Vô Thường. Hôm nay chúng tôi hân hạnh mượn một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc để vinh danh một trong những tay guitar ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong làng nhạc Việt: nghệ sỹ Trung Nghĩa.

Danh cầm Trung Nghĩa – kỷ niệm học đàn guitar khó quên

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-06-15)

Trong một lần ngồi tâm tình văn nghệ, nhạc sĩ Guitar Trung Nghĩa kể rằng hồi còn bé có nhạc sĩ Đỗ Văn Ngọc thấy anh mê đàn nên tới nhà xin phép thân phụ để cho anh được học ông ta nhưng bị từ chối. Sau đó ông này có chở Trung Nghĩa đến nhà của nhạc sĩ Hùynh Háo để xin làm đệ tử. Thập niên 60 Hùynh Háo rất nổi tiếng ở Sài Gòn và được giới ca nhạc gọi là Anh Hai, trong khi đó nhạc sĩ Hùynh Anh được gọi là Anh Ba.

Anh Hai Hùynh Háo bèn bảo cậu bé Trung Nghĩa đàn guitar thử tài và ông lắc đầu bảo rằng cậu này chơi đàn không đúng cách, cổ tay và ngón tay chạy lung tung, cho nên không nhận làm học trò.

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Trung Nghĩa di tản sang Hoa Kỳ và trở thành danh thủ nổi tiếng với ngón đàn guitar trong giới âm nhạc cộng đồng Việt Nam tại hải ngọai và tiếng đồn lan về quê nhà cùng với rất nhiều cuốn băng nhạc có tíếng đàn lã lướt của anh.

Năm 1990, danh cầm Trung Nghĩa trở về cố hương thăm gia đình và gặp lại nhạc sĩ già Đỗ Văn Ngọc cùng tới nhà nhạc sĩ Hùynh Háo thăm viếng. Anh Hai niềm nở đón tiếp và tỏ lời ngưỡng mộ tài đàn của Trung Nghĩa thì Đỗ Văn Ngọc mới cho biết rằng đây chính là cậu bé năm xưa đến muốn xin làm đệ tử Hùynh Háo nhưng bị từ chối, và Anh Hai chỉ biết cười trừ và không nhớ chuyện cũ vì thời gian đã gần ba chục năm.

Trong chuyến trở về Sài Gòn năm đó, Trung Nghĩa có đến thăm nhạc sĩ Lâm Tuyền – lúc này đôi mắt ông đã bị mù. Lâm Tuyền ngòai tài sáng tác một số ca khúc đặc sắc như Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Tiếng Thời Gian, Tơ Sầu, ông còn có ngón đàn guitar tài giỏi, nổi tiếng Việt Nam thập niên 60, 70 và đã sọan những bản nhạc độc tấu mà giới trẻ rất hâm mộ. Lâm Tuyền đã yêu cầu Trung Nghĩa biểu diễn ngón đàn để ông thưởng thức.

Được công chúng, khán giả, ca sĩ ca ngợi tài năng là chuyện đã trở nên bình thường, nhưng được hai nhạc sĩ đàn anh nổi tiếng là Hùynh Háo và Lâm Tuyền hâm mộ đã cho Trung Nghĩa cảm giác thật khó tả và trở thành kỷ niệm đặc biệt.

Hồi còn ở Sài Gòn đầu thập niên 70, ngón đàn Trung Nghĩa lúc trình diễn ở đại hội nhạc trẻ đã khá nhanh nhẹn, tạo sự chú ý của giới thưởng thức. Anh tự tập đàn không học một ông thầy nào, chỉ nghe đĩa nhạc ngọai quốc mà mò mẫm theo và có đôi tai rất thính về âm nhạc. Dù đàn hay, đệm hát giỏi nhưng lúc đó Trung Nghĩa không đọc được nốt nhạc nào, anh không biết gì về ký âm pháp.

Một ngày nọ vào khoảng năm 1977 khi bước vào tiệm nhạc Sam Ask Music ở thành phố Westminster thuộc Quận Cam , danh cầm Trung Nghĩa tình cờ thấy tập nhạc 1001 bản và nảy sinh suy nghĩ rằng mình phải biết đọc nốt nhạc thì mới chơi được cả ngàn bài hát trong khi đó trí nhớ không thể nào nhớ hết. Và bắt đầu từ giây phút đó, Trung Nghĩa quyết tâm học ký âm pháp từ đầu.

Anh tự mò mẫm và ghi ra nốt nhạc cùng những hợp âm cho các bản hòa tấu khi thực hiện 2 cuốn nhạc hòa tấu Trung Nghĩa, chỗ nào sai thì có các nhạc sĩ Hoa Kỳ đồng nghiệp sửa chữa dùm. Hoàn tất 2 cuốn băng hòa tấu, trung tâm Thanh Lan phát hành rất thành công và khả năng về ký âm pháp của Trung Nghĩa cũng tiến bộ tương xứng với ngón đàn của mình.

Nhạc sĩ trình diễn nhạc cụ chia ra làm hai lọai. Loại thứ nhất là người nhìn bản nhạc mà chơi theo nhưng nếu không có bản nhạc thì đôi tai không theo kịp tiếng hát hoặc tiếng đàn khác để mà cùng hòa nhạc theo. Thực tế có những tay đàn biểu diễn rất tuyệt vời nhưng nếu nhờ đệm ngẫu hứng cho một ca sĩ hát trong một buổi tiệc văn nghệ thì tay đàn chịu thua.

Lọai nhạc sĩ thứ hai là có đôi tai rất thính nhạy, có thể nghe tiếng hát, tiếng đàn khác mà hòa nhạc theo nhưng lại không biết ký âm pháp hoặc nếu có biết thì cũng lơ mơ và đọc nốt nhạc rất chậm. Trong một ban nhạc nhiều người, thì cần phải biết ký âm pháp khá để tất cả cùng đọc bản tổng phổ mà cùng hòa tấu cho nhịp nhàng.

Ngòai ngón đàn điêu luyện, Trung Nghĩa thuộc rất nhiều, từ nhạc ngọai quốc cho đến nhạc Việt Nam. Nhờ anh đệm đàn cho ca sĩ hoặc cho một chương trình thì thật là an tâm, nhất là những lúc ngẫu hứng, không có chuẩn bị trước thì mới thấy tài năng xuất sắc của danh cầm Trung Nghĩa.

Bốn mươi năm trôi qua tại hải ngọai, nhạc sĩ Trung Nghĩa mang theo người tình trăm năm là cây đàn guitar đi khắp Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada, Úc… và có lúc về Sài Gòn để biểu diễn ngón đàn điêu luyện của anh cho khán giả thưởng thức. Anh tập đàn thường xuyên mỗi ngày, chơi quần vợt mỗi buổi sáng để có sức khỏe mà đứng nhiều giờ trên sân khấu với cây guitar làm nhiệm vụ đệm nhạc cho cả chương trình.

Trần Chí Phúc / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *