Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa (2): ‘Phù thủy’ Jo Marcel, Lệ Thu và phòng trà Ritz

Nói đến phòng trà ca nhạc đất Sài Gòn, người yêu nhạc xưa không thể không nhắc đến Jo Marcel, một nghệ sỹ đa tài. Vừa là một nhạc công, vừa là một ca sỹ có chất giọng trầm ấm nhưng ông cũng là một nhà tổ chức âm nhạc và quản lý phòng trà nổi tiếng bậc nhất của làng nhạc Việt. [dongnhacxua.com] xin tiếp nối chủ đề này qua bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa.

Jo Marcel. Ảnh: hopampro.com
Jo Marcel. Ảnh: hopampro.com

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa (1): Từ em tiếng hát lên trời (Lê Văn Nghĩa)

Góp một phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển  của dòng nhạc xưa là các phòng trà ca nhạc. [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại loạt bài viết rất có giá trị của ký giả Lê Văn Nghĩa để thế hệ trung niên sinh sau 1975 như chúng tôi hay các thế hệ trẻ hơn hình dung phần nào về đời sống âm nhạc của một Sài Gòn xưa.

Tình Đời (tức Duyên Kiếp Cầm Ca) của Minh Kỳ. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Tình Đời (tức Duyên Kiếp Cầm Ca) của Minh Kỳ. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tinh-doi-1-minh-ky-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com tinh-doi-2-minh-ky-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com tinh-doi-3-minh-ky-amnhacmiennam-blogspot-com-dongnhacxua-com

PHÒNG TRÀ CA NHẠC SÀI GÒN XƯA: TỪ EM TIẾNG HÁT LÊN TRỜI
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăgn trên ThanhNien.vn ngày 2016-10-24)

Trong Tình đời , một ca khúc của nhạc sĩ Minh Kỳ vẫn còn phổ biến đến bây giờ, có nhắc đến phòng trà và nỗi niềm cô ca sĩ: “Khi biết em mang kiếp cầm ca/Đêm đêm phòng trà/Dâng tiếng hát cho người người/Bỏ tiền mua vui/Hỏi rằng anh ơi/Còn yêu em nữa không”…

Akai & băng cối: giữ lại những gì sắp mất

Dòng Nhạc Xưa xin được phép giới thiệu một bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa về thú nghe nhạc từ những chiếc băng cối trên những chiếc máy cổ mà chúng ta hay gọi là “máy Akai”. Thật ra Akai chỉ là một đại diện tiêu biểu nhất của dòng máy nghe nhạc magnetophone, tức dùng băng từ, tiền thân của những chiếc cassette sau này.

 

Sài Gòn trở lại thú nghe dĩa nhựa

(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên Plo.vn ngày 2016-04-03)

(PL)- Ngày 1-4, 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh bạn rủ tôi đến nhà để nghe lại băng Ca khúc da vàng trên băng cối của máy Akai – tên của máy magnetophone.

Hoài Niệm Tờ Nhạc Xưa (Lê Văn Nghĩa)

Trong một bài viết trước, [dongnhacxua.com] đã giới thiệu một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn xưa: thú chơi tờ nhạc. Hôm nay, chúng tôi lại có cơ hội giới thiệu tiếp một bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa về một thời Sài Gòn xưa đầy kỷ niệm với các bản nhạc tờ.

Bìa nhạc "Cô láng giềng" xuất bản trước 1975. Ảnh: trungtamasia.com
Bìa nhạc “Cô láng giềng” xuất bản trước 1975. Ảnh: trungtamasia.com

THÚ CHƠI TỜ NHẠC Ở SÀI GÒN: “CÔ LÁNG GIỀNG ƠI …
(Nguồn: bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa đăng trên Tuổi Trẻ ngày 2016-03-03)

Hồi đó, khoảng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), tôi có để ý đến một cô gái cùng xóm học trường Gia Long. Làm sao cho nàng ta để ý đến mình đây? Thằng Hiệp mập cố vấn: “Mầy mua bản nhạc nào có cái tựa hợp hoàn cảnh của mầy tặng ghệ”.

Chuyến Xe Lam Chiều (Vinh Sử – Cô Phượng)

Những chuyến xe lam mang đầy hoài niệm cũng góp một phần vào dòng nhạc xưa. Một thời là phương tiện vận chuyển phổ biến ở Sài Gòn và miền Nam, xe lam đã chứng kiến nhiều chuyện hợp tan vui buồn của một thời tao loạn. Trong tâm tình đó [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Chuyến xe lam chiều” của Vinh Sử – Cô Phượng và một bài viết của nhà văn Lê Văn Nghĩa đăng trên Thanh Niên ra ngày hôm nay 10.04.2016.

Chuyến xe lam chiều (Vinh Sử - Cô Phượng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Chuyến xe lam chiều (Vinh Sử – Cô Phượng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

chuyen-xe-lam-chieu--1--vinh-su--co-phuong--amnhacmiennam--dongnhacxua.com chuyen-xe-lam-chieu--2--vinh-su--co-phuong--amnhacmiennam--dongnhacxua.com chuyen-xe-lam-chieu--3--vinh-su--co-phuong--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

Thú chơi tờ nhạc (Lê Văn Nghĩa)

Với tiêu chí bảo tồn nhạc xưa, hầu hết các bài viết trên [dongnhacxua.com] đều đăng lại các tờ nhạc gốc phát hành trước 1975 nếu chúng tôi có thể sư tầm được. Để người yêu nhạc gần xa mà nhất là thế hệ trẻ có thể hình dung phần nào về một nét văn hóa thời xa xưa, chúng tôi mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa có tựa “Thú chơi tờ nhạc”.

ai-chi-lang--outside--luu-huu-phuoc--mai-van-bo--nguyen-thanh-nguyen

ai-chi-lang--inside--luu-huu-phuoc--mai-van-bo--nguyen-thanh-nguyen
Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước – Mai Văn Bộ – Nguyễn Thanh Nguyên). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

THÚ CHƠI TỜ NHẠC
(Nguồn: bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 23.08.2015)

Trước đây, trong bài báo “Sài Gòn qua dòng sông tuổi thơ” (TTCT, số ra ngày 3-5-2015) tôi có viết một đoạn sau đây: “Ấy là chưa kể đến Trung tâm phát hành nhạc Diên Hồng. Nơi đây đã cho ra đời những tờ nhạc lá gấp bốn trang khổ A4”. Nhiều bạn, đa số là trẻ, đã viết thư hỏi tôi “tờ nhạc” là gì mà họ chưa thấy và cũng chưa được nghe nói đến. Những thắc mắc của các bạn làm tôi thấy cần phải viết thêm về sản phẩm âm nhạc độc đáo này. 

Sài Gòn qua dòng sông tuổi thơ (Lê Văn Nghĩa)
Sài Gòn qua dòng sông tuổi thơ (Lê Văn Nghĩa)

1 Thật ra không biết dùng từ gì cho chính xác để nói về sản phẩm âm nhạc hết sức đặc biệt này. Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc hay tờ nhạc đều được dùng để nói về một tờ giấy khổ lớn gấp lại thành tương đương khổ A4, có bốn trang. Trang đầu là bức tranh, in tựa đề và vài dòng nói về nội dung bài hát. Hai trang giữa là bản nhạc, ký âm với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung.

Thậm chí sau này, trên mỗi khuông nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn ghita hoặc piano… Bìa bốn thường để giới thiệu danh mục những tờ nhạc đã được xuất bản, thậm chí đôi khi quảng cáo những lò dạy nhạc hoặc giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bản nhạc mà người mua đang cầm trên tay.

Ai Chi Lng
Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước – Mai Văn Bộ – Nguyễn Thanh Nguyên). Ảnh: TuoiTre.vn

2 Theo như tài liệu mà tôi có, “cha đẻ” loại tờ nhạc này chính là ông Tăng Duyệt – giám đốc NXB Tinh Hoa. Ông sinh năm 1915, sống tại Huế, cha người Quảng Đông, mẹ người Việt. Là người mê sách, thấy có nhiều người cần đọc sách tại Huế lúc ấy nên ông mở hiệu sách Tân Hoa ở đường Gia Long, sau chuyển lên 121 Trần Hưng Đạo. Sau đó ông mở nhà in Tân Hoa rồi NXB Tinh Hoa chuyên xuất bản tác phẩm âm nhạc.

Sau lưng bìa 4 tờ nhạc có in rõ tôn chỉ của NXB Tinh Hoa như sau: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc VN mới trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật, NXB Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để hiến các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”.

Có lẽ ông Tăng Duyệt, với cặp mắt kinh doanh và tâm hồn yêu văn nghệ, đã áp dụng sáng kiến của báo Ngày Nay trong việc dùng phương tiện ấn loát trên giấy để phổ biến nền nhạc mới. Vì từ tháng 9-1938, báo Ngày Nay đã đăng những bài tân nhạc đầu tiên như Bông cúc vàng, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên; Bình minh, Ðàn xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Khúc yêu đương của Thẩm Oánh; Bản đàn xuân của Lê Thương; Ðám mây rừng của Phạm Ðăng Hinh; Ðường trường của Trần Quang Ngọc. Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng bản Con thuyền không bến của Ðặng Thế Phong.

NXB Tinh Hoa có thể đã được sáng lập năm 1943 nhưng không nói rõ bản nhạc đầu tiên được phát hành là của ai, mang tên gì. Theo sự tìm hiểu của tôi thì đứng đầu mục lục xuất bản từ năm 1945 là bài Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và trong năm này chỉ in được tám tác phẩm (trong đó bốn tác phẩm Đêm đông, Trên sông Hương, Hương Giang một đêm trăng, Dưới bóng cờ là của Nguyễn Văn Thương. Phạm Duy có Chiến sĩ vô danh, Chinh phụ ca, Nợ xương máu và nhạc sĩ Dương Minh Ninh với bản Gấm vàng.

Sang năm 1946 là sự xuất hiện tên tuổi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với bốn tác phẩm Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong, Núi Non Nước, Mùa đông binh sĩ trong tổng số tám tác phẩm và những tác phẩm còn lại là của Ngọc Trai, Nguyễn Hữu Ba, Văn Đông. Trong chương trình “Con đường âm nhạc” trên VTV1 hồi nào, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho biết bài Giải phóng quân được trả 800 đồng, khi giá một bản nhạc là 7 đồng.

Suốt 11 năm tồn tại (nếu ra đời từ năm 1945), NXB Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt đã tập hợp và xuất bản gần 500 ca khúc của hầu hết nhạc sĩ tiền bối từ trước đến nay như Văn Cao, Phạm Duy, Trần Hoàn, Văn Giảng (tức Thông Đạt), Thẩm Oánh, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Thương, Nhật Bằng, Nguyễn Mỹ Ca, Hoàng Trọng, Hoàng Giác, Thu Hồ, Anh Việt, Lê Thương, Lưu Hữu Phước, Canh Thân, Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Ngọc Trai, Dương Minh Ninh, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ…

Tiếp theo sự ra đời của NXB Tinh Hoa, một loạt NXB đã ra đời sau đó như Thế Giới (Hà Nội), Sống Chung, Á Châu (Sài Gòn), An Phú, Hương Thu, Phương Mộc Lan (năm 1949), Diên Hồng, Nguyên Thảo – Phạm Thế Mỹ, Tiếng Bạn, Sóng Lúa, Tinh Hoa Miền Nam (hậu thân của Tinh Hoa do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách), Minh Phát, Lửa Hồng… 

3 Về hình thức, từ những năm phôi thai các bản nhạc thường in typo. Bìa nhạc chỉ dùng hai màu do các họa sĩ Phi Hùng, Ngọc Tùng, Bạch Đằng Cát Mỹ vẽ theo lối tả chân, rất mượt mà. Khoảng thời gian ngắn sau xuất hiện họa sĩ Duy Liêm với lối vẽ lập thể, đầy góc cạnh, tạo ra một bộ mặt mới cho bìa nhạc. Rồi từ những NXB Diên Hồng, Minh Phát xuất hiện thêm những họa sĩ vẽ bìa tờ nhạc tài danh khác như Kha Thùy Châu, CVĐ.

Sau này từ đầu thập niên 1970, khi kỹ thuật in offset được các nhà in phát triển thì bìa tờ nhạc là ảnh của các ca sĩ trẻ, người đưa nhạc phẩm tới công chúng bằng con đường phát thanh – truyền hình như Thanh Lan, Khánh Ly, Nhật Trường, Duy Khánh, Giao Linh, Hoàng Oanh…

Người không thích hát vẫn có thể mua tờ nhạc này vì tờ nhạc in ảnh của thần tượng. Lợi cả đôi đường. Những người sưu tầm thì mua ngay khi nhạc phẩm mới được xuất bản rồi sau đó đóng lại thành tập. Nhờ vậy, các bản nhạc từ những ngày đầu còn được lưu giữ trong tay một số nhà sưu tầm trong cả nước.

Vô cùng bồi hồi khi xem lại từng tờ nhạc Tinh Hoa (thời ông Tăng Duyệt), An Phú, Phương Mộc Lan, Sống Chung… để thấy lịch sử, lòng yêu nước được thể hiện rất thành công và còn vang vọng đến hôm nay như nhiều tác phẩmThăng Long hành khúc (nhạc Văn Cao, lời Văn Cao – Đỗ Hữu Ích – Tinh Hoa – 1955), Quyết tiến (Võ Đức Thu – 1953); Hờn sông Gianh, Ải Chi Lăng (Lưu Hữu Phước – 1953 – An Phú), Tiếng dân chài (Phạm Đình Chương – 1953, NXB Á Châu), Tiếng còi trong sương đêm (Lê Trực, AP), Đêm Lam Sơn(Thanh Toại)…

Nếu như ngày nay ta không thường được nghe lại những bản nhạc này thì chính tờ nhạc lại là “vật chứng” cho một giai đoạn hào hùng của thời kỳ nhạc mới. Các nhạc sĩ lớn trong sử nhạc VN như Nguyễn Văn Thương, Dương Minh Ninh, Hiếu Nghĩa, Thẩm Oánh, Văn Cao, Phạm Duy, Lê Trực (sau này là Hoàng Việt)… đều dùng nhạc “cải cách” để “khóc cười theo vận nước nổi trôi” và “Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng – Liều thân sống ta quyết giữ gìn non sông”…

4 Như từ đầu đã nói, sở dĩ tờ nhạc này tồn tại được nhờ đáp ứng được yêu cầu của người mê nhạc, mê hát, mê đàn. Nghe ca sĩ hát trên tivi, đài phát thanh, để hát và đàn được cho đúng bài bản thì không có cách nào khác phải mua tờ nhạc về để “tưng… tưng” theo.

Tờ nhạc không chỉ có những bài hát thời thượng như vậy mà còn có các bài “cao siêu” như Hương xưa (Cung Tiến), Serenade (Phạm Duy đặt lời), nhẹ nhàng thì có mấy bài Không tên số 1, 2, 3… (Vũ Thành An), Diễm xưa (Trịnh Công Sơn)… Những tờ nhạc này đã đưa bản nhạc, nhạc sĩ đến gần người yêu nhạc. Trong một số tờ nhạc cũ tôi sưu tầm được thấy có người còn ghi cả tên nốt ngay từng hình nốt.

diem-xua--0--trinh-cong-son--vietstamp.net--dongnhacxua.com

Không chỉ tập đàn nhạc trong nước, họ còn được tiếp cận nhạc nước ngoài được viết lời Việt như Sóng tà dương (NXB An Phú – 1952), Chiều tà (nhạc Enrico Toselli, lời Phạm Duy), Đón gió (1953), Sầu (nhạc Chopin, lời Phạm Duy), Mối tình xa xưa (nhạc Johannes Brahms, lời Phạm Duy, NXB Á Châu).

Sau năm 1975, thể loại tờ nhạc này còn sống được qua NXB Âm Nhạc Giải Phóng khi cho phát hành một số bài hát cách mạng và NXB Trẻ in lại những tác phẩm để đời của một số nhạc sĩ lớn với kỹ thuật in hiện đại và rất đẹp. Tiếc rằng do thu hồi không đủ vốn(?) nên đã khai tử việc xuất bản ấn phẩm này. Từ đó, tờ nhạc mất hẳn trong những hiệu sách và các nhạc phẩm chỉ còn hiện diện trong những tuyển tập nhạc in chung nhiều tác giả. ■

[footer]

Ơi em, bắt hồn tôi về đâu… (Lê Văn Nghĩa)

Tiếp nối chủ đề về một thời áo trắng, xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa để qua đó thế hệ trẻ có thể hình dung phần nào về một thời cắp sách trước 1975.

ƠI EM, BẮT HỒN TÔI VỀ ĐÂU
(Nguồn: tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên TuoiTreCuoiTuan ngày  22/05/2015)

Thoạt đầu, tôi định đặt tựa bài này là “Thiên đàng mơ mộng”, vì thấy thật đúng tâm trạng của những thằng học sinh Petrus Ký chúng tôi thời đó. Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng: “Em theo trường về… áo dài tà áo vờn bay” (1).

Một trận đấu bóng bàn giữa các nữ sinh - Ảnh: Trích Sài Gòn - chuyện đời của phố
Một trận đấu bóng bàn giữa các nữ sinh – Ảnh: Trích Sài Gòn – chuyện đời của phố

1. “Thiên đàng” của những thằng tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như lũ chim bồ câu sau giờ tan học của Trường Gia Long. Thằng học sinh Petrus Ký nào chẳng mơ được “mần quen” cùng một em áo dài.

Phía bên hông cổng Trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng áo trắng Petrus Ký đang gửi hồn qua cánh cổng thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.

Nghe kể lại, trường được thành lập do đề nghị của nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím. Những đời hiệu trưởng đầu toàn là người Pháp.

Năm 1949, nữ sinh Trường Áo Tím cùng nam sinh Trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường. Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy, trường được mở cửa lại.

Đánh dấu sự kiện quan trọng này, sau bảy đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu. Năm 1953, Trường Áo Tím đổi tên thành Trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.

Biết đâu chính “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo Tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “trai Petrus Ký, gái Gia Long” trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò. Hãy mơ đi những chàng trai Petrus về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình!

phieu-thi-sinh-trung-vuong--le-van-nghia--tuoitre.vn--dongnhacxua.com

2. Khoảng giữa thập niên 1970, bài hát Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy làm xáo động những trái tim mới lớn với những lời ca mộng mị: “…Lá đổ để đưa đường/Hỡi người tình Trưng Vương”.

Tôi không biết đó là lời cảm thán của chàng trai nào. Nhưng có lẽ thích hợp hơn xin hãy cho chàng trai ấy là người của Trường Chu Văn An. Như một mặc định, “trai Petrus Ký, gái Gia Long” thì nữ sinh Trường Trưng Vương lại là “của riêng” của những học sinh Chu Văn An mặc dầu hai trường cách trở về mặt địa lý một quãng đường khá dài.

Trường chàng thì ở tận nhà thờ ngã sáu, đường Minh Mạng, còn “thiên đường” của nàng thì ở đối diện Sở thú – Thảo cầm viên, số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tội nghiệp cho nam sinh Trường Võ Trường Toản cùng ăn chung xe gỏi bò với các nàng nhưng chỉ đứng xa ngắm những chàng trường Chu đón nàng mà hát câu cảm thán: “Trưng Vương hôm nay mưa vẫn giăng đầy trời/ Bóng người thì mịt mùng/ Từng hàng me rung rung” (2).

Có lẽ “nhân duyên tiền định” của hai trường này đều xuất phát từ “người phương Bắc”. Học sinh Chu Văn An đa số là người miền Bắc và Trường Trưng Vương cũng vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Trường Trưng Vương là ngôi trường có gốc gác từ Hà Nội.

Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925, trên con đường Đồng Khánh, phía nam hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (College de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương.

Năm học đầu tiên phải học nhờ cơ sở của Trường nữ trung học Gia Long. Mãi cho đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là Quân y viện Coste của quân đội Pháp).

Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi đây là một trong những ngôi trường mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và được bình chọn là ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Nhờ là học sinh Trưng Vương nên mỗi lần làm lễ kỷ niệm Hai Bà, nữ sinh Trưng Vương được ưu tiên tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trong lễ diễu hành.

Có lần đi xem lễ diễu hành trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), khi hai nàng học trò Trưng Vương ngồi trên voi “phất ngọn cờ vàng” đi ngang, tôi thấy thằng bạn có vẻ phấn khích. Tôi hỏi: “Mầy thích “ghệ” áo vàng hả?”. Nó trả lời buồn xo: “Không, tao thích con voi. Bây giờ tao ước gì mình được làm con voi”.

Rồi nó cảm thán nhại theo thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm voi nàng cưỡi, cái vòi đung đưa”. Sau này tôi mới biết cô gái đóng vai Trưng Trắc – áo vàng đó đã cho chàng leo cây, “Trưng Vương vắng xa anh dần. Mùa thu đã qua một lần. Còn đây bâng khuâng”. Ôi, tội nghiệp một thời mê gái!

bang-danh-du-gia-long--le-van-nghia--tuoitre.vn--dongnhacxua.com

3. “Áo dài trắng em mang mà anh nhớ…” đâu chỉ ở Sài Gòn. Ở một vùng trời tỉnh Gia Định, những chiếc tà áo của nữ sinh Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vờn bay thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Tôi khoái chữ “vờn bay” của nhà thơ Phạm Thiên Thư hơn chữ “tung bay” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về chiếc áo dài của nữ sinh trung học. Chữ “tung” có vẻ gì đó mạnh bạo quá khi nói về chiếc áo dài vốn dĩ đằm thắm.

Thật thiệt thòi khi ngôi trường này không được nhắc đến trong âm nhạc hoặc thơ ca, có lẽ những chàng thi sĩ, nhạc sĩ chỉ thích tụ tập ở Sài Gòn mà bỏ quên một ngôi trường nữ làm đẹp và trắng khung trời Gia Định.

Từ Sài Gòn, xuôi theo đường ĐinhTiên Hoàng, quẹo tay mặt, qua cầu Bông một đoạn, nhìn sang tay trái là một ngôi trường kiến trúc kiểu hiện đại hơn trường Gia Long và Trưng Vương. Chuyện cũng dễ hiểu vì năm 1960, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã dùng một khu đất trước kia là ao rau muống để xây dựng trường trên đường Lê Văn, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa (tỉnh Gia Định). Trước kia trường mang tên Trương Tấn Bửu, thành lập năm 1957, có hai lớp đệ thất một nam và một nữ, học nhờ tại trường nam tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Lê Văn Tám).

Năm 1959, lớp nam sinh chuyển về Trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Khi xây dựng xong, trường được đặt tên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt và chương trình học bắt đầu từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhị. Học sinh nào đậu tú tài I sẽ chuyển sang học Trường Trưng Vương. Khoảng năm 1965-1966 trường mới có lớp đệ nhất. So với hai trường nữ đàn chị thì nữ sinh Lê Văn Duyệt nào có kém cạnh chi, cũng làm những chàng trai thốt lên: “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu?”…

Có những chàng trai lãng mạn thì cũng có những chàng trai rất thực tế. Hiệp mập, thằng bạn của tôi, phát biểu: “Tao không lấy vợ là “ghệ” Gia Long, yểu điệu thục nữ quá cỡ, tao chỉ muốn vợ tao là nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh”. Tôi sửng sốt vì Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh mới vừa thành lập năm 1971.

Sau Mậu Thân 1968, một góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang bị cháy rụi. Vài năm sau đó, chung cư Minh Mạng ra đời, phía bắc của chung cư, ngay góc đường Hòa Hảo, Minh Mạng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh cùng được xây dựng.

Không phải thằng Hiệp mập không có lý của nó, vì nữ sinh trường này được học một chương trình giáo dục hoàn toàn mới. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp theo mô hình của các nước tiên tiến thời ấy. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm kinh tế gia đình (tức nữ công gia chánh, may vá nấu ăn), môn doanh thương (tức kế toán đánh máy), âm nhạc (đàn tranh, piano), hội họa, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ aikido, vovinam.

Ngay từ năm lớp 6, nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh đã được học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp khi mà học sinh công lập các trường khác chỉ được học một sinh ngữ. Trường được trang bị một phòng thính thị máy móc rất tối tân để luyện giọng chính xác với giáo sư ngoại quốc, một phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ.

Với lối giáo dục mới mẻ này, sau bảy năm trung học, nữ sinh trường có cơ hội thành một thiếu nữ VN văn võ song toàn. Còn theo thằng bạn tôi, giúp ích xã hội được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là một bà xã biết dạy chồng bằng võ vovinam và tài nội trợ.

Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”…

Những cô nữ sinh với những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của chúng tôi, một phần hồn của Sài Gòn đã đào tạo những nữ lưu anh kiệt về các mặt chính trị, văn hóa, khoa học, và tiếp tục những nữ lưu anh kiệt lại là những anh kiệt nữ lưu khác.

Cảm ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường ấy cho tôi nhớ. Cảm ơn Sài Gòn có những ngôi trường thiên đàng tuổi nhỏ dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay… vờn bay!  

(1): Ngày xưa Hoàng Thị – thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, trên toàn miền Nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Lúc ấy chỉ có Trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.

(2): Trưng Vương khung cửa mùa thu – nhạc và lời Nam Lộc.

(*): Trường Gia Long nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trường Lê Văn Duyệt nay là Trường THPT Võ Thị Sáu. Trường Sương Nguyệt Anh nay là Trường THPT Sương Nguyệt Anh.

LÊ VĂN NGHĨA

[footer]