Trong một bài viết về bản “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng), [dongnhacxua.com] có đề cập đến hình mẫu thật của người con gái có chữ lót “Thụy”. Để người yêu nhạc có thêm thông tin, chúng tôi xin phép đăng lại một bài viết của nhà báo Tùng Duy qua chuyến trở về Hà Nội của Du Tử Lê năm 2014.
KHÚC ‘THỤY’ BÍ ẨN CỦA MỘT CỰU PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG (CHUYỆN ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ THI SỸ DU TỬ LÊ)
(Nguồn: vanvn.net)
Trở lại Hà Nội từ viễn xứ Cali, lần đầu tiên thi sỹ Du Tử Lê kể về khúc đoạn bí ẩn chôn giấu hàng chục năm đã cài sâu trong tuyệt phẩm nổi tiếng “Khúc Thụy du”.
Du Tử Lê chỉ kịp xách túi đồ nghề của một phóng viên lao về phía cảng. Tiếng súng vọng vào thành phố đến từ khắp hướng. Sài Gòn đã náo loạn lắm rồi. Ngày 29.4.1975 những bước chân và mặt người lên cơn cuồng vội. Đám đông bị cản lại bởi một hàng rào thép có lính cộng hoà ngăn án cả dãy dài ở sân cảng. Còi tàu hú lên sắp rời bến. Tấm vé lên tầu được tính bằng nhãn hiệu vương giả của những gia đình tướng tá và hàng xấp đô la trao tay từ đêm trước. Điểm đến là trại tị nạn ở đảo Guam.
Chỉ là bản năng tác nghiệp của một phóng viên chiến trường, Du Tử Lê không định lên con tầu đó, anh chen được vào sát hàng rào và bắt đầu tốc ký với cuốn sổ nhỏ.
“Chú Lê! Chú Lê! Chú Lê ơi!”. Tiếng gọi như gào lên của một người phụ nữ giữa đám đông náo loạn đang chao đảo, chật cứng. Chị dâu và anh trai của Du Tử Lê dắt theo 6 đứa con đang áp chặt vì bị xô đẩy ở chân rào. Họ không có tấm vé đặc biệt để lên con tàu có thành mạn đen ngòm đó. Người sỹ quan chỉ huy nhận ra nhà báo đẹp trai Du Tử Lê thường hay lên truyền hình phỏng vấn sỹ quan, lính tráng. Và khoảng khắc định mệnh đã đến. Cả gia đình anh trai được lên tàu chỉ sau vài câu nói của chàng phóng viên kiêm thi sỹ nổi danh đất Sài Gòn với vị sỹ quan có khẩu súng ngắn đã mở sẵn nắp bao bên hông. Con tàu hú thét lên gấp gáp lần cuối. Đầu gối trầy xước máu tứa ra khi anh gắng kéo các cháu lên bậc cầu tàu. Vài giây lưỡng lự để nhảy xuống trở lại sân bến đã không kịp nữa. Chị dâu khóc oà víu kéo rất chặt cái túi máy ảnh của anh. “Chú không đi cùng anh chị thì ai sẽ lo cho các cháu! Chú không được quay lại thành phố! Súng nổ khắp nơi kia kìa. Lỡ mệnh hệ nào thì chị biết nói sao với mẹ đây?”. Tàu nhổ neo. Và nó cõng theo Du Tử Lê.
Thuỵ C., vợ anh và nhất là hai đứa con đang ra sao. Lúc anh ra khỏi nhà thì những con người thương nhất ấy vẫn ổn. Hình như cậu con trai lớn loáng thoáng vẫy tay như mọi ngày. Và như mọi ngày anh vẫn mau lẹ và bất chợt ra khỏi nhà như thế. Quen thế rồi. Vợ con của nhà báo cũng đã quen với cái cách chồng bật dậy ra khỏi nhà lúc nào không rõ.
Sài Gòn là nhà. Tổ quốc sẽ bình an thôi, và Thuỵ C. cùng hai con sẽ nhất định được bình an. Mình sẽ sớm trở về. Dọc hải lộ khắc nghiệt đói khát với những đứa cháu nheo nhóc đang say lịm trên sàn tàu lắc lư ướt bẩn chả nhớ là bao ngày cho đến chân đảo Guam, Du Tử Lê quặn lòng nghĩ về vợ con ruột thịt mà xa xót âu lo.
***
Cô sinh viên trường dược Sài Gòn bĩu cái môi xinh như thách đố Du Tử Lê xem tài nào tán đổ. Đấy là Thuỵ C. Một lần gặp gỡ giữa chàng phóng viên từng có thơ tình đăng trên mấy tờ báo ở Sài thành ngày ấy với Thuỵ C. chiều xuân 1968, đã bén lửa duyên đời. Dáng vẻ du tử của chàng trai họ Lê đủ lời thừa chữ lọt tai con gái mà tán tỉnh. Hai người yêu nhau và hứa rằng nên duyên vợ chồng nếu sinh con dù trai dù gái sẽ đặt tên là Thuỵ Du. Con trai Thuỵ Du ra đời có khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Con trai đâu biết cái vẫy tay chào bố buổi sáng hôm ấy trước lúc bố lao ra bến tầu năm 1975, đã gửi theo Du Tử Lê một trời ly biệt đến mãi nhiều năm sau… Chiến tranh và số phận đã sắp xếp lại từng gia đình, con người trên mảnh đất quê hương Việt.
Biến cố Mậu Thân khiến cả Sài Gòn giới nghiêm từng cen ti mét. Tờ nguyệt san Tiền Phong (một tờ báo ra đời từ thời Ngô Đình Diệm chuyên viết về giới sỹ quan Cộng hoà, còn tờ Chiến sỹ Cộng hoà thì viết về lính) chỉ định Du Tử Lê đi thực hiện một phóng sự về cuộc giải toả của lính cộng hoà ở Ngã tư Bảy Hiền. Chạy xe dọc đường vắng tanh từ Cục tâm lý chiến đến Ngã tư đã thấy những xác người không toàn thây rải rác, có cẳng tay rời và da thịt tanh lọm còn mắc trên dây điện thật ghê rợn. Khu chợ Bảy Hiền đang giằng co giao chiến giành từng mét phố, từng gian hàng. Một chút thẫn người giữa cảnh hoang tàn chiến tranh, Du Tử Lê đau lòng và ghê tởm cuộc chiến, anh bất giác nhớ đến Thuỵ C.
Tạp chí Văn hồi ấy (Du Tử Lê cộng tác) muốn có một bài của anh về chiến tranh. Du Tử Lê nghĩ mình không thể gửi đến toà báo này một bài thơ tình. Vậy là tối ấy anh ngồi viết ứa một mạch “Khúc Thuỵ Du” – những ám ảnh chấn động và kinh hoàng mà anh rùng mình nhớ lại ở con phố gần Ngã tư Bảy Hiền. Quạ rỉa xác người, những cánh tay chó gặm, ai đi tìm gì đó còn ý nghĩa đã lẫn tan cùng vỏ đạn, hận vì súng nổ mà thấy tim buốt lại như bị dao đâm lút cán. Bài thơ chỉ một tý tẹo gợn về tình yêu. Nó là chiến tranh và phận người.
Chàng phóng viên kiêm thư ký toà soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền Phong cộng hoà (tờ báo cũng chấm dứt sứ mệnh của nó khi Du Tử Lê lên tầu đi viễn xứ) nói Khúc Thuỵ Du có cả trăm câu nhưng đã bị tờ Văn gút lại chỉ còn một phần ba. Du Tử Lê lấy tên lót của người yêu và tên mình xếp lại thành nhan đề. Và, mười bảy năm sau, nhạc sỹ Anh Bằng đã chuốt lên từ những vần thơ ấy thành bài hát thấm đẫm tình yêu. Nói như Du Tử Lê, rằng nhạc phẩm ấy chỉ có chút ngầm nói về chiến tranh như một “background mờ nhạt”. Nhưng ông đã cảm ơn Anh Bằng và muôn vàn khán giả, độc giả qua nó mà Khúc Thuỵ Du càng nổi tiếng, Du Tử Lê cũng càng nổi tiếng.
Chữ “Khúc” nhuốm tràn thơ Du Tử Lê. Giờ đã vượt tuổi thất thập ông vẫn ám ảnh với “Khúc”. Ông nói nó là khúc sông, đoạn đời, khúc đường, đoạn người đi qua bao nhiêu là khúc. Khúc hạnh tuyền núi sông, Đoản khúc ngựa hoang, Khúc tháng hai (và tháng nào trong năm cũng có bài về khúc), Thu khúc, Biệt khúc… Và, “Khúc” lẩn vào thơ ông cả những bài chả có chữ khúc nào.
Lại nói về Thuỵ C. Năm 1976 lá thư đầu tiên Du Tử Lê từ Mỹ gửi về đã đến tay Thuỵ C. Nước mắt người vợ tưởng đã cạn khô vì ngỡ chồng đã chết nay lại trào ra. Mãi đến năm 1978 Du Tử Lê mới đón được vợ con sang Mỹ, khi ấy Thuỵ C. đã kịp đưa hai con sang Pháp – quốc tịch gia đình cô sẵn có trước lúc ra đi . Nhưng…
Sống ở Califonia, nhà thơ, nhà báo Du Tử Lê đã vướng vào một cuộc tình khác dưới anh đèn của làng showbiz đô thị. Một nữ nghệ sỹ đã đốt cháy trái tim loang lổ toàn thơ gắn “Khúc” của Du Tử Lê. Thuỵ C. như muốn lên cơn. Cô viết đơn ly dị. Thi sỹ có tội đã chết lặng không ký. Nhưng cuối cùng nó đã kết thúc bằng văn bản ly hôn do một luật sư soạn ra mà chính Du Tử Lê đưa về nhà. Cả hai người sau đó đã ruổi theo hai con đường có những cuộc hôn nhân mới. Giờ Thuỵ C. vẫn sống ở Cali. Có lẽ câu nói của cô, rằng “không bao giờ được nhắc đến tên tôi nữa” mà Du Tử Lê muốn tác giả bài viết này ém lại bằng một chữ tắt khi muốn nhắc tên cô vào một sáng mùa hạ có ly cà phê vỉa hè Hà Nội tháng 6.2014.
Hà Nội dễ thương. Ly cà phê (ông có thể uống… suốt ngày) ông cảm nhận thật khoái khi nói vậy bên vỉa phố Ấu Triệu. Quần soóc áo phông vàng và dép lê cứ dễ dãi kỳ lạ. Ông vẫn hút thuốc. Ngày 21.6 là Ngày Nhà báo Việt Nam, ông cũng biết. Tôn vinh nghề viết là đúng rồi, ông tâm sự là sau này “về núi” sẽ đắm mình ở TP Hồ Chí Minh. Thành phố đã khác quá rồi. Ngã tư Bảy Hiền cũng khác quá rồi. Nhưng dân tộc thật tuyệt. Ông mong một lần đi thăm Tây Bắc để được đắm mình vào văn hoá đặc biệt qua làn xoè của người Thái hay tiếng khèn gợi tình của người Mông, hay trở lại Plâyku thăm bằng hữu xưa… Giỏ hoa thời mới lớn – tập thơ tặng độc giả Việt đêm giao lưu ở nhà hoạ sỹ Lê Thiết Cương, người phác hoạ tranh bìa của tập thơ, tại Hà Nội mới đây tựa như dòng nhật ký chưa đủ lẽ thôi nôi để lai dắt một “Khúc” Du Tử Lê vẫn còn những bí ẩn…
Hà Nội, tháng 6.2014
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sau đổi là Lê Tử Du, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam, sau theo anh trai lên học ở Hà Nội và vào sinh sống ở Sài Gòn. Thơ Du Tử Lê từng được đăng trên hai nhật báo Los Angeles Times và New York Times, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở nhiều trường đại học Mỹ, được dịch ra trng nhiều cuốn sách nổi tiếng, và đặc biệt có tới hơn 300 được các nhạc sỹ phổ nhạc.
[footer]