Mùa Xuân, Làng Lúa, Làng Hoa (Ngọc Khuê)

Tiếp nối dòng nhạc xuân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một bài hát rất phổ biến thời “bao cấp”, những năm 1980: bản “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê, một nhạc sỹ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Không gian chúng ta sống có thể khác nhau, chính kiến chúng ta có thể khác nhau nhưng cảm nhận về mùa Xuân thì ngàn đời vẫn vậy. Đó là thời khắc giao mùa, là lúc muôn hoa đua sắc, đất trời thay đổi để cho lòng mình cũng thay rộn rã giao hòa với cảnh vật và con người xung quanh!

Mùa xuân, làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê). Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Mùa xuân, làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê). Ảnh: NguoiDuaTin.vn

NHẠC SỸ NGỌC KHUÊ: VỚI “MÙA XUÂN, LÀNG LÚA, LÀNG HOA”
(Nguồn: tác giả Nguyễn Thanh Bình đăng trên HaNoiMoi.com.vn ngày 17/01/2010)

(HNM) – Ở phía bắc Thủ đô, làng lúa giờ không còn và làng hoa bị thu hẹp nhưng mỗi khi Tết đến, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê lại vang lên, nó gợi lại những gì mượt mà, đẹp đẽ của một thời. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Ngọc Khuê, tác giả của ca khúc này.

Nhạc sỹ Ngọc Khuê. Ảnh: LangLuaLangHoa.com
Nhạc sỹ Ngọc Khuê. Ảnh: LangLuaLangHoa.com

– Thưa nhạc sỹ Ngọc Khuê, nhiều người đã nghe ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của ông, nhưng vẫn biết rất ít về ông?

– Quả đúng như vậy. Dù trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” tôi cũng đã sáng tác tới gần 300 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng… nhưng nhiều người khi cứ nhắc tới Ngọc Khuê là nhớ tới “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Có người còn gọi tôi là “ông làng lúa làng hoa” nữa (cười). Tôi sinh năm 1947, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em ở Hoài Đức (nay là Hà Nội). 18 tuổi, tôi bắt đầu rời quê hương, gia đình để bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành một trong những người lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Rồi tới năm 1974 thì được chuyển về Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, làm diễn viên hát. Rồi gắn bó với Quân chủng Phòng không – Không quân đến lúc nghỉ hưu.

– Ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” được ông viết trong hoàn cảnh nào?

– Như nhiều nhạc sỹ khác, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa thành. Tôi muốn ca khúc ấy sao cho nó là của riêng nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.

– Ông có thể nói kỹ hơn?

– Cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/Cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.

– Nghe nói bài hát này còn “nhắm” tới một cô gái?

– Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại.

Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã lập gia đình được 7 năm. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã chồng con đủ đầy, hiện làm ở một Đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết.

– Ban đầu ông đặt tên bài hát là gì? Và hẳn ông sẽ đề tặng người bạn gái đó?

– Lúc đầu tôi đặt tên cho bài hát là “Làng lúa, làng hoa” vì tôi nghĩ thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho “13” nghe, cô ấy vui lắm. Bên góc bản thảo, tôi cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà.

– Lần đầu tiên bài hát chính thức xuất hiện trước công chúng là khi nào vậy, thưa ông?

– Đó là mùa xuân năm 1982. Lúc đó tôi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vẫn nhớ thời điểm đó, truyền hình còn mới mẻ, nhà ai giàu thì mới có chiếc tivi đen trắng, mà thời lượng phát sóng còn hạn chế nên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhất. Khi đó, nhạc sỹ Thế Song đang là biên tập viên chuyên mục ca nhạc của đài, nghe xong bài hát, ông khuyên tôi thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Sau đó, ca sỹ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Đến bây giờ, bài hát còn gắn liền với nhiều ca sỹ khác như Trung Anh, Mỹ Lệ…

– Cám ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện thú vị này! 

[footer]