Cập nhật ngày 2018-11-18: Tiếp tục tìm hiểu thông tin trên mạng internet, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến người yêu nhạc xưa vài chi tiết thú vị từ trang dongnhacvang.blogspot.com
1. Theo lời của vợ và con gái của nhạc sỹ Hoài Linh. Vào năm 1968, sau gần hai mươi năm sáng tác dành dụm tiền bạc thì nhạc sỹ Hoài Linh mới quyết định phá căn nhà cũ để xây dựng lại căn nhà mới hai tấm rưỡi nằm ở trong một con hẻm nhỏ đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ).
2. Và cũng để kỷ niệm căn nhà màu tím cũ có nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng cũng như gia đình thì nhạc sỹ Hoài Linh có sáng tác ca khúc Căn Nhà Màu Tím để ghi nhớ lại những kỷ niệm đó.
3. Tiếp lời của vợ nhạc sỹ Hoài Linh thì thời đó chiều chiều ông hay đem ghế ra ngồi trước nhà nhìn ra đầu ngõ … con hẻm ngày xưa rất thơ mộng với nhiều hàng rào trồng hoa lá dây leo rất đẹp. Bây giờ mọi thứ đã được đô thị hóa hết cả rồi.
Cập nhật ngày 2018-11-17: Dòng Nhạc Xưa rất vui khi nhận thêm phản hồi của tác giả Hữu Thạnh cho nhạc phẩm “Căn nhà màu tím” của nhạc sỹ Hoài Linh. Mời quý vị xem bên dưới
Cập nhật ngày 2014-08-19: Cách đây hơn một tháng, Dòng Nhạc Xưa có nhận được email của một người yêu nhạc xưa có tên là Lac Nguyen trao đổi về nhạc phẩm ‘Căn nhà màu tím’ của nhạc sỹ Hoài Linh. Cá nhân chúng tôi là hậu sinh, không có nhiều dữ liệu để đánh giá. Do đó chúng tôi xin mạn phép trích đăng lại email này (xem bên dưới) và mong phản hồi từ tất cả quý vị yêu nhạc xưa xa gần!
HỎI VỀ BÁI HÁT ‘CĂN NHÀ MÀU TÍM’
Chào Dòng Nhạc Xưa,
Tôi là một 9x, sinh sau đẻ muộn nhưng cũng trót có tình yêu với những ca khúc thuộc thế hệ nhạc vàng của Việt Nam. Tôi có một thắc mắc về bài Căn Nhà Màu Tím đã lâu nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời. Hy vọng Dòng Nhạc Xưa có thể giúp tôi.
Nhiều người, kể cả những người lớn tuổi mà tôi biết, đều cho rằng Căn Nhà Màu Tím là một bài hát có cái kết trọn vẹn, cuối cùng hai nhân vật trong bài hát cũng đến được với nhau. Nhưng riêng tôi thì không nghĩ vậy vì trong bài hát có rất nhiều chi tiết nói điều ngược lại:
1. “Chiều nhìn ra đầu ngõ, rưng rưng niềm thương nhớ dáng xinh xinh một người”: đã đến được với nhau thì sao phải thương nhớ.
2. “Yêu nhau vì lời nói, mến nhau qua nụ cười”: bài hát ra đời trong giai đoạn từ 55 tới 75, trong giai đoạn này, tôi nghĩ nước ta hãy còn nặng tư tưởng phong kiến, yêu thương là chuyện của người trẻ còn cưới nhau là việc của người lớn sắp xếp, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
3. “20 chiếc xe màu chờ đám cưới cô dâu”: đây là một anh lính “quanh năm với bưng biền” thì đào đâu ra tiền mà kiếm 20 chiếc xe màu đi rước dâu.
4. “Ta nhìn nhau tia mắt trao nụ hôn ban đầu”: đây là hình ảnh đẹp nhất bài hát mà tôi nghĩ chính nó làm người ta lầm tưởng bài hát có một cái kết trọn vẹn. Nhưng nếu đã là trọn vẹn thì cần gì phải nhìn nhau mà trao nụ hôn, họ hoàn toàn có quyền hôn nhau mà. Theo tôi phải hiểu là giữa chàng trai và cô gái bây giờ đã có một khoảng cách khi em là vợ người ta, trong đám rước dâu, có vô tình thấy anh lặng lẽ đứng bên đường tiễn mình thì cũng chỉ dám dùng ánh mắt để trao nhau nụ hôn mà thôi.
Đó là tất cả những điều trong bài hát mà theo tôi, phải hiểu đây không phải là một cái kết có hậu. Khổ nổi mình sinh sau đẻ muộn nên những người lớn tuổi họ không nghe mình phân tích. Không biết Dòng Nhạc Xưa có thể giúp tôi tìm một tài liệu nào đó chứng minh điều này được không?
Thân,
Lac Nguyen