Cô bắc kỳ nho nhỏ (Phạm Duy – Nguyễn Tất Nhiên)

Trong một bài viết về nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, [dongnhacxua.com] có đề cập đến một nguyên mẫu của ‘Duyên’ ngoài đời là cô Bùi Thị Duyên, cựu học sinh Ngô Quyền, Biên Hòa ngày xưa. Hôm nay chúng tôi lại có cái ‘duyên’ được thêm thông tin về năm tháng Nguyễn Tất Nhiên còn đi học và nhất là biết được ai là “Cô bắc kỳ nho nhỏ”, một sáng tác khác mà Phạm Duy cũng phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên.

 

 

Cô bắc kỳ nho nhỏ. Phạm Duy - Nguyễn Tất Nhiên. Ảnh: QuanNhacVang.com
Cô bắc kỳ nho nhỏ. Phạm Duy – Nguyễn Tất Nhiên. Ảnh: QuanNhacVang.com

co-bac-ky-nho-nho--2--pham-duy--nguyen-tat-nhien--quannhacvang--dongnhacxua.com

MỘT CÁI NHÌN KHÁM PHÁ MỚI VỀ NGUYỄN TẤT NHIÊN
(Nguồn: tác giả Người Xứ Bưởi đăng trên Ngo-Quyen.org)

Thi sỹ Nguyễn Tất Nhiên. Ảnh: ngo-quyen.org
Thi sỹ Nguyễn Tất Nhiên. Ảnh: ngo-quyen.org

 

Biên Hòa có gì ”đặc biệt” không … ?

Nhớ lại mùa hè cách nay đúng 36 năm, giới trẻ sinh viên học sinh VN có làm Đại Hội Thể Thao Âu Châu ngay tại thành phố Stuttgart / xứ Đức. Đêm về khuya, một nhóm nhỏ gốc Hướng Đạo có sáng kiến làm lửa trại “bỏ túi” để sinh hoạt làm quen với nhau. Tới màn tự giới thiệu, người viết vừa mới nói là dân Biên Hòa, thế là bị cắt lời ngay bằng lao nhao những lời “hỏi thăm“:

Học trường Ngô Quyền phải không ?

Bưởi Biên Hòa ngon lắm đó!

Nhà Thương Điên cũng “hết xẩy” luôn!

Một cô khá “mi nhon” liền tự nhiên đứng lên hát một đoạn bản nhạc Thà Như Giọt Mưa và sau đó “lên mặt” hỏi trỏng có quen biết Nguyễn Tất Nhiên không và “dung nhan” của Cô Bắc kỳ nho nhỏ tên Duyên ra sao? Lúc đó trước mặt bạn bè làm sao tôi dám “can đảm tiết lộ” đã học cùng khóa 8 với Nguyễn Tất Nhiên tại trường Ngô Quyền, học cùng thời bậc tiểu học với Duyên và nhứt là trước năm 1975, gia đình ba má tôi & ba má Duyên là láng giềng ở cách nhau một căn nhà trong một “xóm Bắc kỳ nho nhỏ” tại cuối đường dốc tòa án Lê Văn Duyệt (sau đổi là Bùi Văn Hòa). Tại trong bụng sợ mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ” nên đành nín khe chịu thua luôn.

Câu chuyện tình cờ này cho thấy thơ Nguyễn Tất Nhiên được giới trẻ lúc đó biết rất nhiều và đôi khi đã biến thành biểu tượng đặc biệt cho tỉnh Biên Hòa & trường Ngô Quyền. Bởi nổi tiếng như vậy nên đã có nhiều huyền thoại không phù hợp sự thực được đưa ra. Trong văn học tại các quốc gia tiền tiến Tây Phương thì họ giải quyết rốt ráo không chấp nhận những chi tiết huyền thoại sai sự thực trong tiểu sử tác giả liên hệ. Cho nên hồi năm 2007, người viết có đề nghị trang web trường Ngô Quyền mở rộng & thêm mục Thư Quán Nguyễn Tất Nhiên để lưu trữ toàn bộ di sản văn học liên hệ và làm sáng tỏ những chi tiết không đúng sự thực có liên quan đến nhà thơ nổi tiếng này. Từ đó trang web trường Ngô Quyền có thêm mục Thư Quán Nguyễn Tất Nhiên và được phụ trách bởi nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy (cũng là người bạn đời hôn phối duy nhứt của Nguyễn Tất Nhiên). Nhờ vậy, trong đó đã xuất phát những cải chính cấp thời bảo vệ hữu hiệu danh dự cho Nguyễn Tất Nhiên, khi nhà thơ Du Tư Lê vào năm 2010 đã viết báo nói xấu & mạo nhận là người nghĩ ra giùm bút hiệu cho Nguyễn Tất Nhiên.

Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết ở đây bàn đến vài điểm trong Một cái nhìn khám phá  mới về Nguyễn Tất Nhiên.

1) Ai mới chính đích thực là “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” của Nguyễn Tất Nhiên?

Xứ bưởi Biên Hòa nổi tiếng là cái nôi thơ văn miền Nam. Được biết nhiều nhứt trong giới làm thơ tại đây từ trước đến nay chính là người học trò Nguyễn Tất Nhiên với “Cô Bắc kỳ nho nhỏ“:

Đôi mắt tròn, đen, như búp bế

Cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ

Anh vái trời cho cô dễ dạy

Để anh đừng uổng mớ tình si

 …..

Anh chắc rằng cô sinh trong Nam

Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng

 

Thuở còn học ở Ngô Quyền, đám học trò chúng tôi may mắn được nhiều Thầy Cô thiệt giỏi như Thầy Đoàn Viết Biên, Cô Đặng Thị Trí, Cô Vương Chân Phương, Cô Đinh Thị Hòa…  “truyền nghề” cho môn Quốc Văn. Trong đó có phương pháp tổng hợp để tìm thấy những sự thực liên quan đến tác giả qua:

a) phân tích kỹ mọi dữ kiện chứa đựng trong các tác phẩm.

b) sưu tầm tin tức qua những cá nhân thân cận & quen biết với tác giả.

c) nghiên cứu về hoàn cảnh của tác giả, sẽ thấy tác phẩm ra đời với hậu ý gì?

Trong lãnh vực nghiên cứu văn học, đôi khi một vài dữ kiện tuy nhỏ nhoi trong tác phẩm lại dẫn đến khám phá sự thực bất ngờ. Điển hình là trong dự án chuyển dịch bộ Luật Hồng Đức (tên chính thức là  Quốc Triều Hình Luật) của Đại học Harvard vào năm 1984 quy tụ nhiều học giả Việt Mỹ đã tình cờ khám phá ra tác giả đích thực soạn ra bộ luật nổi tiếng này chính là thiên tài Nguyễn Trãi (cũng là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo). Trong đó, học giả Nguyễn Ngọc Huy đã có sáng kiến nghiên cứu kỹ vấn đề kỵ húy (kiêng kỵ tên húy của vua) để phát giác ra bản văn bộ Luật Hồng Đức chắc chắn được soạn trước thời vua Lê Thánh Tôn (Hồng Đức) lúc mà thiên tài Nguyễn Trãi còn sống chịu trách nhiệm điều hành.

Áp dụng vào trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, chúng tôi đã phát hiện thấy là phần lớn các bài viết và dư luận đã… lầm và sai, khi cho rằng nhân vật “Cô Bắc kỳ nho nhỏ ” chính là cô bạn học cùng lớp tên Duyên (Bùi Thị Duyên). Bởi lẽ, họ không nắm vững những chi tiết liên hệ:

a) Nguyễn Hoàng Hải (tên thật của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên) và Duyên học cùng lớp cùng sinh năm Nhâm Thìn 1952, mà cuộc di cư xảy vào năm 1954. Như vậy quá rõ ràng Nguyễn Tất Nhiên muốn ám chỉ vào một người con gái khác trẻ tuổi hơn nhiều (sinh sau năm di cư 1954!) và khi muốn bắt chuyện làm quen vào năm 1973 bèn đong đưa với câu “Anh chắc rằng cô sinh trong Nam. Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng“. Điều này không gì lạ, vì thi sĩ vốn nòi đa tình, nên trong tác phẩm Nguyễn Tất Nhiên xuất hiện nhiều bóng hồng khác nữa chớ không phải chỉ có “một người mang tên Duyên“.

b) Trong bài phỏng vấn tuần báo Tuổi Ngọc số 141 vào ngày 5.8.1974, Nguyễn Tất Nhiên đã trả lời gián tiếp xác nhận chuyện này:

Tuổi Ngọc: Cuối cùng, Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?

Nguyễn Tất Nhiên: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai năm tình lận đận” . Nàng con gái khác nữa, trong bài “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”.

c) Nguyễn Tất Nhiên đã tả điểm đặc biệt về Cô Bắc kỳ nho nhỏ như sau: 

Cô Bắc kỳ nho nhỏ

tóc “demi-garcon”

cười ngây thơ hết nụ

…..

mắt như trời bao dung

Kiểu tóc “demi-garcon” đặc biệt này không thể tìm thấy ở hình ảnh thuở xưa ở các nhân vật nữ mà Nguyễn Tất Nhiên từng theo đuổi làm thơ gửi tặng như chs-NQ Bùi Thị Duyên (tóc xõa đến bờ vai), nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy (tóc thắt bím)… (xem hình ảnh phía dưới

Tố Hoa & Bùi Thị Duyên. Ảnh: ngo-quyen.org
Tố Hoa & Bùi Thị Duyên. Ảnh: ngo-quyen.org

 

Ngọc Dung và Minh Thủy (1972). Ảnh: ngo-quyen.org
Ngọc Dung và Minh Thủy (1972). Ảnh: ngo-quyen.org

Phân tích trên đã được đăng tải trên Tuyển Tập Ngô Quyền năm 2006 và lúc đó thực sự chúng tôi không biết rõ tên tuổi đích thực của Cô Bắc kỳ nho nhỏ, bởi lẽ chúng tôi tiếp tục qua Âu Châu du học từ năm 1971, nên không rõ nhiều về “diễn tiến” tại Biên Hòa.

Dĩ nhiên đã gợi trong lòng “tò mò” vô cùng khi thấy Nguyễn Tất Nhiên vào năm 1972 làm bài thơ Duyên Của Tình Ta Con Gái Bắc với những lời lẽ “nặng nề” chê gái Bắc “nhớ duyên dáng ngây thơ… mà xảo quyệt” . Rồi thật bất ngờ chỉ một năm sau 1973, Nguyễn Tất Nhiên lại gặp một nàng con gái bắc khác nhỏ tuổi hơn nhiều, để sáng tác được bài thơ độc đáo Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ . Vậy, nhân vật nữ “đặc biệt” này là ai đã có sức mạnh ghê gớm khiến Nguyễn Tất Nhiên chạy theo “mê tình” đến nổi gạt bỏ mọi thành kiến xấu “gái bắc” trước đó một năm.

Để giải đáp được ẩn số này, chúng tôi đành sưu tầm tin tức qua những cá nhân thân cận & quen biết với tác giả. Trong đó có nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy, nhà thơ Tưởng Dung (bạn học thân thiết nhứt của Minh Thủy), Cô giáo Ma Thị Ngọc Huệ và một số bạn bè thân ở trong & ngoài nước. Rất ngạc nhiên là phần lớn họ đều biết rõ chuyện nội bộ này và xác nhận cho biết Cô Bắc kỳ nho nhỏ với tóc “demi-garcon” chính là một nữ sinh trường Ngô Quyền tên là Hoàng Thị Kim Oanh. Nên nhớ Nguyễn Tất Nhiên cũng từng sáng tác một bài thơ có tựa đề “Oanh“, mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài Hãy Yêu Chàng:

 Oanh

 Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông

Ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm

…..

Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài

Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ

Từ Biên Hòa, bạn bè lại cho biết rõ thêm chi tiết về chs-NQ Hoàng Thị Kim Oanh, sinh năm 1955 (học khóa 12 trường Ngô Quyền / Biên Hòa, sống khép kín, hiền lành, ít giao tiếp và rất xinh), có người chị tên là Hoàng Thị Thúy Liễu (Ngô Quyền khóa 8) và người chị khác nổi tiếng hơn tên là Hoàng Thị Lý (Ngô Quyền khóa 5, còn được gọi là Chị Lý Ca Dao vì có quán cà phê Ca Dao tại Ngã Ba Vườn Mít và là nơi tụ tập giới học sinh NQ trong đó có cả Nguyễn Tất Nhiên). Hiện nay, họ vẫn còn cư ngụ ở địa chỉ cũ tại Biên Hòa. Kim Oanh nhỏ hơn Nguyễn Tất Nhiên đến 3 tuổi, chính vì thế thân mẫu của nhà thơ mới nhận xét là “còn nhỏ dại“.  Sự thực này mới giải thích thỏa đáng toàn bộ bài thơ tâm sự sau đây của Nguyễn Tất Nhiên:

 Chỗ tôi

 tôi có chỉ cho gia đình

người tôi yêu

là một nàng con gái bắc

mẹ tôi hai lần nhìn

dáng em đi

và nói nó còn nhỏ dại

không hiểu nó thương mày chỗ nào

tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ

tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim

vì hiểu rằng

muôn đời

em vẫn ngó tôi nửa mắt

có gì đâu

thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!

Có lẽ đây là bài thơ “duy nhứt” của Nguyễn Tất Nhiên đã “lột trần” mặc cảm tâm lý: rất muốn “yêu” con gái Bắc dù trong lòng biết rõ chỉ “đơn phương” mà thôi và chỉ được họ “ngó nửa con mắt“. Kể cả Cô Bắc kỳ nho nhỏ mang tên Kim Oanh!.

2) Nguyễn Tất Nhiên có thực sự bị bịnh điên hay không ?

Một số dư luận cho rằng Nguyễn Tất Nhiên là một nhà thơ điên.

a) Về phía Nhạc sĩ Phạm Duy có cho biết:

“Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… cả  ba vị đều đã  từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó..”

b) Còn về phía Giáo sư Nguyễn văn Lục trong bài viết Hãy Để Thi Ca Và Âm Nhạc Cùng Cất Cánh Bay Lên đưa ra nhận xét :

“Số phận dành cho thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng là số phận dành cho nhiều nhà thơ nổi tiếng khác. Hình như bệnh tật đi đôi với tài năng, ngay cả trường hợp đối với những người mất trí. Theo những thí nghiệm bệnh lý học, người bệnh trí nhìn vũ trụ như tan vỡ và bị tán vụn. Chính vì thân thể của họ không còn là một thân thể tri giác bình thường.”

Trên thực tế là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng có điều trị… thiệt ở nhà thương điên Biên Hòa. Lời thơ của Bùi Giáng quả là… không bình thường. Còn Nguyễn Tất Nhiên thì hoàn toàn khác: chưa bao giờ bị điều trị ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Nhiều người ở Biên Hòa (trong đó có nhà thơ Tưởng Dung được biết trực tiếp) hiểu rõ vì muốn được hoãn dịch, Nguyễn Tất Nhiên phải đóng kịch… giả điên tại Trung Tâm 3 Quang Trung. Trong một truyện ngắn, Nguyễn Tất Nhiên tiết lộ về lý do hoãn dịch là sau đó có được giấy chứng nhận của bác sĩ về bịnh “tâm thần” để khỏi đi lính. Được biết, mánh lới hoãn dịch này đã được dùng tới khá nhiều trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt lúc đó. Khách quan mà nói Nguyễn Tất Nhiên không bị bịnh điên, mà trái lại đã tỏ ra rất tỉnh táo & khôn ngoan dám hăm dọa kiện và lấy được tiền bồi thường trong vụ án tranh chấp bản quyền có liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy. Những người điên thật như Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Ý… làm gì có cái khôn ngoan đó để kiện lấy được tiền bản quyền.

Chi tiết do Phạm Duy đưa ra hoàn toàn phóng đại, sai và có thể gây lầm lẫn tai hại lớn cho những nhận định văn học sau này về Nguyễn Tất Nhiên. Sự thực những dòng thơ tình học trò độc đáo của Nguyễn Tất Nhiên không “có tí máu điên ” nào cả và chính như vậy mới xứng đáng được ca ngợi & quý mến của biết bao nhiêu người hâm mộ.

Nhưng chắc chắn Nguyễn Tất Nhiên có máu “lập dị“, đôi khi cũng hơi… “tửng tửng” khác thường. Cho nên mới bị bạn bè chọc ghẹo với biệt hiệu là “ngáo” là “khùng“. Bởi vậy, ngay trong giờ Việt Văn của Cô Vương Chân Phương tại trường Ngô Quyền, Nguyễn Tất Nhiên mới 15 tuổi đã dám phê bình… chê thơ Nguyễn Du (tâm lý ngựa non háo đá!). Nhưng xét cho cùng, nếu phải làm loại thơ tình học trò chắc gì thi hào Nguyễn Du thắng nổi Nguyễn Tất Nhiên, bởi lẽ Nguyễn Tất Nhiên có đặc điểm nổi bật “viết dễ dàng giống như nói chuyện “.

3) Ai đã tạo ra 2 huyền thoại kể trên?

Thông thường huyền thoại được cố ý tạo dựng ra với chủ đích đằng sau. Xét kỹ ra cả hai huyền thoại kể trên được nhạc sĩ Phạm Duy chủ động qua những tiết lộ từ chính bản thân như sau:

“Saigon 1972. Ðây là lúc những khổ đau của Tết Mậu Thân chưa kịp phai mờ trong đời sống của mọi người thì xẩy ra những nhức nhối của mùa hè đỏ lửa… Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ… Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc thì sẽ cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung (Duy Quang) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần ”lăng xê ”. Sau khi tôi phổ bài Thà Như Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Ðá, Nguyễn Tất Nhiên cung cấp cho tôi thêm nhiều bài thơ để tôi biến thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Ðận… Những tên bài hát phần nhiều do tôi đặt ra…”

Những chi tiết trên cho thấy nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó rõ ràng đã bị kẹt đề tài sáng tác nên mới tìm kiếm đến thơ Nguyễn Tất Nhiên đang trên đà nổi tiếng qua 2 bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đầu tiên phổ nhạc. Đó là bản Thiên Thu và bản Vì Tôi Là Linh Mục. Nhạc sĩ Phạm Duy “phù thủy” hơn nên đã cố tình sửa đổi thêm vào để quảng cáo thành công lớn về thương mại. Điển hình nhứt so sánh trong bài thơ Khúc Tình Buồn không hề có nhân vật nữ tên Duyên, nhưng trong bài hát phổ nhạc thì được Phạm Duy đặc biệt thêm vào. Nhứt là bi thảm hóa qua 2 câu hát cuối: “Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn. Khiến người tên DUYÊN đau khổ muôn niên“.

Tương tự trong mục tiêu đó, Phạm Duy đã viết tung tin phóng đại cho rằng Nguyễn Tất Nhiên có nhiều máu điên nhất và cùng với Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng điều trị tại Nhà Thương Điên Biên Hòa để tạo một huyền thoại bi thảm khác thường… mà sự thực chuyện đó không hề bao giờ có.

4) Ai đã khám phá ra tài năng và tạo cơ hội cho Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng?

Dư luận thường cho rằng chính Phạm Duy đã khám phá ra tài năng và chất thơ “rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh” của Nguyễn Tất Nhiên rồi mới quyết định phổ nhạc. Nhưng trên thực tế, Nguyễn Tất Nhiên – qua lời thuật lại của nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy –  đã liệt kê thứ tự các bài thơ được phổ nhạc như sau:

– Thiên thu (Nguyễn Đức Quang)

– Vì tôi là linh mục (Nguyễn Đức Quang)

– Thà Như Giọt Mưa (Phạm Duy)

– Hãy yêu chàng (Phạm Duy)

– Em hiền như ma soeur (Phạm Duy)

– Hai năm tình lận đận (Phạm Duy)

– Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ (Phạm Duy)

Bài hát Thiên Thu được phổ biến trên internet có đề là năm 1970 phát hành tại Sài Gòn. Điều này cho thấy nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã khám phá thấy ngay tài năng làm thơ của Nguyễn Tất Nhiên qua tập thơ Thiên Tai (1970) và chọn bài thơ “Thiên Thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập thơ đó để phổ nhạc. Nhà thơ Tưởng Dung trong bài viết “Sao thiên thu không là…” cũng có cùng nhận xét về bài thơ đó: “rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía“.  Kế đến, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc bài Vì Tôi Là Linh Mục, mà chính Nguyễn Tất Nhiên xem là bài thơ ưng ý nhứt. Chính những dòng thơ được phổ nhạc đầu tiên này đã dễ lan truyền trong giới hâm mộ thơ nhạc và khiến các nhạc sĩ nổi tiếng nhứt thời đó như Phạm Duy, Anh Bằng… phải tò mò chú ý và đến nổi “động lòng” đua nhau tiếp tay phổ nhạc các bài tình ca khác dễ “ăn khách” hơn.

Như vậy, khách quan mà nói trong thời gian ”còn lận đận” chưa ai biết đến, Nguyễn Tất Nhiên gặp được một tri kỹ khám phá & tận tình phổ nhạc mà không có hậu ý thương mại nào. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (1944 – 2010), một nhân tài VN sống phục vụ lý tưởng Hướng Đạo cho đến tận cuối đời. Còn về phía nhạc sĩ Phạm Duy mãi đến 2 năm sau mới nhìn thấy chân tài của Nguyễn Tất Nhiên và “phải” phổ nhạc những vần thơ đó chỉ vì mục đích tư lợi như từng thố lộ ở phần  trên. Qua đó cũng bộc lộ rõ bản chất ích kỷ suốt đời sống bất chấp đạo đức & dư luận của Phạm Duy, mà chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến trong quá khứ.

Ngẫm nghĩ lại, Chúa Jesus há chẳng từng nói “Của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar” với hàm ý rằng không ai có thể che lấp mãi về sự thực, rồi thì cũng có lúc sự thực sẽ lộ dạng. Cho nên hãy cùng nhau góp phần nhanh chóng trả lại Sự Thực cho Nguyễn Tất Nhiên để giúp linh hồn của nhà thơ yểu mạng này được cứu rỗi & mãn nguyện bên kia thế giới.

5 ) Tại sao thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã lôi cuốn được tuổi trẻ?

Thơ của Nguyễn Tất Nhiên lôi cuốn tuổi trẻ… mới lớn vì thể hiện tâm tình và vần điệu rất học trò. Những dòng thơ quá si tình đánh đúng vào “tim đen” của đại đa số đã từng một thời đơn phương ôm ấp một hình ảnh vượt quá tầm tay và đến nỗi:

Thà như giọt mưa

Khô trên tượng đá

Có còn hơn không

Thơ  Nguyễn Tất Nhiên thể hiện rất… nhân bản. Lúc mê thích thì vội vã ca tụng, để rồi lúc tỉnh mộng “uổng mớ tình si” thấy sự thực vào năm 1972 thì đâm ra “bôi lọ”:

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang

Nhớ duyên dáng ngây thơ… mà xảo quyệt

Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó… hối hận sáng tác bài thơ “Tạ lỗi cùng người ” thú nhận “lỗi lầm” của mình:

Năm năm trời … có một người tên Duyên

Ta ca tụng rồi chính ta bôi nhọ

Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ

Nên lỗi lầm đã đục màu sông

Đốt… đuốc đi tìm trong làng văn thơ VN và cả thế giới nữa, chắc khó tìm thấy được một thi sĩ quá… thành thực dám “bôi lọ” thần tượng, dám công khai hối hận và dám “tạ lỗi” như cỡ Nguyễn Tất Nhiên. Đó là điểm dễ thương đặc biệt nhất của nhà thơ yểu mệnh này. Nhìn lại lịch sử nhân loại, đôi khi cho thấy chính hoàn cảnh cực đoan xảy cho bản thân là nguồn cảm hứng thúc đẩy cho nhiều người bất ngờ để lại cho hậu thế những sáng tác và công trình bất hủ. Giả sử, nếu Tư Mã Thiên không bị “nhục hình” (đến nỗi uất ức đóng cửa để chuyên tâm viết sách!) thì chắc gì tác phẩm Sử Ký lừng danh đã ra đời được. Hoặc nhạc sĩ Đặng Thế Phong bị bịnh nan y hết thuốc chữa, thấy tử thần lởn vởn bên cạnh mới gảy ra được điệu nhạc não nùng “Con Thuyền Không Bến“. Cũng như đệ nhứt thi hào Nguyễn Du được nguồn thi hứng ghê lắm khi tìm ra tri âm qua cuộc đời người kỹ nữ Thúy Kiều để sáng tác ra tác phẩm độc nhứt vô nhị Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều).  Xét cho cùng, Nguyễn Tất Nhiên hưởng được nguồn thi hứng tuyệt vời trong “5 năm si tình” từ 1967 đến 1972 với cuộc “tình si” cùng cô bạn học Bắc kỳ tên Duyên. Giả sử vào lứa tuổi 15 không gặp gỡ được một nhân vật nữ có cá tính “đặc biệt” như vậy, có lẽ Nguyễn Tất Nhiên cũng chỉ làm thơ hay cỡ như các bạn học đồng môn Hà Thu Thủy, Đinh Thiên Phương, Nguyễn Thị Hiền, Tưởng Dung, Nguyễn Thị Minh Thủy… và không chắc gì đã được chọn phổ nhạc tình học trò, để từ đó vang danh khắp nơi.

Lời kết

Nhưng câu hỏi cuối cùng được đặt ra: từ đâu Nguyễn Tất Nhiên lại có tánh lãng mạn đa tình quá vậy để dễ dàng “phóng bút” sáng tác thơ tình cho nhiều nhân vật nữ?.

Xét cho cùng, ngoài cá tính sẵn có, Nguyễn Tất Nhiên có 2 cơ hội “thuận tiện“:

a) tại trường trung học Ngô Quyền, nhờ Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo và ban Giám Đốc từng có những quyết định… táo bạo, dễ thương là mang “nhét ” một số nữ sinh vào lớp nam sinh (hoặc ngược lại!). Qua đó vào lúc 15 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên và Duyên có cơ hội học chung với nhau trong lớp đệ Tứ vào niên khóa 1967/1968 để khởi đầu làm quen cho “5 năm si tình “. Nên nhớ, cũng nhờ quyết định cho nam nữ học chung lớp đã khiến nhiều cặp NQ quen nhau, rồi thương nhau để có khi thành bạn đời… mãi mãi. Như vậy, thực sự công lao của ban giám đốc NQ không phải… nhỏ đâu. Không có trường NQ với các nữ sinh “đặc biệt” như Bùi Thị Duyên, Hoàng Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Minh Thủy … thì khó lòng mà có những dòng thơ học trò Nguyễn Tất Nhiên và những cuộc tình học trò lãng mạn hơn “ba mươi năm chờ đợi“.

b) tại trường tiểu học Nguyễn Du năm 1957, lúc Nguyễn Tất Nhiên chỉ mới 5 tuổi đã được Cô giáo Hạnh đặc cách cho phép vào học lớp 1, mà người dì út (tên là Minh Nguyệt) đang theo học. Nguyễn Tất Nhiên sớm va chạm sinh hoạt nam nữ ngay từ đó (xem hình ảnh phía dưới). Biết đâu đúng như khoa học và nhà tâm lý học lừng danh Sigmund Freud (1856 – 1939) từng phân tích chứng minh rằng trong tiềm thức, con người đã bị ngoại cảnh chung quanh ảnh hưởng liên tục từ ngay lúc còn nằm trong bụng mẹ.

Chính vì vậy, cuối cùng vẫn là lời… cám ơn trường tiểu học Nguyễn Du và trường trung học Ngô Quyền của xứ bưởi Biên Hòa đã tạo nên môi trường thuận tiện để nảy nở được những vần thơ học trò vô cùng lãng mạn như Nguyễn Tất Nhiên từng sáng tác.

Người Xứ Bưởi / 2012

Học lớp 1 tại trường Nguyễn Du năm 1957. Nguyễn Tất Nhiên đứng thứ 2 (từ bên trái) của hàng thứ 2. Ảnh: ngo-quyen.org
Học lớp 1 tại trường Nguyễn Du năm 1957. Nguyễn Tất Nhiên đứng thứ 2 (từ bên trái) của hàng thứ 2. Ảnh: ngo-quyen.org

 [footer]

Thà Như Giọt Mưa & ‘người tên Duyên’: từ thơ đến nhạc

Hầu hết những người yêu nhạc như chúng ta biết nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của nhạc sỹ Phạm Duy là phổ từ thơ ‘Khúc Tình Buồn’ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thế nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ.
Ví dụ: trong bài hát chúng ta nghe ‘Người từ trăm năm về ngang trường Luật’ hay’Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu’. Những ý này hoàn toàn không có trong bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’.
Một ví dụ khác là trong đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên thế nhưng trong bài thơ hoàn toàn không có chi tiết này.

Mang những thắc mắc đó, DongNhacXua.com đã tìm hiểu và phát hiện ra vài điều thú vị về ‘người tên Duyên’ và chuyện nhạc sỹ Phạm Duy có lẽ đã lấy cảm hứng không chỉ từ ‘Khúc tình buồn’ mà còn cả từ bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là ‘Duyên tình con gái Bắc’

Tờ nhạc 'Thà như giọt mưa' xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com
Tờ nhạc ‘Thà như giọt mưa’ xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com

NGƯỜI CON GÁI TÊN DUYÊN
Theo một thông tin trên mạng mà chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng thì Duyên là một cô gái gốc Bắc, học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (tham khảo http://mt9011.multiply.com/journal/item/23/23):

Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.

Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:

“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”

Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.

“Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi, nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi.Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm.”

BÀI THƠ ‘KHÚC TÌNH BUỒN’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/khuc-tinh-buồn/)

(1)
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

(2)
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
(1970)

BÀI THƠ ‘DUYÊN TÌNH CON GÁI BẮC’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/duyen-tinh-con-gai-bắc/)

Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
Thương lại bóng hình người năm năm trước…

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!

Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể

Chim lớn thôi đành cam rớt lệ
Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
Tay tre khô mối mọt ăn luồn
Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

Em chẳng bao giờ rung động cũ
Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
Nên trở về như một con sâu
Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
Lá xanh em chưa dấu lở loang nào
Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu
Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!

Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

[footer]