Trong một bài viết trước, DòngNhạcXưa đã giới thiệu bản “Hai mùa Noel” của nhạc sỹ Đài Phương Trang. Qua đó người yêu nhạc mới biết được hai nhân vật trong tác phẩm quen thuộc mỗi dịp Giáng Sinh về là hai người xa lạ, không quen biết với nhà nhạc sỹ. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu thêm nhiều chi tiết thú vị xung quanh ca khúc nổi tiếng qua bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên.
Ca khúc Hai mùa Noel của nhạc sĩ Đài Phương Trang là một tình khúc được lồng vào không gian Giáng sinh và trở thành một bài hát quen thuộc với mọi người. Và, đó không chỉ là bài hát…
Trong cái se lạnh rất hiếm của TP.HCM và trong không khí rộn ràng chuẩn bị chào đón Noel 2017, chúng tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả của nhiều bản “nhạc xưa”, trong đó có bài Hai mùa Noel hết sức quen thuộc với công chúng. Ông đã cùng chúng tôi trở về trong hoài niệm của một mùa Noel cách đây 45 năm.
Trong không khí Giáng Sinh vẫn còn đây đó, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mùa Sao Sáng” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông, cũng chính là tác giả Phượng Linh của “Bóng nhỏ giáo đường” nổi tiếng mà chúng tôi đã có lần đề cập.
“ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ngự trên cao. Mùa sao sáng năm xưa lại về đêm sinh nhật Chúa, Sao người năm xưa quên lời hứa chưa về (hò 1). Chạnh nhớ ngày xưa đôi bóng giao kề (hò 2). “
Nghệ sĩ Mộng Tuyền xuống câu hò 1 vọng cổ trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân vang, cô chắp tay ngước nhìn về hang đá có tượng Đức Mẹ và Chúa hài đồng nằm trên máng cỏ, rồi cô ém hơi bỏ nhỏ hát tiếp câu hò 2 trong tiếng đàn ghi-ta-phím-lõm hào hoa của Văn Vĩ, hòa với đàn kìm của Năm Cơ, và tiếng vĩ cầm của Hai Thơm cùng “quyện” với nhau trong bài ca Tân Cổ giao duyên “Mùa Sao Sáng”. Sân khấu rạp hát Quốc Thanh, Sài Gòn trước 1975 như bùng nổ trong tiếng vỗ tay tán thưởng, nhưng tim mọi người thì chùng xuống như lịm đi, khi cô đào đẹp nhứt nhì sân khấu cải lương có nghệ danh là Mộng Tuyền, huy chương vàng giải Thanh Tâm 1963, quỳ trước tượng đài Đức Mẹ, nước mắt cô ràn rụa chảy dài trên đôi má trong ánh sáng lung linh của hai hàng bạch lạp trên ngôi cao Thánh mẫu. Trong tiếng nhạc dập dìu trầm bổng của 6 câu vọng cổ, nàng kể chuyện thời chinh chiến, có hai người yêu nhau cùng trao lời hẹn ước trong đêm Giáng Sinh. Bên hang đá Bê Lem, nụ hôn vội vã chia tay người yêu trong thời binh lửa, chàng trai trẻ khoác chiến y ra đi biền biệt từ đêm Giáng Sinh năm xưa, đã mấy mùa sao rồi chưa quay trở lại! Mùa Giáng Sinh năm nay, nàng vẫn đứng chờ bên gác chuông xưa nghe điểm hồi chuông nửa đêm, mỏi mòn trông đợi người yêu qua mấy lần sinh nhật Chúa. Tiếng đàn cò Năm Cơ cầm chịch dẫn dắt Ban cổ nhạc khi nhặt khi khoan, quăng bắt đẩy đưa nhau từ câu 1 sang qua câu 2 vọng cổ, tiếng vĩ cầm Hai Thơm lộng lẫy, khi hơi Nam khi hơi Oán, trên nền nhạc ngũ cung. Lúc danh cầm ghi-ta Văn Vĩ nhấn nhá chuyển sang cung thương thì Năm Cơ chân đạp “song lang”, tiếng mõ vang lanh lảnh báo tin sắp chuyển giao cho Ban tân nhạc Lê văn Thiện sẵn sàng bắt nhịp khi ca sĩ xuống “xề”. Khi đó, ca nữ Mộng Tuyền tiến sát lại gần hang Bê Lem, đèn sân khấu quét ngang người, nàng nức nở hát từ dây Đào cổ nhạc hò 5 chuyển sang qua ca tân nhạc với Ban Lê văn Thiện: “Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại. Chênh chếch mùa sao lạc loài. Ôi! Những mùa sao lẻ đôi. Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, Thương những mùa sao hồng đào. Ôi! Những mùa sao cách xa.”
Sân khấu bềnh bồng như trôi dạt trong ánh sáng nhiệm mầu đêm Thánh lễ, khán giả đắm chìm trong tiếng đàn Tam tấu cổ nhạc Văn Vĩ, Năm Cơ và Hai Thơm là những đệ nhất danh cầm cổ nhạc cải lương miền Nam thời đó, cùng quăng bắt nhau, tung hứng cho nhau thật điệu nghệ, trong khi Ban tân nhạc Lê văn Thiện chờ lúc cao trào, chụp bắt, rượt đuổi Ban cổ nhạc, khi trao qua khi nhận lại, hình thành một cấu trúc nghệ thuật mới của thời đại 1960-1970, định danh là Tân cổ giao duyên. Theo mạch nhạc hết câu 5 rồi chuyền sang qua câu 6 vọng cổ, ca sĩ và hai ban Tân và Cổ nhạc như quyện vào nhau, mắt không rời nhau, khi vào Tân khi ra Cổ, nghệ sĩ Mộng Tuyền lúc thì song hành, khi thì bứt phá, rồi đợi khi Ban cổ nhạc xuống xề 24, và Ban tân nhạc “chầu” thêm nhịp 25, ca sĩ vào nhịp 26 với lời thơ áo não trong đêm Giáng Sinh thời chinh chiến: “ Người đi từ Giáng sinh xưa Mong về tương ngộ giữa mùa hội sao. Niềm tin xóa hết thương đau, Mùa sao đất Việt, mùa sao thanh bình.”
Bài Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng của soạn giả Đông Phương Tử đã ra đời trong thời binh lửa như thế, khi khắp miền Nam đã có mất mát, tang thương. Thuở đó, không khí chiến tranh lan tràn đến từng nhà, gia đình nào cũng có người thân vào quân đội. Những buổi chia tay, những giờ hò hẹn ngắn ngủi trên sân ga, trên bến tàu đưa tiễn người vào quân trường hay đi ra mặt trận, đã thấm đẩm vào thơ ca và âm nhạc. Bản Tân cổ giao duyên Mùa Sao Sáng nhanh chóng lan truyền từ sân khấu đến các Đài Phát Thanh và Truyền Hình rồi thâu vào băng và đĩa nhạc 45 tours. Miền Nam thời đó, nhứt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở các tỉnh Cần Thơ – Bạc Liêu vốn là cái nôi của bài ca Vọng cổ hoài lang của Cao văn Lầu, các ban đờn ca tài tử miền sông nước này bị mê hoặc cuốn hút trước một làn điệu canh tân mới mẻ, đã chung tay tiếp sức cho bài Tân cổ giao duyên bay xa. Mộng Tuyền, nghệ sĩ cải lương sân khấu vừa là minh tinh màn bạc, nổi tiếng tài sắc trong vở tuồng cải lương Dương Quí Phi và An Lộc Sơn, bạn diễn với Thanh Nga, Ngọc Giàu của đoàn Thanh Minh, đặc biệt với vai diễn để đời là sơn nữ Klai trong vở tuồng Mưa Rừng, Mộng Tuyền đã mang lại cho khán giả niềm say mê qua các bài tân cổ giao duyên Thầm Kín, Ngày Xưa Anh Nói, Thương Về Mùa Đông Biên Giới, Mùa Sao Sáng v v của soạn giả Đông Phương Tử, một bút danh của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Rất tiếc, chất lượng âm thanh của đĩa 45 tours sau thời gian 45 năm không còn được như xưa (tuy nhiên, một số bản nhạc sẽ được đăng trong trang này để làm tài liệu).
Hôm nay là 25/12, khắp nơi hân hoan chào đón một mùa Giáng Sinh lại về. Hòa trong niềm vui đó, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Cao cung lên” của nhạc sỹ Hoài Đức, tức linh mục Giuse Lê Khắc Triệu. Đây có thể nói là một trong những bản nhạc về Giáng Sinh nói riêng và Thánh Ca nói chung đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.
CAO CUNG LÊN & NHẠC SỸ LINH MỤC HOÀI ĐỨC (Nguồn: dotchuoinon.com)
Bản thánh ca nổi tiếng của Việt Nam: “Cao cung lên” được sáng tác bởi Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức từ năm 1945.
Thực ra bản nhạc này là sáng tác của hai người. Lm Hoài Đức soạn nhạc và lời phần I, còn lời của những phiên khúc sau là của Lm.Nguyễn Khắc Xuyên.
Lm. Hoài Đức tên thật là Lê Đức Triệu (1923 – 2007) quê quán Nam Định.
Linh mục Hoài Đức (cha Triệu) có thời gian dài từng sống ở BanMêThuột (từ 1969- 1975), làm quản lý tài sản Nhà Chung Ban Mê Thuột, thuở Đức Cha Nguyễn Huy Mai đang cai quản Giáo phận.
Theo lời cha Triệu, thời điểm 1940 chưa có thánh ca bằng tiếng Việt. Những bài hát trong phụng vụ đều bằng tiếng…Latinh. Thánh lễ, chầu Thánh thể phải hát hay đọc bằng tiếng Latinh. Những bài hát đều lấy từ cuốn “Paroissien Romain” hay ” Cantus Pro Festis Solemnioribus” hoặc “Cantus Officiorum in Cantus Greoriano”.
Đôi khi được hát nếu không bằng tiếng Latinh thì bằng tiếng Pháp, chủ yếu lấy từ cuốn “Cantiques de la Jeunesse”.
Sau 1940 mới xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn.
Như vậy bài hát “Cao cung lên” được coi như mở đầu cho dòng nhạc thánh ca Việt Nam. Một bản nhạc xưa mà còn mãi ngân vang mỗi độ Giáng sinh về, và mỗi độ nghe lại ca khúc này, lòng ta tựa hồ rộn rã tiếng chuông ngân…
Không khí Giáng Sinh đã tràn ngập khắp các nẻo đường Sài Gòn. Tiếp nối dòng nhạc về mùa Noel, DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản “Hai mùa Noel” của nhạc sỹ Đài Phương Trang sáng tác năm 1973. Một điều đáng để ý là không hiểu sao khi chúng tôi đi tìm khuôn nhạc cho “Hai mùa Noel” thì phần lớn đều ghi tên tác giả là Nguyễn Vũ trong khi đó là đứa con tinh thần của nhạc sỹ Đài Phương Trang (tác giả “Người yêu cô đơn”, “Hoa mười giờ”, v.v.) Theo thiển ý của chúng tôi, có sự nhầm lẫn này là do nhạc sỹ Nguyễn Vũ quá nổi tiếng với nhạc Giáng Sinh với “Bài Thánh ca buồn” chăng?
ĐÔI NÉT VỀ BẢN “HAI MÙA NOEL” (Nguồn: hopamviet.vn)
Những ngày này, khi giai điệu da diết quyện với ca từ “mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường” cùng cái lạnh len lỏi khắp nẻo đường thành phố, tác giả của bài hát Hai mùa noel bất ngờ báo tin “Giáng sinh của chàng trai năm xưa không còn buồn nữa”.
Tại quán cà phê ở Q.1, TP.HCM, nhạc sĩ Đài Phương Trang lên sân khấu trình bày ca khúc mới: Hai mùa Noel 2: “Hỏi em hai mùa Noel đã qua từ lâu, mà sao giai điệu mênh mang mãi luôn gọi nhau…”. Ngoài 70 tuổi nhưng giọng hát ông vẫn khỏe và còn tình cảm lắm, cứ thế “kể” tiếp câu chuyện tình dở dang của chàng trai năm nào. Ông nói: “Nếu ngày xưa, chàng trai ấy đau khổ bao nhiêu vì bị tình phụ, cô đơn bao nhiêu trong cái tê tái của “nửa đêm tan lễ bước anh bơ vơ trở về” thì hôm nay, trong Hai mùa Noel 2, anh ta đã vượt qua nỗi đau. Vẫn đi lễ nhà thờ nhưng chỉ “cầu xin ơn lành ban cho những mối duyên đời luôn được chung đôi mãi không chia rời”.
Nhạc sĩ cho biết bạn bè ai cũng hỏi ông: Chàng trai này có phải là tác giả không? Bởi chỉ khi rút ruột viết ra nỗi niềm của mình thì những lời ca, giai điệu ấy mới thấm vào lòng người và day dứt khôn nguôi đến thế. Không chỉ vậy đã 40 năm kể từ khi Hai mùa Noel ra đời, nó vẫn luôn được ngân vang cùng tiếng chuông giáo đường, vẫn luôn được xuất bản với nhiều giọng ca khác nhau của nhiều thế hệ ca sĩ: Anh Khoa, Như Quỳnh, Mạnh Đình, Tuấn Vũ, Vũ Khanh, Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly…
Rồi ông hóm hỉnh: “Tôi có thất tình bao giờ đâu, tất cả những chuyện tình buồn ấy đều viết cho bạn bè hoặc những người xa lạ mà tôi thấy, nghe được”. 40 năm trước, khi chở người yêu – là vợ ông bây giờ – dạo phố xem người ta đi lễ, ông vô tình bắt gặp chàng trai đứng tựa gốc cây gần nhà thờ Đức Bà (TPHCM) hàng giờ đồng hồ. “Tan lễ, khi mọi người về gần hết tôi vẫn còn thấy anh đứng đó. Hình ảnh này cứ ám ảnh trong tôi… 2 năm sau, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gợi ý các tác giả viết bài Noel cho đĩa Giáng sinh của hãng Sơn Ca, tôi nghĩ ngay đến chàng trai trong đêm lễ ấy và hư cấu thành Hai mùa Noel”, ông nói.
Dù có nhiều sáng tác dành cho giáo đường nhưng nhạc sĩ thổ lộ: “Tôi không phải là người Công giáo, mà chỉ may mắn được hai người bạn thân tặng hai quyển thánh kinh. Có lẽ nhờ đó mà tôi viết nhạc Noel được khen tự nhiên như người có đạo”. Hỏi nhạc sĩ lâu nay toàn sáng tác để nói hộ tiếng lòng và an ủi người khác, có bao giờ ông viết cho chính mình, ông hào hứng mở tập ca khúc viết từ năm 2010, khoảng hơn 20 bài. “Đây mới là những tâm sự của tôi, cũng là nhạc tình hết đấy, được viết theo thể loại slow và boston”.
* Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn, có 3 người con. Ông từng là giáo viên dạy nhạc Trường Phú Định, Q.6 và hiện sống cung vợ tại Q.Bình Tân, 3 người con của ông cũng ở gần đó. “Khi mới học đàn, tôi chỉ chơi đàn những nơi có bạn bè là nam, vì cứ có nữ là tôi mắc cỡ không đàn được. Vậy nên khi bắt đầu sáng tác, tôi nghĩ ngay: Đàn Phương Trai, chỉ đàn nơi nào có con trai! Nhưng sau bạn bè lại bảo: tên gì đọc khô quá, rồi có ông bạn vui tính lái lại: hay là Đài Phương Trang đi, êm tai hơn nhiều” nhạc sĩ thổ lộ
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ ĐÀI PHƯƠNG TRANG (Nguồn: wikipedia.com)
Đài Phương Trang (sinh 1940) là một nhạc sĩ nhạc vàng Việt Nam. Ông là cháu của nhạc sĩ Ngọc Sơn.
Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Hai bút danh khác là Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ.
Trước 1975
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc từ năm 1966, đến nay ông đã có hơn 500 ca khúc. Ông là cựu giáo viên âm nhạc Trường Trung học cơ sở Phú Định (Quận 6).
Một số ca khúc phổ biến của ông là: Hoa mười giờ (đồng sáng tác với Ngọc Sơn), Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền Tây, Tình nghèo có nhau, Ước mộng đôi ta… và đặc biệt là bài “Người yêu cô đơn” (viết năm 1973) là ca khúc tiêu biểu của ông và cũng là nhạc phẩm giúp tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ được thính giả khắp nơi biết đến.
Sau 1975
Sau 1975, ông là một trong số ít các nhạc sĩ ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Giống như các nhạc sĩ cùng thời như Thanh Sơn, Hàn Châu, Tô Thanh Tùng, Vinh Sử,Giao Tiên… ngoài sự tiếp nối của dòng nhạc trữ tình Boléro, ông còn viết thêm mảng nhạc quê hương mang âm hưởng Nam Bộ và khá thành công.
Nhưng nhạc hài mới là thể loại nhạc mà ông tâm huyết nhiều nhất. Ấp ủ từ lâu nhưng đến năm 1990 ông mới bắt tay vào viết nhạc hài và tìm bạn diễn. Cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương), ông thành lập nhóm “Hai Con Dế”, ra sân khấu với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng và chơi đàn guitar. Sau khi Phương Khanh qua đời, ông tiếp tục duy trì nhóm với một số bạn diễn mới như Kông Thanh Bích[1], Hải Thanh và hiện nay là nhạc sĩ Đức Tân.
Gia đình
Đài Phương Trang hiện sống cùng vợ và ba người con (2 gái, 1 trai) tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
“ Ước vọng của chúng tôi là được đem lời ca tiếng đàn để phục vụ công chúng qua thể loại ca hài hầu mang đến những nụ cười dí dỏm, ý nhị có tính nghệ thuật trong những ca khúc hoàn toàn mới – từ giai điệu đến lời ca chứ không phải đặt lời mới trên những giai điệu cũ mà người ta thường gọi là “nhạc chế”. ”
—Đài Phương Trang
Với nhiều thế hệ yêu nhạc xưa, bản “Giáo đường im bóng” của Nguyễn Thiện Tơ có thể được xem như là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc về Giáng Sinh của tân nhạc Việt Nam. Xung quanh nhạc phẩm bất hủ này, có nhiều chi tiết thú vị. Nhân dịp Noel về, DòngNhạcXưa xin giới thiệu đến quý vị bản “Giáo đường im bóng” nổi tiếng này.
ANTĐ – Lâu nay, các nhà thơ, công bố thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi các nhạc sĩ đọc, nếu rung động, đồng cảm sẽ phổ nhạc. Nhanh thì một đêm là xong, lâu thì cũng trong vòng một tháng. Vậy mà, từng có chuyện “ngược đời” xảy ra cách đây đã… 73 năm. Tác giả nhạc viết giai điệu trước, sau đó “người thơ” mới viết phần lời. Đó là ca khúc “Giáo đường im bóng”, nhạc: Nguyễn Thiện Tơ; lời: Phi Tâm Yến.
“Lá êm êm rơi trên gương hồ/ Hình như mối tơ duyên xa mờ/ Sóng rung rinh hồ xưa đây/ Hồn tôi nhớ nàng mê say/ Ngày xa ấy u trầm quá/ Và sóng mắt huyền còn biết tìm đâu… /… Nơi giáo đường im bóng, tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ”.
Nghe ca khúc này nhiều lần, qua nhiều giọng hát ở các thế hệ khác nhau, từ Khánh Ly, Tuấn Vũ, Sỹ Phú cho tới Thu Minh, Ngọc Anh – dù rất mong một lần được gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ – người viết ra những giai điệu ấy, nhưng tôi không nghĩ mình còn cơ hội gặp ông. Nghĩ vậy, bởi tôi biết ông sinh năm 1921, giờ cũng đã bước qua cái ngưỡng “cửu thập”. Cái tuổi này, dễ khiến bất cứ ai đều có thể trở thành những người của cõi nhớ thương. Hoặc nếu còn sống thì biết đâu người ta đã lẫn lộn nhiều thứ, và bệnh tật tuổi già cũng đã khiến cho mọi trí tuệ có thể trở nên không còn minh mẫn nữa. Vì thế tôi cứ cầm chắc cơ may đã không còn đến với mình.
Bẵng đi, cho đến năm ngoái tôi được một người bạn trong giới nhạc sĩ “bật mí” nhạc sĩ của Giáo đường im bóng vẫn còn sống, hiện ở phố Mai Hắc Đế và vẫn minh mẫn để trò chuyện, khỏi nói tôi đã mừng thế nào. Tôi không thể chần chừ hơn, vội tìm gặp ông.
Phố phường Hà Nội những ngày giữa tháng 12 nhộn nhịp đến ồn ã cái không khí Giáng sinh. Và khi bước vào căn nhà nhỏ của ông trên phố Mai Hắc Đế, cứ như là bắt gặp một Hà Nội cũ, của một thời tưởng như đã quá xa rồi.
Thấy chúng tôi đến, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ngồi dậy. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn còn giữ được nét đẹp của một người Hà Nội xưa, dù khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt tỏ rõ sự thiếu ngủ. Người ta không có thời gian để ngủ, còn ông, thừa thời gian nhưng lại không ngủ được. Sắp tới Giáng sinh rồi, biết thế nào tôi đến cũng lại hỏi về ca khúc Giáo đường im bóng, ông cười hóm hỉnh, bảo lâu quá rồi. Cái thời của ông, ngày lễ Noel nó sâu lắng và lịch lãm lắm chứ không lòe loẹt và ồn ã như bây giờ.
Rồi ông kể: “Từ năm khoảng 10 tuổi, tôi đã mê âm nhạc. Đến năm 12 tuổi, nghe tin thầy giáo Trần Đình Khuê mở lớp guitare Hawai thế là tôi xin bố cho đi học. Học với thầy Khuê, thì thoảng tôi lại được đi biểu diễn cùng thầy. Vài năm sau tôi học thêm Tây ban cầm do một người Pháp dạy. Khi sử dụng thành thạo hai loại nhạc cụ này, tôi đi biểu diễn ở mấy phòng trà, thi thoảng lại tham gia các chương trình biểu diễn từ thiện. Trong một lần về Nam Định biểu diễn từ thiện như thế, tôi bắt gặp một cô gái Thành Nam. Lúc ấy tôi còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội. Cô ấy cũng chơi đàn và hát trong buổi biểu diễn từ thiện này. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy mình yêu người con gái này. Sau đó, chúng tôi có gặp lại đôi ba lần. Nhưng rồi có trắc trở. Tôi buồn quá vì nghĩ như thế là mình không cưới được cô gái ấy. Vì thế mà tôi viết bài hát này”.
Thì ra là vậy.
Nhưng tôi vẫn còn tò mò nên gặng hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, rằng, thưa ông, trên bài hát có ghi: “Nhạc Nguyễn Thiện Tơ; Lời: Phi Tâm Yến”. Vậy Phi Tâm Yến là ai, là bút danh của ông, hay là…? Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cười: “Đây là bài hát đầu tay của tôi, khi đó tôi mới 17 tuổi. Ca khúc này được tôi hoàn thành nhạc trước, sau đó người bạn phổ thơ vào. Phi Tâm Yến là người bạn thân, chúng tôi chơi với nhau từ khi lên 10 tuổi. Cậu ấy tên thật là Trần Văn Phụng. Sau này tôi cũng có viết nhạc, bạn viết lời thơ trong vài ca khúc khác, nhưng giờ thất lạc hết rồi”.
Thêm một chi tiết bất ngờ. Hóa ra là vậy.
Ca khúc Giáo đường im bóng đã đồng hành với nhiều thế hệ người nghe, và chất chứa trong nó không chỉ một câu chuyện tình tuyệt đẹp, mà còn cả một “sự tích” nhạc viết trước lời viết sau mà ít người biết tới. Lời ca thì thoáng buồn, xen chút tuyệt vọng về một mối tình đầu, nên khi hoàn thành, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng không đề tặng cô gái Thành Nam Vũ Hà Tiên, cũng không hát cho “nàng” nghe. Chỉ âm thầm giữ kín cho riêng mình.
Nhưng rồi vượt qua những định kiến, họ đã trở thành vợ chồng suốt từ năm 1944 đến nay. Bây giờ, cô gái đẹp đất Thành Nam xưa đã trở thành bà lão 90 tuổi, sống hồn hậu bên con cháu. Mỗi năm, cứ mùa Giáng sinh về, đôi vợ chồng già lại có dịp ôn lại câu chuyện tình thuở đôi tám của mình. Còn người yêu nhạc hôm nay lại có dịp nghe lại những giai điệu êm dịu: Trong giáo đường đêm Noel ấy…
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921, tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân (xưởng in Viễn Đông) tại căn nhà số 22 phố Charron, nay là phố Mai Hắc Đế, Hà Nội. Sau ngày quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, Nguyễn Thiện Tơ về Đài Tiếng nói Việt Nam, thổi sáo trong dàn nhạc của đài. Đến năm1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về hãng Phim truyện Việt Nam. Một số tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ: Chiều quê, Chiều tà, Cung đàn xuân xưa, Đêm trăng xưa, Khúc nhạc canh tàn, Nắng xuân, Nhắn gió chiều, Nhớ quê… Và một số tác phẩm nhạc của Nguyễn Thiện Tơ, lời của Hoàng Giác, Văn Khôi, Phi Tâm Yến như: Qua bến năm xưa, Tiếng hát biên thuỳ, Trên đường về, Giấc mơ xưa, Ngày vui đã qua…
Trong dòng tân nhạc Việt Nam, nhạc phẩm “Bóng Nhỏ Giáo Đường” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông được ký dưới bút danh Phượng Linh là một trong những bản bất hủ về mùa Noel nói riêng và về tình yêu Thiên Chúa nói chung. Hôm nay nhân dịp Giáng Sinh về, DòngNhạcXưa xin gởi đến bạn yêu nhạc tác phẩm này.
Mỗi dịp Giáng Sinh về, từ khoảng nửa thế kỷ qua, người ta đã khá “quen” với ca khúc “Bóng Nhỏ Giáo Đường” của NS Nguyễn Văn Đông, nhưng bài này được ông ký với bút danh Phượng Linh. “Bóng Nhỏ Giáo Đường” có thể là một ngôi thánh đường nhỏ bé và đơn nghèo, cũng có thể là bóng dáng người yêu bé nhỏ, một cô nàng nào đó…
Không biết tôi có “duyên nợ” gì với NS Nguyễn Văn Đông hay không mà ngay từ hồi đó, tôi đã cảm thấy “hợp” với nhạc của ông, nhất là bài “Mùa Sao Sáng”. Từ thuở còn là thiếu nhi, tôi thường nghe nhạc nhiều qua làn sóng phát thanh ngày xưa, hầu như nghe cả ngày lẫn đêm, cứ rảnh là nghe, có lẽ nhờ vậy mà tôi biết được nhiều “tên tuổi” thời đó.
Khoảng 20 năm trước, có người muốn biết tông tích NS Nguyễn Văn Đông, người này không biết tìm ông ở đâu nên mới hỏi Hội Âm Nhạc, không hiểu sao người ta lại cho số điện thoại của tôi, dù tuổi tôi và tuổi NS Đông chênh lệch nhau nhiều. Lạ thật!
Vả lại, ngày xưa người ta in những tờ nhạc nhiều lắm, trên các làn sóng giới thiệu rõ ràng tên tuổi tác giả chứ không như ngày nay, người ta thường giới thiệu tên ca sĩ chứ tác giả chẳng được coi ra gì, dù tác giả là người “thai nghén” và “sinh ra” tác phẩm. Chính “cha đẻ” lại bị lãng quên! Ngược lại, trên đài phát thanh hoặc truyền hình, ngày nay người ta “vô tư” giới thiệu bài hát nào đó “của” ca sĩ này, ca sĩ nọ, chứ không phải của nhạc sĩ. Ngôn ngữ sai bét nhè như thế mà người ta không chịu sửa. Tệ thật! Làm văn hóa mà xem chừng lại phi văn hóa quá đỗi!
“Bóng Nhỏ Giáo Đường” là ca khúc được NS Nguyễn Văn Đông viết trong thời chiến, với tâm trạng một binh sĩ tác chiến nơi chiến trường xa. Giáng Sinh đang đến gần, nỗi nhớ nhà và nhớ người yêu da diết, người lính “thăm dò” thế này:“Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu, cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi. Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng, dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung trong lời khấn xin chan chứa niềm tin”. NS Đông rất thích sao sáng, chắc hẳn sao sáng có gì đó đặc biệt lắm. Đúng vậy, không đặc biệt sao được, vì đó là đêm Con Chúa giáng sinh, và lại là “mốc” kỷ niệm lúc hai người chính thức “là của nhau”.
Tình yêu đã lên ngôi, hạnh phúc tràn trề, kỷ niệm đẹp lắm. Thế nhưng niềm vui lại không trọn vẹn:“Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo, lửa binh lan tràn hai đứa đôi đàng mộng đẹp kia vỡ tan”. Không phải tại chàng hay nàng, mà tại chiến cuộc. Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ! Vì thế, từng hồi chuông giáng sinh ngân vang niềm vui thì lại hóa sầu bi:“Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái, tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan ngôi thánh lầu chuông”. Lòng buồn nhưng anh lính vẫn tin tưởng mà cầu nguyện. Có lẽ ít người dùng từ “quan tái”, nhất là ngày nay. Quan tái là quan ải, chỉ nơi biên cương, bờ cõi. NS Đông “chơi chữ” khi sử dụng cụm từ “mùa quan tái”, ý nói người lính đang phải làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nơi biên giới xa.
Kỷ niệm ùa về khi Giáng Sinh về, không chỉ kỷ niệm vui mà còn cả kỷ niệm buồn:“Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác chuông, nước mắt em tuôn xót xa quỳ trên đống tro tàn”. Con gái mau nước mắt là chuyện bình thường, nhưng cô người yêu của anh lính đã khóc vì gác chuông bị quân địch phá đổ. Chính gác lầu chuông đó là nơi anh lính đã chính thức tỏ tình với nàng.
Và rồi chính anh lính cũng đã góp công sức làm lại gác chuông nhà thờ ngày ấy. Kỷ niệm như còn mới nguyên:“Nhớ mãi ngày ấy anh góp tre dựng lại gác chuông, với trí ngây thơ vững tin tầm vông giữ Nhà thờ, kỷ niệm của chúng ta!”. Gác chuông ngày xưa đơn giản thôi, nhất là lại ở vùng quê, tre hoặc tầm vông là vật liệu chính khi xây dựng nhà cửa, tất nhiên với nhà thờ thì cũng vậy thôi. Gác chuông là phần không thể thiếu ở các nhà thờ, và nó cũng không thể thiếu trong ký ức yêu của hai người. Thế mà chiến tranh đã nhẫn tâm phá vỡ! Đúng ra thì không phải lỗi của chiến tranh mà là tội của những người gây ra chiến tranh.
Thời gian cứ vô tình trôi, kỷ niệm vui buồn cũng theo anh lính trên mọi chiến tuyến:“Mấy năm rồi buồn vui ngày đó theo anh giữa trời sông, dẫu xa phương trời nhưng sống muôn đời chuyện lầu chuông thuở xưa. Và từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó thấm nhuần trong tay Chúa ban ơn anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa”. Cái hay của người lính là “chất đạo đức” không vì khổ cực mà phai nhòa, ngược lại còn tăng thêm, anh chứng minh qua việc cầu nguyện hàng đêm, khi không gian và thời gian trở vào tĩnh lặng, dù có thể tiếng bom đạn vẫn không ngừng kêu xé không trung…
Niềm tin vẫn còn thì tất cả vẫn còn. Bóng nhỏ giáo đường nằm sâu là lẩn khuất ở miền quê, nhưng bóng đức tin lại to lớn, có thể che rợp cả bầu trời rộng và lòng người.
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con!
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, giai điệu quen thuộc của bản ‘Bài thánh ca buồn’ của Nguyễn Vũ lại vang lên qua giọng ca rất có chiều sâu của Elvis Phương. Và cứ mỗi lần nghe ‘Bài thánh ca buồn’ thì chúng tôi lại thắc mắc tại sao ‘bài thánh ca’ mà lại ‘buồn’!? Bởi lẽ, đã là Thánh ca thì không có bài nào buồn cả vì đó là những lời ca đem lại nhiều hồng ân Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, nhất là những bài Thánh ca mùa Noel. Thế rồi DongNhacXua.com chúng tôi hân hạnh được nghe tâm sự của chính tác giả, nhạc sỹ Nguyễn Vũ, trong một dịp ‘trà dư tửu hậu’ vào mùa Giáng Sinh năm 2004 khi ông trải lòng mình với chuyên mục Văn Nghệ của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Thì ra, ‘bài thánh ca’ mà Nguyễn Vũ nói đến chính là bản ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ bất hủ và ‘buồn’ là vì ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ gắn với một kỷ niệm buồn và đẹp của tác giả với người bạn gái đầu đời!
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm và bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin – như là một định mệnh – cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.
TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ‘BÀI THÁNH CA BUỒN’ “Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.
Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.
LỜI BÀI HÁT (SÁNG TÁC 1972, HÃNG ĐĨA SƠN CA GHI ÂM LẦN ĐẦU TIÊN) Bài thánh ca đó còn nhớ không em Noel năm nào chúng mình có nhau Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt Áo trắng em bay như cánh thiên thần Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang Xin cho đôi mình suốt đời có nhau Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng Ôi giọng hát em mênh mang buồn…
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu Rồi một chiều áo trắng thay màu Em qua cầu xác pháo bay sau
Lời nguyện mình Chúa có nghe không Sao bây giờ mình hoài xa vắng Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu
Rồi những đêm thánh đường đón Noel Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi …