Thú chơi tờ nhạc xưa ở thành phố biển Nha Trang

Dòng Nhạc Xưa đã giới thiệu một thú chơi tao nhã và công phu của số ít người yêu nhạc xưa: sưu tầm tờ nhạc xuất bản trước 1975. Đây là một công việc khá vất vả mà chỉ những ai có lòng đam mệ thật sự mới theo đuổi được vì nguồn tư liệu qua 50 năm hoặc là hư hỏng, hoặc là thất lạc nên gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm và lưu trữ. Một niềm an ủi nho nhỏ cho những nhà sưu tập nói chung và bản thân Dòng Nhạc Xưa nói riêng là càng ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến các tờ nhạc đầy kỷ niệm này. Trong dòng cảm xúc ấy, chúng tôi xin giới thiệu về thú vui này của bạn bè thân hữu ở thành phố biển Nha Trang.
Tái bút: qua bài viết này, nếu may mắn anh Phương Chánh Hùng hay bạn bè xa gần đọc được thì nếu được xin gởi hình ảnh bản “Nhớ Nha Trang” của nhạc sỹ Minh Kỳ cho chúng tôi để lưu trữ trên trang web cho các thế hệ sau.

Thú chơi tờ nhạc xưa

(Nguồn: bài viết của tác giả Thành Nguyễn đăng trên BaoKhanhHoa.com.vn ngày 2017-06-16)

Cùng với băng đĩa, những năm gần đây, người thích đồ xưa còn sưu tầm những tờ nhạc xưa. Những tờ nhạc được ấn hành trước năm 1975 một thời gần như bị lãng quên nay lại có một đời sống khác. Không rầm rộ như ở TP. Hồ Chí Minh nhưng ở Nha Trang vẫn có những người đang lưu giữ hàng ngàn tờ nhạc xưa…

Anh Phương Chánh Hùng với tờ nhạc Nhớ Nha Trang của nhạc sĩ Minh Kỳ – Hồ Đình Phương. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn

Tờ nhạc đã từng có một đời sống rất mạnh mẽ. Nó không đơn thuần là một bản nhạc để người chơi đàn, ca sĩ tập hát mà còn là ấn phẩm nghệ thuật với những hình vẽ minh họa, hay và đẹp. Theo họa sĩ Lê Vũ, những năm trước giải phóng miền Nam, các nhà sách lớn ở Nha Trang bán các tờ nhạc rất nhiều. Trai gái yêu nhau thường tặng những tờ nhạc đầy tình ý. Sau năm 1975, khi nhạc xưa không còn thịnh hành, những tờ nhạc đầy tính nghệ thuật ấy không còn được xuất bản. Và theo thời gian, những tờ nhạc ấy cũng không còn được trân trọng lưu giữ; chỉ một số ít người có ý thức sưu tầm mới gìn giữ những tờ nhạc xưa. Cách đây khoảng 15 năm, những người bán sách cũ ở đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang vẫn thường bán những tờ nhạc xưa với giá khoảng 5.000 đồng/tờ.

Nha Trang, mùa thu lại về (Văn Ký)

[dongnhacxua.com] vừa có dịp về thăm lại quê hương Nha Trang và tham gia vài hoạt động âm nhạc cùng bạn bè thân hữu. Chúng tôi rất vui khi thấy Nha Trang ngày một đẹp hơn và văn minh hơn. Những ngày giữa cuối tháng 8 này, trời Nha Trang đã chớm bước vào mùa thu. Dạo bước trên đường Trần Phú lộng gió và mặn mòi vị biển hay rảo bước trên những con đường vắng ngập tràn hương hoa mang lại cho chúng tôi một cảm giác thật thú vị về một mùa thu Nha Trang. Trong niềm cảm xúc ấp, hôm nay [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc nghe lại bản ‘Nha Trang, mùa thu lại về’ của nhạc sỹ Văn Ký.
Theo tư liệu chúng tôi có được thì nhạc sỹ Văn Ký lần đầu tiên ghé thăm thành phố biển Nha Trang vào tháng 08/1975, tức chỉ vài tháng sau khi tiếng súng không còn vang trên dải đất hình chữ S chúng ta. Nhưng phải đợi đến hai năm sau, 1977, thì bản nhạc này mới ra đời. Nhạc sỹ Văn Ký vốn trưởng thành trong nền nhạc miền Bắc và bài này ra đời vào thời điểm ngay sau chấm dứt chiến tranh nên tất nhiên là sáng tác của ông không tránh khỏi đôi chút ‘ý thức hệ’ ví dụ như ‘con đường cách mạng’, ‘đoàn quân chiến thắng’, … Tuy nhiên vượt lên trên hết, ‘Nha Trang, mùa thu lại về’ là một bản nhạc đẹp cả về lời ca lẫn giai điệu, thể hiện niềm vui, niềm tự hào về một trong những thành phố biển đẹp trên thế giới mang tên NHA TRANG.

nha-trang-mua-thu-lai-ve--2--van-ky--baicadicungnamthang.net--dongnhacxua.com
Nha Trang, mùa thu lại về (Văn Ký). Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

[footer]

Phản đối Trung Quốc bành trướng trên biển Đông: Gần lắm Trường Sa

Mấy ngày gần đây, Trung Quốc lại ngang ngược đưa dàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam, một hành động leo thang trong nỗ lực thôn tính cả vùng biển Đông. Cũng như hàng triệu người có lương tri, nhất là những người con dân tộc Việt, [dongnhacxua.com] xin góp một tiếng phản đối thông qua một nhạc phẩm ra đời cách đây đã hơn 30 năm: ‘Gần lắm Trường Sa’ của nhạc sỹ Hình Phước Long.

ĐÔI NÉT VỀ BÀI HÁT ‘GẦN LẮM TRƯỜNG SA’ CỦA NHẠC SỸ HÌNH PHƯỚC LONG
(Nguồn: BaiCaDiCungNamThang.net)

Đã gần 30 năm trôi qua kể từ khi bài hát ra đời, nhưng giai điệu thân thương, quen thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn không bị lãng quên mà ngày càng đi sâu vào lòng người. Bài hát chẳng những là “bài ruột” của người lính Hải quân mà còn là bài hát được nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc yêu thích. Và mỗi lần biển Đông “dậy sóng” thì giai điệu bài hát lại vang xa, càng nhắc nhở chúng ta luôn hướng về nơi ấy- nơi quần đảo xa xôi đang có những người lính ngày đêm chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhạc sỹ Hình Phước Long. Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net
Nhạc sỹ Hình Phước Long. Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

Nhạc sĩ Hình Phước Long, sinh năm 1950, tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tỉnh Khánh Hòa quê ông ngoài thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, còn là nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 với vịnh Cam Ranh nổi tiếng về vị trí chiến lược quân sự, nên ông có dịp chứng kiến nhiều hình ảnh cũng như hoạt động của lực lượng Hải quân Nhân dân.

Về hoàn cảnh ra đời bài hát ông cho biết: Trong một lần dự trại sáng tác được tổ chức tại TP Nha Trang, vào năm 1982 của thế kỷ trước, một chiều khi ông đạp xe dọc đường Trần Phú đã bất ngờ bắt gặp hình ảnh một cô gái mặc áo dài đang đứng dõi mắt về hướng biển khơi. Hình ảnh một người con gái đứng cô đơn giữa trời và biển trong ánh hoàng hôn dần buông, đã làm trái tim người nhạc sĩ xúc động thật sự và ông đã tự đặt cho mình câu hỏi: Phải chăng cô gái ấy có người yêu là lính Hải quân đang làm nhiệm vụ tận ngoài quần đảo Trường Sa và cô đang gửi nỗi nhớ thương của mình về phương trời xa xăm ấy?

Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa nằm cách Cam Ranh trên 459Km, nơi mà ông chưa từng đặt chân tới mà chỉ nghe kể lại rằng nơi ấy điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, chỉ có cây phong ba, cánh chim hải âu làm bạn với những người lính trong sóng cuồng, bão giật… Và từ hình ảnh bất chợt ấy, cảm thông với nỗi niềm của một tình yêu đôi lứa phải tạm xa nhau vì nhiệm vụ, một giai điệu mang hơi hướng dân ca đã chợt lóe lên trong đầu ông:

“Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”

Và với cảm xúc tuôn trào, không lâu sau đó ông hoàn thành bài hát “Gần lắm Trường Sa”, qua giọng hát của ca sĩ Anh Đào, trên sân khấu của đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và sau này của những ca sĩ nổi tiếng khác như Thanh Thúy, Long Nhật, Khánh Hòa… bài hát đã nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Dù lúc ấy chưa đặt chân đến Trường Sa nhưng những gì ông mô tả rất thật, rất gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những người lính đảo:

“Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương.
Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô.
Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật, đảo quê hương!”

Bài hát không chỉ thay lời một người con gái gửi lòng thương nhớ về người yêu là lính thủy mà là cả một hậu phương lớn đang ngày đêm cùng hướng về nơi ấy.

“Anh ơi có nghe lời người từ phố biển, khi ngọn triều dâng cao.
Khi cánh hải âu về, khi nắng sáng mùa, nơi gành trúc san hô.
Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng, như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo, Trường Sa ơi!”

Đến năm 1984, nhạc sĩ Hình Phước Long mới có dịp theo đoàn ra thăm Trường Sa. Những người lính Hải quân đã được tận mắt chứng kiến và nghe chính tác giả hát bài “Gần lắm Trường Sa” cho các anh nghe. Đã gần 30 năm trôi qua kể từ khi bài hát ra đời, nhưng với giai điệu thân thương, quen thuộc, bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long ngày càng đi sâu vào lòng người. Bài hát chẳng những là “bài ruột” của người lính Hải quân mà còn là bài hát được nhiều người trên khắp miền Tổ quốc yêu thích. Và mỗi lần biển Đông “dậy sóng” do các âm mưu đen tối gây ra, thì giai điệu bài hát lại vang xa, càng nhắc nhở chúng ta luôn hướng về nơi ấy- nơi quần đảo xa xôi có những người lính đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến nay nhạc sĩ Hình Phước Long đã sáng tác 15 ca khúc về Trường Sa, nhưng có lẽ bài hát “Gần lắm Trường Sa” ông sáng tác năm 1982 đã góp phần làm cho Trường Sa- không xa, là một bài hát đưa tên tuổi nhạc sĩ sáng tác, lẫn ca sĩ thể hiện sống mãi với thời gian.

Anh Tiến (TP Vĩnh Long)

Gần lắm Trường Sa
Sáng tác: Hình Phước Long
Trình bày: Hoài Thanh

Mỗi cánh thư về từ đảo xa
Anh thường nói rằng: “Trường Sa xa lắm em ơi !”
Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu
Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh đảo trúc san hô
Trường Sa ơi ! Biển đảo quê hương
Vẫn đứng hiên ngang giữa sóng cồn bão dạt, đảo quê hương
Canh giữ đêm ngày giữa biển khơi
Thương nhớ sao vơi người chiến sỹ Trường Sa ơi !

Không xa đâu Trường Sa ơi !
Không xa đâu Trường Sa ơi !
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em

Mong cánh thư về từ đảo xa
Nơi thành phố này Trường Sa vẫn bên em
Anh ơi có nghe lời người từ phố biển
Khi ngọn triều dâng cao, khi cánh hải âu về
Sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc san hô
Trường Sa ơi ! Biển đảo quê hương
Vẫn thấy anh đang giữa sóng cồn giữ đảo, đảo quê hương
Canh giữ đêm ngày giữa biển khơi
Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi !

Không xa đâu Trường Sa ơi !
Không xa đâu Trường Sa ơi !
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em

[footer]

Nha Trang Ngày Về: dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này!?

Sinh ra và lớn lên ở một miền biển gần Nha Trang nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với thành phố này. Từ lúc biết nghêu ngao bản ‘Nha Trang Ngày Về’ của nhạc sỹ Phạm Duy, dường như những lần đến và đi Nha Trang mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc hơn!

 

Xin hân hạnh chia sẻ với bạn yêu nhạc một bài viết khá hay về ‘Nha Trang Ngày Về’ trên trang iloveNgocLan.com. Nhân đây cũng xin nói thêm một chi tiết thú vị là ca sỹ quá cố Ngọc Lan là một đứa con của thành phố biển Nha Trang.

Nguồn: http://ilovengoclan.com/?p=3533

Phi trường Cam Ranh hiện ra hanh hao trong một màu ánh bạc. Tìm lại biển trời Nha Trang, nước mắt tôi buồn vui chợt trào.

Tôi yêu Nha Trang, luôn tìm về Nha Trang mỗi khi có thể, cũng chỉ vì từ lâu, tôi đã quá mê bài hát “Nha Trang ngày về” của NS Phạm Duy – một câu chuyện tình buồn dang dỡ. Thành phố này tự bao giờ, đã ngấm vào máu thịt tôi như là quê hương ruột thịt. Nơi đó, đã ghi dấu một mối tình tan vỡ. Nơi đó, tôi có người bạn “bản xứ” hồn hậu mến khách. Và cũng từ nơi đó, một tiếng hát thần sầu mà tôi luôn mang theo bên mình trong những chuyến đi xa, đã cất tiếng khóc chào đời. Và tiếng hát ấy khi hát về biển thì đã rất buồn rồi, nhưng mà đến khi nghe cô gửi sầu qua “Nha Trang ngày về” thì thấy càng buồn hơn, như cùng cảm nhận với cô về một cuộc tình bất thành gắn liền vùng biển trời Nha Trang với bao nỗi buồn cô quạnh.

“Nha Trang ngày về. “

Chiều qua phố. Con đường Trần Phú nhộn nhịp mừng rỡ gặp lại dấu chân người quen. Cây thông bên phố năm xưa nay đã già. Đằng xa kia, những tảng đá lớn nhỏ đủ hình hài bình thản nằm trên thảm cỏ mượt mà. Phiến đá có hình mái vòm em tựa vai làm dáng vẫn nằm đây yêu kiều. Lúc sáng, trên chuyến bay, giở đến tập ảnh mới thấy đã có nhiều nơi mình đến, mình đi, nhưng sao ảnh của tụi mình chụp chung ít quá, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Mà tấm nào cũng tối tăm như đất. Thế mới lạ chứ. Quán café GMC tiếng nhạc xập xình nhộn nhịp bao nam thanh nữ tú. Phía trước là Hòn Chồng bạc màu nằm chơ vơ giữa thâm sâu bí hiểm. Nhà Thờ Núi vẫn nằm uy nghi giữa lòng phố. Phía bên kia, quán hải sản bình dân đường Ngô Sỹ Liên nườm nượp khách với món gỏi cá mai chấm mắm nêm ngon đến nỗi ăn trừ cơm cũng được nữa là. Góc vỉa hè ngã tư Quang Trung là quán nem nướng thơm phức mà ai đã lỡ ghé một lần rồi thì sẽ ôm mối tương tư. Quán bún sứa Nguyên Chí Thanh nước ngọt sắc mà chổ ngồi chật chội, vừa hít hà vừa phải luôn tay thấm mồ hôi mẹ mồ hồi con nhễ nhại… Còn biết bao con đường nữa, biết bao con đường làm tôi nhớ đến em. Những con đường mình nắm tay một lần cùng nhau rong ruỗi.
“Mình tôi trên bãi kuya”

Biển đêm. Đen. Lạnh. Xa khơi là những chùm ánh sáng đèn màu lung linh của Hòn Ngọc Việt tráng lệ. Một vài vì sao lẻ loi đơn độc lơ lững trên bầu trời. Vẫn duy trì một thói quen riêng tư, tôi miệt mài đi trong biển đêm Nha Trang với chiếc Ipod trong tay, lòng bồi hồi chìm đắm trong bản nhạc phối nhanh dồn dập mở đầu bằng câu hát “Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya…” Tiếng hát chất chứa buồn của Ngọc Lan khiến tôi bất giác nhăn mặt đau đớn vì cả một trời tiếc nhớ hiện về đổ sụp trong tôi. Lần đó, cũng nơi đây, tôi đã kể em nghe về người ca sĩ có tên Ngọc Lan với hình ảnh bất hủ – cầm trên tay chiếc đèn dầu le lói chân bước mông lung “trên bãi đêm khóc người tình”. Và từ sau đêm đó, “Nha Trang ngày về” của Ngọc Lan đã trở thành nhạc chuông điện thoại của riêng hai tụi mình.

Đêm lặng. Đêm qua nhanh như gió lùa qua kẽ tay. Bản nhạc đã nghe đi nghe lại đến không biết bao lần. Nhạc thì buồn. Còn tôi thì cô đơn. Cảm giác như cái gì đó vừa rơi trong bóng tối trái tim tôi. Một tiếng vỡ như thủy tinh. Tôi nghe đau trong tim mình. Đã lâu rồi, tôi không đau như thế này. Cái đau dịu ngọt… . Tôi mãi miết đi trong biển đêm dưới ánh trăng võ vàng, nhặt tìm những mảnh kí ức chắp nối. Tiếng mời chào ân cần của chị bán hàng rong. Tiếng rì rầm của những đôi tình nhân ngồi tâm sự trên bãi khuya. Giờ đây chỉ còn mình tôi tìm về chốn xưa để “xây lại mộng mơ năm nào”

Đừng mộng mơ nữa, tôi ơi! Cũng năm xưa nơi biển này, tôi đã nguyện cùng em tìm về đây xây tổ ấm mai sau. Cật lực làm việc và dành dụm. Một bức tranh tình yêu được phát hoạ với đầy đủ cung bậc sắc màu của bình yên, hạnh phúc và cả chênh vênh… Nào ngờ bức tranh “lầu vàng” ấy giờ đã thành “bãi hoang”… Em hỏi tôi “vì sao lại chọn nơi đây sinh sống, thành phố mình cũng có biển đẹp ngút ngàn đấy thôi?” Tôi cười thầm giữ bí mật đó cho riêng mình “tại vì biển quê mình tuy đẹp thật, nhưng lại không có nổi một bài hát nào hay và một chuyện tình nào buồn đến như vậy” .

Giờ mình đã xa nhau. Trong tôi là vực thẳm toang hoác. Tôi đã cố sống sót. Đã cố chấp nhận “Ân tình trong lúc đôi mươi. Bao giờ cũng vẫn mau phai” dù trái tim chật chội đau đớn, dù đã “cố nuôi tình tôi” bằng trái tim em lạnh lẽo. Trái tim của tuổi đôi mươi…

Bài hát lặp lại lần nữa, như một lời kinh đêm. Kinh nguyện cầu, cho tâm hồn được bình yên, cho tình yêu đã bị sóng vùi chôn theo dấu dã tràng. Ngày mai, xa Nha Trang rồi. Biết có còn gặp lại. Những kỷ niệm ghi dấu, những mộng mơ năm nào đã khắc chạm trong tâm khảm rồi cũng đành xếp lại trả về ngăn kéo của quá khứ thôi.

Nhưng trời biển ơi! Sầu này, liệu dã tràng có lấp nỗi không?

Xêko

[footer]