Lâm Hào: Ông “vua” chế tạo guitar điện

(Trong giới nhạc công của Sài Gòn ngày xưa, nhạc sỹ Khánh Băng được cho là người đầu tiên đem cây ghita điện lên sâu khấu vào thưở nhạc rook-n-roll Âu Mỹ mới xâp nhập vào Việt Nam đầu những năm 1960. Lang thang trên internet, [dongnhacxua.com] may mắn tìm được một bài viết của tác giả Như Hà đăng trên Thể Thao & Văn Hóa ngày 28/01/2012 nói về Lâm Hào, người Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công cây guitar điện mà Khánh Băng và nhiều nhạc công ngày trước đã từng dùng.)

Trước năm 1975 tại Sài Gòn, để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây.

Cây guitar điện (xin gọi nôm na như thế) quan trọng như thế nào với giới chơi nhạc điện tử nói chung và nhạc rock’n’roll nói riêng thì khỏi cần phải bàn nữa, ai cũng biết rồi. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, mà cụ thể đầu thập niên 1960, khi nhạc trẻ (cũng xin gọi nôm na như thế) Tây phương du nhập vào Sài Gòn, nhanh chóng được giới trẻ ở đây tiếp nhận, nhưng để sở hữu được cây guitar điện chính hãng thì rất khó, vì khó nhập hàng và quá đắt đỏ. Chính lúc ấy Lâm Hào xuất hiện, ông gần như đáp ứng 100% nhu cầu của nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp tại đây, vì đàn do ông chế tạo có chất lượng, nhưng giá thành khá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/10, 1/20 giá của đàn nhập. Những đóng góp của Lâm Hào cho việc thịnh hành khái niệm “nhạc trẻ Việt Nam” thật khó phủ nhận, nhưng từ đó đến nay, hơn 50 năm, đây có lẽ là một trong vài bài viết hiếm hoi về ông.

Tay bass Tiến Chỉnh khẳng định thế hệ nhạc công và nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn thập niên 1960, 1970 ai cũng từng sở hữu ít nhất một cây đàn của Lâm Hào, vì đây là nhạc cụ để lập nghiệp. Theo nhạc sĩ Thanh Châu, các đại nhạc hội lớn trước 1975 thường mời ông Lâm Hào sắp đặt âm thanh, mà gần như phần lớn guitar điện trên đó và nhiều nhạc cụ khác như ampli, echo là do chính ông chế tạo. Ông Châu cho biết thêm, sau năm 1975, vì tiếng đàn của Lâm Hào quá hay, độ ngân dài, tiếng chép tinh tế, nên nhiều nhạc sĩ cổ nhạc đã tìm mua đàn cũ về thay cần phím lõm để chơi nhạc vọng cổ, cải lương. Mãi tới thập niên 1990, guitar điện của Lâm Hào mới vắng bóng trên thị trường, vì hết nguồn cung cấp, chứ không phải hết nhu cầu.

“Bối cảnh” của Lâm Hào

Trước năm 1960, có thể nói là chưa có khái niệm nhạc trẻ, dù đã có những thanh niên, thường là giới khá giả, tập họp nhau lại để chơi nhạc cho vui, hoặc để tự chơi cho các party gia đình, vì giai đoạn này, vũ trường đang bị cấm. Sau năm 1960, do sự thắng thế của một loạt các ban nhạc trẻ như The Beatles, The Rolling Stones, The Animals…; và một loạt những phim ca nhạc như Pop Gear, The Young Ones…; và ở Pháp xuất hiện những ban nhạc trẻ, những ca sĩ trẻ như Les Chats Sauvages, Les Chaussettes Noires, Johnny Hallyday, Sylvie Vartan…. Tất cả đều ảnh hưởng đến Sài Gòn, khiến nhiều người bắt chước.

Lâm Hào thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Lâm Hào thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Làn sóng âm nhạc châu Âu thời này, có lẽ lần đầu tiên, đã tác động rất mạnh đến giới trẻ Việt Nam. Trước đây, các nhạc sĩ thường là những người theo nhạc nhà nghề, nhưng giai đoạn này, rất đông thanh thiếu niên, đặc biệt là ở Sài Gòn, gồm những người trẻ đang theo học bậc trung học, thuộc thành phần trung lưu, hoặc con nhà khá giả, đã tự phát lập nên những ban nhạc trẻ. Lúc đầu, chỉ là để vui chơi, nhưng sau đó, một số người trong số họ đã trở thành chuyên nghiệp. Trong số này có những tên tuổi như Elvis Phương, Công Thành, Đức Huy, Tiến Chỉnh, Paolo, Tuấn Ngọc, Billy Shane, Thanh Tùng, Thái Gia, Tùng Giang, Hồng Hải… – đây là giai đoạn trước ngày 1/11/1963.

Nhạc trẻ miền Nam chính thức hoạt động công khai sau ngày đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm (1/11/1963), bởi ngay sau đó, lệnh cấm khiêu vũ và vũ trường bị bãi bỏ. Tướng Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính của chính quyền Sài Gòn lúc đó còn làm chủ tọa một đêm nhạc trẻ quy mô tại khiêu vũ trường Đại Kim Đô vào cuối tháng 11/1963. Đây cũng là đại hội nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn, và Việt Nam. Theo nhạc sĩ Trường Kỳ, thế hệ của Công Thành và ban Les Fanatiques cũng từng tham dự một chương trình đại hội nhạc trẻ quy mô hơn sau đó, được tổ chức tại Trường Taberd vào năm 1965.

Hợp ca Thời Đại gắn bó lâu dài với đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Hợp ca Thời Đại gắn bó lâu dài với đàn Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Chính trong giai đoạn sôi động này, khi mà nhu cầu đàn guitar điện và nhạc cụ điện tử leo thang, trong khi việc nhập khẩu rất hạn chế, lại đắt đỏ, Lâm Hào đã xuất hiện kịp lúc và hiệu quả. Là người Việt gốc Hoa, xuất thân ở Chợ Lớn, người cao to, tính tình dễ thương, sống rất uy tín, có tiệm đàn trên đường Triệu Quang Phục (số 142, theo căn cước của ông). Thời này, gần như 100% nhạc sĩ, nhạc công và ca sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn đều phải đến tiệm của Lâm Hào để đặt đàn guitar điện, làm ampli, echo amplifier… Có những năm cao trào, xưởng của ông phải làm việc ngày đêm mới đủ nhu cầu của giới chơi nhạc trẻ từ Huế trở vào.

Có thể kể một ban nhạc tiền phong của nhạc trẻ Việt Nam là Hợp ca Thời Đại của anh em Dương Quang Định, Dương Quang Minh, Châu Nhi và tay trống Phùng Trọng, họ khá gắn bó với nhạc cụ của Lâm Hào. Những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ (1963-1965) như Văn Trò, Jacques, Đức Huy, Văn Thái, Liêm “râu”, Thúy Ái, Hùng Tàu, Tiến Chỉnh, Nhơn “Bass”, Ngọc Tùng (ban The Black Caps)… cũng thành danh với nhạc cụ Lâm Hào. Sau năm 1965, một số người đã thành nhà nghề, đã đủ tài chính, thì mới bắt đầu mua các nhạc cụ ngoại quốc để sử dụng, lúc này các loại đàn tên tuổi như Hofner, Fender, Gibson, Gretsch… mới hiện diện phổ biến hơn.

Theo nhạc sĩ Trần Thạnh, trước 1975 tại Sài Gòn, chỉ có 3 loại guitar điện nổi tiếng về chất lượng âm thanh, đầu tiên là đàn của Mỹ, thứ đến là đàn Lâm Hào và sau cùng là đàn của Nhật. Lớp của Lý Được, Đạt “Da Vàng”, Linh “xù”… (thế hệ thứ ba, thứ tư của rock’n’roll Việt Nam) cũng không xa lạ với guitar Lâm Hào. Với một thời gian dài cầm đàn, nhạc sĩ Bảo Thạch nói rằng tiếng của cây đàn Lâm Hào có một “hương vị” rất riêng, nghe rất hấp lực, khó diễn tả cụ thể, ai từng chơi đều sẽ cảm được.

Tác giả Hữu Nghị từng viết trên Tuổi trẻ (14/10/2007) như sau: “Trong âm nhạc, ngay từ đầu thập niên 1960, làn sóng rock‘n’roll (với đại diện là ElvisPresley) và “sự xâm lược của làng nhạc Anh” (đại diện là The Beatles), với thành phần gồm ba guitar điện cộng dàn trống, vừa đàn vừa hát đã “đảo chính” phong cách biểu diễn cũ gồm dàn nhạc kèn trống đệm cho một ca sĩ hát, tạo thành một làn sóng trên khắp thế giới, sang đến cả Sài Gòn. Những năm đầu đó tậu được guitar điện hiệu Đức Thắng, ampli đàn hiệu Lâm Hào đã là ghê gớm rồi…”.

Một số nhạc sĩ và ban nhạc đang chơi nhạc cụ Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Một số nhạc sĩ và ban nhạc đang chơi nhạc cụ Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Lâm Hào với guitar Fender

Cũng giống như Leo Fender (1909-1991), nhà phát minh và chế tạo guitar điện vĩ đại người Mỹ – nhãn hiệu Fender, Lâm Hào gần như không biết chơi đàn, cả hai vì yêu thích chế tạo nhạc cụ mà làm nên thành tích.

Cây đàn Fender Stratocaster hoàn chỉnh thiết kế và chào hàng năm 1954 tại Mỹ, đến Sài Gòn vào khoảng 1957-1958, tuy đây là mẫu mã ảnh hưởng đến chế tác của Lâm Hào nhiều nhất, nhưng không phải đầu tiên. “Thủy tổ” của đàn Lâm Hào bắt nguồn cảm hứng từ cây Fender Telecaster, ra đời khoảng 1950 tại Mỹ, theo chân các ban nhạc người Philippines và nghệ sĩ người Pháp đến Sài Gòn trước năm 1954. Theo lời kể của vài nhạc công cùng thời, ở tuổi đôi mươi, Lâm Hào là một thợ điện tự học về điện tử, ông đã bỏ tiền ra mua Fender Telecaster (với giá tương đương một năm lương viên chức) về giải phẫu để nghiên cứu nguyên lý và cấu tạo từng chi tiết. Rất nhanh chóng, chỉ chừng một năm sau là ông đã chế tạo thành công cây guitar điện đầu tiên, mà nền tảng kỹ thuật và âm thanh của nó là cây Fender Telecaster; tất cả thân và cần đàn của Lâm Hào đều do nghệ nhân mộc tên Tiếp (quận 4) đóng. Nhạc sĩ Trần Thạnh nói rằng cây đàn Lâm Hào tuy là bản sao, nhưng là bản sao có sáng tạo riêng, với nhiều cải tiến, ví dụ như cần đàn ngắn hơn, phím và dây vừa vặn với thể trạng người Việt. Quan trọng nhất là âm thanh có những nét đặc thù, dù chuẩn mực và yêu cầu chung thì vẫn đạt được; đứng trên sân khấu, tiếng đàn của Lâm Hào là một chín một mười với Fender, ăn đứt đàn Nhật và một vài nước khác.

Sau này, khi hàng trăm cây đàn của Lâm Hào đã ra thị trường, thì giới am hiểu nhạc cụ thấy nó là sự pha trộn của Telecaster, Stratocaster, Fender Mustang và những đặc trưng âm thanh riêng, chẳng có ở nhãn hiệu nào. Cũng có vài thông tin chưa xác định được nguồn cho rằng Lâm Hào đã được Mỹ cấp mấy bằng sáng chế và có vài cải tiến, phát kiến của ông đã được Hãng Fender mua để ứng dụng (?).

Có một giai thoại kể rằng, ngay sau khi sang Mỹ định cư, Lâm Hào đã tìm đến Hãng đàn Fender để xin việc, họ chẳng biết kiểm tra tay nghề của ông thế nào, đành để ông làm thử một cây đàn tại chỗ xem sao. Sau khi ông làm xong tại xưởng, với niềm khâm phục, họ đã nhận ông vào làm việc ở bộ phận sản xuất đàn bằng tay và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, ông gắn bó suốt phần đời còn lại với hãng này, gần như không có chế độ nghỉ hưu. Giai thoại đóng đàn xin việc thế nào người viết chưa xác minh được, nhưng việc Lâm Hào làm trong Hãng Fender thì khá chắc chắn, vì có vài bạn bè và người trong gia đình biết.

Ban nhạc Dew Drop với hai nhạc sĩ rock gần như đầu tiên của Việt Nam là Khánh Băng (guitar, trái) và Phùng Trọng (trống) chẳng xa lạ với đàn của Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Ban nhạc Dew Drop với hai nhạc sĩ rock gần như đầu tiên của Việt Nam là Khánh Băng (guitar, trái) và Phùng Trọng (trống) chẳng xa lạ với đàn của Lâm Hào. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Lâm Hào hiện thế nào?

4-5 năm nay gia đình không liên lạc được, vì ông đổi số điện thoại. Chỉ biết ông đang sống với vợ kế ở San Jose, vốn là một ca sĩ của đoàn Bông Sen, vẫn còn khỏe mạnh, 1-2 năm trước có về TP.HCM chơi. Vợ lớn của ông tên Hà Ái Cầu, có với ông một gái (tên Lâm Mẫn Huệ, sinh ngày 3/11/1956) và hai trai, họ đang sống ở Los Angeles.

Theo một nhà báo viết mảng âm nhạc tại California, có tin Lâm Hào đã qua đời cách đây vài tháng, nên email và điện thoại đã khóa, nhưng lướt tìm quanh các mạng thông tin thì chẳng có nơi nào đăng tải. 4-5 nhạc sĩ ở Mỹ từng quen Lâm Hào thì phản đối tin này, có người nói ông vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng vẫn lui tới Hãng Fender để làm vài việc thủ công.

Theo bút tích của Hoàng Hựu Tân đề tặng phía sau các bức ảnh chụp từ năm 1962, thì Lâm Hào còn có tên hiệu là Lâm Nãi Hào. Theo bản sao thẻ căn cước cấp lần hai ngày 17/9/1970 thì Lâm Hào có tên Lâm Lục Đê, sinh năm 1933 tại Chợ Lớn, cha tên Lâm Kinh, mẹ tên Tô Mai. Lúc làm căn cước, ông cao 181cm, nặng 61kg. Nếu Lâm Hào còn sống, nay ông đã bước qua 80 tuổi, theo âm lịch.

Cũng xin kể thêm, ca sĩ Michel Polnareff (sinh 1944) người Pháp, sau khi nổi danh với ca khúc L’Amour Avec Toi(và ca khúc tiếng Anh tương tự: Love Me, Please Love Me)…  vào năm 1966 trên truyền hình Pháp đã được mời sang Sài Gòn lưu diễn. Khi lên sân khấu chơi, bị quyến rũ bởi phong thái và tiếng đàn của guitar điện Lâm Hào, ông đã đặt mua 5 cây đem về Pháp chơi và làm sưu tập, nên có lẽ tư gia của ca sĩ này là địa chỉ hiếm hoi để hiện nay ta có thể chiêm ngưỡng đàn Lâm Hào. Nói ra điều này, vì sau khi hỏi rất nhiều nhạc công/sĩ từng chơi đàn Lâm Hào, ngay cả người thích sưu tập đàn, cũng chẳng ai còn giữ một cây, họ chỉ toàn lưu giữ đàn hiệu quốc tế.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

[footer]

Chiều nay gió đông về (Khánh Băng – Hà Đình Nguyên)

(Trong một bài viết trước về bản “Sầu đông” của nhạc sỹ Khánh Băng, [dongnhacxua.com]  có trích đăng bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên viết cho báo Thanh Niên đầu năm 2005 nhân sự ra đi của nhà nhạc sỹ. Trước đó 3 năm, anh Hà Đình Nguyên cũng đã có một buổi trò chuyện với nhạc sỹ Khánh Băng, khi đó đã 67 tuổi. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn trẻ yêu nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại bài viết này.)

Ban kích động nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban kích động nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe

CHIỀU NAY GIÓ ĐÔNG VỀ
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên năm 2002)

Trước mặt tôi là một ông già 67 tuổi. Dù chưa bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975. Giờ đây ông quẩn quanh trong nhà, với nỗi niềm “lực bất tòng tâm” như lời một bài hát của chính ông – nhạc sĩ khánh Băng: “Chiều nay gió đông về…”.

Sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu), ngay từ thời còn học tiểu học cậu bé Phạm Văn Minh đã khiến cho bạn bè “lác mắt” bởi ngón đàn mandolin. Cậu cũng luôn là người “đầu têu”, dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường. Cậu học trò Minh cũng bắt đầu sáng tác nhạc trong thời gian này. Bản nhạc nào tâm đắc, cậu gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Ðức Thu (anh ruột của người bạn thân tên Võ Ðức Thảo). Nhạc sĩ Thu xem, sửa chữa những chỗ sai sót bằng bút đỏ rồi gởi trả về Vũng Tàu như một kiểu học hàm thụ – nhờ thế mà khả năng, kiến thức về nhạc lý, sáng tác của Khánh Băng được củng cố và tiến bộ rất nhiều.

* Ðó là thời thơ ấu. Thực ra ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào ?

Tôi có được chút tiếng tâm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở Trường Huỳnh Khương Ninh – Ða kao (năm 1949). Ở khu vực Tân Ðịnh này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để chỉ… đi phục vụ đám cưới miễn phí. Vậy mà vui lắm! Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954 tôi thi đậu vào… làm nhạc công trong Ðài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông này cho tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của ông và giới thiệu tôi vào đàn ở Ðài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó…

* Với cây đàn mandolin ?

– Mới đầu là vậy nhưng một thời gian sau tôi thấy cây đàn mandolin khó có chỗ để dụng vô, tôi bèn quay sang cây đàn guitar. Tự học. Phải mất hơn 2 năm khổ luyện. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng cây guitar điện trên sân khấu.

* Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản nhạc nào?

Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì… quá ít, 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn… mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15.3.1955 Ðài phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh (1956). Bài hát này được Hội S.C.A.C.E.A.M (Hội Tác quyền quốc tế) có trụ sở tại Paris mời gia nhập hội với lời Pháp do nữ văn sĩ Francoise Sagan viết cộng với bài Sầu đông do tôi tự viết lời Pháp, tựa là Johnny Mon amour (1967).

* Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?

Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả! Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động (như nhạc trẻ bây giờ). Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể hóa này, như Lê Yên (Ngựa phi đường xa), Y Vân (Sài Gòn đẹp lắm)… Tuy nhiên những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi… do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu liên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như: Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài khá phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.

* Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng nổi tiếng trước đây không lẽ chỉ có… hai người?

Ồ không, đông chứ! Nhưng chỉ lấy tên hai người trụ cột là Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống). Ngoài ra còn có Nguyễn Thành (saxo ténor), Sầm Sơn (guitar bass), Thu Phước (trompette). Ban nhạc được thành lập đầu thập niên 60. Ðây cũng là ban nhạc đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Năm 1966 ban nhạc được HCV do khán giả bình chọn là Ban nhạc chơi hay nhất trong cuộc thi do Hội Ký giả Sài Gòn tổ chức. Anh Phùng Trọng hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh.

* Quả là một thời lừng lẫy. Chắc chuyện tình cảm của ông thời đó cũng… lẫy lững không kém. Ông có thể tiết lộ chút ít về cô Khanh và cô Băng mà ông đã “mượn” tên ?

Lẫy lừng gì, rối rắm thì có. Không phải là mình tham lam gì, chỉ vì… cầm lòng không đậu (cười). Còn hai cô Khanh và Băng, chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn… tí xíu! Cô Băng giờ cũng đang… dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà “mùa đông” đã về với chúng tôi rồi.

Chiều nay gió đông về. Dừng chân trên bến xưa…

Hà Đình Nguyên

[footer]

Khánh Băng (1935-2005): Mùa đông đã về

Nhớ về nhạc sỹ Khánh Băng, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ đền nhạc phẩm “Sầu đông” bất hủ. Nhạc sỹ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh. Ông sinh năm 1935 tại Vũng Tàu và mất ngày 09/02/2005, nhằm ngày mùng một Tết Ất Dậu tại Sài Gòn. Nghệ danh Khánh Băng là ghép từ tên hai cô bạn từ thời tiểu học, một người tên Khanh, một người tên Băng và ông thêm dấu sắc vào thành Khánh Băng. Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở lạnh, [dongnhacxua.com] xin được thắp một nén hương sưởi ấm linh hồn ông “nơi cuối trời” (lời trong bản “Sầu đông”).

sau-dong--0--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ảnh bìa: amnhac.fm
sau-dong--1--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
sau-dong--2--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ban nhạc Thời Đại với Khánh Băng và Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe

NHẠC SỸ KHÁNH BĂNG: “VỀ NƠI CUỐI TRỜI … NHỚ”
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)

Trở về với công việc thường nhật sau những ngày nghỉ Tết, gặp nhau ở căn-tin Hội Âm nhạc TP.HCM, câu đầu tiên mà anh em văn nghệ hỏi nhau là: “Biết tin gì chưa ? Nhạc sĩ Khánh Băng đi rồi !”. “Khi nào ?”. “Ngay hôm mùng 1 Tết”. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết gọi điện thoại báo tin… Chợt thấy lạnh cả hồn, ngày đầu xuân mà tự nhiên thấy xốn xang tê tái muốn bật lên câu hát: “Chiều nay gió đông về… Đành thôi nhớ mong, gởi cho gió đông, tình yêu giá băng vào nơi cuối trời… nhớ” (ca khúc Sầu đông của nhạc sĩ Khánh Băng) 

Tôi đến thắp nhang cho ông tại nhà riêng ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhìn di ảnh cố nhạc sĩ trên bàn thờ mà chạnh nhớ ngày đầu tiên gặp ông cách đây hơn 3 năm. Dạo đó, sau rất nhiều lần dò hỏi tôi mới có được địa chỉ chính xác của ông, và… trước mắt tôi là người nhạc sĩ nổi tiếng một thời nay đã là một lão ông 67 tuổi, mái tóc bạc trắng còn đôi mắt thì hầu như đã mù hẳn. Tuy thế, giọng nói của ông vẫn sang sảng và trí nhớ rất minh mẫn. Chẳng thế mà khi tôi hỏi về ca khúc sáng tác đầu tay, ông trả lời: “Tôi không bao giờ quên được vào ngày thứ ba 15/3/1953, lần đầu tiên Đài Phát thanh Sài Gòn phát bài hát của tôi, đó là bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca”. Khi chia tay, tôi ngỏ ý xin ông một tấm ảnh thời còn trai trẻ và bản nhạc Sầu đông (gốc) để đăng báo, ông cười xin lỗi bảo là do đổi chỗ ở nhiều lần nên cả hình lẫn nhạc đều chẳng còn. Thế nhưng trưa hôm đó, dù trời nắng như đổ lửa ông vẫn đi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi và trao bản nhạc mà ông vừa mượn lại của nhạc sĩ Tiến Luân. May sao, bìa sau của bản nhạc này có in hình đủ 4 người trong ban nhạc Thời Đại (Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh) và tôi đã sử dụng tấm hình này trong bài viết. Đến bây giờ, hình ảnh một ông lão mù lòa đi xe ôm giữa một buổi trưa hực nắng vẫn còn xốn xang trong lòng tôi…

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu). Nghệ danh Khánh Băng là tên của 2 cô bé bạn học từ bậc… tiểu học ghép lại (một người tên Khanh còn người kia tên Băng, cậu học trò Minh thêm vào một cái dấu sắc và mang tên này suốt đời). Được nhạc sĩ Võ Đức Thu hướng dẫn và nâng đỡ, Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với cây đàn mandoline và thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn (1954), sau đó ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài biểu diễn, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Đôi ngả chia ly, Nếu có nhớ đến… riêng bản Sầu đông ông còn đặt cả lời Pháp với tựa đề Johnny Mon Amour. Khoảng thời gian trước khi bị mù (từ 1991-1996), ông sáng tác được chừng 100 ca khúc, trong đó có những bài khá phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách Nam Bộ.

Người nhà của cố nhạc sĩ kể lại: sáng mùng 1 Tết ông còn nói cười vui vẻ, ăn bánh mứt và nhận lời chúc Tết của con cháu. Đến trưa ông kêu mệt, đi nằm và rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Ngày Tết, hầu hết các cơ quan đều không làm việc nên việc thông tin về sự ra đi của ông có phần trở ngại. Đưa ông về an táng tại quê nhà Vũng Tàu (vào ngày mùng 4 Tết) cũng chỉ có gia đình và một vài văn nghệ sĩ thân thiết đã từng gắn bó với ông từ ngày xưa…

Hà Đình Nguyên