Tinh hoa đất Bắc giữa miền Nam sau 1954

Sau cuộc đại di cư 1954, rất nhiều tinh hoa văn hóa của miền Bắc như bắt gặp được môi trường cởi mở, hiền hòa của miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng nên đã phát triển mạnh mẽ và hòa lẫn vào nền văn hóa chung của dân tộc. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Phạm Công Luận đăng trên Thanh Niên để người yêu nhạc hiểu thêm về đời sống tinh thần của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông.

Sài Gòn hồi mới vào

(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Công Luận đăng trên thannien.vn ngày 2017-01-25)

Những ngày giáp tết giữa thập niên 1950, người dân khu Hòa Hưng bắt gặp những cụ đồ già người bắc vừa di cư vào nam ngồi trên vỉa hè đường Chason (Phạm Hồng Thái) gần chợ Hòa Hưng. Họ bày bán những liễn đối chữ Hán viết sẵn trên giấy điều.

Thuyền Viễn Xứ (Phạm Duy – Huyền Chi)

Theo quan điểm của Dòng Nhạc Xưa, “Thuyền viễn xứ” mà nhạc sỹ Phạm Duy viết theo ý thơ của Huyền Chi là một trong những nhạc phẩm tiên biểu nhất cho sự ngăn cách hai miền Bắc – Nam sau hiệp định Geneve 1954. Chúng tôi xin gởi bài viết này để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin thú vị xung quanh bản nhạc bất hủ này.

 

Thuyền viễn xứ (Phạm Duy – Huyền Chi). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

Huyền Chi – tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền viễn xứ

(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Công Luận đăng trên tuoitre.vn ngày 2017-01-08)

TTO – Trong một tập sách in những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, ông có đưa vào một câu dưới bài Thuyền viễn xứ: “Huyền Chi, cô ở đâu?”. Đó cũng là câu hỏi của tôi khi nghe lại ca khúc đầy ắp cảm xúc này.

Huyền Chi và chồng – Ảnh: tư liệu gia đình

Xuân Tiên: Một Đời Âm Nhạc

Trong số những nhạc sỹ thuộc lớp đầu tiên của tân nhạc Việt Nam còn sống, chúng ta không thể không nhắc đến một tên tuổi gạo cội: nhạc sỹ Xuân Tiên. Ông sinh năm 1921, tức là đến năm 2016 này đã gần “bách niên”. Được biết hiện ông đang sinh sống cùng gia đình bên Úc Châu, [dongnhacxua.com] nhân dịp này chúc ông nhiều sức khỏe, giữ tinh thần minh mẫn và vui hưởng tuổi già cùng con cháu. Để thế hệ trẻ như chúng tôi có dịp mở mang kiến thức về nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài phỏng vấn của báo Saigon Times với nhạc sĩ Xuân Tiên vào năm 2007 nhân dịp ông kỷ niệm 65 hoạt động âm nhạc.

Nhạc sỹ Xuân Tiên. Ảnh: SBS.com.au
Nhạc sỹ Xuân Tiên. Ảnh: SBS.com.au

Đôi điều về “Nỗi Lòng Người Đi”

02/11/2014: [dongnhacxua.com] xin được phép cập nhật ý kiến của một người yêu nhạc xưa ở địa chỉ kant…@gmail.com gởi cho chúng tôi xung quanh bản “Nỗi lòng người đi” (xem bên dưới)

04/10/2014: [dongnhacxua.com] cũng như hầu hết người yêu nhạc xưa đều nghĩa rằng ca khúc bất hủ “Nỗi lòng người đi” là sáng tác đầu tay được phổ biến của nhạc sỹ lão thành Anh Bắng. Thế nhưng gần đây chúng tôi nhận được một luồng ý kiến trái chiều về tác giả thật của bản nhạc này. Để rộng đường dư luận, [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết đầu tiên của nhạc sỹ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha và bài sau là phản biện về bài viết trước. Chúng tôi xin đứng trung lập trong cuộc tranh luận này, chỉ lược bỏ vài chi tiết rất nhỏ mang yếu tố chính trị và mong nhiều ý kiến đóng góp chân thành từ bạn yêu nhạc!

Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net
Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net

noi-long-nguoi-di--1--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--2--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--3--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

GẶP TÁC GIẢ THẬT CA KHÚC “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
(Nguồn: bài viết của Nguyễn Thụy Kha đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 804)

Một buổi sáng cuối thu Hà Nội, có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi – Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân.

Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông đã từng là nghệ sĩ đàn cello ngồi ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ những năm mới thành lập. Các anh em của ông là Khúc Phác và Khúc Ka Hoàng cũng đều là dân nhạc nổi tiếng từ lâu. Ông Chân họ Khúc, đích thị là con cháu Khúc Thừa Dụ ở Ninh Giang – Hải Dương rồi. Ông nói rằng ông có bài thơ về tổ tiên được khắc trên bia đá tại đền thờ họ Khúc ở quê. Dần dà, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Nỗi lòng người đi mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là Tôi xa Hà Nội.
 
Khúc Ngọc Chân sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch – Hà Nội. Ở Hà Nội, khi ông Chân vào thanh xuân cũng là khi cuộc chiến đấu chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường. Để thoát khỏi cảnh cưỡng ép này, gia đình đã nhờ người thân xin cho ông vào làm nghề sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Làm ở đây, vừa không bị bắt đi lính, lại chỉ phải làm có nửa ngày, nửa ngày tự do có thể làm gì tùy thích. Vốn yêu âm nhạc, ông Chân tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây. Lúc ấy, cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn cũng đều đến học thầy Chấn nổi tiếng. Qua học thầy mà ông Chân quen với một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém ông hai tuổi. Rồi tình yêu nhen lửa. Họ đã có những ngày đầu yêu thương thật thơ mộng bên bờ Hồ Gươm. Không thể quên những chiều ngồi bên bờ hồ té nước đùa vui với nhau.
 
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève. Ông Chân phải theo gia đình về quê. Nỗi nhớ nhung người yêu khiến cho ông cảm xúc bâng khuâng.
Khi trở về Hà Nội, ông Chân mới biết gia đình người yêu đã xuống Hải Phòng, ở khách sạn Cầu Đất chờ di cư vào Nam. Ông tìm xuống Hải Phòng để sống cùng người yêu, chờ tiễn nàng xuống tàu. Những ngày đó, với cây guitar luôn mang theo bên mình, Khúc Ngọc Chân viết Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng, viết lại những gì đã bâng khuâng trong suốt những ngày tháng qua, những ngày tháng xa Hà Nội:
 
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói bay theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai bên hồ
Khua nước chơi như ngày xưa
 
Chàng tròn 18 tuổi. Nàng tròn 16 tuổi. Khi ấy, tuổi ấy yêu đương là bình thường. Nếu nỗi nhớ thương người yêu ngày đó đã khiến cho Hoàng Dương viết ra Hướng về Hà Nội nổi tiếng, thì Khúc Ngọc Chân cũng viết Tôi xa Hà Nội nổi tiếng không kém. Chàng lại tiếp tục dào dạt trở lại cái cảm xúc ấy, cái giai điệu ấy nhịp 3/8 hát chậm và tình cảm (Lento – Espressivo):
 
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Thuở ấy tôi mang cây đàn
Quen sống ca vui bên nàng
Nàng khóc tơ duyên lìa xa…
 
Không biết trong những ngày ngắn ngủi bên nhau ở Hải Phòng, nàng đã khóc bên chàng bao lần. Chỉ biết rằng họ vẫn an ủi nhau, nàng cứ vào trước, chàng hứa hẹn rằng sẽ vào sau, sẽ tìm nàng ở Sài Gòn. Nàng hãy gắng chờ đợi giữa đô hội phồn hoa:
 
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
 
Ông Chân kể rằng khi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm. Đến khi ông viết Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời cũng là tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ thần Tự do. Ông viết trong một thầm ước mong manh cho ngày gặp lại không biết đến khi nào. Viết vì thương nàng cô đơn giữa Sài Gòn hoa lệ:
 
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi
 
Ca khúc được viết xong, Khúc Ngọc Chân đã tập cho nàng hát thuộc lòng, hát đi hát lại đến chan chứa cảm xúc. Khi ấy đã là cuối tháng 11.1954.
Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Và rồi con tàu đã rời xa đất liền, trôi mãi vào biển cả mênh mang, mang theo nàng và mối tình đầu day dứt cùng giai điệu đượm buồn kia. Còn chàng thì quay về, rồi trở lại Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ nàng thì cứ thắp sáng trong những đêm trường cô đơn. Nỗi nhớ buộc chàng phải thốt lên thành thơ, khi nhớ lại cảnh tiễn đưa nàng:
 
Đưa tiễn em đi mưa bụi bay
Tâm tư dằng xé lệ dâng đầy
Em đi gói ghém niềm chua chát
Anh ở ôm ghì nỗi đắng cay
Chiến họa trường kỳ đến thảm khốc
Tình đau vô hạn khó phôi pha
Một thời bức xúc triệu đôi lứa
Vật đổi sao dời nhớ khó khuây.
 
Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. Ca khúc đã có một số phận khác khi được nhạc sĩ nhận thức và tìm cách xử lý. Còn ở Hà Nội, Khúc Ngọc Chân đâu ngờ gia đình ông bao đời không chịu làm cho Tây đã không theo dòng người di cư mà ở lại Hà Nội vừa giải phóng. Vậy là lời hứa với nàng đành lỡ dở theo thời gian.
 
Ở lại Hà Nội, năm 1956, ông Chân vào học đàn cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp thì về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngày thống nhất đất nước, khi Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, ông Chân đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo năm 1969, khi mới vào tuổi “tam thập nhi lập”. Theo người thân của người yêu, ông đã tìm đến mộ nàng và thắp hương, thầm khóc cho cuộc tình chia phôi bất hạnh. Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng, được ông sửa thành nhịp 4/4 theo điệu Slow và phổ biến “quá trời” tại Sài Gòn. Ông Chân nói rằng đó là điều may mắn. Khi ấy, nếu ca khúc lan ra mà lại ghi tên ông là tác giả, chắc ông khó mà ngồi yên ở Dàn nhạc Giao hưởng cho đến khi về hưu. Nhưng vì ca khúc ghi là của tác giả Anh Bằng, nên những ca từ rất thực của ông diễn tả nỗi phấp phỏng trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm lại trở thành một vệt đen mang đậm nỗi ấm ức của bao người di cư ở bên kia chiến tuyến. Lại nữa, vì Anh Bằng đổi tên ca khúc thành Nỗi lòng người đi nên vệt đen kia hóa thành có thực khi đất nước bị chia cắt. Cũng chính vì thế mà cho đến nay Nỗi lòng người đi (vốn là Tôi xa Hà Nội) vẫn chưa được cho phép hát lại.
 
Tìm hiểu về nhạc sĩ Anh Bằng qua nhiều luồng thông tin, qua trang mạng Google thì thấy rằng điều ông Chân thổ lộ rất có cơ sở. Nhạc sĩ Anh Bằng tên khai sinh là Trần An Bường. Ông sinh năm 1925 tại thị trấn Bỉm Sơn thuộc Ninh Bình. Ông học trung học tại Hà Nội trước khi di cư vào Nam. Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston.
 
Ngày ấy, khi vào Sài Gòn, theo thiển nghĩ của tôi, Anh Bằng chưa được biết đến như Chung Quân, Cung Tiến. Nghe được ca khúc Tôi xa Hà Nội do một thiếu nữ làm ở quán bar hát những khi chia sẻ mà lại không biết xuất xứ. Với khả năng âm nhạc của mình, Anh Bằng đã thuộc được giai điệu này. Ông thấy rất hợp tâm trạng của ít nhất là những thanh niên vừa phải xa Hà Nội di cư vào Sài Gòn. Vậy là cuộc sử dụng một giai điệu mang tâm trạng của thanh niên xa Hà Nội, nhưng để hợp thời thế, Anh Bằng đã chuyển nhịp 3/8 gốc của ca khúc Tôi xa Hà Nội thành nhịp 4/4 dùng tiết điệu Slow. Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này. Trong ca từ, Anh Bằng có sửa vài chỗ. Chỗ thì cho lãng mạn hơn theo ý của ông. Đấy là câu “Khua nước chơi như ngày xưa” thành “Khua nước trong như ngày xưa”. Hồ Gươm đã được gọi là Hồ Lục Thủy, tức là hồ nước xanh tự ngàn xưa, nên chữ “trong” không đúng với hiện thực mà là tưởng tượng ra thôi. Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết: “Mộng với tay cao hơn trời – Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “tôi hái hoa tiên cho đời” thì đúng là ca ngợi cuộc sống Sài Gòn lúc đó, để cho người miền Nam thấy đang hưởng một cuộc sống “phồn hoa” tuy “giả tạo”. Cuối cùng, Anh Bằng đã đổi tên ca khúc Tôi xa Hà Nội thành Nỗi lòng người đi, rất phù hợp với tâm trạng những người xa Hà Nội khi ấy ở Sài Gòn. Và nhờ Nỗi lòng người đi, Anh Bằng đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “Lê – Minh – Bằng” tức là trung tâm do 3 nhạc sĩ: Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng khởi xướng, chuyên làm đĩa nhạc và dạy âm nhạc ở Sài Gòn từ 1966 đến 1975.
 
Ông Chân kể lại câu chuyện này với tôi không hề có ý đòi hỏi gì về bản quyền và tranh chấp với Anh Bằng. Ông chỉ muốn kể ra một sự thực của một ca khúc do ông viết ra. Sau ngày thống nhất, sau khi đã đến thắp hương cho bà Hằng, và xót xa cảnh ngộ của bà khi vào Sài Gòn phải làm “gái bar”, rồi phải giữ mình để mất đi cô đơn trong bạo bệnh, cũng phải sau 20 năm nữa, không quên được mối tình đầu đẹp đẽ và lãng mạn, ông Chân lại viết ra những vần thơ thương nhớ người yêu, cũng như sau Tôi xa Hà Nội, ông còn viết Biển và em, Thu Hà Nội vẫn với “air nhạc” như Tôi xa Hà Nội để nhớ bà. Ông đã rơm rớm khi đọc bài tưởng nhớ bà mang tên “Tình thoảng gió”:
 
Tình thoảng gió như tình đời trong bụi
Đời mà nhơ thì bụi vẫn còn nhơ
Ai yêu đương thoang thoảng vào giấc mơ
Còn giữ lại trong đời khi thoảng gió
 
Chỉ giây phút rồi liền sau đó
Tình bay đi và gió cũng bay đi
Bao nâng niu âu yếm hỏi làm gì
Người còn đó để tình bay theo gió
 
Có những phút nhìn đời không màu đỏ
Bởi thiên tình mà ai có biết không
Lụi tàn ngọn lửa đêm đông
Ngẫm tình thoảng giá nhìn không thấy đời
 
Sống chơi vơi mà chết cũng chơi vơi
Tuổi xuân ngày ấy buồn ơi là buồn
 
Có lẽ nước mắt trong bài thơ này cũng đủ để nói hết nỗi lòng của chàng và nàng chia ly thuở đó. Bà Nguyễn Thu Hằng thì đã ra đi ôm theo mối tình đầu trong tâm trạng cô đơn. Ông Chân vì không có bà Hằng cũng đành phải lập gia đình khác, nhưng đâu có hạnh phúc trọn vẹn. Người vợ đầu của ông bây giờ đã cùng cô con gái sang Phần Lan. Năm 1974, ông Chân mới “đi bước nữa” cùng một bác sĩ là giáo sư Đại học Y khoa. Bà tuy không làm nghệ thuật nhưng rất yêu nghệ thuật. Nghe câu chuyện mối tình đầu của ông Chân, bà đồng ý để ông Chân kể ra câu chuyện sáng tác ca khúc Tôi xa Hà Nội với cuộc đời. Người thay ông Chân nhận làm tác giả ca khúc và đổi tên là Nỗi lòng người đi, là nhạc sĩ Anh Bằng thì đã nhờ những giai điệu này mà nổi tiếng, có cuộc sống tốt từ đó đến nay. Việc nhận thay vô thức này đã tặng cho ông Chân một cuộc sống bình an trên đất Bắc từ 1954 đến nay. Cũng chả cần gì phải nói thêm về sự chia sẻ, tranh chấp hồ đồ. Chỉ có một điều muôn thuở là “cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar”. Bài viết này tuy đã muộn nhưng vẫn còn chưa muộn vì nhạc sĩ Anh Bằng vẫn còn có thể có một lời nào đó với nhân gian về câu chuyện này. Và hơn nữa, vì lý do cấp phép ca khúc được lưu hành sẽ lĩnh hội và cho phép Tôi xa Hà Nội của Khúc Ngọc Chân được lưu hành như một ca khúc hay về Hà Nội thời kỳ đó.
 
Nguyễn Thụy Kha (KTNN số 804)

 

CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT VỀ “NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI”
(Nguồn: bài viết của Cao Minh Hưng đăng trên caulacbotinhnghesi.net)

Nhạc sỹ Anh Bằng. Ảnh: sbtn.tv

Từ khi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ được thành lập, chúng tôi (Ngọc Bích và tôi) có may mắn được gặp gỡ thường xuyên với Nhạc sĩ Anh Bằng vì ngoài vai trò là người đồng sáng lập, ông là một trong các vị Cố vấn luôn quan tâm và góp ý kiến cho chúng tôi, từ những việc nhỏ như vấn đề may áo đồng phục cho Ban Hợp Ca, đến những việc khác như khuyến khích các ca nhạc sĩ trong nhóm tiếp tục sáng tác những bản nhạc đấu tranh cho dân chủ quê hương đất nước, v.v. Chúng tôi rất cảm phục trước tấm lòng nhiệt tình đấu tranh không mệt mỏi cho quê hương đất nước sớm có ngày được tự do, dân chủ dù với tuổi đời đã cao và sức khoẻ không được tốt của ông.

Gần đây, khi trên các trang mạng tung ra bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha với ý đồ vu khống và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng qua bài viết “Tôi Xa Hà Nội” mà ông Nguyễn Thụy Kha cho biết viết theo lời kể của “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân”. Đọc qua bài viết này của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi nghĩ đa số mọi người đều thấy ngay nhiều điểm kịch tính, gán ghép, mâu thuẫn trong bài viết với mục đích là cố tình bôi xấu và hạ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng.

Chúng tôi đã liên lạc với Nhạc sĩ Anh Bằng vì e rằng bài viết vu khống có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui khi được biết rằng tinh thần của ông vẫn cao và không hề nao núng trước sự đánh phá, xuyên tạc qua bài viết này. Ông cho biết cá nhân ông không muốn trả lời cho những người tự cho là mình là những người văn nghệ sĩ, nhưng thật ra họ đã mất đi nhân tính khi cố tình viết lên những điều trái với sự thật như vậy.

Mặc dầu Nhạc sĩ Anh Bằng không muốn lên tiếng về việc này, nhưng qua những điều tìm hiểu được sau khi đọc bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về một vài chi tiết ngoài những điều mà chúng ta đã đọc của nhiều tác giả viết những bài phản bác lại bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha trong những ngày vừa qua.

Điểm đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là chi tiết khi ông Nguyễn Thụy Kha viết rằng ông Khúc Ngọc Chân và người yêu “đã cùng xuống một con thuyền con ở bến Bính để đi ra tàu đậu ngoài của biển”. Chỉ một chi tiết này thôi, chúng ta cũng thấy sự thêu dệt của cả 2 ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân khi họ cố tình bóp méo những chi tiết có tính cách lịch sử với nhiều nhân chứng và hình ảnh còn ghi lại. Những người di cư vào Nam vào thời điểm năm 1954 chắc ai cũng biết là những chiếc tàu lớn (tàu há mồm) chở người dân miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do không hề “đậu ngoài cửa biển”, mà đậu ngay ở bến tàu để những xe nhỏ hay đồng bào di cư đi lên thẳng trên tàu (xin xem theo những hình ảnh lịch sử đính kèm). Cá nhân chúng tôi chưa ra đời vào những năm tháng đó, tuy nhiên những chi tiết lịch sử này chúng tôi được biết qua một số lời kể và những hình ảnh lịch sử được ghi lại. Với những chứng cứ này, chúng ta có thấy ngay là hình ảnh “thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát ‘Tôi Xa Hà Nội’ cho nàng nghe” được dựng lên hoàn toàn không thực và được đưa vào bài viết một cách hết sức gượng ép. Tác giả của bài viết đã xem thường những chi tiết thật của lịch sử.

Lên tàu há mồm ở cảng Hải Phòng. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Lên tàu há mồm ở cảng Hải Phòng. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Cảng Hải Phòng 1954. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net
Cảng Hải Phòng 1954. Ảnh: caulacbotinhnghesi.net

Một chi tiết khác mà chúng tôi được biết là Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác bài “Nỗi Lòng Người Đi” từ năm 1954 và phải hơn 10 năm sau, sau những lần sửa đổi cho bài hát được hoàn chỉnh, ông mới mang ra giới thiệu với công chúng. Một tác phẩm mất khoảng thời gian 10 năm để cho ra đời, nhưng theo bài viết thì “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân chỉ viết trong một thời gian ngắn giữa cảnh di tản hỗn loạn của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Nếu như thế thì đúng là “nhạc sĩ” Khúc Ngọc Chân” quả là một thiên tài nhưng “thiên tài” này từ ngày đó đến nay, cũng như nhiều người đã nhận xét và tra cứu trên các trang mạng, ông Khúc Ngọc Chân không có một nhạc phẩm nào được biết đến trong kho tàng âm nhạc Việt Nam so với hàng trăm bản nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng mà trong số đó, không ít những bản nhạc đã trở thành bất tử.

Nói thêm về sự thêu dệt và bịa đặt trong bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha, theo như ông Khúc Ngọc Chân cho biết, ông đã không biết tin gì về người yêu của mình, tức bà Nguyễn Thu Hằng cho đến khi ông Chân vào Nam vào năm 1975 và cất công đi tìm và biết rằng người yêu đã qua đời vào năm 1969. Trong khi đó thì ông Nguyễn Thụy Kha lại biết rõ về bà Thu Hằng qua đoạn viết: “Còn nàng, khi vào Sài Gòn với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar.Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ.” Trí tưởng tượng của tác giả Nguyễn Thụy Kha quả thật là phi thường!

Môt chi tiết khác khi ông Nguyễn Thụy Kha viết là Nhạc sĩ Anh Bằng đã sửa lời của bài hát, ví dụ như ở câu: “Còn nữa, nếu Khúc Ngọc Chân viết “Mộng với tay cao hơn trời/Ai nhắn thay tôi đôi lời” thì Anh Bằng sửa là “Tôi hái hoa tiên cho đời…”. Có nhiều người đã nêu ra điểm buồn cười và ngây ngô của đoạn này khi ông Khúc Ngọc Chân cho là mình đã dùng hình ảnh “với tay cao hơn trời” để “tưởng tượng về cánh tay giơ cao của Nữ Thần Tự Do”, một điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm đó, vì có mấy ai nghĩ đến Hoa Kỳ, có chăng là chỉ nghĩ đến nước Pháp và những hình ảnh về nước Pháp vào thời điểm đó mà thôi! Có lẽ hai ông này không biết một chi tiết là Nhạc sĩ Anh Bằng khi sáng tác bài hát này, ông đã dùng hình ảnh “Tôi hái hoa tiên” dựa theo truyền thuyết là có một bông hoa thần ở trên trời và nếu người nào hái được hoa ấy để tặng cho người mình yêu, sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Một hình ảnh đẹp như vậy trong bài hát mà lại bị hai ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân gán ghép sửa đổi để càng lộ thêm sự thiếu kiến thức về lịch sử và văn chương của họ.

Nói đến khía cạnh văn thơ trong lời ca, ngay như trong câu “Khua nước trong như ngày xưa” của nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” mà theo như ông Nguyễn Thụy Kha viết, ông Khúc Ngọc Chân đã từng viết câu “Khua nước chơi như ngày xưa”. Nếu một thi sĩ khi ngâm câu này hay một ca sĩ khi hát chữ “chơi” thay cho chữ “trong”, sẽ thấy ngay sự trái tai trong cách dùng từ ở chỗ này. Khi ông Khúc Ngọc Chân và ông Nguyễn Thụy Kha đưa ra chi tiết này, họ không ngờ rằng chỉ gây thêm sự phản tác dụng và bộc lộ kiến thức kém cõi về thi văn và âm nhạc của họ.

Còn nhiều chi tiết khác trong một bài viết đầy dụng ý vu khống và bôi nhọ uy tín của Nhạc sĩ Anh Bằng như về việc gán ghép bản nhạc được phổ từ thơ của Thi sĩ Nguyễn Bính, hay nêu ra những chi tiết không đúng với sự thật về nơi sinh quán cũng như nơi cư ngụ của Nhạc sĩ Anh Bằng khi đến định cư tại Hoa Kỳ, hay ngay cả cái tựa đề “Tôi Xa Hà Nội” cũng không thích hợp với hoàn cảnh của câu chuyện kể của ông Khúc Ngọc Chân mà một vài tác giả đã có nhắc tới nên chúng tôi không nhắc lại và bàn thêm nơi đây, nhưng đó cũng là những chi tiết cho thấy sư coi thường độc giả của ông Nguyễn Thụy Kha và càng làm cho mọi người thấy ngay giá trị của bài viết của ông Nguyễn Thụy Kha ra sao!

Những lời thăm hỏi và khuyến khích của Nhạc sĩ Anh Bằng thường tiếp cho chúng tôi thêm nhiệt huyết để dấn thân trên bước đường đấu tranh cho quê hương đất nước để không phụ lòng tin yêu của những người đi trước như Nhạc sĩ Anh Bằng, người nhạc sĩ tài hoa và luôn thiết tha yêu quê hương đất nước. 

Cao Minh Hưng

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Hà Nội ơi!

Trong ký ức của cả một thế hệ những người rời xa miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, có lẽ giai điệu và ca từ của bản “Nỗi lòng người đi” luôn mãi là một cái gì đó không thể phai mờ,; đó vừa là một sự ray rức khi phải chia tay với mảnh đất có quá nhiều kỷ niện, vừa là một sự vỗ về an ủi trong những tháng ngày tha phương ở miền Nam. Trong nỗ lực để lưu lại những khoảng khắc khó quên của lịch dân tộc, [dongnhacxua.com] xin gởi đến quý vị nhạc phẩm “Nỗi lòng người đi” của nhạc sỹ Anh Bằng và một bài viết chân thực của tác giả Hà Tường Cát.

 

Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net
Nỗi lòng người đi (Anh Bằng). Ảnh: vietstamp.net

noi-long-nguoi-di--1--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--2--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com noi-long-nguoi-di--3--anh-bang--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NGÀY TÔI RỜI HÀ NỘI 60 NĂM TRƯỚC – KỶ NIỆM 60 NĂM DI CƯ
(Nguồn: tác giả Hà Tường Cát đăng trên nguoi-viet.com)

Hà Nội những ngày Tháng Tám, 1954 là khoảng thời gian mọi người đều bối rối, tất bật, và hoang mang với những gì sắp xảy đến. Còn tôi, người viết bài này, khi ấy còn là một chú bé mới lớn, đủ để biết được nhiều chuyện nhưng chưa thể cảm nhận và suy nghĩ về nhiều việc khác.

Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Ngã 5 trung tâm thành phố từ hồ Hoàn Kiếm đến phố Hàng Ðào không còn nhộn nhịp sau ngày Hiệp Ðịnh Geneva 20 Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Tôi nhớ rằng hiệp định đình chiến ký kết ngày 20 Tháng Bảy ở Geneva không được đón mừng như sự khởi đầu của một giai đoạn hòa bình. Từ nhiều năm, tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” đã là chuyện bình thường không làm mấy ai quan tâm lo lắng. Hệ thống đồn bót do quân đội Liên Hiệp Pháp thành lập làm vòng đai bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, có thông lệ bắn yểm trợ lẫn cho nhau bằng ít phát trọng pháo vu vơ ngay cả khi không bị tấn công, mà chỉ nhằm mục đích răn đe đối phương hay tạo sự an tâm cho đơn vị bạn.

Giữa đất nước chiến tranh, Hà Nội là một hậu phương hoàn toàn thanh bình. Thời kỳ ấy hiếm có những cuộc đột kích vào thành phố hay nổ bom khủng bố. Chiến tranh chỉ xuất hiện gián tiếp bằng những đơn vị quân đội trở về hậu cứ nghỉ ngơi sau một chiến dịch dài. Lúc đó cái làm cho người dân e ngại là những chú “Tây say,” lính Lê Dương uống rượu đi lang thang phá phách trên đường phố. Tuy nhiên chuyện ấy chỉ xảy ra ở một số khu vực gần các doanh trại và tình trạng gây rối loạn ít khi lên tới mức độ trầm trọng.

Ðối với đám học sinh nhỏ chúng tôi thì chiến tranh là những hình ảnh lạ mắt, có thể là hấp dẫn như phim chiếu bóng. Buổi nào có giờ nghỉ học tình cờ, chúng tôi thường kéo nhau ra chơi ngoài bờ sông và từ trên đê cao thỉnh thoảng nhìn thấy máy bay thả lính nhảy dù xuống bãi tập ở phía xa bên kia sông Hồng.

Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)
Cảnh tiêu điều của Chợ Hôm, chợ lớn thứ nhì của Hà Nội sau chợ Ðồng Xuân. (Hình: Hà Tường Cát)

Trong mấy tháng đầu năm 1954, tôi theo dõi được trận Ðiện Biên Phủ qua những chiếc máy bay. Những máy bay vận tải DC-3 Dakota của quân đội Pháp, sau này gọi là C-47, lên xuống phi trường quân sự Bạch Mai đều đặn hàng ngày lượn vòng trên phía Nam thành phố và bay qua nhà tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi cũng quen để phân biệt được ngay cả các máy bay chiến đấu F6F Hellcat của hải quân và F8F Bearcat của Không Quân, thoạt nhìn rất giống nhau. 

Bay cao hơn ngang qua không phận Hà Nội là những chiếc máy bay oanh tạc B-26 của Không Quân Pháp và sau đó một vài chiếc PB4Y-2 Privateer của Hải Quân Mỹ cất cánh từ phi trường Cát Bi, Hải Phòng. 

Cũng là lần đầu tiên những chiếc “máy bay hai mình” Flying Box Car của Mỹ (C-119 của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa sau này) chở hàng thả dù xuống Ðiên Biên Phủ tiếp tế cho quân đội Pháp, thường xuyên bay ngang bầu trời Hà Nội mỗi ngày. Ngoài ra đám bạn học chúng tôi cũng thường rủ nhau đến bãi đất trống trước bệnh viện quân sự Ðồn Thủy để nhìn thấy tận mắt những chiếc trực thăng tải thương từ Ðiện Biên Phủ trở về khi cứ điểm này chưa bị siết chặt vòng vây. 

Bằng sự tò mò ham thích về các loại máy bay như thế, việc di cư vào miền Nam bằng đường bay được coi như một cơ hội vô cùng thú vị, chứ ở tuổi thiếu niên tôi chưa thể hiểu hay có quan tâm thắc mắc gì về tương lai. Có điều tôi không khỏi có nhiều lưu luyến với những nơi chốn, với nếp sinh hoạt đã quen và một số bạn bè thân ở lại miền Bắc. Thứ tình cảm ấy là do tuy còn bé, tôi đã có nhiều kỷ niệm về Hà Nội hơn những người cùng lứa tuổi. Là con một trong gia đình nên ông bố tôi đi đâu cũng dắt theo, chỉ dẫn tỉ mỉ về thành phố Hà Nội và làng mạc phụ cận, từ Nghĩa Ðô trong các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến cho tới làng Vòng nổi tiếng về làm cốm, Trại hàng hoa Ngọc Hà hay làng Nhật Tân chuyên trồng cành đào bán ngày Tết…

Thời gian ấy nhiều người vẫn tin rằng di cư vào Nam chỉ là một cuộc ra đi tạm thời, hai năm sau có tổng tuyển cử sẽ có thể trở về bình thường. Nhưng bố tôi bảo rằng sẽ còn lâu lắm hay không bao giờ trở về nữa. 
Tôi chẳng thắc mắc vì sao ông tin như vậy, và bây giờ chắc chắn hiểu rằng ông không thể nào mường tượng rằng tôi sẽ còn phiêu bạt xa hơn rất nhiều nữa.

Những ngày trước khi rời Hà Nội, tôi thường xách chiếc Kodak 6×9, kiểu máy chụp hình kéo ra như chiếc đàn phong cầm, đi chơi khắp thành phố để cố ghi lại những kỷ niệm. Ðó là những hình ảnh qua cặp mắt của một thiếu niên, nghĩa là rất trẻ con, không có trình độ diễn tả được những nét tiêu biểu trong sinh hoạt của một thành phố đang biến chuyển. 

Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Chợ Trời ở đường Hồ Xuân Hương gần hồ Thuyền Quang, nơi dân chúng chuẩn bị di cư bán đi các đồ đạc trong nhà, là khu vực đông đảo nhất Hà Nội vào Tháng Tám, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Thành phố đông đúc hơn do dân chúng từ các tỉnh đồng bằng đổ về tìm đường di cư, nhưng sinh hoạt ở những khu phố buôn bán thì sút giảm không còn vẻ rộn rã thường ngày. Nơi tập trung nhộn nhịp nhất là khu vực gần hồ Thiền Quang phía Nam thành phố, một khu nhà dân, không có những cửa hàng thương mại nhưng có hè phố rộng. Nơi đây trở thành Chợ Trời (dân Bắc gọi là Chợ Giời) có lẽ là đầu tiên ở Hà Nội. 

Khác với chợ trời năm 1975 ở Sài Gòn, dân Hà Nội 1954 không có nhiều thứ đồ gia dụng nên hầu hết những món đem ra bán là đồ gỗ, bàn ghế, giường tủ và cả bàn thờ.

Tôi rời bỏ miền Bắc ngày 30 Tháng Tám, 1954, 40 ngày sau Hiệp Ðịnh Geneve và hãy còn thời gian hai tháng để ai muốn ra đi hay ở lại được quyền tự do chọn lựa. Bố tôi nói là đừng nên đi trễ quá, có thể gặp khó khăn và không giải thích gì thêm. Hầu hết những gia đình định di cư vào Nam đều giữ kín ý định cho đến ngày ra đi. Trái lại gia đình tôi thì không làm được điều ấy. Trong khoảng một tháng trước ngày đi, nhà tôi trở thành chỗ tạm trú của nhiều người quen từ Nam Ðịnh, Ninh Bình, Phát Diệm lên Hà Nội tìm đường ra đi. 

Ðến lúc ấy tôi mới dần dần hiểu ra rằng bố tôi là người có nhiều liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chẳng biết là đảng viên hay thế nào, vì ông không bao giờ cho biết. Ông nói với con đủ mọi chuyện nhưng trước sau không bao giờ nói chuyện gì liên quan đến chính trị. Sau này khi tôi trưởng thành và ông đã già yếu cũng không khi nào ông tỏ ra thắc mắc với sinh hoạt của tôi và luôn luôn đồng ý về tất các việc gì tôi làm. Ðó là điều khiến tôi rất thân và quý mến ông bố mình.

Buổi tối trước ngày đi, gia đình tôi thuê một chiếc xe “ba gác,” kiểu như xe bò bánh gỗ nhưng do người kéo, chất đầy hành lý, đi đến nơi tập trung ở một trường tư thục nhỏ ngay giữa trung tâm thành phố. Tôi nhớ đã làm một việc dại dột là khi mọi người còn đang bận rộn thu dọn nơi tạm trú qua đêm thì lén ra ngoài và đi bộ chừng hơn một cây số trở về để nhìn lại căn nhà cũ.

Bà mẹ tôi chửi mắng nặng nề khi thấy tôi về sau khoảng một giờ vắng mặt đâu mất khiến mọi người đều sợ tôi “bị người ta bắt thì sao.” Như thường lệ, ông bố tôi bình thản can thiệp, nói rằng việc qua rồi không có gì lo lắng nữa. Nhưng nghĩ lại tôi mới cảm thấy hơi sợ, không phải vì cho rằng có ai muốn bắt mình, nhưng nhớ lại cảnh đường phố vắng lặng dù mới là chập tối, các nhà đều đóng cửa sớm, sinh hoạt khác hẳn bình thường trước kia.

Chúng tôi lên máy bay từ phi trường Gia Lâm và bay ngang thành phố thân thiết một lần chót cho tới gần 40 năm sau mới có lần thấy lại. Ðó là một máy bay vận tải C-46 hai động cơ cánh quạt chở được trên 50 người, nghĩa là gần gấp đôi loại C-47 quen biết hơn với mọi người. Thân máy bay ghi tên hiệu CAT (Civil Air Transport) có vẻ như một máy bay hàng không dân dụng, thật ra hầu hết sứ mạng của nó là những hoạt động bí mật. Ðây là kiểu máy bay gắn bó với chiến tranh Việt Nam sau này, thường không sơn chữ số và dấu hiệu gì trên thân, thi hành những phi vụ thả dù biệt kích, đồ tiếp liệu hoặc chuyên chở hàng hóa và nhân viên cho các cơ quan dân sự hay tình báo Hoa Kỳ.

Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)
Bố tôi (quần áo trắng đội mũ) đứng chờ danh sách di cư vào Nam tại sở học chính Bắc Việt, Hà Nội, cuối Tháng Bảy, 1954. (Hình: Hà Tường Cát)

Qua khung cửa sổ máy bay là hình ảnh của những nơi sẽ trở thành rất thân thuộc với tôi trong hơn 30 năm kế tiếp, từ bờ biển, sông ngòi, núi rừng Trường Sơn cho đến các chiếc tàu biển trên dòng sông uốn cong bên thành phố Sài Gòn có những nhà mái ngói đỏ.

Tuy nhiên khác nhạc sĩ Vũ Thành và nhiều người ở thế hệ ông chỉ có “Giấc Mơ Hồi Hương,” sau này tôi có thể trở lại nơi cũ dù trong những hoàn cảnh và điều kiện khác với mong ước. Ðiều tình cờ chua chát là tôi trở về gần quê cũ, 23 năm sau cũng đúng vào ngày 30 Tháng Tám, trên đoàn xe chở “tù cải tạo” xuất phát từ trại T-20 đi ngược quốc lộ 1 về hướng Bắc. 

Lần thứ nhất tôi thực sự trở lại Hà Nội là năm 1989 khi làm việc trong văn phòng của một nhóm tư vấn đầu tư ở Sài Gòn, và được cử đi thương lượng cho một hãng Pháp có dự án mua lại các xe điện cũ ở Hà Nội để thay thế bằng xe bus. Năm ấy thành phố chưa thay đổi nhiều ngoại trừ một số cư xá mới xây cất cho cán bộ công nhân và những “chuồng cọp” trên các tầng lầu. Trong thời chiến tranh, dân Hà Nội ở những căn hộ do chính quyền phân phối cấp phát, tìm cách tăng diện tích bằng cách lấn ra ngoài các bao lơn được quây xung quanh bằng lưới sắt và họ đặt cho cái tên là “chuồng cọp.” Chưa phát triển theo đường lối kinh tế tư bản nên thành phố năm ấy còn sạch sẽ vì chẳng có nhiều hàng hóa tiêu dùng và rác.

Nhưng tới năm 2010 khi Hà Nội kỷ niệm “1000 năm Thăng Long” thì nhiều cảnh vật đã hoàn toàn khác. Ðường phố đầy người và xe cộ, nhất là xe máy hai bánh, hàng quán mọc lên vô trật tự khắp nơi và những nét cổ xưa chỉ còn rải rác len lỏi ở một đôi chỗ. Giống như Sài Gòn, Hà Nội có rất nhiều quán cà phê từ hạng sang trọng và đẹp cho đến những quán nằm trong các ngõ phố hay trên tầng lầu hiểm hóc. Ðó là nơi hấp dẫn du khách tò mò và người như tôi, muốn trao đổi tìm hiểu những khía cạnh sinh hoạt của người mới và người cũ.

Một buổi tối vào Cà Phê Giảng, tên quen thuộc của dân Hà Nội ngày xưa, bây giờ không còn là căn nhà nhỏ bé ở phố Cầu Gỗ mà là cửa hàng ba tầng lầu gần hồ Hoàn Kiếm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một nhóm sinh viên vừa mãn giờ học về. Họ không còn cắn hạt hướng dương bỏ rác đầy sàn mà phần lớn đều bận bịu với máy điện thoại di động trong tay. Tình cờ một cô bé nhận xét: “Bác nói tiếng Hà Nội chuẩn lắm.” Tôi bật cười hỏi lại theo em thế nào là chuẩn? Ðúng là có một thời gian người dân miền Nam, trong đó có tôi, cảm thấy thứ tiếng của dân “Bắc Kỳ 75” rất khó nghe. Nhưng rồi tôi thành thật giải thích với họ: “Chẳng có thứ tiếng Hà Nội nào là chuẩn. Thời vua Lý Thái Tổ 1000 năm xưa khác, thời Tây trước 1954 khác và sau này khác. Không có người Hà Nội truyền thống đâu, hầu hết họ là người từ những nơi khác đến thành phố làm việc ở mỗi thời kỳ của lịch sử. Như thế tôi coi giọng Hà Nội ngày nay không giống tôi mới là Hà Nội chuẩn.”

Tôi hiểu nhiều người sẽ không đồng ý với tôi về suy nghĩ ấy. Nhưng thời gian đem đến mọi thay đổi và muốn hay không muốn, phải chấp nhận thực tế là nói chuyện 60 năm cũ thì được, chứ người ta không thể trở lại với sinh hoạt của 60 năm hay 1000 năm trước.

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Khúc Hát Ân Tình (Xuân Tiên)

[dongnhacxua.com] chúng tôi không có nguồn tư liệu đáng tin cậy để biết được hoàn cảnh mà nhạc sỹ Xuân Tiên sáng tác bản ‘Khúc hát ân tình’. Theo tư liệu trên wikipedia.com thì nhạc sỹ Xuân Tiên sinh năm 1921, tức thuộc hàng “trưởng lão” của nền tân nhạc Việt Nam. Hiện ông đang an hưởng tuổi già ở xứ sở Australia. Theo hiển ý của chúng tôi, có lẽ nhà nhạc sỹ sáng tác ‘Khúc hát ân tình’ sau năm 1954, khi con sông Bến Hải vô tình trở thành chứng nhân bất đắc dĩ cho một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nước Việt Nam đã thống nhất, đúng như mơ ước của nhạc sỹ Xuân Tiên về viễn cảnh “một nhà thân ái”. Nhân bài viết này, [dongnhacxua.com] chúc nhạc sỹ Xuân Tiên và gia đình nhiều sức khỏe và nếu có duyên thì người yêu nhạc thuộc thế hệ trẻ như chúng tôi có thêm nhiều tư liệu về bản nhạc nổi tiếng này để cung cấp cho quý vị.

Khúc hát ân tình (Xuân Tiên). Ảnh: http://phammusic.free.fr/
Khúc hát ân tình (Xuân Tiên). Ảnh: http://phammusic.free.fr/

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ XUÂN TIÊN
(Nguồn: phammusic.free.fr)

xuan-tien--phammusic.free.fr--dongnhacxua.com

Ngày sinh 28 tháng giêng, 1921
Nơi sinh Hà Nội, Việt Nam

Quá trình rèn luyện kỹ năng sử dụng nhạc cụ và kiến thức nhạc học

1927 Mandoline, nhạc lý Tây phương và Trung Hoa

1936 Clarinette, Saxophone và Sáo Tây, hoà âm tây phương

1941 Các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam Bốt

Khảo sát âm nhạc ba miền Bắc, Trung, Nam

1941-46 Trumpet, Trombone, Banjo, Guitar, Violin, Xylophone, Vibraphone, Piano, Accordeon, Button accordeon, Bandoneon.

Trình tấu

1941-42 Trình tấu Clarinette, Saxophone và Sáo Tây từ Bắc chí Nam

Xuất bản

1949 Các sách Tự học Kỹ Thuật Ðộc Tấu Clarinette, Saxophone và Sáo Tre

Cải tiến sáo tre

1950 Cùng với bào huynh là nhạc sĩ Xuân Lôi cải tiến sáo tre thành hai loại 10 lỗ và 13 lổ có khả năng bao gồm nhiều âm giai khác nhau, kể cả âm giai dị chuyển. Hai loại sáo này hiện được tàng trữ tại Musée de l’Homme, Paris, France.

Ðiều khiển dàn nhạc

1944-46 Hà Nội: Victoria, Muolin Rouge, Hotel Splendide và Lucky Star

1951-52 Nam Ðịnh: Văn Hoa

1952-75 Sài gòn: Văn Cảnh, Ðại Kim Ðô, Blue Diamond, Eden Rock, Palace Hotel, Bách Hỷ

Làm việc với các đài phát thanh

1952-75 Pháp Á, Sàigòn, Quân Ðội, Mẹ Việt Nam

Sáng chế các loại nhạc cụ mới

1976 Sáng chế cây đàn 60 dây có khả năng bao gồm tất cả các âm giai. Kỹ thuật trình tấu tương tự như cây đàn Tranh, nhưng tay phải để gảy giai điệu và tay trái để đệm hợp âm 

1980 Sáng chế căy đàn bầu mới với trái bầu dài làm bằng hộ khuếch âm. Ðàn này đã được đem ra trình tấu nhiều lần ở Úc Ðại Lợi.

dan-bau-xuan-tien

Những ca khúc phổ thông nhất

1939-42 “Chờ một kiếp mai”, “Trên kiếp hoa”

1952-62 “Khúc hát ân tình”, “Hận Ðồ Bàn”, “Về dưới mái nhà”, “Duyên Tình”

1963-83 “Ðường đi lối về”, “Xa quê hương”, “Ðất Việt”

1987-95 “Lòng người xa quê”, “Tiếng bình minh”, “Tiếng trống trong rừng sâu”

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Giấc Mơ Hồi Hương

Trong ký ức của nhiều thế hệ người miền Bắc, đặc biệt là những người con của Hà Nội, phải lìa xa miền quê yêu dấu để di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954, bản ‘Giấc mơ hồi hương’ của nhạc sỹ Vũ Thành vẫn mãi là những khắc khoải khó phai mờ trong tâm trí. Không phải ai cũng có thể thuộc được bài này và không phải ca sỹ nào cũng có thể hát tròn trịa được hết các nốt nhạc, thế nhưng ‘Giấc mơ hồi hương’ như là một cái gì đó thật đặc biệt, thật lôi cuốn để cho tất cả những ai ‘lìa xa thành đô yêu dấu’ nuôi hoài một ‘giấc mơ hồi hương’.

Nhân bài viết này, [dongnhacxua.com] xin kính chúc linh hồn nhạc sỹ Vũ Thành thảnh thơi an nghĩ nơi chốn xa xăm!

Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

giac-mo-hoi-huong--1--vu-thanh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH
(Nguồn: wikipedia.com)

nhac-sy-vu-thanh--dongnhacxua.comNhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Vũ Thành vừa là nhạc trưởng vừa là một nhạc sĩ sáng tác. Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội. Chính thời kỳ này nhạc của Vũ Thành được hát nhiều nhất. Âm hưởng thanh tao, óng ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành đem đến một luồng không khí mới mẻ cho nhạc Việt, lúc đó còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Sau năm 1954, Vũ Thành di cư vào Nam. Ông có thời gian làm chỉ huy trưởng ngành quân nhạc của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và từng giữ chức vụ chủ sự phòng văn nghệ Đài phát thanh Quốc gia Sài Gòn. Sau năm 1975, ông định cư và mất tại Hoa Kỳ năm 1987.

Ngoài tài năng của một người viết “Giai điệu” ông còn là người soạn “hòa âm phối khí” có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm DuyDương Thiệu TướcThẩm OánhCung Tiến được ông làm đẹp bằng những hoà âm công phu, tuyệt diệu. Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết về Vũ Thành (trong bài “Phòng Trà Đầu Tiên ở Hà Nội”):

“Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có thêm Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo tây và đánh guitare tay trái. Nói về nhạc sĩ Vũ Thành thì ông là một trong những người viết nhạc đầu tiên của Tân Nhạc.

Đầu thập niên 40, nhạc Việt còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Ca khúc Vũ Thành có nét nhạc thanh tao, óng ả đem đến một luồng không khí mới mẻ cho Tân Nhạc. Lấy ví dụ bài Say Nhạc Canh Tàn:

Gió xuân đưa mây chiều về
Nắng Xuân đưa tin nhạn về
Giờ này hương lúa thương gợi tình quê
Lòng người tha hương khóc biệt ly
Gió Xuân đưa hương ngập trời.
Ý Xuân thiết tha nghẹn lời
Giờ này ngân phím loan nặng tình phai
Đàn buông lãng du hồn u hoài…
Đêm tha hương lắng trong ly rượu ngát hương
Giấc cô miên canh trường
Hồn người chinh phụ cuốn theo mây nơi sa trường
Âm thanh xưa lả lướt trên đường tô
Nằm gieo mối cùng sầu lai láng mơ hồ
Ôi quê hương thấu chăng bao niềm luyến thương
Biết chăng bao đêm trường,
Nhẹ lần đường tơ phím, quan sa tình hờ
Ôi than chi còn nhắc chi tình xưa
Hồn say tiếng đàn hòa thêm khúc đàn lắng mơ hồ…

Cũng vẫn là tình cảm chung của các nhạc sĩ thời đó, nói tới tình quê, tiếng tơ, mối sầu (không hiểu vì sao mà sầu?), ca tụng thiên nhiên… nhưng ca khúc Vũ Thành không nằm trong thể tangorumba hay slow fox mà mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái. Tôi tin rằng ca sĩ thời đó như Minh Đỗ là phải chọn nhạc Vũ Thành để hát tại phòng trà…”

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Người Đầu Tiên Hát ‘Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương’

Lang thang trên mạng internet để tìm tư liệu cho loạt bài ’60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014)’, [dongnhacxua.com] thu lượm được một tư liệu quý về dòng nhạc xưa ở miền Bắc.

Nghệ sỹ Văn Hanh với 2 chiếc đĩa rất hiếm hoi còn giữ được, thu âm những bài hát của mình từ năm 1957. Ảnh: Hà Tùng Long
Nghệ sỹ Văn Hanh với 2 chiếc đĩa rất hiếm hoi còn giữ được, thu âm những bài hát của mình từ năm 1957. Ảnh: Hà Tùng Long

NGƯỜI ĐÂU TIÊN HÁT ‘CÂU HÒ BÊN BỜ HIỀN LƯƠNG’
(Nguồn: tác giả Hà Tùng Long đăng trên GiaDinh.net.vn )

Giadinh.net – Lâu nay, mỗi lần nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là người ta nghĩ ngay đến giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của nữ Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền. Thế nhưng ít ai biết được, người đầu tiên hát ca khúc này lúc bài hát vừa “ra lò”, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt lại là nam ca sỹ Văn Hanh – một trong những nam ca sỹ khá nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Người ca sỹ ấy giờ đã ở vào tuổi ngoại bát tuần, thế nhưng mỗi lần nhắc đến “Câu hò bên bờ Hiền Lương” , trong ông lại trỗi dậy bao kỷ niệm. 

“Say” hát quên cả ngủ

Tiếp chúng tôi trong phòng khách nhỏ bé của căn hộ tập thể thuộc khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ Văn Hanh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời giải thích về một sự nhầm lẫn mà bao nhiêu năm qua người đời không hay biết, đó là chữ “bến” và chữ “bờ” trong tựa đề bài hát. Theo ông, lúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp gửi bài hát này đến Ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính ông là người đã nhìn thấy tận mắt trong bản thảo nhạc và lời của bài hát đề chính xác là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và tựa đề đó không chỉ đúng theo cách đặt của tác giả bài hát mà còn đúng với thực tế lúc bấy giờ. Ông nói: “Vào năm 1957, khi bài hát ra đời, đất nước ta đang bị chia cắt làm đôi lấy cầu Hiền Lương làm nơi phân chia ranh giới. Ở phía nam cầu Hiền Lương là đất của địch và ở phía bắc của cầu là đất của ta. Bởi thế, giữa hai bên chỉ có hai bờ đất nhỏ bé chạy dài dọc theo sông Bến Hải chứ làm gì có bến nào để thuyền bè đỗ lại như bây giờ đâu; vậy mà bao năm qua, người ta lại có thể nhầm thành “Câu hò bên bến Hiền Lương…”.

Ông kể, ông đến với bài hát này vừa là một sự tình cờ nhưng cũng như một cái duyên. Vào một buổi tối buồn, ngồi một mình trong phòng chẳng biết làm gì nên ông lang thang lên phòng biên tập xem có bài hát nào mới để tập hát vu vơ cho đỡ buồn. Thường ở phòng biên tập của ban âm nhạc, bao giờ cũng có một phòng để các bài hát, bản nhạc của các nhạc sỹ ở các nơi gửi về. Trong mớ giấy tờ lộn xộn, ông cầm đại một tờ lên, lần giở ra xem thì gặp đúng bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – bài hát đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vừa mới gửi về được mấy hôm. Xem qua ca từ, nốt nhạc của bài hát, ông như bị cuốn hút bởi thứ âm điệu rất đặc biệt của bài hát này. Ông mang đàn ra vừa tập hát vừa tự đệm nhạc cho mình thì phát hiện là bài hát này rất phù hợp với chất giọng của ông. Ông lại một mình say sưa với bài hát cho đến lúc gà gáy báo sáng mới sực nhớ là mình quên đi ngủ.

nghe-si-van-hanh--tap-album--giadinh.vn--dongnhacxua.com

“Lúc đó, tôi có cảm tưởng như bài hát này nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác để dành cho riêng tôi hát vậy. Bài hát mang âm hưởng dân ca đồng thời lại nuột nà, tình cảm, nó rất phù hợp với khả năng thể hiện của mình. Ngay sáng hôm đó, tôi đã đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của đài cho tôi được hát thu âm bài hát và đã được đồng chí trưởng đoàn đồng ý. Tôi mừng đến nỗi rơi cả nước mắt” – ông bồi hồi nhớ lại.

Theo đúng quy trình, mỗi khi nhận được bài hát từ nhạc sỹ gửi đến, ban biên tập sẽ gửi đến cho ban biên tập nhạc để họ soạn tổng phổ (bản ghi các nốt nhạc đệm của tất cả các loại nhạc cụ dành cho một tác phẩm âm nhạc để các nhạc công nhìn vào đó mà đệm nhạc cho phù hợp hoặc chỉ huy nhìn vào đó để chỉ huy dàn nhạc). Sau đó, ca sỹ sẽ tập hát và ráp nhạc với ban nhạc rồi mới đi thu âm. Thế nhưng với bài hát này, ông đã được phá lệ, bỏ qua khâu soạn tổng phổ mà tập hát và ráp nhạc luôn với nhạc công. “Khi nghe tôi hát thử một vài lần, các anh trong đoàn đã gật đầu đồng ý cho phép ráp nhạc luôn với nhạc công mà không cần tổng phổ. Người đệm đàn cho tôi lúc đó là anh Hoàng Mãnh một pianist khá nổi tiếng thời bấy giờ. Và hai anh em chúng tôi thu âm bài hát này chỉ trong vòng 4 lần là hoàn thiện, sau đó thì được Đài Tiếng nói phát rộng rãi khắp miền Bắc”.

Khóc theo khán giả

Sau khi bài hát được phát sóng rộng rãi trên khắp miền Bắc, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài. Nhiều lá thư gửi về cám ơn nhạc sỹ, ca sỹ đã mang lại cho họ một ca khúc thật ý nghĩa, khiến ông vui mừng khôn tả. Trong số những lá thư của khán giả gửi về, ông đã được ban biên tập cho xem bức thư đầy cảm động của một cô gái miền Nam tập kết ra Bắc mà cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ được mấy dòng: “Khi nghe bài hát này, mấy chị em chúng tôi đã ôm nhau khóc nức nở. Càng khóc bao nhiêu, nỗi căm thù giặc Mỹ lại dâng tràn bấy nhiêu. Từng lời ca ngọt ngào, ấm áp mà thiết tha của ca sỹ như đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm của những ngày còn sống trên đất quê hương. Nỗi nhớ quê hương làm cả mấy chị em ngẹn ngào không nói được lời nào… Thay mặt mấy anh chị em người miền Nam đang tập kết ra Bắc cám ơn Đài tiếng nói, cám ơn ca sĩ đã mang đến cho chúng tôi những lời ca tuyệt vời đến thế…”. Vì đây là bài hát mang âm điệu buồn mà lúc bấy giờ chiến trường lại cần những bài mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân nên ông đã không được phép hát bài này trong mỗi lần biểu diễn ở chiến trường.

Ông còn nhớ lần đầu tiên ông biểu diễn bài hát này ở vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), lúc ông đang hát lời 2 thì thấy ở phía dưới sân khấu rất nhiều chị em khóc. Ông càng hát, họ lại càng khóc nhiều hơn. Nhìn chị em khóc, ông đã không thể cầm lòng và định không hát nữa, thế nhưng nhìn những người khác đang say sưa nghe ông hát thì ông không thể dừng lại được. Và không hiểu sao những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má ông cho đến khi ông hát xong bài hát. Lạ thay, khi nhìn thấy nước mắt của ông, nhiều chị em đã không còn khóc nữa mà hướng ánh nhìn ngưỡng mộ về phía ông. Buổi biểu diễn hôm đó, khán giả đã yêu cầu ông hát đi hát lại bài hát này đến 3 lần. Sau mỗi lần ông hát xong là hàng tràng pháo tay ròn rã cất lên, kéo dài hàng chục phút không ngớt. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà một người ca sỹ như tôi lúc đó có được. Tối hôm đó, tôi đã không ngủ được vì quá vui sướng”.

Sau này, mỗi lần đi biểu diễn ở các tỉnh, cứ hễ lên sân khấu là khán giả lại yêu cầu ông hát bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và đã một thời, cái tên Văn Hanh nổi lên như một “hiện tượng âm nhạc đặc biệt” mà trong suốt cuộc đời ca hát của mình, ông không bao giờ quên.

 

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Chuyến Đò Vỹ Tuyến

Nếu như ‘Câu hò bên bờ Hiền Lương’ là tiếng lòng của người dân Việt ở bờ bắc sông Bến Hải thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ là tiêu biểu cho tâm tình của những người anh em ở bờ Nam. Nhạc sỹ Lam Phương sáng tác bản ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ độ năm 1956-1957, khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đã gần như đi vào ngõ cụt và sự chia cắt không biết bao giờ mới chấm dứt.

Sinh năm 1937, nhạc sỹ Lam Phương khi đó chỉ mới là chàng trai trẻ, vừa tròn 20 tuổi. Thế nhưng qua nét nhạc tài tình và một tâm hồn nhạy cảm với hoàn cảnh đau thương của dân tộc,  ông đã cho ra đời một nhạc phẩm để đời mà 60 năm sau, khi các ‘vết thương chia cắt’ đã lành thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vẫn mãi là khúc ca êm đềm ‘sưởi ấm cõi lòng’.

Hình ca sỹ chắc là cô Hoàng Oanh? Ảnh: sưu tầm từ http://clarabeille.blogspot.com
Hình ca sỹ chắc là cô Hoàng Oanh? Ảnh: sưu tầm từ http://clarabeille.blogspot.com

Khi nhắc đến ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến ca sỹ Hoàng Oang, người đã gắn liền tên tuổi trong hơn 40 năm qua với bản này. Theo cá nhân chúng tôi thì có lẽ Hoàng Oanh không phải là ca sỹ đầu tiên thể hiện ‘Chuyến đò vỹ tuyến’  vì cô sinh năm 1950 mà thời điểm bản nhạc ra đời là khoảng 1956-1957. Tuy nhiên có một điều mà không một thính giả yêu nhạc xưa nào phủ nhận là Hoàng Oanh là người thể hiện thành công và lột tả được cái hồn của bản nhạc.

Nhân dịp này, Dòng Nhạc Xưa xin chúc nhạc sỹ Lam Phương nhiều sức khỏe. Mong ông có được một lần về thăm lại Việt Nam và ghé thăm dòng sông Bến Hải, vỹ tuyến 17, nơi mà hơn 50 năm trước ông đã gởi gắm tâm sự trong một nhạc phẩm để đời.

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương

Nếu như trong ‘Tình lỡ’ (Thanh Bình) hay ‘Tình ca’ (Hoàng Việt) mà [dongnhacxua.com] đã giới thiệu trước đây đã gián tiếp nói đến sự chia cắt sau Hiệp định Genève thì trong ‘Câu hò bên cầu Hiền Lương’, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã đề cập cụ thể đến con sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương. Có thể nói nhạc phẩm sáng tác năm 1956 này là bản nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam viết đề đề tài “chia cắt hai miền – 1954”.

60 năm sau, tiếng súng đã chấm dứt gần 40 năm trên quê hương chúng ta, chiếc cầu chia cắt cũng đã nối liền hai bờ. [dongnhacxua.com] cầu mong hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho nước Việt xinh tươi!

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ành: wikipedia.com
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ành: wikipedia.com

RƠI NƯỚC MẮT CÂU CHUYỆN ‘CÂU HÒ BÊN CẦU HIỀN LƯƠNG’
(Nguồn: VTC.vn)

(VTC News) – Ca khúc nổi tiếng rất xúc động Câu hò bên bờ Hiền Lương được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiết lộ cũng xúc động không kém khiến người đọc có thể rơi nước mắt.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Ảnh: vtc.vn
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Ảnh: vtc.vn

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời hôm qua (9/1) đã để lại thương tiếc trong lòng nghệ sĩ và người yêu nhạc nhưng những tác phẩm của ông còn sống mãi theo thời gian. 

Một trong những ca khúc nổi tiếng, xúc động nhất của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là Câu hò bên bờ Hiền Lương (lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao) nhưng ít ai biết hết về hoàn cảnh sáng tác của nó cũng rất xúc động. 

VTC News trích đăng lại bài viết về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương do chính nhạc sĩ viết năm 1987, được in trong cuốn Nhạc và Đời (Lê Giang – Lưu Nhất Vũ chủ biên, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1989):

Đó là vào những ngày cuối năm 1956.

Ngồi trên xe đò từ Hà Nội và Vĩnh Linh, tôi lặng thinh, day dứt vì nỗi nhớ quê nhà.

Nhìn thời cuộc lúc này, tôi hiểu rằng sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử gì hết. Nhưng phải làm thế nào đây thì tôi không biết.

Tôi hồi tưởng lại quang cảnh ngày các má, các chị, các anh và các em thiếu nhi tiễn đưa chúng tôi xuống ghe để ra vàm sông Đốc, lên tàu tập kết mà không cầm được nước mắt.

Tôi ra đi cũng không gặp lại được ba má và các em tôi sau gần 9 năm xa cách. Gia đình tôi hiện giờ đang ở đâu?

Những ngày đầu ở phía Bắc bờ Bến Hải, tôi sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng trăm thước.

Ban ngày, tôi đội mưa đi dọc theo bờ sông, đôi mắt đăm đăm nhìn sang bờ Nam. Tôi bắt gặp nhiều em, nhiều chị từ bên ấy, hình như cũng nhìn thấy tôi nên giả đò ra song rửa chân tay để được nhìn lại tôi. Chắc họ muốn nhận coi tôi có phải là người thân hay người quen cùng làng đã đi tập kết hay không.

Phần tôi, tôi đâu có hi vọng gặp được người quen ở chốn này. Bởi quê tôi ở tận cùng phía Nam đất nước.

Xóm làng, chợ búa ở đây cũng không giống như ở quê tôi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn cố nhìn, cố nhận dạng những hình vóc, những gương mặt mà tôi cảm thấy rất gần gũi, yêu thương. Và trong lòng thầm nhủ “biết đâu đấy!”.

Ban đêm, tôi hỏi chuyện các chiến sĩ biên phòng. Những người này cũng chỉ cho tôi biết những tin tức mà tôi đã nghe qua. Đồn này quá ít người. Họ lại thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ luôn. Họ còn là những người rất ít lời. Hết nằm xuống, tôi lại ngồi dậy. Bởi giấc ngủ không chịu đến với tôi.

Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng tâm trạng ngồn ngang nên cũng không viết được. Nhiều ý nghĩ cùng đến một lúc, không biết chọn cái nào và bắt đầu từ đâu.

Đã thế, lại còn tiếng nhạc và những lời xuyên tạc sự thật từ các loa phóng thanh bờ Nam dội sang. Nó tra tấn tôi không ít qua các đêm ở đây.

Một lần nữa, tôi lại bước ra hiên đồn, nhìn về phía cầu Hiền Lương, chiếc cầu ban chiều tôi đã đặt chân lên đó. Tuy nhiên, tôi chỉ được phép đi ở nửa cầu phía Bắc, vì nửa kia là thuộc về miền Nam rồi. Thuộc về cái chính quyền đang quyết tâm và ra sức chia đôi đất nước.

Cây cầu lúc này đang bị màn mưa che phủ. Nó như ẩn như hiện, như thực như hư. Dầu vậy, nó vẫn là vật biểu hiện cụ thể nhất của sự chia cắt.

Từ giã đồn biên phòng, tôi đi ra cửa Tùng và đến sống với những người chài lưới ở một tập đoàn đánh cá.

Khác với các chiến sĩ biên phòng, những người dân miền biển đều ăn to nói lớn. Họ đối với chúng tôi cởi mở hơn. Họ cũng thích bắt chuyện với tôi vì tôi là người từ xa đến, nhất là từ thủ đô Hà Nội.

Tuy vậy, có một anh trong số họ khiến tôi có phần e dè và đặc biệt để ý. Bởi anh rất ít nói. Anh cũng không hay cười, kể cả khi mọi người ngồi quanh chén rượu, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui nhộn. Anh cũng là một xã viên của tập đoàn. Ngoài nhiệm vụ ra khơi đánh bắt, anh còn được giao một công việc nữa. (Được gia hay tự xung phong nhận lãnh tôi cũng không rõ). Đó là công việc của người gác đèn ở Cửa Tùng.

Một buổi chiều, thấy anh sửa soạn trèo lên nơi đặt đèn, tôi xin anh cho tôi theo lên và đã được anh đồng ý.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (áo trắng, đứng giữa - Ảnh tư liệu) . Ảnh: vtc.vn
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (áo trắng, đứng giữa – Ảnh tư liệu) . Ảnh: vtc.vn

Và cũng như mọi khi, kể từ lúc chúng tôi trèo lên thang cho đến khi anh thắp sáng ngọn đèn, anh cũng không mở miệng nói với tôi một câu nào. Tôi cũng không gợi chuyện để nói bởi vẻ mặt của anh lúc này càng biểu lộ sự đau khổ hơn lúc nào hết. Tôi còn cảm thấy như đôi lúc anh quên rằng có tôi đang ở bên cạnh anh.

Buổi chiều, ở trên cao nên càng vắng lặng. Chúng tôi nhìn ra biển khơi sóng vỗ, nhìn đàn chim hải âu đang bay, nhìn những cánh buồm đang từ từ trôi dạt vào cửa sông. Bỗng nhiên anh nói:

– Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhứt đó… Tôi cũng như đồng chí, tập kết ra Bắc từ hơn hai năm nay… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy… Vì vậy, tôi lên đây không phải để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Vài lần, tôi đã rông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong nhà ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên, nhưng kêu sao cho tới…

Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ bên ấy. Rồi thì tôi thấy khói bốc lên ở đúng ngay xóm tôi. Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào! Tôi đã tìm đủ mọi cách để biết được nhà cửa, vợ con tôi bây giờ ra sao. 

Nhưng không có cách gì hết. Tôi muốn lén đi về bên ấy một lần. Chỉ một lần thôi rồi ra sao thì ra… Đồng chí có biết bao giờ thì mình được về bên ấy hay không? Trước đây tôi là du kích. Bây giờ tôi chỉ muốn cầm súng. Thà chết còn hơn sống hoài trong cảnh thế này…

Một lúc sau, chúng tôi lẳng lặng quay về tập đoàn.

Và bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của tôi được bắt đầu ngay từ cái đêm hôm đó.

TP Hồ Chí Minh, 18/4/1987
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

[footer]