“Còn chút gì để nhớ” được phổ nhạc và hát lần đầu tiên tại Pleiku như thế nào?

Tiếp nối bài viết về nhạc phẩm bất hủ “Còn chút gì để nhớ“, hôm nay  [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu một bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ – ghi theo lời kể của ông N.H – đăng trên báo Gia Lai Online, số Xuân Quý Tỵ 2013

Pleiku. Mùa mưa. Khoảng năm 1970. Trước một chút, tôi bị bắt quân dịch, rồi làm lính kiểng. Lo lót để được ở lại thị xã, công việc chủ yếu của tôi là… chơi nhạc. Pleiku hồi ấy được mệnh danh là thị xã của lính, thị xã của binh khí, xe pháo. Lính tráng có lúc nhiều gấp ba lần dân Pleiku.

Nhưng công bằng mà nói, Pleiku cũng là nơi có rất nhiều quán xá, câu lạc bộ gắn liền với âm nhạc. Tôi còn nhớ, hồi đó một số quán cà phê ở Pleiku vẫn thường tổ chức những đêm thơ, nhạc một cách khá bài bản, ví như quán Văn, Tay Trái,… Pleiku ngày ấy cũng còn là nơi lui tới khá thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, một số người trong đó, còn sống và sáng tác cho đến tận bây giờ.

con-chut-gi-de-nho--nguyen-quang-tue--dongnhacxua.com
Còn một chút gì để nhớ (Vũ Hữu Định). Nguyễn Quang Tuệ thiết kế.

Ngoài hai mươi tuổi, tôi cùng vài ba anh em thân quen đồng trang lứa khác chơi nhạc cho khá nhiều nơi trong thị xã. Thu nhập kể ra cũng không đến nỗi nào nhưng quan trọng là vào thời điểm ấy, tính mạng mình được an toàn hơn là phải ra mặt trận. Một hôm, khoảng hơn 20 giờ, sau khi chơi nhạc, chúng tôi đang sửa soạn rời câu lạc bộ Đại Hàn (Korea Club)-nằm trên đường Hùng Vương (đường Hoàng Diệu cũ, chỗ sát tường rào Nhà Văn hóa Lao động, gần đối diện với cổng Trường THPT Chuyên Hùng Vương bây giờ) để trở về nhà thì có một tốp người đi vào. Sở dĩ hàng đêm chúng tôi phải về sớm là vì, hồi đó, chừng 22 giờ hoặc trước 22 giờ một chút, Pleiku đã phát lệnh giới nghiêm, cấm người dân ra khỏi nhà.

Tôi nhìn thấy trong nhóm đang đi vào ấy có mấy người tôi biết mặt, biết tên từ trước, số còn lại thì sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết họ. Đó là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Kim Tuấn (tức Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (1938-2003), quê Hà Tĩnh, hậu duệ của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, tác giả các lời thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Những bước chân âm thầm, Anh cho em mùa xuân, đồng thời là thầy dạy tiếng Anh của anh em tôi ở Pleiku), đại úy quân cảnh Nguyễn Vinh Hiển (nhà văn Hoàng Khởi Phong, tác giả của tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2009).

Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.
Rạp Chiếu bóng Thanh Bình, năm 1969. Ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm.

Cùng đi với những văn nghệ sĩ ấy còn có một vài người khác nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao quên được một người đã gây cho tôi những ấn tượng mạnh trong buổi tối hôm ấy. Người ấy trẻ, trạc tuổi tôi, mặc một tấm áo màu xám, sau lưng có dòng chữ LCĐB in đậm.

Thấy chúng tôi đứng dậy toan về, nhạc sĩ Phạm Duy nói: Ở nguyên đó đi, có việc cần đấy. Chúng tôi miễn cưỡng chờ, dù trong lòng ai chắc cũng đã nóng như lửa đốt, vì giờ giới nghiêm đã tới rồi. Dường như biết sự lo lắng của mấy anh em nhạc công, ông Phạm Duy lại bảo: Lát có xe đưa về. Cứ yên tâm. Đến nước này thì chúng tôi cũng đành yên tâm vậy, vả lại có ông sĩ quan quân cảnh ở đây, chắc chúng tôi sẽ không bị làm phiền vì về nhà lúc đã quá giờ quy định.

Nhạc sĩ Phạm Duy kéo ghế ngồi xuống, mấy người đi cùng lặng lẽ tản ra xung quanh. Ông lấy trong túi cái áo màu đen đang mặc ra một tờ giấy và một cây bút rồi bắt đầu kẻ các dòng nhạc rất nhanh. Một lát sau, thấy chúng tôi đã đứng, ngồi sẵn sàng bên các nhạc cụ quen thuộc của mình, ông hất hàm bảo: Đô trưởng, boston nhé. Và thế là ông cầm tờ giấy hát trước, mấy anh em tôi đệm theo sau. Ngoài trời lúc ấy có mưa nhưng không nặng hạt lắm.

Giọng Phạm Duy lúc bổng khi trầm khá cuốn hút. Ông dứt lời, mọi người vỗ tay chúc mừng. Tôi nhớ, hình như Phạm Duy hát xong có đặt tờ giấy xuống bàn, gạch sửa chút ít gì đó, hát lại một vài câu rồi mới gấp nó lại bỏ vào túi áo thì phải. Riêng người đặc biệt của tôi đêm ấy thì không nói gì, anh lặng lẽ ngồi đó cho đến khi chúng tôi được một chiếc xe Jeep đưa về tận nhà, mà không bị ai xét hỏi dọc đường. Lúc ấy, tôi đã biết: Anh là Vũ Hữu Định, một người lính phản đối chiến tranh nên bị đày lên mặt trận cao nguyên nguy hiểm trong màu áo LCĐB (lao công đào binh).

Nhiều chục năm đã trôi qua, bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định sau khi được Phạm Duy chắp cánh, có thể nói đã trở nên bất tử, suốt từ sau những năm 1970 của thế kỷ trước đến nay. Tôi rất thích khi có người viết rằng Vũ Hữu Định (và cả Phạm Duy nữa) đã đội vương miện cho thành phố này-Phố núi Pleiku. Tôi biết Vũ Hữu Định từ dạo ấy. Nhưng cũng phải nói thật, ban đầu, tức cái đêm hôm đó, tôi quý anh không phải vì thơ, mà chính là vì thấy… lạ quá, nể phục trong lòng quá.

Trong đầu tôi bao năm vẫn cứ mãi loanh quanh một câu hỏi: Tại sao những văn nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại cất công đi tìm anh, chơi với anh, coi anh như bạn bè thân thiết, trong khi anh đang là lao công đào binh, một người đã phải đứng trước tòa án binh lãnh án, bị đày ra phục dịch tại mặt trận, nơi cái chết có thể đến bất cứ lúc nào? Sau này tôi mới hiểu, đằng sau thân hình thấp nhỏ kia, bên trong tấm áo xám ấy là cả một tâm hồn lớn của một tài năng. Và, những người lớn đã vì tài năng mà quý nhau, đến với nhau, bất kể thân phận cụ thể…

Rất nhiều năm sau, khi tập thơ của Vũ Hữu Định được Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, internet đã phổ biến rộng rãi và nhất là khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam định cư, thường tổ chức các đêm diễn lớn, tôi đã đọc thêm được ở đâu đó những thông tin về bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Rằng nó đã được viết hồi năm 1970, từng được đăng trên tạp chí Khởi hành… Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần lên Pleiku tìm cảm hứng sáng tác, đã gặp Vũ Hữu Định và như ông từng viết thì: Vũ Hữu Định chính là một thi sĩ đích thực. Giống nhiều người khác, khi phổ thơ, vẫn thường thêm vào hay bớt đi một vài câu chữ của nguyên bản, nhưng riêng với Còn một chút gì để nhớ thì Phạm Duy “kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm”-như ông thừa nhận.

Có thể, sau cái lần tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên cho tác phẩm của mình tại Pleiku ấy, nhạc sĩ Phạm Duy còn chỉnh sửa thêm nữa trước khi công bố để bài hát trở nên nổi tiếng. Nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên, dù vào thời điểm ấy, tôi chưa hoàn toàn ý thức được vấn đề, vì bài hát chưa được ai biết, ngoài tác giả, vài bạn bè của ông, trong đó có Vũ Hữu Định và chúng tôi-những người chơi nhạc tình cờ được Phạm Duy nhờ vả chút ít trước giờ giới nghiêm, thời mà Pleiku còn như là… trại lính.

Pleiku từ một thị xã bé nhỏ, nay đã được mở rộng, khác xưa rất nhiều. Tôi đã ở đây suốt từ thời ấu thơ, cho đến lúc về già, chứng kiến biết bao thay đổi. May mắn thay, dù cuộc sống có biến động thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn được làm công việc mà mình yêu thích, đó là chơi nhạc và dạy nhạc. Trong cơ man âm thanh vang lên mỗi ngày ấy, tôi và rất nhiều những bạn trẻ yêu nhạc, vẫn dành những tình cảm trìu mến cho thành phố này. Chúng tôi đã yêu quý, gắn bó với Phố núi Pleiku, một phần vì âm nhạc, trong đó có tác phẩm của Phạm Duy-Vũ Hữu Định-Còn một chút gì để nhớ.

Pleiku: còn chút gì để nhớ!

Trong ký ức của Dòng Nhạc Xưa, những người sinh sau 1975, qua lời kể của ba mẹ kể về những năm tháng sống ở Pleiku thì Pleiku là thành phố của chiến tranh với căn cứ quân sự, khu gia binh và đủ mọi thành phần lính tráng. Rồi khi chúng tôi lớn lên, các anh chị hát cho nghe giai điệu và ca từ bất hủ của bản ‘Còn chút gì để nhớ’ của nhạc sỹ Phạm Duy để mãi sau này mới biết là  phổ thơ Vũ Hữu Định.

con-chut-gi-de-nho--1-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

con-chut-gi-de-nho--2-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
(Nguồn Wikipedia)

Vũ Hữu Định.

Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970.

Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại.

Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng.

Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

BÀI VIẾT CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VỀ NGUYỄN HỮU ĐỊNH VÀ BÀI THƠ ‘CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ’
(Nguồn: XuQuang.com)

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy. Nghe rồi mới đọc.
Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.

Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.

Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.

Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.

Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?

Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.

Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?

Thắc mắc nữa mà chi ?

Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.

Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?

Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau :

“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định

chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận… Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời

một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say

Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.

Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần

Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?

Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.

Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.

Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.

Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.

Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.

Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.

Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng