Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang)

Không khí Giáng Sinh đã tràn ngập khắp các nẻo đường Sài Gòn. Tiếp nối dòng nhạc về mùa Noel, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản “Hai mùa Noel” của nhạc sỹ Đài Phương Trang sáng tác năm 1973. Một điều đáng để ý là không hiểu sao khi chúng tôi đi tìm khuôn nhạc cho “Hai mùa Noel” thì phần lớn đều ghi tên tác giả là Nguyễn Vũ trong khi đó là đứa con tinh thần của nhạc sỹ Đài Phương Trang (tác giả “Người yêu cô đơn”, “Hoa mười giờ”, v.v.) Theo thiển ý của chúng tôi, có sự nhầm lẫn này là do nhạc sỹ Nguyễn Vũ quá nổi tiếng với nhạc Giáng Sinh với “Bài Thánh ca buồn” chăng?

ĐÔI NÉT VỀ BẢN “HAI MÙA NOEL”
(Nguồn: hopamviet.vn)

Những ngày này, khi giai điệu da diết quyện với ca từ “mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường” cùng cái lạnh len lỏi khắp nẻo đường thành phố, tác giả của bài hát Hai mùa noel bất ngờ báo tin “Giáng sinh của chàng trai năm xưa không còn buồn nữa”.

Nhạc sỹ Đài Phương Trang. Ảnh: HopAmViet.vn

Tại quán cà phê ở Q.1, TP.HCM, nhạc sĩ Đài Phương Trang lên sân khấu trình bày ca khúc mới: Hai mùa Noel 2: “Hỏi em hai mùa Noel đã qua từ lâu, mà sao giai điệu mênh mang mãi luôn gọi nhau…”. Ngoài 70 tuổi nhưng giọng hát ông vẫn khỏe và còn tình cảm lắm, cứ thế “kể” tiếp câu chuyện tình dở dang của chàng trai năm nào. Ông nói: “Nếu ngày xưa, chàng trai ấy đau khổ bao nhiêu vì bị tình phụ, cô đơn bao nhiêu trong cái tê tái của “nửa đêm tan lễ bước anh bơ vơ trở về” thì hôm nay, trong Hai mùa Noel 2, anh ta đã vượt qua nỗi đau. Vẫn đi lễ nhà thờ nhưng chỉ “cầu xin ơn lành ban cho những mối duyên đời luôn được chung đôi mãi không chia rời”.

Nhạc sĩ cho biết bạn bè ai cũng hỏi ông: Chàng trai này có phải là tác giả không? Bởi chỉ khi rút ruột viết ra nỗi niềm của mình thì những lời ca, giai điệu ấy mới thấm vào lòng người và day dứt khôn nguôi đến thế. Không chỉ vậy đã 40 năm kể từ khi Hai mùa Noel ra đời, nó vẫn luôn được ngân vang cùng tiếng chuông giáo đường, vẫn luôn được xuất bản với nhiều giọng ca khác nhau của nhiều thế hệ ca sĩ: Anh Khoa, Như Quỳnh, Mạnh Đình, Tuấn Vũ, Vũ Khanh, Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly…

Rồi ông hóm hỉnh: “Tôi có thất tình bao giờ đâu, tất cả những chuyện tình buồn ấy đều viết cho bạn bè hoặc những người xa lạ mà tôi thấy, nghe được”. 40 năm trước, khi chở người yêu – là vợ ông bây giờ – dạo phố xem người ta đi lễ, ông vô tình bắt gặp chàng trai đứng tựa gốc cây gần nhà thờ Đức Bà (TPHCM) hàng giờ đồng hồ.
“Tan lễ, khi mọi người về gần hết tôi vẫn còn thấy anh đứng đó. Hình ảnh này cứ ám ảnh trong tôi… 2 năm sau, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông gợi ý các tác giả viết bài Noel cho đĩa Giáng sinh của hãng Sơn Ca, tôi nghĩ ngay đến chàng trai trong đêm lễ ấy và hư cấu thành Hai mùa Noel”, ông nói.

Dù có nhiều sáng tác dành cho giáo đường nhưng nhạc sĩ thổ lộ: “Tôi không phải là người Công giáo, mà chỉ may mắn được hai người bạn thân tặng hai quyển thánh kinh. Có lẽ nhờ đó mà tôi viết nhạc Noel được khen tự nhiên như người có đạo”. Hỏi nhạc sĩ lâu nay toàn sáng tác để nói hộ tiếng lòng và an ủi người khác, có bao giờ ông viết cho chính mình, ông hào hứng mở tập ca khúc viết từ năm 2010, khoảng hơn 20 bài. “Đây mới là những tâm sự của tôi, cũng là nhạc tình hết đấy, được viết theo thể loại slow và boston”.

* Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn, có 3 người con. Ông từng là giáo viên dạy nhạc Trường Phú Định, Q.6 và hiện sống cung vợ tại Q.Bình Tân, 3 người con của ông cũng ở gần đó. “Khi mới học đàn, tôi chỉ chơi đàn những nơi có bạn bè là nam, vì cứ có nữ là tôi mắc cỡ không đàn được. Vậy nên khi bắt đầu sáng tác, tôi nghĩ ngay: Đàn Phương Trai, chỉ đàn nơi nào có con trai! Nhưng sau bạn bè lại bảo: tên gì đọc khô quá, rồi có ông bạn vui tính lái lại: hay là Đài Phương Trang đi, êm tai hơn nhiều” nhạc sĩ thổ lộ

Theo Mothegioi.vn

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ ĐÀI PHƯƠNG TRANG
(Nguồn: wikipedia.com)

Đài Phương Trang (sinh 1940) là một nhạc sĩ nhạc vàng Việt Nam. Ông là cháu của nhạc sĩ Ngọc Sơn.

Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Hai bút danh khác là Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ.

Trước 1975
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc từ năm 1966, đến nay ông đã có hơn 500 ca khúc. Ông là cựu giáo viên âm nhạc Trường Trung học cơ sở Phú Định (Quận 6).

Một số ca khúc phổ biến của ông là: Hoa mười giờ (đồng sáng tác với Ngọc Sơn), Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền Tây, Tình nghèo có nhau, Ước mộng đôi ta… và đặc biệt là bài “Người yêu cô đơn” (viết năm 1973) là ca khúc tiêu biểu của ông và cũng là nhạc phẩm giúp tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ được thính giả khắp nơi biết đến.

Sau 1975
Sau 1975, ông là một trong số ít các nhạc sĩ ở lại Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sáng tác. Giống như các nhạc sĩ cùng thời như Thanh Sơn, Hàn Châu, Tô Thanh Tùng, Vinh Sử,Giao Tiên… ngoài sự tiếp nối của dòng nhạc trữ tình Boléro, ông còn viết thêm mảng nhạc quê hương mang âm hưởng Nam Bộ và khá thành công.

Nhưng nhạc hài mới là thể loại nhạc mà ông tâm huyết nhiều nhất. Ấp ủ từ lâu nhưng đến năm 1990 ông mới bắt tay vào viết nhạc hài và tìm bạn diễn. Cùng với Phương Khanh (diễn viên Đoàn kịch Kim Cương), ông thành lập nhóm “Hai Con Dế”, ra sân khấu với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng và chơi đàn guitar. Sau khi Phương Khanh qua đời, ông tiếp tục duy trì nhóm với một số bạn diễn mới như Kông Thanh Bích[1], Hải Thanh và hiện nay là nhạc sĩ Đức Tân.

Gia đình
Đài Phương Trang hiện sống cùng vợ và ba người con (2 gái, 1 trai) tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

“ Ước vọng của chúng tôi là được đem lời ca tiếng đàn để phục vụ công chúng qua thể loại ca hài hầu mang đến những nụ cười dí dỏm, ý nhị có tính nghệ thuật trong những ca khúc hoàn toàn mới – từ giai điệu đến lời ca chứ không phải đặt lời mới trên những giai điệu cũ mà người ta thường gọi là “nhạc chế”. ”
—Đài Phương Trang

Nguyễn Vũ & Bài thánh ca buồn: nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn

Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, giai điệu quen thuộc của bản ‘Bài thánh ca buồn’ của Nguyễn Vũ lại vang lên qua giọng ca rất có chiều sâu của Elvis Phương. Và cứ mỗi lần nghe ‘Bài thánh ca buồn’ thì chúng tôi lại thắc mắc tại sao ‘bài thánh ca’ mà lại ‘buồn’!? Bởi lẽ, đã là Thánh ca thì không có bài nào buồn cả vì đó là những lời ca đem lại nhiều hồng ân Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, nhất là những bài Thánh ca mùa Noel. Thế rồi DongNhacXua.com chúng tôi hân hạnh được nghe tâm sự của chính tác giả, nhạc sỹ Nguyễn Vũ, trong một dịp ‘trà dư tửu hậu’ vào mùa Giáng Sinh năm 2004 khi ông trải lòng mình với chuyên mục Văn Nghệ của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Thì ra, ‘bài thánh ca’ mà Nguyễn Vũ nói đến chính là bản ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ bất hủ và ‘buồn’ là vì ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ gắn với một kỷ niệm buồn và đẹp của tác giả với người bạn gái đầu đời!

Nhạc sỹ Nguyễn Vũ.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm và bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin – như là một định mệnh – cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.

TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ‘BÀI THÁNH CA BUỒN’
“Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…

Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.

LỜI BÀI HÁT (SÁNG TÁC 1972, HÃNG ĐĨA SƠN CA GHI ÂM LẦN ĐẦU TIÊN)
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mang buồn…

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
 Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi …

[footer]