Dòng Nhạc Xưa vừa nhận được email của người quản trị trang casihathanh.wordpress.com giới thiệu bài cảm nhận về giọng hát của cố danh ca Hà Thanh (1937 – 2014). Bài viết là của một cậu học trò lớp 9 có tên Đinh Hoàng Anh. Dòng Nhạc Xưa chưa có cơ hội tiếp xúc với tác giả nhưng xét nội dung sâu sắc của bài viết, chúng tôi mạn phép đăng tải để người yêu nhạc có dịp ôn lại những kỷ niệm về dòng nhạc xưa cũ.
Tiếng hát của một thời đã qua
Đã gần một thế kỉ qua,kể từ khi tân nhạc bắt đầu xuất hiên để rồi sinh ra bao nhạc sĩ tài danh: Văn Cao,Phạm Duy,Hoàng Giác,Lê Thương…cùng với đó là những bản tiền chiến lãng mạn (mang trình độ thưởng thức sâu rộng cao,phong phú hơn) để phân biệt với nhạc vàng(bolero) sau này tại miền Nam Việt Nam. Nói đến những ca sĩ của dòng nhạc này chúng ta không thể không nhắc tới nữ danh ca Hà Thanh _ giọng ca vàng trong nền tân nhạc trước 1975 ,tiếng hát của miền sông Hương núi Ngự.
Nói tới cô Hà Thanh là nhớ tới Huế bởi âm sắc địa phương trong giọng hát của nữ ca sĩ tài danh.Không phải ngẫu nhiên Hà Thanh được mệnh danh là «Con chim Hoạ Mi xứ thần kinh» miền thùy dương mặc dù cũng có nhiều ca sĩ xuất thân từ Huế như Thanh Thúy, Lệ Thanh. Và không phải bài hát nào cô Hà cũng hát giọng Huế mà phần lớn các ca khúc của cô hát giọng Bắc (tiếng chuẩn). Một số bài về Huế cô vẫn hát tiếng Bắc như Khúc tình ca xứ Huế, Thương về xứ Huế…Nhưng trong tiếng hát ấy vẫn mang âm thanh dịu ngọt vang lộng tha thiết,trìu mến mang hơi hướng sắc thái thơ mộng,trữ tình.Bởi một số phụ âm,ngữ điệu,cách nhả chữ khi cô Hà hát có sự luyến láy vần điệu riêng như s,r,tr…đặc biệt trong nhạc phẩm Ai ra xứ Huế (nước sông Hương còn thương chưa cạn, chim núi Ngự tìm bạn bay về…) thì có lẽ chỉ có người gốc Huế như cô mới có thể truyền tải tự nhiên đến như vậy.