Hà Nội, mối giao hòa thơ – nhạc – họa

Tiếp nối chủ đề những địa danh đã đi vào nhạc, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Nguyễn Đào Bích về một Hà Nội hòa quyện giữa thơ – nhạc – họa.

Hà Nội trong thơ, nhạc, họa

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Đào Bích đăng trên LaoDong.vn ngày 2019-02-25)

Vẻ đẹp Hồ Gươm Hà Nội. Ảnh: Sơn Tùng

Vẻ đẹp của Hà Nội là vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến hòa quyện giữa thơ – nhạc – họa.

Với vẻ đẹp thanh bình, Hà Nội trở thành nguồn cảm hứng của những tác giả đại thụ về âm nhạc, thơ ca và hội họa.

Đọc tiếp

Hà Nội & niềm đam mê đĩa than

Đĩa than (tiếng Anh gọi là vinyl) ra đời đầu thế kỷ 20 và là phương tiện lưu trữ chính của ngành công nghiệp ghi âm trong vòng hơn 50 năm cho đến khi công nghệ băng từ (băng cối, băng cassette) ra đời. Với lịch sử lâu đời như vậy, điều dễ hiểu là số lượng máy nghe đĩa nhựa ngày càng hiếm. Tuy nhiên, đâu đó trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta vẫn còn tìm thấy một số ít người yêu nhạc có đam mê bất tận với đĩa than. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm đăng trên An Ninh Thủ Đô về thú chơi đĩa than đất Hà Thành.

Người ở lại nặng lòng với đĩa than

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm đăng trên anninhthudo.vn ngày 2017-10-10)

ANTD.VN – Đĩa than phổ biến ở Việt Nam vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước rồi rơi vào quãng thăng trầm bởi sự phát triển của băng cối, băng cassette, đĩa CD rồi nhạc số… Vậy mà vẫn có người bao năm “nặng lòng” với đĩa than, âm thầm nghe, không bỏ được; có người lại thành cái thú sưu tầm tao nhã. Một vài năm trở lại đây, thêm nhiều người nghe đĩa than, như một sự tìm về những giá trị xưa cũ vì nhịp chảy thành phố quá hối hả, bộn bề.

Nhiều người chọn nghe đĩa than bởi chất lượng âm thanh và tìm về kỷ niệm

Hà Nội trong dòng nhạc Phú Quang

Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng trải qua thời niên thiếu và cả một quãng đời tuổi trẻ ở đất Hà Thành, Phú Quang yêu và hiểu dải đất dọc sông Hồng như một đứa con tinh thần. Và vì thế, Hà Nội cũng là một chủ đề chiếm tỷ trọng đáng kể trong gia tài sáng tác đồ sộ của nhà nhạc sỹ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org để người yêu nhạc có cái nhìn thêm về “Hà Nội trong dòng nhạc Phú Quang”.

Phú Quang: ‘Hà Nội là quê hương’

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2015-10-11)

Nhạc sĩ Phú Quang

Chương trình âm nhạc tuần trước, Cát Linh đã giới thiệu các bài hát về mùa thu Hà Nội, cảm nhận thời khắc đẹp nhất của mùa thu Hà Nội qua những bản nhạc được sáng tác bởi nhiều nhạc sĩ. Trong đó, có Phú Quang, người nhạc sĩ đã thốt lên rằng ở Việt Nam, không có nơi nào có mùa thu đẹp như ở Hà Nội. Hôm nay, xin mời quí vị theo dõi những chia sẽ của Phú Quang về triết lý sáng tác của mình, và hiểu vì sao Hà Nội là người tình muôn thưở trong nhạc phẩm của ông.

Hà Nội là quê hương

“Chiều đông sương giăng phố vắng Hàng cây lặng câm, hát câu mặc trầm Ta còn chờ ai, nhạt phai sắc nắng Heo mây tan nhoà, bao giấc mơ xưa….” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội)

Những bài hát về mùa thu Hà Nội

Dòng Nhạc Xưa đã có nhiều bài viết về Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hôm nay chúng tôi mời người yêu nhạc thư thả về lại với mùa thu Hà Nội, qua một bài viết của tác giả Cát Lynh.

Những bài hát về mùa thu Hà Nội

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2015-10-04)

Mùa thu Hà Nội hiện lên với nét thâm trầm, cổ kính

“Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…” (Có phải em là mùa thu Hà Nội)

Tàu Anh Qua Núi (Phan Lạc Hoa)

Người Pháp khi đặt chân đến Đông Dương khoảng năm 1858 đã nhanh chóng phát triển và đặt nền móng vững chắc cho ngành đường sắt Việt Nam. Và cũng đã hơn 50 năm, hình ảnh sân ga và con tàu cũng đi vào nền nhạc Việt. Hôm nay [dongnhacxua.com] giới thiệu tác phẩm nổi tiếng “Tàu anh qua núi” của một nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh: Phan Lạc Hoa.

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải – Bùi Thanh Tuấn)

Mới đó mà đã 20 năm. Những năm 1995. [dongnhacxua.com] còn nhớ như in cái rét đầu đông Hà Nội. Chúng tôi cùng một số anh em nghệ sỹ lang thang trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), rồi kéo về Hồ Tây và cuối cùng là kết thúc ở một quán cóc gần bờ hồ. Với một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam nắng ấm như chúng tôi, cảm giác được trải nghiệm cái lạnh của xứ Bắc quả thật là tuyệt vời. Lại càng hạnh phúc hơn khi được cùng các bạn văn nghệ nhâm nhi rượu Làng Vân, đọc bài thơ “Chia tay người Hà Nội” của Bùi Thanh Tuấn và đàn hát say sưa những nhạc phẩm thịnh hành về Hà Nội lúc đó như “Hà Nội đêm trở gió”, “Hoa sữa, v.v. Hôm nay, trong cái lạnh muộn của Sài Gòn, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”.

BÀI THƠ “CHIA TAY NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA BÙI THANH TUẤN
(Nguồn: thivien.net)

Tặng anh Trần Quang Dũng

Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.

Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.

Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.

Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…

Đêm Hội quán – Đông 1992

Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’.

ĐÔI NÉT VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA “HÀ NỘI MÙA VẮNG NHỮNG CƠN MƯA”
(Nguồn: đăng trên chungta.vn ngày 16/06/2014)

Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn có cuộc trò chuyện với Chúng ta về nhạc sĩ Trương Quý Hải và những sáng tác của anh.

Trương Quý Hải (trái) và Bùi Thanh Tuấn (phải).
Trương Quý Hải (trái) và Bùi Thanh Tuấn (phải).

– “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, ca khúc gắn với tên tuổi của anh và nhạc sĩ Trương Quý Hải, đã có tuổi đời 22 năm. Lúc đó, hai người gặp nhau như thế nào?

– Chúng tôi gặp nhau tình cờ vào buổi giao lưu sinh viên giữa hai miền Nam – Bắc diễn ra tại Hội quán sinh viên của trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Lúc đó, đoàn nào có tiết mục gì thì góp vui cái nấy. Tôi là dân Văn nên nghĩ chỉ có làm thơ mới được… lên sân khấu. Tôi bèn lân la làm quen với những người bạn mới, tò mò hỏi họ về Hà Nội và từng người kể tôi nghe. Ngay hôm đó, chỉ trong vòng 15 phút tôi viết liền một mạch bài thơ ngắn bằng các chất liệu góp lại từ lời kể của bạn bè và những hiểu biết ít ỏi về Hà Nội. Tôi lồng ghép vào trong bài thơ một câu chuyện tình lãng mạn hoàn toàn tưởng tượng để gọi tên một Hà Nội mơ hồ mà tôi không dám chắc là nó có giống thủ đô mà tôi chưa bao giờ đến hay không.

Sau khi đọc giao lưu trên sân khấu, nhạc sĩ Trương Quý Hải đến chỗ tôi xin tờ giấy chép bài thơ. Lúc đó tôi chưa biết anh là ai. Ai xin thơ thì tôi thích lắm, thế là tặng luôn. Tối đó mọi người hẹn nhau liên hoan ở nhà nghỉ công đoàn, nơi đoàn Hà Nội trú ngụ. Anh Hải bước vào phòng và tuyên bố vừa sáng tác xong một ca khúc mới lấy câu thơ đầu làm tựa: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Hải tung guitar lên, rải hợp âm chủ mi-thứ và hát. Tôi rất cảm động và sau đó chúng tôi thân nhau.

– Nhiều ý kiến cho rằng “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là một bài thơ rất hay. Nhưng nếu không có Trương Quý Hải phổ nhạc, đó chỉ là những câu thơ nằm yên trên trang giấy. Anh bình luận sao về ý kiến này?

– Thơ thì phải nằm trên giấy chứ! Chỉ có nhạc mới cất nên âm vang. Câu hỏi này mang tính “khích tướng”, nhưng tôi thích. Nếu không có anh Hải, bài thơ vẫn có đời sống của một bài thơ, tôi nào sợ gì! Ngược lại, nếu không có duyên may gặp gỡ, anh Hải sẽ không có bài nhạc phổ thơ tôi thì vẫn sẽ có những ca khúc rất hay khác (được biết anh Hải là nhạc sĩ rất chịu khó làm lời, ít phổ thơ). Với lại hai anh em chúng tôi không bao giờ tranh luận về điều đó, chỉ cảm thấy hạnh phúc vì hai người đã “ăn ở” và “đẻ” ra được một đứa con chung xinh đẹp. Năm nay nó vừa tròn 22 tuổi rồi.

[footer]

Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn)

Hà Nội vốn dĩ được ưu ái rất nhiều trong thi ca Việt Nam, mà đặc biệt là một Hà Nội khi vào thu. [dongnhacxua.com] xin tiếp tục dòng nhạc mùa thu với bản “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

nho-mua-thu-ha-noi--trinh-cong-son--trinh-cong-son.com--dongnhacxua.com
Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Ảnh: trinh-cong-son.com

NỖI NHỚ MÙA THU HÀ NỘI CỦA NGƯỜI PHƯƠNG NAM
(Nguồn: bài viết của tác giả Hoài Hương đăng trên vov.vn)

Đối với một người phương Nam như tôi, mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được.

Trời xanh cao vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ, từng sợi một thả xuống óng ánh. Hà Nội dịu dàng, hồi hộp đón mùa cốm mới thơm mùi sữa lúa, hương sen thoang thoảng sót lại, những quả hồng đỏ mọng mời gọi như môi thiếu nữ, đây đó thấp thoáng bóng áo nâu quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi chín hồng tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị, xưa xưa cổ tích…Trên những hàng cây loáng thoáng vài chiếc lá vàng… Mùa thu Hà Nội rón rén, ngập ngừng, ngấp nghé đổi chỗ mùa hạ nồng nàn cháy bỏng.

Tôi ở phương Nam, một năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng đổ xuống như chảo lửa cứ hừng hực đốt cháy cả lòng người. Mưa thì như nghiêng trời lệch đất, nước cuồn cuộn trôi, trôi tuột mọi thứ, con người cũng muốn tan theo nước mà trôi đi. Người phương Nam như tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội, mà không phải lúc nào cũng có thể có. Vâng! Quà tặng – Mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bãng lãng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết và cứ muốn say mãi.

Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành
Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành

Cốm Làng Vòng – hương vị thu Hà Nội, nét lạ đầy ấn tượng. Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê và huyền thoại làng, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm một vài sợi rơm không quá chặt, không quá lỏng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Tràng An- người Hà Nội.

Ngay cả đến cách ăn, cũng là một nghệ thuật thưởng thức ẩm thực tuyệt vời. Không phải xúc từng muỗng (thìa) lớn như ở phương Nam khi ăn cốm dẹp trộn dừa, cứ cho hết muổng này tới muổng khác, ào ào một lúc là hết. Cốm Vòng, đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt cốm, bỏ vào miệng, nhẩn nha để vị cốm dẻo, ngọt, thơm tan ra từ đầu lưỡi thấm vào… cảm hết hương vị trời, đất, đồng quê, nắng gió trong hạt cốm.

Ở Hà Nội, hình như mùa thu mới là lúc trái quả phô diễn hết sắc vị được tích tụ, chắt lọc bằng nắng gió, tinh túy đất trời. Hồng đỏ mọng môi ngọt lịm, na xanh biếc mắt ngọt thanh tao, bưởi vàng mơ ngọt mát the the đầu lưỡi, nhãn nâu đất ngọt đậm đà…, đặc biệt một loại quả chỉ có ở Hà Nội – quả sấu, vàng ươm, chua ngọt, một loại quả không phải để bày biện cho đẹp cho sang, nhưng len lỏi khắp nơi… Từ nhà hàng đặc sản đến bữa cơm đạm bạc bình dân, từ quí cô, quí bà sang trọng đài các đến em bé bán báo dạo trên phố.

Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Những quả sấu chín vàng đựng đầy trong rổ hay chất một mẹt trên hè phố, ở góc chợ… nhìn ngồ ngộ, quê mùa, xấu xí, nhưng sao hấp dẫn đến kỳ lạ. Tôi đã đứng thật lâu quan sát, thấy thứ quả bình dị mà có sức mê hoặc đến hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn. Thảo nào, mà trong văn trong thơ viết về Hà Nội, nhiều người nhắc đến quả sấu như một nỗi nhớ, một mối tình vấn vương, một kỷ niệm ấu thơ rất riêng của Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

Một trưa nắng nhẹ, lang thang phố cổ vắng tiếng xe, trong bóng cây sẫm màu lốm đốm nắng, bóng dáng áo nâu, tóc bạc quẩy một gánh quả có mùi thơm là lạ, thong dong ngược lại, đi qua tôi, như bất chợt vấp phải một cái gì đó mơ hồ, tôi quay lại níu lấy bà… Ôi quả thị, quả thị của nàng Tấm trong cổ tích. Tròn đầy, xinh xắn, vàng mướt màu nắng, và mùi thơm là tổng hòa mùi lúa chín, mùi rơm mới, mùi bếp lửa, mùi làng quê…

Bà cười hiền hậu (không biết có phải là bà lão bán quán nước đã rước quả thị nàng Tấm về nhà trong cổ tích), tặng tôi một quả thị thật đẹp cùng câu chúc rất cổ tích: Cô sẽ gặp được người tri âm tri kỷ. Và đêm ấy, trong giấc mơ của tôi, bước ra từ quả thị là một chàng trai, như hoàng tử trong truyện thần thoại, đến với tôi… Tỉnh dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ, sương lễnh loãng trong ánh trăng non mờ ảo và mùi thơm quả quả thị sực nức căn phòng…

Gánh hàng rong mang theo những "hương sắc" của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Gánh hàng rong mang theo những “hương sắc” của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Mùa thu Hà Nội, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây giữa trưa, là hương quả đầy mời gọi, mà còn là nét quyến rũ đến ngọt say người phương Nam từ những đêm trăng và hoa sữa. Đêm và hoa mùa thu Hà Nội đẹp lạ lắm. Đêm tĩnh lặng, nhẹ lâng lâng, trong veo. Những ồn ào, vất vả của ngày hình như ngủ theo mặt trời, chỉ nghe có tiếng ri rỉ của dế, tiếng sột soạt của chiếc lá rơi, xa xôi đâu đó tiếng cá quẫy nước giỡn trăng trong hồ… Ánh trăng gần rằm phủ xuống vầng sáng mát lạnh như ướp đá, bóng hàng cây hoa sữa sẫm màu, để nổi bật những chấm trắng lấm tấm của từng chùm hoa, như một vệt ngân hà lạc xuống. Đêm đẹp như mộng. Đêm sóng sánh, hoa sữa ngọt say tung thả mùi hương theo gió lan tỏa cả mặt hồ loáng ánh bạc của trăng.

Trăng, hoa lẫn vào sương giăng mỏng mờ, lãng đãng, chồng nhòe cảnh vật ẩn hiện, bí ẩn. Bầu trời lấp lánh các vì sao như bức tranh cẩn vụn kim cương của nghệ sĩ thần tiên dành riêng ban tặng cho những ai thức cùng đêm. Tôi đã đi như thế, cảm nhận vẻ đẹp liêu trai của đêm thu Hà Nội mãi đến khi sương tụ lại từng giọt đọng trên lá cỏ, như giọt nước mắt đêm, và xa xa dội lại nhịp thở của một ngày mới sắp bắt đầu.

Để trọn vẹn sắc thu Hà Nội, ôm trọn mùa thu Hà Nội làm quà cho các bạn ở phương Nam, tôi đã làm một cuộc thăm viếng những “địa chỉ đỏ” danh tiếng ở Hà Nội gắn liền với mùa thu: Bắc Bộ Phủ, Quảng trường Ba Đình, Nhà Viễn Đông Bác Cổ… Nhìn màu đỏ của sắc cờ, hoa những nơi này, nghe vang vọng lời ca oai hùng “Đoàn quân Việt Nam đi…”, như sống ngược thời gian một mùa thu xưa, âm vang lời Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh tên nước Việt Nam và một mùa thu của những đoàn quân” Trùng trùng say trong câu hát…” tiến về giải phóng Thủ Đô…

Ngày trở về phương Nam, tôi xao xuyến chia tay thu Hà Nội, quyến luyến như mối tình đầu. Mùa thu – món quà tặng của Hà Nội cho người phương Nam như tôi, giống vị ngon, vị ngọt, hương say của môi hôn tình đầu, để rồi nhớ… thầm hẹn./.

[footer]

‘Hà Nội niềm tin và hy vọng’ và câu chuyện Phan Nhân trước lễ cưới Triều Dâng

[dongnhacxua.com] xin mạn phép giới  thiệu một bài viết của nhà báo Nguyên Minh để người yêu nhạc xưa hiểu rõ thêm về nhạc sỹ Phan Nhân và “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”

‘HÀ NỘI, NIỀM TIN VÀ HY VỌNG’ VÀ CÂU CHUYỆN PHAN NHÂN TRƯỚC LỄ CƯỚI TRIỀU DÂNG 
(Nguồn: nhà báo Nguyên Minh đăng trên TheThaoVanHoa.vn)

(Thethaovanhoa.vn) – Nhạc sĩ Phan Nhân đến với âm nhạc từ năm 19 tuổi với nhiều sáng tác về cách mạng nhưng phải đến năm 1967, khi 36 tuổi, như lời tự bạch, “mới được chính thức thừa nhận là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp”, khi 2 tác phẩm của ông, Chú ếch con và Chú cừu Mộc Châu đoạt giải A cuộc thi sáng tác thiếu nhi trung ương. Và 5 năm sau, sự nghiệp của ông đã đạt mốc son chói lọi khi ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ra đời.

Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và người sáng tác ra nó đã không sợ hãi, chấp nhận hy sinh để có thể tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.

Sáng đi hỏi vợ, tối rền tiếng bom

Còn đúng một tuần lễ nữa là đến Noel 1972, Giáng sinh thời chiến. Hà Nội rét ngọt và ngọt ngào hương hoa sữa. Hôm đó, ngày 18/12, nhạc sĩ Phan Nhân đi hỏi vợ. Lúc ấy ông đã 41 tuổi và ai trong cuộc cũng quá biết, ông đã cưới bà Phi Điểu từ năm 1957. Hóa ra không phải, sáng hôm ấy ông đi hỏi vợ cho ông bạn nhạc sĩ thương binh, Triều Dâng. Họ nhà trai ủy quyền và phía nhà gái vui vẻ chấp nhận, đám cưới được định sẽ diễn vào đầu năm sau.

Như mọi bữa, cơm chiều xong xuôi, thành phố cũng vừa lên đèn, nhạc sĩ Phan Nhân ung dung đạp xe 4 cây số từ nhà ở khu lao động Mai Hương, chợ Mơ lên chơi với anh bạn Triều Dâng cư ngụ ngay trong khuôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ. Một lát sau, thể nào nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng sẽ từ tập thể Đại La, Bạch Mai lọc cọc đạp xe đến, như mọi khi.

Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Nơi ở của ông bạn Triều Dâng cũng có thể xem là một câu lạc bộ âm nhạc mini. Chỉ có mấy mét vuông được ngăn ra bằng phên tre liếp nứa từ căn phòng làm việc của Ban biên tập đài, vừa đủ chỗ cho một chiếc giường, một cái bàn và một cây đàn.

Nhạc sĩ Phan Nhân nhớ lại: “Ở đấy tha hồ mà đàn hát, chuyện trò, bàn luận về âm nhạc, cho nhau nghe tác phẩm mới sáng tác hoặc ý đồ về dàn dựng các tiết mục thu thanh đã lên chương trình. Ngoài ra có thể nghe được cả nhạc băng, đĩa cổ điển phương Tây, nhạc nhảy, nhạc nhẹ đủ các thứ trên đời… Chỉ bằng ấy thôi cũng đã đủ hết rồi”.

Mỗi lần họp nhau như vậy là dậy xóm làng, rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát, om sòm tiếng nói tiếng cười. Tối hôm ấy chú rể tương lai Triều Dâng nổi hứng kể chuyện tiếu lâm Nam Bộ, còn nhạc sĩ Phan Nhân hát một bài ca dao hơi tục vừa được phổ nhạc và như mọi khi, cả nhóm lại cười lăn lóc, la hét ầm ĩ. Căn buồng chật ních tiếng đàn, tiếng hét, tiếng giậm chân rầm rầm muốn sụm cả giường. Nhưng hôm ấy, đúng lúc ấy, những ánh chớp chói lòa cả vùng trời Hà Nội.

Nhạc sĩ Phan Nhân ghi lại khoảnh khắc khó quên đó: “Rền rền ầm vang những tiếng nổ liên hồi. Rực hồng như đám cháy xăng dầu. Còi hụ. Đèn vụt tắt. Tiếng hát, tiếng đàn cũng đột nhiên im bặt. Có tiếng máy bay rền rĩ nặng nề. Hàng bầy máy bay Mỹ. Các cỗ pháo đan chéo như thoi đưa trên nền trời Hà Nội. Chớp lóe ùng oàng. Mịt mùng lửa khói. Hàng loạt tiếng bom rền dậy đất. Đích thị là B.52. Hà Nội đang kiên cường giáng trả. Tôi nhìn đồng hồ: 19h10. Lần đầu tiên đụng độ với B.52 quả cũng ớn”.

Nhưng bấy nhiêu chỉ càng làm tăng tinh thần cho ông. Ông muốn chứng kiến tận mắt sự khốc liệt của chiến tranh.

Hà Nội mến yêu của ta

Bất chấp sự ngăn cản của tự vệ cơ quan, nhạc sĩ Phan Nhân chụp vội lên đầu chiếc mũ sắt vẫn mang theo bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng lầu 4, lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng.

Ông ghi lại: “Hà Nội đỏ trời bom đạn. Miểng đạn đan vèo vèo. Bất chấp! Tôi phải tận mắt nhìn Hà Nội chiến đấu từ trên cao. Hầm trú ẩn thì an toàn nhưng quá ngột ngạt đối với tôi. Tôi thích có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Từ trước tới nay tôi vẫn thế, bao phen suýt “hy sinh” nhưng tôi cóc sợ.

Tôi là người trong cuộc, tôi phải tận mắt nghe nhìn để viết. Không phải để coi chơi. Hà Nội mến yêu của tôi!

Những mảnh B.52 cháy rực, lả tả rơi như mời như gọi tôi. Tôi muốn tụt ngay xuống đất cũng nhanh nhẹn như lúc lên và băng ra đường. Nhưng rồi lại tiếc, sợ xuống rồi không nhìn được rộng, được xa cuộc chiến đêm nay. Cơ hội nghìn năm có một. Và rồi một cảnh hùng tráng hiện lên: cột anten truyền hình cao 50m hiện rõ trên nền một máy bay Mỹ đang cháy rồi rơi giữa trời Hà Nội”.

Tiếp tục bám trên cao để “quay phim” bằng mắt, ghi âm bằng tai và bất giác nhạc sĩ Phan Nhân nghĩ về mặt nước Hồ Gươm ban chiều vẫn còn lung linh, yên ả. Ông nhủ thầm trong lòng, nếu còn nguyên vẹn đến sáng mai nhất định sẽ đạp xe một vòng quanh hồ”.

Và đêm hôm ấy những giai điệu đầu tiên bật ra, nhạc trước lời sau, điệp khúc trước, đoạn đầu sau. “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ…”.

Cứ thế, suốt 12 đêm liên tiếp, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn leo lên tầng 4 trong tiếng bom đạn gào rú. Ông chỉ chui xuống hầm trú ẩn chỉ khi nào sáng tác và nghỉ ngơi.

Và khi những tiếng bom ngừng rơi, Hà Nội vào ngày mới, ông viết đoạn mở đầu: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…”. Để có được câu: “Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau” ông đã phải tìm chữ rất kỹ. “Không” hay là “chưa” cũng phải trằn trọc suốt đêm.

Sau 12 ngày đêm, Hà nội niềm tin và hy vọng ra đời, thực sự “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền”. Chất trữ tình quyện với chất hùng ca tạo nên cho cả bài hát một không gian truyền cảm sâu lắng, như thể tác giả đã rút toàn bộ ruột gan để viết nên những giai điệu và ca từ đi thẳng vào lòng công chúng.

Cuối năm 1972, Hà Nội niềm tin và hy vọng đã lần đầu xuất hiện trước công chúng qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng hát vàng Trần Khánh. Năm 1973, bài hát này cũng đã đoạt giải A cuộc thi sáng tác về Hà Nội chiến đấu chống B.52.

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh ngày 25/5/1930 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Ông nổi tiếng với các ca khúc: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Thành phố của tôi, Chú ếch con… Ông vừa qua đời hôm 29/6/2015 tại TP.HCM do bệnh tật và tuổi cao sức yếu.

Nguyên Minh

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Nhân (1930-2015)

Người yêu nhạc chưa khỏi ngậm ngùi về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Khê thì lại đón nhận thêm tin buồn khi phải vĩnh biệt hai nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân ngay trong ngày 29.06.2015. Chúng tôi đã có bài vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong một bài viết trước. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin được phép gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhạc sỹ Phan Nhân và cầu mong linh hồn ông mau an nghĩ chốn cực lạc.

Nói đến nhạc sỹ Phan Nhân, chắc hẳn người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến bản “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, một trong những sáng tác bất hủ về Hà Nội. 

Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 - 2015). Ảnh: wikipedia.com
Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 – 2015). Ảnh: wikipedia.com

Theo wikipedia.com, nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là LiêuNguyễn Phan Nhân. Ông sinh ngày 15.05.1930 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An  Giang. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc và tham gia sinh hoạt âm nhạc ở miền Bắc. Như vậy khác với “một Hà Nội trong hoài niệm” của rất nhiều nhạc sỹ gốc Bắc di cư vào miền Nam như Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Vũ Thành, Anh Bằng, v.v., nhạc sỹ Phan Nhân viết  về “một Hà Nội thực tại” đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, mất mác của chiến tranh.

Dù không có nhiều cơ hội trực tiếp nói chuyện với nhạc sỹ Phan Nhân nhưng qua vài dịp tham gia sinh hoạt tại Sài Gòn, [dongnhacxua.com] dễ nhận ra nét mộc mạc, dung dị vốn có của một người miền sông nước An Giang nơi nhà nhạc sỹ.

Theo thiển ý của chúng tôi, một trong những yếu tố góp phần làm cho “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” sống mãi trong lòng công chúng là tính chân thực. Theo chúng tôi tìm hiểu, nhạc sỹ Phan Nhân viết bản này cuối năm 1972, sau khi tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc mà đỉnh điểm là “Hà Nội 12 ngày đêm”. Khác với nhiều sáng tác ra đời ở miền Bắc vào thời kỳ này, “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” không lên gân về chủ trương, chính sách hay ca ngợi chế độ một cách quá đáng mà chỉ diễn tả chân thực một Hà Nội vừa phải oằn mình chống chọi với bom đạn, vừa phải tìm ra “niềm tin và hy vọng” để vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh, để mong một ngày quê hương Việt Nam hòa bình và tự do đúng nghĩa!

[footer]

Mùa Xuân, Làng Lúa, Làng Hoa (Ngọc Khuê)

Tiếp nối dòng nhạc xuân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một bài hát rất phổ biến thời “bao cấp”, những năm 1980: bản “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê, một nhạc sỹ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Không gian chúng ta sống có thể khác nhau, chính kiến chúng ta có thể khác nhau nhưng cảm nhận về mùa Xuân thì ngàn đời vẫn vậy. Đó là thời khắc giao mùa, là lúc muôn hoa đua sắc, đất trời thay đổi để cho lòng mình cũng thay rộn rã giao hòa với cảnh vật và con người xung quanh!

Mùa xuân, làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê). Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Mùa xuân, làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê). Ảnh: NguoiDuaTin.vn

NHẠC SỸ NGỌC KHUÊ: VỚI “MÙA XUÂN, LÀNG LÚA, LÀNG HOA”
(Nguồn: tác giả Nguyễn Thanh Bình đăng trên HaNoiMoi.com.vn ngày 17/01/2010)

(HNM) – Ở phía bắc Thủ đô, làng lúa giờ không còn và làng hoa bị thu hẹp nhưng mỗi khi Tết đến, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê lại vang lên, nó gợi lại những gì mượt mà, đẹp đẽ của một thời. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Ngọc Khuê, tác giả của ca khúc này.

Nhạc sỹ Ngọc Khuê. Ảnh: LangLuaLangHoa.com
Nhạc sỹ Ngọc Khuê. Ảnh: LangLuaLangHoa.com

– Thưa nhạc sỹ Ngọc Khuê, nhiều người đã nghe ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của ông, nhưng vẫn biết rất ít về ông?

– Quả đúng như vậy. Dù trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” tôi cũng đã sáng tác tới gần 300 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng… nhưng nhiều người khi cứ nhắc tới Ngọc Khuê là nhớ tới “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Có người còn gọi tôi là “ông làng lúa làng hoa” nữa (cười). Tôi sinh năm 1947, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em ở Hoài Đức (nay là Hà Nội). 18 tuổi, tôi bắt đầu rời quê hương, gia đình để bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành một trong những người lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Rồi tới năm 1974 thì được chuyển về Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, làm diễn viên hát. Rồi gắn bó với Quân chủng Phòng không – Không quân đến lúc nghỉ hưu.

– Ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” được ông viết trong hoàn cảnh nào?

– Như nhiều nhạc sỹ khác, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa thành. Tôi muốn ca khúc ấy sao cho nó là của riêng nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.

– Ông có thể nói kỹ hơn?

– Cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/Cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.

– Nghe nói bài hát này còn “nhắm” tới một cô gái?

– Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại.

Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã lập gia đình được 7 năm. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã chồng con đủ đầy, hiện làm ở một Đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết.

– Ban đầu ông đặt tên bài hát là gì? Và hẳn ông sẽ đề tặng người bạn gái đó?

– Lúc đầu tôi đặt tên cho bài hát là “Làng lúa, làng hoa” vì tôi nghĩ thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho “13” nghe, cô ấy vui lắm. Bên góc bản thảo, tôi cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà.

– Lần đầu tiên bài hát chính thức xuất hiện trước công chúng là khi nào vậy, thưa ông?

– Đó là mùa xuân năm 1982. Lúc đó tôi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vẫn nhớ thời điểm đó, truyền hình còn mới mẻ, nhà ai giàu thì mới có chiếc tivi đen trắng, mà thời lượng phát sóng còn hạn chế nên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhất. Khi đó, nhạc sỹ Thế Song đang là biên tập viên chuyên mục ca nhạc của đài, nghe xong bài hát, ông khuyên tôi thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Sau đó, ca sỹ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Đến bây giờ, bài hát còn gắn liền với nhiều ca sỹ khác như Trung Anh, Mỹ Lệ…

– Cám ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện thú vị này! 

[footer]