Đâu rộn ràng giọng hát…

Như một nén nhang lòng thắp lên cầu mong cho linh hồn nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn sớm siêu thoát về miền cực lạc, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến người yêu nhạc bản nhạc nổi tiếng mà ông viết cuối thập niên 1970, khi ông còn đang ở trong trại tù cải tạo. Thông qua những bạn tù đã được thả trước đó, nhạc phẩm này vượt đại dương để có mặt trong băng cassette ‘Người di tản buồn’ xuất bản năm 1979 tại hải ngoại.

Có một chi tiết thú vị là trong bản ghi âm này, Khánh Ly đã hát ‘đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh’, trong khi bản gốc mà Nguyễn Đình Toàn muốn viết ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’. Sau này, khi đã sang Mỹ, nhạc sỹ có tâm sự sở dĩ ông dùng tên ‘Khánh Ly’ vì ông và ca sỹ có một mối thâm giao trước đó khi còn ở Sài Gòn; và hơn nữa chữ ‘Ly’ đi có vần hơn với những câu trước:

Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Đâu quầy hoa quán nhạc đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly

Sài Gòn trước 1975. Ảnh: Tạp chí Life.

Còn riêng Khánh Ly thì cho biết cô không muốn tự hát về bản thân và cũng vì lòng mến mộ với đàn chị Thái Thanh nên trong lần ghi âm đầu tiên cô đã hát hai chữ ‘Thái Thanh’. Sau này, những ai hiểu chuyện đều đã hát đúng nguyên tác: ‘đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly’.

Đôi lời góp vui để thấy cái cách đối xử thật tế nhị của giới văn nghệ sỹ thời xưa!

Vĩnh biệt nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn (1936 – 2023)

Đêm 28/11/2023 theo giờ California, tức sáng 29/11/2023 theo giờ Sài Gòn, làng văn nghệ Việt Nam lại đón nhận một tin buồn, phải nói là thật buồn. Đó là sự ra đi vĩnh viễn của nhà văn, nhà thơ và nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn.

Dòng Nhạc Xưa cầu mong linh hồn ông mau siêu thoát về miền cực lạc!

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn (1936 – 2023)

Đôi nét về nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn

(Nguồn: Wikipedia)

Nguyễn Đình Toàn (sinh 6 tháng 9 năm 1936, mất 28 tháng 11 năm 2023) là nhà văn và nhạc sĩ người Việt định cư ở Mỹ. Ông còn có bút hiệu là Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm tỉnh Hà Nội) và di cư vào Nam năm 1954.

Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm ‘Áo mơ phai’ đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.

Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Việt Nam Cộng hoà như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây dựng, và Tiền Tuyến.

Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia VTVN mỗi tối Thứ Năm.

Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.

Những nhạc phẩm trứ danh nhất của ông gồm “Sài Gòn niềm nhớ không tên” (nguyên nhan đề là “Nước mắt cho Sàigòn”), “Căn nhà xưa”, “Mưa trên cây hoàng lan”, và “Tình khúc thứ nhất” do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành hai dĩa hát với những sáng tác của ông.

Ông tạ thế hồi 19 giờ 15 phút ngày 28 tháng 11 năm 2023 tại tư gia, theo giờ California.

Giọng đọc Nguyễn Đình Toàn

Jimmy TV phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn

Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn)

Trong ký ức của mỗi người Việt Nam chúng ta, hình ảnh về ‘căn nhà xưa’, nơi chúng ta sinh ra và lớn lên có lẽ là những kỷ niệm khó phai mờ nhất. Dù ta đi đến phương trời nào, dù ta được chiêm ngắm bao nhiêu công trình kỳ vỹ nhưng mái nhà đơn sơ, chái bếp, hàng hiên, gốc cây, luống hoa,… ở ngôi nhà cũ vẫn cứ mãi là niềm rung động, là miền hoài niệm không nguôi. Trong tâm tình ấy, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản ‘Căn nhà xưa’ của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn.

Ảnh: BaoGiaLai.com.vn

Hồn cốt Đà Lạt và ‘căn nhà xưa’

(Nguồn: bài viết của tác giả Khánh Huyền đăng trên TheGioiTiepThi.vn ngày 2019-03-24)

“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải? Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái …”. Chúng tôi trở lại căn nhà xưa đó ở Đà Lạt giữa những ngày báo chí đề cập nhiều đến chuyện giữ hồn cốt Đà Lạt.

Đọc tiếp

Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)

Trong một bài viết trước đây về nhạc sỹ Vũ Thành An, [dongnhacxua.com] có nhắc đến sáng tác đầu tiên đưa nhà nhạc sỹ đến với công chúng: bản “Tình khúc thứ nhất”. Hôm nay, chúng tôi mạn phép đăng lại bài viết của nhạc sỹ Tuấn Khanh về nhạc phẩm nổi tiếng này.

Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn). Anh: NguoiDoThi.vn
Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn). Anh: NguoiDoThi.vn

GHI CHÉP DĂM PHÚT VUI TRẦN THẾ
(Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com)

Trong tất cả những tác phẩm mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cống hiến cho đời, có lẽ Tình khúc thứ nhất là một tuyệt phẩm lạ thường nhất. Mọi người vẫn nói vậy, khi ngồi với nhau và hát, nhân khi nghe tin nhạc sĩ Vũ Thành An rồi sẽ được chấp nhận xuất hiện ở quê nhà.

Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường rất ít khi hát, nhưng trong dăm phút vui trên cõi đời cứ dần cạn, mỗi khi nói về cuộc đời và tình yêu, ông hay xin được hát bài này thay cho ngôn từ của mình. Ông không phải là một giọng hát hay, nhưng khi cất lên giai điệu của Tình khúc thứ nhất, thường thì ai có mặt cũng đều xúc động như lặng nhìn một bức tranh tuyệt đẹp của đời người, đầy những gam màu của bầu trời và vực thẳm.

“Nhiều năm nữa, người ta có thể viết nên những bài thơ hay hơn, nhưng khó mà thương đau cao vút như lời của Nguyễn Đình Toàn và nhạc của Vũ Thanh An”, nhà thơ Trần Tiến Dũng vẫn nói như vậy, trong sự xúc động mỗi khi nghe lại. Nhà thơ có ngôn ngữ hiện đại hiếm hoi của Việt Nam được nhà xuất bản Norton (Mỹ – 2007)* chọn dịch để giới thiệu 100 gương mặt thi ca đương đại Châu Á này, luôn nói ông cứ bị chấn động khi nghe phần ngôn xướng của Tình khúc thứ nhất, như được uống phần suối nguồn tinh hoa của một quá khứ văn nghệ vàng son miền Nam Việt Nam.

Có cái gì đó thật lay động khi người ta lắng nghe ca từ của Tình khúc thứ nhất. Bài hát được viết vào năm 1963, nhân công việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền Nam, nhạc sĩ Vũ Thành An trãi qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lập tức trở thành một cái tên lớn và được ghi nhớ mãi về sau, bất chấp có những nghịch cảnh của thời thế khiến ông phải cắt đứt với âm nhạc bình thường trong một giai đoạn dài.

Trong những cuộc tán gẫu bất tận về sự diệu vợi của nền âm nhạc miền Nam giữa cuối thế kỷ 20, Vũ Thành An vẫn được nhắc đến với nét nhạc luôn buồn bã loay hoay. Ngay cả trong lời hy vọng của ông, nghe như cũng vang lên từ huyệt mộ sâu thẳm. Đôi lúc người nghe phải tự hỏi rằng thương đau nào mà ông đã trãi qua, tận cùng đến mức trong ý nhạc đó, luôn là sự cào cấu của hối tiếc, nghẹn ngào. Lạ lùng, những điều đó làm nên tên tuổi của ông. Không biết liệu hôm nay, đứng trên một sân khấu những người nghe đã rất khác, một cuộc sống rất khác, liệu ông có tìm thấy một chút nắng vàng đẹp đẽ ngày cũ của mình?
“Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.

Non nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Việt Nam dừng tiếng súng. Nhiều bài hát tưởng chừng khó khăn lắm mới trở lại đời thường, rồi cũng đã dần dần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình. Đã nhiều chục năm, nhưng nhiều bài hát nghe đâu như vẫn còn rất tươi mới những nỗi lòng người Việt. Câu chuyện tình yêu đơn sơ ở quê nhà bị lạc mất trên những nẻo đường đô thị đầy cám dỗ, vang vọng sự hối tiếc – như Tình khúc thứ nhất – cũng không phải xa lạ gì trong cuộc sống hôm nay. Những người con trai, con gái Việt Nam giờ đây trong đất nước có tên gọi thanh bình vẫn phải rời bỏ làng quê để đi tìm một cơ hội trong đời, rồi không còn quay lại. Dù ở thế hệ nào, vẫn có thể nao nao như tìm thấy phận mình trong tiếng ca muôn thuở.

Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… mà hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng. Vi vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.

Cuộc đời khép mở bất tận. Hôm qua, có những bài hát bị giày xéo và nguyền rủa, thì hôm nay chúng lại được trang hoàng lộng lẫy, gọi mời trở lại. Không ai có thể tự giày xéo mình đau thương bằng chính mình, cũng như chỉ có chế độ kiểm duyệt mới có thể cắt ứa máu linh hồn và trí tuệ của chính dân tộc mình.

Có người nói rằng dẫu muộn, thì việc chấp nhận phần văn hoá miền Nam Việt Nam đó vẫn còn hơn không. Nhưng ai biết được, rằng cuộc quay lại đó, là huy hoàng đón nhận hay chỉ là lời chào kết thúc.

Nhà thơ Vũ Ngọc Giao cũng viết trong một cuộc rượu, rằng:
Về đâu khi ngày đã tắt
Ngồi đây ta uống rượu chơi
Cuộc đời nằm trong con mắt
Một lần khép mở mà thôi

Ôi… trong một lần khép mở ấy, vô tận ấy biết bao đổi thay, chứa khôn cùng buồn vui trần thế.

[footer]

Em đến thăm anh đêm 30 (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)

Theo ý thơ của thi sỹ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sỹ Vũ Thành An đã góp một nhạc phẩm bất hủ vào kho tàng nhạc Xuân. [dongnhacxua.com] muốn trân trọng nhắc đến “Em đến thăm anh đêm 30”. Một điểm khá lý thú là nhạc phẩm này không dùng một chữ “xuân” như nhiều ca khúc khác mà thay vào đó chúng ta chỉ thấy “tết”.

Em đến thăm anh đêm 30 (Nguyễn Đình Toàn - Vũ Thành An). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Em đến thăm anh đêm 30 (Nguyễn Đình Toàn – Vũ Thành An). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

em-den-tham-anh-dem-30--1--vu-thanh-an--nguyen-dinh-toan--amnhacmiennam--dongnhacxua.com em-den-tham-anh-dem-30--2--vu-thanh-an--nguyen-dinh-toan--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

EM ĐẾN THĂM ANH ĐÊM 30
(Nguồn: yume.vn)

Những ngày cuối năm.

Khuya. Khi còn lại một mình trên mạng, tôi hay treo blast : Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Một bạn tình cờ ghé lại, hỏi : Có niềm vui rồi à? Chúc mừng nhé !

Bạn chúc mừng, sao lòng bỗng ngổn ngang trăm mối. Tết đang đến rất gần, chắc chắn rồi mùa cũng sẽ rộn ràng những thời khắc chuyển giao. Nhưng ta, ta có còn những đêm ba mươi đầy háo hức?

Khi nghe và yêu thích một ca khúc nào đấy, thì bạn đã thực sự gắn hồn mình vào trong giai điệu và ca từ của bài hát. Chỉ vì tiếng guitar solo nồng nàn, một đoạn piano gõ thánh thót hay đôi khi, chỉ là một thoáng ngẫu hứng saxophone đầy phiêu lãng… Nhưng chắc chắn vẫn phải là ca từ, ca từ êm ái và mượt mà như thơ ấy. Chúng là những lời nhắc nhớ chân thành, cứ thủ thỉ bên ta mãi…

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…

Xưa, khi nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu phổ nhạc những câu thơ này từ thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, chắc có lẽ, ông đã không dụng công lắm để trao chuốt chúng thành những giai điệu ấm áp và tình cảm thế. Bởi tôi, bạn và tất cả những người đã từng yêu đều có thể dễ dàng bật lên thành câu hát. Khi khắc khoải về một vùng kí ức đẹp. Khi tiếc nuối mơ hồ về một kỉ niệm tình đã cắt cớ ngủ yên.

Có thể ta không có những đêm ba mươi cùng em vô ưu, lang thang trên những con phố mòn mỏi bước. Là con đường Duy Tân, là con đường Gia Long, là con đường Tú Xương… xa lắc trong nỗi nhớ. Và có lẽ, chúng chỉ còn là giấc mơ u hoài, lê thê kéo từ thế kỉ trước. Nơi có những đêm ba mươi, vào thời khắc giao mùa thiêng liêng vẫn còn những người phu quét lá bên đường. Miệt mài và cần mẫn. Và ta , ta có dừng lại xin một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng yêu em?

Người phu quét đường…
Chiếc lá vàng…

Khung cảnh im lắng. Đẹp một cách mộc mạc, đơn sơ. Một bức tranh huyền thoại về tình yêu, lồng hờ hững vào trong phố. Yên bình, trong vắt. Nhưng tình yêu có thực sự cần những nhân chứng và vật chứng ấy không? Ta đã ngô nghê đặt lại câu hỏi ấy, có nghĩa là ta cũng đang dần quên đi một thời yêu đương phóng khoáng, cuồng say…

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Thì là Tết đấy. Những con đường đang nhộn nhịp quá những người qua. Phố xá dần đông vui lên, rộn ràng những sắc màu nghênh tiếp năm mới. Với lòng người, có quá nhiều điều để háo hức, chờ mong…

Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Mà có phải khi ai vu vơ thốt lên câu hát bất chợt ấy, cũng là đang thực sự có niềm vui đâu…
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…

Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Tình khúc thứ nhất”, cũng là một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn : “Có yêu nhau xin ngày thơ ngây Lúc mắt chưa nhạt phai Lúc tóc chưa đổi thay Lúc môi chưa biết dối cho lời…”. Đấy là những câu thơ rưng rức đầy tiếc nuối. Mờ. Phai.

Nỗi buồn ở đây dường như đã đi đến cùng tận. Khi “chỉ còn chút hương xưa” rồi cũng đã “phong ba”, và cuối cùng, “rụng cùng mùa” ?

Không. Với kỉ niệm đẹp, nỗi buồn ấy như là một thú vui tao nhã. Những khi thấy lòng mình chùn xuống, ta thong thả mang ra gặm, nhắm…

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau?
Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau…

Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này. Nhưng được yêu thích nhất có lẽ là Khánh Ly và Nguyên Khang. Nếu Khánh Ly với giọng hát nữ tính, đầy chất ma mị của mình đã tình tự khôn nguôi về một thời yêu thương say đắm, thì Nguyên Khang bằng sự ấm áp cố hữu, lại đem đến một hoài niệm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và cần thiết.

Giao thừa đang sắp đến. Gần, đã gần lắm rồi…

Và trong cái thời khắc mong manh ấy, khi trời đất đang bắt đầu trở mình cho một cuộc chuyển giao, thế nào tôi cũng để cho cái ngày xưa của mình quay lại. Rằng :

Em đến thăm anh đêm ba mươi Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường Xin chiếc lá vàng, làm bằng chứng yêu em…
.
(*) Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.

Nguyễn Đình Toàn viết về Đặng Thế Phong

[dongnhacxua.com] xin tiếp tục dòng nhạc Đặng Thế Phong qua trích đoạn một bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn để quý vị xa gần có thêm tư liệu về một thời nhạc xưa.

Đêm thu (Đặng Thế Phong). Ảnh: TaiNhacCho.vn
Đêm thu (Đặng Thế Phong). Ảnh: TaiNhacCho.vn

ĐẶNG THẾ PHONG 
(Nguồn: trích bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn đăng trên ThanhThuy.me)

Đặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tiền phong của chúng ta. Ông mất rất sớm, mới ngoài hai mươi tuổi. Ông chỉ để lại có ba bản nhạc.

Cũng có người cho rằng ông có tới bốn hay năm bài. Nhưng thực tế, không ai biết cái bài thứ tư, thứ năm đó. Vậy chỉ nên coi những bài mọi người đều đã biết: Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không BếnĐêm Thu, chính thức là những tác phẩm của ông.

Những người đồng thời với Đặng Thế Phong kể lại rằng ông muốn trở thành họa sĩ chứ không phải nhạc sĩ. Cũng như Nhất Linh, Đặng Thế Phong đã thi vào trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, nhưng rồi bỏ dở ý định theo đuổi hội họa. Và cái việc Đặng Thế Phong thi vào trường Mỹ Thuật ấy, đã để lại một huyền thoại. Nghe nói ông đã vẽ một thân cây cụt (không có ngọn), rất đẹp. Vị giáo sư người Pháp chấm bài, khen ngợi, nhưng nói rằng: “E Đặng Thế Phong không sống lâu được.”

Nhớ, xa hơn nữa, các cụ ta cũng truyền lại rằng, một học giả Trung Hoa, sau khi đọc xong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đã nói: “Người này nhiều lắm 5 năm nữa sẽ chết, vì tinh hoa trút hết ra cả đây rồi”.

Cả hai sự tiên liệu đều đúng.

Như thế, cả Tây lẫn Tàu đều trông vật mà biết bệnh? Hay đó chỉ là điều giản dị như Shakespeare đã nói “trái nào chín trước nhất thì rụng trước hết?”

Ba ca khúc của Đặng Thế Phong được viết vào những ngày nền tân nhạc của chúng ta khởi đầu, và đều là những tình khúc.
Và tình khúc Đặng Thế Phong, ngay từ những ngày xa xôi ấy, đã có một tầm vóc khác:

Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Dứt bao tình thương
Thuyền mơ buông trôi theo dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong

Trong ngần ấy lời ca chữ nào nói đến tình yêu, chữ nào không? Hình như không phải chỉ là con thuyền buông trôi theo dòng mà có cả kiếp người trôi trong dòng đời, cái có thật và cái tưởng tượng đều lẩn khuất sau một màn sương, chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, hạnh phúc khó khăn hay chỉ sống không thôi đã là một điều khó khăn, “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong”, chúng ta chẳng thể nào tới được nơi mong ước cũng không biết đã ra đi từ đâu:

Thu xưa xa xăm ngoài chân mây
Thu nay bơ vơ thuyền trôi đây
Phải chăng thuyền nhớ nơi non bồng
Nơi đã bao phen chùng tơ lòng…

Con sông nào chẳng có hai bờ, nhưng bờ có phải là bến không?

Nghe nhạc Đặng Thế Phong là nghe lấy những tiếng ở giữa chừng đời sống ấy, tiếng va chạm của cái chốn xa xăm ngoài chân mây với cái cõi bơ vơ thuyền trôi đây.

Người ta không hiểu sao ở ngưỡng cửa của tuổi hai mươi Đặng Thế Phong đã nghe ra cái tiếng nhân thế bao la sầu như ông viết trong Giọt Mưa Thu:

Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Phòng vắng bốn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu…

Nghe nói khi mới viết xong ca khúc này Đặng Thế Phong đã đặt tên là ‘Vạn Cổ Sầu’ rồi sau đó mới đổi thành ‘Giọt Mưa Thu’.

Cả ba ca khúc Đặng Thế Phong để lại cho đời đều là những bản thu ca. Điều này nữa có phải cũng là một báo hiệu cái mùa đông sửa đang đón đợi ông?

Lấy những cái đã xẩy ra rồi để giải thích sự việc, người ta thường tìm cách ráp sao cho ăn khớp, điều ấy dễ thôi. Nhưng quả thật nghe lại nhạc Đặng Thế Phong, chúng ta sẽ thấy, chỉ cái mùa vạn vật dường như đắm một nữa trong mộng ấy, mới thích hợp với tâm hồn ông.

Tất cả các lời ca của Đặng Thế Phong đều long lanh sáng. Nhưng chúng không sáng cái ánh sáng của mặt trời, mà sáng cái sáng của lân tinh, của ánh trăng. Cái buồn trong nhạc của Đặng Thế Phong còn có thêm một cái buồn lây của đóa hoa đứng im như mắc buồn, nỗi buồn đọng lại hay mùa đông buồn trong ánh sao, cả ba cách dùng đều có nghĩa.

Nguyễn Đình Toàn

Quận Cam, California.
(Trích Khởi Hành)

[footer]

Pleiku: còn chút gì để nhớ!

Trong ký ức của Dòng Nhạc Xưa, những người sinh sau 1975, qua lời kể của ba mẹ kể về những năm tháng sống ở Pleiku thì Pleiku là thành phố của chiến tranh với căn cứ quân sự, khu gia binh và đủ mọi thành phần lính tráng. Rồi khi chúng tôi lớn lên, các anh chị hát cho nghe giai điệu và ca từ bất hủ của bản ‘Còn chút gì để nhớ’ của nhạc sỹ Phạm Duy để mãi sau này mới biết là  phổ thơ Vũ Hữu Định.

con-chut-gi-de-nho--1-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

con-chut-gi-de-nho--2-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
(Nguồn Wikipedia)

Vũ Hữu Định.

Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970.

Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại.

Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng.

Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

BÀI VIẾT CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VỀ NGUYỄN HỮU ĐỊNH VÀ BÀI THƠ ‘CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ’
(Nguồn: XuQuang.com)

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy. Nghe rồi mới đọc.
Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.

Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.

Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.

Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.

Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?

Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.

Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?

Thắc mắc nữa mà chi ?

Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.

Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?

Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau :

“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định

chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận… Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời

một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say

Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.

Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần

Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?

Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.

Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.

Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.

Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.

Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.

Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.

Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng

Vũ Thành An và những bài không tên

Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Thành An, có lẽ tất cả những ai yêu nhạc đều nhớ đến khoảng 40 bài ‘không tên’. Tuy nhiên nếu có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ, chúng ta mới khám phá nhiều điều thú vị về một trong những nhạc sỹ có khuynh hướng sáng tác rất riêng nổi tiếng vào cuối những năm 1960 ở miền nam Việt Nam (cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, v.v.)

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH AN
(Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Thành_An)

Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định.

Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam.

Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, có theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy.

Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ nhị.

Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền học Đại học.

Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết nhiều Bài không tên khác.

Năm 1967, Vũ Thành An nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan dự bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông bị tù cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc.

Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao học Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon.

Năm 2000, Vũ Thành An được đào tạo làm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. V

ũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

“TÌNH KHÚC THỨ NHẤT” VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI NHÀ THƠ – NHẠC SỸ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Nhạc sỹ Vũ Thành An viết nhạc từ rất sớm: ngay từ khi học lớp đệ tứ, tức lớp 9 ngày nay. Sáng tác đầu tay đã bị người thầy là nhạc sỹ Chung Quân (tác giả bản nhạc bất hủ “Làng tôi” – Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh …) chê, nói chính xác là chê phần lời. Thế là nhà nhạc sỹ của chúng ta chỉ sáng tác phần nhạc và để đó.

Mãi đến khi vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và có dịp gặp gỡ rồi làm quen với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn và được sự giúp đỡ và động viên của nhà thơ thì Vũ Thành An của chúng ta mới tự tin hơn và dần dần tự đặt lời cho những ca khúc của mình. Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An vụt nổi tiếng với “Tình khúc thứ nhất”, phần nhạc Vũ Thành An và phần lời của Nguyễn Đình Toàn. Đây có thể nói là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến.

“BÀI KHÔNG TÊN CUỐI CÙNG” NHƯNG LẠI LÀ BÀI ĐẦU TIÊN TRONG LOẠT NHỮNG “BÀI KHÔNG TÊN”

Cũng trong năm 1965, mối tình đầu của nhà nhạc sỹ tan vỡ. Tâm sự ấy đã được Vũ Thành An gởi gắm vào “Bài không tên cuối cùng”. Chữ “cuối cùng” ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà nhà nhạc sỹ đã thầm yêu.

Theo lời tự sự của chính nhà nhạc sỹ, tác phẩm này vô tình đã gây nhiều đau khổ cho “người con gái” trong cuộc sống. Vì thế cho nên năm 1991, ngay khi đặt chân đến trại tỵ nạn, Vũ Thành An viết ngay “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” nhưng là một phần để xoa dịu nỗi đau ngày xưa:

“Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi …”

[footer]