Những địa danh đã đi vào nhạc: Paris & những bản tình ca

Dòng Nhạc Xưa vừa có chuyến thăm Paris và gặp gỡ một vài thân hữu để trao đổi về tình cảm cũng như sinh hoạt âm nhạc nơi xứ người. Kinh Đô Ánh Sáng, với tháp Eiffel soi bóng xuống dòng sông Sein thơ mộng, với những tòa lâu đài cổ kính tồn tại từ hàng trăm năm, xứng đáng là cái nôi của những bản tình ca.

Paris và những bản tình ca

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2015-11-22)

Tháp Eiffel ở giữa thủ đô Paris được chiếu sáng bằng ba màu theo cờ của nước Pháp ngày 15 tháng 11, 2015

Có rất nhiều loại tình cảm mà chỉ cần một cái lần chạm nhẹ vào, là nó sẽ hiện diện ngay trong tâm tưởng. Và cũng có nhiều nỗi đau mà khi nghe qua, chúng ta cảm thấy như đó là sự mất mát của chính mình. Đó là tình nhân loại, tình dân tộc, tình quê hương. Với không ít người,Paris chính là tình yêu như thế. Cát Linh xin dành chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này cho những bản tình ca về Paris, như một chia sẻ nhỏ nhoi với những gì đã xảy đến với nước Pháp trong ngày Thứ Sáu, 13 tháng 11 vừa qua.

Nắng Paris, nắng Sài Gòn

Trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta, Paris là một thành phố của tình yêu, là thiên đường của thời trang, là cái nôi của hội hoạ và kiến trúc. Không chỉ thế, mà nước Pháp còn được nhắc đến câu nói ngắn gọn nhưng thể hiện cả một tinh hoa của nền văn hoá, đó là “lịch sự như người Pháp”. Nước Pháp, với Paris, với sông Seine, với nhà thờ Notre Dame de Paris nổi tiếng.

Ai đã từng một lần mơ về Paris? Mơ về một buổi sáng thức dậy trong tiếng chuông vang xa từ ngôi nhà thờ Notre dame de Paris, trong ánh bình minh lấp lánh từ con sông Seine chạy giữa lòng thủ đô?

Mai Tôi Đi (Anh Bằng – Nguyên Sa)

Như một lời chia tay nhạc sỹ Anh Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, hôm nay một người yêu nhạc đã gởi cho chúng tôi bản “Mai tôi đi” mà Anh Bằng lấy ý từ bài “Paris” của thi sỹ Nguyên Sa. Mạn phép thay mặt nhiều  thế hệ yêu nhạc, [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông sớm về nghỉ ngơi chốn hạnh phúc đời đời.
Cũng xin nói thêm, hm nay cũng là đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát ở Paris, chúng tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn hơn 100 nạn nhân cũng mau vui hưởng hạnh phúc ở nới “tràn đầy ánh sáng” và mong “Kinh Đô Ánh Sáng” Paris sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại trở về với hình ảnh thơ mộng thuở nào!

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net
Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net

Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, v.v

Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.

Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.

Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Các tập thơ:
Thơ Nguyên Sa tập 1
Thơ Nguyên Sa tập 2
Thơ Nguyên Sa tập 3
Thơ Nguyên Sa tập 4
Thơ Nguyên Sa toàn tập

BÀI THƠ “PARIS” CỦA NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy

Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn
và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?

Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu

Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng

Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc

Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…

Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi

Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời

Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn

Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt dầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái…

[footer]

Mùa thu không trở lại (Phạm Trọng Cầu)

Trong dòng nhạc xưa, “Mùa thu không trở lại” của nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935-1998) chắc chắn sẽ được xưng tụng là một trong những bản nhạc hay nhất về mùa thu.  [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đôi nét về tác giả và hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm này đến quý vị yêu nhạc.

Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935 - 1998).
Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935 – 1998).

TỪ ‘TRƯỜNG LÀNG TÔI’ ĐẾN ‘MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI’
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên viết trên Thanh Niên ngày 01/07/2011)

Hẳn trong ký ức nhiều người vẫn còn nhớ nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu – “Quả chôm chôm biết hát” ngoại hình râu tóc lởm chởm của ông, và nhất là yêu thích những bài hát của ông: Trường làng tôi, Mùa thu không trở lại…

Từ Trường làng tôi…

Năm 1998, người viết được tháp tùng một đoàn gồm: các cô chú trong Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo, nhà thơ Kiên Giang, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, nghệ sĩ Ngô Đình Long… đi thăm gia đình nhà thơ Truy Phong (tác giả trường ca Một thế kỷ, mấy vần thơ) đang sống ở cù lao Quới Thiện (Vĩnh Long).

Từ TP.HCM đi xe về đến Bến đò Vũng Liêm rồi bỏ xe lại, xuống ghe bầu vượt sông Cổ Chiên vào cù lao. Lượt về, vừa bước chân lên bến đò, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã kéo tay tôi và anh Đoàn Thạch Biền: “Đến coi chỗ này, chính là ngôi trường trong bài hát Trường làng tôi của tao!”. Đó là trường Tiểu học Vũng Liêm nằm cách bến đò khoảng trăm mét. Chỉ xa có chừng đó nhưng nhìn anh Phạm Trọng Cầu chống gậy đi khá khó khăn (anh có một chân giả), chúng tôi thật ái ngại… Đến cổng trường, anh đứng làm mẫu để chúng tôi chụp vài tấm hình. Ngôi trường trước mắt chúng tôi trông khang trang, bề thế chứ không như trong bài hát của anh Cầu, nhưng chúng tôi vẫn đồng thanh hát vang: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm. Trường làng tôi con đê bé xinh xinh, len qua đám cây xanh nhẹ lướt… Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng. Trường làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…”.

Trong nhạc Việt, có khá nhiều bài ca nhắc đến ngôi trường cũ nhưng hầu như chỉ duy nhất bài hát này, nhạc sĩ đã dùng trọn tác phẩm để nói về ngôi trường thời thơ ấu của mình. Một bài hát tuyệt vời.

đến Mùa thu không trở lại

Dịp ấy, Phạm Trọng Cầu còn tiết lộ anh là tác giả ca khúc Mùa thu không trở lại. Tôi cãi, bởi vì trước năm 1975, tôi có tập nhạc 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp (trong đó có ca khúc Mùa thu không trở lại) của tác giả Phạm Trọng. Anh cười xác nhận, sau ngày giải phóng miền Nam, anh mới thêm vào chữ “Cầu” cho tên anh được đầy đủ như trong giấy khai sinh.

Ảnh bìa minh họa cho bản 'Mùa thu không trở lại'.
Ảnh bìa minh họa cho bản ‘Mùa thu không trở lại’.

Nhạc sĩ cho biết: anh sinh đúng vào ngày Noel (25.12.1935) tại Phnom Penh (Campuchia). Cha anh là trắc địa sư Phạm Văn Lạng, vốn gốc Hà Nội, nhưng đang làm việc tại đây (thời Pháp thuộc, những công chức có thể được điều chuyển khắp Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào) nên năm 1943, đã đưa gia đình về Sài Gòn và mẹ của anh (bà Đào Thị Ngọc Thư) mở một nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc Philippines và một số nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Anh cũng bắt đầu học chơi đàn mandoline… Tuy nhiên, thời gian này khá ngắn ngủi – chưa tới 2 năm thì chiến cuộc lan tràn, gia đình anh phải tản cư lên Biên Hòa. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, gia đình anh trở về Sài Gòn, rồi chuyển dần xuống miền Tây Nam Bộ.

Ở Vĩnh Long, anh theo học trường Tiểu học Vũng Liêm và tham gia vào Đội tuyên truyền xung phong huyện. Năm 1948, Phạm Trọng Cầu trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên, học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và vào bộ đội Tiểu đoàn 308, rồi Trung đoàn Cửu Long. Sau đó, ông bị thương phải cưa chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, và chàng trai 18 tuổi, nhớ về thời thơ ấu cắp sách đã sáng tác ca khúc Trường làng tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu lại thi vào Nhạc viện Paris (Pháp).

Tại Paris, anh đã viết 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp, trong đó có Mùa thu không trở lại… Với ca khúc này, Phạm Trọng Cầu tâm sự: “Dạo ở Paris, mình gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay vào mùa thu – khung cảnh mùa thu ở châu u rất đẹp, nhưng nếu phải chia ly trong một cái nền như vậy thì nó lại trở nên thật tê tái:Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine. Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?… Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi’ …”.

Tôi hỏi anh có phải cô ấy tên Thu không mà anh cứ lặp lại câu điệp khúc “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”? Anh trầm ngâm: “Đối với tôi… là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu ‘Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…’ Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.

Sau chuyến đi cù lao Quới Thiện về được khoảng 2 tháng thì anh Phạm Trọng Cầu đột ngột qua đời… 

Hà Đình Nguyên

[footer]