Phượng Hồng (Đỗ Trung Quân – Vũ Hoàng)

Nếu như ‘Nỗi buồn hoa phượng’ (Thanh Sơn) là bản nhạc nổi tiếng nhất về tuổi hoa niên viết trước 1975 thì có thể nói ‘Phượng hồng’ (một sáng tác của nhạc sỹ Vũ Hoàng, phổ từ thơ Đỗ Trung Quân) là bài hát sáng tác sau 1975 mà không một ai đã qua tuổi học trò không biết đến. Nhân dịp mùa hè về, Dòng Nhạc Xưa trân trọng giới thiệu  bản ‘Phượng hồng’  đến quý vị yêu nhạc xa gần.

Phượng Hồng (Vũ Hoàng - Đỗ Trung Quân). Ảnh: TaiNhacCho.vn
Phượng Hồng (Vũ Hoàng – Đỗ Trung Quân). Ảnh: TaiNhacCho.vn

BÀI THƠ “CHÚT TÌNH ĐẦU” CỦA ĐỖ TRUNG QUÂN
(Nguồn: thivien.net)

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại…. mang về.

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.

Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
(1984)

MỐI TÌNH ĐẦU VỚI “PHƯỢNG HỒNG”
(Nguồn: tác giả Yến Lan viết trên vtv.vn ngày 29/06/2014)

Bài thơ Chút tình đầu của nhà thơ Đỗ Trung Quân đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và trở thành bức thư tỏ tình của nhiều chàng nam sinh bao thế hệ. Ca khúc Phượng hồng cũng khiến hình ảnh hoa phượng trở nên gắn liền với những mối tình tuổi học trò.

hoa-phuong--vtv.vn--dongnhacxua.com

Lời ca là những day dứt, luyến tiếc vì mối tình đầu thầm kín của chàng trai- mối tính tuổi học trò gắn liền với hình ảnh phượng hồng rực cháy. Màu hoa đỏ thắm như máu trong tim, như khát khao của tuổi trẻ:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mỗi năm, khi vào hạ, phượng vẫn lặng lẽ và bừng thắp nỗi nhớ học trò. Lại cũng đều đặn mỗi năm có biết bao mối tình đầu lặng thầm của tuổi học trò đã đi qua bên những cánh phượng hồng đầy lưu luyến. Rời xa ghế nhà trường với biết bao những niềm luyến tiếc chưa thực hiện được càng khiến mỗi người thêm bâng khuâng khi nhìn những hàng phượng vĩ nở rộ.

Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.

Ai đã đi qua tuổi học trò đầy mộng mơ, sôi nổi hẳn sẽ dưng dưng trong lòng khi được trở về kí ức với Phượng hồng. Những hình ảnh thật trong sáng, đẹp đẽ về mối tình đầu câm nín của chàng trai 18 tuổi. Đâu rồi những cơn mưa giăng ngoài cửa lớp, tà áo trắng ai bay trắng cả giấc mơ và bài thơ tỏ tình nằm im trong vở… Những cảm xúc rung động đầu đời bao giờ cũng là kỉ niệm đẹp nhất của mỗi con người. Chính vì thế, tình yêu tuổi học trò sẽ mãi không phai mờ trong kí ức của chúng ta. Cái cảm giác chia xa thầy cô, bạn bè và bóng hình người thương mỗi khi hè về sao mà day dứt:

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,
Và mùa sau biết có còn gặp lại,
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ hay lòng người đang rối bời nỗi tiếc nuối, chia xa để rồi dẫu có nghỉ hè thì cũng lén đến trường khắc nỗi nhớ lên cây. Trường vẫn còn đây mà người thương đang ở nơi đâu? Mùa khai giảng mới liệu có còn gặp lại tà áo lụa vẫn bay trong gió thu ngày nào? Những hoài niệm, tự sự cứ mãi khắc khoải chìm trong nỗi nhớ:

Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

Ở cái tuổi còn vụng về, thơ ngây, bài thơ tình giấu trong cặp sách, nỗi nhớ được khắc lên cây thì hình ảnh các chàng nam sinh ôm cây đàn ghi ta gửi tiếng lòng mình vào lời ca, tiếng hát cũng đã trở thành kinh điển trong thơ ca. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, những chàng trai 17-18 bẻ gãy sừng trâu với bao trò đùa nghịch ngợm, quậy phá, vậy mà đứng trước bạn gái lại ấp úng chẳng nói nên lời. Mối tình đầu nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi để có người không hiểu:

Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa

Nàng thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài trắng với chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng như chở mùa hè đi qua và đi rất xa. Bóng nắng ngập đường cũng như vô tình đồng lõa, xóa nhòa đi bóng dáng thân thương.

Ca từ trong sáng, ý nghĩa cùng những giai điệu đẹp đẽ và rất dễ nghe, dễ nhớ đã giúp Phượng hồng ghi điểm trong lòng khán giả. Tuy Phượng hồng không hề dễ hát, nhưng lúc nào ca khúc này cũng là lựa chọn của rất nhiều ca sĩ. Nếu qua tiếng hát của Tấn Minh, Bằng Kiều, bạn có thể cảm nhận những cung bậc da diết, nồng nàn hoàn toàn khác nhau thì với Đàm Vĩnh Hưng, nhiều người lại tìm thấy một chút mạnh mẽ, cá tính. Từ những giọng ca như Đan Trường, Quang Linh tới những ca sĩ hải ngoại như Elvis Phương, Thanh Tuyền và trẻ trung hơn là Dương Triệu Vũ… đều hơn một lần thử giọng cùng ca khúc Phượng hồng.

Bụi phấn (Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc)

Sáng nay đi qua các nẻo đường nhộn nhịp của Sài Gòn, [dongnhacxua.com] chúng tôi có cảm giác trẻ lại, quay về cái thuở học sinh của 20-30 năm về trước. Ngày đó, cũng vào dịp 20/11 như hôm nay, chúng tôi lại được ba mẹ, anh chị dẫn đi thăm và tặng quà cho các thầy cô giáo cũ, như một cử chỉ nhỏ nhoi tri ân công lao to lớn của những người làm công việc “đưa đò”. Nhân dịp 20/11, chúng tôi xin gởi lời tạ ơn đến các quý Thầy/Cô và chúc cho quý Thầy/Cô luôn khỏe mạnh và bình an trong công việc dạy dỗ cao đẹp. Cũng nhân dịp này, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản nhạc “Bụi phấn”, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ học sinh như chúng tôi.

Bụi phấn (Vũ Hoàng - Lê Văn Lộc). Ảnh: vnmylife.com
Bụi phấn (Vũ Hoàng – Lê Văn Lộc). Ảnh: vnmylife.com

BỤI PHẤN VẪN RƠI TRÊN TÓC THẦY
(Nguồn: tác giả Nguyên Minh viết trên TheThaoVanHoa.vn ngày 20/11/2014)

(Thethaovanhoa.vn) -Hơn ba thập niên qua, rất nhiều thế hệ học trò đã lớn lên cùng kỷ niệm với bài hátBụi phấn của nhạc sĩ Vũ Hoàng, ý thơ Lê Văn Lộc. Nhưng ít ai biết được bài hát ra đời vào ngày 20/11/1982 – đúng ngày nhà giáo Việt Nam – đến nay đã được 32 năm.

Bài hát gắn liền số phận

Nhạc sĩ Vũ Hoàng có một thời gian khá dài theo nghề sư phạm, tại Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, Khoa Âm nhạc và mỹ thuật, giảng dạy các bộ môn ký xướng âm, nhạc lý, lịch sử âm nhạc thế giới. Lúc bấy giờ mọi người đều đã biết anh là một người sáng tác với những bài hát khá nổi tiếng như Ngày mai tôi sẽ lên đường, Hương tràm…

Năm 1982, có một sự kiện nên nhà trường đề nghị Vũ Hoàng viết một bài hát về thầy cô giáo. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành quyết định số 167-HĐBT theo đó 20/11 hằng năm sẽ là ngày lễ truyền thống mang tên Ngày Nhà giáo Việt Nam – trước đó, ngày này được gọi tên chung là Quốc tế hiến chương các nhà giáo. “Đối với bọn tôi lúc ấy, chuyện này gây xúc động ghê gớm”, nhạc sĩ Vũ Hoàng nhớ lại. Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM quyết định làm một cuốn sách có tên gọi là Vui học, trong đó sẽ có một trang để vừa vặn một bài hát và đó sẽ là trách nhiệm của Vũ Hoàng. Yêu cầu cũng giản dị: Bài hát đơn giản, dễ nhớ và làm sao để in vừa trong một trang sách nhỏ để tất cả sinh viên đều dễ dàng học thuộc.

Ca khúc Bụi phấn và hình ảnh nhạc sĩ Vũ Hoàng 32 năm trước. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Ca khúc Bụi phấn và hình ảnh nhạc sĩ Vũ Hoàng 32 năm trước. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

“Tôi trăn trở lắm, bản thân mình là một thầy giáo thì rất háo hức nhưng chẳng biết dựa vào đâu để viết. Tôi không có tứ nào để lẩy cả…”, Vũ Hoàng bộc bạch. Thế rồi một lần tình cờ đi trên phố Vũ Hoàng gặp lại người bạn thanh niên xung phong Lê Văn Lộc. Hai người vui quá lôi nhau vào một quán cà phê vỉa hè tâm sự. Vũ Hoàng hỏi bạn: “Ông có cảm nhận như thế nào về thầy cô giáo tụi tôi không?”. Tưởng hỏi vậy thôi, bất ngờ Lê Văn Lộc kể: “Tôi vừa đi dự một buổi chia tay với một ông thầy ở chỗ tôi làm việc. Ông thầy này có một cái đặc biệt là ông viết gì trên bảng thì bụi phấn cũng rơi làm trắng mái tóc. Nên tôi thấy đẹp quá và làm liền mấy câu thơ: “Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”. Nhưng tôi chỉ sáng tác được tới đó, không thêm được nữa”. 6 câu thơ này gần như hóa giải tất cả những trăn trở của Vũ Hoàng trước đó: “Vậy ông cho tôi xin 6 câu này nhé, để tôi nghiên cứu viết thêm thành một bài hát”. Lê Văn Lộc đồng ý ngay.

Về nhà, Vũ Hoàng ngồi thừ với những câu thơ đầy xúc động của Lê Văn Lộc. “Tông của anh Lộc là La trưởng nhưng tôi phải chuyển sang Đô trưởng cho dễ hát, giai điệu thơ anh Lộc khi cất lên lại mang màu sắc dân ca miền Trung. Cuối cùng tôi vẫn giữ nguyên nhưng tỉa tót lại thành cái của mình. Và sau nhiều lần suy nghĩ tôi triển khai đoạn B thành: “Em yêu phút giây này/Thầy em tóc như bạc thêm/Bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay”. Kết lửng ở đó để nối tiếp bằng: “Mai sau lớn lên người/Làm sao có thế nào quên/Ngày xưa thầy dạy dỗ/Khi em tuổi còn thơ…”. Làm xong tôi rất hài lòng, ý tưởng bài hát này đã được triển khai khá đầy đủ. Sự đầy đủ này mang tâm trạng của một người thầy như tôi lúc đó, nó đúng và đầy ý nghĩa. Tôi đã sáng tác rất nhiều bài cùng đề tài nhưng bài hát này tôi ưng nhất, nó như thể gắn liền với số phận của tôi”.

Chỉ có thể “Bụi phấn”

Sáng tác xong, Vũ Hoàng “va” ngay một vấn đề khó khác: tựa đề. Bụi phấn ban đầu có một cái tên khác. Bởi có một vấn đề hơi bất hợp lý ở đây là nguyên tắc các thầy cô giáo khi được đào tạo ra làm giáo viên thì không bao giờ viết bảng để rơi bụi phấn lên đầu. Nhưng hình tượng này đẹp quá, làm sao bỏ nó ra được! Chi tiết này dễ làm nhớ tới trong lịch sự nhạc Việt cũng có nhiều trường hợp gần giống vậy. Ví dụ như bài Bến cảng quê hương ta của nhạc sĩ Hồ Bắc có câu: “Ơi cô gái lái xe trên cảng/Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương”. Một hình ảnh rất đỗi dịu dàng, tạo nên nhịp thở cho cả bài hát nhưng việc “xe em bon nhanh và tóc em bay” là vi phạm quy định lao động, không đội mũ khi lái xe, dễ gây tai nạn. Nhưng hình ảnh đó sau cùng lại được công chúng chấp nhận và rất yêu thích.

Lúc ấy Vũ Hoàng có hát cho bạn bè nghe và nhiều người cũng bảo anh rằng cái tựa Bụi phấn là có vấn đề vì nó có vẻ buồn buồn, mang tính bụi bặm, hạ hình tượng người thầy giống như bụi phấn, dễ làm người ta hiểu lầm. Nghe thế Vũ Hoàng lại càng hoang mang. Bài hát này mà không mang tên Bụi phấn thì biết đặt tên gì? Cuối cùng, sau khi đắn đo, suy nghĩ anh quyết vẫn để tên Bụi phấn cho bài hát bài bởi hình tượng đó không thể thay đổi, bụi phấn chỉ tôn thêm nét đẹp của người thầy…

Ngày 20/11/1982, bài hát Bụi phấn lần đầu tiên chính thức ra mắt tại sân Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM với tiếng hát của hơn 2.000 sinh viên. Nhạc sĩ Vũ Hoàng không bao giờ quên giây phút xúc động ấy, “nó làm tôi thấy thêm yêu nghề thầy giáo, bài hát làm lòng tôi thắt lại và tôi nghĩ nhiều người cũng cảm giác như thế. Nghề dạy học là nghề đưa đò qua sông. Đưa từng thế hệ này đến thế hệ khác, có cháu còn nhớ, có những người cũng chẳng nhớ chẳng quên, chính vì thế khi viết bài này tôi có mơ ước làm chiếc cầu nối để đưa họ trở về trường, nhớ công ơn thầy cô đã từng dạy dỗ mình”.

Bụi phấn trở thành một cú “hit” thời ấy. Năm 2000 ca khúc Bụi phấn được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Khi được hỏi thầy cô bây giờ dùng phấn không bụi thì hình tượng bụi phấn đã lạc thời, nhạc sĩ Vũ Hoàng trả lời: “Bụi phấn giờ không còn, bảng đen chắc rồi cũng thế, chúng ta không thể đi ngược dòng chảy nhưng hình tượng người thầy giáo với cái bục giảng thì vẫn ở lại. 32 năm trước, khi sáng tác bài này tôi làm sao dám nghĩ nó vẫn được hát đến hôm nay. Tôi ngỡ nó sẽ bị trôi đi nhưng cuối cùng nó vẫn ở đây. Vậy thì hình tượng người thầy với mái tóc bạc vì bụi phấn kia tôi nghĩ chẳng bao giờ mất”.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

[footer]

Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn – Vũ Hoàng)

Có một dạo, không phải là quá xưa, khoảng giữa thập niên 1980, giai điệu chậm và đẹp của bản “Hương thầm” rất phổ biến trong những người trẻ như chúng tôi. Khi đó [dongnhacxua.com] cứ ngỡ đây là một bài hát sáng tác để kêu gọi các bạn trẻ góp sức bảo vệ Tổ Quốc trong cuộc chiến với Trung Quốc những năm 1978, 1979 và 1988. Thế nhưng sau này, khi có nhiều thông tin hơn, chúng tôi mới biết được bản “Hương thầm” là nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ từ một bài thơ của nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn viết  cách đó khá lâu, năm 1969. Hôm nay, để thế hệ sau hiểu thêm về nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu đôi nét về “Hương Thầm”.

BÀI THƠ “HƯƠNG THẦM”
(Nguồn: tkaraoke.com)

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ .
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa .

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay ,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm ,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi ,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .

( Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy …)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

“HƯƠNG THẦM” – KÝ ỨC VỀ MÙA HOA BƯỞI NĂM ẤY
(Nguồn: vnExpress.net)

Bài hát được phổ nhạc từ thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã trải qua 30 năm tồn tại nhưng vẫn tỏa hương bền bỉ như một trái tim mang khát vọng hòa bình và yêu thương.

Có những loài hoa trở nên bất tử vì một bài thơ hay một bài ca. Đó là “hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “màu tím hoa sim” trong thơ của Hữu Loan, “hoa sứ nhà nàng” trong nhạc của Hồng Phương… Tất nhiên khi điểm danh sách ấy, không thể quên “hoa bưởi” trong Hương thầm của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Bưởi là một thứ cây phổ biến ở nhà quê. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, quả lại rất lành. Đến tháng ba, khi “mưa xuân phơi phới bay”, cũng là lúc bưởi ra hoa. Đầu làng, cuối xóm, bỗng đâu ngào ngạt hương thơm. Đó là thứ hoa âm thầm đến lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, còn chưa kịp thấy bóng hoa, người đã ngây ngất vì mùi thơm thanh khiết.

Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net

Người xưa chơi hoa thường chuộng hương hơn chuộng sắc. Bởi thế những thứ hoa rực rỡ như mẫu đơn, hải đường, phù dung, thược dược… vẫn thường bị các cụ chê là “hữu sắc vô hương”, giống như người đàn bà đẹp mà không có duyên. Hoa bưởi thì ngược lại, “hữu hương vô sắc”: hương thơm thì vô cùng nhưng dáng hình lại mộc mạc.

Hoa có năm cánh đầy đặn, trắng muốt; uốn cong cong về phía cuống, khoe nhụy vàng thơm phức. Hoa bưởi một khi đã nở, ít khi nở vài bông hay vài chùm, mà thường nở một loạt, nở cả cây. Khắp những vòm lá xanh tươi là những chùm bông trắng tinh ẩn hiện. Hoa bưởi giản dị lắm nhưng lại quyến rũ như người thôn nữ có duyên ngầm.

Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những dòng tươi thắm tả cảnh mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ.

Bài thơ ấy mang tên Hương thầm, tác giả sáng tác để tặng người em ruột tên là Phan Hữu Khải. Hồi ấy nhà bà ở Yên Phụ, trong sân có cây bưởi, cứ độ tháng ba về là hương thơm ngào ngạt. Em trai bà thường nhặt hoa rụng và hái hoa tươi cho vào túi để chị xách đi làm.

Ở lớp, có một bạn gái có vẻ rất gắn bó gần gũi với Khải nhưng anh không hay biết, chỉ có người chị đa cảm là để ý. Rồi anh lên đường đi bộ đội, ở chiến trường có lần được nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, anh viết thư về kể cho chị. Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm bà sáng tác bài thơ ấy từ chuyện của anh thì anh đã hy sinh. Anh ngã xuống mà không hề biết rằng mình đã được chị gái tặng riêng cho một bài thơ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng chia sẻ trên báo: “Hương thầm cứ lặng lẽ, đến người đưa tiễn cũng không hay biết, ngay cả khi nằm xuống đất lạnh rồi vẫn không hay biết”.

Hương thầm sau đó được giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969. Đến năm 1984, bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, như được chắp thêm đôi cánh để càng vươn xa hơn đến mọi miền của tổ quốc.

Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh những khung cửa để ngỏ. Hai người bạn “thanh mai trúc mã” lớn lên bên nhau với cây bưởi là chứng nhân lặng lẽ:

“… Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ,
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”

Nhà phải có cây bưởi mới biết hoa bưởi hữu dụng đến mức nào. Hoa bưởi được người ông đem ướp với trà để đãi khách những mùa sau. Người bà tần tảo đem hoa bưởi ướp với mía lùi làm quà ngon cho các cháu. Những ngày nóng nực, người mẹ đem hoa bưởi rắc lên bát chè đậu đen ngọt lành. Người chị để hoa trong vuông khăn giắt trong túi áo hoặc cài lên mái tóc để làm điệu.

Trẻ con dùng chỉ xâu qua những đóa hoa để kết thành vòng tay, vòng cổ xinh xắn. Lại có khi hoa được giắt lên mái đầu khi các em chơi trò cô dâu chú rể. Chàng trai và cô gái nhà bên có lẽ đã lớn lên với những kỷ niệm dịu ngọt từ những mùa hoa bưởi đi qua như thế.

“… Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa…”

Những rung động đầu đời chưa kịp gửi trao thì chàng trai đã phải ra trận, “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Ở một mùa hoa bưởi khác trong thơ của Tô Hùng một cuộc biệt ly như thế cũng đã diễn ra:

“Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”

“Của tin gọi một chút này làm ghi”, cô bé hái một chùm hoa bưởi, giấu trong khăn tay định tặng người ra trận. Chỉ một từ “ngập ngừng” thôi mà như diễn tả được bao nét ngại ngùng, bẽn lẽn của người thiếu nữ dịu dàng.

“Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Thời ấy, tình yêu trong sáng lắm. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chàng trai, đứng trước cuộc sinh ly tử biệt, dù trong lòng có tình cảm cũng phải kìm nén, sợ nói ra nhỡ có bề gì, trở thành gánh nặng cho người ở lại.

Trong thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, sự bối rối ấy được diễn tả rõ hơn: “Họ ngồi im không biết nói năng chi – Mặt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”; “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối – Anh không dám xin – Cô gái chẳng dám trao”.

Tình yêu thời chiến là thế: kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn lãng mạn. Vì lý tưởng, họ sẵn sàng lên đường, ấp trong tim một khối tình chẳng bao giờ dám ngỏ. Có những người lính ngã xuống vẫn chưa từng một lần được yêu, chưa từng được nếm vị ngọt ngào của bờ môi thiếu nữ:

“Em ơi rất có thể
Anh chết trong chiến tranh
Đôi mươi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn”
(Hôn – Phùng Quán)

Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net

Nếu mùi hương hoa bưởi đã nói hộ tấm lòng người thiếu nữ, thì Hương thầmcó thể coi là thay lời muốn nói của cả một thế hệ đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình nơi chiến trường:

“… Hai người chia tay nhưng chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì?
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi…”

Không một lời yêu nào được ngỏ, không một lời hứa hẹn nào được trao. Chỉ có những câu hỏi không lời đáp để lại bao xao xuyến trong lòng người nghe.

Tròn 30 năm Hương thầm được phổ nhạc, có rất nhiều ca sĩ đã thử sức với bài hát này. Nhưng có lẽ Bảo Yến là người thể hiện thành công hơn cả. Giọng hát của chị chân phương, mộc mạc, không luyến láy điệu đà như nhiều ca sĩ sau này, cũng giống như hoa bưởi không phô trương mà vẫn nồng nàn.

Người ta vẫn thương hoa bưởi vì để lại mùi hương rất lâu. Hoa đã tàn rồi mà trên tay, trong nếp áo, mái đầu của người hái hoa vẫn còn thoang thoảng mùi hương. Hương thầm cũng vậy, 45 năm thành hình dưới dạng bài thơ, 30 dưới dạng nhạc, vẫn tỏa hương bền bỉ như khát vọng tình yêu và hòa bình vẫn chẳng bao giờ thôi trăn trở trong tim người Việt.

[footer]