Hôm nay ngày 12/05/2019, theo văn hóa của Phương Tây thì hôm nay là Ngày Của Mẹ (Mothers’ Day). Nhân dịp này, DòngNhạcXưa xin tổng hợp lại những ca khúc hay về tình Mẹ. Thật ra chúng tôi cũng đã có một chuyên mục về ‘Tình mẫu tử‘ trên trang DongNhacXua.com, nhưng bài viết tổng hợp này sẽ giúp các bạn trẻ nhanh chóng có một danh sách khi cần.
Biết rằng khả năng của mình là có giới hạn nên mọi sự đóng góp, bổ sung luôn được hoan nghênh.
Nhắc đến Y Vân là giới yêu nhạc nghĩ ngay đến ‘Lòng mẹ’ bất hủ dù ông có trên dưới 200 sáng tác thuộc đủ mọi thể loại. TheoDòngNhạcXưa ‘Lòng mẹ’ là bản nhạc hay nhất và tiêu biểu nhất cho tình yêu bao la của người mẹ Việt Nam.
Chỉ với một bản ‘Mẹ tôi’ cũng đủ lưu danh nhạc sỹ Nhị Hà vào nền tân nhạc Việt Nam như là tác giả của một trong những nhạc phẩm hay nhất về tình mẫu tử. DòngNhạcXưa xin giới thiệu đôi nét về nhà nhạc sỹ gốc Huế này để thế hệ trẻ có nhiều thông tin hơn.
Tác giả nhạc phẩm “Mẹ tôi”, một trong vài nhạc phẩm ca ngợi lòng mẹ đặc sắc của tân nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn xa rời cuộc sống vào ngày 10 tháng 10 năm 1988 tại thành phố Houston do ung thư gan.
Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh ngày 24 tháng 08 năm 1935 ở Quảng Bình. Ông là người con thứ 2 trong một gia đình có 5 người con.
Vào năm 1958, Nhị Hà trở ra Huế để lập gia đình tại đây với người bạn gái học chung năm cuối ở trường Khải Định tên Kim Khuê. Hai người có với nhau 7 người con. Năm 1960, ông vào Saigon tiếp tục học. Sau một thời gian sang Mỹ tu nghiệp, ông về Việt Nam làm việc tại Nha Cải Huấn cho đến năm 1975.
Năm 1975, Nhị Hà di tản sang Mỹ và cư ngụ tại tiểu bang Arizona. Sau đó, ông dời về tiểu bang Washington. Sau cùng ông và gia đình về cư ngụ tại thành phố Houston (Texas) vào năm 1979 cho đến khi ông qua đời. Tổng số tác phẩm của Nhị Hà khoảng 20 bài. Nhạc phẩm đầu tiên ông sáng tác lúc mới 13 tuổi là bài “Mẹ tôi”, một sự phối hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về âm nhạc và lòng thương yêu hết lòng người mẹ đã cả đời tận tụy vì con cái. Một vài nhạc phẩm khác đã đưa tên tuổi của ông lên cao là Trở Về Thôn Cũ và Nhớ Một Mùa Hoa, vv…Tác phẩm cuối cùng của ông là Yêu, viết trước khi qua đời, trong thời gian điều trị tại bệnh viện. “
Tiếp nối dòng nhạc về Tình Mẫu Tử thiêng liêng, DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản ‘Nhật ký của Mẹ’, một nhạc phẩm chứa chan tình Mẹ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung.
Nguyễn Văn Chung kể Nhật ký của mẹ được sáng tác năm 2008, xuất phát từ ý tưởng muốn viết một ca khúc làm quà tặng mẹ anh. Khi ấy, gia đình anh gặp biến cố. Sự quan tâm, chăm lo của mẹ đã khiến anh xúc động. Anh nghĩ lại những điều mẹ đã hy sinh cho các con từ nhỏ và đặt bút viết ca khúc.
Mỗi dịp Xuân về, mỗi người Việt Nam chúng ta, dù ở phương trời nào đều tất tả quay về quê hương để đón cái Tết xum vầy. Một trong những tác nhân quan trọng nhất kết nối các thành viên trong gia đình chính là người Mẹ: khi còn mẹ, chúng ta vui mừng biết rằng chúng ta còn một nơi chốn để về thăm. Hôm nay DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản “Mẹ tôi” đầy cảm xúc của nhạc sỹ Trần Tiến.
“Mẹ tôi” là ca khúc nhạc sĩ Trần Tiến dành để tưởng nhớ đến người mẹ đã khuất của mình. Là người gắn bó với mẹ nhất trong gia đình, ông viết nên những câu hát như gan ruột. Trong một lần giỗ mẹ, Trần Tiến đã hát ca khúc này khiến cả nhà đều xúc động.
Lấy cảm hứng từ hai câu ca dao: “Mẹ già như cưới chín cây, Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”, nhạc sỹ Trần Long Ẩn đã bổ sung vào dòng nhạc Việt một sáng tác có giá trị về tình mẫu tử. Đây cũng là nhạc phẩm được hát rất nhiều vào mỗi dịp Xuân về. Hôm nay 23 tháng chạp Ất Mùi (01.02.2016), trước thềm năm mới, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mừng tuổi Mẹ” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn.
“Lên non mới biết non cao, Có con mới biết công lao mẹ già!”. Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời.
Tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con dành cho đấng sinh thành của mình. “Lên non mới biết non cao, Có con mới biết công lao mẹ già!”. Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời. Và cho dù có đi, ở đâu thì đúng thật, không ai tốt, chăm sóc, lo lắng cho chúng ta bằng chính cha mẹ…
Mọi người chúng ta ai cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền. Vẫn biết bên mình có biếtt bao nhiêu người thân yêu – đến trường ta có bạn bè thân thương, có ngôi trường thương mến, có thầy cô kính yêu hằng ngày vỗ về, dạy dỗ … nhưng chắc chẵn có ai không cảm nhận được tình yêu thương đầy ắp, nồng ấm của người mẹ hiền đi theo ta đến suốt cuộc đời là cao cả nhất.
Tình yêu đó cứ lớn dần theo năm tháng, đến bây giờ khi bước chân vào trường trung học phổ thông ta mới phần nào hiểu được tình yêu thiêng liêng của mẹ.
Một sớm mai thức dậy, ta đã cảm nhận được bàn tay mẹ hiền ôm ấp đêm qua, giờ đây lại chuẩn bị nắm cơm buổi sáng trước lúc ta đến trường. Khi ta vào lớp, bàn tay mẹ lại tần tảo nắng mưa ngoài nương rẫy lo cho ta buổi cơm thường nhật, từng manh áo ấm trong những tiết trời lập đông. Cứ thế, tình mẫu tử luôn hiện hữu, cứ mãi che chở, mơn trớn, vỗ về, yêu thương, trìu mến trên mỗi nẻo đường con đến lớp.
Tình mẹ tràn đầy như mặt nước hồ thu buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người còn chưa biết mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa. Nay trên tất cả các phương tiện trao đổi thông tin, nghệ thuật, hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh hơn nhưng chắc vẫn chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu người mẹ dành cho ta.
Từ tấm bé, khi biết cảm nhận cuộc đời, tình mẹ luôn dần lớn lên bên con theo năm tháng…
“ Ầu ơ … ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi…”
Câu hát ru con bất ngờ của nhà ai hàng xóm trong đêm sâu quạnh quẽ của miền quê có lẽ cũng đủ đưa ta theo nguồn yêu thương của tình mẹ bao la! Tình mẹ thể hiện mọi nơi trên trái đất này với bất kỳ không gian nào. Một sớm mai trong bài giảng của Thầy ở lớp, vẫn còn nhớ như in câu hò đầm ấm, du dương mà mênh mông tình mẫu tử:
“Hò ơ! Mẹ già như chuối chín cây, Gió lay mẹ rụng… gió lay mẹ rụng … con phải mồ côi!”
Buổi chiều về, đem cảm xúc này thổ lộ với Ba, con lại nghe Ba sụt sùi tiếc thương đã một lần lầm lỡ khi vô tình để mẹ buồn lúc tuổi thời cắp sách. Ba rất sợ mồ côi chăng? Có lẽ thế! Mồ côi với tình yêu thiêng liêng bất tận! mồ côi bàn tay chăm bẵm tự buổi sơ sinh! Mồ côi sự chở che từ tấm bé! Mồ côi ngay cả lúc đã là người lớn như Ba! Mồ côi sự nuông chiều trong thời thơ dại! Mồ côi cả trong buổi xế chiều!… Ba chỉ ngậm ngùi đọc câu ca dao xưa cũ:
“Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Ta chợt rùng mình sợ hãi thật sự nếu trên đời này, ta hay bất kỳ ai lỡ thiếu vắng đi một tình yêu thương của mẹ hiền!
Một đêm sốt xoàng thôi ta đủ biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán thăm khám nhiệt độ, đắp chăn, tất tả lo thuốc men, rồi mẹ nấu lá xông mà khi nhỏ ta cứ ngỡ nồi lá xông là thuốc thần để con hết bệnh!
“Con ho lòng mẹ tan tành, Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.
Cơn sốt của con đã là cơn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con chắc đã làm khuôn mặt mẹ thêm hằn những vết chân chim!
Hình ảnh người mẹ luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, chở che! Cất tiếng khóc đầu tiên chào đời là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi chập chững trước tiên của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? Khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xít xoa? Cảm nhận được nổi đau lúc này là ai ngoài mẹ? Ai mừng vui nhất khi ta cất tiếng nói bi bô? Khi bước chân vào trường, đằng sau ta không bao giờ thiếu vắng cặp mắt dõi theo đầy lo lắng của mẹ hiền! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui của mẹ mỗi khi ta được điểm mười ?
Giờ đây, khi ngồi trên ghế nhà trường với những trang sách mới thơm tho như còn phảng phất mùi hương lúa mới đồng quê và những giọt mồ hôi tảo tần của mẹ, với bộ trang phục màu xanh hôm nay đây chắc không thiếu đi niềm hy vọng cho con nên người tự miền quê xa lắc! Khi phố lên đèn ta chắc mẹ mới rời công việc đồng áng, thoăn thoắt bước chân về nhà dưới làn sương đêm mà mẹ chưa một lần ta thán!
Còn nhớ như in những lúc học bài khuya, mẹ vẫn thức cùng con và ngồi bên may vá, khâu lại từng chiếc khuy, đắp bạ từng mãnh vai áo đã sờn. Ngồi bên con, chắc mẹ sợ con thức khuya không đủ sức mai dậy sớm đến trường, mẹ lại tất tả lo cho con từng ly nước cam ngọt lịm tình yêu thương. Đến khi con chim nhạn lạc bầy kêu sương đâu đó giữa không gian miên mang của đêm miền quê xứ Quảng, con lại lo rằng để mẹ cùng thức quá khuya làm sao ngày mai mẹ tiếp tục ra đồng dưới nắng?
Cũng đã có nhiều lần phạm lỗi, sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, ta vẫn nhận được sự vỗ về bằng những lời khuyên mộc mạc, chân tình nhưng lắng sâu nỗi bao dung. Mỗi lần như vậy, con như lớn thêm lên, cứng cáp hơn lên và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ phạm lỗi. Ta có biết đâu tuổi thơ vẫn cứ êm đềm trôi đi trong lúc lưng mẹ ngày thêm còng xuống theo dấu ấn nghiệt ngã của tháng năm, lỗi lầm xưa con e rằng chưa có dịp nào chuộc lại, tóc mẹ lại trắng thêm khi ta chưa kịp nên người!
Ngày tựu trường phổ thông trung học chuyên, hai mẹ con rụt rè trên phố như không khí “ngày tựu trường đầu tiên” của Thanh Tịnh. Trong trang phục của quê nghèo lạ lẩm tại góc phố phồn hoa nhưng con vẫn cảm nhận được sự rắn rỏi, cứng cáp của mẹ để con vững tin mà tiếp xúc môi trường mới mẻ. Có ai đó thì thầm xót xa, ái ngại nhưng có gì đâu? Người ta có thể có nhiều thứ hơn nhưng con vẫn tin rằng con đã có một gia sản quí nhất trên đời chưa chắc ai sánh kịp đó là tình mẹ của con!
Hôm nay trên chiếc xe đạp mẹ mua cho con vẫn còn thơm mùi sơn mới, con đến trường trong niềm hân hoan như đang trong vòng tay mẹ, con đã tiếp cận môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới trong veo tuổi thơ học trò, con chắc vẫn không bao giờ thiếu sự lo lắng, nhớ thương của người mẹ hiền tần tảo.
Cuộc đời mẹ là cả một đời mãi hy sinh cho con, tình yêu của mẹ dành cho con mênh mông như trời biển vẫn như câu ca dao xưa đó thôi: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như để tình mẹ luôn tồn tại vĩnh hằng!
Giờ đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng như báo đáp công ơn trời biển của mẹ bằng cả sự quyết tâm học hành của con! Con hứa với mẹ con sẽ giữ mãi màu xanh đồng phục của con bên cạnh bạn bè con, của trường con luôn trong sáng như niềm tự hào của chính con, như niềm hy vọng ngọt ngào vô tư của mẹ hiền dành cho con.
Mẹ ơi! Tình mẹ thật bao la! Con chỉ là đứa bé thích luôn được nằm trong vòng tay âu yếm, trìu mến của mẹ, của gia đình! Con nguyện sẽ gắng học thật tốt để rèn luyện bản thân con nên người, góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đem lại nguồn vui, niềm hy vọng cho mẹ, cho gia đình thương yêu của mình.
Tác giả : Cô học trò nhỏ, con gái của độc giả Trần Thị Sương, đang học lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quí Đôn (Đà Nẵng)
Nếu như ‘Lòng Mẹ” của Y Vân là bản nhạc hay nhất về tình mẹ thì có thể nói không ngoa rằng “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là ca khúc hay nhất về tình phụ mẫu. Trước một thực tế đáng buồn là tân nhạc Việt Nam càng ngày càng ít đi những sáng tác lay động về công ơn của bậc sinh thành, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của cố nhạc sỹ Dương Thiệu Tước để các thế hệ sau tiếp tục giữ vững truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt.
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ DƯƠNG THIỆU TƯỚC (Nguồn: wikipedia)
Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định.
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, trong thập niên 1930 ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh… Dương Thiệu Tước cũng là người có sáng kiến soạn nhạc “bài Tây theo điệu ta”, những nhạc phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc. Trong một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: „Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.
Ông vào miền Nam sinh sống từ năm 1954. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Sau ngày nước Việt Nam thống nhất năm 1975, nhạc của ông bị cấm đoán và ông cũng bị mất chỗ dạy học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Vợ chính thất cũng là vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái đang sống tại Đức và Hoa Kỳ.
Vợ sau của ông là Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao. Ông bà sống hạnh phúc trong 30 năm, có với nhau 5 người con là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh (ca sĩ hải ngoại), Vân Dung, Vân Hòa, Vân Khanh [1].
Sau năm 1975 do bệnh tật nên ông ở lại TP Hồ Chí Minh. Năm 1978 bà Minh Trang cùng các con định cư ở nước ngoài.
Đầu thập niên 1980 ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh và được bà chăm lo cho tuổi về chiều.
Chúng ta đang ở vào những ngày giữa tháng 7 Âm Lịch, tức vào mùa Vu Lan Báo Hiếu. Trước đây DòngNhạcXưa đã có bài viết về “Bông hồng cài áo” (Phạm Thế Mỹ – Nhất Hạnh) và “Lòng mẹ” (Y Vân). Hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu một nhạc phẩm đặc sắc khác về tình mẫu tử: bản “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương. Là anh cả trong gia đình, hơn mười tuổi phải sớm lìa bỏ quê nhà Rạch Giá để lên Sài Gòn kiếm sống, cộng với nỗi mất mát tình cảm với người cha, cậu bé Lâm Đình Phùng (tên thật của nhạc sĩ Lam Phương) dồn hết cả tình thương cho mẹ, người phải gánh vác trách nhiệm với cả gia đình. Có lẽ chính vì điều ấy mà trong một đêm mưa, nhà nhạc sĩ đã cảm tác nên “Đèn khuya”.
TTCT …. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng.
Cách nay mấy năm tôi nhận được một thư điện tử của một bạn trẻ không quen biết. Sau khi chào hỏi, cậu kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi phải lưu lại bức thư này trong hộp thư luôn phải dọn dẹp của mình.
Cậu kể: “Hai năm trước, em tốt nghiệp và có việc làm ngay. Ngành học của em lúc đó đang thịnh, em lại nhanh nhẹn và học hỏi nhanh nên may mắn chỉ sau một năm là được nhận vào một khâu quan trọng và mang được lợi nhuận cho nơi làm việc. Em sung sướng trong thế giới mới này.
Em yêu một cô khá xinh và được yêu. Em có thu nhập cao dần lên mỗi tháng và bắt đầu biết ăn diện. Em thường xuyên ra ngoài ăn với bạn bè và đối tác, những nhà hàng nổi tiếng đều đến ăn thử. Cuộc đời không có gì đẹp bằng!”.
Đó là phần mở đầu bức thư. Cậu có một bà mẹ chỉ ở độ tuổi hơn năm mươi, một người chị chưa lập gia đình. Dù rất yêu thương họ, mỗi tuần cậu ăn cơm chung với mẹ và chị độ hai lần. Có lần cô chị bảo rằng mẹ rất thích ăn cơm với em, nghe em kể chuyện đi làm ra sao. Cậu tươi cười bảo mới đi làm nên cần giao tiếp với nhiều người. Để công việc rảnh rỗi cậu sẽ siêng về nhà ăn cơm với mẹ và chị như hồi còn đi học.
Câu chuyện đơn giản như vậy. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng. Một năm sau nữa, công việc của ngành cậu ngày càng khó khăn. Cuối cùng, đồng lương của cậu chỉ là con số nhỏ. Các đối tác rút dần, bạn bè không mấy ai mời nhau đi ăn và cậu không còn khả năng lui tới với họ.
Điều an ủi duy nhất là cô bạn gái vẫn không bỏ rơi cậu và cậu cảm kích điều ấy. Tuy nhiên, cả hai trở nên lặng lẽ hơn. Và có một điều gì đó khiến cậu thấy hai năm vừa qua như một thứ ảo ảnh, như bọt nước.
Những buổi tối về ăn cơm cùng với chị, bên bàn thờ mẹ và người cha mất sớm, cậu hồi tưởng những năm đi học trung học rồi đại học. Những món mẹ nấu đơn giản nhưng đầy yêu thương. Rồi cậu nhớ đến một ngày giỗ ba, mẹ cậu đọc bài thơ ba viết tặng mẹ hồi còn trẻ. Thơ viết rất dí dỏm và cả ba mẹ con cùng cười, và thấy có cả giọt nước mắt trong khóe mắt của mẹ lúc cười vui ấy.
Câu chuyện của cậu như rất nhiều câu chuyện trên đời này, lặp đi lặp lại. Chúng ta luôn cứ phải hối tiếc khi mất đi điều yêu dấu nhất. Nhưng khi có nó trong tay, chúng ta luôn hờ hững và nghĩ rằng mình sẽ dành thời gian cho điều ấy, người ấy, việc ấy vào một lúc khác.
Chúng ta đeo đuổi những đam mê nghĩ là chính đáng cho cuộc đời cho đến khi nó trở nên vô nghĩa vì những điều khác xảy đến…
Tôi cũng có lúc như cậu bạn này nên không dám phán xét. Bức thư chỉ khiến tôi nhớ mẹ.
Khi nằm trên giường bệnh vào những ngày mưa thu tháng bảy như năm nay, má tôi vui khi hai người chị của tôi, chị ruột và chị dâu, vào thăm má. Hai chị mới vừa từ một ngôi chùa ra về, mục đích là cầu xin Phật trời cho má tôi được khỏe mạnh.
Vào thăm má, trên ngực áo của chị dâu còn mang một bông hồng trắng mà nhà chùa đeo cho vì đã mất mẹ. Còn trên áo chị ruột của tôi là một bông màu hồng. Nhìn màu bông hồng bên cạnh khí sắc nhợt nhạt của má, tôi chợt rùng mình như trước mắt mình màu hồng như muốn ngả sang nhợt nhạt.
Hồi xưa khi tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều nghỉ bán là má lại làm những bịch nước trái cây từ múi mít, trái thơm bào ra và nước đường. Má để trong tủ lạnh, đợi con nít hàng xóm sang mua. Mỗi ngày lũ con đi học về là lại lục tủ lạnh lấy một bịch để uống.
Thấy má cực thân, ông anh bảo không nên làm chi nữa, con cái uống hết có lời lóm gì. Má bảo con cái có mà uống chính là có lời, còn gì nữa. Má từ chối lời khuyên nên dùng đường hóa học cho rẻ, không phải vì con mình cũng uống mà vì má nghĩ như vậy là “mang tội”. Tội với ai? Tội với trời Phật vì đã đầu độc người khác.
Má sống với niềm tin thông thường là ở hiền gặp lành, gieo nhân tốt gặt quả tốt. Má giữ nghiêm ngặt những phong tục cũ, không ăn cá da trơn, không ăn thịt chó, không ăn thịt ếch, thịt chim hay thịt lươn, chỉ vì muốn món ăn nào cho cả nhà ăn đều “lành” theo cách nghĩ của má. Má chu toàn cuộc sống gia đình từ những món ăn quen thuộc, độ đạm vừa phải và không bị kiêng kỵ.
Đến thời bao cấp, má không tiếc những bao mì gửi cho thằng bạn của con khi nó đến nhà chơi, mặt xanh rớt vì đói ăn trong khi cha đang đi học tập cải tạo. Ngày tết má làm nhiều mứt dừa, nấu nhiều xirô. Không phải chỉ để cho con ăn, má biết lũ học trò trường mồ côi S.O.S mà ông anh làm hiệu trưởng sẽ kéo đến đầy nhà và chúng sẽ có một bữa ăn uống thỏa thích. Má cứ nghĩ và sống theo kiểu như vậy.
Những ngày má nằm trên giường bệnh, nhà tôi sát bên vách nên mỗi ngày qua thăm má năm bảy lần, bất cứ khi nào rảnh. Thăm và bóp chân tay cho má hoặc chỉ ngồi trông má ngủ. Lúc đó má đã lẫn, luôn trách ba tôi không chịu lên thăm bà trong khi ông đã ra đi trước đó nửa năm rồi.
Nhiều lần má lại mơ về hồi còn nhỏ, những năm thập niên 1930. Bà sụt sùi xin ông anh cả đừng đánh bà nữa. Đó là những chuyện xảy ra trong căn nhà của ông ngoại tôi bên Vĩnh Hội, quận 4 thuở xa xưa thời Pháp thuộc. Bà thường thấy hai ông đến rủ bà đi đâu nữa, trong đó có một ông mặt rất to. Chị người làm nghe vậy rất sợ vì theo chị đó là ông Địa Tạng về muốn đưa đi.
Có buổi sáng chủ nhật tôi qua thăm má và ngồi chơi độ hai giờ. Sau đó tôi về ăn cơm, ngủ một chút và lại qua má. Trời mưa lướt thướt, tôi vào phòng và thấy má cứ ngồi đó, tạo hình một bóng đen thẫm trên nền cửa sổ mưa trắng xóa sau cửa kính.
Tôi hỏi chị tôi: “Má không ngủ sao?”. Chị bảo: “Má không ngủ, bảo ngồi đây đợi em đó. Má bảo sao lâu quá, mấy ngày rồi nó không qua thăm!”.
Tôi ngồi xuống ôm má, tựa đầu mình vào mái đầu bạc của má và cảm thấy bao nhiêu ký ức và ân tình trôi qua vùn vụt trong đầu, từ ngày tôi còn nhỏ được má chăm sóc miếng ăn tấm áo, lăn bột pha giấm trên lưng khi bị sốt, tha đi bác sĩ khi sưng chân, dắt qua ngôi chợ má bán và mua cho đĩa bánh cuốn, chén chè đậu.
Tôi đọc lại bức thư và thấy mình không biết trả lời hay khuyên nhủ gì. Chúng ta có khác gì nhau, những người luôn cuốn hút về vũ khúc quay cuồng của cuộc đời, các bữa ăn, họp mặt, Facebook và có nhiều lúc quên đi người duy nhất trên đời này banh da xẻ thịt vì ta và luôn thương yêu ta vô điều kiện.
Chúng ta đang trải qua những ngày giữa tháng 7 âm lịch, tức là quãng thời gian của mùa Vu Lan báo hiếu. Nhân dịp này DòngNhạcXưa xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bản ‘Bông hồng cài áo’. Cảm tác từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã cho ra đời một giai điệu rất đẹp trên nền ca từ mượt mà như những vần thơ. Có thể nói ‘Bông hồng cài áo’ là bản nhạc nổi tiếng thứ nhì sau ‘Lòng mẹ’ của Y Vân trong số những bài hát về tình mẫu tử.
Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ
Medford, tháng tám 1962.
Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :
Năm xưa tôi còn nhỏ mẹ tôi đã qua đời! lần đầu tiên tôi hiểu thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc Im lặng tôi sầu thôi để dòng nước mắt chảy là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ mất cả một bầu trời.
Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối Ba Hương Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng : “con mà thương mẹ thì phải làm thế nào ?” Tôi trả lời : “vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” Bây giờ thì tôi biết rằng : “con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!”
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẻ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : “mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác.” Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : “thôi con không lấy chồng nữa.” Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh : mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng : để anh sung sướng , thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằ
ng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.
1- Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu; Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?
Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giáo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về Văn Hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sàigon do tôi hướng dẫn. Bài này gửi qua chị Trương thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ, hay mất mẹ. Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của đoàn Sinh Viên Phật Tử đã gửi cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút cho nguyệt san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần. Tập San Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ. Hòa Thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa Thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động. Sau đó Bông Hồng Cài Áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông Hồng Cào Áo. Từ đó, Lễ Bông Hồng Cài Áo đã trở thành một truyền thống. Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu Lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn Cải Lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo và có mời tôi tham dự.
Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.
2- Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?
Lễ Bông Hồng Cài Áo tổ chức tại Làng Mai mỗi mùa Hè kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống.
3- Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?
Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose).Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.
4- Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông Hồng Cài Áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin cho Thiền sư cho biết cảm nhận mình của khi nghe bài hát ấy – lần đầu tiên cũng như bây giờ?
Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.
5- Là một người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ nhân mùa Vu lan PL. 2550 năm nay?
Ngày Lễ Bông Hồng Cài Áo không phải là chỉ để tưởng nhớ công ơn Mẹ Cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ Cha và từ Mẹ. Rồi thấy được Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.
Nếu bạn lỡ có những khó khăn với Cha hay Mẹ thì đừng nghĩ cạn là Mẹ không thương, Cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt.. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ.
Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của Cha, của Mẹ, mình tìm cách giúp Cha và giúp Mẹ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được Mẹ Cha mà còn làm cho Cha Mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.
Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.
Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.
Năm nay Thượng Tọa Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và các vị cọng sự đang dựng một công trường Bông Hồng Cài Áo nơi khuông viên tu viện. Nơi công trường sẽ có tượng một bà mẹ Việt Nam đang đứng với hai em bé, một trai và một gái. Bé gái được cài trên áo một bông hồng, bé trai đang hý hửng cầm trên tay một bông hồng khác. Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Nhắc đến Y Vân là giới yêu nhạc nghĩ ngay đến ‘Lòng mẹ’ bất hủ dù ông có trên dưới 200 sáng tác thuộc đủ mọi thể loại. Theo [dongnhacxua.com] ‘Lòng mẹ’ là bản nhạc hay nhất và tiêu biểu nhất cho tình yêu bao la của người mẹ Việt Nam.
Nhạc sỹ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu. Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội và mất năm 1992 tại Sài Gòn. Sớm mồ côi cha từ nhỏ, tình yêu và lòng kính trọng đối với người mẹ tảo tần nuôi đàn con thơ có lẽ là những động lực sâu xa để nhạc sỹ Y Vân viết nên ‘Lòng mẹ’. Thế còn duyên cớ để cho ra đời bản nhạc này, theo như lời kể của nhạc sỹ Y Vũ, em trai của ông là: năm 1952, gia đình nhạc sỹ di cư vào Nam. Vào khoảng năm 1959, khi đó Y Vân là nhạc công có tiếng chơi cho các ban nhạc ở Sài Gòn mà khi đó đang là giai đoạn bắt đầu hưng thịnh của các phòng trà. Trong một đêm lo mải giặt đồ cho cả nhà ở cây nước công cộng trong xóm mà mẹ của Y Vân đã về trễ sau giờ giới nghiêm. Và kết quả là bà bị quân cảnh tạm giữ. Khuya đó khi đi diễn về, Y Vân nghe tin và ông vội vã đến đồn cảnh sát để bảo lãnh cho mẹ. Cũng trong đêm đó, Y Vân đã thức trắng đêm để viết nên ‘Lòng mẹ’. Sáng hôm sau, ông đã hát cho mẹ nghe và như thế có lẽ mẹ ông là người đầu tiên được nghe bản này.