Người Tình Mùa Đông

Nhạc sỹ Anh Bằng
Nhạc sỹ Anh Bằng

Anh Bằng là một trong số không nhiều những nhạc sỹ thành danh trước 1975 và tiếp tục có những sáng tác đi vào lòng người sau 1975. Trong khí trời lành lạnh của một ngày chớm đông, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Người tình mùa đông” mà nhạc sỹ Anh Bằng đã đặt lời theo một bản nhạc nổi tiếng của Nhật.

Chúng tôi còn nhớ trong chương trình Tiếng Hát Truyền Hình được đài truyền hình TPHCM tổ chức vào năm 1991, Như Quỳnh khi ấy chỉ là một ca sỹ mới 21 tuổi đã đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối từ tất cả các vị giám khảo. Đây là kỳ tích mà cho đến nay chưa một ca sỹ nào vượt qua được trong lịch sử hơn 20 năm của cuộc thi âm nhạc này.

Ca sỹ Như Quỳnh thời "Người tình mùa đông" (1994)
Ca sỹ Như Quỳnh thời “Người tình mùa đông” (1994)

Sang Mỹ định cư năm 1993. Năm 1994, Như Quỳnh được trung tâm Asia của cố nhạc sỹ Anh Bằng mời tham gia và bản “Người tình mùa đông” có lẽ lần đầu tiên đưa tên tuổi Như Quỳnh đến gần với công chúng khắp nơi trên thế giới.

Đây là đoạn clip ca sỹ Như Quỳnh trình diễn trong chương trình Giáng Sinh Đặt Biệt do trung tâm Asia tổ chức cuối năm 1994.

‘NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG’ – KHẮC KHOẢI NỖI NHỚ NGƯỜI CŨ
(Nguồn: vnExpress.net)

Mỗi mùa đông về, trong không khí giá rét với những cơn mưa phùn lâm thâm, bài hát do Như Quỳnh thể hiện lại đem đến cho người nghe những hoài niệm xa xăm.

Mùa đông đến mang theo cái rét tái tê, cắt da cắt thịt và những cơn gió xao xác thổi. Bầu trời lạnh lẽo, nặng màu chì và những cơn mưa lâm thâm buồn bã. Tất cả khiến người ta co mình lại, chìm sâu vào những hoài niệm. Phụ nữ nghĩ về tuổi thanh xuân đã qua. Đàn ông nghĩ về những dáng hình cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa đông là mùa của nỗi nhớ.

ha-noi-mua-dong--vnexpress.net--dongnhacxua.com

Người tình mùa đông là ký ức của một chàng trai về một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, có trái tim băng giá:

“… Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa, em không đến
Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Những đêm khuya mưa buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình…”

“… Đường vào tim em bao cơn sóng
Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông…”

Chàng trai từ lâu đã phải lòng cô gái nhưng nàng lạnh lùng quá, băng giá quá và chẳng chịu mở lòng. Con gái đẹp xưa nay sinh ra dường như là để làm khổ các chàng trai. Những ai từng trải qua cái thời 17, 18 tuổi, có bài thơ tình “cứ còn hoài trong cặp, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”, từng lẽo đẽo đi theo một gót hồng cho đến tận cửa nhà nàng, từng đứng lạnh cóng dưới cơn mưa mùa đông ở một góc phố nào đó, chờ đợi một bóng hình đi ngang qua… sẽ đồng cảm hơn với lời ca của bài hát này.

Thiếu nữ càng trong sáng, càng “cành vàng lá ngọc”, càng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì càng e thẹn, ngại ngùng. Nàng ngoảnh đầu làm ngơ trước cái nhìn nồng cháy của kẻ si tình, nói không với những lá thư xanh, vò nát trái tim chàng trai bằng thái độ lạnh lùng. Chẳng thế mà từng có chàng thi sĩ nọ cất lời than thở: “Em tập làm khổ một kẻ ngốc như anh, xây tường ngăn sông dựng rào cấm chợ. Hô gió gọi mưa bày binh thách đố, anh đơn độc một mình choáng váng lao đao!”.

Người tình mùa đông tràn đầy hoài niệm về một thời thiếu nữ kiêu sa đã một đi không trở lại, để rồi những đêm mưa phùn gió bấc, người phụ nữ lặng lẽ nhớ về tuổi trẻ, người đàn ông âm thầm mơ về mối tình đầu của mình.

“… Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa
Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua.
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ nhau,
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.
Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa,
Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?…”

Những kỷ niệm về mối tình đơn phương ngày nào lại tiếp tục ùa về. Mối tình ấy gắn liền với tiết trời đặc trưng của mùa đông miền Bắc – những cơn mưa bụi. Khác với những cơn mưa ào ạt, chợt đến chợt đi của mùa hè hay những cơn mưa tầm tã dai dẳng của mùa thu; mưa mùa đông nhỏ, rơi lất phất, gần như vô thanh, nương theo gió tựa như bay.

Những ai từng ở miền Bắc, từng ở Hà Nội vào mùa đông sẽ không bao giờ quên được kiểu mưa ấy. Hạt mưa bé như hạt bụi, chỉ đủ bám tóc, rơi êm đềm, thấm vào từng lớp áo quần mang theo cái lạnh tê tái.

Người tình mùa đông gợi nhớ về mối tình đầu của muôn năm cũ. Mùa đông của ngày xưa dường như lạnh hơn, trời xám hơn, phố vắng và lặng lẽ hơn. Những đêm đông dài, cô đơn, nằm nghe tiếng mưa dường như kéo dài bất tận. Ký ức về những lần chờ đợi, đưa đón nhau dưới làn mưa bụi mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt.

Mùa đông đến, cái rét càng khiến người ta khao khát được gần nhau. Vậy mà trái tim người thiếu nữ vẫn mãi không rung động. Chính cái khao khát không được thỏa nguyện ấy càng làm Người tình mùa đông trở nên ám ảnh và khó quên hơn.

Lời ca đã mơ mộng, tuyệt vời nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ của Người tình mùa đông chính là giai điệu da diết, ám ảnh của bài hát.

Người tình mùa đông khởi nguồn từ một bài hát tiếng Nhật nổi tiếng là Rouge (Son môi hồng) do nghệ sĩ Miyuki Nakajima sáng tác và thu âm năm 1986. Rouge là một tình khúc buồn nói về tâm trạng cô đơn, chán chường của thiếu nữ từ miền quê lên kiếm sống nơi phồn hoa đô hội. Cô dần đánh mất sự ngây thơ, trở nên khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ vẻ mặt tươi cười. Nhưng đêm về, khi đối diện với chính mình, cô vẫn thường khóc thầm. Trong trái tim cô vẫn âm ỉ nỗi nhớ về một bóng hình cũ không bao giờ gặp lại.

Ca khúc đã nhiều lần được chuyển lời sang ngôn ngữ khác. Nổi tiếng nhất phải kể đến phiên bản tiếng Hoa có tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) do nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi thể hiện. Ca khúc là tâm trạng đầy yếu đuối, bất an của người phụ nữ đang cầu xin người đàn ông hãy ở lại, đừng bỏ rơi cô. Fragile Woman đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của Vương Phi và càng củng cố vị trí hàng đầu của diva tại thị trường âm nhạc Hong Kong.

Phiên bản tiếng Anh của bài hát có tên là That is Love do nhóm nhạc Tokyo Square thể hiện. Đây là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. That is Love rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”.

Bài hát sau đó được viết lại lời Việt với tên gọi Người tình mùa đông, gắn với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh.

Người tình mùa đông lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây gần 20 năm. Khoảng thời gian đó đủ để khiến một cô bé tuổi ô mai ngày nào trở thành thiếu phụ. Một ngày mùa đông âm thầm nào đó, bất ngờ ca khúc ấy lại vang lên khiến người đàn bà nhớ lại thời con gái kiêu sa của mình và bất giác mỉm cười. Ca khúc ấy cũng là sự nhắc nhở cho những người đàn ông về một thời tuổi trẻ trong trẻo và lãng mạn.

Nhiều mùa đông đã trôi qua nhưng Người tình mùa đông vẫn luôn luôn trở lại và được khán giả đón nhận như một tình khúc bất hủ, vượt thời gian.

Anh Trâm

[footer]