Tản mạn mùa đông

Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm 2018. Tháng cuối năm với những cơn gió lạnh, trời đã sang đông. Hòa trong dòng cảm xúc ấy, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu vài nhạc khúc mùa đông nổi tiếng qua bài viết của tác giả Cát Linh.

Luân vũ mùa đông

(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2015-1-29)

Cuối Thu (ảnh minh họa)

Một tuần lễ trôi qua với rất nhiều những sự kiện vui buồn, với Việt Nam và với cả thế giới. Trong lúc đó, đất trời cũng đang bước vào những ngày đầu tiên của mùa đông. Những chiếc que diêm cũng bắt đầu được đốt lên nhiều hơn để thổi bùng những đóm lửa sưởi ấm trong ngày đông giá. Có phải mùa đông sắp đến trong thành phố?.

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải – Bùi Thanh Tuấn)

Mới đó mà đã 20 năm. Những năm 1995. [dongnhacxua.com] còn nhớ như in cái rét đầu đông Hà Nội. Chúng tôi cùng một số anh em nghệ sỹ lang thang trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), rồi kéo về Hồ Tây và cuối cùng là kết thúc ở một quán cóc gần bờ hồ. Với một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam nắng ấm như chúng tôi, cảm giác được trải nghiệm cái lạnh của xứ Bắc quả thật là tuyệt vời. Lại càng hạnh phúc hơn khi được cùng các bạn văn nghệ nhâm nhi rượu Làng Vân, đọc bài thơ “Chia tay người Hà Nội” của Bùi Thanh Tuấn và đàn hát say sưa những nhạc phẩm thịnh hành về Hà Nội lúc đó như “Hà Nội đêm trở gió”, “Hoa sữa, v.v. Hôm nay, trong cái lạnh muộn của Sài Gòn, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”.

BÀI THƠ “CHIA TAY NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA BÙI THANH TUẤN
(Nguồn: thivien.net)

Tặng anh Trần Quang Dũng

Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.

Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.

Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.

Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…

Đêm Hội quán – Đông 1992

Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’.

ĐÔI NÉT VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA “HÀ NỘI MÙA VẮNG NHỮNG CƠN MƯA”
(Nguồn: đăng trên chungta.vn ngày 16/06/2014)

Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn có cuộc trò chuyện với Chúng ta về nhạc sĩ Trương Quý Hải và những sáng tác của anh.

Trương Quý Hải (trái) và Bùi Thanh Tuấn (phải).
Trương Quý Hải (trái) và Bùi Thanh Tuấn (phải).

– “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, ca khúc gắn với tên tuổi của anh và nhạc sĩ Trương Quý Hải, đã có tuổi đời 22 năm. Lúc đó, hai người gặp nhau như thế nào?

– Chúng tôi gặp nhau tình cờ vào buổi giao lưu sinh viên giữa hai miền Nam – Bắc diễn ra tại Hội quán sinh viên của trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Lúc đó, đoàn nào có tiết mục gì thì góp vui cái nấy. Tôi là dân Văn nên nghĩ chỉ có làm thơ mới được… lên sân khấu. Tôi bèn lân la làm quen với những người bạn mới, tò mò hỏi họ về Hà Nội và từng người kể tôi nghe. Ngay hôm đó, chỉ trong vòng 15 phút tôi viết liền một mạch bài thơ ngắn bằng các chất liệu góp lại từ lời kể của bạn bè và những hiểu biết ít ỏi về Hà Nội. Tôi lồng ghép vào trong bài thơ một câu chuyện tình lãng mạn hoàn toàn tưởng tượng để gọi tên một Hà Nội mơ hồ mà tôi không dám chắc là nó có giống thủ đô mà tôi chưa bao giờ đến hay không.

Sau khi đọc giao lưu trên sân khấu, nhạc sĩ Trương Quý Hải đến chỗ tôi xin tờ giấy chép bài thơ. Lúc đó tôi chưa biết anh là ai. Ai xin thơ thì tôi thích lắm, thế là tặng luôn. Tối đó mọi người hẹn nhau liên hoan ở nhà nghỉ công đoàn, nơi đoàn Hà Nội trú ngụ. Anh Hải bước vào phòng và tuyên bố vừa sáng tác xong một ca khúc mới lấy câu thơ đầu làm tựa: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Hải tung guitar lên, rải hợp âm chủ mi-thứ và hát. Tôi rất cảm động và sau đó chúng tôi thân nhau.

– Nhiều ý kiến cho rằng “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là một bài thơ rất hay. Nhưng nếu không có Trương Quý Hải phổ nhạc, đó chỉ là những câu thơ nằm yên trên trang giấy. Anh bình luận sao về ý kiến này?

– Thơ thì phải nằm trên giấy chứ! Chỉ có nhạc mới cất nên âm vang. Câu hỏi này mang tính “khích tướng”, nhưng tôi thích. Nếu không có anh Hải, bài thơ vẫn có đời sống của một bài thơ, tôi nào sợ gì! Ngược lại, nếu không có duyên may gặp gỡ, anh Hải sẽ không có bài nhạc phổ thơ tôi thì vẫn sẽ có những ca khúc rất hay khác (được biết anh Hải là nhạc sĩ rất chịu khó làm lời, ít phổ thơ). Với lại hai anh em chúng tôi không bao giờ tranh luận về điều đó, chỉ cảm thấy hạnh phúc vì hai người đã “ăn ở” và “đẻ” ra được một đứa con chung xinh đẹp. Năm nay nó vừa tròn 22 tuổi rồi.

[footer]

Tạm Biệt Mùa Đông (Nguyễn Nam)

[dongnhacxua.com] còn nhớ vào giữa thập niên 1990, ca sỹ Phương Thanh bỗng vụt sáng với bản “Xa rồi mùa đông” của cố nhạc sỹ Nguyễn Nam. Hôm nay, tiếp nối dòng nhạc về mùa đông, xin mời quý vị nghe lại giai điệu đẹp và ca từ nồng nàn, đủ sức sưởi ấm cõi lòng trong những ngày giá rét.

Nhạc sỹ Nguyễn Nam. Ảnh: vnExpress.net
Nhạc sỹ Nguyễn Nam. Ảnh: vnExpress.net

Theo Wikipedia:

Ca sỹ Phương Thanh.
Ca sỹ Phương Thanh.

“Năm 1990, mang theo lời động viên và ước vọng của mẹ, Phương Thanh đăng kí tham gia hàng loạt cuộc thi ca hát tại địa phương và các nhà văn hóa khi vẫn đang theo học tại trường cấp 3 Lê Quý Đôn. Tuy vẫn trắng tay sau rất nhiều cuộc thi nhưng Phương Thanh với lối hát đặc biệt của mình đã được gọi vào Câu lạc bộ ca sĩ trẻ của Nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Phương Thanh bắt đầu những bước trau dồi đầu tiên cho nghề hát của mình.

Khoảng thời gian ngắn sau đó, Phương Thanh bắt đầu đi hát tại các buổi tiệc tùng và kiếm sống được bằng nghề nghiệp của mình.

Khoảng năm 93-94, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Bảo Phúc và nhạc sĩ – tay guitar bass nổi tiếng Lý Được, Phương Thanh được giới thiệu vào những vũ trường nổi tiếng trong thành phố như Phương Đông, Queen Bee,… để biểu diễn. Trong thời gian này, Phương Thanh cũng tham gia vào tam ca Sao Đêm cùng Nguyên Lộc và Quốc Hưng. Một thời gian sau, Phương Thanh được Minh Thuận giới thiệu vào hát cho Nhà hát Hòa Bình….Nhưng cơ hội thật sự để cô được biết đến đó là ca khúc ‘Xa rồi mùa đông’ của nhạc sĩ Nguyễn Nam. Thời điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Nam đang là biên tập viên chương trình ca nhạc trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có ý định tìm một ca sĩ thể hiện ca khúc của ông. Trong một cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Nam đã nhờ nhạc sĩ Mạnh Trinh tìm giúp ‘một con bé ca sĩ có thể hát tới nốt mí’. Và Phương Thanh đã được lựa chọn.”

[footer]

Người Tình Mùa Đông

Nhạc sỹ Anh Bằng
Nhạc sỹ Anh Bằng

Anh Bằng là một trong số không nhiều những nhạc sỹ thành danh trước 1975 và tiếp tục có những sáng tác đi vào lòng người sau 1975. Trong khí trời lành lạnh của một ngày chớm đông, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Người tình mùa đông” mà nhạc sỹ Anh Bằng đã đặt lời theo một bản nhạc nổi tiếng của Nhật.

Chúng tôi còn nhớ trong chương trình Tiếng Hát Truyền Hình được đài truyền hình TPHCM tổ chức vào năm 1991, Như Quỳnh khi ấy chỉ là một ca sỹ mới 21 tuổi đã đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối từ tất cả các vị giám khảo. Đây là kỳ tích mà cho đến nay chưa một ca sỹ nào vượt qua được trong lịch sử hơn 20 năm của cuộc thi âm nhạc này.

Ca sỹ Như Quỳnh thời "Người tình mùa đông" (1994)
Ca sỹ Như Quỳnh thời “Người tình mùa đông” (1994)

Sang Mỹ định cư năm 1993. Năm 1994, Như Quỳnh được trung tâm Asia của cố nhạc sỹ Anh Bằng mời tham gia và bản “Người tình mùa đông” có lẽ lần đầu tiên đưa tên tuổi Như Quỳnh đến gần với công chúng khắp nơi trên thế giới.

Đây là đoạn clip ca sỹ Như Quỳnh trình diễn trong chương trình Giáng Sinh Đặt Biệt do trung tâm Asia tổ chức cuối năm 1994.

‘NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG’ – KHẮC KHOẢI NỖI NHỚ NGƯỜI CŨ
(Nguồn: vnExpress.net)

Mỗi mùa đông về, trong không khí giá rét với những cơn mưa phùn lâm thâm, bài hát do Như Quỳnh thể hiện lại đem đến cho người nghe những hoài niệm xa xăm.

Mùa đông đến mang theo cái rét tái tê, cắt da cắt thịt và những cơn gió xao xác thổi. Bầu trời lạnh lẽo, nặng màu chì và những cơn mưa lâm thâm buồn bã. Tất cả khiến người ta co mình lại, chìm sâu vào những hoài niệm. Phụ nữ nghĩ về tuổi thanh xuân đã qua. Đàn ông nghĩ về những dáng hình cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa đông là mùa của nỗi nhớ.

ha-noi-mua-dong--vnexpress.net--dongnhacxua.com

Người tình mùa đông là ký ức của một chàng trai về một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, có trái tim băng giá:

“… Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa, em không đến
Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Những đêm khuya mưa buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình…”

“… Đường vào tim em bao cơn sóng
Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông…”

Chàng trai từ lâu đã phải lòng cô gái nhưng nàng lạnh lùng quá, băng giá quá và chẳng chịu mở lòng. Con gái đẹp xưa nay sinh ra dường như là để làm khổ các chàng trai. Những ai từng trải qua cái thời 17, 18 tuổi, có bài thơ tình “cứ còn hoài trong cặp, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”, từng lẽo đẽo đi theo một gót hồng cho đến tận cửa nhà nàng, từng đứng lạnh cóng dưới cơn mưa mùa đông ở một góc phố nào đó, chờ đợi một bóng hình đi ngang qua… sẽ đồng cảm hơn với lời ca của bài hát này.

Thiếu nữ càng trong sáng, càng “cành vàng lá ngọc”, càng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì càng e thẹn, ngại ngùng. Nàng ngoảnh đầu làm ngơ trước cái nhìn nồng cháy của kẻ si tình, nói không với những lá thư xanh, vò nát trái tim chàng trai bằng thái độ lạnh lùng. Chẳng thế mà từng có chàng thi sĩ nọ cất lời than thở: “Em tập làm khổ một kẻ ngốc như anh, xây tường ngăn sông dựng rào cấm chợ. Hô gió gọi mưa bày binh thách đố, anh đơn độc một mình choáng váng lao đao!”.

Người tình mùa đông tràn đầy hoài niệm về một thời thiếu nữ kiêu sa đã một đi không trở lại, để rồi những đêm mưa phùn gió bấc, người phụ nữ lặng lẽ nhớ về tuổi trẻ, người đàn ông âm thầm mơ về mối tình đầu của mình.

“… Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa
Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua.
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ nhau,
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.
Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa,
Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?…”

Những kỷ niệm về mối tình đơn phương ngày nào lại tiếp tục ùa về. Mối tình ấy gắn liền với tiết trời đặc trưng của mùa đông miền Bắc – những cơn mưa bụi. Khác với những cơn mưa ào ạt, chợt đến chợt đi của mùa hè hay những cơn mưa tầm tã dai dẳng của mùa thu; mưa mùa đông nhỏ, rơi lất phất, gần như vô thanh, nương theo gió tựa như bay.

Những ai từng ở miền Bắc, từng ở Hà Nội vào mùa đông sẽ không bao giờ quên được kiểu mưa ấy. Hạt mưa bé như hạt bụi, chỉ đủ bám tóc, rơi êm đềm, thấm vào từng lớp áo quần mang theo cái lạnh tê tái.

Người tình mùa đông gợi nhớ về mối tình đầu của muôn năm cũ. Mùa đông của ngày xưa dường như lạnh hơn, trời xám hơn, phố vắng và lặng lẽ hơn. Những đêm đông dài, cô đơn, nằm nghe tiếng mưa dường như kéo dài bất tận. Ký ức về những lần chờ đợi, đưa đón nhau dưới làn mưa bụi mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt.

Mùa đông đến, cái rét càng khiến người ta khao khát được gần nhau. Vậy mà trái tim người thiếu nữ vẫn mãi không rung động. Chính cái khao khát không được thỏa nguyện ấy càng làm Người tình mùa đông trở nên ám ảnh và khó quên hơn.

Lời ca đã mơ mộng, tuyệt vời nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ của Người tình mùa đông chính là giai điệu da diết, ám ảnh của bài hát.

Người tình mùa đông khởi nguồn từ một bài hát tiếng Nhật nổi tiếng là Rouge (Son môi hồng) do nghệ sĩ Miyuki Nakajima sáng tác và thu âm năm 1986. Rouge là một tình khúc buồn nói về tâm trạng cô đơn, chán chường của thiếu nữ từ miền quê lên kiếm sống nơi phồn hoa đô hội. Cô dần đánh mất sự ngây thơ, trở nên khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ vẻ mặt tươi cười. Nhưng đêm về, khi đối diện với chính mình, cô vẫn thường khóc thầm. Trong trái tim cô vẫn âm ỉ nỗi nhớ về một bóng hình cũ không bao giờ gặp lại.

Ca khúc đã nhiều lần được chuyển lời sang ngôn ngữ khác. Nổi tiếng nhất phải kể đến phiên bản tiếng Hoa có tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) do nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi thể hiện. Ca khúc là tâm trạng đầy yếu đuối, bất an của người phụ nữ đang cầu xin người đàn ông hãy ở lại, đừng bỏ rơi cô. Fragile Woman đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của Vương Phi và càng củng cố vị trí hàng đầu của diva tại thị trường âm nhạc Hong Kong.

Phiên bản tiếng Anh của bài hát có tên là That is Love do nhóm nhạc Tokyo Square thể hiện. Đây là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. That is Love rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”.

Bài hát sau đó được viết lại lời Việt với tên gọi Người tình mùa đông, gắn với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh.

Người tình mùa đông lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây gần 20 năm. Khoảng thời gian đó đủ để khiến một cô bé tuổi ô mai ngày nào trở thành thiếu phụ. Một ngày mùa đông âm thầm nào đó, bất ngờ ca khúc ấy lại vang lên khiến người đàn bà nhớ lại thời con gái kiêu sa của mình và bất giác mỉm cười. Ca khúc ấy cũng là sự nhắc nhở cho những người đàn ông về một thời tuổi trẻ trong trẻo và lãng mạn.

Nhiều mùa đông đã trôi qua nhưng Người tình mùa đông vẫn luôn luôn trở lại và được khán giả đón nhận như một tình khúc bất hủ, vượt thời gian.

Anh Trâm

[footer]

Em ơi, Hà Nội Phố (Phú Quang – Phan Vũ)

Những ngày đầu tháng 12, trời Hà Nội trở lạnh. Chúng tôi có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội. Những cảm xúc về một “Em ơi, Hà Nội phố” như ùa về. [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ, cũng như bản phổ tuyệt vời của nhạc sỹ Phú Quang.

TÔI VIẾT BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ”
(Nguồn: nhà thơ Phan Vũ viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 04/10/2010)

TTCT – Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố – sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.

Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.

Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.

***

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em, ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em… còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương… cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn
Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

***

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng…

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!

Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hoàng Điệp
Nhạc sĩ Phú Quang – Ảnh: Hoàng Điệp

“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.

Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” CỦA PHAN VŨ

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…

Ta còn em chấm lửa
Xập xòe
Kỷ niệm…
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa…
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai,
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ…

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ
Mỗi góc phố một trang tình sử.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở…
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghita bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em vầng trăng nửa
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ…
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ…

Ta còn em cây dương cầm
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ…
Cô gái áo đỏ Venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin,
Tập đàn
Trên phản gỗ…

Ta còn em, một đêm lộng lẫy,
Những tràng pháo tay vang dậy
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió
Vườn Ngọc Hà
Mất một mùa hoa.
Đường Quan Thánh
Bản giao hưởng ”Lặng Câm”
Trong một ngôi nhà…

Ta còn em một đam mê,
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…

Ta còn em một tên thật cũ
Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa.
Chiếc lá rụng
Khỏi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai.
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Ướt bậc thềm
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái vội sang đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội
Hôm qua…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa xuôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
“Mùa này trăng vỡ trên sông”…

Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Đôi mắt nhòe với hạt sương tan
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”… (1)
Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy.

Ta còn em ngày đi
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo…
Ngày về ra rả tiếng ve
Võng trưa hè kẽo kẹt
“À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa…”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ơi à…
Gợi lại mảnh đời quên.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi…
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!

[footer]

Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương)

Người yêu nhạc xưa hẳn không xa lạ gì với bản “Đêm đông” bất hủ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Bài viết này xin gởi thêm đôi chút chuyện bên lề để quý vị gần xa hiểu thêm về nhà nhạc sỹ lão thành và hoàn cảnh ra đời của “Đêm đông”. Những đợt gió lạnh đầu đông cũng đã tràn về, [dongnhacxua.com] xin thay mặt người yêu nhạc thắp một nén hương lòng để sưởi ấm linh hồn nhà nhạc sỹ của chúng ta nơi chín suối.

Đêm đông (Nguyễn Văn Thương - Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Đêm đông (Nguyễn Văn Thương – Kim Minh). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

dem-dong--1--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com dem-dong--2--nguyen-van-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

CÓ MỘT “ĐÊM ĐÔNG” ẤM LÒNG BAO THẾ HỆ
(Nguồn: tác giả Vũ Tiến viết trên cand.com.vn ngày 04/01/2011)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác "Đêm đông".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thời sáng tác “Đêm đông”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Cố Giáo sư – nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002) là một nhà văn hóa lớn, một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ tân nhạc đầu tiên của ViệtNam. Thành tựu của ông được ghi nhận ở nhiều thể loại (ca khúc, nhạc múa, nhạc phim…) và trên nhiều lĩnh vực (sáng tác, biểu diễn, đào tạo). Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng đảm trách các vị trí: Trưởng đoàn Ca múa nhạc Việt Nam, Giám đốc Nhạc viện Hà Nội…; từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… Tuy nhiên, điều hạnh phúc nhất đối với ông có lẽ vẫn là: Với đông đảo công chúng, thay vì mọi sự giới thiệu dài dòng, chỉ cần giới thiệu Nguyễn Văn Thương – tác giả của nhạc phẩm “Đêm đông” thì hết thảy mọi người đều biết, và chắc chắn tất cả đều dành cho ông sự yêu thương, cảm mến, đặc biệt là với những phận người lang thang cơ nhỡ. Bởi “Đêm đông” thực sự là một kiệt tác, và chắc chắn là một trong những ca khúc viết về mùa đông hay nhất, thấm thía nhất ở Việt Nam từ trước tới nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ra ở Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ năm mới lên 9 tuổi, ông đã được học đàn nguyệt rồi tự học ký xướng âm qua sách vở. Năm 1936, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác ca khúc đầu tay “Trên sông Hương” – một ca khúc hiện được xem như một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở đất cố đô.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong những ca khúc được Nguyễn Văn Thương sáng tác thời kỳ trước Cách mạng vẫn là “Đêm đông”. Về xuất xứ của ca khúc này, nhạc sĩ từng tiết lộ: Vào dịp Tết năm 1939 (thời gian này ông đang theo học tại Trường Thăng Long – Hà Nội), do kẹt tiền nên ông không thể về quê ăn Tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, chàng trai trẻ rất buồn. Năm ấy, Hà Nội rét dữ. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông “nhồi” tất vào người, rồi như một thói quen bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía Ga Hàng Cỏ, để rồi bần thần nhớ ra là mình… không có vé tàu.

“Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào. Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không?

Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Tôi đi qua nhà đầu tiên. Cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vừa đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc. Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó – cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ. Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến tôi không tài nào ngủ được. Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà.

Tôi đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế đã đập vào mắt tôi lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng”. Còn “Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư” hoặc “Cô lữ đêm đông không nhà” là hình ảnh của bản thân mình – còn chinh phu, chinh phụ là những hình ảnh mượn từ trong Tiểu thuyết Thứ Bảy của Tự Lực Văn Đoàn rất thịnh hành lúc bấy giờ, chứ ta có đi chinh phục ai đâu mà có chinh phu để nói!” (theo ghi chép của Tôn Nữ Hỷ Khương).

Để bạn đọc tiện theo dõi mạch cảm xúc của người nhạc sĩ, xin trích ra đây phần lời 1 của bài hát: “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông/ Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/ Cùng mây xám về ngang lưng trời/ Thời gian như ngừng trong tê tái/ Cây trút lá cuốn theo chiều mây/ Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều/ Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu/… Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng/ Gió nghiêng chiều say/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên/ Đêm đông, ôi ta nhớ nhung/ Đường về xa xa/ Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương/ Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương/ Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…”.

Một khán giả, sau khi nghe bài hát đã có những nhận xét rất tinh tế: “Nếu nói về thời tiết thì không phải mùa đông nào cũng nhiều gió, nhưng trong “Đêm đông” có rất nhiều gió và chính gió đã làm nhạc phẩm “Đêm đông” bất hủ với thời gian”. Về việc từ cảm thức nào tác giả lại đưa nhiều hình tượng gió vào trong tác phẩm đến vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương giải thích: Gác trọ tôi ở chỉ có một cửa sổ làm bằng gỗ. Mùa đông hanh khô, nên có nhiều kẽ hở, gió luồn qua đó, tạo những âm thanh y như tiếng sáo, lúc như tiếng rít não ruột, da diết. Vì vậy mà ở đoạn giữa điệp khúc, có sáu câu tả về gió: “Gió nghiêng chiều sang/ Gió lay ngàn cây/ Gió nâng thuyền mây/ Gió reo sầu miên/ Gió đau niềm riêng/ Gió than triền miên”.

Đấy là nói về gió, còn về tiếng chuông? Trước đây, căn cứ vào giai điệu của bài hát, cũng như vào câu “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông” mà có ý kiến cho rằng, bài hát được sáng tác theo chiều hướng phục vụ… nhà thờ Công giáo. Không phải vậy. Đây là trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trích từ lá thư viết ngày 4/11/1997 của ông: “Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông. Tiếng chuông buông lững lờ, chỉ có thể là tiếng chuông chùa. Nhưng không cứ gì tôi phải đi ngang qua một ngôi chùa, mà chỉ cần nghe tiếng chuông; thường những người tu tại gia, khi niệm kinh buổi chiều, vẫn thỉnh thoảng gõ chuông từ một gác thờ nào đó. Vì tôi đi từ nhà ra ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên rồi đi lang thang khắp các nẻo đường trước khi trở về gác trọ thì có thể nghe được nhiều lần tiếng chuông ấy lững lờ buông. Còn nếu tiếng chuông nhà thờ thì phải dùng chữ chuông đổ, chứ không thể dùng buông lững lờ được”.

Mặc dù cảm hứng đến một cách “xuất thần” như vậy, song đêm hôm ấy, bài hát mới chỉ chốt lại ở việc: Khổ nào cũng bắt đầu bằng điệp khúc “Đêm đông”, trừ câu kết thì đổi thành “Có ai…”. Sau một thời gian, Nguyễn Văn Thương và một học trò theo học guitar với ông tên là Kim Minh (đã mất năm 1946) cùng trau chuốt lại lời ca, bài hát kể như mới chính thức hoàn thành (có một thời, bài hát được đề tác giả phần ca từ là Nguyễn Văn Thương và Kim Minh).

Nhân đây, cũng cần nói thêm là, ngày ấy, Nguyễn Văn Thương rất mong có được cây đàn guitar Hawaii được bày bán ở hiệu đàn Đông Phát, phố Cầu Gỗ. Cây đàn có giá một đồng rưỡi. Một hôm, Nguyễn Văn Thương quyết định đặt trước 5 hào cùng tấm thẻ căn cước để lấy cây đàn, hẹn ít tháng nữa sẽ thanh toán nốt. Phải ba tháng sau ông mới gom đủ tiền để lấy thẻ căn cước về. Tuy nhiên, đủ tiền đàn thì lại không đủ tiền tàu xe để về quê ăn Tết. Đó là lý do để ông có một cái Tết lang thang ngoài Hà Nội, để rồi bất ngờ sáng tác nên một kiệt tác. Điều thật có ý nghĩa là chàng nhạc sĩ đã khai sinh ra một giai điệu bất hủ trên chính cây đàn trả góp ấy.

Ca sĩ Bạch Yến - người đầu tiên thể hiện ca khúc "đêm đông" theo điệu slow - rock. Ảnh: cand.com.vn
Ca sĩ Bạch Yến – người đầu tiên thể hiện ca khúc “đêm đông” theo điệu slow – rock. Ảnh: cand.com.vn

Ca khúc “Đêm đông” từng được rất nhiều thế hệ ca thể hiện, từ Ngọc Bảo, Quang Thọ, Lê Dung tới Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng… Nếu như tân nhạc những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước chỉ có các điệu tango, valse, boston… thì vào những năm đầu thập niên sáu mươi, nữ ca sĩ Bạch Yến chính là người đầu tiên hát “Đêm đông” theo điệu slow – rock (chứ không phải điệu tango như thuở bài hát ra đời). Từ đó, bài hát càng có cơ hội đi vào đời sống tâm tình của giới trẻ…

Vũ Tiến

[footer]

Chiều nay gió đông về (Khánh Băng – Hà Đình Nguyên)

(Trong một bài viết trước về bản “Sầu đông” của nhạc sỹ Khánh Băng, [dongnhacxua.com]  có trích đăng bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên viết cho báo Thanh Niên đầu năm 2005 nhân sự ra đi của nhà nhạc sỹ. Trước đó 3 năm, anh Hà Đình Nguyên cũng đã có một buổi trò chuyện với nhạc sỹ Khánh Băng, khi đó đã 67 tuổi. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn trẻ yêu nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại bài viết này.)

Ban kích động nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban kích động nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe

CHIỀU NAY GIÓ ĐÔNG VỀ
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên năm 2002)

Trước mặt tôi là một ông già 67 tuổi. Dù chưa bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hi” nhưng đôi mắt của ông gần như đã mù lòa. Mọi việc, dù nhỏ nhặt bình thường nhất cũng cần có người thân giúp đỡ. Con người ấy đã một thời thành danh trong làng âm nhạc ở Sài Gòn những năm trước 1975. Giờ đây ông quẩn quanh trong nhà, với nỗi niềm “lực bất tòng tâm” như lời một bài hát của chính ông – nhạc sĩ khánh Băng: “Chiều nay gió đông về…”.

Sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu), ngay từ thời còn học tiểu học cậu bé Phạm Văn Minh đã khiến cho bạn bè “lác mắt” bởi ngón đàn mandolin. Cậu cũng luôn là người “đầu têu”, dàn dựng những chương trình văn nghệ học đường. Cậu học trò Minh cũng bắt đầu sáng tác nhạc trong thời gian này. Bản nhạc nào tâm đắc, cậu gửi lên Sài Gòn cho nhạc sĩ Võ Ðức Thu (anh ruột của người bạn thân tên Võ Ðức Thảo). Nhạc sĩ Thu xem, sửa chữa những chỗ sai sót bằng bút đỏ rồi gởi trả về Vũng Tàu như một kiểu học hàm thụ – nhờ thế mà khả năng, kiến thức về nhạc lý, sáng tác của Khánh Băng được củng cố và tiến bộ rất nhiều.

* Ðó là thời thơ ấu. Thực ra ông chính thức bước vào lĩnh vực ca nhạc từ lúc nào ?

Tôi có được chút tiếng tâm kể từ lúc lên Sài Gòn học trung học ở Trường Huỳnh Khương Ninh – Ða kao (năm 1949). Ở khu vực Tân Ðịnh này, chúng tôi thành lập một nhóm thanh thiếu niên yêu thích văn nghệ, trong đó có Vân Hùng, Tùng Lâm… thường xuyên tập dượt với nhau để chỉ… đi phục vụ đám cưới miễn phí. Vậy mà vui lắm! Tôi chuyên biểu diễn mandolin. Cũng nhờ cây đàn 8 dây này mà năm 1954 tôi thi đậu vào… làm nhạc công trong Ðài Phát thanh Sài Gòn. Sau đó chính Tùng Lâm tiến cử tôi với nhạc sĩ Trần Văn Trạch, ông này cho tôi được chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của ông và giới thiệu tôi vào đàn ở Ðài Pháp – Á. Khánh Băng khởi nghiệp từ đó…

* Với cây đàn mandolin ?

– Mới đầu là vậy nhưng một thời gian sau tôi thấy cây đàn mandolin khó có chỗ để dụng vô, tôi bèn quay sang cây đàn guitar. Tự học. Phải mất hơn 2 năm khổ luyện. Có thể nói, tôi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng cây guitar điện trên sân khấu.

* Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay ông đã có bao nhiêu tác phẩm? Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản nhạc nào?

Khó nhớ hết những bản nhạc tôi đã sáng tác. 500 thì… quá ít, 1.000 lại hơi nhiều. Tôi sáng tác từ thời còn… mặc quần cộc nên cũng chẳng nhớ nhạc phẩm đầu tay là bài nào. Có điều tôi không bao giờ quên là vào ngày thứ ba 15.3.1955 Ðài phát thanh Sài Gòn lần đầu tiên phát bài hát của tôi, bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca. Còn thành danh nhờ bài Vọng ngày xanh (1956). Bài hát này được Hội S.C.A.C.E.A.M (Hội Tác quyền quốc tế) có trụ sở tại Paris mời gia nhập hội với lời Pháp do nữ văn sĩ Francoise Sagan viết cộng với bài Sầu đông do tôi tự viết lời Pháp, tựa là Johnny Mon amour (1967).

* Thời đó, người ta gọi thể loại nhạc mà ông sáng tác là “kích động nhạc”. Ông giải thích cụm từ này như thế nào?

Thật ra chẳng có gì ghê gớm cả! Chẳng qua là một cách gọi để chỉ các bản nhạc có tiết tấu nhanh, sôi động (như nhạc trẻ bây giờ). Trước tôi đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác thể hóa này, như Lê Yên (Ngựa phi đường xa), Y Vân (Sài Gòn đẹp lắm)… Tuy nhiên những bài hát Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi… do tôi sáng tác vào khoảng năm 1962 vẫn được coi là những bài nhạc trẻ đầu liên ở Việt Nam. Mà tôi đâu chỉ viết nhạc kích động, tôi cũng viết nhạc trữ tình dưới các bút danh khác như: Anh Minh, Nhật Hà… Từ năm 1991 đến năm 1996, trước khi mắt bị mờ tôi vẫn còn sáng tác được hơn 100 bài, trong đó có những bài khá phổ biến như Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách nhạc đồng quê Nam Bộ.

* Ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng nổi tiếng trước đây không lẽ chỉ có… hai người?

Ồ không, đông chứ! Nhưng chỉ lấy tên hai người trụ cột là Khánh Băng (guitar), Phùng Trọng (trống). Ngoài ra còn có Nguyễn Thành (saxo ténor), Sầm Sơn (guitar bass), Thu Phước (trompette). Ban nhạc được thành lập đầu thập niên 60. Ðây cũng là ban nhạc đầu tiên xuất hiện trên truyền hình. Năm 1966 ban nhạc được HCV do khán giả bình chọn là Ban nhạc chơi hay nhất trong cuộc thi do Hội Ký giả Sài Gòn tổ chức. Anh Phùng Trọng hiện còn sống ở TP Hồ Chí Minh.

* Quả là một thời lừng lẫy. Chắc chuyện tình cảm của ông thời đó cũng… lẫy lững không kém. Ông có thể tiết lộ chút ít về cô Khanh và cô Băng mà ông đã “mượn” tên ?

Lẫy lừng gì, rối rắm thì có. Không phải là mình tham lam gì, chỉ vì… cầm lòng không đậu (cười). Còn hai cô Khanh và Băng, chỉ là những ấn tượng đẹp đầu đời. Thuở ấy chúng tôi còn… tí xíu! Cô Băng giờ cũng đang… dưỡng lão ở Vũng Tàu, cô Khanh thì biệt tích từ lâu. Mới đó mà “mùa đông” đã về với chúng tôi rồi.

Chiều nay gió đông về. Dừng chân trên bến xưa…

Hà Đình Nguyên

[footer]

Khánh Băng (1935-2005): Mùa đông đã về

Nhớ về nhạc sỹ Khánh Băng, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ đền nhạc phẩm “Sầu đông” bất hủ. Nhạc sỹ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh. Ông sinh năm 1935 tại Vũng Tàu và mất ngày 09/02/2005, nhằm ngày mùng một Tết Ất Dậu tại Sài Gòn. Nghệ danh Khánh Băng là ghép từ tên hai cô bạn từ thời tiểu học, một người tên Khanh, một người tên Băng và ông thêm dấu sắc vào thành Khánh Băng. Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở lạnh, [dongnhacxua.com] xin được thắp một nén hương sưởi ấm linh hồn ông “nơi cuối trời” (lời trong bản “Sầu đông”).

sau-dong--0--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ảnh bìa: amnhac.fm
sau-dong--1--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
sau-dong--2--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ban nhạc Thời Đại với Khánh Băng và Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe

NHẠC SỸ KHÁNH BĂNG: “VỀ NƠI CUỐI TRỜI … NHỚ”
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)

Trở về với công việc thường nhật sau những ngày nghỉ Tết, gặp nhau ở căn-tin Hội Âm nhạc TP.HCM, câu đầu tiên mà anh em văn nghệ hỏi nhau là: “Biết tin gì chưa ? Nhạc sĩ Khánh Băng đi rồi !”. “Khi nào ?”. “Ngay hôm mùng 1 Tết”. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết gọi điện thoại báo tin… Chợt thấy lạnh cả hồn, ngày đầu xuân mà tự nhiên thấy xốn xang tê tái muốn bật lên câu hát: “Chiều nay gió đông về… Đành thôi nhớ mong, gởi cho gió đông, tình yêu giá băng vào nơi cuối trời… nhớ” (ca khúc Sầu đông của nhạc sĩ Khánh Băng) 

Tôi đến thắp nhang cho ông tại nhà riêng ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhìn di ảnh cố nhạc sĩ trên bàn thờ mà chạnh nhớ ngày đầu tiên gặp ông cách đây hơn 3 năm. Dạo đó, sau rất nhiều lần dò hỏi tôi mới có được địa chỉ chính xác của ông, và… trước mắt tôi là người nhạc sĩ nổi tiếng một thời nay đã là một lão ông 67 tuổi, mái tóc bạc trắng còn đôi mắt thì hầu như đã mù hẳn. Tuy thế, giọng nói của ông vẫn sang sảng và trí nhớ rất minh mẫn. Chẳng thế mà khi tôi hỏi về ca khúc sáng tác đầu tay, ông trả lời: “Tôi không bao giờ quên được vào ngày thứ ba 15/3/1953, lần đầu tiên Đài Phát thanh Sài Gòn phát bài hát của tôi, đó là bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca”. Khi chia tay, tôi ngỏ ý xin ông một tấm ảnh thời còn trai trẻ và bản nhạc Sầu đông (gốc) để đăng báo, ông cười xin lỗi bảo là do đổi chỗ ở nhiều lần nên cả hình lẫn nhạc đều chẳng còn. Thế nhưng trưa hôm đó, dù trời nắng như đổ lửa ông vẫn đi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi và trao bản nhạc mà ông vừa mượn lại của nhạc sĩ Tiến Luân. May sao, bìa sau của bản nhạc này có in hình đủ 4 người trong ban nhạc Thời Đại (Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh) và tôi đã sử dụng tấm hình này trong bài viết. Đến bây giờ, hình ảnh một ông lão mù lòa đi xe ôm giữa một buổi trưa hực nắng vẫn còn xốn xang trong lòng tôi…

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu). Nghệ danh Khánh Băng là tên của 2 cô bé bạn học từ bậc… tiểu học ghép lại (một người tên Khanh còn người kia tên Băng, cậu học trò Minh thêm vào một cái dấu sắc và mang tên này suốt đời). Được nhạc sĩ Võ Đức Thu hướng dẫn và nâng đỡ, Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với cây đàn mandoline và thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn (1954), sau đó ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài biểu diễn, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Đôi ngả chia ly, Nếu có nhớ đến… riêng bản Sầu đông ông còn đặt cả lời Pháp với tựa đề Johnny Mon Amour. Khoảng thời gian trước khi bị mù (từ 1991-1996), ông sáng tác được chừng 100 ca khúc, trong đó có những bài khá phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách Nam Bộ.

Người nhà của cố nhạc sĩ kể lại: sáng mùng 1 Tết ông còn nói cười vui vẻ, ăn bánh mứt và nhận lời chúc Tết của con cháu. Đến trưa ông kêu mệt, đi nằm và rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Ngày Tết, hầu hết các cơ quan đều không làm việc nên việc thông tin về sự ra đi của ông có phần trở ngại. Đưa ông về an táng tại quê nhà Vũng Tàu (vào ngày mùng 4 Tết) cũng chỉ có gia đình và một vài văn nghệ sĩ thân thiết đã từng gắn bó với ông từ ngày xưa…

Hà Đình Nguyên