Như chúng ta đã biết, nhạc sỹ Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ trên dưới 20 bản. Sau năm 1975, khi ra định cư ở Mỹ, nhạc sỹ càng sáng tác ít hơn. Theo [dongnhacxua.com] được biết thì trong hơn 30 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phố biến rộng rãi hai sáng tác là “Rừng chưa thay lá” phổ bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn và “Thành phố sương mù”. Theo chúng tôi còn nhớ thì “Rừng chưa thay lá” được Huỳnh Anh sáng tác vào khoảng năm 1981 và sau hơn 30 năm thì giai điệu bolero ngọt ngào của ca khúc này vẫn còn ngân nga trong lòng người yêu nhạc.
Có một điều thú vị mà nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng đã có lần tâm sự là khi đọc qua bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn thì ngay lập tức giai điệu đã hình thành trong đầu ông và khi phổ nhạc ông đã giữ nguyên toàn bộ bài thơ.
Ảnh bìa nhạc: CungChoiNhac.com
BÀI THƠ “RỪNG LÁ THAY CHƯA” CỦA HOÀNG NGỌC ẨN (Nguồn: DacTrung.net)
Anh đi rừng chưa thay lá Em về, rừng lá thay chưa? Phố cũ bây chừ xa lạ Hắt hiu đợi gió giao muà!
Xuân xưa mình chung đôi bóng Xuân này mình ngóng trông nhau Hun hút phương trời vô vọng Nhớ thương bạc trắng mái đầu!
Em có về qua phố cũ Phố phường chừ đã đổi thay Thương em nửa đời hoang phế Thương ta chịu kiếp lưu đày!
Xuân nay mình em lẻ bóng Có còn tiếc nhớ xuân xưa Dài tay đếm từng nhung nhớ Em ơi! Chờ gió giao muà….
Khoảng giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương – người từng được xem như là “ông hoàng” của dòng nhạc bolero – được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu. Sau khi chia tay vợ, đã có mấy phụ nữ thoáng qua cuộc đời anh… Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này.
Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.
Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng …cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai – một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.
Ảnh bìa nhạc: QuanNhacVang.com
Ảnh bìa nhạc: Bolero.vn
Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: “Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!”.
Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:
– Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.
Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:
– Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?
Một người nhanh nhảu trả lời:
– Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!
Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:
– Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!
Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:
– Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!
Trúc Phương cầm lấy cây đàn:
– Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!
Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay/ Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây/ Nên những khi mưa nửa đêm/ Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm… Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…
Ấy vậy mà đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời, 21-9-1996.
Tôi ghi lại những dòng này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc bolero đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Ðò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm…; và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… (mà trong đó nhan đề ca khúc Về chín dòng sông hò hẹn của anh được chọn làm tên cho chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay).
Trong quan điểm của [dongnhacxua.com], dòng nhạc bolero, hay theo cách gọi của rất nhiều người là nhạc “sến” hoàn toàn không phải là một thứ nhạc kém chất lượng hay bình dân, mà ngược lại, chúng tôi cho rằng đó là một món ăn tinh thần đặc sắc của rất nhiều thế hệ người yêu nhạc, nhất là những người miền Nam. Hôm nay, chúng tôi xin mượn một bài viết của tác giả Minh Chánh trên VietnamNet.vn để gởi đến quý vị yêu nhạc có cái nhìn rõ hơn về lịch sử hình thành của bolero.
Sức sống của bolero Việt không nằm ngoài dòng chảy miệt mài hơn trăm năm của dòng nhạc bolero thế giới, bắt đầu từ nơi khởi xướng là đảo quốc Cuba.
Quả là ý tưởng kỳ cục khi nghĩ về những bản tình ca sang trọng lay động hàng triệu con tim như “Besame Mucho”, “Guantanamera”, “My Heart Will Go On” hay thậm chí “Yesterday” của nhóm nhạc lừng danh Beatles như những bản bolero – điệu nhạc “sến rện” và bình dân trong cái nhìn định kiến của nhiều người.
Pepe Sánchez (cầm guitar, bên trái), một trong những người chủ xướng và định hình phong cách đặc trưng cho bolero Cuba.
Nhưng người ta cho rằng, chúng là những bản bolero nổi tiếng bậc nhất thế giới, minh chứng cho những đỉnh cao và sự bền bỉ của một trong những dòng nhạc đứng vững như một biểu tượng văn hóa đại chúng của các nước Mỹ La Tinh.
Theo hai tác giả Lisa Shaw, Stephanie Dennison của cuốn sách Pop Culture Latin America!: Media, Arts, and Lifestyle (Văn hóa đại chúng Mỹ La Tinh: Truyền thông, Nghệ thuật và Lối sống), hầu hết giới nghiên cứu cho rằng nhạc bolero xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19. Những bài bolero đầu tiên khởi sinh từ Cuba, nhanh chóng lan tỏa và bén rễ sang các đảo quốc ở vùng biển Caribbean và Mexico.
Thăng trầm của trăm năm
Những sáng tạo đầu tiên khởi đi truyền thống hơn trăm năm của bolero là từ Santiago, thành phố xinh đẹp phía đông nam đảo quốc Cuba, nơi thịnh hành những nghệ sĩ du ca dùng guitar đàn hát để kiếm sống trong ba thập niên cuối của thế kỷ 19. Một trong những người chủ xướng, định hình phong cách đặc trưng cho bolero là Pepe Sánchez (1856 – 1918), một nghệ sĩ – thầy giáo, người đã sáng tác bản bolero đầu tiên Tristezas (Những niềm đau) vào năm 1883 hoặc ít lâu sau đó. Bản nhạc cho đến nay vẫn còn được hát.
Nhưng như các thể loại khác, bolero không bước ra từ khoảng không. Cái nôi của bolero được cho là từ một điệu nhạc nhảy theo nhịp ¾ ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18. Dù cùng tên, nhưng điệu bolero mới ra đời gần như không nợ nần gì với nguồn gốc, bởi nó đã thay đổi nhịp thành 2/4, và sau đó là nhịp 4/4. Tuy nhiên, bản thân nó cũng pha trộn nhiều điệu nhạc gốc châu Âu và gốc Phi thịnh hành đương thời như danza, habanera, trova, son, minh chứng bởi tiếng đệm đàn guitar và sự ảnh hưởng lên giai điệu.
Los Panchos, một trong những nhóm nhạc bolero nổi tiếng khu vực châu Mỹ La tinh vào những năm 30 của thế kỷ 20 và sau đó
Sức hấp dẫn của dòng nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn giúp bolero nhanh chóng vượt biển sang đến Mexico, các nước vùng Caribbean, xuống đến các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Columbia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia…, quay trở lại cái nôi của nó là Tây Ban Nha.
Thời hoàng kim của Bolero ở các nước Mỹ La Tinh bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba thập niên, với những nghệ sĩ nổi tiếng như Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)…Thời kỳ này, bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.
Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi. Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn.
Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ La Tinh, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, Bésame Mucho từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 The Beatles Live at Star Club in Hamburg của nhóm nhạc The Beatles.
Bésame mucho, một trong những bản bolero được hát nhiều nhất trên thế giới
Sự ủy mị thuần khiết
Mặc dù, theo thời gian, bolero đã có nhiều thay đổi cả về giai điệu lẫn sức ảnh hưởng, có thêm nhiều biến thể như bolero son, bolero moruno, bolero mambo, bolero beguine, bolero feeling, bolero ranchera. Các ý kiến đánh giá đều cho rằng bolero là phong cách âm nhạc đầu tiên của Cuba có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới đầu tiên và đạt được những thành tựu được công nhận trên toàn cầu.
Điều thú vị là bất kể màu sắc âm nhạc có thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa bản địa, bolero vẫn luôn giữ lại cho mình một đặc trưng thuộc về ca từ. Dòng nhạc bolero Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng này. Đó là những bản nhạc có ca từ thể hiện tình cảm, các quan niệm về tình yêu và cuộc sống, được viết ra bằng phong cách ngôn từ sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Chúng thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe.
Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ.
Chủ đề tình yêu cùng cung bậc xúc cảm, hệ lụy của nó, từ những hẹn hò, đam mê thầm kín cho đến hạnh phúc bị ngăn trở, hờn trách của người yêu vì những ngày xa cách… được đề cập trong các bản bolero đôi khi sáo mòn, hoặc đơn giản quá mức, khiến nó bị cho là ủy mị, dù thuần khiết và chân phương.
Thưở sinh thời, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng rung động trước nhiều người con gái. Tuy nhiên câu chuyện với hai chị em ruột là Ngô Thị Bích Diễm (tức nhân vật trong bài ‘Diễm xưa’) và cô em Ngô Vũ Dao Ánh có lẽ là một giai thoại khó quên với giới yêu nhạc.
Có một câu chuyện vui về 2 chữ trong bài ‘Diễm xưa’: thay vì phải hát ‘nhỡ mai‘, rất nhiều người đã hát là “nhớ mãi’, mặc dù cái sai này khó phát hiện do cao độ của 2 nốt này làm ‘nhỡ mai’ rất giống ‘nhớ mãi’!
Diễm Xưa (Trịnh Công Sơn). Ảnh: hoangthaimusic.com
LỜI KỂ CỦA NGUYỄN ĐẮC XUÂN VỀ ‘DIỄM XƯA’ (Nguồn: Wikipedia)
Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam (Nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ, hiện nay là nhà của anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ).
Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô Thị Bích Diễm – con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn.
Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.Thầy Ngô Đốc Kh. – thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà, Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Khác với Ph.Th. (em ruột của ca sĩ Hà Thanh), Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt Mi biết điều đó.Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm Xưa như sau nầy Sơn đã kể lại nhiều lần.
Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. – em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi…”.
Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A., Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin Trả Nợ Người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết: “Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà.” Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời nầy có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!
LỜI KỂ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN VỀ ‘DIỄM XƯA’ (Nguồn: Wikipedia)
Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá.
Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt… Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên.
Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực. Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
Bà Ngô Bích Diễm trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Trung tâm Liễu quán, Huế. Ảnh: X. HỒNG
Trở về Huế để làm từ thiện, thăm lại bạn bè và được sống trong hoài niệm, cô nữ sinh Trường Đồng Khánh – người con gái tạo cảm hứng cho nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác ca khúc Diễm xưa – Ngô Bích Diễm đã hồi tưởng về ngày xưa
. Phóng viên: Chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen nhau trong hoàn cảnh nào?
– Bà Ngô Bích Diễm: Sơn quen tôi qua họa sĩ Đinh Cường. Hai người là bạn thân của nhau. Ngày đó, anh Cường thuê nhà trọ ngay trong con hẻm nhà tôi. Có vài lần qua nhà tôi chơi, anh Sơn rủ Đinh Cường đi cùng. Nhà anh Sơn ở không xa nhà tôi.
Anh Sơn ở số 11/3, đường Nguyễn Trường Tộ, tôi ở nhà 46 (cũ) đường Phan Chu Trinh. Từ nhà anh Sơn đi qua cầu Phủ Cam, rẽ tay phải đi bộ vài phút là đến nhà tôi. Sơn hay đến nhà tôi chơi. Lúc ấy, nhà tôi có cây dạ lan hương, hoa nở rất thơm.
Anh Sơn rất thích mùi hoa này. Lúc nào đến chơi cũng nhận xét về mùi thơm của hoa. Có lần tôi đã tặng anh một nhành hoa. Sau đó, tôi nghe các em gái của anh nói lại là cành hoa tôi tặng đã làm chấn động tình cảm của anh.
. Vậy có phải Diễm xưa là tình yêu say mê của Trịnh Công Sơn dành cho chị?
– Tình cảm của Sơn dành cho tôi quá đẹp nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái mơ hồ. Tôi không dám nhận mình là người con gái trong nhạc phẩm Diễm xưa. Nhưng đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy.
. Chị nghĩ về Trịnh Công Sơn thế nào?
– Anh Sơn như một dòng sông…
. Nghe nói do gia đình chị, cụ thể là ông cụ thân sinh đang là giáo viên Trường Quốc học Huế, không muốn chị thành thân với một nghệ sĩ?
(Diễm xúc động, một lúc sau mới nói).
– Tôi sinh ra ở Hà Nội. Năm 1952, gia đình tôi vào Huế nên tôi lớn lên ở Huế trưởng thành ở Sài Gòn. Nhưng đi bất cứ đâu, thậm chí sau này khi tôi đã định cư ở Mỹ, vẫn có nhiều người gặp tôi lần đầu đều hỏi tôi có phải là người Huế không? Vì phong cách, dáng dấp của tôi rất giống người Huế. Có lẽ đó là một trong những điều làm Sơn quý mến tôi. Với tôi, Huế luôn khép kín, bí ẩn, dù đi bất cứ đâu, suốt cả cuộc đời, Huế vẫn luôn ở trong tim tôi.
. Một mối tình thật đẹp, nhưng vì sao hai người không cùng nhau đi hết cuộc đời?
– Năm 1963, lúc 20 tuổi, tôi vào Sài Gòn học đại học, còn Sơn sau đó cũng vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó tôi du học ở Mỹ nên không có điều kiện gặp lại anh.
. Dịch giả Bửu Ý, bạn thân của Trịnh Công Sơn nói rằng ông mới đếm sơ sơ thì Sơn đã có 23 người đẹp đi qua đời ông. Tất cả đều nói giọng Bắc như chị. Người nào Sơn cũng yêu say mê nhưng vẫn tìm hình bóng của Diễm qua từng người một, Diễm vẫn là niềm cảm hứng để Sơn dâng tặng cho đời những tình ca bất hủ. Chị nghĩ sao về điều này?
– (Nói trong cảm xúc dâng tràn, bà Diễm cười nhưng đôi hàng mi hoen ướt). Hình bóng anh Sơn đã bao trùm lên suốt cuộc đời tôi. Thế là quá đủ rồi!
Xin ghi chú nguồn DòngNhạcXưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!
Đối với nhiều quý vị yêu nhạc xưa thì cái tên ‘nhạc sỹ Thăng Long’ có thể hãy còn xa lạ. Tuy nhiên riêng với những ai sinh ra và lớn lên trước năm 1975 ở miền Nam thì nhạc phẩm ‘Quen nhau trên đường về’ qua giọng ca của ca sỹ Minh Hiếu dưới đây sẽ gợi lại nhiều hoài niệm về dòng nhạc quen thuộc một thời. Đó chính là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Thăng Long mà [dongnhacxua.com] muốn giới thiệu hôm nay.
Nhạc sỹ Thăng Long tên thật là Nguyễn Văn Thành. Ông sinh năm 1936 ở Hải Dương. Ông mồ côi mẹ ngay khi vừa chào đời và đến năm 15 tuổi thì ông lại mồ côi cha. Một mình lang bạt giang hồ. Cuộc đời đưa đẩy ông vào Sài Gòn với công việc mưu sinh bằng cây đàn guitar cùng một nghệ sỹ mù. Ông sáng tác ‘Quen nhau trên đường về’ cuối thập niên 1960 trong một lần lang thang ra chợ Bến Thành. Ngày ấy ga xe lửa ở chợ Bến Thành vẫn còn hoạt động (khác với ga Hoà Hưng). Ông tình cờ nhìn thấy một cô gái và một chàng trai (có lẽ là một quân nhân) ở bến ga. Cô gái với mái tóc dài làm nhạc sỹ liên tưởng đến một người con gái miền sông Hương núi Ngự. Rồi ngay lúc đo ông nghe văng vẳng đâu đó tiếng kèn của một đám ma vang lên một giai điệu buồn: tàng tang táng … Thế là cảm xúc và giai điệu ập đến với để ông cho ra đời ‘Quen nhau trên đường về’.
Ảnh bìa nhạc: QuanNhacVang.com
Sau năm 1975, số phận đẩy đưa nhà nhạc sỹ của chúng ta phải cơ cực để mưu sinh kiếm sống. Ông trôi dạt về tận Sóc Trăng và sống một cuộc đời đạm bạc, khó nghèo như trong một đoạn video clip về ông trong Paris By Night 91, thực hiện cuối năm 2007 đầu năm 2008.
Ông mất vào ngày 30/03/2008 tại Sóc Trăng. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này như một lời tri ân với nhạc sỹ Thăng Long, ‘người nhạc sỹ giang hồ’ đã cống hiến cho đời nhiều giai điệu đẹp. Cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!
Chiều nay trời Sài Gòn mưa. Mưa tháng sáu. [dongnhacxua.com] chợt nhớ đến ‘Tháng Sáu Trời Mưa’, một nhạc phẩm lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyên Sa đã đi vào lòng người hơn 20 năm qua. Thế nhưng giới yêu nhạc dường như vẫn còn đôi chút ngộ nhận về tác giả của ca khúc này: Ngô Thụy Miên hay Hoàng Thanh Tâm? Thật ra cả hai nhà nhạc sỹ đều phổ bài thơ này: sáng tác của Ngô Thụy Miên hoàn thành năm 1984, còn đứa con tinh thần của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987. Gần như tất cả những bản thâu âm ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ mà chúng ta nghe được cho đến ngày hôm nay là nhạc phẩm của Hoàng Thanh Tâm. Bắt đầu với tiếng hát của Thái Hiền, ái nữ của nhạc sỹ Phạm Duy, ngày nay có thể nói không ngoa là hầu hết các ca sỹ thành danh đều đã từng một lần góp tiếng vào giai điệu đẹp của ‘Tháng Sáu Trời Mưa’ do Hoàng Thanh Tâm sáng tác vào một buổi chiều mưa tháng 06/1987 ở Canberra, Úc Châu.
TÂM SỰ CỦA HOÀNG THANH TÂM VỀ ‘THÁNG SÁU TRỜI MƯA’ (Nguồn: Hoàng Thanh Tâm Blog)
Đây là bản tình ca đã gắn liền với cuộc đời sáng tác của tôi. Và cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận nhất! Vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của bài hát này.
Năm 1987, khi vẫn còn sinh sống tại thủ đô Canberra ở Úc. Một buổi chiều cuối tuần tháng sáu êm ả, tôi lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library), và bất ngờ tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, quy tụ những bài thơ tình tôi và những bạn trung học Pétrus Ký đã chuyền tay nhau trong lớp để cùng đọc…
Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức tôi, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời áo trắng sân trường. Tôi đã photocopy bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa trong tập thơ và mang về nhà để nghiền ngẩm.
Trong niềm cảm xúc dâng trào của đêm mưa tháng sáu tại Canberra, từ trong căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân(Bedsitter) ở O’Connor, tôi đã trải lòng mình bằng những note nhạc chứa chan kỷ niệm của một thời niên thiếu, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa, để rồi từ đó, tình khúc “THÁNG SÁU TRỜI MƯA” đã ra đời…
Photo: Hoàng Thanh Tâm Blog.
Nhạc phẩm này nằm trong Album tình ca HOÀNG THANH TÂM 2, gồm 12 tình khúc mang chủ đề: “KHÚC NHẠC SẦU CHO EM”, phần hòa âm & phối khí của nhạc sư Lê Văn Thiện, do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1987.
Theo một thông lệ bất thành văn, những nhạc phẩm nổi tiếng thường thường phải được những ca sĩ hàng đầu và tên tuổi lừng lẩy như : Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc vv… thâu âm ĐẦU TIÊN.
Thật may mắn cho tôi, dù Thái Hiền không phải là một ca sĩ đang ăn khách lúc đó, nhưng cô đã giúp tôi chắp cánh cho bài hát bay thật xa, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, để trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa Anh lạy trời mưa phong toả đường về Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại Mười ngón tay đừng tà áo mân mê Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
Và hãy nói năng những lời vô nghĩa Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai Hãy để môi rót rượu vào môi Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn Nếu em sợ thời gian dài vô tận
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống Trời không mưa em có lạy trời mưa? Anh vẫn xin mưa phong toả đường về Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu
Hoàng Thanh Tâm là tên thật của nhạc sĩ, ông tự học nhạc qua sách vở, và đã biết sử dụng đàn guitar thành thạo từ nhỏ. Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” của thi sĩ Nguyễn Bính, và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký[3], nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai và được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979.
Ông đã theo học ngành Tin học (L’informatique) 3 năm tại trường Đại học Tự do Bruxelles và một lần nữa ông lại di cư sang Úc Đại Lợi vào năm 1982, và định cư luôn tại Úc cho đến bây giờ…
Trong 3 năm ở Bruxelles, Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của ông, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người. Điển hình là những nhạc phẩm như : “Trả Lại Thoáng Mây Bay”, “Đêm Tha Hương”, “Dáng Xưa”, “Xuân Mơ”, “Đêm Hoàng Lan” (phổ thơ Trần Dạ Từ), “Lời Cho Người Tình Xa”, “Tìm Em” vv…
Nhạc phẩm đầu tay ông viết tại hải ngoại là nhạc phẩm “Trả Lại Thoáng Mây Bay” đã được ca sĩ Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc “Thu Hát Cho Người” do chính Lệ Thu thực hiện năm 1982.
Qua Úc năm 1982, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sống 6 năm đầu tại thủ đô Canberra. Trong thời gian này, ông có rất nhiều hứng khởi sáng tác, và đã tiếp tục viết rất nhiều tình khúc, cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời tiền chiến và cận đại như “Tháng Sáu Trời Mưa” & “Cần Thiết” của Nguyên Sa, “Áo Trắng” & “Buồn Đêm Mưa” và “Tự Tình” của Huy Cận, “Ngập Ngừng” (Em Cứ Hẹn) của Hồ Dzếnh, “Đây Thôn Vỹ Dạ” và “Giọt Lệ Tình” của Hàn Mặc Tử, “Một Mùa Đông” của Lưu Trọng Lư, “Đêm Trăng” của Xuân Diệu, “Một Tháng Giêng” (Đêm Hoàng Lan) và “Tình Tự Mưa” của Trần Dạ Từ, hoàn chỉnh thi phẩm “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính vv…
Sau khi qua Mỹ năm 1986 để thực hiện album đầu tay “Lời Tình Buồn” và album thứ hai “Khúc Nhạc Sầu Cho Em” năm 1987 do trung tâm Giáng Ngọc của Lê Bá Chư phát hành, ông trở về Úc và chuyển về sinh sống ở Sydney năm 1988.
Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện album thứ 3 “Tháng Sáu Trời Mưa” với trung tâm Diễm Xưa của chị Thái Xuân, Hoàng Thanh Tâm gặp lại nhà thơ Nguyên Sa và Du Tử Lê, và sau đó đã trở về Úc với thi sĩ Du Tử Lê để ra mắt đêm thơ & nhạc Du Tử Lê & Hoàng Thanh Tâm tại 2 thành phố Sydney và Melbourne. Từ mối thâm giao đó, Hoàng Thanh Tâm đã cho ra đời 3 tình khúc phổ từ 3 thi phẩm của thi sĩ Du Tử Lê gồm :
“Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi” (Hạnh Phúc Buồn)
“Còn Thơm Tay Quý Phi” (Tay Ngọc)
“Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di” (Kinh Tình Yêu)
Những nhạc phẩm này đều có mặt trong album thứ 4 và thứ 5 của Hoàng Thanh Tâm do trung tâm Giáng Ngọc và Làng Văn phát hành năm 1993.
Sau những hoạt động văn nghệ không ngừng nghỉ tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã mở một trung tâm băng nhạc tại Sydney lấy tên là Hoàng Thanh Tâm Enterprises, và làm đại diện cho trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng tại Úc Châu đến năm 2002 [4]. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm hiện đang định cư tại Sydney, Úc Châu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác của mình.
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương, Hoàng Thanh Tâm luôn mang một nỗi ám ảnh về một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của ông như :
“Tình Ca Người Xa Xứ” , “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc” vv….
Qua những quá trình đóng góp công sức tim óc của nhạc sĩ Hoàng thanh Tâm cho nền âm nhạc ở hải ngoại suốt hơn một phần tư thế kỷ, và đã để lại một số lượng không nhỏ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người Việt ở trong nước cũng như tại hải ngoại, thi sĩ Du Tử Lê đã ưu ái tặng cho người nhạc sĩ họ Hoàng danh hiệu “Con tiểu Phượng Hoàng của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại” [5].
Hôm qua DòngNhạcXưa tình cờ đọc một bài báo đăng trên tờ Lao Động viết về cuộc đời đầy nỗi truân chuyên của cô Cẩm Nhung, kỹ nữ nổi tiếng một thời của Sài Gòn xưa. Phần cuối bài viết, tác giả có nhắc đến bản nhạc ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ của nhạc sỹ Nhật Ngân sáng tác chung với Duy Trung là cảm tác từ cảnh đời éo le của Cẩm Nhung. Thực hư chuyện này ra sao chúng tôi không có tư liệu? Rồi nhạc sỹ Duy Trung là ai? Cho đến giờ chúng tôi cũng không có bất kỳ thông tin gì. Nhạc sỹ Nhật Ngân cũng đã an giấc ngàn thu, bà Cẩm Nhung cũng vừa rời chốn gian trần.
Trên tinh thần gợi nhớ lại Sài Gòn hoa lệ một thời, nhắc nhớ đến dòng nhạc của Nhật Ngân và cầu mong linh hồn bà Cẩm Nhung mau siêu thoát, DòngNhạcXưa trân trọng giới thiệu nhạc phẩm ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ (còn được biết qua tên khác ‘Bài ca cho người kỹ nữ’ hay ‘Tình kỹ nữ’).
BÀI BÁO ‘NỬA THẾ KỶ TỪ VỤ ĐÁNH GHEN RÙNG RỢN NHẤT SÀI GÒN’ (Nguồn: LaoDong.com.vn)
Cách đây đúng nửa thế kỷ, vào giữa năm 1963, tại Sài Gòn đã xảy ra một vụ đánh ghen được coi là rùng rợn nhất thành phố này. Đây cũng là lần đầu tiên ”Hoạn Thư” ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để thanh toán tình địch.
Nạn nhân là cô vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy tên là Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Người thủ ác là một mệnh phụ phu nhân, vợ của một trung tá Sài Gòn. Vụ tạt axit rùng rợn này đã biến cô vũ nữ giàu có, đẹp lộng lẫy thành cô gái mù lòa xấu xí, phải đi ăn mày. Khi còn là vũ nữ, Cẩm Nhung nổi tiếng nhất Sài Gòn, lúc đi ăn mày cô càng “nổi tiếng” hơn, khi luôn đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá thời trên đỉnh cao danh vọng.
Bà lão mù lòa từng là vũ nữ
Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa… Sẽ không có chuyện gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.
Trước ngày miền Nam giải phóng, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với người tình treo trước ngực, lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin lòng thương hại của mọi người. Về sau do bị săn đuổi, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Sau ngày miền Nam giải phóng, người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.
Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Người ta nhận ra bà bởi khuôn mặt gớm ghiếc và đôi mắt mù lòa, hậu quả của vụ tạt axít năm xưa. Và nay, người ăn mày đặc biệt đã vĩnh viễn từ giả cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm nào.
Nữ hoàng vũ trường
Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng, chuyên bưng bê món ăn cho khách. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.
Cẩm Nhung có khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng đặc thù của con gái xứ Bắc. Tạo hóa ban thêm cho cô đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Lúc ấy Sài Gòn có hàng trăm vũ trường, gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà Cẩm Nhung càng có giá, được các vũ trường săn đón như hàng độc, như của quý. Cô được dân chơi Sài Gòn phong là “Nữ hoàng vũ trường”.
Cô đi qua nhiều vũ trường, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Cô vũ nữ 23 tuổi dù đã từng trải trong tình trường đã bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp đầu tiên. Sự già dặn, từng trải, tiêu tiền như nước của gã, cùng với cái lon trung tá rất oai thời ấy đã làm cô vũ nữ sành điệu chấp nhận sa vòng tay bảo bọc của ông ta.
Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chủ yếu là vũ khí và đô-la để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh. Đó là cơ hội vàng để “Thức công binh” tham nhũng, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái.
Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô – một biệt danh giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ mới nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà như phát điên vì ghen. Bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà.
Vụ đánh ghen ghê rợn
Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta, một việc khá bình thường trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô đâu biết rằng, trong lúc cô ngây ngất trong vòng tay của ông trung tá dìu dặt trong những điệu nhảy ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn.
Bà Năm Rađô đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà Năm Rađô tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà, Thức công binh sẽ trở về với vợ con.
Khoảng 22 giờ đêm ngày 17.7.1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3 – 4 giờ sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.
Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do Bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay).
Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Bà cố vấn vốn tính bốc đồng đã làm lớn vụ việc, làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này.
Sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen bằng axít đến nỗi mù lòa, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, ở Sài Gòn bỗng nổi lên phong trào đánh ghen bằng axít. Suốt thời gian dài sau đó, người ta hay dọa những kẻ “giật chồng người khác” câu “muốn 1 ca axít lắm hả?”.
Trên thực tế, sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị nạn, chỉ trong năm 1964 đã có hàng chục ca thanh toán nhau bằng axít được đưa đến các bệnh viện Sài Gòn, hầu hết là do đánh ghen. Dù vậy, các thế hệ sau đều thua cú ra tay dữ dội của bà Năm Rađô. Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung mở màn cho “phong trào” đánh ghen bằng axít ở Sài Gòn, cũng là vụ đánh ghen tàn bạo nhất được ghi nhận ở đất Sài thành cho đến ngày nay.
Khi vụ tạt axít xảy ra, bà Trần Lệ Xuân đang ở nước ngoài, nhưng cũng biết được vụ việc qua báo chí. Một tuần lễ sau bà về tới Sài Gòn, việc đầu tiên là bà chỉ đạo Nha An ninh phải vào cuộc, xử thật nặng những kẻ gây ra tội ác.
Đích thân Trần Lệ Xuân cũng tới thăm Cẩm Nhung, rồi thu xếp đưa cô đi nước ngoài chữa trị, nhưng tất cả đều vô ích, không gì có thể cứu vớt cuộc đời cô vũ nữ. Cả Sài Gòn hồi hộp theo dõi
Không chỉ ra lệnh bắt xử những kẻ tạt axít, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động tất cả các vũ trường, vì theo bà đó là nguồn gốc của ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác.
Bà ra lệnh cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải kỷ luật, hạ cấp hoặc loại khỏi quân đội. Sài Gòn vốn sôi động về đêm, những ngày sau đó trở nên đìu hiu khi mà hàng trăm vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của bà cố vấn.
Các tướng tá Sài Gòn thì khỏi phải nói, chạy lo đủ kiểu để không bị phát hiện là có vợ nhỏ. Sau giờ làm việc, các đấng phu quân ở Sài Gòn chạy thẳng về nhà với vợ con, để cô vợ không nổi hứng tố cáo với bà cố vấn là chồng mình đã có vợ nhỏ thì sự nghiệp nhà binh coi như đổ sông đổ biển.
Con đường công danh, sự nghiệp của Thức “công binh” cũng bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng, ông bị buộc phải giải ngũ, trở về làm dân. Một phiên tòa xét xử vụ tạt axít đã được gấp rút mở sau đó gần 3 tháng. Bà Năm Ra đô và tên du đãng tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, một tên đồng bọn khác bị phạt 15 năm tù. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị kháng cáo, thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của 2 anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong.
Chính trường Sài Gòn sau cái chết của anh em nhà họ Ngô đã rối ren suốt mấy năm trời, không ai quan tâm đến vụ tạt axít cô vũ nữ Cẩm Nhung. Không thấy nền “đệ nhị cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu đưa ra xét xử. Sau đó vợ chồng Thức “công binh” đã chia tay nhau, người chồng về quê sống ẩn dật, còn bà Năm Ra đô thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.
Lại nói về Cẩm Nhung, ca axít đậm đặc đã phá hủy toàn bộ khuôn mặt của cô vũ nữ, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay, chỉ có thể cứu được mạng sống của Cẩm Nhung, còn đôi mắt, khuôn mặt thì không thể cứu chữa.
Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật. Sau đó, vợ chồng bà Trần Lệ Xuân đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Nhật Bản thu xếp đón Cẩm Nhung qua Nhật Bản chữa trị thương tật.
Một ngày cuối tháng 9.1963, Cẩm Nhung được đưa lên máy bay sang Nhật Bản. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, không thể phục hồi dung nhan và đôi mắt cô vũ nữ. Hai tháng sau, Cẩm Nhung trở về nước, lúc Sài Gòn đã đổi chủ. Bà Trần Lệ Xuân từng hứa “bảo bọc trọn đời” cho Cẩm Nhung giờ đã sống lưu vong ở nước ngoài.
Trả thù đời
Từ đỉnh cao danh vọng bỗng chốc rơi xuống tận cùng địa ngục, Cẩm Nhung trong đau khổ tuyệt vọng, đã lao vào đập phá, uống rượu, hút thuốc… Để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng của bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì. Thế nhưng, với khuôn mặt cháy xám, thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, không có người đàn ông tỉnh táo nào đủ can đảm làm tình nhân của cô.
Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè. Mẹ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964.
Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời, tài sản sau mấy năm kiếm được trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là sĩ quan, giờ cô tha hồ đập phá. Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng… Cuối cùng, Cẩm Nhung bán nốt căn nhà với giá gần 200 lượng vàng để có tiền tiêu xài, cô và bà vú Sọ phải thuê nhà ở trọ.
Số tiền bán nhà rồi cũng cạn dần, ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời. Còn lại một mình không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, đôi mắt mù lòa, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn biết đi ăn mày.
Ban đầu, Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào dịp tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, tay chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường. Ban đầu người ta kéo tới xem Cẩm Nhung rất đông, cho tiền cô cũng nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập, đập phá.
Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ, càng ít cho tiền. Không thể ngồi xin một chỗ, Cẩm Nhung cầm gậy dò đường đi xin dọc theo đại lộ Lê Lợi, đường Tự Do, những lối đi một thời in dấu chân cô từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn, đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng, trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.
Ngày ấy, khi đã mù lòa, xấu xí, phải ra đường ăn xin kiếm sống, Cẩm Nhung nhờ người quen phóng to tấm ảnh cô chụp với người tình trung tá công binh Trần Ngọc Thức để đeo trước ngực, vừa để thiên hạ xót thương mà bố thí, vừa để “trả thù đời” đối với kẻ đã tệ bạc bỏ mặc cô đau đớn, bệnh tật, nghèo khó mà không một lời hỏi han, thăm viếng. Ban đầu, sau khi Cẩm Nhung mang tấm ảnh mình và tay trung tá rất đẹp đôi trước ngực, mấy ngày sau có người lạ tới năn nỉ cô đừng trương tấm hình ấy ra nữa, bù lại họ cho cô số tiền kha khá.
Cẩm Nhung không chịu, họ cũng giật đại tấm ảnh, xong để lại trong ca ăn xin của cô một số tiền. Không chịu thua, Cẩm Nhung lại nhờ người thân phóng tấm ảnh khác để đeo, và lại bị họ giật. Sau đó, không chỉ bị giật hình ảnh, mà cô còn bị đánh đập gây thương tích, chỉ vì chuyện ôm tấm hình chụp chung với người tình cũ đi ăn xin khắp Sài Gòn.
Không sống được ở Sài Gòn, Cẩm Nhung âm thầm tìm ra bến xe Miền Tây để lên xe đò về bến phà Mỹ Thuận kiếm sống, vẫn với cái cách ngồi bên lề đường ăn xin, ngực treo tấm ảnh năm nào.
Tại đây, cô cũng bị người lạ giật tấm ảnh. Không chỉ vậy, ai đó đã nhân lúc cô đi ăn xin đã lẻn vào chỗ ở trọ, lục tung đồ đạc của cô, lấy đi tất cả hình ảnh cô chụp chung với người tình trung tá công binh. Kể từ đó, Cẩm Nhung không còn ảnh chụp chung với Thức công binh, cô lấy tấm ảnh chân dung của riêng mình treo trước ngực để đi ăn xin, người đi đường cảm thương phận bạc của cô vũ nữ mà bố thí cho ít tiền giúp cô sống qua ngày trong mù lòa, cô độc.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Cẩm Nhung tiếp tục ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận. Nhưng sau đó chính quyền cách mạng dẹp nạn ăn xin để ổn định trật tự xã hội, Cẩm Nhung được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật. Không chịu được cuộc sống gò bó trong trung tâm, người phụ nữ mù đã lén bỏ trốn về Sài Gòn tiếp tục ăn xin.
Rồi cô lại bị “thu gom”, rồi lại trốn về tận Hà Tiên. Tại đây, Cẩm Nhung lúc thì đi ăn xin quanh quẩn các ngôi chùa, khi địa phương có chiến dịch “thu gom” người ăn xin, cô xin tá túc nhà chùa để được chén cơm, manh áo, vừa quét dọn sân chùa để khuây khỏa nỗi buồn trong cuộc đời bạc bẽo hơn vôi của cô. Kể từ đó, dù tá túc trong nhà chùa hay ăn xin đó đây, Cẩm Nhung không còn đeo tấm hình “nữ hoàng vũ trường” của mình trước ngực nữa.
Trong những năm tháng Cẩm Nhung sau khi bị nạn lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn, cũng là lúc ở Sài Gòn xuất hiện bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ”. Các tác giả viết bài hát này vì xót thương số phận của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Bài hát có đoạn:
Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi Loài người vô tình giẫm nát thân em Loài người vô tình giày xéo thân em Loài người vô tình giết chết đời em…
Trong làng văn nghệ Việt Nam, ‘Mưa rừng’ có lẽ là một hiện tượng đặc biệt nhất, có một không hai. Lý do thật đơn giản: dưới hình thức nào (cải lương, kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình và ca nhạc) thì ‘Mưa rừng’ đều thành công và để lại dấu ấn khó phai mờ. Khởi đi là một vở tuồng cải lương của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng viết năm 1961 với sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga, ngôi sao sáng chói của sân khấu Sài Gòn ngày nào, ‘Mưa rừng’ sau này được dựng lại trên sân khấu kịch nói, rồi điện ảnh và cả truyền hình.
Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng và được đánh giá là sự kiện “cháy vé” lúc bấy giờ.
Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền. Khanh được ông chủ đồn điền mướn lên từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, người giúp việc nhà cho ông Tịnh thầm yêu anh nhưng anh lại yêu Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh, có chồng là Thuyết bị điên vốn nhốt riêng trong phòng không cho ai biết trừ K’Lai. Em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh ba đường, anh bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.[1]
Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.[1]
Câu chuyện hé mở rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc và dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Khanh thuyết phục K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên. Thuyết chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, anh ghen toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến. Tưởng Thuyết còn điên nên ông bắn chết Thuyết để cứu con dâu.[1]
Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn. Cô bỏ đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng. Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì tự thấy mình hèn hạ khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.[1]
Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.
Thầy cai lên ngựa về rồi! Sao K’Lai còn đứng bên đồi ngó theo. Mưa rừng gió lạnh đìu hiu! Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương
BẢN NHẠC ‘MƯA RỪNG’
Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa rừng” được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề -do lúc đó Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 61 và bộ phim năm 62 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh. Trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004 Huỳnh Anh đã ngỏ ý cám ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này.[1][2]. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền…đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.
Bắt đầu được chú ý từ phim đầu tiên của chúng tôi, mấy năm sau Kiều Chinh vào vai quan trọng trong phim Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Phim này quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Năm Châu, Xuân Phát, Ngọc Phu… Đây là bộ phim màu đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, được in rửa và thâu thanh tại Nhật Bản. Phim được giải Tượng Vàng với cốt truyện hay nhất, do dạo diễn Thái Thúc Nha chuyển thể từ kịch bản sân khấu của hai tác giả Hà Triều và Hoa Phượng.
Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm hư cấu, nhiều tình tiết ly kỳ và hấp dẫn, đoạn kết buồn với những cuộc tình tan vỡ, chia ly.
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên? Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?”
Bài hát cùng tên với bộ phim Mưa rừng ấy, Hà Triều và Hoa Phượng đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng cải lương năm 1961 và bộ phim năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện Mưa rừng được liên tục trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ: Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Đức, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, cho đến thế hệ sau: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân…
Đồng thời, bài hát của Huỳnh Anh cũng được phát đi phát lại trên đài phát thanh, về sau được nhiều danh ca trình bày: Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Tất cả đều thành công, và bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu thích một thời ở miền Nam Việt Nam.
Với hầu hết những ai yêu dòng nhạc Trịnh thì không ai mà không biết ‘Một cõi đi về’. Thế nhưng có một chi tiết trong ca từ của bài hát mà DòngNhạcXưa nghĩ là nhiều người sẽ hiểu không đúng. Đó là ‘con tinh yêu thương vô tình chợt gọi’. Rất nhiều ca sỹ khi hát đã sửa thành ‘con tim yêu thương …’ cho dễ hiểu và hợp lý hơn.
Thật ra, theo một bài viết của ca sỹ Thái Hòa, một ca sỹ tài tử đã dày công nghiên cứu nhạc Trịnh thì: (nguồn: Talawas.org)
“Trong tất cả các tập sách đã in bài “Một cõi đi về”, tác giả đều cho in rất rõ chữ “con tinh yêu thương”. Và trong rất nhiều lần họp mặt bạn bè ở Việt Nam và cả ở Paris, Pháp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều có hơn một lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo trong từ “con tinh” này. Chính Thái Hoà là một người trẻ hát nhạc Trịnh, vào năm 1996 khi về nước lần đầu tiên thăm ông cũng đã được nghe chính Trịnh Công Sơn giảng giải: Các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế thường hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”, và cái “con yêu tinh” nhỏ nhắn đó đã đi vào văn học như thế qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát “Một cõi đi về” mà ông yêu thích nhất.”
Trong một bài viết về nhạc sỹ Lam Phương, chúng tôi có nhắc đến quãng thời gian hơn 10 năm ông sang Pháp sống với người em gái sau khi cuộc hôn nhân tưởng như là lý tưởng với ca kịch sỹ Lưu Hồng vào năm 1981. Rồi trong một bài viết khác về nghệ sỹ Lê Tấn Quốc, ông tâm sự về cuộc buồn với nữ danh ca Họa Mi: hai người kết hôn vào năm 1976 và có với nhau 3 mặt con. Năm 1988, trong một chuyến lưu diễn ở Pháp, Họa Mi xin quy chế tị nạn và ở lại luôn Pháp quốc. Cùng sinh hoạt văn nghệ ở Paris với nhau và cảm thông với chuyện tình éo le của Họa Mi và Lê Tấn Quốc, nhạc sỹ Lam Phương đã viết thành ca khúc đầy tâm trạng: Em đi rồi.
Ca sỹ Họa Mi. Photo: http://my.opera.com/diemxuacafe
Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Họa Mi yêu ca hát từ nhỏ và rất được sự khuyến khích của mẹ: “Nếu sợ ba con rầy thì con cứ hát nhỏ nhỏ cho má nghe cũng được”, đó là lời Họa Mi tâm tình trên video Paris By Night Thúy Nga. Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ.
Rời Việt Nam năm 1988, Hoạ Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên Sô (trước 1988). Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm “Đưa Em Xuống Thuyền” của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim’s Sài Gòn. Những ai đã từng ái mộ tiếng hát Họa Mi chắc không thể quên được nhạc phẩm “Em Đi Rồi” của nhạc sĩ Lam Phương đã được Họa Mi trình bày một cách xuất sắc, chừng như tiéng nức nở nghẹn ngào của từng âm thanh rung động trên vành môi, người ca sĩ đáng yêu kia đã gởi gấm đâu đây một phần đời của chính mình? Họa Mi yêu màu trắng và thích nhấn con số 8 (đây là con số “Phát tài” theo sự tin tưởng của người Trung Hoa). Cho đến nay, Họa Mi đã xuất hiện rất nhiều trên băng Paris By Night cũng như đã thâu băng và CD. Ngoài ra, cô còn cộng tác với một số vũ trường tại Paris. Đối với Họa Mi, trong tình yêu, sự thành thật là yếu tố quan trọng hàng đầụ Họa Mi cho rằng được có một mái ấm gia đình là cả một hạnh phúc lớn, còn về cuộc đời, Họa Mi thấy rất ngắn ngủi và mong manh.
Nhiều người có nhận xét rằng Họa Mi rất đẹp không những trên sân khấu mà kể cả ở ngoài đời và cô có một giọng hát trong, thánh thót ở những nốt nhạc cao và ấm áp, tình cảm ỡ những nốt nhạc thấp hơn.
Yêu nhau một thời, xa nhau một đời…
Hơn hai mươi năm rời sân khấu, rời Sài Gòn, Họa Mi đã có một cuộc đời khác. Hai mươi năm nhiều biến động, có thể nói là những biến động nghiệt ngã nhất của đời người, đã làm Họa Mi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn vào những tháng năm này.
Nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, phát hành album đầu tay “Một thời yêu nhau” khi bước vào tuổi 54. Khi số phận bắt chị phải lựa chọn, chị đã lựa chọn gia đình và những đứa con. Phía sau cuộc ra đi nhiều sóng gió của Họa Mi năm 1988 tới Pháp, ít ai biết, đó là cả một sự hy sinh thầm lặng đến quên mình…
Sài Gòn là một ký ức đẹp, mà ở đó chị đã có tất cả. 18 tuổi, khi đang học Trường Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TPHCM), Họa Mi được nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mời đến hát tại nhà hàng Maxim’s, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn khi ấy. Và ngay từ những bài hát đầu tiên “Đưa em xuống thuyền”, “Đưa em qua cánh đồng vàng”, Họa Mi đã là một hiện tượng không trộn lẫn.
Họa Mi được đánh giá là một trong những ca sỹ hiếm hoi được học thanh nhạc bài bản, có nền tảng tốt. Chị nhớ lại, tên chị là Trịnh Thị Mỹ, khi bắt đầu được đi hát, chị lấy tên là Trường My, nhưng ngay buổi đầu tiên đi hát, chị được ông bầu Hoàng Thi Thơ giới thiệu là Họa Mi, và đó chính là cái tên theo chị suốt cuộc đời ca hát.
Sau khi 1975, Họa Mi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để ca hát nữa. Khi ấy chị hai mươi tuổi và bắt đầu theo học ngành Luật. Cho đến một ngày, nhạc sỹ Ngọc Chánh đến tìm chị. Anh nói, thành phố thành lập một đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương. Và anh muốn chị đi hát lại. Khi ấy, đoàn ca nhạc gồm hầu hết những gương mặt quen thuộc trong giới ca nhạc sau này, như Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca… Và chị đã tiếp tục con đường ca hát, với một phong cách mới. Bài hát đầu tiên trên sân khấu là “Bóng cây Kơ nia”, Họa Mi đã hát với tình yêu say đắm của tuổi hai mươi khi ấy.
Năm 1976, Họa Mi lập gia đình với nghệ sỹ saxophone Lê Tấn Quốc. Họa Mi nói, khi ấy cả anh và chị đều có hoàn cảnh giống nhau, nên rất dễ thương nhau. Họa Mi mất ba từ năm 11 tuổi và năm 18 tuổi mẹ chị cũng rời trần thế, bỏ lại chị một mình trong thành phố những ngày nhiều biến động. Hai người yêu nhau 6 tháng thì cưới. Anh vẫn thổi kèn cho chị hát. Và họ đã là một biểu tượng của hạnh phúc.
Nhà báo Cát Vũ nói, hình ảnh vợ chồng Họa Mi – Lê Tấn Quốc là “nguồn cảm hứng” cho lứa nhà báo trẻ của chị khi ấy. Bởi ở họ thể hiện được rất rõ khí chất và tình nghệ sỹ lâu bền… Họ đã sống với nhau hơn 10 năm và có với nhau 3 đứa con.
Lê Tấn Quốc với chứng bệnh mắt bẩm sinh, mắt ngày càng kém hơn. Cuộc sống thành phố những năm 80 của thế kỷ trước bộn bề gian khó. Cặp vợ chồng nghệ sỹ vật lộn tìm đường sống để nuôi ba con nhỏ. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn, nhưng lại không dễ dàng. Và năm 1988, Họa Mi có chuyến đi biểu diễn tại Pháp. Chuyến đi ấy chị đã không trở về.
Sự không trở về của Họa Mi gây ra những sóng gió lớn. Những chuyện sau này, có rất nhiều sự thêu dệt về sự ra đi của chị. Và người ta từng nghĩ, chị sẽ bị… cấm vận vĩnh viễn. Và việc chị ra đi, bỏ lại người chồng mắt bị lòa là một việc làm nhẫn tâm, vô tình vô nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong những người bạn của Họa Mi nhớ lại, khi ấy Họa Mi rất yêu chồng. Và việc chị tìm cách ở lại Pháp, không phải để mưu cầu hạnh phúc riêng tư, cũng không phải vì mục đích chính trị hay bất cứ ham muốn nào khác, mà chỉ vì mục đích là tìm đường chữa đôi mắt cho chồng. Khi ấy, VN chấp nhận cho chị đưa nhạc sỹ Lê Tấn Quốc và ba con sang Pháp để anh có điều kiện chữa mắt. Nhưng, đôi mắt ấy không bao giờ có thể chữa lành. Ngay cả những bác sỹ giỏi nhất tại Pháp cũng đành ngậm ngùi lắc đầu.
Và, người nghệ sỹ từ nhỏ đã sống với cây kèn, quen với những đêm diễn, bỗng chốc phải thay đổi đột ngột, không còn không gian cho âm nhạc nữa, khiến Lê Tấn Quốc trở nên tuyệt vọng. Và anh trở về Việt Nam… Cuộc chia tay ấy mang nhiều nước mắt. Bởi, họ vẫn còn rất yêu nhau. Nhưng cá tính nghệ sỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Câu chuyện tình yêu của Họa Mi – Lê Tấn Quốc đã thành giai thoại trong giới âm nhạc Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua đi, câu chuyện ấy vẫn là một minh chứng sống của tình nghệ sỹ.
Chia tay nhau, xa cách đầy giông bão. Số phận đã buộc họ phải lựa chọn. Nhưng Họa Mi không còn cách nào khác, không thể quay về, buộc phải tiếp tục hành trình sống nơi xứ người, tìm cách mưu sinh và nuôi con. Họ vẫn quan tâm đến nhau, như những người bạn tri kỷ. Mỗi khi chị về nước, đều tìm đến thăm anh. Và khi Họa Mi làm đám cưới với người chồng mới tại nhà hàng Maxim’s, cả gia đình và người vợ mới của Lê Tấn Quốc cũng đến dự.
Phía sau sự xa cách định mệnh lại là những tháng ngày thái bình. Bởi hơn ai hết, cả hai người từng yêu nhau đắm say, hiểu được cái giá của mất mát. Và, đến lúc này, họ vẫn thường xuyên quan tâm tới nhau. Trong đĩa nhạc mới sắp phát hành của Họa Mi, Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm cho chị hát. Trong âm nhạc, họ chưa bao giờ xa nhau.
Họa Mi nhớ lại, khi qua Pháp chị phải tìm mọi cách để được sống tốt và nuôi các con. Khi ấy, chị đi hát vì mưu sinh trong một nhà hàng của người Hoa. Thực khách của nhà hàng rất đa dạng, nhưng những người nghe chị hát không nhiều. Đó là những ngày rất buồn. Khi phải gắn đời nghệ sỹ vào với cơm áo, là khi người nghệ sỹ phải thỏa hiệp và chấp nhận nhiều thua thiệt. Khi ấy, cũng có những lời mời từ các trung tâm biểu diễn tại hải ngoại, nhưng Họa Mi không thể để bỏ các con lại, với những chuyến lưu diễn dài ngày. Thật lâu, chị tham gia vài chương trình ghi hình rồi vội vã trở về Pháp.
Năm 1995, Họa Mi lập gia đình với một kỹ sư gốc Sa Đéc. Anh đã sống nhiều năm ở Pháp và hoàn toàn không biết chị… hát gì. Nhưng họ đã yêu nhau thành thật. Cô con gái của họ đã bước vào tuổi 14 và anh cũng không còn làm kỹ sư nữa. Hai vợ chồng chị mở một xưởng sản xuất bánh ngọt giao cho những nhà hàng tại Paris.
Họa Mi nói, thực ra suốt nhiều năm tôi không đi hát chỉ vì nghĩ mình buộc phải lựa chọn gia đình. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống của những đứa trẻ trong những gia đình thiếu hụt. Tôi đã không giữ được cho con tôi một mái ấm khi qua Pháp, thì phải ráng giữ sao cho con khỏi thiệt thòi. Khi tôi lập gia đình với người chồng mới cũng vì một điều, anh thực sự biết chia sẻ và nâng đỡ các con tôi.
Họa Mi, ở tuổi 54, đã tìm đường trở về Việt Nam, bắt đầu cho những dự định ca hát dang dở. Kể như là một kế hoạch đã muộn. Nhưng chị vẫn làm. Làm cho mình và tri ân những người vẫn còn lưu nhớ giọng hát chị. Một đĩa nhạc tình quen thuộc, nhưng lần đầu tiên chị hát.
Trong lời đề từ đĩa nhạc “Một thời yêu nhau”, Họa Mi viết: “Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu”…
Chị đã không lựa chọn cộng đồng người Việt tại Mỹ để xuất hiện, dù biết những khán giả đó mới là khán giả chính yêu thích những bản nhạc tình xa xưa. Chị nói, chị đã có những ngày tháng đẹp ở thành phố này. Chị ra đi và chị trở về, như một sự trở lại, tìm đến những ân tình cũ. Chị không có ý định gì to lớn, ngoài việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Họa Mi cười, chị đang tìm cách thuyết phục chồng chị về định cư tại Việt Nam. Vì năm tháng xa xôi đã đủ để chị biết, nơi này vẫn là nơi chị đáng sống nhất, trong những ngày còn lại của đời mình…