60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Người Đầu Tiên Hát ‘Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương’

Lang thang trên mạng internet để tìm tư liệu cho loạt bài ’60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014)’, [dongnhacxua.com] thu lượm được một tư liệu quý về dòng nhạc xưa ở miền Bắc.

Nghệ sỹ Văn Hanh với 2 chiếc đĩa rất hiếm hoi còn giữ được, thu âm những bài hát của mình từ năm 1957. Ảnh: Hà Tùng Long
Nghệ sỹ Văn Hanh với 2 chiếc đĩa rất hiếm hoi còn giữ được, thu âm những bài hát của mình từ năm 1957. Ảnh: Hà Tùng Long

NGƯỜI ĐÂU TIÊN HÁT ‘CÂU HÒ BÊN BỜ HIỀN LƯƠNG’
(Nguồn: tác giả Hà Tùng Long đăng trên GiaDinh.net.vn )

Giadinh.net – Lâu nay, mỗi lần nhắc đến bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là người ta nghĩ ngay đến giọng hát ngọt ngào, trong trẻo của nữ Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền. Thế nhưng ít ai biết được, người đầu tiên hát ca khúc này lúc bài hát vừa “ra lò”, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt lại là nam ca sỹ Văn Hanh – một trong những nam ca sỹ khá nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Người ca sỹ ấy giờ đã ở vào tuổi ngoại bát tuần, thế nhưng mỗi lần nhắc đến “Câu hò bên bờ Hiền Lương” , trong ông lại trỗi dậy bao kỷ niệm. 

“Say” hát quên cả ngủ

Tiếp chúng tôi trong phòng khách nhỏ bé của căn hộ tập thể thuộc khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ Văn Hanh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời giải thích về một sự nhầm lẫn mà bao nhiêu năm qua người đời không hay biết, đó là chữ “bến” và chữ “bờ” trong tựa đề bài hát. Theo ông, lúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp gửi bài hát này đến Ban biên tập âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính ông là người đã nhìn thấy tận mắt trong bản thảo nhạc và lời của bài hát đề chính xác là “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và tựa đề đó không chỉ đúng theo cách đặt của tác giả bài hát mà còn đúng với thực tế lúc bấy giờ. Ông nói: “Vào năm 1957, khi bài hát ra đời, đất nước ta đang bị chia cắt làm đôi lấy cầu Hiền Lương làm nơi phân chia ranh giới. Ở phía nam cầu Hiền Lương là đất của địch và ở phía bắc của cầu là đất của ta. Bởi thế, giữa hai bên chỉ có hai bờ đất nhỏ bé chạy dài dọc theo sông Bến Hải chứ làm gì có bến nào để thuyền bè đỗ lại như bây giờ đâu; vậy mà bao năm qua, người ta lại có thể nhầm thành “Câu hò bên bến Hiền Lương…”.

Ông kể, ông đến với bài hát này vừa là một sự tình cờ nhưng cũng như một cái duyên. Vào một buổi tối buồn, ngồi một mình trong phòng chẳng biết làm gì nên ông lang thang lên phòng biên tập xem có bài hát nào mới để tập hát vu vơ cho đỡ buồn. Thường ở phòng biên tập của ban âm nhạc, bao giờ cũng có một phòng để các bài hát, bản nhạc của các nhạc sỹ ở các nơi gửi về. Trong mớ giấy tờ lộn xộn, ông cầm đại một tờ lên, lần giở ra xem thì gặp đúng bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – bài hát đầu tay của nhạc sỹ Hoàng Hiệp vừa mới gửi về được mấy hôm. Xem qua ca từ, nốt nhạc của bài hát, ông như bị cuốn hút bởi thứ âm điệu rất đặc biệt của bài hát này. Ông mang đàn ra vừa tập hát vừa tự đệm nhạc cho mình thì phát hiện là bài hát này rất phù hợp với chất giọng của ông. Ông lại một mình say sưa với bài hát cho đến lúc gà gáy báo sáng mới sực nhớ là mình quên đi ngủ.

nghe-si-van-hanh--tap-album--giadinh.vn--dongnhacxua.com

“Lúc đó, tôi có cảm tưởng như bài hát này nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác để dành cho riêng tôi hát vậy. Bài hát mang âm hưởng dân ca đồng thời lại nuột nà, tình cảm, nó rất phù hợp với khả năng thể hiện của mình. Ngay sáng hôm đó, tôi đã đề nghị với đồng chí phụ trách đoàn ca nhạc của đài cho tôi được hát thu âm bài hát và đã được đồng chí trưởng đoàn đồng ý. Tôi mừng đến nỗi rơi cả nước mắt” – ông bồi hồi nhớ lại.

Theo đúng quy trình, mỗi khi nhận được bài hát từ nhạc sỹ gửi đến, ban biên tập sẽ gửi đến cho ban biên tập nhạc để họ soạn tổng phổ (bản ghi các nốt nhạc đệm của tất cả các loại nhạc cụ dành cho một tác phẩm âm nhạc để các nhạc công nhìn vào đó mà đệm nhạc cho phù hợp hoặc chỉ huy nhìn vào đó để chỉ huy dàn nhạc). Sau đó, ca sỹ sẽ tập hát và ráp nhạc với ban nhạc rồi mới đi thu âm. Thế nhưng với bài hát này, ông đã được phá lệ, bỏ qua khâu soạn tổng phổ mà tập hát và ráp nhạc luôn với nhạc công. “Khi nghe tôi hát thử một vài lần, các anh trong đoàn đã gật đầu đồng ý cho phép ráp nhạc luôn với nhạc công mà không cần tổng phổ. Người đệm đàn cho tôi lúc đó là anh Hoàng Mãnh một pianist khá nổi tiếng thời bấy giờ. Và hai anh em chúng tôi thu âm bài hát này chỉ trong vòng 4 lần là hoàn thiện, sau đó thì được Đài Tiếng nói phát rộng rãi khắp miền Bắc”.

Khóc theo khán giả

Sau khi bài hát được phát sóng rộng rãi trên khắp miền Bắc, Ban biên tập đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài. Nhiều lá thư gửi về cám ơn nhạc sỹ, ca sỹ đã mang lại cho họ một ca khúc thật ý nghĩa, khiến ông vui mừng khôn tả. Trong số những lá thư của khán giả gửi về, ông đã được ban biên tập cho xem bức thư đầy cảm động của một cô gái miền Nam tập kết ra Bắc mà cho đến bây giờ ông vẫn còn nhớ được mấy dòng: “Khi nghe bài hát này, mấy chị em chúng tôi đã ôm nhau khóc nức nở. Càng khóc bao nhiêu, nỗi căm thù giặc Mỹ lại dâng tràn bấy nhiêu. Từng lời ca ngọt ngào, ấm áp mà thiết tha của ca sỹ như đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm của những ngày còn sống trên đất quê hương. Nỗi nhớ quê hương làm cả mấy chị em ngẹn ngào không nói được lời nào… Thay mặt mấy anh chị em người miền Nam đang tập kết ra Bắc cám ơn Đài tiếng nói, cám ơn ca sĩ đã mang đến cho chúng tôi những lời ca tuyệt vời đến thế…”. Vì đây là bài hát mang âm điệu buồn mà lúc bấy giờ chiến trường lại cần những bài mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân nên ông đã không được phép hát bài này trong mỗi lần biểu diễn ở chiến trường.

Ông còn nhớ lần đầu tiên ông biểu diễn bài hát này ở vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), lúc ông đang hát lời 2 thì thấy ở phía dưới sân khấu rất nhiều chị em khóc. Ông càng hát, họ lại càng khóc nhiều hơn. Nhìn chị em khóc, ông đã không thể cầm lòng và định không hát nữa, thế nhưng nhìn những người khác đang say sưa nghe ông hát thì ông không thể dừng lại được. Và không hiểu sao những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má ông cho đến khi ông hát xong bài hát. Lạ thay, khi nhìn thấy nước mắt của ông, nhiều chị em đã không còn khóc nữa mà hướng ánh nhìn ngưỡng mộ về phía ông. Buổi biểu diễn hôm đó, khán giả đã yêu cầu ông hát đi hát lại bài hát này đến 3 lần. Sau mỗi lần ông hát xong là hàng tràng pháo tay ròn rã cất lên, kéo dài hàng chục phút không ngớt. Ông tâm sự: “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà một người ca sỹ như tôi lúc đó có được. Tối hôm đó, tôi đã không ngủ được vì quá vui sướng”.

Sau này, mỗi lần đi biểu diễn ở các tỉnh, cứ hễ lên sân khấu là khán giả lại yêu cầu ông hát bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Và đã một thời, cái tên Văn Hanh nổi lên như một “hiện tượng âm nhạc đặc biệt” mà trong suốt cuộc đời ca hát của mình, ông không bao giờ quên.

 

[footer]