Dòng nhạc Xuân theo năm tháng (Chàm Phương)

Trong nỗ lực để cung cấp thông tin phong phú và đa chiều cho người yêu nhạc xưa, chúng tôi hân hạnh đăng bài viết của tác giả Chàm Phương gởi riêng cho [dongnhacxua.com].

DÒNG NHẠC XUÂN THEO NĂM THÁNG

(Nguồn: tác giả Chàm Phương ở email locin…@yahoo.com gởi riêng cho [dongnhacxua.com])

Tình cờ tìm thấy tấm hình của bốn cựu thành viên của ban nhạc Tiếng Tơ Đồng ngày xưa khiến tôi nghĩ đến những mùa Xuân đằm thắm của quá khứ: tươi tắn và thanh nhã. Do đó tôi xin lấy bốn giọng ca này (Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao) làm nguồn cảm hứng cho vài dòng sau đây về dòng nhạc Xuân mà lẽ ra người ta chỉ viết khi Tết sắp đến.

Ban Tiếng Thời Gian với Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao. Ảnh: casihathanh.wordpress.com
Ban Tiếng Thời Gian với Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương và Quỳnh Giao. Ảnh: casihathanh.wordpress.com

Không rõ dòng nhạc Xuân mà người ta thường hay hát vào dịp Tết chính thức ra đời khi nào, nhưng bài tân nhạc về Xuân xưa nhất mà tôi biết được là “Xuân Nghệ sĩ Hành khúc” của Lê Yên và kế đến là “Xuân và Tuổi Trẻ” của La Hối sáng tác năm 1944. Thập niên 30 và 40 cũng chính là giai đoạn phôi thai của tân nhạc Việt Nam mà, theo nhạc sĩ Phạm Duy, “được sinh sôi nẩy nở trong một bối cảnh lịch sử rất sinh động cho nên nó cũng mang ngay vết tích của thời đại……tại Việt Nam, giữa lúc tân nhạc đang được thành lập, sự phản ứng của thanh niên đối với thái độ của nhà cầm quyền Pháp là đưa ra những bài hát không phải để xưng tụng ‘mẫu quốc’ đang thất trận, mà là để nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của tuổi trẻ…” Không chính thức vỗ tay reo mừng sự tàn lụi của thực dân, nhạc sĩ Lê Yên đã viết: 
 
“Xuân tươi xuân vui 
Xuân đẹp trong ý thơ đẹp trong tiếng ca 
đẹp trong sắc muôn ngàn hoạ Xuân về 
Ta chào xuân khắp nơi 
chào xuân thắm tươi 
chào xuân với bao ngày vui”

(Xuân Nghệ sĩ Hành khúc – Lê Yên)


 
Sau đó 7 năm, trong hoàn cảnh quân đội Nhật đang lấn lướt các thế lực theo Pháp tại Việt Nam, nhạc sĩ gốc Hoa trẻ tuổi La Hối đã sáng tác một giai điệu đầy sức sống theo điệu Valse mà về sau nhà văn Thế Lữ đã đặt lời Việt và cho nó cái tựa đề “Xuân và Tuổi Trẻ”. Theo nhạc sĩ Phạm Duy, “một loại Tân Nhạc khác đã ra đời trong mấy năm 40-44 được hát trong các giới hướng đạo và sinh viên học sinh, với chủ đề là Niềm vui sống và Tình yêu nước”. Thật vậy, bài “Xuân và Tuổi Trẻ” đã kêu gọi giới trẻ: 
 
“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời, 
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo 
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm 
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân tươi “
 
Qua đến đầu thập niên 50, đất nước tương đối yên bình và đó cũng là lúc thính giả Việt Nam được nghe những bài nhạc Tết trong sáng với mục đích thuần túy là chào đón sự vươn mình của mùa Xuân và cũng là những lời chúc Tết hiền hòa, dịu dàng nhất qua âm nhạc. Điển hình là “Gió Mùa Xuân Tới” của Hoàng Trọng đã quay lại với sự lãng mạn của tình yêu cá nhân: 
 
“Nồng ngát hương thơm trời xuân mang niềm nhớ
Cho những kiếp người sống cô đơn
ước mong mùa xuân rắc reo khắp nơi trần thế”
 
hoặc “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương năm 1952 đã được sử dụng như một lời tri ân cho đất nước và dân tộc:
 
“Ước mơ hạnh phúc nơi nơi….
Hương thanh bình dâng phơi phới”
 
Hay “Hoa Xuân” năm 1953 của Phạm Duy đã rũ sạch mối ám ảnh của chiến tranh:
 
“Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về
……
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức reo hoa nở lúc Xuân đầu
……
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già”
 
Sau khi đất nước bị chia cắt, Phạm Đình Chương, tác giả của Ly Rượu Mừng đã cho ra đời một ca khúc Xuân thật hay và thật buồn để nói lên tâm trạng của những người miền Bắc di cư vào Nam. Bài nhạc Xuân đẹp và u uất này đã không được biểu diễn thường xuyên như những bài hát Tết khác vì lý do dễ hiểu:
 
“Xuân tới, muôn cánh hoa đào bay khắp nơi
Hương khói lan dưới mưa nhẹ rơi phơi phới
Chiều dâng, sầu lâng, trên đường về mịt mùng
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương”.
 
(Xuân Tha Hương-Phạm Đình Chương )

Thập niên 60 và 70, cuộc chiến ngày càng leo thang. Từ đó nảy sinh ra một nhánh nhạc Xuân để phản ảnh hoàn cảnh lịch sử mới của đất nước,. Đó là những ca khúc nói về những cái Tết xa nhà của người lính hoặc tâm trạng của những gia đình không được đoàn tụ vào dịp Tết vì hoàn cảnh chiến tranh. Tiêu biểu là “Xuân Này Con Không Về” của Trịnh Lâm Ngân hoặc “Đồn Vắng Chiều Xuân” của Trần Thiện Thanh. Ngoài cái bối cảnh dễ gây xúc động, những bài hát này còn đáng chú ý ở cái chất nhân văn vì trọng tâm của chúng vẫn là những cảm xúc của lòng người trước vẻ đẹp của mùa Xuân và những tình cảm thiêng liêng người lính dành cho ngày Tết. Cái đẹp và tình người đã chiến thắng lòng căm thù và sợ hãi:

 “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con 
khi thấy mai đào nở vàng bên nương 
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về 
nay én bay đầy trước ngõ 
mà tin con vẫn xa ngàn xa “
 
(Xuân này con không về-  Trịnh Lâm Ngân)
 
hoặc
 
“Đồn anh đóng ven rừng mai 
Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa 

Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai 
Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi 
Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang”
 
(Đồn vắng chiều Xuân- Trần Thiện Thanh)

Hình ảnh người chiến sĩ bế súng, vây quanh là hoa vàng rực rỡ, và trong tim không chút hận thù thật là cao thượng! Đó là một bức tranh Xuân với một độ sâu khác thường, chẳng khác nào một thiền sĩ, mặc cho những ràng buộc của thế gian đang vây quanh, đã đủ sự tỉnh táo để vượt qua những cuộc tranh chấp của người đời. Trong bài Phiên Gác Đêm Xuân, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông đã viết:
 
“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
ngở rằng pháo tung bay
ngờ đâu hoa lá rơi…”


 
Ông tâm sự: “Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
….. Mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. ….. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân”
 
Bước qua đầu thế kỷ 21, dòng nhạc Xuân trong nước đã chuyển mình với những ca khúc Xuân mang màu sắc và sự năng động của những thế hệ lớn lên trong hòa bình và khát khao hòa nhập với thế giới bên ngoài. Những bài hát này chẳng những trong sáng và khỏe mạnh (“Hoa Cỏ Mùa Xuân” của Bảo Chấn, “Lắng Nghe Mùa Xuân Về” của Dương Thụ, “Thì thầm mùa Xuân” của Ngọc Châu v.v.) mà còn được trình bày với phong cách hiện đại và kỹ thuật thanh nhạc rất chuyên nghiệp. Tôi cho đó là một sự phát triển tự nhiên và nhất là đáng mừng vì trong sự trẻ trung ta thấy vẫn phảng phất những giai điệu của dân ca. 
 
Xem như nhạc Xuân của Việt Nam đã đi giáp cái chu kỳ của gần một thế kỷ tân nhạc và lúc nào cũng “khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Hy vọng khi Tết đến, ta sẽ nghe nhiều bài nhạc Xuân của nhiều thế hệ khác nhau và cảm nhận những mất mát lẫn may mắn của quê hương được gìn giữ trong dòng nhạc rất đặc biệt này.

[footer]